|
Cho trẻ uống vitamin A |
Phòng chống suy dinh dưỡng ở Quảng Trị: Thực trạng và giải pháp
Nhờ có sự đầu tư to lớn từ Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành cùng với việc triển khai có hiệu quả các chương trình y tế trong toàn tỉnh nên công tác phòng chống suy dinh dưỡng đã tạo được sự chuyển biến đáng kể và cải thiện rõ rệt đặc biệt là tỷ lệ suy dinh dưỡng hàng năm giảm một cách bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung mỗi năm chỉ giảm được từ 0,5 đến 1% hiện vẫn còn ở mức cao chiếm tới 27,5% vào năm 2015 và có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Bên cạnh đó, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng không theo quy hoạch dẫn đến một tỷ lệ đáng kể trẻ bị thừa cân béo phì thậm chí ngay trong cùng một gia đình, cộng đồng; rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng ở cả trẻ em và người lớn, đặc biệt ở các khu vực thành thị. Ngoài ra, dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, dinh dưỡng cho người bệnh, dinh dưỡng cho người cao tuổi chưa được chú trọng đúng mức. Cùng với đó là tình trạng thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên hàng năm tại các vùng miền đồng bằng và miền núi làm cho nguy cơ thiếu an ninh lương thực, thực phẩm hiện rõ cũng đóng góp vào tình trạng suy dinh dưỡng hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng là do nguồn lực tuy đã cố gắng đầu tư nhưng còn hạn hẹp chưa đáp ứng so với yêu cầu. Sự phối hợp có liên quan đến dinh dưỡng của các ban ngành đoàn thể chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Công tác truyền thông về dinh dưỡng cho cộng đồng mới chỉ tập trung vào đối tượng bà mẹ và trẻ em mà chưa thực sự quan tâm đến mọi lứa tuổi khác, phương tiện truyền thông còn thiếu và chưa đa dạng về hình thức và chưa thường xuyên, tài liệu về dinh dưỡng còn hạn chế. Cán bộ chuyên trách và có trình độ về dinh dưỡng còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, các bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, tiểu đường, tim mạch ngày càng gia tăng nên nguồn lực bị phân tán, công tác quản lý và phòng chống gặp nhiều khó khăn; trong khi đó số liệu về thực trạng suy dinh dưỡng còn nhiều hạn chế do công tác thống kê, thu thập số liệu các chỉ số về dinh dưỡng chưa đồng bộ, độ chính xác chưa cao. Để thực hiện quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2012 của Thủ tưỡng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 1089/KH-UBND tỉnh về Kế hoạch hành động về dinh dưỡng của tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 với mục tiêu chung: Đến năm 2020, bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng đủ hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Đẩy mạnh việc làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt thể thấp còi nhằm năng cao tầm vóc và thể lực của người Việt nam, kiểm soát được tình trạng thừa cân- béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng với các mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em; giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, từng bước cải thiện số lượng và chất lượng bữa ăn của người dân, từng bước kiểm soát tình trạng thừa cân và béo phì đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt đồng của màng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế. Do đó, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực cho ngành y tế để triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình liên quan đến dinh dưỡng như vitamin A, vệ sinh môi trường như cung cấp đủ nước sạch, hố xí hợp vệ sinh; phòng chống các rối loạn do iod, tẩy giun cho học sinh trong độ tuổi học đường, bổ sung viên sắt và axit folic cho bà mẹ mang thai.Kiện toàn màng lưới cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện, xã và cộng tác viên dinh dưỡng đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng thông qua tập huấn, cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng.Đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng tập trung vào đối tượng đích là bà mẹ, đặc biệt là bà mẹ mang thai nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng có liên quan đến 1000 ngày đầu đời, khuyến khích các bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau đó kết hợp với ăn dặm đúng cách và cho trẻ bú đến 2 tuổi hoặc lâu hơn nữa; phối hợp với ngành giáo dục- đào tạo lồng ghép các chương trình giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với trẻ em trong lứa tuổi học đường vì mục đích phát triển trẻ thơ toàn diện; tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, .Triển khai tốt và có hiệu quả các chiến dịch truyền thông “ Ngày vi chất dinh dưỡng vào ngày 1-2 tháng 6”, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ từ ngày 1-7 tháng 8; Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển từ ngày 16-23 tháng 10.Chú ý theo dõi cân nặng của trẻ sơ sinh và biểu đồ tăng trưởng và phát triển của trẻ dưới 2 tuổi và dưới 5 tuổi để có các can thiệp kịp thời. Phổ biến các tài liệu truyền thông về hướng dẫn đa dạng hóa bữa ăn và sử dụng thực phẩm sẵn có để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Hướng dẫn cách tạo nguồn thực phẩm sẵn có và đa dạng tại hộ gia đình cho các đối tượng người dân đặc biệt là những gia đình có con dưới 5 tuổi. Tại các cơ sở y tế đặc biệt tại bệnh viện tuyến huyên, tuyến tỉnh cần có phòng khám tư vấn về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực để điều trị béo phì và bệnh không lây nhiễm, ưu tiên truyền thông giảm tiêu thụ muối.Xây dựng hướng dẫn đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng tại các khu vực khó khăn và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và trong tình trạng khẩn cấp. Phát triển và triển khai hướng dẫn sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu có để cung cấp lương thực thực phẩm an toàn và đảm bảo dinh dưỡng; tăng cường quản lý về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, quản lý quảng cáo các sản phẩm thực phẩm. Xã hội hóa công tác dinh dưỡng bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể trong các hoạt động lồng ghép với các chương trình dự án khác.Chú trọng tăng cường công tác dinh dưỡng ở tuyến cơ sở, lồng ghép với mạng lưới y tế thôn bản.Thực hiện có hiệu quả các hoạt động cải thiện dinh dưỡng, hoạt động phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Lồng ghép các hoạt động dinh dưỡng với các hoạt động y tế khác trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn và hợp tác với các dự án, các tổ chức phi chính phủ về lĩnh vực dinh dưỡng. Để một thế hệ tương lai mạnh khỏe không còn tình trạng dinh dưỡng kém như hiện nay là một việc làm cấp bách và cần lắm sự vào cuộc ngay từ bây giờ của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của người dân.
|