Phần 2: Chuyên mục hỏi đáp bệnh chuyên ngành ký sinh trùng và y học thường thức (Tháng 12/2017)
Nguyễn Văn P., 51 tuổi, Quận Tân Bình, TP. HCM., huyvu@......Hỏi: Thưa các bác sỹ, vừa qua tôi có đi khám sức khỏe tổng quát ở Bệnh viện ĐH Y dược thành phố Hồ Chí Minh kết quả cho thấy hầu hết là tốt nhưng riêng xét nghiệm tổng phân tích lipid máu có một vài chỉ số cho thấy bất thường so với giá trị chuẩn. Xin hỏi các bác sỹ ý nghĩa của các giá trị xét nghiệm mỡ trong máu là gì? Tôi kính chân thành cảm ơn!Trả lời: Chào anh, Vấn đề rối loạn mỡ máu hiện đang được coi là một trong những mấu chốt trung tâm trong bệnh lý chuyển hóa (metabolic syndrome) được cả y học thế giới quan tâm khống chế và kiểm soát để giảm vấn đề bệnh không lây nhiễm ở con người. Tuy nhiên, việc kiểm soát không hề dễ một khi chúng có biểu hiện đồng thời với nhiều bệnh lý khác đi kèm như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh nội tiết khác, ung thư, tim mạch,….thì khó giải quyết hơn vì vấn đề tương tác giữa bệnh-bệnh và thuốc-thuốc là vô cùng phức tạp. Liên quan đến câu hỏi của anh, có một số thông tin và ngưỡng giá trị xét nhiệm mỡ máu khác nhau sẽ có giá trị có ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, các giá trị này không sai lệch nhau nhiều lắm giữa các quốc gia và tổ chức liên quan đưa ra định nghĩa. Hình 1
Về cơ chế đến nay vẫn còn rất nhiều quan điểm giữa các nghiên cứu khác nhau và nhiều yếu tó nhiễu dẫn đến tăng bilan lipi máu này. Khi xét nghiệm mỡ máu, các trị số sẽ “cảnh báo” cho bệnh nhân những dấu hiệu nguy hiểm nhằm kịp thời điều chỉnh lối sống hoặc phải điều trị để kiểm soát tình trạng rối loạn mỡ máu. Rối loạn mỡ máu là một bệnh lý có tăng thành phần mỡ gây tác hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cho cơ thể, đồng thời đây là nguy cơ chính dẫn đến cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch... Hình 2
Một thực tế là nhiều người không ăn mỡ, trứng, người ăn chay trường lâu năm hoặc người gầy vẫn bị rối loạn mỡ máu. Điều tưởng như vô lý này là do cholesterol có 2 nguồn gốc: từ thức ăn hàng ngày trong thịt, mỡ, trứng chỉ chiếm 20% nhu cầu cholesterol trong cơ thể; còn lại 80% lượng cholesterol là do gan tự tổng hợp từ đường, đạm. Khi cơ thể suy yếu, receptor tế bào giảm hoạt động gây hạn chế hấp thụ cholesterol. Vì thế, dù không ăn mỡ, nhiều người vẫn gặp phải rối loạn mỡ máu. Khi xét nghiệm mỡ máu, 4 chỉ số quan trọng cần được quan tâm, đó là: cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol (LDL-c), HDL-cholesterol (HDL-c) và triglyceride. Trong đó, cholesterol và triglyceride được mang đi trong máu nhờ kết hợp với một chất có tên là lipoprotein là HDL-cholesterol và LDL-cholesterol. Cholesterol kết hợp với LDL (được ký hiệu là LDL-c) là dạng cholesterol khi dư thừa sẽ gây hại cho cơ thể, đặc biệt góp phần gây xơ vữa động mạch. Chúng vận chuyển cholesterol vào trong máu, lắng đọng vào thành mạch máu và là yếu tố chủ chốt hình thành mảng xơ vữa động mạch. Cholesterol kết hợp với HDL (được ký hiệu là HDL-c) là một dạng cholesterol có lợi cho cơ thể. HDL-c chống lại quá trình xơ mỡ động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa ứ đọng từ trong thành mạch máu trở về gan.
Như vậy, muốn phát hiện sớm cần làm những xét nghiệm đầy đủ để đánh giá tình trạng mỡ trong máu. Trong bốn thành phần xét nghiệm có đến ba thành phần dư thừa sẽ gây hại là cholesterol toàn phần, LDL-Cholesterol và triglyceride. Chỉ có một thành phần giúp bảo vệ là HD- cholesterol. Khi xem kết quả xét nghiệm cần lưu ý sự cân bằng giữa thành phần bảo vệ HDL-c và thành phần gây hại LDL-c. Nếu thành phần gây hại cao và thành phần bảo vệ thấp thì việc điều trị tình trạng rối loạn mỡ máu không thể chậm trễ. Khi có sự bất thường ở bất cứ thành phần mỡ máu nào thì đó đã là rối loạn mỡ máu. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến các yếu tố liên quan như: tuổi, bệnh tim mạch, cao huyết áp hay tiểu đường đi kèm. Hình 4. Bảng phân tích trị số mỡ máu dùng để đối chiếu, đánh giá về tình trạng bệnh.
Về ý nghĩa của xét nghiệm các thông số trong rối loạn mỡ máu cho thấy các nghiên cứu đã chứng minh, giải quyết được rối loạn mỡ trong máu là cần thiết để hạn chế tai biến mạch vành tim, tai biến mạch máu não và giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng mạch máu. Hai phương pháp điều trị rối loạn mỡ máu gồm: Điều trị không dùng thuốc và Điều trị có dùng thuốc. Trong đó, điều trị không dùng thuốc tức là chỉ thực hiện lối sống lành mạnh như ngừng hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu bia, thay đổi thói quen ăn uống và chăm luyện tập thể thao. Nếu thực hiện tốt có thể giảm được 15-20% cholesterol toàn phần.Biện pháp điều trị có dùng thuốc sẽ được áp dụng sau khi áp dụng chế độ điều trị không dùng thuốc trong 3-6 tháng mà vẫn hiệu quả. Các loại thuốc hạ mỡ máu có thể gây nhiều tác dụng phụ nên người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Theo các chuyên gia tim mạch, khi cơ thể đã xảy ra vấn đề rối loạn mỡ máu nên có kế hoạch lâu dài. Trước hết cần ngừng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, tránh thực phẩm có nhiều chất béo, cholesterol; tập thể dục thể thao đều đặn. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các thảo dược từ thiên nhiên để giúp điều hòa cholesterol và kiểm soát mỡ máu như GDL-5 để ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu cholesterol toàn phần giảm 23mg% sẽ giúp giảm 20-54% nguy cơ bệnh tim mạch. Còn nếu HDL-c tăng 1,2 mg% thì giảm được 3% nguy cơ bệnh tim mạch. Hy vọng với phần phúc đáp ở trên đã giúp anh phần nào hiểu được ý nghĩa các thông số trong xét nghiệm mỡ máu. Chúc anh khỏe! Chào thân ái!
Thái Thị Mỹ Hạnh-myhanhthai@..............-Quảng Nam:Hỏi: Kính thưa Bác sĩ! Tôi khoảng 6 tháng gần đây rất hay bị ngứa ở cánh tay, vùng bụng, đùi... Da ửng đỏ rất nhiều và chỉ cần gãi nhẹ thì nổi từng vần trên da. Có lúc thì bên dưới lòng bàn chân, bàn tay ngứa rất khó chịu, cùng với đó là xuất hiện các vết tròn, ngứa dưới da. Các biểu hiện đó thường xuất hiện vào chiều và tối hơn. Xin hỏi bác sĩ những biểu hiện như vậy là dấu hiệu của bệnh gi? Và tôi nên điều trị như thế nào? Tôi xin cảm ơn Bác sĩ ạ! Hình 5
Trả lời: Chào chị, Cảm ơn câu hỏi của chị, liên quan đến các triệu chứng mà các anh chỉ nêu lên thì có thể gặp rất nhiều trong bệnh lý khác nhau chứ không phải một bệnh nào đó đặc thù nên nếu chỉ với các thông tin bạn đưa ra ở đây, chúng tôi rất khó xác định chị bệnh gì cả. Nếu cần thiết chị nên dến khám tại phòng khám của Viện để được tư vấn, làm các xét nghiệm chuyên biệt và hỗ trợ chẩn đoán tốt nhất cho chị. Thân chúc chị khỏe!
Hoan-hoan0816@................-Gia laiHỏi: Xin chào viện ký sinh trùng Quy Nhơn. Hiện tại em đang bị chàm lâu năm, cũng đã sử dụng nhiều thuốc mà không khỏi, khiến em rất khó chịu và thiếu tự tin. Qua thông tin em có biết được nguyên nhân là do giun sán gây ra như vậy có đúng không ah. Nếu đúng thi hướng điều trị như thế nào. Em xin cảm ơnvà mong hồi đáp. Trả lời: Chào bạn, Nếu được biết chị bị chàm thì không phải nguyên nhân dẫn đến do giun sán vì đây là bệnh thuộc về cơ địa và có một phần do yếu tố tiếp xúc phơi nhiễm với các chế phẩm dễ dẫn đến chàm. Bệnh lý chàm có thể bạn đến khám tại các cơ sỏe chuyên khoa về da liễu để được tư vấn và dùng thuốc an toàn và hợp lý nhât bạn nhé. Bệnh Eczema, lấy từ gốc Hy lạp: Eczeo chỉ những tổn thương là mụn nước, bệnh được biết từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên với sự hiểu biết là do rối loạn một số yếu tố ở ngay trong cơ thể. Dân gian thường gọi là chàm tổ đỉa, vì tổn thương tái diễn lâu ngày da sần sủi kèm theo các lỗ hút sâu rỉ nước vàng như mồm con đỉa. Eczema là một trạng thái viêm lớp nông của da cấp tính hay mạn tính, tiến triển từng đợt hay tái phát, lâm sàng biểu hiện bằng đám mảng đỏ da, mụn nước và ngứa. Nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp, do: nội giới, ngoại giới nhưng bao giờ cũng có vai trò thể địa dị ứng. Về mô học có hiện tượng xốp bào, đây là bệnh ngoài da phổ biến, là bệnh da ngứa điển hình, mạn tính hay tái phát, điều trị còn khó khăn. Bệnh là hiện tượng viêm bì, thượng bì, nguyên nhân rất phức tạp, thường phát sinh do một quá trình phản ứng của da trên một cơ địa đặc biệt dễ phản úng với dị nguyên ở trong cơ thể (hoặc một số rất ít) ở ngoài cơ thể, với biểu hiện tổn thương trên da là những mảng hồng ban, mụn nước thành đám, tái đi tái lại nhiều lần và rất ngứa. Hình 6
Bệnh tiến triển qua các giai đọan: Hồng ban, mụn nước, chảy nước, đóng vảy tiết, bong vảy và Lichen hóa. - Giai đoạn hồng ban: Thường bị bỏ qua, bệnh nhân thường bỏ qua không đi khám bệnh, các thày thuốc cũng thường bỏ qua vì nhiều khi dấu hiệu này biến mất không để lại dấu hiệu bệnh lý của bệnh ngoài da, hoặc đây chỉ là dấu hiệu ban đầu của một bệnh ngoài da khác - Giai đoạn mụn nước: Đây là đặc trưng cơ bản của bệnh, mụn nước thường tập trung thành từng đám, kích thước to 1-2 mm, tương đối đồng đều, phát triển đùn từ dưới lên hết lớp này đển lớp khác, mụn nước tự vỡ (hoặc do gãi) làm chảy nước dịch nhày. Nếu có bội nhiễm thì tổn thương sưng phù nhiều dịch tiết hoặc có mủ - Giai đoạn đóng vảy tiết : Bong da và lên da non: Dịch nhày và huyết tương đóng khô lại kèm theo hiện tượng da chết thành mảng bong ra để lại bện dưới là lớp da non nhẵn bóng như vỏ hành hơi sẫm màu nền da hơi chai cộm - Giai đoạn Lichen hoá: Eczema tiến triển lâu ngày, da càng ngày càng sẫm màu, tăng nhiễm cộm, bề mặt xù xì thô ráp, sờ nền cứng cộm, các hằn da nổi rõ, ở giữa các hằn da có các sẩn dẹt như trong bệnh lichen, quá trình này gọi là liken hoá. Bệnh diễn biến đan xen từng đợt, có thể có chu kỳ phát nặng (hoặc tạm lui) theo mùa. Các giai đoạn của bệnh thường xen kẽ lồng vào nhau, ngứa là triệu chứng xuyên suốt, xuất hiện sớm nhất và tồn tại dai dẳng. Các thể lâm sàng - Eczema tiếp xúc : Xuất hiện đầu tiên ở vùng tiếp xúc, thường là vùng hở, có khi in rõ hình vật tiếp xúc (hình quai dép, dây đồng hồ, kính đeo mắt...) Tổn thương cơ bản là da đỏ xung huyết, hơi nề, trên bề mặt có mụn nước, có thể có hình thái mãn tính khô dày cộm có vảy. Dừng tiếp xúc với dị vật bệnh thuyên giảm, tiếp xúc lại bệnh vượng lên. Làm phản ứng da với chất tiếp xúc cho kết quả dương tính- Eczema thể địa: Đây là thể lâm sàng thường gặp nhất, liên quan nhiều đến yếu tố tự miễn, theo lứa tuổi lại có biểu hiện lâm sàng khác nhau: Eczema thể địa ở tuổi nhũ nhi và sơ sinh: Bệnh thường ở mặt trán, hai bên cân đối nhau tạo nên tổn thương hình móng ngựa, hình cánh bướm (Bệnh chàm cánh bướm). Tổn thương thường là dát đỏ có nhiều mụn nước trên bề mặt, trợt, chảy dịch, có mủ hoặc đóng vảy tiết. Eczema thể địa ở người lớn: Tổn thương cơ bản là những đám mảng mụn nước, tiết dịch hoặc đóng vảy tiết hoặc lichen hoá, vị trí ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể, tính đối xứng hai bên ít hơn (thường là bị cả hai bên cơ thể, nhưng có nhiều trường hợp tổn thương chỉ khu trú rõ rệt ở một bên còn vị trí tương ứng ở bên kia hoàn toàn bình thường). Các tổn thương thường ở các nếp gấp lớn, bàn tay, bàn chân...- Eczema thể đồng tiền: Các đám tổn thương hình tròn hoặc ovan, ban đầu là đám đỏ tiết dịch, có mụn nước, sẩn, tiết dịch, vảy tiết, vảy da, lichen hoá có giới hạn rõ ràng, thường khu trú rõ ràng ở mặt duỗi của chi (mặt trước cẳng chân, tay, mu bàn chân bàn tay...Có ý kiến cho răng Eczema đồng tiền là một thể đặc biệt của Eczema vi khuẩn, có ý kiến lại cho rằng eczema đồng tiền là một phân thể của eczema thể địa Hình 7
- Eczema da dầu: Vị trí thường gặp nhất là đầu, ở mặt thường bị ở lông mày, quanh mắt, giữa mũi, nếp mũi má,sau tai. Tổn thương là đám mảng đỏ trên có vảy, vảy mỡ, đôi khi có sẩn trên bề mặt, giới hạn tương đổi rõ, khô. Vi thể có hiện tượng xốp bào.Nguyên nhân phức tạp nhiều khi khó hoặc không phát hiện được. Có thể do các yếu tố vật lý,hoá học, thực vật, sinh vật học đụng chạm vào da gây cảm ứng thành viêm da, eczema (các chất này gọi là di nguyên). Ví dụ: ánh sáng, thuốc bôi, tiêm uống, các hoá chất dùng trong công nghiệp, trong gia đình (cao su, kền, crôm, xi măng, sơn...) Hình 8
Một số bệnh ngoài da gây ngứa (nấm, ghẻ...) do chà xát, bôi thuốc linh tinh... có thể trở thành eczema thứ phát. Rối loạn chức phận nội tạng, rối loạn thần kinh, rối loạn nội tiết có thể là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây bệnh Eczema. Dù nguyên nhân nội tại hay ngoại lai, cũng đều có liên quan đến phản ứng đặc biệt của cơ thể dẫn đến phản ứng dị ứng, bệnh nhân có thể địa dị ứng. Theo Halpem và Coombs: Phản ứng Eczema được xếp vào kiểu mẫn cảm tế bào trì hoãn trong đó có vai trò của tế bào lympho mang ký ức kháng nguyên. Thân chúc bạn khỏe! Vo thi minh nguyet- Pemam1305@...........- Phước An Dak Lak. Hỏi: Dạ e chào bác sĩ, Đợt vừa rồi e có xuống viện mình khám và phát hiện bị nhiễm vi khuẩn H. pylori và sán lá gan (chỉ số ở mức trung gian ạ) bác sĩ có cho thuốc về uống nhưng uống thuốc càng ngứa và càng nổi mẫn đỏ (tạo viền tròn bên ngoài) và đây có phải phản ứng phụ khi dùng thuốc không ạ hay dị ứng bây giờ em rất hoang mang ạ mong bác sĩ giải đáp giúp e ạ
Trả lời: Chào bạn, Liên quan đến câu hỏi của bạn, có thể là do bệnh lý gây nên, có thể tác dụng ngoại ý của thuốc dang sử dụng hoặc có thêm bệnh lý khác đi kèm, nên rất khó phân định. Vì trong mỗi đơn thuốc khám và được bác sỹ trực tiếp kê đơn cho bệnh nhân đều có số điện thoại của bác sỹ đó, nên bạn có thể gọi trực tiếp cho bác sỹ đó để hỏi cụ thể hơn về bệnh cũng như các dụng của thuốc và có lời khuyên và tư vấn cụ thể nhất. Chúc bạn khỏe ! Lê Thị Thu L., 49 tuổi, Nha Trang, hoqqu@....:Hỏi: Xin kính chào các bác sỹ cho tôi hỏi làm thế nào để phát hiên đái tháo đường type 2 vì hiện nay tôi đang lo lắng mình có bị không vì trong nhà tôi có đến hai người bị rồi. Xin chỉ giúp và xin cảm ơn !
Trả lời: Chào bạn, Câu hỏi của bạn cũng rất thời sự và là một trong những các nhóm bệnh liên quan đến chuyển hóa. Đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 là bệnh về rối loạn chuyển hóa glucose mạn tính. Khoảng thời gian từ khi rối loạn dung nạp glucose (tiền ĐTĐ) cho đến khi chuyển thành bệnh ĐTĐ thực sự, thường kéo dài từ 5 - 10 năm. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm bệnh ? Khi thấy các triệu chứng rầm rộ như ăn nhiều, đi tiểu nhiều, sút cân… thì bệnh đã tiến triển khoảng từ 3-5 năm. Vậy muốn xác định bệnh sớm, từ khi chưa có triệu chứng rầm rộ trên, thì làm cách nào? Hình 9
Trước đây người ta làm xét nghiệm thông qua nước tiểu. Bình thường ngưỡng của thận với glucose là 1,6-1,8g/L (160-180mg/dL) hay 8,9-10mmol/L. Khi ngưỡng đường trong máu vượt quá giá trị này, thận sẽ không hấp thu được hết và sẽ xuất hiện glucose trong nước tiểu. Bởi vậy, glucose niệu là một xét nghiệm dùng để sàng lọc ĐTĐ. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của xét nghiệm này giảm đi vì một số người có ngưỡng thận thấp, khả năng tái hấp thu của thận kém, đường máu chưa cao nhưng đã xuất hiện đường trong nước tiểu. Mặt khác, trong một số bệnh lý về rối loạn enzym bẩm sinh sẽ xuất hiện một số đường khác như fructose, galactose và sẽ cho xét nghiệm dương tính. Vì lý do đó người ta chuyển sang xét nghiệm đường máu. Để xác định một bệnh nhân có bị ĐTĐ không, thông thường bác sĩ thường làm test xét nghiệm đường máu như: Xét nghiệm nồng độ đường huyết lúc đói, xét nghiệm dung nạp glucose, xét nghiệm Hemoglobin A1C hay HbA1C, xét nghiệm máu ngẫu nhiên. Việc xét nghiệm thông thường đường máu lúc đói chẩn đoán chưa đầy đủ. Có trường hợp bệnh nhân giai đoạn đầu chỉ tăng đường huyết sau ăn nên không phát hiện được bệnh. Hiện nay, muốn chẩn đoán sớm cần làm nghiệm pháp tăng đường máu, đây là tiêu chuẩn vàng đánh giá chẩn đoán sớm người bệnh đó có mắc ĐTĐ hay không dù chưa có bất cứ triệu chứng nào. Mặt khác, người ta có thể sử dụng chỉ số HbA1c để chẩn đoán ĐTĐ, tuy nhiên để làm được điều này không phải phòng xét nghiệm nào cũng đạt được các tiêu chuẩn khắt khe để đưa kết quả chính xác. Hình 9
HbA1c là chỉ số thể hiện tỷ lệ gắn kết của đường với Hemoglobin (Hb) - một trong những thành phần cấu tạo nên tế bào hồng cầu, có vai trò vận chuyển ôxy trong máu. Trong khi lượng đường trong máu có thể thay đổi từng ngày phụ thuộc vào chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh, thì chỉ số HbA1C hằng định trong suốt đời sống của hồng cầu, khoảng 120 ngày. Bình thường HbA1c có giá trị trong khoảng 4-6%. Khi HbA1c tăng trên bình thường 1% tương ứng với giá trị đường huyết tăng lên 30mg/dl (~ 1,7 mmol/L). Xét nghiệm HbA1c sẽ cho biết mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng gần nhất. Đây là xét nghiệm tốt nhất để giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá quá trình kiểm soát đường huyết. Khi HbA1c > 10% cho thấy đường huyết được kiểm soát kém. Khi HbA1c < 6,5% cho thấy đường huyết được kiểm soát tốt. Trong các test xét nghiệm đường máu, với các cơ sở y tế được đầu tư ở mức trung bình, nghiệm pháp tăng đường máu vẫn là nghiệm pháp tốt nhất giúp chẩn đoán sớm cho người bệnh. Chúc bạn khỏe! Chào Thân ái!
Trần Minh H., 29/12/07 Trần Đại Nghĩa, TP. Hà Nội,…. Hỏi: Dạ thưa các bác sỹ, em gần đây cứ mỗi khi thời tiết chuyển mùa lạnh hơn và khi đi ra ngoài trời mưa lạnh là em dễ bị nổi mẩn ngứa rất khó chị cả ngày, chỉ khi nào xoa tay chân ấm lên thì dấu hiệu ngứa mới giảm dần và hết, nhưng đến ngày hôm sau lại bị trở lại. Nói chung trời càng lạnh, càng dễ ngứa. Xin cho hỏi bác sỹ tại sao như vậy và làm cách nào để điều trị !Trả lời : Chào bạn, Một số thông tin chuyển khoa từ nhiều đồng nghiệp cho biết mùa đông, nhất là những ngày giá rét, những người bị dầm mưa, dầm nước có nguy cơ mắc bệnh dị ứng cao. Nguyên nhân gây ra mề đay do lạnh rất phức tạp: một số người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ lạnh; do di truyền: bố, mẹ mắc bệnh mề đay thì con cái dễ mắc bệnh; do nhiễm virut và một số bệnh lý khác. Dị ứng nổi lên là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên). Khi bạn bị nhiễm lạnh sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều histamin và các hóa chất của hệ thống miễn dịch khác vào da gây nổi mề đay, mẩn ngứa và nhiều triệu chứng dị ứng khác. Hình 9
Mề đay do lạnh được định nghĩa là phản ứng của da sau khi tiếp xúc với yếu tố lạnh, trên da sẽ xuất hiện ban đỏ, sẩn phù nổi gồ lên mặt da kèm theo ngứa tại vị trí tiếp xúc với lạnh. Bệnh nhân có thể bị sưng lưỡi, phù nề thanh quản gây khó thở nếu sử dụng nước đá lạnh. Nếu toàn bộ cơ thể tiếp xúc với thời tiết có nhiệt độ thấp thì phản ứng có thể rất nghiêm trọng, ngoài ban đỏ toàn thân kèm theo ngứa, bệnh nhân có thể xuất hiện các phản ứng toàn thân nguy hiểm khác như khó thở, suy hô hấp, sốc phản vệ và tử vong. Nguyên nhân thực sự của hiện tượng này chưa được biết rõ, song các nghiên cứu đều cho thấy những bệnh nhân bị chứng bệnh này đều mắc các chứng nhiễm khuẩn, nhiễm virut trong thời điểm khởi phát bệnh và có các tế bào trên da rất nhạy cảm với nhiệt độ, chúng dễ dàng bị phá vỡ và giải phóng ra các chất trung gian hóa học vào máu như histamin gây ban đỏ, ngứa và đôi khi là sốc phản vệ. Bệnh nhân là trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Nhóm tuổi này chiếm tỉ lệ bệnh rất thường gặp (80%). Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng như viêm họng cấp, viêm phổi... Bệnh nhân đang mắc chứng bệnh mạn tính như viêm gan B, ung thư... Đôi khi bệnh mang tính gia đình hay do gen quy định. Nhiều nghiên cứu đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề này và ngày nay, các nhà khoa học đã thống nhất ngưỡng nhiệt độ phổ biến gây bệnh cho bệnh nhân là 40C, tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng ở nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn. Đôi khi không khí ẩm ướt và giá lạnh ở ngưỡng nhiệt độ này có thể gây bệnh. Vì vậy, bạn cần gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng như mô tả ở trên mà có liên quan tới nhiệt độ lạnh cho dù triệu chứng của bạn nặng hay nhẹ thì bạn cũng cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán xác định và chẩn đoán loại trừ, giúp bạn tránh các phản ứng toàn thân nguy hiểm (gây khó thở, sốc phản vệ và tử vong nếu tiếp xúc với nước lạnh hoặc gió lạnh). Chẩn đoán mề đay mạn do lạnh không khó, bác sĩ cần bệnh nhân cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin trong tiền sử gây ra các triệu chứng. Sau khi khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định làm test kích thích với yếu tố lạnh, đây là loại test đơn giản, rẻ tiền, cho độ chính xác cao. Ngoài ra, bệnh nhân cần được khám và đánh giá các xét nghiệm tìm nguyên nhân như tình trạng nhiễm khuẩn, bệnh lý ác tính như ung thư nhằm tìm nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định khi có tiền sử nghi ngờ kèm theo test kích thích với yếu tố lạnh cho kết quả dương tính. Hình 9
Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi mề đay mạn tính do lạnh, tuy nhiên, có thể điều trị triệu chứng bằng một số thuốc kháng histamin. Mề đay mạn tính cần điều trị theo nguyên nhân và bệnh nhân thường cho kết quả điều trị tốt. Để hạn chế dị ứng nổi mẩn và nguy hại đến sức khỏe, bệnh nhân cần lưu ý tránh tiếp xúc với yếu tố lạnh trực tiếp, cần có các dụng cụ bảo hộ và giữ ấm. Tránh không để da tiếp xúc với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường. Tránh uống nước đá và thức ăn lạnh như kem có thể gây khó thở và có thể tử vong do phù nề thanh quản. Ngoài ra, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, cần mặc ấm ngay khi ở trong nhà rồi mới đi ra ngoài, tránh ở những nơi có gió lùa, tránh tiếp xúc với nước lạnh… Nếu đã bị nổi mề đay, để hạn chế nhiễm trùng da do những vết xước, bạn không nên gãi mà chỉ xoa để bớt cảm giác ngứa. Ngoài ra, bạn cũng nên vệ sinh răng miệng, cơ thể sạch sẽ hàng ngày để không bị bội nhiễm, mưng mủ. Nổi mề đay khi trời lạnh có thể xảy ra với bất cứ ai và ở bất cứ thời điểm nào, độ tuổi nào, thế nên, nếu muốn kiểm tra cơ thể mình có bị dị ứng với thời tiết kiểu như thế này hay không, bạn chỉ cần để viên đá lên tay từ 4-5 phút, sau đó quan sát vùng da đó trong 10 phút. Nếu thấy nổi mề đay và mẩn ngứa, nghĩa là bạn thuộc nhóm người có cơ địa kiểu như thế này. Khi đó, biết cách phòng tránh và hạn chế bệnh tái phát là việc rất cần thiết. Hình 10
Mày đay là bệnh da dễ nhận biết nhưng cũng là bệnh khó phát hiện nguyên nhân. Có rất nhiều nguyên nhân gây mày đay, trên một bệnh nhân không chỉ có một mà có nhiều yếu tố gây bệnh. Đặc biệt một số người có cơ địa dị ứng thời tiết thì nóng quá cũng bị mà lạnh quá cũng bị. Vì mày đay là một phản ứng viêm của da, có cơ chế phức tạp trong đó có sự can thiệp của chất trung gian hóa học chính là histamin, do đó khi bạn bị mày đay bác sĩ kê đơn cho bạn dùng thuốc chống dị ứng chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời, muốn điều trị có hiệu quả thì cái chính là phải tìm ra nguyên nhân. Nhưng như trên đã nói, tìm nguyên nhân nhiều khi không dễ, vì vậy bạn nên tự theo dõi xem những loại thức ăn, thuốc uống nào có thể gây dị ứng để tránh và tránh các chất kích thích như gia vị, rượu, trà, cà phê. Trong cơn mày đay cấp, nên ăn nhẹ, giảm muối. Nếu gây ngứa, khó chịu nhiều có thể dùng giấm thanh pha nước ấm (một phần giấm 2 phần nước) để thoa hay tắm. Đối với mày đay mạn tính vì thường có liên quan tới các bệnh lý bên trong nên bệnh nhân cần phải đến bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng miễn dịch lâm sàng để khám, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để có thể tìm ra đúng nguyên nhân, để điều trị mới có hiệu quả. Trước mắt, bạn cần giữ ấm cơ thể, vùng mặt cổ bằng cách quàng khăn và đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Chú ý, đồ len dạ cũng có thể là nguyên nhân gây mày đay. Nếu da khô, cần dùng dưỡng ẩm phù hợp và thận trọng khi trang điểm. Hình 11
Khi bị dị ứng với nhiệt độ lạnh (sau khi tắm vào, hay sau khi đi mưa về hoặc trong mùa mà thời tiết có nhiệt độ hạ xưống dưới nhiệt độ bình thường), một số người có thể bị nổi mề đay hoặc nổi ban do lạnh. Bệnh hay triệu chứng có thể gây phản ứng nghiêm trọng dẫn đến khó chịu và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong giao tiếp công việc và đặc biệt rối loạn giấc ngủ. Mùa đông, nhất là những ngày giá rét, những người dầm mưa, dầm nước… có nguy cơ mắc bệnh cao. Nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa và mày đay do thay đổi thời tiết và do lạnh rất phức tạp và có thể còn liên quan đến một số nhân tố và yếu tố môi trường khác can thiệp vào (như thức ăn, nấm hoặc các dị nguyên môi trường). Một số người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ lạnh; do di truyền (bố, mẹ mắc bệnh mề đay thì con cái dễ mắc bệnh); do nhiễm virut và một số bệnh lý truyền nhiễm và ngoài da khác. Trong đó, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do yếu tố cơ địa, tức là cơ thể dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích như lạnh ẩm đột ngột; một số loại thức ăn, phấn hoa, vi khuẩn, vi nấm, giun sán, protein; do dùng một số loại thuốc đông y hoặc tây y. Mề đay nổi lên là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên). Khi bạn bị nhiễm lạnh sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều histamin và các hóa chất của hệ thống miễn dịch khác vào da gây nổi mề đay, mẩn ngứa và nhiều triệu chứng dị ứng khác. Tình trạng nổi mề đay do lạnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy nhiên, có các đối tượng dễ mắc bệnh hơn, đó là trẻ em, thanh thiếu niên. Bệnh cũng hay tái phát ở những người này. Ngoài ra, những người mắc các bệnh như nhiễm virut, mycoplasma, viêm phổi cũng dễ bị nổi mề đay khi nhiễm lạnh. Người mẫn cảm với lạnh có thể nổi mề đay ở vùng da tiếp xúc với lạnh hoặc khắp thân mình. Nếu bị ngâm nhúng một phần chân tay trong nước lạnh có thể gây ra các triệu chứng toàn thân nặng hoặc bị sốc. Triệu chứng nổi mề đay bắt đầu ngay sau khi da tiếp xúc đột ngột nhiệt độ không khí hoặc nước lạnh. Đặc trưng của bệnh là các mảng sẩn đỏ trên da, đường kính từ vài mm đến vài cm hoặc bị sẩn cả mảng rất to. Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của bệnh: Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa, có khi bệnh nhân gãi đến chảy cả máu vẫn không đỡ ngứa. Da của bệnh nhân thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, khi lặn đi thường không để lại dấu vết gì. Các triệu chứng mề đay lạnh thường nặng hơn trong thời gian tái làm ấm da tiếp xúc. Đa số các phản ứng nổi mề đay lạnh xảy ra khi da tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, từ 4-100C, nhưng cũng có một số người nổi mề đay với nhiệt độ ấm hơn. Điều kiện lạnh ẩm và gió có thể làm tăng nguy cơ nổi mề đay. Triệu chứng ngứa, phát mày đay trên diện tích da tiếp xúc với lạnh, thường kéo dài khoảng nửa giờ hoặc kéo dài hơn, nữ hay gặp hơn nam giới. Sưng tay khi đang cầm nắm các vật lạnh, sưng môi khi ăn thức ăn lạnh, sưng lưỡi và họng, có thể gây khó thở do phù nề hầu họng hay đường hô hấp. Bệnh nhân có thể bị bất tỉnh, nhịp tim nhanh, sưng chân tay hoặc thân mình, đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy, phù não, khó thở cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng. Điều trị mề đay do lạnh gồm: Tránh phơi nhiễm với nhiệt độ. Dùng thuốc ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng với thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa và nổi mề đay như loratadine, fexofenadine, cetirizine… Nếu mề đay do lạnh vì một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn thì cần dùng thuốc điều trị bệnh nền đó như cảm cúm, nhiễm virut, mycoplasma, viêm phổi. Mề đay do lạnh đôi khi rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, vì vậy, mọi người cần chú ý phòng tránh. Nếu bạn chưa bị nổi mề đay do lạnh, bạn nên thử xem mình có bị mẫn cảm với nhiệt độ lạnh hay không. Bạn dùng một viên nước đá áp vào da cẳng tay trong 4-5 phút rồi bỏ ra, quan sát vùng da đó trong 10 phút. Kết quả: Khi da ấm trở lại, nếu có một vòng mề đay xuất hiện kèm theo ngứa là bạn thuộc người có cơ địa dễ dị ứng với lạnh. Bạn cần tránh nhiễm lạnh, không ngâm tay chân trong nước lạnh, không lội qua sông, qua suối khi trời lạnh vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Không có cách nào để tránh bị nổi mề đay do lạnh ở lần đầu tiên, nhưng có thể giúp ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, đặc biệt là để vùng da hở tiếp xúc với lạnh. Hình 12
Mọi người đều có thể bị nổi mề đay do lạnh, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, vùng, miền. Vì vậy, ai cũng cần đề phòng mắc bệnh, nhất là trong mùa đông giá rét. Việc ăn, uống cũng góp phần quan trọng trong việc phòng bệnh mề đay tái phát. Người bị bệnh mề đay nên kiêng các loại thức ăn dễ gây bệnh như tôm, cua, ốc, lạc, dứa… Không nên uống rượu, bia bởi các thức uống này là các yếu tố thuận lợi cho bệnh mề đay xuất hiện hoặc tái phát. Tránh để lạnh xảy ra đột ngột, khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, cần mặc đủ ấm, nhất là khi ra khỏi nhà và không nên nằm ngủ trong phòng có gió lùa lạnh. Giữ vệ sinh răng miệng, đường hô hấp trên miệng, mũi, hầu họng để tránh mắc các bệnh do vi khuẩn, virut. Hàng ngày, nên đánh răng sau bữa ăn và sau khi ngủ dậy; súc miệng bằng nước muối sinh lý. Khi bị nổi mề đay, bạn cần hạn chế gãi để tránh gây xây xát, chảy máu tránh bội nhiễm da, nưng mủ dễ gây biến chứng nặng. Chúc bạn khỏe!
|