Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 1 3 3 8
Số người đang truy cập
3 9 1
 Tư vấn sức khỏe
Phần 3: Chuyên mục hỏi đáp bệnh chuyên ngành ký sinh trùng và y học thường thức tháng 5 & 6 năm 2017 (tiếp theo)

Lê Đình A., 47 tuổi, Cà Mau, 09034….

Hỏi: Xin hỏi các bác sỹ bệnh lý tắc tĩnh mạch võng mạc gây mất thị lực là gì và khả năng điều trị phục hồi của nó là bao nhiêu %. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tổng hợp các thông tin liên quan đến bệnh lý tắc tĩnh mạch võng mạc mắt như sau: Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của các bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, rối loạn mỡ máu và đặc biệt hội chứng chuyển hóa nói chung thì bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc (TMVM) cũng có chiều hướng tăng lên. Tắc TMVM là bệnh lý mạch máu võng mạc có thể gây giảm sút thị lực trầm trọng, thậm chí có thể gây mù do những biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.


Hình 1

Võng mạc là lớp mô nhạy cảm với ánh sáng lót ở bề mặt trong của mắt. Chuyển đổi hình ảnh thị giác sang tín hiệu điện và gửi đến não bộ thông qua thần kinh thị. TMVM có nhiệm vụ vận chuyển máu từ võng mạc trở về tim. Tĩnh mạch trung tâm võng mạc chạy dọc trong dây thần kinh thị giác. Các TMVM nhỏ hơn chạy dọc theo lớp trong của võng mạc để dẫn máu vào tĩnh mạch trung tâm võng mạc.

Bệnh TMVM là bệnh khi một trong các tĩnh mạch nhỏ tại võng mạc bị tắc nghẽn bởi huyết khối. Nếu tĩnh mạch bị tắc nghẽn dẫn lưu máu vùng hoàng điểm thì bệnh nhân sẽ bị phù hoàng điểm và gây giảm thị lực.


Hình 2

Có 2 dạng bệnh tắc TMVM: Tắc nhánh TMVM nơi tắc nghẽn xảy ra ở một trong 4 nhánh TMVM (mỗi nhánh dẫn lưu máu cho 1/4 võng mạc mắt).

Tắc TMVM nhánh chiếm khoảng 30% trong tổng số các ca tắc tĩnh mạch. Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là nơi tắc nghẽn xảy ra ở nhánh tĩnh mạch chính tạo bởi sự hội tụ của 4 nhánh tĩnh mạch võng mạc. Khoảng 90% trường hợp tắc TMVM trung tâm gặp ở người 50 tuổi trở lên.


Hình 3

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tắc TMVM gồm tăng huyết áp, nồng độ lipid máu cao, bệnh đái tháo đường, hút thuốc lá và bệnh cườm nước. Chính vì vậy, do yếu tố xã hội công nghiệp ở những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của các bệnh lý toàn thân thì bệnh tắc TMVM cũng có chiều hướng tăng lên. Theo các nghiên cứu, 70% người bị tắc TMVM là những người có bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ cứng động mạch và bệnh tim mạch khác, vì thế cần chú trọng điều trị những yếu tố tim mạch gây nguy cơ cho mắt. Những bệnh làm biến đổi thành phần huyết tương, biến đổi lưu lượng máu hay biến đổi thành mạch cũng là nguyên nhân gây tắc TMVM. Ngoài ra, có khoảng 10% người bị tắc TMVM không tìm ra nguyên nhân.

Bệnh xuất hiện đột ngột thường ở 1 mắt, mất thị lực 1 phần hay mất hoàn toàn, người bệnh nhìn kém đột ngột, mức độ vừa, như nhìn qua lớp sương mù hoặc thị lực giảm trầm trọng trong vòng 2-3 ngày. Vùng nhìn của người bệnh cũng bị thu hẹp lại, hoặc nhìn thấy đám đen trước mắt. Thường bệnh không gây đau. Thay đổi thị lực có thể ngắn hạn hoặc kéo dài dai dẳng, tùy thuộc vào tình trạng toàn thân của bệnh nhân. Ngoài các dấu hiệu trên, người bệnh không đau nhức mắt, không đỏ mắt, không chảy nước mắt. Một số biến chứng có thể gặp và tiến triển làm cho thị lực càng xấu hơn như phù hoàng điểm gây ra giảm thị lực dai dẳng, sự tăng sinh tân mạch tạo thành các mạch máu mới bất thường. Điều này có thể dẫn đến bệnh cườm nước. Bên cạnh đó, những mạch máu mới có thể vỡ gây xuất huyết.

Khi người bệnh được phát hiện có tắc TMVM phải được chuyển đến cơ sở chuyên khoa mắt có các xét nghiệm về chẩn đoán hình ảnh. Bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm chụp mạch võng mạc huỳnh quang, xét nghiệm sử dụng chất nhuộm fluorescein, tiêm vào tĩnh mạch cánh tay, thuốc nhuộm theo mạch máu đến mắt và được chụp hình lại để khảo sát mức độ phù hoàng điểm. Do cơ chế sinh bệnh lại rất phức tạp nên việc điều trị bệnh còn nhiều khó khăn và chưa có phương pháp nào giải quyết triệt để tận gốc bệnh. Mục đích điều trị là kiểm soát và loại bỏ các yếu tố nguy cơ cũng như biến chứng. Tùy từng trường hợp mà bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị cụ thể. Trong 1 số ít trường hợp có thể điều trị bằng laser giúp kiểm soát xuất huyết và phù, thị lực cải thiện ít. Thường laser được sử dụng để ngăn chặn tổn thương xấu đi, vì vậy, dù thị lực không cải thiện nhưng có thể làm giảm mất thị lực nặng hơn. Đôi khi corticoid được sử dụng giúp kiểm soát phù ở vùng hoàng điểm. Thuốc có thể được chỉ định trong vài tháng hoặc bác sĩ có thể cấy 1 lượng corticoid vào mắt và nó sẽ tác dụng trong thời gian dài.


Hình 4


Hình 5

Tắc TMVM có liên quan đến bệnh lý toàn thân nên người bệnh phải đến CSYT khám tổng thể nhằm phát hiện và điều trị ổn định các bệnh toàn thân (tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu). Đây là khâu hết sức quan trọng nhằm điều trị tận gốc. Khám mắt định kỳ và khám sớm ngay khi cảm nhận điều bất thường sẽ giúp người bệnh có cơ hội được bảo vệ và phục hồi thị lực tốt nhất sau phẫu thuật, giúp các bác sĩ kịp thời đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học (thức ăn ít chất béo, làm giảm mảng xơ vữa, giảm tình trạng tắc nghẽn dòng chảy của mạch máu và tăng nguy cơ tắc tĩnh mạch võng mạc). Một khẩu phần ăn ít chất béo sẽ giúp duy trì thị lực của bạn, hoạt động thể chất thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tắc TMVM cũng như duy trì được cân nặng lý tưởng. Bỏ hút thuốc lá làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tắc TMVM.

Để tránh các nguy cơ của bệnh lý võng mạc, những người lớn tuổi, mới trải qua tai nạn, chấn thương nghiêm trọng vùng mặt, nếu đột nhiên cảm thấy như có màng mờ che trước mắt, đốm đen, vệt đen di chuyển dưới mắt hay điểm lóe sáng nên đi khám nhãn khoa ngay vì đây là nhóm dấu hiệu của bệnh lý bong võng mạc, có thể gây mù. Bên cạnh đó, người bị cận thị, lớn tuổi, có bệnh lý mạch máu (đái tháo đường, tăng huyết áp) nên đi khám mắt định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thân chúc bạn khỏe!


Hoàng Đình T., 52 tuổi, TP. Hồ Chí Minh, hoanghoa26@

Hỏi: Tôi thường xuyên đi kahms bác sỹ vì cơn đau ở các khớp ngón chân hành hạ và đặc biệt là ngón chân cái, sau đó tôi nghĩ là bị goutte, nên đã ra quầy thuốc tây lớn để mua thuốc và nghe hướng dẫn của dược sỹ tư vấn. Nhưng đến khi đi khám và xét nghiệm tại bệnh viện Chợ rẫy thì xác nhận không phải giute mà là giả goutte. Vậy không biết bệnh của tôi là goutte thật hay giả, xin bác sỹ giải thích cho tôi hiểu.

Trả lời:

Rất tiếc là chúng tôi không nhận được kết quả xét nghiệm của bác nên khó mà tư vấn đầy đủ. Tuy nhiên có nhưng nguyên tắc để chẩn đoán xác định gút và giả gút bạn ạ. Bệnh giả gútt là một dạng viêm khớp đặc trưng bởi sự đột ngột, đau sưng tại một hoặc nhiều khớp xương. Những đợt đau có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Bệnh giả gút thường xảy ra ở người lớn tuổi và phổ biến nhất là ảnh hưởng đến đầu gối. Bệnh lý khớp do vi tinh thể bao gồm viêm khớp và viêm quanh khớp là một nhóm bệnh khá thường gặp. Trước kia, khi chưa có các phương tiện cần thiết, người ta không thể phân biệt được nguyên nhân do loại vi tinh thể nào. Việc phát minh ra kính hiển vi lưỡng cực năm 1961 cho phép các nhà nghiên cứu xác định được vai trò của từng loại tinh thể, từ đó phân biệt các bệnh lý hay gặp trong nhóm, bao gồm các bệnh phổ biến là gút (do tinh thể monosodium urate-MSU, còn gọi là tinh thể urat) và nhóm giả gút do tinh thể calci pyrophosphat (CPP), calci apatit, calci oxalat và một số loại vi tinh thể khác. Bệnh gút và giả gút do tinh thể CPP (CPP disease - viết tắt CPPD) là hai bệnh phổ biến nhất trong nhóm này. Cả hai bệnh có biểu hiện lâm sàng rất giống nhau, gây viêm khớp và phần mềm quanh khớp.


Hình 6

Tỷ lệ mắc CPPD tăng theo tuổi, khoảng 10- 15% số người ở độ tuổi 65-75 và tới 30-50% ở những người trên 85 tuổi. Tỷ lệ mắc các cơn cấp hàng năm là 1,3/1000 người lớn. Tỷ lệ nam/nữ là 1,5/1, thấp hơn nhiều so với trong bệnh gút là 9/1 (trong gút bệnh nhân chủ yếu là nam giới). Tương tự bệnh gút, CPPD cũng có mối liên quan chặt chẽ tới một số bệnh rối loạn chuyển hoá. Những bệnh lý hay gặp đi kèm gồm có cường cận giáp, nhiễm sắt (hay gặp nhất), ngoài ra còn các bệnh khác như suy giáp, hạ magne máu, hạ phosphat máu, bệnh amyloid, bệnh nhiễm hemosiderin. Ngoài ra, bệnh còn liên quan tới tình trạng di truyền (hay gặp ở người Slovakia, Chi lê, Nhật, Hà Lan, Thuỵ Điển, Pháp); tuổi tác và tình trạng chấn thương, sau phẫu thuật. Bệnh cũng có thể xuất hiện sau dùng Etidronate là một thuốc điều trị bệnh loãng xương hoặc sau chụp mạch.


Hình 7

Triệu chứng lâm sàng của CPPD có thể không có biểu hiện, hoặc biểu hiện cấp tính, bán cấp hay mạn tính. Viêm khớp cấp trong bệnh có thể giống hệt cơn gút cấp với: khớp có biểu hiện viêm rõ như sưng, sờ vào nóng, đặc biệt vùng da tổn thương hồng đỏ; bệnh nhân có thể có sốt. Các yếu tố trên có thể làm bệnh nhân và ngay cả một số thầy thuốc lầm tưởng sang bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn nên điều trị sai, thường là dùng kháng sinh. Do triệu chứng giống hệt bệnh gút nên còn gọi là bệnh giả gút (pseudogout). Tuy nhiên, thường nếu trong bệnh gút viêm khớp diễn biến đột ngột, xuất hiện cơn đau cấp nhanh trong vài giờ thì trong CPPD triệu chứng thường âm thầm kéo dài, tăng dần trong vài ngày. Vị trí khớp viêm hay gặp nhất trong CPPD là khớp gối, cổ tay và khớp vai.


Hình 8

Những hình ảnh dưới đây cho thấy các cấu trúc khác nhau mà có thể bị ảnh hưởng bởi CPPD (Nguồn emedicine.medscape.com).Hình ảnh bên trái mô tả bề mặt xương đùi và xương chày. Hình ảnh bên phải miêu tả dây chằng chéo trước.


Khoảng 5% bệnh nhân có triệu chứng viêm tại nhiều khớp với tính chất đối xứng, mức độ viêm nhẹ, tồn tại nhiều ngày, có thể có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng giống bệnh viêm khớp dạng thấp. Gần 50% trường hợp có triệu chứng thoái hoá khớp tiến triển ở nhiều khớp. Một số bệnh nhân có triệu chứng giống bệnh viêm cột sống dính khớp do đau, hạn chế vận động cột sống thắt lưng, thậm chí có hình ảnh cầu xương thực sự trên Xquang. Một số khác có biểu hiện giống thấp khớp cấp do tính chất di chuyển khớp viêm từ khớp này sang khớp khác. Ngoài ra chấn thương có thể khởi phát đợt viêm cấp nên cần phân biệt sưng đau do viêm khớp hay do chấn thương. Hội chứng đường hầm cổ tay với dấu hiệu tê các ngón giữa của bàn tay cũng có thể là triệu chứng ban đầu của CPPD.

Về mặt xét nghiệm, cần lấy dịch khớp (nếu có) soi tế bào, nhuộm Gram, cấy tìm vi khuẩn để loại trừ viêm khớp nhiễm khuẩn. Soi tìm tinh thể calci pyrophospat bằng kính hiển vi lưỡng chiết quang thấy có hình thoi, ngắn, tù hai đầu, không chuyển màu khi thay đổi góc nhìn (khác với tinh thể urat trong bệnh gút có hình kim, hai đầu nhọn sắc, chuyển màu từ vàng sang xanh khi thay đổi góc nhìn). Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh CPPD. Xquang điển hình trong bệnh CPPD là hình ảnh lắng đọng tinh thể CPP thành đốm hoặc thành dải ở sụn khớp hoặc sụn chêm. Ngoài ra bệnh thường có thoái hoá nhiều khớp hoặc có lắng đọng calci ở phần mềm, bao khớp, gân, bao gân, dây chằng. Cần tìm các bệnh lý kèm theo đặc biệt bệnh tuyến giáp, cận giáp, định lượng Magne, Calci, sắt huyết thanh.

Điều trị đợt cấp của bệnh giống như trong điều trị bệnh gút: hút dịch khớp đơn thuần hoặc phối hợp hút dịch với tiêm corticoid tại chỗ. Các thuốc chống viêm không steroid như aspirin, diclofenac, meloxicam... có tác dụng tốt. Colchicin cũng được dùng và cho hiệu quả tích cực trong cả cơn cấp cũng như trong dự phòng đợt viêm tái phát. Trường hợp viêm nhiều khớp nặng không đáp ứng với các thuốc trên có thể dùng thuốc chống viêm nhóm steroid ngắn ngày nhưng cần có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Một điều cần lưu ý là khác với bệnh gút, trong bệnh CPPD không có điều trị nào có thể lấy bỏ các tinh thể CPP ra khỏi sụn và màng hoạt dịch khớp. Mặc dù không có các biện pháp dự phòng đặc hiệu nhưng việc điều trị tốt các bệnh kèm theo như cường cận giáp, nhiễm sắt... cũng góp phần giảm các đợt tái phát bệnh. Một số bệnh nhân có tổn thương ở khớp lớn, giảm chức năng vận động nặng cần can thiệp ngoại khoa thay khớp nhân tạo.

Biến chứng của bệnh gồm thoái hoá khớp thứ phát, nhiễm khuẩn khớp, hội chứng đường hầm cổ tay chèn ép thần kinh giữa hoặc có thể chèn ép tuỷ sống. Nhìn chung bệnh có tiên lượng tốt, các đợt cấp có thể giải quyết nhanh trong 10 ngày.


Lư Hoàng H., 27 tuổi, Vĩnh Long macro1122@

Hỏi: Kính thưa các bác sỹ, mồ hôi của em có mùi rất kỳ lạ mà cả người trong gia đình và bạn bè, người thân của em nói vậy, đó là mùi giống như hôi thối nhưng nhẹ mùi hơn. Xin bác sỹ cho em biết đó là mắc bệnh gì và cách chữa trị như thế nào. Em lo lắng qua không dám có bạn gái vì cái mùi này. Em đã dùng cây lăn nách nhưng chỉ có giá trị 3 giờ sau đó bốc mùi trở lại. Chân thành cảm ơn bác sỹ.

Trả lời:

Chúng tôi rất chia sẻ về tình huống bệnh lý của bạn. Trong thực hành nghề nghiệp, chúng tôi gặp cả nam và nữ nữa có mồ hôi cho ra các mùi rất khó chịu và không ai giống ai cả. Nên bạn cũng không phải là trường hợp đặc biệt đâu nhé, nên đừng lo nhiều và việc này không ảnh hưởng việc có bạn gái hay không vì bạn gái thương em là khía cạnh khác, em không nghe nói à “"Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng" và biết đâu khi yêu rồi cô ấy khi thiếu cái mùi ấy lại nhớ đó chứ!?


Hình 8

Chúng tôi có truy cập và tổng hợp một số tài liệu y khoa cho thấy: Ở người bình thường, mồ hôi thường không mùi nhưng đối với một số ít người trên thế giới, ngoài nước tiểu, hơi thở thì ngay cả mồ hôi cũng có mùi khó chịu như mùi cá ươn, mùi mồ hôi chân hay mùi bắp cải luộc do mắc phải những bệnh lý hiếm gặp. Điều đáng chú ý là những bệnh lý này cho đến nay vẫn chưa có biện pháp đặc trị mà người bệnh chủ yếu áp dụng các biện pháp phòng ngừa để hạn chế hoặc át mùi cơ thể.

Hội chứng mùi cá ươn

Hội chứng mùi ươn hay mùi trứng thối (Trimethylaminuria) là hội chứng di truyền hiếm gặp, hiện tại trên thế giới có chưa đến 1.000 người mắc bệnh. Nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa, cơ thể không chuyển hóa trimethylamin (TAM) có trong thực phẩm có mùi tanh khi ăn vào làm cho hóa chất tích tụ bên trong cơ thể, nhất là gan trước khi nó được bài tiết ra ngoài qua đường mồ hôi, nước tiểu và hơi thở.


Hình 9

Thông thường, cơ thể sản xuất TMA trong ruột dưới tác dụng của vi khuẩn giúp tiêu hóa thực phẩm chứa nhiều chất cholin như trứng, gan và cá. Khi số lượng TMA trong cơ thể đầy đủ thì sự tiêu hóa diễn ra bình thường nhưng ở các trường hợp có rối loạn chuyển hóa gây thiếu hụt enzym FM03 sẽ khiến TMA không được chuyển hóa mà tích tụ lại và toát ra khỏi cơ thể (qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở).

Tùy theo nồng độ TMA trong máu mà người bệnh có mức độ hôi thối khác nhau. Hiện nay, do là một bệnh lý hiếm gặp lại chứa đựng nhiều điều bí ẩn nên vẫn chưa có biện pháp đặc trị, người bệnh chủ yếu thực hiện chế độ sinh hoạt để hạn chế mùi như tăng cường vệ sinh cơ thể, sử dụng chất khử mùi và tránh các thực phẩm có hàm lượng trimethylamin cao như trứng, thịt cá, pho-mát, bơ, tinh bột, rau có màu xanh đậm như súp-lơ, đậu Hà Lan, hải sản và dầu cá. Ngoài ra, có một số ý kiến đề xuất có thể sử dụng thuốc kháng sinh để tăng cường các vi khuẩn có lợi như lactobacilus để ngăn cản các vi khuẩn tạo ra TMA nhằm hạn chế mùi hôi thối cho cơ thể.


Hình 10

Cơ thể có mùi hôi chân

Bệnh máu nhiễm acid isovaleric có thể gây tổn thương não, thậm chí tử vong, đặc biệt đối với trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gây ra mùi hôi chân. Nguyên nhân được cho là do đột biến di truyền dẫn đến sự thiếu hụt enzym trong dehydrogenase isovaleric-coenzym. Coenzym có vai trò hỗ trợ quá trình phá vỡ acid amin Leucin, nhưng nếu không có, leucin chỉ có thể được giáng hóa một phần dẫn đến tồn tại một số hợp chất từ quá trình này khiến acid isovaleric bắt đầu tích tụ trong máu. Và cũng chính chất này gây ra mùi hôi chân. Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp chữa trị khỏi bệnh máu nhiễm acid isovaleric này nhưng một số phương pháp điều trị như tránh các loại thực phẩm giàu chất leucin (một loại acid amin) như dừa, hạnh nhân, mơ, đu đủ, ôliu, quả hồ trăn, quả óc chó và bổ sung các acid amin khác có thể giúp bệnh nhân giảm mùi cơ thể.

Cameron Rokhsar, Phó giáo sư lâm sàng của khoa da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ) cho biết, chân bạn có thể phát ra mùi hôi do nấm mốc kết hợp cùng vi khuẩn xâm nhập vào da và ngón chân. Nếu bạn gãi chân rồi sau đó chạm tay vào các vùng khác trên cơ thể thì bệnh nấm da có thể lan rộng. Bạn cần gặp bác sĩ da liễu để nhờ tư vấn cách điều trị phù hợp và hiệu quả. 

Cơ thể có mùi bắp cải luộc

Cơ thể có mùi bắp cải luộc có nguyên nhân từ tình trạng tăng methionin huyết. Methionin là một acid amin hiếm có chứa lưu huỳnh và khi methionin không được chuyển hóa đúng cách, nó có thể dẫn đến một lượng lớn dimethylsulfide, tạo ra mùi giống như cải bắp luộc. Điều này có thể xảy ra do ăn quá nhiều methionin có trong các thực phẩm giàu chất đạm như thịt, phô-mai. Nếu tình trạng này là di truyền, nguyên nhân có thể do đột biến ở một trong số các gene có trách nhiệm tạo ra các enzym giúp phá vỡ methionin. Nếu không có những enzym này, bệnh nhân đôi khi có mùi bắp cải luộc trong mồ hôi, hơi thở hoặc nước tiểu. Không phải tất cả mọi người mắc bệnh đều có các triệu chứng và trên thực tế hầu hết mọi người đều không có biểu hiện gì.


Hình 11

Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh không có khả năng sản sinh enzym có thể dẫn đến các vấn đề thần kinh, suy nhược cơ hoặc những vấn đề khác trong hệ thần kinh. Đối với bệnh lý này cũng chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu mà vẫn dừng ở biện pháp dự phòng như tránh thức ăn có chứa methionin như trứng, cá, thịt, các loại hạt, ngũ cốc… đồng thời sử dụng các chế phẩm bổ sung khác theo lời khuyên của bác sĩ.

Cơ thể bốc mùi cá tanh và trứng thối

Một phụ nữ người Anh mắc phải căn bệnh lạ khiến cơ thể bốc mùi tanh của cá và đôi khi còn có cả mùi trứng thối.

Cô Ellie James, 44 tuổi, sống tại Abingdon, hạt Oxfordshire, là một trong số ít người mắc phải hội chứng người có mùi cá (Trimethylaminuria). Cô James chia sẻ cô cảm thấy xấu hổ khi bị căn bệnh rối loạn nội tiết tố này suốt 14 năm qua và không thể sống thiếu nước hoa cũng như sản phẩm xịt khử mùi cơ thể.  Nữ giám đốc cho hay cô phát hiện ra mình mắc phải căn bệnh lạ trên năm 30 tuổi: “Lúc đầu, tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Tuy nhiên, tôi đã phát hiện ra điều đó khi có người nhìn chằm chằm vào tôi và bịt mũi. Tôi nghe họ nói về mình trong văn phòng”. Cô Ellie cho hay cô phải tắm 5 lần/ngày và mỗi khi ăn các loại thực phẩm thịt, sữa, cà phê, cá, cơ thể cô lại bốc mùi khó chịu. Cô Ellie lấy hết can đảm quyết định đến gặp bác sĩ để giải bày về căn bệnh kỳ lạ. Các nhân viên y tế đã khuyên cô nên sử dụng loại xà phòng cân bằng độ PH đặc biệt để cải thiện tình hình. Tuy căn bệnh vẫn chưa có phương pháp điều trị nhưng nhờ chế độ ăn hợp lý và dùng thuốc kháng sinh đã giúp cô lấy lại sự tự tin, thậm chí cô còn tìm được tình yêu với bạn trai Dan Molston, 50 tuổi.

Hội chứng Trimethylaminuria là một căn bệnh về trao đổi chất khiến cho cơ thể người bệnh mất khả năng tách hoàn toàn chất trimethylamine có trong thực phẩm. Chất trimethylamine này lại hình thành và giải phóng qua mồ hôi, nước tiểu và hơi thở của người bệnh, khiến họ toát ra mùi tanh nồng nặc của cá. Y học ghi nhận, tại Anh chỉ có một vài người mắc phải căn bệnh lạ này. Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển bệnh nặng hơn nam giới bởi hormon sinh dục nữ làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Căn bệnh này còn có thể khiến cho người bệnh bị trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác.


Hình 12

Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến có mùi khóa chịu và mất lịch sự:

Rò hậu môn

Rò hậu môn hay còn gọi là bệnh mạch lươn, cùng với bệnh trĩ rò hậu môn là căn bệnh về hậu môn trực tràng vô cùng phiền toái. Nó ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người bệnh, thậm chí là những người xung quanh khi phải chịu đựng mùi hôi thối khó chịu phát ra từ người bệnh. Biểu hiện của rò hậu môn là xuất hiện các nốt nhỏ, có mủ, chảy dịch vàng ở hậu môn tầng sinh môn, thường xuyên xì hơi, rò rỉ phân gây mùi hôi thối khó chịu. Bên cạnh đó hậu môn còn có biểu hiện sưng đau, nóng rát, tấy đỏ, các vết rò khi ấn vào chảy dịch, đau tức.

Người bệnh thường trải qua quá trình áp xe hậu môn sau đó mới bị biến chuyển thành rò hậu khi không điều trị hay điều trị áp xe hậu môn không dứt điểm, kéo dài không hiệu quả. Do đó cần phải điều trị áp xe hậu môn sớm, tránh để xảy ra (nội khoa và phẩu thuật). Đây là căn bệnh phẫu thuật sẽ rất đau đớn vì các đường rò theo một hệ thống mạch lươn, ngóc ngách ăn sâu vào bên trong hậu môn. Điều trị sớm sẽ tránh được những biến chứng ảnh hưởng đến tầng sinh môn và hậu môn trực tràng. Bệnh nguy hiểm và phiền toái hơn với chị em phụ nữ. Chế độ ăn uống nghỉ ngơi sau phẫu thuật cũng cần nghiêm túc thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Những lý do kỳ lạ khiến cơ thể bạn có mùi hôi khó chịu như lượng chất xơ trong cơ thể bị dư thừa.Chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hoá nhưng nếu dư thừa lại chính là nguyên nhân gây ra mùi hôi cơ thể. Bạn chỉ nên nạp 25g chất xơ mỗi ngày thôi nhé.

Bạn đã bao giờ nghe về một loại mồ hôi gọi là mồ hôi căng thẳng chưa? Loại mồ hôi này được tiết ra từ tuyến apocrine khi bạn đang chịu quá nhiều áp lực hoặc căng thẳng. Loại mồ hôi này không chảy thành giọt như mồ hôi bình thường, phản ứng rất nhạy với vi khuẩn và gây ra mùi hương khó chịu. Để khắc phục, bạn nên có kế hoạch cụ thể và xác định những công việc nào cần ưu tiên để giải quyết trước, tránh trường hợp bị căng thẳng do phải suy nghĩ quá nhiều thứ cùng một lúc. Các lớp yoga là một gợi ý cho bạn để thư giãn đầu óc sau một ngày dài làm việc. Bạn có thể mang theo một chiếc áo khác để thay sau một cuộc họp căng thẳng hoặc dùng lại lăn khử mùi.

Áo lót thường được làm bằng chất liệu vải rất thấm hút, hơn nữa, vị trí mặc áo lót lại ở những nơi rất dễ đổ mồ hôi như khu vực dưới ngực, dưới cánh tay. Nếu bạn không giặt sau một lần sử dụng, chiếc áo lót sẽ bốc mùi và khiế cho cơ thể bạn có mùi hôi khó chịu. Bạn nên có ít nhất là 3 chiếc áo lót khác nhau để thay đổi mỗi ngày, hoặc không có thời gian để giặt, hãy rộng rãi sắm cho mình mỗi ngày một chiếc để giữ cho cơ thể luôn được thơm tho.


Hình 13

Dầu trong các món chiên rất nhanh chóng bị ôi, đây là nguyên nhân dẫn đến tidnh trạng khó tiêu hoá và gây ra mùi khó chịu. Suy nghĩ hai lần trước khi bạn quyết định mua gà rán hoặc khoai tây chiên, đặc biệt là vào bữa tối.

Một số loại thuốc tránh thai gây ra hiện tượng khô miệng từ đó dẫn đến việc tích trữ lại một lượng lưu huỳnh, là nguyên nhân khiến cơ thể bốc mùi. Ngoài ra, một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm cân cũng là lý do khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Trước khi dùng bất kì loại thuốc nào, bạn nên đọc hướng dẫn và tác dụng phụ trên bao bì hoặc có thể gặp trực tiếp bác sĩ để có thông tin rõ ràng hơn. Việc cơ thể bị thiếu hụt các vitamin và khoáng chất như kẽm, magiê và riboflavin, có thể là nguyên nhân gây ra mùi cơ thể khó chịu. Chẳng hạn như kẽm có chức năng chính là phá vỡ carbohydrates và loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không cung cấp đủ kẽm, bạn đã vô tình ngăn cản quá trình giải độc và gây ra mùi cơ thể. Hãy tạo cho mình một chế độ ăn uống cân bằng hơn để làm sạch cơ thể. Thêm vào các loại rau như rau mùi tây, cải xoăn, rau bina… và trái cây họ cam quýt.

Theo nghiên cứu của HuffingtonPost.com, có khoảng 10 đến 15 phần trăm dân số bị đổ mồ hôi nhiều ở chân. Thêm vào đó, việc thường xuyên phải mang giày dép tạo môi trường thuận lợi cho sự tăng trưởng của vi khuẩn sedentarius micrococcus, một loại vi khuẩn có mùi lưu huỳnh. Để khắc phục tình trạng này, hãy thay giày của bạn mỗi ngày, rửa chân thường xuyên và cố gắng để chân không nếu không phải ra ngoài. Trong một nghiên cứu của Thuỵ Điển, khi tiêm một loại độc tố vào cơ thể của những người tham gia để kích thích quá trình miễn dịch, cơ thể họ bắt đầu tiết ra một mùi hôi khó chịu. Từ nghiên cứu cho thấy, cơ thể bắt đầu suy yếu do bị vi khuẩn và các tác nhân bên ngoài tấn công cũng là nguyên nhân khiến cơ thể bốc mùi. Hãy tập sống một lối sống lành mạnh, vận động mỗi ngày và có chế độ ăn uống phù hợp.

Hơi thở có mùi trái cây

Ở người bệnh tiểu đường có biến chứng gọi là DKA, cơ thể họ thiếu insulin nên không thể chuyển hóa đường thành năng lượng và phải phân hủy các axit béo để thay thế. Điều này dẫn đến việc hình thành xeton trong máu. Và axeton (thành phần chính của xeton), vốn có trong chất tẩy sơn móng tay, sẽ tạo nên mùi trái cây trong hơi thở người bệnh tiểu đường, theo ý kiến của tiến sĩ Robert Gabbay - Giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm bệnh tiểu đường Joslin ở Boston (Mỹ).

Bạn sẽ chú ý đến mùi lạ đó khi có người bất giác phát hiện lúc trò chuyện với bạn, nhưng riêng bác sĩ thì sẽ "bắt mùi" ngay khi bạn bước vào phòng của họ. Tác động của DKA có thể rất nghiêm trọng, thậm chí là gây nguy cơ tử vong. Nếu bạn phát hiện hơi thở có mùi trái cây kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, khô miệng, khó thở hoặc đau bụng, thì hãy đến gặp bác sĩ nhờ thăm khám càng sớm càng tốt. Đó là khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ. 

8 loại thực phẩm khiến cơ thể "bốc mùi"

Cách tốt nhất để thoát khỏi mùi cơ thể là thay đổi chế độ ăn uống nếu có thể, bởi có những loại thực phẩm ăn nhiều sẽ làm cho mùi cơ thể trở nên khó chịu và trầm trọng hơn. Mọi người nghĩ rằng sử dụng chất khử mùi mạnh sẽ giúp ngăn chặn mồ hồi và “giải quyết” vấn đề này. Nhưng thực tế, tiết mồ hôi là một hoạt động của cơ thể và cố gắng ngăn chặn mồ hôi tức là bạn đang cố gắng làm điều không có lợi cho cơ thể. Đa số mọi người không nhận ra rằng thói quen ăn uống của bản thân có thể khiến cho cơ thể có mùi khó chịu.  Có một số thực phẩm chứa hợp chất để  ra một mùi riêng biệt cho cơ thể.


Hình 14

Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân mùi cơ thể. Và nó đã cho thấy những gì chúng ta ăn có thể tác động trực tiếp, gây mùi cho cơ thể. Nghiên cứu cho thấy các loại thực phẩm có chứa lưu huỳnh hoặc được chế biến rất khó phân hủy trong cơ thể. Điều này đã gây ra mùi mồ hôi khó chịu. Cách tốt nhất để thoát khỏi mùi cơ thể là thay đổi chế độ ăn uống nếu có thể, bởi có những loại thực phẩm ăn nhiều sẽ làm cho mùi cơ thể trở nên khó chịu và trầm trọng hơn. Dưới đây là những thực phẩm gây mùi cơ thể chúng ta cần hạn chế

Bông cải xanh: Các loại rau như bông cải xanh đều có chứa các hợp chất nhất định như lưu huỳnh được biết là gây ra mùi cơ thể. Và khi các hợp chất này phân hủy trong cơ thể, chúng có thể tạo ra một mùi khó chịu khác nhau. Tiêu thụ loại rau xanh này một cách thường xuyên có thể gây ra vấn đề về mùi cơ thể nghiêm trọng.

Cà phê: Người ta thường chỉ nghĩ cà phê gây ra hơi thở hôi, nhưng rất ít người nhận thức được thực tế là nó còn có thể khiến cho cơ thể của bạn có mùi khó chịu. Vì vậy, hãy cố gắng giảm mức tiêu thụ cà phê để có thể chống lại các vấn đề về mùi cơ thể.

Thịt đỏ:Các loại thịt đỏ khiến cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa. Khi thức ăn lâu tiêu, chất độc có mùi hôi được phát ra và khiến cơ thể bốc mùi khó chịu. Một nghiên cứu đã chứng minh: Theo đánh giá của chị em thì những quý ông không ăn thịt sẽ có mùi cơ thể dễ chịu hơn những người ăn nhiều thịt trong chế độ ăn hàng ngày.

: Một thực phẩm trong danh sách này là cá. Cá rất có lợi cho sức khỏe nhưng lại chứa nhiều choline khiến nó có mùi tanh. Nếu ăn quá nhiều, bạn sẽ bị ám mùi. Những người mắc phải rối loạn di truyền gen có tên trimethylaminuria rất hay "bốc mùi" sau khi ăn cá do không chuyển hóa được thực phẩm, buộc phải giải phóng trimethylamine qua đường mồ hôi.

Đồ ăn vặt:Hầu hết các loại đồ ăn vặt, bánh snack đều có thành phần làm từ bột mì trắng tinh luyện, đường, các chất ôxy hóa, dầu và các thành phần chế biến tổng hợp khác. Theo các nhà khoa học, những thành phần này có thể làm cho cơ thể bạn có mùi khó chịu. Những thực phẩm này có xu hướng bị giữ trong ruột lâu vì cơ thể của khó tiêu hóa một số thành phần của chúng. Các chất độc từ những thực phẩm này sau đó được tiết ra khỏi cơ thể thông qua các lỗ chân lông làm cho mồ hôi của bạn có mùi khó ngửi.

   
Hình 15+16+17

Măng tây:Măng tây "nổi tiếng" khiến nước tiểu nặng mùi. May mắn điều này chỉ xảy ra với một số ít người có gen đặc biệt khiến chất mercaptan trong măng tây trở thành hỗn hợp lưu huỳnh sau khi được tiêu hóa.

Thực phẩm cay:Các gia vị có tính cay nóng như ớt, hạt tiêu, mù tạt, các gia vị có mùi nồng nặc như hoa hồi, quế sẽ khiến cho mùi mồ hôi của bạn khó chịu hơn. Cơ thể bạn cũng tiết ra nhiều mồ hôi hơn, do đó tình trạng hôi nách sẽ càng thêm trầm trọng.

Rượu: Mặc dù rượu sẽ được xử lý qua gan, tuy nhiên 10% còn lại sẽ được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. Chính vì vậy, mồ hôi cơ thể sẽ tiết ra nhiều hơn khi bạn uống rượu.

Ngoài ra, đồ uống có cồn (bao gồm mùi) được hấp thụ và chuyển hóa thành các axit acetic bài tiết qua lỗ chân lông. Càng uống nhiều, cơ thể càng "bốc mùi". Giờ thì bạn đã hiểu vì sao mình có mùi hôi sau khi uống bia rượu tối hôm trước. Nếu bạn uống rượu và thấy mùi cơ thể nghiêm trọng thời gian gần đây thì bạn có thể xem xét việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn.

Điều quan trọng là mùi hôi lạ từ cơ thể có thể biểu hiện điều gì quan trọng về bệnh tật không?Mùi lạ của cơ thể đôi khi chính là dấu hiệu của những nguy cơ lớn về sức khỏe. Bạn nên kiểm tra càng sớm càng tốt. Bạn hì hục trong phòng gym và cơ thể bốc mùi do ướt đẫm mồ hôi thì chỉ cần tắm 5 phút là thơm tho lại ngay. Hoặc những khi ăn bánh mì kẹp thịt cho quá nhiều hành tây, bạn sẽ phải đánh răng kỹ nếu không muốn mất tự tin trong cuộc hẹn với khách hàng. Đó là những trường hợp bình thường, nhưng có một số mùi lạ trên cơ thể đôi khi cho thấy tình trạng sức khỏe của bạn. Trên thực tế, một số bệnh có thể khiến bạn sinh ra mùi rất lạ và "đặc biệt", theo một nghiên cứu gần đây ở Thụy Điển, theo Men's Health.

Như trên, chúng tôi đã cố gắng thu thập thông tin liên quan đến các vấn đề mùi mồ hôi và mùi tỏa ra từ cơ thể như chia sẻ thông tin với bạn để cùng suy ngẫm.


Trịnh Đang D., 29 tuổi, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Hỏi: Xin cho tôi hỏi, do thói quen làm việc mà không muốn đứng dậy uống nước nhiều như khuyến cáo, nhưng sức khỏe của tôi vẫn cảm thấy bình thường. Nếu không uống nhiều nước thì có hại gì không về lâu dài. Xin cho tôi lời khuyên, xin cảm ơn!

Trả lời:

Không ít người lười uống nước khi họ mãi làm việc và cũng cảm thấy chưa có vấn đề gì về sức khỏe cả. Uống không đủ nước và những hệ lụy. Song về lâu dài như thế sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn đâu. Nhằm giải đáp câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ bài viết của TS.BS. Lê Thanh Hải về hệ lụy của việc không uống nước nhiều.


Hình 18

Nước luôn rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của cơ thể con người. Nếu chúng ta bỏ qua thói quen uống nước hằng ngày có thể đẩy cơ thể vào tình trạng phải đối diện với nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Cứ đến mùa hè, diễn biến khí hậu ở nước ta khá khắc nghiệt, vùng áp thấp nóng phía Tây tác động chủ yếu đến các tỉnh, thành của miền Bắc và Trung Bộ đạt ngưỡng mạnh nhất, đẩy nhiệt độ tăng lên mức đỉnh điểm trong các đợt nắng nóng, làm đảo lộn sinh hoạt của mọi người và ẩn chứa nhiều nguy cơ nguy hiểm đối với sức khỏe, nhất là người cao tuổi và trẻ em. Điều gì sẽ xảy ra đối với cơ thể, nếu bạn không uống đủ nước? Những nguy cơ khi cơ thể thiếu nước:

Mất nước:Mất nước thường là tác dụng đầu tiên từ việc uống nước không đủ. Người mất nước thường bị khát, đau đầu, khô miệng, môi, lưỡi và da. Khi tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn, các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, đi tiểu ít hoặc nước tiểu màu sẫm, nhầm lẫn, chóng mặt và đau ngực. Sự mất nước thường xảy ra do không bù đủ nước và các chất lỏng khác, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng hơn.

Tăng nhiệt độ cơ thể:Nước trong cơ thể hoạt động như một cơ chế làm mát, cả bên ngoài da và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Hệ thống làm lạnh nội bộ của cơ thể có thể không hoạt động bình thường nếu bạn không uống đủ nước, có thể gây chuột rút do nóng, nhịp tim nhanh, chóng mặt, mệt mỏi và cảm giác nóng hoặc lạnh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể xảy ra sốc nhiệt và có thể đe dọa tính mạng.

Mất cân bằng hóa học:Mất nước có thể gây trở ngại cho nhiều quá trình hoạt động của cơ thể, như cung cấp không đủ ôxy cho các cơ quan, xử lý chất thải và chất bôi trơn xương và khớp không được tốt. Mất nước cũng ảnh hưởng đến sự cân bằng của chất điện phân, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể hoạt động. Mất cân bằng natri và kali có liên quan đến rối loạn dẫn truyền các tín hiệu của não. Sự mất cân bằng hóa học có thể gây nhịp tim bất thường, co giật và rối loạn cảm giác. Cuối cùng, có thể bị các vấn đề về sức khỏe trầm trọng, chẳng hạn như suy thận, mất ý thức, giảm thể tích máu và sốc.

Táo bón và các vấn đề về tiêu hóa: Để chuyển động ruột hiệu quả, cần phải uống nhiều nước. Không uống đủ nước có thể gây ra tích tụ độc tố trong đường ruột và gây nhiễm độc cho cơ thể. Táo bón kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm hội chứng quá tải chất độc, dị ứng và các vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, buồn nôn, đau bụng và ăn không ngon.

Loét dạ dày: Trong dạ dày, lớp niêm mạc chứa 98% nước và 2% bicarbonate natri, hỗ trợ cho tiêu hóa thức ăn và bảo vệ dạ dày bằng cách trung hòa acid trong dạ dày. Trong quá trình mất nước, niêm mạc dạ dày mất nước và hoạt động kém hiệu quả vì không có đủ chất lỏng. Điều này có thể dẫn đến tăng lượng acid trong dạ dày và dễ gây ra chứng ợ nóng, cuối cùng tạo điều kiện gây viêm loét dạ dày.

Đau khớp: Sụn khớp được tìm thấy trong các khớp và đĩa đốt sống, giúp hạn chế sự cọ xát giữa các mặt khớp lại với nhau. Sụn khớp chứa khoảng 80% nước. Do đó, cơ thể có đủ nước sẽ đảm bảo sức khỏe cho các sụn khớp, giúp hỗ trợ đắc lực trong các hoạt động như đi lại, chạy hoặc nhảy, nhất là khi bạn làm việc ngoài trời trong môi trường nắng nóng.


Hình 19

Giảm khối lượng cơ: Cơ cũng có hàm lượng nước cao, vì vậy không uống đủ nước có thể làm giảm khối lượng cơ. Để giảm nguy cơ bị đau và viêm cơ khi bạn tập thể dục, luôn phải đảm bảo cơ thể được cung cấp nước uống trước, trong và sau khi hoạt động thể chất, nhất là khi thời tiết nóng. Điều này sẽ không chỉ giúp bạn cảm thấy đủ nước và không khát, mà cũng sẽ đảm bảo nước được chuyển đủ đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Hạn chế đào thải chất độc ra khỏi cơ thể: Nước liên tục loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể và cho phép các cơ quan lọc các sản phẩm chất thải. Quá trình này sẽ bắt đầu bị trục trặc trong suốt quá trình mất nước. Hơn nữa, ở người bị mất nước, cơ quan nội tạng sẽ lấy thêm nước từ máu và gây ra những vấn đề sức khỏe khác. Sự tích tụ chất độc trong cơ thể có thể khiến người mất nước cảm thấy không được khỏe.

Sự dằn vặt cơn đói: Khi mất nước, cơ thể có thể lẫn lộn khi nhận các tín hiệu, do đó bạn có thể nghĩ rằng bạn đang đói. Điều này có thể xảy ra vào mọi lúc, kể cả ban đêm. Bạn có thể bị cuốn vào vòng luẩn quẩn bằng cách ăn nhiều hơn, khiến cho cơ thể bạn thêm áp lực. Tuy nhiên, uống đủ nước cho phép các hệ thống cơ thể hoạt động trở lại bình thường và cho bạn thêm năng lượng.

Lão hóa sớm: Khi chúng ta già đi, cơ thể giữ lại lượng nước dự trữ thấp hơn, vì vậy chúng ta cần phải tăng lượng nước uống. Sự mất nước có thể làm gia tăng cả lão hóa bên trong và bên ngoài, vì vậy uống đủ nước sẽ giúp hạn chế quá trình lão hóa.


Hình 20

Khuyến cáo mỗi người cần uống 8 ly nước (mỗi ly chứa khoảng 200ml) mỗi ngày, nhưng trên thực tế nên uống nhiều hơn, khoảng 3 lít một ngày cho nam giới và 2,2 lít cho phụ nữ. Lý do của sự khác biệt này là do nam giới thường có khối cơ lớn hơn phụ nữ, vì vậy cơ thể nam giới dự trữ nước nhiều hơn. Bạn cũng có thể lấy chất lỏng trong thực phẩm, như trong các loại rau và súp. Hãy nhớ cần phải uống nhiều hơn bạn thường làm trong các tình huống sau: trong thời tiết nóng; trước, trong và sau khi hoạt động thể chất; phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú; khi đang gặp những bệnh nhiễm khuẩn kèm sốt, hoặc bệnh cúm.

Thân chúc bạn khỏe!


Văn Lân H., 37 tuổi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai 0914….

Hỏi: Tôi 37 tuổi, đang công tác trong công ty môi trường, có con trai 12 tuổi rất thích ăn sô cô la và các sản phẩm có chứa sô cô la. Tôi đang rất lo lắng không biết nếu qưn nhiều như vậy có sao không và lợi ích của sô cô la như thế nào. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các bác sỹ của Viện đã giúp tôi điều trị bệnh sán lá gan lớn cách nay 4 năm.

Trả lời:

Trước hết chúng tôi cũng chân thành cảm ơn câu hỏi của bạn, liên quan đến câu hỏi của bạn đã có phần bài viết của các chuyên gia về 10 lợi ích của chocolate (chúng tôi xin đính kèm theo đây). Tuy nhiên, thực phẩm nào ăn nhiều quá cũng không tốt đâu.


Hình 21

Hầu hết mọi người đều thích chocolate . Họ ăn nó khi thấy mình stress, để thấy vui vẻ, để họ có được tâm trạng tốt hơn. Mặc dù chocolate rất phổ biến và có nhiều lợi ích cụ thể, bạn vẫn phải chú ý đến lượng tiêu thụ của mình. Nếu bạn ăn ngấu nghiến chocolate suốt ngày, chắc chắn bạn sẽ bị mất nhiều lợi ích của nó. Chocolate có tỷ lệ ca cao từ 70% trở lên sẽ rất hữu ích. Ba muỗng canh riêng bột ca cao chứa 1,5gam chất béo; 3g chất xơ; không có chất béo no và tổng cộng là 60 calo. Còn những loại chocolate sữa chứa 17g chất béo, 10g chất béo bão hòa tất cả là 270 calo. Vậy bạn biết thứ mình cần rồi chứ? Ăn chocolate tốt, chẳng hạn như chocolate đen sẽ giúp bạn nhiều, đặc biệt nếu bạn đang ăn kiêng. Dưới đây là một số lợi ích của chocolate .

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch:Những bằng chứng rõ ràng về chất chống ôxy hóa là flavanols có trong chocolate rất có lợi cho sức khỏe. Chocolate , đặc biệt là chocolate đen có hàm lượng rất cao flavonoids. Nghiên cứu trên tạp chí British Medical Journal kết luận, tiêu thụ chocolate có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tim đến 35%. Bạn có nguy cơ bị bệnh tim nếu tiểu cầu của bạn đông lại, hình thành cục máu đông và gây tắc mạch máu. Nếu bạn tiêu thụ chocolate thường xuyên bạn sẽ cải thiện lưu lượng máu động mạch của mình, không bị tắc nghẽn. Đó là nhờ flavanols trong hạt ca cao giúp thúc đẩy dòng máu và làm mạch máu của bạn thư giãn và lưu thông. Hiệu quả có lợi trên rất nhiều bệnh lý tim mạch của chocolate đã được chứng minh dựa trên tác động của flavanols và procyanindins trên chức năng thành mạch cho thấy chocolate có lợi cho sức khỏe tim mạch.


Hình 22

Giảm cholesterol: Nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn chocolate giúp hàm lượng cholesterol xấu ( LDL) và tăng nồng độ cholesterol tốt ( HDL). Đồng thời điều này cũng làm giảm nguy cơ bị bệnh tim. Ca cao dùng trên bệnh nhân tăng cholesterol nhẹ có thể làm giảm thấp hơn 5% mức LDL cholesterol sau 4 tuần (khi uống cocoa hàng ngày từ 81-163mg/ngày). Thậm chí ở người trẻ có mức cholesterol bình thường dùng chocolate sữa 105g/ngày (chứa 168mg flavanols) sẽ làm giảm 15% mức LDL-cholesterol sau 14 ngày. Tăng HDL cholesterol được chứng minh trên thực nghiệm và trên những người có tăng cholesterol nhẹ nếu dùng chocolate đen hoặc dùng dùng ca cao dạng bột.

Giảm huyết áp:Nghiên cứu của Grassi tại Ý trên một nhóm người trẻ khỏe mạnh được dùng chế độ ăn giống nhau chỉ khác biệt một nhóm dùng 100g chocolate đen và nhóm còn lại dùng 90g chocolate trắng (100g chocolate đen có 500mg polyphenols còn chocolate trắng không có polyphenols). Nghiên cứu cho thấy, chocolate đen làm giảm huyết áp trong khi không thấy điều này ở người dùng chocolate trắng. Dùng chocolate đen có thể làm giảm 4,7mmHg huyết áp tâm thu và 2,8mmHg huyết áp tâm trương.

Ngăn ngừa bệnh tiểu đường:Vì ca cao có khả năng cải thiện độ nhạy của insulin. Do đó, ăn chocolate một cách điều độ giúp bạn trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Giảm sự lo âu và căng thẳng:Stress tạo ra chất cortisol dẫn đến bụng cũng như các cơ quan khác bị tích mỡ. Ăn khoảng 28g mỗi ngày trong hai tuần giúp hạ thấp mức cortisol và làm bạn thoải mái, chống lo lắng. Khảo sát cho thấy, những người ăn ca cao thường xuyên có mức độ lo lắng thấp hơn 10% so với bình thường. Ngoài ra, chocolate có chứa chất phenylethylamine (PEA), đó là chất tiết ra khi bạn hạnh phúc. PEA khuyến khích não bộ tiết ra endorphin mang lại cảm giác vui vẻ, dễ chịu.


Hình 23

Tốt cho phụ nữ mang thai và em bé:Như đã nói trên, chocolate là thực phẩm tuyệt vời để giảm căng thẳng. Một nghiên cứu ở Phần Lan cho thấy, phụ nữ mang thai ăn chocolate thường xuyên sẽ có tâm trạng tốt, cảm thấy ít áp lực nên em bé sinh ra sẽ vui vẻ và cười nhiều hơn hẳn những bé khác.

Làm làn da khỏe đẹp: Chocolate là thực phẩm tuyệt vời làm da khỏe mạnh vì nó chứa chất chống ôxy hóa. Ăn chocolate trong 12 tuần sẽ giúp làn da của bạn tăng độ ẩm lên 25%, đồng thời tăng khả năng chống tia UV. Chocolate đồng thời bảo vệ làn da của bạn khỏi mất nước, tăng độ đàn hồi và phòng bỏng bằng cách cải thiện sự lưu thông của máu lên não đến các mao mạch trên lớp da.

Nâng cao năng lượng:Nếu bạn có thói quen tập luyện vất vả, chocolate sẽ cung cấp cho bạn nhiều lợi ích. Ăn chocolate trước khi tập sẽ cung cấp năng lượng cho bạn. Ca cao chứa chất chống ôxy hóa như epicatechins và catechins giúp cải thiện khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy, chất chống ôxy hóa có thể tăng khả năng chống mỏi lên 30%. Ngoài ra, chocolate giúp giảm đau sau tập luyện, chủ yếu nhờ các hợp chất chống viêm, hiệu quả hơn một số đồ uống phục hồi cơ.

Giảm cân:Theo nhà thần kinh học Will Clover, một miếng chocolate nhỏ trước bữa ăn tạo ra các hormon trong não khiến bạn cảm thấy no dẫn đến tiêu thụ ít thức ăn ít hơn sau đó. Vì vậy, bạn không bị ăn quá mức cần thiết.

Tăng trí nhớ:Chất flavanol trong hạt ca cao còn có tác dụng giảm khả năng mất trí nhớ của người già. Các nhà khoa học ở Đại học Y khoa Havard (Mỹ) đã phát hiện rằng nếu uống 2 cốc chocolate nóng mỗi ngày sẽ cải thiện trí nhớ ở người già.

Trên đây là các thông tin về lợi ích của chocolate đến sức khỏe trẻ em và cả phụ nữ và tất cả mọi người để bạn tham khảo!


Nguyễn Văn Thanh Ch., 30 tuổi, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

Hỏi: Cho cháu xin hỏi bệnh hắc lào là gì vậy, có cần thiết phải điều trị không vì cháu nghe nói bệnh này ai cũng bị cả, điều trị cũng được mà không điều trị cũng được phải không bác sỹ. Xin các bác sỹ cho cháu câu trả lời, cháu rất cần. Cháu xin cảm ơn!

Trả lời:

Liên quan câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời hắc lào là một bệnh ngoài da do các loài nấm da gây nên, mùa hè da có nhiều mồ hôi, đây là cơ hội cho các chứng bệnh ngoài da phát triển mạnh, trong đó có bệnh hắc lào. Bệnh hắc lào sẽ lây nhanh sang những vị trí khác của cơ thể, tăng mức độ tổn thương trên da hoặc dễ dàng lây sang người khác nếu không điều trị kịp thời, đúng cách.


Hình 24

Hắc lào là một bệnh ngoài da rất phổ biến. Nó có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng nhiều hơn cả là tuổi thanh thiếu niên, trung niên, nam giới nhiều hơn nữ giới. Bệnh hắc lào do vi nấm cạn gây nên. Tác nhân gây bệnh thuộc nhóm Dermatophytes và thường gặp nhất là hai loại: Trichophyton và Epidermophyton. Đối tượng dễ mắc bệnh là người thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt, vệ sinh kém, ra nhiều mồ hôi. Khi đó vi nấm, vi khuẩn dễ dàng gây bệnh. Việc thường xuyên bơi lội tại nơi nước bẩn, là nơi trú ẩn của nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, cũng dễ mắc bệnh hắc lào. Con đường lây nhiễm bệnh hắc lào chủ yếu là từ người sang người (tiếp xúc da-da, hay mặc chung quần áo, dùng chung đồ sinh hoạt màn, mền, chiếu, gối, quan hệ tình dục với người nhiễm nấm da). Ngoài ra có thể lây từ gia súc (chó, mèo) và môi trường đất ô nhiễm nấm.

Bệnh hắc lào thường có hai triệu chứng nổi bật nhất là nổi mẩn đỏ trên da, ngứa ngáy, xuất hiện mụn nước. Tại những vùng da bị tổn thương, cơn ngứa sẽ xuất hiện cả ban ngày lẫn ban đêm, tăng lên khi trời nắng nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi hoặc ban đêm. Nốt mẩn đỏ tại một vùng thường ở một giới hạn nhất định, trên bề mặt da có nổi nhiều mụn nước, tuy nhiên nó lại tập trung ở phần rìa của tổn thương.


Hình 25

Căn bệnh này thường khởi phát tại một bên bẹn, rồi sau đó lan dần sang cả bên kia, sau mông, mặt, bụng hoặc các chi. Bản thân người bệnh có thể “tự lây” ra nhiều vùng khác trên cơ thể như ở thân mình, ở mặt, tay chân... hoặc có thể lan rộng từ từ ra toàn thân, rồi lây lan sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hàng ngày. Khi bị bội nhiễm thì có thể có mủ màu trắng, viêm đỏ, làm tăng mức độ tổn thương trên da, chàm hóa. Một số trường hợp bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng, đi lại trở nên khó khăn.

Người bệnh hắc lào khi thấy có những dấu hiệu bệnh cần đi khám và điều trị kịp thời. Bệnh hắc lào tuy không nguy hiểm nhưng gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và tốc độ lây lan nhanh. Vì vậy, cần chữa bệnh hắc lào tận gốc, tránh tái phát và lây nhiễm cho người khác. Việc chữa trị hắc lào không khó, nếu người bệnh kiên trì dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn. Hiện nay, loại thuốc dùng tại chỗ (kem bôi) được dùng nhiều trong điều trị hắc lào có chứa hoạt chất Imidazol rất có hiệu quả (Miconazol, Ketoconazol, Econazol). Những thuốc này có ưu điểm là có mùi thơm, không màu, không gây lột da nhưng cũng có thể gây ra những dị ứng nhẹ và sẽ hết khi ngừng dùng thuốc.

  
Hình 26+27

Trường hợp người bệnh có tổn thương rộng, có thể điều trị bệnh nhân cần dùng kết hợp cả điều trị tại chỗ và uống thuốc kháng nấm (Fluconazole, Griseofulvin, Ketoconazol, Itraconazole). Song cần thận trọng khi sử dụng thuốc uống kháng nấm toàn thân do thuốc có nhiều tác dụng phụ và có những tương tác không tốt, có thể có những biến chứng nặng khi phải dùng đồng thời với thuốc trị bệnh khác. Thuốc kháng nấm nên dùng hạn chế ở những người có bệnh gan, thận, máu.

Khi dùng thuốc điều trị hắc lào cần tuân thủ các nguyên tắc để tránh sự tái nhiễm và bảo đảm kết quả điều trị như: Ðiều trị liên tục (ngày bôi thuốc 2-3 lần) cho đến khi da lành, sau đó cần tiếp tục thoa ít nhất 2 tuần nữa để tránh tái phát. Nếu điều trị sau 4 tuần không có dấu hiệu cải thiện thì nên đi khám lại. Người bệnh cũng cần chú ý nếu như bôi thuốc không đúng, quá ít hoặc quá mạnh, bôi lan sang vùng da lành hay da non, sử dụng thuốc không đúng bệnh có thể làm bệnh càng lây lan hơn, da bị chảy nước nhiều, phỏng hoặc ngứa ngáy dữ dội hơn. Cá biệt có trường hợp dẫn đến nhiễm trùng, đi lại sẽ khó khăn.

Một lưu ý khác mà người bệnh cần biết, đó là: Việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc corticoid, dẫn đến nhiễm bệnh nấm “cơ hội” (do kháng sinh chỉ trị được vi khuẩn, còn thuốc corticoid làm giảm sự đề kháng nên các vi nấm có điều kiện tăng sinh), trong đó có nấm gây bệnh hắc lào. Vì vậy, mọi người nên từ bỏ thói quen dùng thuốc bừa bãi để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe. Việc phòng bệnh phải bắt đầu bằng lối sống vệ sinh sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên.

Luôn giữ áo quần, cơ thể khô ráo. Người bị bệnh, bên cạnh việc dùng thuốc tại chỗ phải khử trùng vật dụng cá nhân như quần áo, chăn màn bằng cách luộc nước sôi hoặc dùng bàn là ủi kỹ.

Đối với người lành không mang bệnh, không nên mặc quần áo chung với người khác, tránh làm việc nơi ẩm ướt, nếu ra mồ hôi nhiều cần phải thường xuyên tắm giặt và giữ khô vùng háng, nách, bẹn. Khi mắc bệnh phải đi khám để được hướng dẫn chữa trị đúng cách, không tự ý dùng thuốc.

 

Ngày 10/07/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang
Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích