Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 9 9 8 9 8
Số người đang truy cập
5 0 3
 Chuyên đề Dịch tễ học
Hệ thống thủy điện, thủy lợi tỉnh Gia Lai gắn liền lợi kinh tế Với bảo vệ sức khỏe cộng đồng khu vực thủy điện, thủy lợi
Thực trạng, nguy cơ và hình thái sốt rét cộng đồng khu vực thủy điện, thủy lợi tỉnh Gia Lai

Nghiên cứu được tiến hành tại hai khu vực thủy điện, thủy lợi tỉnh Gia Lai trong 2 năm (2014-2015). Nắm vững thực trạng, nguy cơ và hình thái sốt rét của cộng đồng các khu vực thủy điện, thủy lợi có cơ sở khoa học đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp với mục tiêu chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét ở tỉnh Gia Lai cũng như cả nước.

Tỉnh Gia Lai có đặc điểm tự nhiên (địa hình, sinh cảnh, khí hậu) thuận lợi cho muỗi Anopheles và ký sinh trùng sốt rét phát triển; đặc biệt là hệ thống thủy điện, thủy lợi chằng chịt hầu khắp địa bàn làm thay đổi diện mạo sinh cảnh ban đầu tạo nên các sinh cảnh sốt rét đặc trưng và hình thái sốt rét so với trước đây. Nghiên cứu tiến hành 2 năm (2014-2016) ở khu vực thủy điện Sê San tại Ia Khai (huyện Ia Grai) và Ia Kreng (huyện Chư Păh); thủy điện, thủy lợi Krong Pa tại 2 xã Chư Gu và Ia Mlăh; điều tra dọc hồi cứu số liệu 15 năm (2001-2015) về bệnh nhân sốt rét (BNSR) và ký sinh trùng sốt rét (KSTSR); điều tra cắt ngang trong 2 năm (2014-2015) tại 4 điểm nghiên cứu vào 4 thời điểm trong năm xác định các chỉ số BNSR, KSTSR, chỉ số lây lan (giao bào) và lưu hành (lách sưng). điều tra kiến thức, thái độ, thực hành (KAP) phòng chống sốt rét:chọn mẫu ngẫu nhiên thuận tiện với cỡ mẫu điều tra 800 người (đại diện 800 hộ) thuộc 8 thôn của 4 xã nghiên cứu.


Người dân sống ở khu vực thủy điện, thủy lợi phải vào rừnglàm rẫy xa hàng chục cây số tạo nên hình thái sốt rét di biến động ở nhóm dân đi rừng, ngủ rẫy


Các yếu tố lan truyền tự nhiên sốt rét: Người (Human), Muỗi (Mosquito) và Ký sinh trùng (Plasmodium) liên quan chặt chẽ tới yếu tố môi trường (Environment)

Thực trạng sốt rét tại một số khu vực thủy điện, thủy lợi tỉnh Gia Lai

Thực trạng sốt rét thời điểm nghiên cứu được phác họa thành bức tranh toàn cảnh dựa vào số liệu hồi cứu (theo dõi dọc), chỉ số hiện mắc (điều tra ngang) và KAP mô tả các yếu tố lan truyền sốt rét bao gồm tác nhân gây bệnh (KSTSR), nguồn bệnh (BNSR), trung gian truyền bệnh (muỗi Anopheles) và khối cảm thụ (đối tượng nguy cơ) tại cộng đồng khu vực nghiên cứu.


Nhiều tài liệu trong và ngoài nước đề cập đến một số yếu tố môi trường tác động lên bệnh sốt rétvà các bệnh ký sinh ở người

Thực trạng sốt rét ở khu vực thủy điện Sê San

Tổng số BNSR khu vực thủy điện Sê San tại Iagrai và Chư Păh giảm dần qua các giai đoạn, chỉ số trung bình BNSR, SD và Mean + 2 SD nằm trong tầm kiểm soát dịch bệnh.


Hình.1. Diễn biến BNSR huyện Ia Grai qua các giai đoạn từ 2001-2015


Các hệ thống thủy điện, thủy lợi đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo sốt rét, đây là một trong những khu tái định cư thuộc huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai)

BNSR huyện Ia Grai xuất hiện quanh năm (biểu đồ 3.1), đỉnh cao 2001-2005 vào tháng 10-11 có xu hướng kéo dài ở các giai đoạn 2006-2010 tháng 9-11 và 2010-2015 tháng 7-11.


Hình 2. Diễn biến BNSR huyện Chư Păh qua các giai đoạn từ 2001-2015

BNSR huyện Chư Păh xuất hiện quanh năm (biểu đồ 3.2), đỉnh cao 2001-2005 tháng 10-11 có xu hướng kéo dài ở các giai đoạn 2006-2010 tháng 9-11 và 2010-2015 tháng 7-1 năm sau.


Đường vào thủy điện Ialy, thuộc hệ thống thủy điện Sê San, huyện Chưpah

Diễn biến KSTSR khu vực thủy điện Sê San tại hai huyện Ia Grai và Chư Păh các giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010 P.falciparum chiếm ưu thế tuyệt đối trong cơ cấu chủng loại KSTSR (85-95%) nhưng đến 2011-2015 giảm đi thay vì P.vivax tăng lên (40-50%).

Bảng 1. Chỉ số hiện mắc sốt rét tại Ia Khai (Ia Grai) và Ia Kreng (Chư Pah) 2014-2015

Thời gian điều tra

Xã Ia Khai, huyện Ia Grai

Xã Ia Kreng, huyện Chư Păh

Số khám

BNSR (SL/%)

KSTSR (SL/%)

Giao bào (SL/%)

Số khám

BNSR (SL/%)

KSTSR (SL/%)

Giao bào (SL/%)

Tháng 9/2014

400

0

0

0

400

0

1 (0,25)

0

Tháng 11/2014

400

1 (0,25)

0

0

400

2 (0,5)

0

0

Tháng 4/2015

407

0

0

0

403

1 (0,25)

1 (0,25)

0

Tháng 7/2015

401

2 (0,5)

0

0

401

0

0

0

Các thời điểm điều tra (bảng 3.1) tại xã Ia Khai (huyện Ia Grai), BNSR rất thấp (0,25-0,5%), không phát hiện KSTSR; tại xã Ia Kreng (Chư Păh) các chỉ số sốt rét rất thấp, BNSR (0,25-0,5%), KSTSR (0,25%), không phát trường hợp nhiễm giao bào.


Toàn cảnh khu vực nghiên cứu thủy điện, thủy lợi Krong Pa , nơi có tình hình sốt rét nặng nhất tỉnh Gia Lai và cả nước

Thực trạng sốt rét khu vực thủy điện, thủy lợi Krông Pa

Tổng số BNSR Krong Pa giảm từ 2001-2005 (7.340 ca) đến 2006-2010 (3.205 ca), sau đó tăng từ 2011-2015 (8.623 ca) nhưng chỉ số trung bình BNSR, SD và Mean + 2 SD dự báo dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát.


Hình 3. Diễn biến BNSR huyện Krông Pa qua các giai đoạn 2001-2015

BNSR ở Krông Pa xuất hiện quanh năm (biểu đồ 3.3), đỉnh cao 2001-2005 tháng 10-12 có xu hướng kéo dài ở giai đoạn 2006-2010 tháng 9-12 và 2011-2015 tháng 7 đến 1-2 năm sau.

Diễn biến KSTSR khu vực thủy điện, thủy lợi Krông Pa 2001-2005 và 2006-2010 P.falciparum chiếm ưu thế tuyệt đối (90-93%) đến 2011-2015 giảm còn 52,7%, tỷ lệ P.vivax tăng (44,4%), còn lại là phối hợp P.f+p.v (2,9%) và 1 trường hợp P.malariae (0,01%).

          - Các chỉ số sốt rét hiện mắc ở khu vực thủy điện, thủy lợi Krông Pa:

Bảng 2. Chỉ số hiện mắc sốt rét Krông Pa tại Chư Gu và Ia Mlăh 2014-2015

Thời gian điều tra

Thủy điện Đăk Srong

Thủy lợi Ia Mlah

Tại xã Chư Gu

Tại xã Ia Mlah

Số khám

BNSR (SL/%)

KSTSR (SL/%)

Giao bào (SL/%)

Số khám

BNSR (SL/%)

KSTSR (SL/%)

Giao bào (SL/%)

Tháng 9/2014

400

2 (0,5)

5 (1,25)

3 (0,75)

400

0

1 (0,25)

1 (0,25)

Tháng 11/2014

411

12 (2,92)

6 (1,46)

3 (0,73)

400

6 (1,5)

7 (1,75)

4 (1,0)

Tháng 4/2015

400

7 (1,75)

3 (0,75)

3 (0,75)

400

6 (1,5)

0

0

Tháng 7/2015

406

6 (1,48)

3 (0,74)

3 (0,74)

372

8 (2,15)

2 (0,54)

1 (0,27)

Tháng 11/2015

400

1 (0,25)

2 (0,50)

1 (0,25)

407

1 (0,25)

2 (0,49)

2 (0,49)

Các thời điểm điều tra 2014-2015 (bảng 3.2) tại Chư Gu phát hiện BNSR (0,25-2,92%), KSTSR (0,5-1,25%) và giao bào (0,25-0,75%); tại Ia Mlah phát hiện BNSR (0,25-2,15%), KSTSR (0,25-1,75%) và giao bào (0,25-1%) chủ yếu ở các nhóm tuổi> 9-16 và > 16.

Tất cả BNSR, KSTSR và giao bào (bảng 1 và 2) trong điều tra cắt ngang đều xác định bị nhiễm từ trong rẫy (trong rừng và bìa rừng), không nhiễm bệnh trong làng.


Cán bộ y tế địa phương khám phát hiện dịch bệnh tại cộng đồng

Diễn biến chỉ số mắc sốt rét (2001-2015)

- Diễn biến chỉ số mắc sốt rét (BNSR và KSTSR) 15 năm (2001-2015) ở khu vực nghiên cứu thấy BNSR giảm dần theo giai đoạn 5 năm ở Ia Grai và Chư Pah nhưng lại tăng ở Krông Pa từ 2011-2015 (3.600-4.800 ca); tỷ lệ KSTSR tăng cao > 10%; Mean + 2SD (3.104,2) cao gấp 3 lần so với 2006-2010 (1.289,9) cùng 4 ca tử vong sốt rétnên Krong Pa được coi là “điểm nóng” sốt rét của tỉnh Gia Lai cũng như cả nước. Trong khi ở Sê San (tại Ia Grai và Chư păh), BNSR giảm dần theo giai đoạn nhưng đến 2011-2015 KSTSR hầu như không giảm so với trước đây.

Tại Việt Nam, một số công trình thủy điện lớn như Hòa Bình (1979-1993), Ialy, Gia Lai (1993-2000) trong quá trình xây dựng đã xảy ra nhiều vụ dịch sốt rét gây thiệt hại lớn cho sức khỏe công nhân và dân cư trong vùng. Đặc biệt ở thủy điện Ialy, số BNSR tăng đột biến ở 2 huyện Chư Păh (Gia Lai) và Sa Thầy (Kon Tum), hàng năm trung bình có trên 2.400 BNSR và 3 TVSR, nhất là năm 1993 có trên 4.600 người mắc sốt rét và 14 người chết sốt rét ở khu vực thủy điện này. Trước thực trạng sốt rét giai đoạn 2011-2015, nhất là biến động sốt rét ở huyện Krong Pa các Viện Sốt rét-KST-CT (2016) cùng với ngành y tế địa phương và chính quyền tỉnh Gia Lai đã phải tăng cường giám sát, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực đầu tư để khống chế sự gia tăng sốt rét.


Từ năm 2011-2015 tình hình sốt rét Gia Lai tăng cao nhất nước, cán bộ y tế từ các tuyến trung ương đến tỉnh, huyện phải tăng cường biện pháp ngăn chặn

- Sự thay đổi cơ cấu KSTSR: 2 giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010, P.falciparum chiếm ưu thế tuyệt đối (85-95%), P.vivax thấp hơn (5-15%), phối hợp (P.f + P.v) và P.malariae rất thấp (0,1-0,2%). Đến 2011-2015 cơ cấu KSTSR thay đổi rõ rệt, P.falciparum giảm đi (48,4-54%), P.vivax tăng cao hơn (43-49,2%) phù hợp với Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn (2016) về sự đảo chiều cơ cấu KSTSR ở miền Trung-Tây Nguyên 2011-2015 so với trước đây.

P.falciparum có xu hướng giảm, ngược lại P.vivax có chiều hướng tăng lên qua các năm nhưng trung bình 5 năm 2011-2015 thì P.falciparum (56,48%) vẫn trội hơn chút ít so với P.vivax (40,03%) tương tự kết quả nghiên cứu. Trong giai đoạn 2011-2015, P.falciparum ở Krong Pa (52,7%); thủy điện Sê San tại Chư Pah (54%) trội hơn P.vivax trong khi Ia Grai (48,4%) tương đương với P.vivax (49,2%). P.falciparum là chủng đa kháng thuốc sốt rét, trong đó kháng cao với chloroquine, sulfadoxin+pyrimethamin (Fansidar); kể cả các thuốc hiệu lực cao như mefloquine và artemisinine; thậm chí có nguy cơ kháng với trị liệu phối hợp artemisinine (ACTs),đồng thời là tác nhân gây sốt rét ác tính. Sự giảm tỷ lệ P.falciparum sẽ hạn chế đáng kể tình trạng kháng thuốc cũng như các biến chứng sốt rét do chủng này gây nên. Tuy nhiên, sự nổi trội của P.vivax hiện nay cũng gây khó khăn không nhỏ trong điều trị vì gây sốt rét tái phát xa (relapse) do có thể ngủ hay thể ẩn (hypnozoites) trong tế bào gan phải điều trị dài ngày (primaquine 14 ngày).


Đ
iều tra cắt ngang chỉ số sốt rét hiện mắc tại khu vực nghiên cứu

Kết quả điều tra cắt ngang chỉ số sốt rét hiện mắc (2014-2015)

- Mặc dù BNSR và KSTSR (2011-2015) tăng rất cao nhưng kết quả điều tra cắt ngang tại các điểm nghiên cứu (2014-2015) tỷ lệ sốt rét lại rất thấp: BNSR (0,25-2,92%), KSTSR (0,25-1,75%). Sự khác biệt này là do điều tra tại cộng đồng thấp hơn so với kết quả xét nghiệm đối tượng có sốt ở cơ sở điều trị các tuyến phù hợp với Trần Quốc Túy và cs (2006) theo dõi dọc và điều tra ngang ở khu vực thủy điện Sơn La 3 năm liền (tháng 1/2002-9/2005) đều không phát hiện KSTSR, SRAT, TVSR và dịch sốt rét; Lê Đình Công và cs (1998-2000) cũng tại thủy điện Sơn La tỷ lệ mắc sốt rét trong thời điểm nghiên cứu tuy có tăng hơn nhưng không đáng kể, tỷ lệ mắc SR/1.000 dân là 82 (năm 1998) và 10,5 (năm 1999). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu tại thủy điện, thủy lợi Krong Pa: BNSR (0,25-2,92%), KSTSR (0,25-1,75%) cao hơn Sê san: BNSR (0,25%-0,50%), KSTSR (0,25%) phù hợp với diễn biến sốt rét 2011-2015 cũng như sự khác biệt về vùng khí hậu và đặc thù dịch tễ học tại Krong Pa so với các huyện khác trong tỉnh Gia Lai.

- So sánh kết quả điều tra giữa 2 khu vực nghiên cứu thấy chỉ số KSTSR cũng như BNSR ở Krong Pa cao hơn thủy điện Sê San và xuất hiện giao bào ở hầu hết các thời điểm điều tra trong năm. Trong khi, cả 2 điểm nghiên cứu ở khu vực thủy điện Sê San tỷ lệ BNSR và KSTSR rất thấp, thậm chí tại Ia Khai (Ia Grai) không phát hiện trường hợp KSTSR nào trong tất cả các đợt điều tra. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và biện pháp phòng chống sốt rét ứng dụng cho vùng phát triển công trình thủy điện Sơn La (Lê Đình Công và cs., 2001) cho thấy các kết quả theo dõi dọc về tỷ lệ mắc KSTSR tại 7 xã nghiên cứu của đề tài trong 2 năm (1998-1999) rất thấp (0,03%) nhưng lại cao gấp 1,2 lần tỷ lệ mắc sốt rét chung toàn tỉnh và gấp 1,4 lần ở các vùng đang thi công công trình.


Nghề nghiệp chính của người dân khu vực thủy điện, thủy lợi là làm lúa rẫy và trồng mỳ

Nguy cơ sốt rét ở cộng đồng khu vực thủy điện, thủy lợi tỉnh Gia Lai

Đánh giá nguy cơ sốt rét cộng đồng khu vực thủy điện, thủy lợi dựa vào kết quả điều tra KAP, đặc điểm sống, dân tộc, nghề nghiệp và tập quán dễ phơi nhiễm sốt rét.

Đặc điểm đối tượng nguy cơ

Kết quả điều tra kiến thức-thái độ-thực hành (KAP) 800 người (tuổi từ 15-70) đại diện cộng đồng 4 xã nghiên cứu (mỗi xã 200 người điều tra) thuộc 2 khu vực thủy điện, thủy lợi.

Bảng 3. Đặc điểm đối tượng nguy cơ

Đối tượng nguy cơ

Thủy điện Sê San

(n = 400)

Thủy điện, thủy lợi Krong pa

(n = 400)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Giới tính

Nam

235

58,75

230

57,5

Nữ

165

41,25

170

42,5

Nghề nghiệp

Nông nghiệp

378

94,5

382

95,5

Khác

22

5,5

18

4,5

Dân tộc

Gia Rai

398

99,5

400

100,0

Kinh

2

0,5

0

-

Trình độ văn hóa

Cấp 1-2

374

93,5

324

81,0

Cấp 3

26

6,5

70

17,5

Mù chữ

0

-

6

1,5

Tiếng Kinh

Biết

400

100,0

394

98,5

Không biết

0

-

6

1,5

Mắc sốt rét

Chưa mắc

383

95,75

347

86,75

Đã mắc

17

4,25

53

13,25

Đối tượng nguy cơ sốt rét (bảng 3.7) chủ yếu là nam giới (58%), nghề nông (95%), dân tộc Gia Rai (99,9%), văn hóa cấp 1-2 (85%), biết tiếng Kinh (99%) dễ tiếp cận truyền thông. Chưa mắc sốt rét (91,25), số mắc sốt rét ở Krong Pa (13,25%) cao hơn sê San (4,25%).


Một nhà rẫy không có phên vách trong rừng, nguy cơ phơi nhiễm sốt rét cao

Các yếu tố nguy cơ

- Nghề nghiệp dễ phơi nhiễm sốt rét:

Bảng 4. Nghề nghiệp dễ phơi nhiễm sốt rét của cộng đồng khu vực thủy điện, thủy lợi

Nghề nghiệp dễ nhiễm sốt rét

Thủy điện Sê San

(n = 400)

Thủy điện, thủy lợi Krong pa

(n = 400)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Canh tác

Làm rẫy

378

94,5

382

95,5

Làm ruộng

12

3,0

10

2,5

Nghề khác

10

2,5

8

2,0

Thời gian vào rẫy

Theo tháng

50

13,2

76

19,9

Thường xuyên

272

72,0

290

75,9

Không ổn định

56

14,8

16

4,2

Thời điểm vào rẫy

Mùa mưa

67

17,7

94

24,6

Mùa khô

37

9,8

32

8,4

Cả năm

274

72,5

256

67,0

Ngủ lại rẫy

Thường xuyên

103

27,2

184

48,2

Thỉnh thoảng

71

18,8

14

3,6

Không ngủ lại

204

54,0

184

48,2

Khoảng cách từ nhà đến rẫy

1-5 km

7

1,9

52

13,6

5-10 km

46

12,2

91

23,8

10-20km

325

85,9

239

62,6

Nghề nghiệp dễ phơi nhiễm sốt rét (bảng 3.8) làm rẫy (95%), thời gian vào rẫy thường xuyên (74%), thời điểm vào rẫy cả năm (70%), đặc biệt mùa mưa (21,5%) là mùa sốt rét. Tỷ lệ ngủ lại rẫy thường xuyên ở Krong Pa (48,25%) cao hơn Sê San (27,25), khoảng cách từ nhà đến rẫy 10-20km (74,5%) do không còn đất canh tác gần nhà.


Cấu trúc nhà ở trong làng tương đối kín đáo ven trục lộ giao thông ít bị phơi nhiễm sốt rét

- Cấu trúc nhà rẫy trong rừng dễ phơi nhiễm sốt rét:

Hầu hết nhà ở trong làng cách xa rừng > 500m (99%) cùng cấu trúc kiên cố như nhà trệt, tường vách kín(gỗ, đất, gạch) hạn chế muỗi sốt rét xâm nhậpnhưng nhà rẫy trong rừng là nhà sàn (88%), tường vách tre nứa (18,8-24,9%) dễ phơi nhiễm sốt rét hơn.


Điều tra phỏng vấn KAP về phòng chống sốt rét tại cộng đồng

Kiến thức, thái độ và thực hành phòng chống sốt rét của cộng đồng:

Bảng 3.5. Kiến thức, thái độ và thực hành PCSR của cộng đồng thủy điện, thủy lợi

KAP

Thủy điện Sê San

(n = 400)

Krong pa

(n = 400)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Kiến thức

(K)

Triệu chứng sốt rét

Biết

400

100,0

400

100,0

Không biết

0

0

0

0

Đường lây truyền

Đúng

152

38,0

142

35,5

Không đúng

110

27,5

110

27,5

Không biết

194

48,5

252

63,0

Thái độ

(A)

Làm gì khi bị sốt rét

Đến cơ sở y tế

367

91,75

286

71,5

Tự điều trị

16

4,0

79

19,75

Không làm gì

17

4,25

35

8,75

Đề nghị PCSR rừng

Mang màn, võng

6

1,5

24

6,0

Mang thuốc SR

4

1,0

6

1,5

Không đề nghị

390

97,5

370

92,5

Thực hành (P)

PCSR khi đi rừng/rẫy

Mang màn, võng

248

62,0

358

89,5

Mang thuốc SR

230

57,5

216

54,0

Ngủ màn tẩm

Có

158

39,5

204

51,0

Không

146

36,5

84

21,0

Không biết

96

24,0

112

28,0

Phun tồn lưu hóa chất

Có

92

23,0

284

71,0

Không

252

63,0

68

17,0

Không biết

56

14,0

48

12,0

Thời gian vào màn

18-20h

6

1,5

30

7,5

20-22h

278

69,5

210

52,5

> 22h

116

29,0

160

40,0

Giặt màn sau tẩm

Có

77

19,25

156

39,0

Không

323

80,75

244

61,0

Kiến thức (K): 100% biết triệu chứng sốt rét chỉ 36,75% đúng về đường lây (do muỗi), 27,5% không đúng (ruồi, nước độc, ma quỷ) và 55,75% không biết. Thái độ (A): khi bị sốt đến cơ sở y tế ở Sê San (91,75%) cao hơn Krong Pa (71,5%); tự điều trị ở Krong Pa (19,75%) cao hơn Sê San (4%), không làm gì khi bị sốt chiếm tỷ lệ thấp (4,25-8,75%), không đề nghị PCSR khi đi rừng rẫy quá cao (92,5-97,5%).Thực hành (P): cộng đồng ở Krong Pa đi rừng rẫy mang theo màn/võng (89,5%) cao hơn Sê San (62%), mang theo thuốc sốt rét (54-57,5%); ngủ màn tẩm (51%) và phun tồn lưu hóa chất (71%) ở Krong Pa cao hơn Sê San theo thứ tự (39,5% và 23%). Tuy nhiên, tỷ lệ không ngủ màn (21-36,5%), không phun tồn lưu (17-63%), không biết 2 biện pháp này (20%) cùng giặt màn sau tẩm (19,25-39%) và thời gian vào màn sau 20 giờ làm tăng nguy cơ sốt rét.


Cán bộ nghiên cứu điều tra sốt rét tại chòi rẫy ở khu vực nghiên cứu

Nguy cơ sốt rét của cộng đồng ở các khu vực thủy điện, thủy lợi

- Nghề nghiệp dễ phơi nhiễm sốt rét: 97% cộng đồng khu vực thủy điện, thủy lợi phải canh tác nương rẫy xa nhà từ5-20km do không còn đất sản xuất gần nhà. Thời gian thường xuyên vào rẫy theo mùa vụ (71,75-75,25%), thời điểm làm rẫy cả năm (65,5-72,5%), ngủ lại rẫy thường xuyên ở Krong Pa (48,25%) cao hơn Sê San (27,25%) nên người dân ở 2 khu vực này đều dễ phơi nhiễm sốt rét, trong đó nguy cơ ở Krong Pa cao hơn khu vực thủy điện Sê San.

- Cấu trúc nhà cửa dễ nhiễm sốt rét:99% nhà ở trong làng có tường vách kín đáo, cùng với đó trên 80% số hộ chăn nuôi trâu bò tạo nên "hàng rào gia súc" góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm sốt rét trong làng. Đặc biệt, khoảng cách từ nhà ở đến rừng > 500 mét (94-100%) và từ nhà ở đến suối > 500 (92-98%) hạn chế khả năng muỗi khuyếch tán tiếp cận đốt người. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà rẫy trong rừng của đồng bào thiểu số tập trung chủ yếu ở nhà sàn (83,5- 89%), trong khi nhà trệt chiếm tỷ lệ thấp (8,5-16,5%); tường vách nhà rẫy bằng gỗ (67,5-85,5%), tre nứa (14,5-32,5%) thưa thớt gió lùa vào nhà nên dễ tiếp xúc với muỗi sốt rét.


Nguy cơ phơi nhiễm sốt rét cao từ các nhà rẫy trong rừng

Nhiều tác giả thế giới cho rằng cấu trúc nhà cửa thấp kém là một trong những nguyên nhân làm sốt rét gia tăng dai dẳng tại một vùng, cộng đồng sống trong rừng thường làm những lán trại tạm bợ gần nơi sinh sản của véc tơ sốt rét ở Ai Cập, Ethiopia và Kenya (Zhou G và cs, 2007). An.minimus A ở miền Trung Việt Nam có tỷ lệ hoạt động trong nhà và ưa đốt người cao, rất có thể bị ảnh hưởng bởi những ngôi nhà có cấu trúc tường vách không kín với nhiều khe hở thuận lợi cho việc phát hiện con người và xâm nhập vào nhà dân (Garros C và cs, 2006). Cơ sở y tế thiếu thốn cùng giám sát dịch bệnh khó khăn vào mùa mưa là mùa truyền bệnh cao điểm ở hầu hết các vùng sốt rét, thêm vào đó điều kiện giao thông vùng núi khó khăn bệnh nhân sốt rét khó tiếp cận cơ sở y tế nên người dân địa phương thường tìm đến y tế tư nhân hoặc thầy lang hơn là chủ động đến cơ sở y tế để được khám và điều trị như các thông điệp truyền thông phòng chống sốt rét (Ribera JM và cs, 2011). Ở Gia Lai cũng như miền Trung-Tây Nguyên đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng chống hiệu quả bảo vệ dân làm rẫy/ngủ rẫy mặc dù đã có nhiều nghiên cứu được đặt ra ngoài giải pháp mang theo màn võng tẩm hóa chất và thuốc tự điều trị (Stan-by treatment) có thể là nguyên nhân phơi nhiễm sốt rét cao ở Krông Pa, nơi mà nhóm đối tượng này thường xuyên nhiễm sốt rét làm cho sốt rét trở nên dai dẳng trong vài năm nay.

- Kiến thức, thái độ và thực hành phòng chống sốt rét của cộng đồng: kết quả điều tra KAP cho thấy tỷ lệ mắc sốt rét thấp (2,5-12%), trong khi tỷ lệ chưa mắc sốt rét rất cao (86-96%). Người dân đều mô tả được triệu chứng của bệnh sốt rét (99%) nhưng biết sốt rét do muỗi truyền (36,75%) thấp hơn không biết (55,75%) hoặc không đúng đường lây truyền (27,5%). Khi bị sốt rét đến cơ sở y tế ở Sê San (91,2-95%) cao hơn Krong Pa (61,5 - 81,5%), trong khi tỷ lệ tự điều trị sốt rét ở Krong Pa(28%). Chưa có ý thức tự bảo vệ cho cá nhân và gia đình khi vào rừng rẫy trong khi truyền thông giáo dục cộng đồng được coi là biện pháp thứ 3 trong chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét mà chưa có giải pháp can thiệp hiệu quả.


Lán trại tạm bợ trong rừng của người dân đi rừng khai thác lâm thổ sản

Nghiên cứu trước đây cũng như gần đây của một số tác giả cũng cho kết quả tương tự như Trần Bá Nghĩa (2001) nhận xét về nhận thức của cộng đồng và tình hình sử dụng màn chống muỗi để phòng tránh bệnh sốt rét tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế rất cao: khi mắc sốt rét (95,83%), số hộ có màn ngủ (92,36%), số hộ chấp nhận biện pháp tẩm màn (99,78%). Tuy nhiên mức độ thường xuyên ngủ màn ban đêm chỉ đạt 79,31%, không thường xuyên 15,50% và không nằm màn 5,09%. Mức độ ngủ màn cao không thường xuyên tập trung ở đồng bào dân tộc thiểu số Tà Ôi (25,83%), Katu (15,55%), Pako (11,32%), Kinh (7,75%). Nguyễn Xuân Xã và cs (2011) nghiên cứu xã hội học kết hợp số liệu các lần điều tra cắt ngang (2005-2006) đánh giá sự phơi nhiễm sốt rét liên quan đến sử dụng màn và nhận thức về nguy cơ mắc sốt rét của người dân địa phương tại 10 xã vùng rừng núi khu vực Nam Trung bộ cho thấy mặc dù biết muỗi là nguyên nhân gây sốt (84,2%) nhưng việc sử dụng màn trong thời gian ở rẫy của người Raglai vẫn thấp. Thời gian ở lại rẫy dài ngày trong mùa mưa cũng là mùa truyền bệnh sốt rét, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng màn ở rẫy của người dân chỉ chiếm 52,9%, số người không sử dụng màn ngủ 20,6% là quá thấp so với chỉ tiêu đặt ra.


Sinh cảnh sốt rét đặc trưng khu vực thủy điện, thủy lợi

Hình thái sốt rét ở cộng đồng khu vực thủy điện, thủy lợi tỉnh Gia Lai

Sinh cảnh sốt rét đặc trưng ở các khu vực thủy điện, thủy lợi

Sự phát triển thủy điện, thủy lợi cũng như các vùng kinh tế ở Gia Lai đã tạo nên sinh cảnh đặc trưng liên quan đến phân bố sốt rét như sau:

- Sinh cảnh trong rừng: khoảng rừng tự nhiên bị người dân địa phương khai phá để sản xuất lương thực (lúa và hoa màu); có nhà rẫy hoặc lán trại, xung quanh là rừng tự nhiên, xa hồ thủy điện, thủy lợi; cách khu dân cư 10-20 km, tương ứng với vùng sốt rét nặng (vùng 4).

- Sinh cảnh bìa rừng: khoảnh rừng thứ sinh hoặc rừng bị người dân địa phương khai phá để trồng lúa và hoa màu ven các sông suối, gần hồ thủy điện, thủy lợi, có nhà rẫy hoặc nhà dân rải rác, tương ứng với vùng sốt rét lưu hành nặng (vùng 4) hoặc vừa (vùng 3).

- Sinh cảnh trong làng: khu dân cư ven trục lộ giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn, sinh cảnh vườn cây ăn trái thay vì rừng tự nhiên hoặc khu tái định cư do di dời dân khỏi khu vực lòng hồ thủy điện, thủy lợi tương ứng với vùng sốt rét lưu hành nhẹ (vùng 2) hoặc vừa (vùng 3).

Phân bố véc tơ sốt rét theo sinh cảnh thủy điện, thủy lợi

Bảng 6. Phân bố véc tơ sốt rét ở các sinh cảnh của các khu vực thủy điện

Khu vực thủy điện

Véc tơ sốt rét

Trong rừng

Bìa rừng

Trong làng

SL

Tỷ lệ (%)

SL

%

SL

%

Sê San

An.minimus

19

18,09

1

3,33

0

0

An.dirus

22

20,95

1

3,33

0

0

An.aconitus

0

0

7

23,33

18

85,72

An.jeyporiensis

11

10,48

5

16,68

2

9,52

An.maculatus

53

50,48

16

53,33

1

4,76

Tổng cộng

105

100

30

100

21

100

Krông Pa

An.minimus

25

4,97

13

4,76

0

0

An.dirus

296

58,85

12

4,40

0

0

An.aconitus

38

7,55

96

35,16

24

40,68

An.jeyporiensis

6

1,19

9

3,30

0

0

An.maculatus

138

27,44

143

52,38

35

59,32

Tổng cộng

503

100

273

100

59

100

Tỷ lệ véc tơ chính và phụ (bảng 3.6)phân bố chủ yếu ở sinh cảnh trong rừng, giảm thấp ở bìa rừng đến trong làng không còn xuất hiện véc tơ chính chỉ thấy véc tơ phụ tỷ lệ thấp.

Phân bố véc tơ sốt rét ở các sinh cảnh thủy điện, thủy lợi Krong Pa:Mật độ véc tơ chính và phụ phân bố chủ yếu ở trong rừng, giảm thấp ở bìa rừng đến trong làng chỉ còn 2 véc tơ phụ An.maculatus (59,32%) và An.aconitus (40,68%).


Vận chuyển bệnh nhân sốt rét từ rừng rẫy đến trạm y tế xã kịp thời

Hình thái sốt rét cộng đồng khu vực thủy điện, thủy lợi

Từ những đặc trưng sinh cảnh liên quan đến sốt rét, hình thái sốt rét thay đổi từ nhiễm bệnh tại chỗ (trong làng) thành phơi nhiễm trong rừng rẫy mà theo đó con người-một trong 3 yếu tố lan truyền tự nhiên sốt rét (khối cảm thụ) khó bảo vệ bằng biện pháp PCSR thường quy (phun tồn lưu hóa chất, tẩm màn, điều trị BNSR) trong khi chưa có biện pháp can thiệp hiệu quả là nguyên nhân tăng phơi nhiễm sốt rét ở nhóm dân này.

Như vậy, hình thái sốt rét rừng/rẫy trong nghiên cứu tương tự nhận xét của Triệu Nguyên Trung (2007) ở miền Trung-Tây Nguyên; Nguyễn Văn Tuấn và cs (2013) ở miền Đông Nam bộ cho rằng sốt rét liên quan đến nhiều yếu tố thiên nhiên, môi trường và xã hội trong đó canh tác nương rẫy, ngủ lại rẫy còn là tập quán lâu đời của người dân tộc thiểu số địa phương, không dễ gì họ từ bỏ tập quán này trong một sớm một chiều mặc dù biết rằng rất dễ bị phơi nhiễm sốt rét. Nguyễn Thọ Viễn, Ron P. Marchand và cs (2005) xác định chỉ số lan truyền sốt rét khu thôn bản, bìa rừng và trong rừng già nguyên sinh xã Khánh Phú (Khánh Hòa) cũng nhận định Dự án quốc gia PCSR ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do tập quán làm rẫy, ngủ rẫy của người dân,trong số họ có người mang KSTSR nên khả năng lan truyền trong rừng cao vì mật độ An.dirus cao, sau đó họ lại mang KSTSR về nhà làm tăng khả năng lan truyền sốt rét trong thôn bản vì muỗi truyền bệnh sốt rét trong thôn bản vẫn tồn tại mặc dù mật độ thấp. Vũ Quang Huyvà cs.(2001) nghiên cứu về đặc điểm sinh thái muỗi truyền bệnh sốt rét chính nơi đồng bào có tập quán du canh, ngủ rẫy và đề xuất các biện pháp phòng chống thích ứng kết luận hai xã Chiềng Khương (Sông Mã, Sơn La) và Sa Loong (Ngọc Hồi, KonTum) thuộc vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng, mặc dù có sự khác biệt về vùng địa lý nhưng có nhiều nét tương đồng về thảm thực vật, sinh cảnh sốt rét, chế độ khí hậu-thủy văn, mùa truyền bệnh sốt rét và sinh thái cộng đồng các dân tộc thiểu số với tập quán du canh, ngủ rẫy phổ biến là đối tượng có nguy cơ sốt rét cao.

Trên thế giới nhiều tác giả đã đề cập nhiều đến nguy cơ sốt rét trong rừng, đặc biệt là Thái Lan đã nêu việc phá rừng làm nông nghiệp làm ảnh hưởng lớn đến sốt rét miền nam nước này. Martens P, Hall L (2000) cho rằng người dân di chuyển vào trong và ra khỏi rừng vì nhiều lý do khác nhau giúp lan truyền sốt rét được duy trì. Sự gia tăng tiếp xúc giữa người với véc tơ sốt rét vào ban đêm ngủ lại trong rừng, ngay cả vào ban ngày có ánh sáng nơi An.dirus chiếm ưu thế. Cộng đồng dân tộc sống đi lại với một khoảng cách ngắn đến trung bình ở trong rừng trong thời gian gieo cấy và các mùa thu hoạch đã mang sốt rét từ rừng ra những khu vực đồng bằng (Somboon P và cs, 2011) như sự gia tăng đi lại của người dân ở cả trong các vùng cao nguyên New Guinea cũng như giữa các vùng đất thấp lưu hành sốt rét cao và vùng cao nguyên đã làm gia tăng lan truyền sốt rét (Radford AJ và cs, 1976) [90]. Ở các sinh cảnh thuộc hai khu vực nghiên cứu khoảng cách từ buôn làng người dân tộc Gia Rai (trong làng) đến nơi làm rẫy (bìa rừng hoặc trong rừng) khoảng từ 5-20km. Ở sinh cảnh nhà rẫy, mỗi rẫy cách nhau từ 300-500 mét; đa số các nhà rẫy đều làm rất kiên cố, gần bằng với diện tích nhà ở trong làng. Đặc thù nghề nghiệp và thói quen canh tác này ở cộng đồng thủy điện, thủy lợi Krong Pa đều có nhà ở vùng định canh, định cư nhưng thường vào rừng làm rẫy, ngủ lại nhà rẫy trong rừng nơi có véc tơ chính An.dirus và An.minimus mật độ cao nên bị phơi nhiễm sốt rét cao hơn khu vực thủy điện Sê San.



Nghiên cứu gắn liền với khám chữa bệnh phục vụ cộng đồng

Kết luận

- Thực trạng sốt rét khu vực thủy điện, thủy lợi: BNSR giảm theo giai đoạn (2001-2015) ở Sê San (Ia Grai và Chư Păh) nhưng tăng ở Krong Pa (2011-2015. Cơ cấu KSTSR (2001-2005 và 2006-2010) P.falciparum chiếm ưu thế (85-95%), P.vivax thấp hơn (5-15%) đến 2011-2015 đảo chiều P.falciparum giảm xuống (47- 54%),P.vivax tăng lên (46-53%). Chỉ số sốt rét hiện mắc (2014-2015) ở Krong Pa tại Chư Gu và Ia Mlah cao hơn thủy điện Sê San tại Ia Khai (Ia Grai) và Ia Kreng (Chư Păh) chủ yếu ở các nhóm tuổi lao động 9-16 tuổi và > 16 tuổi.

- Nguy cơ sốt rét cộng đồng thủy điện, thủy lợi: nam (58%) cao hơn nữ (41%), dân tộc Gia rai (99,9%), làm nông (95%); văn hóa cấp 1-2 (85%), biết tiếng Kinh (99%) dễ tiếp cận truyền thông. Chưa mắc sốt rét (91,25%), số mắc sốt rét ở Krong Pa (13,25%) cao hơn Sê San (4,25%). Nghề nghiệp 97% làm rẫy xa nhà > 10-20km (62,6-85,9%), > 5-10 (12,2-23,8%) do không có đất sản xuất gần nhà. Thường xuyên vào rẫy theo mùa vụ (72-75,9%), làm rẫy cả năm (67-72,5%), ngủ lại rẫy thường xuyên ở Krong Pa (48,25%) cao hơn Sê San (27,25%). Nhà ở trong làng tường vách kín (95%), khoảng cách đến rừng > 500m (99%) ít nhiễm sốt rét; nhà rẫy trong rừng nhà sàn (88%), tường vách tre nứa (18,8-24,9%) dễ nhiễm sốt rét.

- Kiến thức (K): 100% số người điều tra biết triệu chứng sốt rét nhưng chỉ 36,75% hiểu đúng về đường lây (do muỗi), 27,5% không đúng và 55,75% không biết.Thái độ (A): khi bị sốt đến cơ sở y tế ở Sê San (91,75%) cao hơn Krong Pa (71,5%); tự điều trị ở Krong Pa (19,75%) cao hơn Sê San (4%), không đề nghị PCSR khi đi rừng rẫy quá cao (92,5-97,5%). Thực hành (P): khi đi rừng rẫy mang theo màn/võng ở Krong Pa (89,5%) cao hơn Sê San (62%), mang theo thuốc sốt rét (54-57,5%); tỷ lệ ngủ màn tẩm (51%) và phun tồn lưu hóa chất (71%) ở Krong Pa cao hơn Sê San (39,5% và 23%). Tỷ lệ không ngủ màn (21-36,5%), không phun hóa chất tồn lưu (17-63%) và không biết về 2 biện pháp này (20%) cùng giặt màn sau tẩm hóa chất (19,25-39%) và thời gian vào màn sau 20h làm tăng nguy cơ mắc sốt rét.

- Hình thái sốt rét khu vực thủy điện, thủy lợi: thay đổi từ nhiễm sốt rét tại chỗ (trong làng) thành phơi nhiễm trong rừng khó bảo vệ bằng các biện pháp phòng chống thường quy.


Hy vọng kinh tế dồi dào và cuộc sống thanh bình luôn gắn liền với sức khỏe đồng bào các dân tộc khu vực thủy điện, thủy lợi Tây Nguyên

Tóm tắt

Tiếng Việt

- Thực trạng sốt rét khu vực thủy điện, thủy lợi: BNSR giảm theo giai đoạn (2001-2015) ở Sê San (Ia Grai và Chư Păh) nhưng tăng ở Krong Pa (2011-2015). Cơ cấu KSTSR (2001-2005 và 2006-2010) P.falciparum chiếm ưu thế (85-95%), P.vivax thấp hơn (5-15%) đến 2011-2015 đảo chiều P.falciparum giảm xuống (47- 54%),P.vivax tăng lên (46-53%). Chỉ số sốt rét hiện mắc (2014-2015) ở Krong Pa (Chư Gu và Ia Mlah) cao hơn thủy điện Sê San tại Ia Khai (Ia Grai) và Ia Kreng (Chư Păh) chủ yếu ở nhóm tuổi lao động 9-16 tuổi và > 16 tuổi.

- Nguy cơ sốt rét cộng đồng thủy điện, thủy lợi: nam (58%) cao hơn nữ (41%), dân tộc Gia rai (99,9%), làm nông (95%); văn hóa cấp 1-2 (85%), biết tiếng Kinh (99%). Chưa mắc sốt rét (91,25%), mắc sốt rét Krong Pa (13,25%) cao hơn Sê San (4,25%). Canh tác rẫy > 10-20km (97%) do không có đất sản xuất gần nhà, thường xuyên vào rẫy theo mùa vụ (72-75,9%), cả năm (67-72,5%), ngủ rẫy thường xuyên ở Krong Pa (48,25%) cao hơn Sê San (27,25%). Nhà ở trong làng tường vách kín (95%), khoảng cách đến rừng > 500m (99%) ít nhiễm sốt rét; nhà rẫy trong rừng nhà sàn (88%), tường vách tre nứa (18,8-24,9%) dễ nhiễm sốt rét.

- Kiến thức (K): 100% số người điều tra biết triệu chứng sốt rét nhưng chỉ 36,75% hiểu đúng về đường lây (do muỗi), 27,5% không đúng và 55,75% không biết.Thái độ (A): khi bị sốt đến cơ sở y tế ở Sê San (91,75%) cao hơn Krong Pa (71,5%); tự điều trị ở Krong Pa (19,75%) cao hơn Sê San (4%), không đề nghị PCSR khi đi rừng rẫy quá cao (92,5-97,5%). Thực hành (P): khi đi rừng rẫy mang theo màn/võng ở Krong Pa (89,5%) cao hơn Sê San (62%), mang theo thuốc sốt rét (54-57,5%); tỷ lệ ngủ màn tẩm (51%) và phun tồn lưu hóa chất (71%) ở Krong Pa cao hơn Sê San (39,5% và 23%). Tỷ lệ không ngủ màn (21-36,5%), không phun hóa chất tồn lưu (17-63%) và không biết về 2 biện pháp này (20%) cùng giặt màn sau tẩm hóa chất (19,25-39%) và thời gian ngủ màn sau 20h tăng nguy cơ sốt rét.

- Hình thái sốt rét khu vực thủy điện, thủy lợi: sốt rét nhiễm trong rừng rẫy thay vì sốt rét tại chỗ (trong làng), khó bảo vệ bằng các biện pháp phòng chống thường quy.

Từ khóa:Cộngđồng, sinh cảnh,thực trạng, nguy cơ và hình thái sốt rét


Truyền thông phòng chống sốt rét tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai

Tiếng Anh

The situation, risk and morphology of community malaria infection in the hydroelectric and irrigational areas of Gia Lai province. Results from the study conducted in two hydroelectricand irrigational areas of Gia Lai province (2014-2015) indicated that:

- The malaria situation in the hydroelectric and irrigational areas: The number of malaria patients decreased over a period of 14 years from 2001 in the hydroelectric area of Sesan (in Ia Grai and Chu Pah district), but increased in Krong Pa district between 2011 and 2015. In the periods of 2001-2005 and 2006-2010, P.falciparum accounted for the highest proportion of about 85-95% in malaria parasites structure, followed by P.vivax of around 5- 15%; the following 5 years (2011-2015), however, saw a reverse in this rate, i.e. P.falciparum reduced by 47-54% and P.vixax raised by 46-53%. From 2014 to 2015, the indicator of malaria morbidity of Krong Pa district (Chu Gu and Ia Mlah) was found higher than that of Se San hydroelectric area in Ia Khai (Ia Grai district) and Ia Kreng (Chu Pah district), mainly in working age populations aged 9-16 and above 16 years old.

-The risk factors of community malaria infections in the hydroelectric and irrigational areas: a larger percentage of men (58%) are found in these areas in comparision with women (41%); Gia rai is predominant ethnic group (99.9%); people mainly do farming (95%), haveprimary and secondary education levels (85%) and know the language of Kinh people (99%). Malaria naïve people make up 91.25%; malaria infection rate in Krong Pa (13.25%) is higher than that in Se San (4.25%). 97% of people do the cultivation o­n mountain fields about 10-20 kilometres apart from their houses due to no arable land nearby; 72-75,9% of people often go to the fields at havest time and 67-72.5% all year round; 48,25% of people in Krong Pa often sleep in the field-huts, meanwhile a lower proportion of 27.25% is found in Se San. 95% of people living in houses with brick wall construction in the villages and 99% of those living in areas above 500 metres far from the forests have low risk of malaria infection; o­n the other hand, 88% of those who live in houses o­n stilts in the forests and 18,8-24,9% of those living in bamboo wall houses are very at risk of infecting malaria.

- Knowledge (K): 100% of investigated peoplewere awake of the symptoms of malaria but o­nly 36.75% grasp the transmission of malaria (by mosquitoes), 27.5% understoodincorrectly and 55.75% did not know. Attitude (A):Se San had the larger figure of febrile patients going to health facilities for treatment, at91.75%, than in Krong Pa (71.5%); while 19.75% of malaria patients in Krong Pa practised self-medication, the figure for Se San was much lower, at o­nly 4%; the number of forest goers with no request for antimalarial measuresis so large (from 92.5 to 97.5%). Practice (P): there was a higher proportion of forest goers carrying nets/hammocks in Krong Pa, at 89.5%, compared with that in Se San (62%); forest goers taking antimalarial drugs accounted for 54-57.5%; rates of inpregnated bed-net usersand residualinsecticide spraying practices in Krong Pa were 51% and 71% respectively, which were all higher than that in Se San (39.5% and 23%). The facts that peopledid not sleep under bed-nets (21-36.5%), notcarry out the spraying of residualinsecticide (17-63%) and not know these two measures (20%) as well asthey washed the bed-nets after their insecticide impregnations (19,25- 39%) and used the bed-nets after 8 pmhave increased the risk of malaria infections.

- The malaria morphology in irrigational and hydroelectric areas: the malaria infections were acquired in forested areas instead of in villages (local transmission area of malaria), thereby the protection of vulnerable people is difficult to do with routine preventive measures.

Keywords: community, malaria habitats, risk and morphology of malaria.


Việt Nam và thế giới cùng hướng đến mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030

Tài liệu tham khảo

1.Trần Bá Nghĩa, Nguyễn Võ Hinh, Võ Đại Phú và cs (2001). Một số nhận xét về nhận thức của cộng đồng và tình hình sử dụng màn chống muỗi để phòng tránh bệnh sốt rét tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Kỷ yếu Công trình nghiên cứu khoa học (1966-2000), Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, NXB Y học, tr.499-506

2.Triệu Nguyên Trung, 2007. Thực trạng sốt rét 2001-2006 và các giải pháp can thiệp ở khu vực miềnTrung - Tây Nguyên. Kỷ yếu công trình NCKH 2001-2006, Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn. Nxb Y học, tr: 12-25.

3.Nguyễn Văn Tuấn, Hồ Đình Trung, Vũ Đức Chính (2013), "Thành phần và phân bố các loài muỗi Anopheles ở vùng sốt rét P.falciparum kháng Artemisinin quanh khu vực rừng quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và Đắc Nông”.Tạp chí phòng chống Bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng, Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương, tr. 66-72.

4.Trần Quốc Túy, Hà Xuân Cường, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Sơn (2006). Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ sốt rét và đánh giá biện pháp phòng chống sốt rét cho khu vực xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Công trình NCKH chuyên ngành sốt rét-KST-CT (2001-2005), NXB Y học, tr. 57-69.

5.Nguyễn Thọ Viễn , Ron.P.Marchand, Nguyễn Tuyên Quang và cs (2005), “Xác định chỉ số lan truyền SR khu thôn bản, bìa rừng và trong rừng già nguyên sinh xã Khánh Phú”, Tạp chí PCSR và các bệnh ký sinh trùng, Viện SR KST-CT Hà Nội, Số 4, tr. 3-9.

6.Garros C, Van Bortel W, Trung HD, Coosemans M, Manguin S (2006)Review of the Minimus Complex of Anopheles, main malaria vector in Southeast Asia: from taxonomic issues to vector control strategies. Trop Med Int Health 2006, 11:102-114.

7.Somboon P et al. (2011), Systematics of Anopheles (Cellia) yaeyamaensis sp species E of the An. minimus complex of southeastern Asia, Zootaxa, 2651, p.43 - 51.

8.Zhou G, Munga S, Minakawa N, Githeko AK, Yan G (2007). Spatial relationship between adult malaria vector abundance and environmental factors in western Kenya highlands.Am J Trop Med Hyg 2007, 77:29

 

Ngày 16/11/2016
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, TS. Nguyễn Xuân Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích