|
Dị ứng thuốc ngày càng phổ biến vì sử dụng không đúng chỉ định (ảnh minh họa) |
Dị ứng thuốc điều trị và phòng bệnh
Thực tế hiện nay các loại thuốc điều trị và phòng bệnh ngày càng được cộng đồng người dân sử dụng nhiều nên những tai biến do thuốc gây nên cũng khá phổ biến, trong đó phần lớn do dùng thuốc không đúng chỉ định. Vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này để hạn chế tình trạng dị ứng thuốc có thể xảy ra.
Đặc điểm dị ứng thuốc Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tượng dị ứng đối với thuốc kháng sinh thường xảy ra nhiều nhất đã được ghi nhận; đồng thời các loại thuốc khác như sulfamide, an thần, giảm đau, cảm cúm, hạ nhiệt, vitamin... cũng gây nên nhiều tai biến đáng tiếc do dị ứng thuốc. Những biểu hiện dị ứng do thuốc trên lâm sàng rất đa dạng; thực tế hay gặp nhất là các triệu chứng mệt mỏi, bồn chồn, khó thở, chóng mặt, sốt, đỏ da toàn thân, tụt huyết áp... Số tai biến do sử dụng huyết thanh, vắcxin phòng bệnh các loại cũng vẫn có thể xảy ra dị ứng vì việc tiêm chủng chưa đúng sơ đồ, liều lượng; không phát hiện được những trường hợp phải hoãn tiêm chủng. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng dị ứng do thuốc điều trị và phòng bệnh có những đặc điểm đáng chú ý gồm: Tính kháng nguyên không đồng đều giữa các loại thuốc, do cấu trúc hóa học và phân tử lượng của thuốc. Tính mẫn cảm chéo giữa nhiều loại thuốc có cấu trúc hóa học gần giống nhau gây nên những tai biến bất ngờ đối với thầy thuốc. Yếu tố di truyền, cơ địa, lứa tuổi và giới tính cũng có vai trò nhất định; dị ứng thuốc dễ dàng xảy ra ở những người có bệnh dị ứng, cơ địa dị ứng, ở nhóm tuổi từ 20 đến 50, ở nữ giới nhiều hơn nam giới, ở người cao tuổi và trẻ em ít gặp hơn. Lưu ý rằng một loại thuốc có thể là nguyên nhân của nhiều triệu chứng lâm sàng và ngược lại một hội chứng lâm sàng có thể do nhiều loại thuốc gây nên như thuốc penicilline là nguyên nhân gây nên sốc phản vệ, bệnh huyết thanh, viêm da tiếp xúc, hen phế quản, đỏ da toàn thân, hội chứng Stevens-Jonhson làm viêm loét niêm mạc các hõm thiên nhiên, hội chứng Lyell; ngược lại sốc phản vệ không phải chỉ do thuốc kháng sinh gây nên mà còn do nhiều loại thuốc và các chất khác như vitamin B1, novocaine, vắcxin, nọc ong, trứng, sữa... Biểu hiện lâm sàng dị ứng thuốc Biểu hiện lâm sàng của dị ứng thuốc rất phong phú và đa dạng, các biểu hiện này có thể xuất hiện toàn thân hoặc từng hệ cơ quan khác nhau như da, phổi, gan, thận, máu... Đối với toàn thân thấy có biểu hiện sốc phản vệ, hạ huyết áp, sốt, viêm mạch, sưng hạch, bệnh huyết thanh. Đối với da có biểu hiện nổi mày đay, phù Quincke, sẩn ngứa, viêm da tiếp xúc, mẩn cảm ánh sáng, đỏ da toàn thân, hồng ban nhiễm sắc cố định, hội chứng Stevens-Jonhson, hội chứng Lyell. Đối với phổi có biểu hiện khó thở, viêm phế nang. Đói với gan có biểu hiện viêm gan, tổn thương tế bào gan. Đối với tim có biểu hiện viêm cơ tim. Đối với thận có biểu hiện viêm cầu thận, hội chứng thận hư. Đối với máu có biểu hiện ban xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết, giảm bạch cầu trung tính. Phát hiện và chẩn đoán sớm dị ứng thuốc Đây là một yêu cầu cần thiết để có biện pháp can thiệp xử trí điều trị kịp thời nhằm giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch do dị ứng thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả tính mạng người bệnh. Thực tế nên sử dụng những phương pháp đơn giản, dễ thực hiện để dự phòng và phát hiện sớm các trường hợp dị ứng thuốc. Trước hết cần phải khai thác tiền sử có nguy cơ dị ứng thuốc của người bệnh như: Bệnh nhân đã sử dụng loại thuốc nào lâu nhất và nhiều nhất. Loại thuốc nào đã gây nên phản ứng và các biểu hiện lâm sàng do thuốc gây nên như thế nào. Những bệnh trước đây đã mắc và mắc bệnh hiện nay gồm viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, viêm tai, ho gà, viêm mũi, viêm xoang mũi, hen suyễn, sốt mùa, mày đay, phù Quincke, thấp khớp, thấp tim, lao, bệnh do nấm, bệnh thần kinh và tâm thần, tiểu đường, huyết áp cao... Đồng thời cũng phải ghi nhận người bệnh đã tiêm chủng những loại vắcxin phòng bệnh và huyết thanh nào; ảnh hưởng của các yếu tố nhiễm lạnh, độc hại, thực phẩm, tress, thay đổi nơi làm việc, côn trùng đốt, tiếp xúc với phấn hoa, hóa chất, gia súc. Ngoài ra nên xem xét trường hợp cha mẹ, con cái, anh chị em ruột có ai có những phản ứng và các bệnh đã nêu ở trên hay không để thu thập thêm thông tin cần thiết. Có thể thực hiện test lẩy da và test kích thích để hỗ trợ cho việc xác định thăm dò. Test lẩy da thường thực hiện đối với một số loại thuốc kháng sinh như penicilline, streptomycine với nồng độ pha khoảng 1/100.000, 1/10.000; lấy kim đặt góc 45 độ và lẩy da ngược lên, sau 10 - 20 phút đọc kết quả dương tính hay âm tính. Test kích thích thường thực hiện với test nhỏ mũi, test kích thích dưới lưỡi và làm các phản ứng in vitro ở trong phòng thí nghiệm. Test nhỏ mũi tiến hành bằng cách nhỏ một giọt dị nguyên là thuốc vào một bên mũi, phản ứng dương tính xuất hiện khi có hiện tượng hắt hơi, ngứa mũi, khó thở một bên mũi. Test kích thích dưới lưỡi thực hiện bằng cách ngậm 1/4 viên thuốc hoặc gạc có tẩm thuốc ở dưới lưỡi, sau 10 - 15 phút nếu người bệnh có phù lưỡi, phù môi, nổi ban, nổi mày đay là kết quả thử nghiệm dương tính; khi đó người bệnh cần súc miệng với nước sạch để loại bỏ thuốc đã ngậm. Các phản ứng in vitro ở phòng thí nghiệm thực hiện chủ yếu với phản ứng phân hủy tế bào mast, phản ứng tiêu bạch cầu đặc hiệu, phản ứng xác định IgE đặc hiệu và toàn phần; xét nghiệm công thức máu có trường hợp cũng phát hiện giảm tiểu cầu và bạch cầu. Điều trị và dự phòng dị ứng thuốc Một vấn đề cần lưu ý mang tính nguyên tắc là khuyến cáo tuyệt đối không để bệnh nhân tiếp xúc với các loại thuốc điều trị và phòng bệnh đã gây nên hiện tượng dị ứng cho bản thân họ và hạn chế sử dụng các loại thuốc khác. Về điều trị, có thể sử dụng các loại thuốc chống dị ứng kháng histamin anti H1 thế hệ 2 như cetirizin, fexofenadin, astemisol, loratadin...; trường hợp dị ứng thuốc nặng hơn có thể kết hợp với thuốc corticoid như prednisolon, methylprednisolon tiêm truyền; đồng thời cũng phối hợp với các thuốc điều trị triệu chứng. Trong một số trường hợp nên bù nước và chất điện giải khi có yêu cầu, kể cả thuốc lợi tiểu. Nếu có hiện tượng bội nhiễm có thể sử dụng kháng sinh, nên lựa chọn loại kháng sinh thích hợp và bảo đảm sử dụng hợp lý, an toàn. Để phòng ngừa sốc phản vệ có thể xảy ra, cần xử trí kịp thời các trường hợp bị đỏ da, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell; việc xử lý can thiệp thực hiện giống như các trường hợp nặng do dị ứng thuốc, chú ý đến công tác hộ lý, hỗ trợ, giúp đỡ. Dự phòng dị ứng thuốc muốn có hiệu quả tốt phải tiến hành công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý trong ngành y tế; dùng thuốc đúng chỉ định, đúng liều lượng, đúng hướng dẫn; hạn chế tình trạng người dân tự mua thuốc điều trị ở nhà thuốc, hiệu thuốc để sử dụng khi không có đơn thuốc và tư vấn hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý trước khi sử dụng thuốc phải kiểm tra chất lượng thuốc, khai thác kỹ tiền sử dị ứng, thử test theo quy định thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế và chuẩn bị dụng cụ, thuốc chống sốc để xử trí kịp thời trường hợp có sốc phản vệ xảy ra. Nếu tiêm kháng sinh cần phải sử dụng dụng cụ tiêm chích riêng.
|