Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 1 8 7 9
Số người đang truy cập
5 4 3
 Tư vấn sức khỏe
Phần 1: Chuyên mục hỏi đáp bệnh chuyên ngành sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng và y học thường thức tháng 5 & 6 năm 2017

Liên Quân, 27 tuổi, TT Phú Phong, Bình Định, hoanha21@....

Hỏi: Xin hỏi các bác sỹ, hôm rồi em bị bệnh sán lá gancó ổ áp xe lớn được điều trị tại bệnh viện y khoa Hòa Hảo bằng thuốc Deworm, nhưng em về hỏi người nhà em thì hiện nay điều trị bệnh sán lá gan chỉ là thuốc Egaten, liệu em uống thuốc này có boét bệnh em không? Xin các bác sỹ cho em biết thuốc Dewworm là thuốc gì, có công dụng, liều lượng ra sao?

Trả lời:Cảm ơn câu hỏi của bạn rất nhiều, đúng như người nhà của bạn mách bảo điều trị bệnh sán lá gan lớn hiện nay dùng thuốc Egaten có thành phần hoạt chất chính là triclabendazole (TCBZ), tuy nhiên do nguồn thuốc này hiện nay khó tìm trên thị trường Việt Nam và chỉ được cấp miễn phí cho các Viện nghiên cứu bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 1995, nhưng hiện vẫn khan hiếm, sản phẩm này do công ty dược Novartis sản xuất.

Trong thời gian hạn chế về nguồn thuốc đó, Việt Nam đã linh động nhập hoạt chất và sản xuất các thuốc điều trị sán lá gan lớn cũng có thành phần TCBZ, trong đó đáng kể là Lesaxys và Deworm. Do vậy, hai loại thuốc này đều có thể sử dụng để điều trị sán lá gan lớn rất hiệu quả. Thuốc Deworm là thuốc có thành phần hoạt chất TCBZ 250mg, do công ty Atra Pharmaceuticals Pvt. Ltd sản xuất, xuất xứ Ấn Độ. Hàm lương và dạng bào chế như viên nén màu hồng đóng vỉ 4 viên như vỉ thuốc Egaten trước đây, số đăng ký: VN-16567-13. Hạn dùng 36 tháng. Địa chỉ sản xuất H-19, MIDC Waluj Aurangabad 431133 và công ty đăng ký APC Pharmaceuticals & Chemical Ltd. Địa chỉ đăng ký 19/F, Chung Hing Commercial BLDG. 62-63 Connaught Road Central, Central.

Với các thông tin chúng tôi chia sẻ với bạn ở trên, cho thấy thuốc Deworm-thành phần chính vẫn là triclabendazole (TCBZ) có thể điều trị bệnh sán lá gan lớn cho bạn vẫn được.


Hình 1


Văn Thế T., 47 tuổi, TP. Tuy Hòa, Phú Yên, 0983….

Hỏi: Tôi xin hỏi các bác sỹ của Viện Sốt rét, ký sinh trùng Quy Nhơn về quá trình dùng thuốc và khi ăn uống có cần kiêng khem gì không vì tôi đang có rất nhiều bệnh liên quan đến đái tháo đường ,tim mạch và viêm cầu thận. Xin các bác sỹ phúc đáp. Chân thành cảm ơn!

Trả lời: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn câu hỏi của bạn vì sẽ giúp cho nhiều bạn đọc hơn nữa trong việc dùng thuốc và thức ăn cho phù hợp. Đó là các tương tác giữa thực phẩm-thuốc thường dùng khi chúng ta, người thân chúng ta và bệnh nhân nói chung có thể mắc phải. Điều đó có thể làm tăng tác dụng của thuốc và cũng có thể làm giảm tác dụng của thuốc đang dùng và cũng có thể không có vấn đề gì. Khi dùng thuốc, một số thực phẩm lại rất tương kỵ với thuốc. Chính vì vậy, cần có hiểu biết về những mối tương quan nguy hiểm này sẽ giúp bạn phòng tránh được những bất lợi do sự tương kỵ gây ra. Chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin mà tác giả Lê Thanh Hải đã trình bày để bạn hiểu rõ hơn.


Hình 2

Khi dùng thuốc, một số thực phẩm lại rất tương kỵ với thuốc. Chính vì vậy, cần có hiểu biết về những mối tương quan nguy hiểm này sẽ giúp bạn phòng tránh được những bất lợi do sự tương kỵ gây ra.

-Warfarin - thực phẩm chứa vitamin K:Warfarin là một loại thuốc giúp điều trị và ngăn ngừa cục máu đông. Ăn các loại thực phẩm giàu vitamin K có thể làm giảm hiệu quả của warfarin. Nồng độ cao nhất của vitamin K được tìm thấy trong các loại rau lá xanh như cải xoăn, cải bó xôi, củ cải xanh, cải bruxen, súp lơ xanh, hành lá, măng tây, rau diếp xoăn... Vì vậy khi dùng warfarin cần tránh dùng các loại thực phẩm giàu vitamin K này.

-Thuốc- rượu:Một thức uống có cồn có thể làm tăng hoặc kéo dài tác dụng của insulin hoặc các thuốc uống trị bệnh đái tháo đường, do đó dẫn đến hạ đường huyết. Các tác dụng hạ đường huyết của rượu có thể kéo dài từ 8-12 giờ. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm căng thẳng, đổ mồ hôi, run rẩy, đói dữ dội, yếu, đánh trống ngực, lú lẫn, lơ mơ và cuối cùng hôn mê. Ngoài ra, một số thuốc đái tháo đường uống như chlorpropamid có thể gây chóng mặt, đỏ bừng mặt và buồn nôn khi dùng cùng với rượu.

-Các thuốc giảm đau chứa acetaminophen (không cần kê đơn) và rượu không nên dùng cùng nhau, vì sẽ gây độc cho gan, đặc biệt ở người lớn tuổi, vì chức năng của gan đã giảm sẵn theo tuổi tác.

-Digoxin và chế độ ăn uống giàu chất xơ, các loại thảo mộc:Digoxin được sử dụng để tăng cường sự co bóp của cơ tim, làm chậm nhịp tim và thúc đẩy việc loại bỏ các chất lỏng từ các mô cơ thể. Xơ, sợi đặc biệt không hòa tan như cám lúa mì có thể làm chậm sự hấp thu của digoxin và làm giảm hiệu quả của nó. Để ngăn chặn điều này, nên uống digoxin ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi ăn. Sử dụng thảo dược cũng có thể ảnh hưởng đến digoxin. Ví dụ, nhân sâm có thể làm tăng nồng độ của digoxin trong máu lên khoảng 75%.

-Thuốc và bưởi: Statin là thuốc hạ cholesterol. Thật không may, uống nước ép bưởi hoặc ăn bưởi tươi có thể làm tăng nồng độ của một số statin trong máu làm tăng tác dụng phụ của thuốc như đau nhức cơ bắp, tăng men gan. Sự tương tác rõ rệt với simvastatin, lovastatin, nhẹ hơn với atorvastatin và không tồn tại cho pravastatin. Vì vậy, điều quan trọng là người lớn tuổi nên kiểm tra xem thuốc statin được kê toa có tương tác hay không, trước khi dùng bưởi giàu vitamin C. Thuốc chẹn kênh canxi được dùng điều trị tăng huyết áp.

-Một yếu tố tự nhiên được tìm thấy trong bưởi gắn kết men đường ruột được gọi là CYP3A4, làm thay đổi sự phân hủy của các thuốc chẹn kênh canxi, có thể dẫn đến lượng thuốc trong máu quá cao, cùng với việc tăng nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng. Sự tương tác giữa bưởi và một số thuốc chẹn kênh canxi là mạnh hơn như felodipin, nicardipin và nisoldipine, yếu hơn với amlodipin, diltiazem và nifedipine. Tangelos, một quả lai giữa quýt và bưởi, có thể có những tác động không mong muốn giống như bưởi trên cả statin và thuốc chẹn kênh canxi.

-Mặc dù chưa được chứng minh đầy đủ, nhưng một số bằng chứng chỉ ra một thực tế có thể là nước ép bưởi làm tăng nồng độ của thuốc rối loạn cương dương như sildenafil. Điều này có vẻ đem lại lợi ích cho một số người đàn ông, nhưng nó có thể gây ra đau đầu, đỏ bừng mặt, hoặc huyết áp thấp.

-Thuốc kháng sinh-sản phẩm sữa: Các sản phẩm từ sữa như sữa chua và pho mát có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn sự hấp thu của thuốc kháng sinh như tetracyclin và ciprofloxacin. Điều này xảy ra bởi vì canxi trong thực phẩm liên kết với các kháng sinh trong dạ dày và phần trên của ruột non để tạo thành một hợp chất không hòa tan. Để tránh, nên dùng thuốc kháng sinh trong 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Tuy nhiên, không phải tránh dùng sữa với tất cả các loại thuốc kháng sinh. Ví dụ, metronidazol nên được uống với nước hoặc sữa để ngăn ngừa đau bụng.

-Thuốc ức chế IMAO và thực phẩm chứa tyramine: Các chất ức chế IMAO (monoamine oxidase) là một dạng cũ của thuốc chống trầm cảm vẫn được dùng. Thực phẩm có chứa tyramine, chẳng hạn như một số loại rượu vang đỏ, bia mạch nha, cá hun khói, pho mát và trái cây sấy khô, có thể gây ra cơn tăng huyết áp nguy hiểm khi dùng kèm thuốc IMAO;

-Thuốc kháng giáp và thực phẩm giàu iốt: Thuốc kháng giáp là những hợp chất can thiệp vào việc sản xuất hormon tuyến giáp của cơ thể, do đó làm giảm các triệu chứng cường giáp. Thuốc kháng giáp hoạt động bằng cách ngăn chặn sự hấp thụ iốt trong dạ dày. Một chế độ ăn giàu iốt đòi hỏi liều cao thuốc kháng giáp. Nhưng liều cao thuốc kháng giáp sẽ làm tăng tỷ lệ tác dụng phụ bao gồm phát ban, nổi mề đay và bệnh gan. Các nguồn thực phẩm giàu iốt là hải sản và rong biển, tảo bẹ. Iốt cũng được tìm thấy trong muối iốt và thấp hơn trong trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa.

Bạn có thể xem thêm trên các thông tin tiếng Anh ở các trang chuyên nghiên cứu về tương tác thuốc và thực phẩm như sau:

1.Leibovich ER, Deamer RL, Sanserson LA. Food-drug interactions: careful drug selection and patient counseling can reduce the risk in older patients. Geriatrics. 2004;59:19-33.

2.Huang SM, Lesko LJ. Drug-drug, drug-dietary supplement, and drug-citrus fruit and other food interactions: what have we learned? J Clin Pharmacol. 2004;44:559-569.

3.Lacy CF, Armstrong LL, Goldman MP, Lance LL. Lexi-Drugs – Comprehensive and specialty fields. Hudson, OH: Lexi-Comp, Inc; 2006.

4.Libersa CC, Brique SA, Motte KB, et al. Dramatic inhibition of amiodarone metabolism induced by grapefruit juice. Br J Clin Pharmacol. 2000;49:373-378.

5.Wallace AW, Amsden GW. Is it really ok to take this with food? Old interactions with a new twist. J Clin Pharmacol. 2202;42:437-443.

6.Liedholm H, Wahlin-Boll E, Melander A. Mechanisms and variations in the food effect o­n propranolol bioavailability. Eur J Clin Pharmacol. 1990;38:469-475.

7.Hardman JG, Limbird LE, Gilman AG. Goodman and Gilman's the pharmacological basis of therapeutics. 10th ed. New York: McGraw-Hill; 2001.

8.Wonnemann M, Schug B, Schmucker K, Brendel E, et al. Significant food interactions observed with a nifedipine modified-release formulation marketed in the European Union. Int J Clin Pharmacol Ther. 2006;44:38-48.

9.Kaneko T, Ishigatsubo Y. Isoniazid and food interactions: fish, cheese, and wine. Intern Med. 2005;44:1120-1121.

10.Holbrook AM, Pereira JA, Labiris R, et al. Systematic overview of warfarin and its drug and food interactions. Arch Intern Med. 2005;165:1095-1106.

11.Summers KM. Potential drug-food interactions with pomegranate juice. Ann Pharmacotherapy. 2006;40:1472-1473.

Thân chúc bạn khỏe!


Trương Trọng H, 44 tuổi, TP. Nha Trang, Khánh Hòa, 0914….

Hỏi: Xin các bác sỹ cho tôi biết và tôi xin chân thành cảm ơn trước. Vừa qua tôi có đi khám rụng tóc ở nhiều nơi cả ở thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa, cả hai nơi đều chẩn đoán tôi bị rụng tóc do viêm nang lông tuyến bả và do viêm chân tóc. Vậy, tôi xin hỏi bệnh này có nguy hiểm lắm không và có trị khỏi hẳn không. Tôi xin goier hình để các bác xem và xin các bác sỹ chỉ giúp cách chữa trị.

Trả lời:Chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ với bạn về các lo lắng mà bạn đang trải qua bởi vấn đề sức khỏe là rụng tóc. Quả thật như vậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến rụng tóc là do viêm chân tóc, viêm nang lông tuyến bả, nên để cải thiện tình trạng rụng tóc cần điều trị dứt điểm bệnh viêm chân tóc. Viêm chân tóc là tình trạng viêm phần nang tóc. Bệnh gặp khá phổ biến ở cả nam và nữ, hay gặp ở người da đầu nhiều dầu, đang làm việc trong các môi trường ẩm ấm, nóng và nhiều ô nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus gây nên, ngoài ra còn một số tác nhân khác vi khuẩn khác như vi khuẩn gram âm, nấm Trichophyton.


Hình 3

Các yếu tố thuận lợi gây viêm chân tóc gồm có: khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn, bịt kín da đầu, da đầu luôn đẫm mồ hôi. Những người có nguy cơ cao bị bệnh này là những người dùng thuốc ức chế miễn dịch, kháng sinh trong thời gian dài hoặc mắc các bệnh như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, lao, suy thận mạn tính. Trường hợp gội đầu quá nhiều, dùng nhiều dầu gội có độ tẩy gàu cao làm mất hết lớp ceramide bảo vệ da đầu. Khi gội đầu bệnh nhân lại gãi mạnh tạo nên các vết trầy xước trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn và vi nấm xâm nhập. Khi đó, bệnh nhân rất ngứa đầu và khi gội đầu lại muốn gãi mạnh cho đỡ ngứa thì tổn thương da sẽ xuất hiện nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.

Biểu hiện viêm chân tóc là các sẩn nhỏ như hạt kê ở chân tóc, có vẩy, rất ngứa, mọc nhiều nhất ở vùng gáy, hai bên tóc mai. Nếu bệnh nặng, sẩn có thể lan cả đến vùng râu, lông nách, lông mi, tiến triển dai dẳng nhiều tháng, nhiều năm. Nếu gãi nhiều có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát gây chốc lở, nổi hạch đau hai bên cổ. Viêm chân tóc mạn tính có thể dẫn tới suy nhược thần kinh, ngủ kém, hay cáu kỉnh, giảm sút trí nhớ.


Hình 4

Điều trị viêm chân tóc là sự kết hợp giữa dùng thuốc và chăm sóc da đầu đúng cách. Về dùng thuốc phải kết hợp dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng khuẩn tại chỗ, thuốc an thần chống ngứa và thuốc chống dị ứng. Tùy từng trường hợp, thầy thuốc sẽ có chỉ định thích hợp. Nếu tổn thương da tiết dịch nhiều thì bôi các dung dịch sát khuẩn như castelani, BIS. Nếu tổn thương khô hơn thì bôi hàng ngày trong 2-3 tuần, một trong các thuốc có chứa corticoid có hoạt phổ mạnh như temproson, gentrison, caditrigel... Để giảm ngứa thì phải uống một trong các thuốc kháng histamin như loratadin, fexofenadin, chlopheniramin một đợt từ 5-10 ngày. Để diệt khuẩn thì phải uống một trong các kháng sinh (Cefixim, roxithromycin), sử dụng kháng sinh một đợt trong 7-10 ngày.


Hình 5

Để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân phải biết căn nguyên của bệnh và tự giác thực hiện một chế độ gội đầu, chăm sóc da đầu hợp lý, không sử dụng các dầu gội thông thường, phải dùng dầu gội đầu loại trị gàu, chỉ nên gội đầu 2-3 lần/tuần, không nên gội nhiều lần trong một ngày. Khi gội chỉ gãi nhẹ nhàng tránh làm xây xước da đầu, không làm tróc vẩy các mụn. Không gãi, không cạo trước khi bôi thuốc. Không xát chanh, xát muối, xà phòng vào chỗ da đầu bị viêm. Không bôi các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc dùng thuốc theo sự mách bảo khiến tình trạng viêm chân tóc ngày càng nặng hơn và khó chữa hơn.

Lựa chọn thuốc hay các chế phẩm bổ sung để chữa rụng tóc là vấn đề nan giải do việc chữa trị cần nhiều thời gian và hiệu quả điều trị không cao, khó có thể điều trị dứt điểm. Nguyên nhân rụng tóc còn do nhiều yếu tố và tính đáp ứng với thuốc tùy thuộc vào mỗi cá thể và cả tính kiên trì khi dùng thuốc. Khi đã xác định bị rụng tóc do viêm chân tóc, người bệnh không nên sốt ruột mà cần kiên trì điều trị tình trạng viêm chân tóc trước đã. Khi tình trạng viêm được cải thiện hay chữa trị dứt điểm, da đầu sẽ bớt dầu, bớt ngứa, tình trạng rụng tóc sẽ giảm rõ rệt. Số chân tóc bị rụng sẽ mọc trở lại. Bệnh nhân càng trẻ, do chưa bị rụng tóc do ảnh hưởng của giảm nội tiết tố, tóc càng mọc nhiều và nhanh hơn. Các loại thuốc hạn chế rụng tóc (vitamin B5, B6, các axit amin như cystine, méthionine, biotine, sắt và kẽm). Ngoài ra, có thể dùng các chất cortisone tại chỗ, điều trị chống dị ứng tại da đầu (nhằm giảm hiện tượng rụng tóc do bệnh tự miễn), kích thích da đầu bằng nhiệt độ lạnh.


Hình 6

Trường hợp tóc rụng quá nhiều, nguyên nhân rụng tóc do viêm chân tóc và cả các yếu tố nội tiết thì có thể dùng tại chỗ loại thuốc chữa rụng tóc tương đối có hiệu quả là minoxidil. Tuy nhiên, thuốc cũng có tác dụng phụ như ảnh hưởng đến huyết áp, làm tim đập nhanh, giữ nước.

Dùng từ 4-6 tháng mới có kết quả. Ngoài ra, với phụ nữ có thể dùng kèm thuốc kháng kích thích tố nam (kháng androgen), thuốc kích thích miễn dịch tại chỗ (isoprinosine), dùng trong trường hợp rụng tóc nhiều thành từng mảng, da đầu rất nhờn. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

Gần đây, nhiều người bệnh đã áp dụng một phương pháp mới điều trị rụng tóc rất có kết quả, đó là chích thuốc trị bệnh vào da đầu giúp làm tăng tuần hoàn máu tại chỗ và nuôi dưỡng chân tóc bằng các vitamin quan trọng, làm chậm quá trình thoái hóa của chân tóc. Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém và chỉ áp dụng khi các biện pháp uống thuốc không hiệu quả.


Hồ Hải Th., 51 tuổi, Bến Tre, 0982,…hoadao@

Hỏi: Các bác sỹ cho tôi hỏi bệnh da dày sừng nang lông là bệnh như thế nào mà bản thân thôi điều trị rất nhiều nơi không thuyên giảm gì cả. Kính mong các bác sỹ phúc đáp. Tôi và gia đình chân thành cảm ơn!

Trả lời:Cảm ơn câu hỏi của quý bạn đọc, liên quan đến câu hỏi của anh chị tôi xin phúc đáp như sau: Bệnh dày sừng nang lông là bệnh ngoài da, thuộc nhóm bệnh da liễu có biểu hiện tổn thương thường gặp ở mặt duỗi cánh tay, đùi, cẳng chân. Bệnh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Bệnh có thể gặp cả hai giới, nhưng nữ sẽ gặp nhiều hơn.

Về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, đến nay nguyên nhân của bệnh dày sừng nang lông vẫn có nhiều quan điểm và chưa rõ. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện ở những người có da khô. Đa số các nhà chuyên môn cho rằng đây là bệnh liên quan đến thiếu vitamin A, C, thiểu năng tuyến giáp, tiếp xúc với hóa chất, có liên quan đến thể tạng dị ứng. Dày sừng nang lông có thể do sự tích tụ chất keratin nhiều ở lỗ chân lông. Keratin là loại protein tự nhiên của da, bình thường nó được tạo ra một cách tự nhiên, khi tắm và kỳ cọ mạnh thì chất này sẽ bị bong tróc ra. Trong bệnh dày sừng nang lông thì chất keratin được tạo ra nhiều hơn một cách bất thường làm bít lỗ chân lông, khiến sợi lông không mọc ra ngoài được. Đây là bệnh có thể có liên quan đến yếu tố di truyền.

  
Hình 7+8

Ngoài ra, một số trường hợp do nấm gây viêm nang lông cấp tính hoặc do yếu tố sinh bệnh như: dinh dưỡng kém, suy giảm miễn dịch, chấn thương, môi trường vệ sinh kém. Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải dày sừng nang lông đó là hay xuất hiện ở những người có da khô, viêm da cơ địa, thừa cân, béo phì, mày đay mạn tính. Đây là một bệnh rất thường gặp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ có nguy cơ nhiều hơn nam giới. Theo thống kê, bệnh xảy ra nhiều ở những người trong độ tuổi thanh thiếu niên và khoảng 40% ở người lớn. Bệnh cũng thường gặp ở những trẻ em bị viêm da cơ địa, mặc dù tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và tuổi thanh thiếu niên, ít gặp ở người cao tuổi.

Dày sừng nang lông gây mất thẩm mỹ khiến nhiều người không tự tin khi mặc quần áo ngắn tay. Đây là một dạng da khô rất thường gặp được đặc trưng bởi tình trạng bít tắc các lỗ nang lông bởi các vảy da, làm cho da cảm giác thô ráp bởi những tế bào da chết bị bít tắc lại. Hình thành những chấm gồ nhỏ trên da sờ vào nhám giống như da gà, lông có thể gãy ngang thành những chấm đen hoặc có thể teo xoắn ở cổ nang lông. Có một số người lại nhầm tưởng chúng là những cái mụn nhỏ. Triệu chứng là có những sần nhỏ kích thước khoảng 1-2mm, màu hơi trắng hoặc xám. Vị trí thường gặp nhất là ở mặt ngoài 2 cánh tay, phần bên ngoài 2 đùi, ít hơn ở mông, cẳng tay, có thể gặp ở vùng mặt làm dễ lầm với mụn. Đôi khi vùng bị bệnh viêm đỏ ngứa. Bệnh không gây tác hại gì, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khi chất sừng được cào cho tróc ra thì có thể thấy có một sợi lông nằm cong bên dưới, dùng tay khều thì sợi lông sẽ mọc lên được. Bệnh không xảy ra ở vùng không có nang lông như lòng bàn tay, lòng bàn chân. Có một số người có tình trạng da khô vảy cá đi kèm. Bệnh dày sừng nang lông kéo dài quanh năm, bệnh thường kéo dài nhiều năm, đến tuổi trung niên bệnh giảm hoặc tự mất.

Về điều trị, chủ yếu mang tính chất điều trị triệu chứng, tức là làm tiêu dần các nút sừng và hạn chế tái phát. Các hoạt chất giúp tiêu sừng mạnh là vitamin A và các dẫn xuất của nó. Ngoài ra, cũng có thể dùng các chế phẩm bôi để hạn chế tác dụng phụ khi dùng thuốc uống. Tuy nhiên, việc bôi các hóa chất này có thể gây tác dụng phụ tại chỗ như da khô, đỏ, tróc vảy, ngứa. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý điều trị mà cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Người bệnh cần chăm sóc da tốt để có kết quả điều trị hữu hiệu bằng cách hàng ngày vệ sinh da sạch sẽ, kỳ cọ da nhẹ nhàng, tránh chà xát vì điều này thường làm bệnh nặng thêm. Tránh xà phòng và các chất tẩy rửa mạnh, chọn loại xà phòng làm sạch đơn giản. Sau khi tắm có thể làm mềm bằng kem dưỡng ẩm và mỡ bạt sừng, mục đích làm bong chóp sừng ở nang lông nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ.

  
Hình 9+10

Chế độ ăn đúng cách sẽ giúp tái tạo da, ngăn ngừa quá trình lão hóa, giảm tổn thương nặng do bệnh. Người bệnh cần có chế độ ăn giàu vitamin A, bổ sung các loại trái cây cho cơ thể. Trong trái cây, rau xanh có rất nhiều loại vitamin, dưỡng chất tốt cho cơ thể, an toàn khi điều trị dày sừng nang lông. Một số loại quả bạn có thể dùng khi mắc căn bệnh này là bưởi, cà chua, cam, táo, lê. Ngoài ra, cần bổ sung các thực phẩm chứa protein và các vi chất, các thực phẩm chứa protein như kẽm, sắt có trong thịt bò, cá, cua, tôm. Cá hồi là thực phẩm giàu omega-3, giúp cải thiện được tình trạng viêm lỗ chân lông trên da. Người mắc bệnh dày sừng nang lông cần hạn chế các loại thực phẩm có tính chất cay nóng như ớt, hạt tiêu, thực phẩm chiên rán... dễ gây độc cho gan.

Chúng sẽ làm suy giảm chức năng gan và xuất hiện các bệnh về da, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng viêm nang lông của làn da. Các món ăn được chế biến từ nội tạng động vật cũng có thể là một trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì, tim mạch khiến viêm nang lông trở nên nặng hơn.

Hạn chế các chất kích thích có trong rượu, bia, thuốc lá, cà phê là nguyên nhân làm cho bệnh dày sừng nang lông trở nên trầm trọng hơn; làm quá trình hồi phục vết thương trở nên chậm chạp hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của làn da.

Hy vọng với các thông tin chuyên khoa da liễu của một số bác sỹ chuyên khoa nói trên đã làm bạn hài lòng về câu hỏi.


Huỳnh Luân A., 28 tuổi, Bà Rịa Vũng Tàu, thuochai@....

Hỏi: Kính thưa các bác, em bị viêm đại tràng đã nhiều năm nay nhung ăn uống kiêng khem, chữa trị các thuốc từ tây y đến đông y đều khỏi rồi tái phát, lâu lâu lâu lại tái diễn làm em cứ gầy không mập lên ký nào, điều trị thì giảm và được khoảng 2-3 tháng bệnh tái phát và xuất hiên các dấu hiệu như ban đầu mặc dù em ăn uống rất kiêng khem! Kính nhờ các bác sỹ cho em xin lời khuyến để em chưa bệnh! Em chân thành cảm ơn các bác nhiều ah.

Trả lời:Liên quan đến câu hỏi của bạn, bệnh lý viêm đại tràng còn có tên gọi khác nhau như hội chứng ruột kích thích (IBS), hay viêm đại tràng kích thích, viêm đại tràng co thắt, rối loạn chức năng đại tràng, bệnh đại tràng chức năng.

Đây là một bệnh thường gặp cả hai giới, nhưng giới nam gặp nhiều hơn nữ (nhưng một số nghiên cứu cho thấy giới nữ lại cao hơn nam) và chiếm một tỷ trọng lớn trong số các bệnh lý tiêu hóa ở con người.


Hình 11

Khi mắc viêm đại tràng, bệnh nhân thừng bị hành hạ bằng những cơn đau bụng vào bất cứ lúc nào, nhưng thường thì bị vào lúc sàng sớm, sau một đêm ngủ dậy và sau khi ăn sáng vừa xong. Bệnh biểu hiện là các rối loạn tiêu hóa mạn tính, tái đi tái lại mà không làm thay đổi cấu trúc hay yếu tố sinh hóa của dạ dày, ruột-đại tràng. Người dễ mắc viêm đại tràng là bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng, trầm cảm, ám ảnh hay bị stress tâm lý. Bên cạnh việc phòng bệnh, thì việc chẩn đoán sớm để điều trị chứng bệnh về đại tràng này kịp thời cũng khá quan trọng.

Nguyên nhân gây nên bệnh viêm đại tràng rất đa dạng, thậm chí không rõ nguyên do và nhiều ca bệnh điều trị không dứt điểm. Nguyên nhân có thể do viêm đường ruột bởi ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, do rối loạn nhu động ruột, do dùng quá nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn, do sử dụng nhiều chất kích thích rượu bia, hoặc do rối loạn tâm thần, sang chấn tâm thần kinh. Một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến cơn đau của viêm đại tràng xuất hiện như trên người bệnh đã có sẵn bệnh lý nền viêm đại tràng co thắt là thần kinh căng thẳng, stress, uống rượu, bia, ăn chua cay.


Hình 12

Triệu chứng điển hình nhất của viêm đại tràng là rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài và đau bụng. Trong đó, rối loại tiêu hóa là dấu hiệu đầu tiên khi mắc phải viêm đại tràng. Khi mắc bệnh, hệ thống tiêu hóa của người bệnh sẽ hoạt động không bình thường, các chức năng như chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, hấp thụ thức ăn đều bị giảm hiệu quả cho nên gây ra một số triệu chứng như trướng bụng, tiêu chảy, táo bón. Tần suất đi ngoài của người mắc bệnh cũng cao hơn rất nhiều lần so với người bình thường và sau khi đi ngoài trong phân sẽ có máu. Đây là máu do đại tràng tiết ra khi nhiễm bệnh đại tràng co thắt. Viêm đại tràng có thể được phân thành 3 loại cơ bản: Có hiện tượng đau bụng và tiêu chảy. Có hiện tượng đau bụng và táo bón. Có hiện tượng đau bụng, vừa tiêu chảy lại vừa táo bón.


Hình 13

Dấu hiệu thứ hai của bệnh viêm đại tràng là hiện tượng đau bụng, vùng đau bụng thông thường là hai bên mạn sườn, đây là nơi hoạt động của đại tràng cho nên biểu hiện đau rõ ràng nhất. Cơn đau có thể đến sau khi ăn no hoặc sau khi ăn những thức ăn kích thích như đồ cay, nóng, lạnh, rau sống, tiết canh, thậm chí sau khi tiêu hóa qua đếm đến sáng hôm sau bắt đầu đau. Đau bụng trong bệnh viêm đại tràng rất đa dạng, thường đau vùng bụng ở dưới rốn, đau quặn, ợ hơi, đầy bụng, trướng hơi, khó tiêu (dễ nhầm với đau dạ dày).


Hình 14

Do cơn đau dai dẳng, đặc biệt đau sau khi ăn, nên hầu hết người bệnh bị viêm đại tràng không dám ăn những thức ăn có dạng như vậy. Khi căng thẳng, stress thì cơn đau xuất hiện nhiều hơn. Hầu hết người bệnh kể rằng sẽ hết cơn đau bụng sau khi đi đại tiện. Nhưng cũng có nhiều người bệnh vừa đi ngoài xong lại xuất hiện cơn đau quặn bụng khác khiến buồn đi ngoài tiếp. Bệnh kéo dài nhiều năm dễ biến chuyển thành mạn tính nên người bệnh thường gầy xanh xao, thậm chí suy kiệt sức khỏe do thiếu chất dinh dưỡng, thiếu nước và chất điện giải, cộng thêm nỗi lo sợ về những cơn đau có thể đến bất ngờ.

Ngoài các dấu hiệu viêm đại tràng cơ bản nêu trên, người bệnh có thể còn có các biểu hiện kèm theo phổ biến như người mệt mỏi, đau nhức đầu, khó ngủ, lo lắng. Hơn nữa, khi đại tràng co thắt mạnh có thể kèm theo cảm giác hồi hộp, khó thở, căng thẳng, mất ngủ. Chế độ ăn uống là yếu tố cần thực hiện nghiêm ngặt cho người mắc viêm đai tràng mạn tính. Nên lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, không chứa hóa chất và chất bảo quản. Những loại thức ăn dễ gây viêm đại tràng thì cần tránh dùng hoặc dùng rất hạn chế. Không ăn thực phẩm tươi sống (rau sống, nem chạo, tiết canh, gỏi cá). Không ăn dưa cà muối, gia vị chua, cay. Tránh thức ăn có hàm lượng dầu mỡ quá cao như các món rán, xào, sốt. Không nên dùng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê... Hạn chế các sản phẩm từ sữa do trong sữa có loại đường lactose rất khó tiêu. Tăng cường món ăn chứa nhiều chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây, đặc biệt là loại giàu kali như chuối, đu đủ. Không nên kiêng quá hoặc ăn uống thoải mái quá. Giữ cho việc ăn uống ở trạng thái cân bằng. Chia làm nhiều bữa nhỏ, không nên ăn quá no vào buổi tối.

Khi bị táo bón: giảm chất béo, tăng chất xơ, ăn làm nhiều bữa nhỏ, chừng hơn 2 tiếng lại ăn một bữa. Khi bị tiêu chảy, tránh hẳn chất xơ dạng không tan như cellulose. Không nên ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp, nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ (kể cả nho). Có thể ăn trái cây xay nhừ như chuối, táo.


Hình 15

Người mắc viêm đại tràng mạn tính cần thay đổi thói quen không tốt trong nếp sống để giảm tác hại của bệnh. Tránh làm việc quá sức, căng thẳng, lo âu, mất ngủ làm bệnh trầm trọng thêm. Luôn vui vẻ, thoải mái và sống lành mạnh, không nên quá lo lắng về bệnh của mình. Người bệnh cần thực hiện các phương pháp chống stress như tập thể dục, tập dưỡng sinh (thở bằng bụng, vận dụng cơ hoành, ngồi thiền, tập yoga) hoặc lựa chọn các hình thức tập luyện phù hợp với bản thân và dễ thực hiện nhất. Giữ thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ đúng giờ. Có thể lấy lòng bàn tay xoa nhẹ quanh vùng thượng vị - rốn theo chiều kim đồng hồ ngày vài lần để kích thích nhu động ruột. Để phòng tránh viêm đại tràng, điều cần làm là mọi người nên đi khám định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện ra bệnh sớm nhất có thể. Khi cảm thấy có dấu hiệu của bệnh thì cần đi khám bệnh ở chuyên khoa tiêu hóa để xác định nguyên nhân, điều trị dứt điểm ngay từ đầu, không để bệnh trở thành mạn tính.


Mã Xuân A., 36 tuổi , Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Hỏi: Em xin hỏi các bác sỹ ở viện quy nhơn, em thường bị ra mồ hôi tay và nách rất nhiều, khi làm việc cũng như nghỉ ngơi, các bác sỹ cho em biết em bị bệnh gì và ra mồ hôi như thế nào là bình thường, kinh mong các bác giúp cho, em thành thật cảm ơn!

Trả lời: Chúng tôi xin chia sẻ nỗi lo lắng và băng khoăn của bạn. Tình trạng ra mồ hôi nhiều cũng là một chỉ số đánh giá sức khỏe theo chỉ điểm đề nghị của một số chuyên gia. Đổ mồ hôi là một chức năng quan trọng của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây đổ mồ hôi như do nhiệt độ môi trường làm việc quá nóng, cơ thể đang bị sốt, trời chuyển oi bức, do tâm lý xấu hổ, sợ sệt hay do vị giác như khi ăn đồ quá cay hoặc do bệnh lý tăng tiết mồ hôi như thấp, tăng tiết tuyến mồ hôi. Tuy nhiên, việc tiết mồ hôi nhiều hay ít là những dấu hiệu hữu ích báo hiệu những có liên quan sức khỏe.


Hình 16

Ra mồ hôi là việc tiết ra chất lỏng mặn từ tuyến mồ hôi và khi bốc hơi trên da sẽ có tác dụng làm mát cơ thể. Một người có từ 2-4 triệu tuyến mồ hôi với mật độ tuyến mồ hôi cao nhất trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Từ bé đến khi trưởng thành, số tuyến mồ hôi không thay đổi. Do đó, trẻ sơ sinh có số tuyến mồ hôi lớn nhất trên mỗi mét vuông da, nghĩa là cao gấp 8-10 lần so với người lớn. Phạm vi bình thường của đổ mồ hôi rất rộng, một số người có thể chỉ đổ nửa lít mồ hôi trong 1 giờ hoạt động hết công suất, trong khi một số khác có thể đổ mồ hôi từ 3-4 lít và cả hai đều nằm trong phạm vi bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng bài tiết mồ hôi ở cường độ cao do sốc hay do cơ thể nằm trong tình trạng nguy hiểm được gọi là toát mồ hôi thì cần được đặc biệt quan tâm.

Không đổ mồ hôi khi cơ thể đang trong môi trường nóng bức có thể là một triệu chứng của nhiều rối loạn khác nhau. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sốc nhiệt, xảy ra sau khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cao. Đối với người trẻ tuổi, tình trạng này thường xảy ra sau khi tập thể dục kéo dài hoặc hoạt động ngoài trời nắng. Đối với người lớn tuổi, bệnh này có thể xảy ra mà không liên quan tới những bệnh lý mạn tính, thuốc hay các yếu tố khác như tàn tật về thể chất. Chính thời gian ở ngoài trời nắng nóng kéo dài, khiến cơ thể bị mất nước nhiều hơn và sự làm mát cơ thể bằng cách bay hơi nước từ mồ hôi không có hiệu quả khiến con người bị sốc nhiệt với biểu hiện nhiệt độ cơ thể trên 400C, cùng với cảm giác nhìn mờ, chóng mặt, buồn nôn, ngất. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể có xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ hay tử vong.

Ngoài ra, còn nhiều lý do khác giải thích tại sao một người nào đó không đổ mồ hôi. Chẳng hạn, trong các trường hợp mắc bệnh mạn tính gây tổn thương thần kinh ngoại vi như tiểu đường, nghiện rượu, bệnh Parkinson, bệnh phong... Bên cạnh đó, đôi khi mắc bệnh da như bệnh vẩy nến hoặc phát ban cũng có thể can thiệp vào chức năng bình thường của tuyến mồ hôi. Các bệnh lý khác như khối u và chấn thương tủy sống, bệnh mất cảm giác đau kèm giảm tiết mồ hôi bẩm sinh, hội chứng thoái hóa (hội chứng Shy-Drager, hội chứng Ross) cũng có thể làm cho tuyến mồ hôi bị trục trặc. Hiện tượng mãn kinh có thể dẫn đến cảm giác nóng bừng nhưng lại không có mồ hôi.


Hình 17

Chứng tăng tiết mồ hôi là tình trạng cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn những gì cần thiết để giữ cơ thể mát mẻ do tuyến mồ hôi hoạt động quá mức. Nguyên nhân có thể do hệ thần kinh giao cảm bị kích thích bởi một số tác nhân như lo lắng, kích động hay dùng các thực phẩm, đồ uống gây kích thích như cà phê, trà, bía, rượu.

Ngoài ra, một số bệnh lý cũng được ghi nhận gây mồ hôi nhiều như suy tim sung huyết, viêm tuyến giáp. Tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất đến vùng nách, lòng bàn tay, lòng bàn chân và khuôn mặt gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng sống như cảm giác tự ti, khó chịu, đôi khi gây ức chế về tâm lý. Thông thường, các trường hợp này đều không nguy hiểm và đều có biện pháp điều trị bằng dùng thuốc hay phẫu thuật.

Tuy nhiên, trong trường hợp đổ mồ hôi nhiều kèm theo đau ngực, buồn nôn, ớn lạnh, nhiệt độ cơ thể là 400C hoặc cao hơn thì cần tìm trợ giúp y tế ngay lập tức vì có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Ngoài việc chỉ báo bệnh tật, mồ hôi còn được các nhà nghiên cứu tìm cách sử dụng như một nhiên liệu sinh học để tạo ra các thiết bị chăm sóc sức khỏe có thể đeo như máy đo nhịp tim và huyết áp. 

Để ngăn ngừa mất nước, những vận động viên marathon, điền kinh hay các vận động viên khác cần biết lượng mồ hôi của họ đã bị mất trong thời gian hoạt động để biết cần phải uống bao nhiêu nước nhằm bù lại lượng nước đó. Để biết lượng mồ hôi bị mất có thể thực hiện bằng cách cân trọng lượng cơ thể trước khi luyện tập. Sau 1 giờ sẽ cân lại trọng lượng lần nữa. Trọng lượng bị mất chính là lượng mồ hôi toát ra. Mỗi 0,45kg trọng lượng giảm tương đương với 0,47 lít mồ hôi bị mất. Lượng mồ hôi bị mất này có thể thay đổi tùy thuộc vào cường độ hoạt động, độ ẩm, chỉ số đường huyết và các yếu tố khác.


Hình 18

Như trên là các thông tin trình bày của các chuyên gia nghiên cứu về tuyến mồ hôi và các tình trạng tăng tiết cũng như giảm tiết mồ hôi, bạn có thể tham khảo cho mình và nên đi khám các bác sỹ chuyên khoa để được khám, xét nghiệm và tư vấn thêm nhé.


Huỳnh Tịnh M. 51 tuổi, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh hoavien21@....

Hỏi: Kính thưa các bác sỹ của ban biên tập trang website, tôi là một cán bộ viên chứa liên quan đến tàu biển, thương xuyên chơi cầu lông. Tuy nhiên, gần đây tôi thường có dấu hiệu đau đầu gối ngay trước vùng đầu gối, vùng xương bánh chè, khi đi khám ở bệnh viện chấn thương thể thao người ta chụp phim không có bị gãy xương gì cả nhưng thỉnh thoảng vấn tiếp tục đau. Xin bác sỹ cho tôi xin lời khuyến và nên đi khám ở đâu

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của anh, chung tôi cũng nhân câu hỏi này có tìm hiểu một số thông tin liên quan đến đau vùng đầu gối như anh mô tả, vả lại anh đã khám các cơ sở chuyên khoa về xuowng rồi, nên chúng tôi có thể nghĩ răng anh có thể đang bị viêm hoặc thoái hóa gân xương bánh chè ở đầu gối không (?)


Hình 19

Viêm gân bánh chè là tổn thương thường gặp có thể do chấn thương gối hoặc dễ gặp ở những người mắc bệnh lý xương khớp mạn tính. Song, bệnh thường xảy ra ở vận động viên hoặc những người chơi thể thao, thích vận động. Một số yếu tố thuận lợi có thể góp phần vào gồm có cấu trúc giải phẫu nối giữa xương bánh chè và xương chày. Viêm gân bánh chè là tình trạng quá tải của gối khi anh vận động liên tục, kéo dài, khởi động không kỹ, trước khi chơi thể tha. Ngoài ra, các yếu tố chấn thương và dễ gặp ở người có bệnh lý hệ cơ xương khớp mạn tính như gút, viêm khớp. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên và đặc điểm giải phẫu bất thường như xương bánh chè lên cao, chân lệch trục,... Các yếu tố khác như: thể trạng quá béo, tình trạng hai chân không khỏe bằng nhau dẫn đến sự quá tải ở một chân,...


Hình 20

Dấu hiệu chính của viêm gân bánh chè là đau, đau nằm ở vị trí trước gối nơi gân bị viêm, đau ngày càng tăng dần, âm ỉ hiếm khi là đau nghiêm trọng. Đau tăng khi vận động gấp duỗi gối như khi thực hiện các động tác leo cầu thang, ngồi xổm, chạy nhiều.

Đau tập trung và đau có tính chất chu kỳ, đi từ đau liên tục, sau đó đến đau mạnh, giảm dần rồi lại tăng lên. Bệnh tiến triển của nó có thể nhiều tháng. Viêm gân có thể tiến triển theo hướng khỏi tự nhiên hoặc trở thành mạn tính. Có trường hợp đứt gân do viêm là những biến chứng tuy hiếm nhưng rất nặng: có thể gặp đứt gân bánh chè hay đứt gân cơ tứ đầu. Triệu chứng khi đó biểu hiện bằng đau tăng đột ngột sau một cú nhảy, đồng thời mất hoàn toàn chức năng vận động của cơ.


Hình 21

Nếu các triệu chứng đau không giảm hoặc nặng hơn, ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt hoặc xuất hiện tình trạng sưng nề, tấy đỏ thì bạn cần phải đến khám và tư vấn ngay với bác sĩ. Ngoài việc khám lâm sàng thì các bác sĩ phải làm các xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán như: chụp X-quang khớp gối hai bệnh, thậm chí có thể làm chụp cộng hưởng tử để đánh giá thấu đáo (MRI), siêu âm khớp gối.

Do tình trạng đau âm ỉ trước gối và một số triệu chứng dễ nhầm với các tổn thương khác như: tổn thương sụn chêm, dây chằng, tổn thương thoái hóa khớp.

Việc điều trị viêm gân bánh chè có thể kéo dài và phức tạp, tùy theo mức độ tổn thương và sự tuân thủ điều trị và chế độ nghỉ ngơi của bệnh nhân. Một số trường hợp nặng khả năng cải thiện có thể không cao, đặc biệt là nếu xảy ra biến chứng đứt gân. Vì vậy, cần thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ sớm khi các triệu chứng mới khởi phát thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Nghỉ ngơi. Không cần chỉ định nghỉ hoàn toàn.

Thực tế, nghỉ hoàn toàn có hại hơn là có lợi. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho teo cơ và giảm thời gian phục hồi chức năng. Thường chỉ định cho nghỉ phù hợp với thời gian đau. Để giảm bớt gánh nặng cho gân phải dùng nạng để đi lại, có khi phải dùng cả nẹp gối nhằm mục đích cho khớp gối nghỉ ngơi.

Các thuốc chống viêm giảm đau, không cortisone rất có tác dụng lên gân cơ bánh chè. Chỉ định dùng thuốc trong trường hợp cấp tính, ngược lại trong trường hợp mạn tính, nó không có tác dụng nhiều. Sử dụng thuốc ở các dạng khác nhau: viên, gel, hay kem bôi bên ngoài. Điều trị bằng chích thuốc bằng nhiều mũi nhỏ kết quả không ổn định.


Hình 22

Thông thường phải phối hợp thuốc chống viêm, thuốc giãn mạch và thuốc tê. Phần lớn các trường hợp lại cho kết quả tốt. Phục hồi chức năng là một trong những điều trị quan trọng của viêm gân. Biện pháp vật lý trị liệu (siêu âm, sóng ngắn, laser,...) xoa bóp, tăng vận động cơ, kéo dài cơ cũng có tác dụng tốt. Điều trị phẫu thuật rất ít khi cần chỉ định, chỉ định tuyệt đối trong trường hợp có biến chứng đứt gân. Chỉ định trong trường hợp thất bại khi điều trị nội khoa kéo dài không kết quả. Đặc biệt là đau kéo dài và cản trở hoạt động thể thao.

Trên đây là các thông tin chuyên khoa mà chúng tôi cập nhật và tổng hợp được nhằm giúp cho các anh chị chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Thân chúc anh chị khỏe!


Trần Đình T., 61 tuổi, P. Nguyễn Văn Cừ, TP. Quy Nhơn, dinhthi@....

Hỏi: Tôi vừa hết bệnh viêm da do dời bò, và nay lại đau thần kinh liên sườn. Cho tôi xin hỏi làm thế nào chẩn đoán là tôi bị viêm thần kinh liên sườn đúng không và thuốc điều trị ra sao?Thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn có đắt tiền không, mua ở đâu? Xin cảm ơn!

Trả lời: Rất tiếc bác không nói các triệu chứng cụ thể ra để chúng tôi có thể tư vấn bác một cách đầy đủ hơn. Tuy nhiên, ở vấn đề đau này chúng tôi nghĩ nhiều đến đau thần kinh hậu zona hay sau bệnh dời leo của bác. Đây là các triệu chứng rất hay gặp khi một số bệnh nhân mắc nhiễm trùng zona, sau đó đau thần kinh giông như đau thần kinh liên sườn, nên một số người sẽ nhầm lẫn. Do vậy, do bác ở Quy Nhơn nên bác có thể đến Bệnh viện Phong và Da liễu trung ương Quy Hòa để điều trị vì đây là chuyên khoa của da liễu bác nhé.


Hình 21

Ngược lại, đau thần kinh liên sườn là hội chứng bệnh lý hay gặp. Đau thần kinh liên sườn do nhiều nguyên nhân gây nên, cũng có khi không tìm thấy nguyên nhân gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát. Nguyên nhân thường do các bệnh lý ở cột sống, tủy sống hay một số bệnh toàn thân khác (đái tháo đường, nhiễm độc) hoặc tổn thương tại dây thần kinh liên sườn.

Đau dây thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn (cúm, lao, thấp khớp), các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan) hay tổn thương ở đốt sống lưng (lao, ung thư nguyên phát hay di căn, thoái hóa, u tủy). Nhiều trường hợp bệnh nhân đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác đau tăng khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế. Nhiều trường hợp đau sau zona liên sườn bởi virus tấn công vào hạch thần kinh. Biểu hiện ban đầu là đau, sau đó phát ban đỏ, mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Cuối cùng xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức. Bệnh nhân cần chú ý không để vỡ mụn nước vì sẽ làm dải ban đỏ - mụn nước lan rộng, gây chèn ép nhiều nơi.


Đau dây thần kinh liên sườn thường do các bệnh lý ở cột sống, tủy sống.

Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, diclofenac có thể dùng. Các thuốc này có ưu điểm là rẻ tiền, dễ mua nhưng hiệu quả kém, có hại cho gan và có thể gây viêm loét đường tiêu hóa. Cần thận trọng acetaminophen cho người có tiền sử bệnh gan, nghiện rượu.

Diclofenac không dùng cho người có tiền sử viêm loét tiêu hóa. Thuốc uống sau bữa ăn.Thuốc điều trị đau thần kinh gồm các nhóm Gabapentin. Bản chất là các thuốc chống co giật, nhưng được phát hiện có tác dụng giảm đau trong các trường hợp có tổn thương dây, rễ thần kinh. Vì có tác dụng lên thần kinh trung ương nên trong một số trường hợp bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng sau dùng thuốc. Thường dùng liều nhỏ, tăng dần tới khi có tác dụng, nên uống thuốc trước khi đi ngủ hoặc nghỉ trưa, có thể dùng kéo dài vài tháng.

Thuốc giãn cơ vân như Myonal, Mydocalm chỉ dùng cho các trường hợp đau nhiều, cảm giác co rút vùng sườn tổn thương. Nên dùng liều thấp, sau bữa ăn, thận trọng cho người có bệnh lý dạ dày - tá tràng, trẻ em và người già do hệ thống cơ vân yếu. Không dùng cho bệnh nhân có bệnh nhược cơ. Uống vitamin nhóm B có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin. Ngoài ra, có thể dùng phương pháp phong bế cạnh sống, tuy nhiên, thực hiện phương pháp này phải do bác sĩ chuyên khoa.

Nếu điều trị đau thần kinh liên sườn sau zona, ở giai đoạn cấp, có thể bôi tại chỗ hồ nước, xanh methylen. Không được sử dụng các thuốc mỡ bôi lên vùng tổn thương. Dùng thuốc kháng virut acyclovir, không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Ngoài ra có thể dùng thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin, thuốc kháng histamin (có tác dụng giảm phù nề tại vùng tổn thương). Tuy nhiên cũng có tác dụng an thần nhẹ, nên chỉ dùng vào buổi trưa và tối, thận trọng dùng đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Bên cạnh đó có thể bổ sung vitamin nhóm B: B1, B6, B12.


Hình 22

Thuốc an thần được dùng khi đau nhiều gây mất ngủ, thường dùng các thuốc an thần nhẹ. Giai đoạn di chứng có thể dùng thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin, bổ sung vitamin nhóm B và thuốc an thần khi bị đau nhiều. Việc chẩn đoán và điều trị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát không quá khó nhưng để tìm ra nguyên nhân gây đau thứ phát phải cần được khám bệnh tại các cơ sở chuyên khoa để loại trừ các nguyên nhân thực thể về cột sống, tủy sống và các bệnh lý khác.

Thân chúc bác khỏe!


Trần Đăng Minh T., 53 tuổi, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, 0918…

Hỏi: Tôi bị thường xuyên viêm đại tràng co thắt và thỉnh thoảng lại lên cơ đau bụng, siêu âm không có vấn đề gì, các bác sỹ có cho thử dụng các thuốc chống co thắt đường ruột, tôi dùng thấy đỡ rất nhiều. Tuy nhiên, tôi đang bị bệnh tim mạch (hẹp hở hai lá và mạch vành) thì không biết dùng thuốc này có ổn không và nếu dùng lâu dài có tốt không. Xin bác sỹ cho tôi lời khuyến.

Trả lời: Cảm ơn rất nhiều về câu hỏi của bác, đây là một câu hỏi liên quan đến vấn đề tương tác dùng thuốc khi bệnh nhân có nhiều bệnh khác nhau. Cụ thể ở đây là bác đang bị viêm đại tràng cơ thắt và một số bệnh lý tim mạch. Thuốc chống co thắt có thành phần hyoscine butylbromide (Buscopan, Spas Meyer, ….) được sử dụng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, đường uống được dùng điều trị co thắt cơ bắp cấp tính, như trong cơn đau quặn thận hoặc đường mật; co thắt dạ dày-ruột, co thắt và nghẹt đường mật, co thắt đường niệu-sinh dục, cơn đau quặn mật, thận, giúp quá trình chẩn đoán và điều trị trong nội soi dạ dày tá tràng. Thuốc không dùng cho người bị tắc liệt ruột, hẹp môn vị, phì đại tuyến tiền liệt, rối loạn chuyển hóa porphyrin, người mắc bệnh nhược cơ nặng và glocom góc đóng.

Ngoài ra, khi dùng thuốc này, người bệnh là trẻ em và người cao tuổi, người mắc hội chứng trào ngược dạ dày-thực quản, tiêu chảy, viêm loét kết tràng cần thận trọng vì thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Những người phải làm các công việc nguy hiểm hoặc lái tàu xe thì không nên làm việc ngay sau khi tiêm thuốc vì thuốc gây rối loạn điều tiết thị lực. Các tác dụng phụ của thuốc đã được cảnh báo là khô miệng, mờ mắt, liệt cơ thể mi, giãn đồng tử, sợ ánh sáng.

  
Hình 23+24

Tuy nhiên, gần đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh còn nhấn mạnh nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng, có thể gây tử vong khi dùng thuốc này cho những người mắc bệnh tim. Cụ thể, MHRA đã nhận được 9 báo cáo về tình trạng tử vong của bệnh nhân sau khi tiêm thuốc chống co thắt hyoscine do nhồi máu cơ tim cấp hoặc ngừng tim. MHRA cho rằng tiêm hyoscine có thể gây ra các tác dụng phụ khác, ngoài các tác dụng phụ đã được biết đến trước đó, bao gồm nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, sốc phản vệ. Những ảnh hưởng này có thể nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân đang mắc bệnh nền (như suy tim, bệnh mạch vành, loạn nhịp tim hoặc cao huyết áp).

Một số báo cáo cũng đã lưu ý rằng sốc phản vệ có nhiều khả năng gây tử vong ở những bệnh nhân có bệnh tim hơn so với những người không mắc bệnh. MHRA đã yêu cầu hãng dược phẩm cập nhật, bổ sung cảnh báo này trong hướng dẫn dùng thuốc để giảm thiểu nguy cơ phản ứng phụ nghiêm trọng ở những bệnh nhân có bệnh tim. Đối với bác sĩ điều trị cũng cần đặc biệt chú ý thận trọng dùng thuốc này ở bệnh nhân mắc bệnh tim và chống chỉ định ở những bệnh nhân có nhịp tim nhanh. Trong trường hợp cần thiết, bắt buộc phải dùng thuốc thì cần theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh cũng như đảm bảo các thiết bị hồi sức, các nhân viên đã được đào tạo cách sử dụng luôn sẵn sàng khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Trên đây là các thông tin chia sẻ từ các anh chị đồng nghiệp cập nhật được.

Thân chúc bạn khỏe!

 

Ngày 29/06/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang
Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích