|
Người tàn tật cần được quan tâm chăm sóc để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng (ảnh minh họa) |
Phòng ngừa tàn tật để nâng cao chất lượng cuộc sống
Có thể nói tàn tật là hậu quả của quá trình bệnh lý, khiếm khuyết và suy giảm chức năng hoạt động cơ thể con người gây ra. Mục tiêu của ngành y tế là bảo vệ, nâng cao sức khỏe để kéo dài cuộc sống cho con người vì sức khỏe tốt được xác định là trạng thái hoàn chỉnh về mặt thể chất, tâm thần và xã hội, đồng thời không có bệnh và tật. Để góp phần cho cuộc sống có chất lượng, việc phòng ngừa tàn tật là một vấn đề khá quan trọng.
Theo các nhà khoa học, các yếu tố quan trọng giúp cho con người có được sức khỏe tốt bao gồm việc bảo đảm vấn đề dinh dưỡng, sử dụng nguồn nước ăn uống và sinh hoạt hợp vệ sinh, có nhiều tiện nghi trong sinh hoạt, có việc làm và thực hiện công việc lao động phù hợp, bảo đảm cuộc sống an toàn trong môi trường tự nhiên và xã hội; được chăm sóc sức khỏe đầy đủ về mặt phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng... Tuy vậy, vấn đề y học phục hồi là yếu tố quan trọng để phòng ngừa sự tàn tật lại chưa thực sự được xã hội quan tâm một cách đúng mức và đầy đủ. Như trên đã nêu, tàn tật là hậu quả của quá trình bệnh lý, khiếm khuyết và suy giảm chức năng hoạt động của cơ thể con người gây ra. Nguyên nhân tác động vào cơ thể con người có thể sinh ra quá trình rối loạn tạo nên bệnh tật. Bệnh là một quá trình rối loạn chức năng của cơ thể, chúng có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống bình thường của bệnh nhân. Bệnh có thể tự khỏi hay được điều trị khỏi hoặc gây tử vong; chúng cũng có thể làm suy giảm chức năng gây nên tàn tật. Thực tế nếu biết được quá trình xảy ra đó, có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điều trị tàn tật và phục hồi chức năng. Khiếm khuyết là sự mất mát, thiếu hụt hay bất thường của cấu trúc và chức năng sinh lý như bị đục thủy tinh thể mắt do bệnh tiểu đường, chậm phát triển trí tuệ do thai suy dinh dưỡng, cụt chân tay sau chấn thương... Nguyên nhân, hậu quả và phân loại tàn tật Tàn tật gây nên cho con người thường do nhiều nguyên nhân khác nhau như: bị mắc bệnh, có tuổi cao, bị tai nạn, có dị tật bẩm sinh, tàn tật này tạo ra tàn tật khác; đồng thời cũng có thể do thái độ sai lệch của xã hội đối với người tàn tật, do chưa có mạng lưới y học phục hồi tốt... Theo các nhà khoa học, hiện nay người tàn tật trên toàn thế giới chiếm khoảng 10% dân số, riêng khu vực Tây Thái Bình Dương có tới hàng trăm triệu người bị tàn tật, trong đó phần lớn chưa được sự chăm sóc của y tế và xã hội một cách phù hợp; nguyên nhân do mắc bệnh và tuổi cao chiếm 85%, do bạo lực và tai nạn 10% và do bẩm sinh 5%. Ở nước ta, số người tàn tật cũng chiếm tỷ lệ khoảng 8% dân số; trong đó trẻ em bị tàn tật 40%, người cao tuổi bị tàn tật 30%, số còn lại thuộc nhóm tuổi lao động; phổ biến nhất là loại tàn tật về cơ quan vận động, năng lực tinh thần và các loại tàn tật có liên quan đến chiến tranh. Trong thực tế, nếu không có các biện pháp phòng ngừa và phục hồi chức năng một cách tích cực và phù hợp sẽ dẫn đến hậu quả của sự tàn tật, làm tác động ảnh hưởng rất lớn đến bản thân, gia đình và xã hội như: 90% trẻ em bị tàn tật thường tử vong dưới tuổi 20, tỷ lệ mắc bệnh hiểm nghèo chiếm tỷ lệ cao; nhiều nơi bị thất học, không có nghề nghiệp, ít có cơ hội lập gia đình, bị xa lánh, tách biệt... Các nhà khoa học đã phân chia sự tàn tật ra làm 3 nhóm khác nhau gồm tàn tật do rối loạn tâm thần, tàn tật về thể chất và đa tàn tật. Tàn tật do rối loạn tâm thần thường được ghi nhận trong môi trường xã hội phát triển, kể cả trẻ em chậm phát triển về tinh thần và trí tuệ. Tàn tật về thể chất thường thấy gồm tàn tật do bệnh ở các cơ quan vận động như: liệt cứng do tổn thương ở não, bại liệt do tổn thương ở tủy, các bệnh về cơ, các bệnh về khớp, liệt do tổn thương thần kinh ngoại vi; tàn tật do bệnh ở các cơ quan giác quan như bệnh về mắt, bệnh về cơ quan thính giác, bệnh về cơ quan phát âm...; tàn tật do bệnh ở các cơ quan nội tạng đối với những trường hợp người có một hoặc nhiều cơ quan mất chức năng như các bệnh tim mạch, bệnh sinh dục và tiết niệu, bệnh về nội tiết... Đa tàn tật là các trường hợp đồng thời cùng một lúc mắc cả hai loại tàn tật trở lên như vừa điếc vừa mù, vừa câm vừa điếc... Trong những hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, các nhà khoa học chỉ nêu lên 7 nhóm tàn tật thường gặp gồm: khó khăn về vận động, khó khăn về học tập, khó khăn về nhìn, khó khăn về nghe và nói, người có hành vi xa lạ, người bị động kinh, người bị mất cảm giác do bệnh phong. Phòng ngừa tàn tật Có thể nói việc phòng ngừa tàn tật là trách nhiệm quan trọng của tất cả mọi người và toàn xã hội, trong đó nhân viên y tế giữ vai trò nòng cốt. Đây là một quá trình bao gồm các biện pháp phòng bệnh, đề phòng tàn tật và ngăn chặn hậu quả do tàn tật gây nên. Phòng ngừa tàn tật muốn đạt được hiệu quả tốt thì phải sử dụng mọi khả năng để làm giảm đến mức thấp nhất số người bị tàn tật trong xã hội. Vì vậy cần chú trọng đặc biệt đến vấn đề xây dựng ngành y học phục hồi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế và xã hội của đất nước. Để người bình thường và bệnh nhân tránh được khiếm khuyết có thể tàn tật, việc phòng ngừa tàn tật phải thực hiện đủ 3 bước. Bước 1: Cần phải thực hiện việc tiêm chủng các loại vắc-xin phòng bệnh cần thiết; phát hiện, điều trị đúng và kịp thời các bệnh mắc phải; bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt đối với các bà mẹ và trẻ em; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em; thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình; cung cấp nguồn nước đủ nhu cầu sinh hoạt và bảo đảm vệ sinh; làm trong sạch môi trường tự nhiên và xã hội; phát triển hợp lý mạng lưới điều trị bằng phương pháp vật lý và phục hồi chức năng, đặc biệt là phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; đồng thời sự khiếm khuyết có thể dẫn đến giảm khả năng, chúng làm mất hoặc làm giảm một hay nhiều khả năng nào đó của cơ thể như: không nhìn rõ do đục thủy tinh thể, trẻ em chậm phát triển trí tuệ do não bị tổn thương, không đi lại và cử động được cho cụt chân tay... Bước 2: Cần phát hiện sớm các khiếm khuyết, điều trị đúng và kịp thời; bố trí, sắp xếp nghề nghiệp phù hợp; thực hiện chế độ giáo dục đặc biệt, phát triển tốt mạng lưới phục hồi chức năng. Bước 3: Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tình trạng giảm khả năng dẫn đến tàn tật; triển khai phục hồi chức năng ở tất cả các cơ sở điều trị và nơi có nguy cơ khiếm khuyết, giảm chức năng và tàn tật; dùng các dụng cụ trợ giúp, chỉnh hình và thay thế có kỹ thuật thích hợp; các phương pháp phục hồi chức năng thường được sử dụng là liệu pháp vật lý, dạy nói, vận động, giáo dục đặc biệt, đào tạo và bố trí nghề nghiệp phù hợp... Phục hồi chức năng Phục hồi chức năng là dùng các biện pháp y học, xã hội, kỹ thuật, kinh tế, giáo dục đặc biệt, làm giảm yếu tố khiếm khuyết có thể gây nên tàn tật, bảo đảm cho trẻ em tàn tật hội nhập và người lớn tàn tật tái hội nhập trong xã hội để có được cuộc sống bình thường với điều kiện và hoàn cảnh cho phép. Hiện nay việc phục hồi chức năng ngoài vấn đề nhân đạo, chúng còn là cơ sở bảo đảm nguồn nhân lực và kinh tế khá lớn cho xã hội. Đây là một ngành khoa học y học đòi hỏi người tàn tật, kể cả gia đình của họ, nhân viên y tế và các tầng lớp xã hội phải tham gia xây dựng kế hoạch và phương pháp thực hiện mới hy vọng có kết quả tốt vì phục hồi chức năng không chỉ là một nghệ thuật chữa bệnh đặc biệt mà còn là một phương pháp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người tàn tật thích ứng, khắc phục tình trạng khiếm khuyết, tình trạng suy giảm chức năng và sự tàn tật cùng hậu quả để lại của chúng. Đối với những người mù, điếc hoặc câm; trẻ em chậm phát triển trí tuệ; xã hội phải tạo điều kiện cho các đối tượng này rèn luyện tái thích nghi và có khả năng tham gia hoạt động phù hợp để họ tồn tại, phát triển độc lập càng nhiều càng tốt. Do đó việc phát triển ngành phục hồi chức năng là một yêu cầu đặc thù của nền y học tiên tiến với 3 hình thức thực hiện gồm: phục hồi chức năng tại bệnh viện, phục hồi chức năng ngoài trung tâm phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Phục hồi chức năng tại bệnh viện là phục hồi chức năng ở tuyến cao nhất, đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp với mục tiêu là để người tàn tật hội nhập với xã hội; nếu phục hồi chức năng tại bệnh viện thì sau khi ra viện người tàn tật phải được thích ứng thêm một lần nữa, do đó vai trò của trung tâm phục hồi chức năng nên giới hạn trong một số chức năng đặc biệt như đào tạo, nghiên cứu, hướng dẫn, phục vụ cộng đồng. Phục hồi chức năng ngoài trung tâm phục hồi chức năng được nhân viên y tế cơ sở tổ chức phục hồi tại chỗ, mặc dù cách thực hiện này có kết quả nhưng trong thực tế rất khó duy trì có hiệu quả. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là phương pháp phục hồi ngay tại nhà; chủ yếu là do bản thân người tàn tật, người nhà bệnh nhân hay nạn nhân, nhân viên y tế địa phương thực hiện; phương tiện kỹ thuật áp dụng phải thích ứng phù hợp và đây được xem là biện pháp có hiệu quả cao. Lời khuyên của thầy thuốc Tàn tật là hậu quả của quá trình bệnh lý, khiếm khuyết và suy giảm chức năng hoạt động của cơ thể con người gây ra. Vì vậy nếu biết rõ quá trình tàn tật, xây dựng chiến lược phòng ngừa tàn tật một cách phù hợp, thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng có hiệu quả, đặc biệt là phương pháp phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...; chúng sẽ có tầm quan trọng rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng người dân ngày càng tốt hơn. Với xã hội ngày càng phát triển, tất cả những người tàn tật đều phải được mọi người quan tâm thích đáng và chăm sóc đầy đủ để giúp họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.
|