|
Giun xoắn (Trichinella spiralis) gây bệnh cho người với nguy cơ tử vong cao (ảnh internet) |
Coi chừng tử vong vì nhiễm giun xoắn do ăn tiết canh
Đầu tháng 12 năm 2017, tại xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu người dân làm thịt lợn ốm chế biến tiết canh, gỏi sống để ăn và đã có 5 người nhập viện, 1 người tử vong do bị nhiễm giun xoắn. Trước đó cũng có nhiều trường nguy kịch và tử vong do ăn tiết canh, gỏi, nem, lạp xưởng, thịt hun khói... chế biến còn ở dạng sống bị nhiễm giun xoắn đã được ghi nhận tại một số địa phương. Coi chừng tử vong vì thiếu hiểu biết do nhiễm loại ký sinh trùng nguy hại này. Sự lưu hành bệnh của giun xoắn Giun xoắn có tên khoa học là Trichinella spiralis, chúng gây bệnh khá phổ biến ở khắp nơi trên thế giới và phân bố ở khắp các châu lục. Theo thống kê, chỉ tính riêng ở Mỹ đã có đến 25 triệu người mắc; tại châu Âu, nước Đức có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn các nước khác. Giun xoắn thường hình thành những ổ bệnh thiên nhiên, có tính chất tiềm tàng, bệnh lưu hành giữa động vật với động vật. Các nước lân cận, láng giềng với Việt Nam như Lào, Camphuchia, Trung Quốc đều có hiện diện của bệnh này. Vào năm 1968, ở nước ta đã phát hiện ổ bệnh thiên nhiên giun xoắn ở một số địa phương thuộc vùng Tây Bắc. Mặc dù bệnh do giun xoắn gây nên có thể hiện diện ở khắp mọi nơi nhưng với các mức độ khác nhau. Ổ dịch của những động vật nhiễm giun xoắn có thể chia thành ổ dịch thiên nhiên chủ yếu trên những động vật hoang dại nhiễm giun xoắn và ổ bệnh gần người chủ yếu trên những động vật nuôi mang mầm bệnh. Thực tế cho thấy, bệnh giun xoắn ở người có liên quan chủ yếu đến ổ dịch giun xoắn ở các động vật được chăn nuôi, hiếm khi có liên quan đến ổ dịch giun xoắn ở các động vật hoang dại. Tại châu Á, các nhà khoa học đã phát hiện được bệnh giun xoắn ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác như Philippines, Lào, Việt Nam... Ở nước ta, trước năm 1967 chưa phát hiện được ổ bệnh giun xoắn; đến năm 1968 các nhà nghiên cứu mới phát hiện ổ bệnh này ở một số xã miền núi thuộc vùng Tây Bắc như Mù Căng Chải, Nghĩa Lộ... Giun xoắn thường được phát hiện ở nhiều loài động vật như lợn, chó, mèo, gấu, lợn rừng, chuột... Tỷ lệ nhiễm bệnh này của người khó xác định vì nguy cơ người bị nhiễm bệnh phụ thuộc vào tập quán sinh hoạt, nhất là vấn đề ăn uống. Thực tế có những vùng tỷ lệ nhiễm giun xoắn ở động vật cao nhưng người không có tập quán ăn thịt sống thì bệnh ít khi xảy ra. Ở một số vùng tại nước ta người dân còn có tập quán dùng các món ăn được chế biến từ thịt lợn sống như tiết canh, gỏi, nem chua, nem chạo; một số ưa thích dùng lạp xưởng, thịt hun khói nhưng chưa được chế biến kỹ; ngoài ra nhiều vùng vẫn còn phong tục nuôi lợn thả rông... sẽ là những yếu tố nguy cơ dễ dàng dẫn đến nhiễm bệnh giun xoắn. Như vậy bệnh giun xoắn phát triển và lưu hành thành ổ bệnh, ổ dịch phụ thuộc rất nhiều đến tập quán ăn uống của cộng đồng người dân. Khi dùng thịt của các loại động vật mổ đã qua kiểm tra thú y, kiểm dịch động vật trước khi sát sinh thì tỷ lệ mắc bệnh giun xoắn không đáng kể. Ở một số vùng nông thôn, miền núi; thịt lợn được mổ không qua kiểm tra thì rất dễ có nguy cơ mắc bệnh này nếu ăn phải thức ăn thịt còn sống hoặc tái. Thực tiễn cho thấy nếu động vật bị nhiễm giun xoắn được nhiều người cùng ăn phải thịt sống chưa được nấu chín, chế biến kỹ trong các buổi đám tiệc, liên hoan... thì có thể xảy ra hàng loạt người bị mắc bệnh với những triệu chứng khá nghiêm trọng. Đặc điểm gây bệnh của giun xoắn Bệnh giun xoắn có thể xảy ra cấp tính, gây biến chứng nguy hiểm và dễ dẫn đến tử vong. Chúng có thể phát triển thành dịch khi tại địa phương có sẵn động vật mắc bệnh và có tập quán ăn thịt sống. Giun xoắn trưởng thành có hình thể rất nhỏ, mắt thường khó nhận biết. Khi giun cái đẻ, ấu trùng giun xoắn chui thẳng vào lớp màng nhầy của ruột non nhưng vẫn có thể quan sát được trứng giun xoắn ở trong cơ thể giun cái. Ấu trùng giun xoắn lúc đầu nhỏ, có thể chui qua được mao mạch; khi ấu tùng vào tổ chức cơ sẽ lớn dần và thường cuộn lại như vòng xoắn lò xo trong một nang hình quả cau ở tổ chức cơ vân. Trong một nang có thể có từ 2 đến 3 ấu trùng giun xoắn. Giun xoắn trưởng thành ký sinh ở thành ruột ở đoạn cuối ruột non, có khi ở ruột già của các loại động vật như lợn, chuột, cầy, cáo, hổ, gấu, báo... và kể cả người. Giun đực sau khi giao phối sẽ bị tống ra khỏi đường ruột. Giun cái đẻ ra ấu trùng, mỗi giun cái có thể đẻ được 1.500 ấu trùng. Ấu trùng giun xoắn chui qua thành ruột vào mạch bạch huyết rồi tới tim phải, sau đó theo hệ tuần hoàn đi chu du khắp cơ thể. Cuối cùng đến cư trú ở các tổ chức cơ; những cơ thường có nhiều ấu trùng giun xoắn ký sinh là cơ hoành, cơ nhai, cơ liên sườn, cơ thanh quản, cơ lưỡi, cơ mắt, cơ gáy, cơ ngực, cơ mông... là những cơ vân. Lâu dần vỏ nang bị vôi hóa, ấu trùng giun xoắn ở bên trong không phát triển được thành giun trưởng thành nhưng có khả năng sống và tồn tại trong các nang ở tổ chức cơ rất lâu, có thể đến 25 năm hoặc hơn. Bệnh do giun xoắn trưởng thành phát triển tương ứng với giai đoạn khởi phát của bệnh ở thời điểm giun đực và giun cái giao phối, ký sinh ở thành ruột. Chúng có thể gây nên những triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt, giống như bị ngộ độc thức ăn. Biểu hiện dấu hiệu lâm sàng trong giai đoạn này nặng hay nhẹ tùy thuộc vào số lượng ấu trùng bị nhiễm nhiều hay ít. Bệnh do ấu trùng giun xoắn phát triển tương ứng với giai đoạn toàn phát của bệnh ở thời điểm ấu trùng xâm nhập vào máu đi chu du khắp cơ thể và tới cư trú tại cơ vân. Triệu chứng lâm sàng xảy ra trong thời kỳ này khá rầm rộ, đa dạng, xuất hiện các hội chứng bệnh lý khác nhau. Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc biểu hiện triệu chứng sốt cao liên tục, kéo dài, có trạng thái lơ mơ... dễ nhầm với bệnh thương hàn; xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng cao đến 20.000/mm3 máu hoặc hơn. Hội chứng dị ứng quá mẫn nặng biểu hiện triệu chứng phù nề mí mắt, mặt, các chi hoặc toàn thân; có thể bị phát ban, nổi mề đay; bạch cầu ái toan tăng cao từ 40 đến 80% và tăng kéo dài hàng tháng. Triệu chứng đau cơ xảy ra khi cơn sốt giảm dần, làm hạn chế vận động các cơ, xương, khớp; người bệnh khó thở, nhai nuốt khó... Trong những trường hợp nặng có thể gây viêm cơ tim, viêm màng phổi, viêm màng não, viêm não, viêm xuất huyết võng mạc... Vì ấu trùng giun xoắn có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan khác nhau nên chúng gây ra các triệu chứng bệnh lý rất đa dạng nhưng không thể ký sinh ở cơ quan đó và cuối cùng sẽ bị chết; ấu trùng giun xoắn chỉ có thể ký sinh ở các tổ chức cơ vân mà thôi. Nếu bệnh nhân thoát khỏi được thời kỳ nguy kịch thì có thể phục hồi dần sức khỏe sau thời gian nhiễm bệnh từ 1 đến 3 tháng. Người bệnh có thể bị tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc nặng, do dị ứng quá mẫn hoặc do liệt các cơ hô hấp. Tóm lại, nguồn bệnh giun xoắn là các động vật như lợn, chuột, các thú rừng hoang dã bị mắc bệnh; mầm bệnh là ấu trùng giun xoắn có ở trong cơ vân của các loại động vật này. Bệnh được lây nhiễm qua đường tiêu hóa do ăn phải nang ấu trùng giun xoắn còn sống chưa được nấu chín kỹ và bất kỳ đối tượng nào đều cũng có thể bị nhiễm bệnh, không phân biệt, tuổi tác, giới tính; người ở vùng có bệnh lưu hành hay khách vãng lai. Chẩn đoán và điều trị bệnh Chẩn đoán bệnh trong thời kỳ giun xoắn trưởng thành ký sinh ở ruột rất khó và rất hiếm khi tìm thấy giun trưởng thành trong phân hoặc dịch tá tràng. Thời kỳ ấu trùng giun xoắn di chuyển trong máu cũng rất khó chẩn đoán phát hiện và cũng rất hiếm khi tìm thấy được ấu trùng trong máu, trong dịch não tủy... Thời kỳ ấu trùng giun xoắn hình thành nang ở trong tổ chức cơ có thể chẩn đoán xác định căn cứ vào kết quả của phương pháp sinh thiết cơ; thông thường hay sinh thiết cơ dép chạy dọc hai bên bắp chân, cơ cẳng chân. Ngoài ra, cần kết hợp với chẩn đoán dịch tễ học như xác định vùng lưu hành bệnh giun xoắn, xác định bệnh có liên quan đến bữa ăn như có thể xét nghiệm các thức ăn thừa sau bữa ăn. Đồng thời các xét nghiệm phản ứng miễn dịch học cũng có thể cho kết quả chẩn đoán tương đối chính xác. Điều trị bệnh được thực hiện bằng biện pháp điều trị triệu chứng và điều trị thuốc đặc hiệu. Điều trị triệu chứng được xem là biện pháp ưu tiên hàng đầu vì bệnh nhân thường chết do các hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, dị ứng quá mẫn, đau, liệt cơ hô hấp... Vì vậy mục đích của việc điều trị triệu chứng là sử dụng các loại thuốc corticoide chống dị ứng, giảm đau, an thần... Điều trị đặc hiệu bệnh với thuốc thiabendazole 25mg/kg cân nặng, uống 2 lần trong ngày, dùng từ 5 đến 7 ngày. Đây là loại thuốc đặc hiệu có tác dụng tốt trên động vật thực nghiệm nhưng khi dùng cho người bệnh cần thận trọng vì thuốc có tác dụng diệt ấu trùng mạnh nên sẽ gây ra hiện tượng dị ứng mạnh hơn. Một điều cần chú ý là phải dùng thuốc đặc hiệu sớm khi ký sinh trùng mới xâm nhập vào cơ thể vật chủ mới có hiệu quả. Lời khuyên của thầy thuốc Phòng bệnh nhiễm giun xoắn hiệu quả nhất là tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan thú y và kiểm dịch động vật đối với các loại thịt gia súc chăn nuôi cũng như thịt thú rừng săn bắt được trước và sau khi giết mổ. Tuyệt đối không nên ăn các loại thức ăn từ thịt động vật chưa được nấu nướng kỹ như tiết canh, gỏi, nem chua, nem chạo, lạp xưởng, thịt hun khói... còn sống chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vì rất dễ có nguy cơ bị nhiễm giun xoắn do sự vô tình hoặc thiếu cảnh giác phòng bệnh mang lại. Nên loại bỏ tập quán, thói quen khoái khẩu với món tiết canh để khỏi mang họa vào thân làm ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình như những trường hợp đã gặp. Một điều cũng cần lưu ý là cộng đồng người dân không được sử dụng thịt của các loại động vật bị ốm hay bị chết để chế biến thức ăn vì chúng ẩn chứa tiềm tàng nhiều mầm bệnh nguy hại. Bệnh từ miệng mà vào, vì vậy coi chừng bị nhiễm bệnh và tử vong vì thiếu sự hiểu biết cần thiết.
|