|
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue có những biến đổi về tập tính (ảnh minh họa) |
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết biến đổi tập tính
Bệnh sốt xuất huyết Dengue do muỗi vằn Aedes aegypti và muỗi hổ châu Á Aedes albopictus truyền 4 chủng loại virút Dengue gây bệnh cho người. Cần biết đặc điểm và sự biến đổi tập tính của các loài muỗi này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đặc điểm các loại muỗi truyền bệnh Muỗi Aedes có mặt trên khắp thế giới và có khoảng trên 950 loài gây ra mối phiền hà rất lớn do chúng đốt máu người và các loại súc vật sống ở vùng nhiệt đới, ngay cả những nơi có khí hậu mát mẻ. Ở vùng nhiệt đới, muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus là trung gian truyền nhiều bệnh quan trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người kể cả làm cho bệnh bùng phát thành dịch, trong đó có bệnh sốt xuất huyết Dengue. Muỗi thường đẻ trứng rời từng cái trên những diện tích ẩm ướt, ngay cả trên thành của vật chứa nước hoặc gần sát với mặt mước ở những dụng cụ chứa nước tạm thời hoặc ở những nơi có mực nước lên xuống. Trứng muỗi thường chịu đựng được độ khô trong nhiều tháng và chỉ nở thành bọ gậy khi bị ngập nước, tất cả các loài muỗi Aedes ở vùng có mùa đông lạnh có thể sống sót qua thời kỳ này ở dạng trứng. Một số loài muỗi đẻ trứng vùng ven biển nước mặn và đầm lầy bị ngập từng thời kỳ do thủy triều lên cao bất thường hoặc bị mưa to, trong khi đó có một số loài khác đã thích ứng được với với việc tưới tiêu trong nông nghiệp. Muỗi Aedes aegypti chủ yếu đẻ trứng ở môi trường gần nhà, nơi chúng ưa thích đẻ trứng là các loại dụng cụ chứa nước đặt ở trong nhà hay ngoài nhà, ống máng, kẽ lá, ống tre nứa, lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chậu cây cảnh...; tất cả những loại dụng cụ chứa nước này thường chứa nước tương đối trong. Muỗi Aedes albopictus cũng như Aedes aegypti thường đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước tạm thời nhưng vẫn ưa đẻ trứng tự nhiên trong rừng tại các hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, vỏ dừa, trong vườn cây ẩm kể cả các loại dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong nhà nhưng với mức độ ít hơn. Các loại muỗi Aedes có tập tính chủ yếu đốt máu người và các gia súc vào buổi sáng hoặc buổi chiều, phần lớn các loài đều đốt máu và trú đậu nghỉ ở ngoài nhà nhưng ở những thành phố nhiệt đới muỗi Aedes đẻ trứng, đốt máu, trú đậu nghỉ ở trong nhà và chung quanh nhà. Sự biến đổi đặc điểm tập tính của muỗi Mặc dù tập tính của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đã được xác định như trên nhưng gần đây một số nghiên cứu thực địa tại một số địa phương của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã ghi nhận cả hai loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là Aedes aegypti và Aedes albopictus đều có mặt ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Số lượng muỗi Aedes albopictus ở khu vực thành thị chiếm tỷ lệ hơn 54%, cao hơn ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ nhà có bọ gậy giữa hai loài muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus có sự chênh lệch nhau rất lớn nhưng sự chênh lệch giữa hai khu vực nông thôn và thành thị không đáng kể. Dùng phương pháp bẫy mồi nhận thấy muỗi Aedes aegypti hoạt động trong ngày từ 5 giờ đến 19 giờ, giờ hoạt động cao nhất từ 5 giờ đến 7 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ; đối với muỗi Aedes albopictus cũng hoạt động rải rác trong ngày từ 5 giờ đến 19 giờ với 2 đỉnh hoạt động cao nhất cũng từ 5 giờ đến 7 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ. Một điểm cần lưu ý là ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue đều hoạt động với mật độ cao từ 5 giờ đến 7 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ nên cần phải tập trung thực hiện tích cực các biện pháp phòng tránh muỗi đốt trong khoảng thời gian này. Các nhà khoa học nhận thấy cả hai loại muỗi truyền bệnh đều chưa thu thập được trong nghiên cứu ở khoảng thời gian từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Về độ cao, muỗi Aedes aegypti trú đậu so với sàn nhà có tỷ lệ cao nhất từ 1 đến 1,5 mét; tiếp đến là từ 1,5 đến dưới 2 mét và chưa phát hiện muỗi trú đậu ở độ cao trên 2 mét. Điều cần quan tâm Thực tế trong quá trình phát triển, đặc điểm sinh lý, sinh thái, tập tính và vai trò truyền bệnh của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue có những sự biến đổi do nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy khi triển khai các biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh cần nghiên cứu bổ sung những sự biến đổi cần thiết để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện biện pháp một cách cụ thể nhằm mang lại hiệu quả tốt.
|