Cập nhật một số nghiên cứu về bệnh ký sinh trùng ở người và động vật
Một số ký sinh trùng đơn bào liên quan đến sinh ung thư ở người; Nghiên cứu thay đổi cơ cấu KSTSR vùng SRLH nặng Krông Pa, Gia Lai; Đặc điểm ổ bọ gậy véc tơ truyền bệnh SXH Dengue và Zika tại ba sinh cảnh tỉnh Gia Lai 2017; Một số đặc điểm miễn dịch học ở người có huyết thanh dương tính với ấu trùng giun đũa chó mèo Toxocara spp. tại Trung tâm y khoa Medic Hòa Hảo TP Hồ Chí Minh năm 2017; Nhiễm KSTSR Plasmodium ovaleở người xác định bằng hình thái học và SHPT tại ven biển miền Trung, Việt Nam; Định loài giun đầu gai Gnathostoma spp. Owen 1836 bằng SHPTtrêntrường hợp ấu trùng giun di chuyển dưới da; Đặc điểm lâm sàng đa dạng trên bệnh nhân nhiễm giun đầu gai Gnathostoma spinigerum tại Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, 2016-2017 ; Chẩn đoán Gnathostoma spp từ vật chủ trung gian thứ 2 bằng kỹ thuật SHPT trên hệ gen ty thể ;Một số đặc điểm dịch tễ học lâm sàng bệnh giun đầu gai ở người do Gnathostoma spinigerum 2016-2017; Đặc điểm lâm sàngvà hiệu quả điều trị Ivermectine trên bệnh nhân nhiễm giun lươn Strongyloides stercoralis tại huyện Đức Hòa, tịnh Long An 2017; chẩn đoán phân tử và định loài giun lươn Strongyloides. spp gây bệnh tại cộng đồng huyện đức hòa, tỉnh long an bằng kỹ thuật real-time PCR; Đặc điểm dịch tễ học lâm sàng trên bệnh nhân có rối loạn về da do ngoại ký sinh trùng Demodex spp.; Đánh giá sốt rét do Plasmodium vivax kháng thuốc chloroquine đang nổi tại tỉnh Gia Lai 2016-2017: Thử nghiệm lâm sàng in vivo 28 ngày; Anisakis spp: loại ký sinh trùng ảnh hưởng sức khỏe con người từ môi trường biển 1. MỘT SỐ KÝ SINH TRÙNG ĐƠN BÀO LIÊN QUAN ĐẾN SINH UNG THƯ Ở NGƯỜI Nguyễn Ngọc San1, Huỳnh Hồng Quang2, Quế Anh Trâm3(Viện Y học Dự phòng Quân đội1, Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn2, Bệnh viện đa khoa Hữu nghị Nghệ An3 Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế xác định 10 tác nhân truyền nhiễm (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng) có thể sinh ung thư ở người. Nhiễm sán lá lưu hành trên khắp thế giới và các ký sinh trùng này là nhóm tác nhân quan trọng trong sinh bệnh ung thư. Trước tiên, sán lá gan nhỏ (gồm Opisthorchis viverrini và Clonorchis sinensis) có liên quan đến ung thư biểu mô đường mật và là loại ung thư gan tiên phát đứng thứ hai. Thứ hai, một loại sán đường máu Schistosoma haematobium có liên quan đến ung thư bàng quang. Gần đây, một số báo cáo trên toàn cầu đang hoài nghi về mối liên quan tiềm năng của các ký sinh trùng khác với sự phát triển một số thay đổi tân sinh trong mô vật chủ người và động vật, đặc biệt khối ác tính tiêu hóa do đơn bào Cryptosporidium parvum. O. viverrini lưu hành tại Đông Nam Á với trên 10 triệu người bị ảnh hưởng, trong khi đó loài C. sinensis có phân bố rộng hơn ở Đông Á và một số nước Đông Nam Á với trên 35 triệu người bị ảnh hưởng. Nhìn chung, sán máng đang nổi lên như bệnh nhiệt đới quan trọng với trên 200 triệu người ở vùng nhiệt đới mắc phải và một loài đơn bào khác hình thành nang trứng trong chu kỳ khi phát triển ở động vật và người nhưng gánh nặng bệnh này chưa ước tính đầy đủ do phương thức lan truyền vẫn còn bí ẩn, chỉ biểu hiện một phần nào đó và hệ thống phát hiện hiện tại không đủ giám sát trên phạm vi toàn cầu. Hình 1
Bài tổng quan này tổng hợp ngắn gọn các dữ liệu từ các trung tâm thông tin công nghệ sinh học quốc gia Mỹ (NCBI), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Medscape, PubMed, Medline và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) từ những năm 1970 đến cuối tháng 5 năm 2018 về mối liên quan ký sinh trùng và đơn bào với tiến trình tân sinh, đặc biệt tập trung vào khả năng tiềm tàng sinh ung thư của một số ký sinh trùng sán lá và đơn bào. Nhìn chung, nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản và y học chứng cho thấy vai trò của ký sinh trùng sinh ung thư ở người. Hình 2
2. NGHIÊN CỨU THAY ĐỔI CƠ CẤU KSTSR VÙNG SRLH NẶNG KRÔNG PA, GIALAI Nguyễn Đức Hồng1, Lý Chanh Ty1, Huỳnh Hồng Quang1, Trần Thanh Sơn2 (1Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, 2Đại học Quy Nhơn) Chiến lược sốt rét Toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới đang đặt ra tầm nhìn 2016-2030 hướng đến loại trừ sốt rét, nhưng đang đối mặt với rào cản kỹ thuật do thay đổi cơ cấu ký sinh trùng dẫn đến khó điều trị tiệt căn bệnh nhân sốt rét trong cộng đồng. Nghiên cứu này tiến hành nhằm đánh giá sự dịch chuyển cơ cấu trong một thời gian dài để có các hành động phù hợp. Thiết kế nghiên cứu hồi cứu toàn bộ số liệu về ca bệnh sốt rét. Tổng số 8.448 ca xác định sốt rét, phân bố ca nhất vào thời điểm từ tháng 4-9 hàng năm và từ cuối tháng 10 đến tháng 2 năm sau, đặc biệt số bệnh nhân tập trung ở các xã Chư Gu (1.074), Chư R’Căm (1.070), Ia D’reh (892), Ia R’mok (637), Ia Sai (602), Ia M’lah (599) và Phú Cần (566). Giai đoạn 2012-2016 số liệu cho thấy nhiễm đơn thuần P. falciparum là 4190 (49,6%), P. vivax là 4059 (48,08%), nhiễm phối hợp 198ca (2,34%). Trong năm 2012, số ca P. vivax cao gấp 2 lần so với P. falciparum (1102 so với 563) và từ năm 2013-2016, tỷ lệ hai loài này tương đối bằng nhau. Thay đổi cơ cấu KSTSR tại huyện Krông Pa, Gia Lai sẽ gây khó khăn kỹ thuật trong lộ trình loại trừ sốt rét. Hình 3
3. ĐẶC ĐIỂM Ổ BỌ GẬY VÉC TƠ TRUYỀN BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE VÀ ZIKA TẠI BA SINH CẢNH TỈNH GIA LAI 2017 Đỗ Văn Nguyên1, Nguyễn Xuân Quang1, Huỳnh Hồng Quang1 và cs. (1Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn) Sốt xuất huyết, một trong những bệnh do Arbovirus đang nổi tại miền Trung-Tây Nguyên được lan truyền thông qua nơi đẻ của các muỗi Aedes aegypti and Aedes albopictus, nên việc phát triển và ứng dụng các tiếp cận chi phí-hiệu quả để xác định và ứng phó dịch là cần thiết. Điều tra cắt ngang 6 đợt gồm 3 đợt mùa khô và 3 đợt mùa mưa trong năm 2017 để đánh giá chỉ số và đặc điểm ổ bọ gậy nguồn của muỗi Ae. aegypti và Ae. albopictus tại các huyện/thành phố đại diện cho ba sinh cảnh gồm thành phố Pleiku, huyện Đăk Pơ và Kông Chro). Hình 4
Điều tra cho thấy bọ gậy Ae. aegypti và Ae. albopictus có mặt tại tất cả điểm nghiên cứu. Trong đó, các chỉ số bọ gậy Ae. aegypti cao hơn so với Ae. albopictus tại ba sinh cảnh vào cả thời điểm mùa khô và mưa. Tại Pleiku, dụng cụ chứa nước (DCCN) dương tính mùa mưa cao hơn nhiều so với DCCN dương tính trong mùa khô (p<0,01). Có tổng cộng hơn 10 loại DCCN có bọ gậy Ae. aegypti nhiều hơn so với bọ gậy Ae. albopictus (3 loại DCCN). Xô thùng là DCCN phổ biến (31,73%) tại hộ gia đình, lọ hoa (14,47%) và các DCCN khác (3,12%); Tại Đăk Pơ, có 150 DCCN dương tính tại mùa mưa cao hơn so với DCCN dương tính ghi nhận vào mùa khô là 141 (p<0,01). Loại DCCN có bọ gậy Ae. aegypti (hơn 11 loại DCCN) nhiều hơn so với bọ gậy Ae. albopictus (4 loại DCCN). Xô thùng là DCCN phổ biến (24,19%) tại các hộ gia đình, tiếp đến là DCCN phế thải (20,2%) và thấp nhất là vỏ dừa (0,52%); Tại Kông Chro, có 306 DCCN dương tính thì có 190 DCCN dương tính ghi nhận vào mùa mưa cao hơn so với DCCN dương tính vào mùa khô là 116 (p<0,01). Có 11 loại DCCN khác nhau dương tính với bọ gậy Ae. aegypti cao hơn so với chủng loại DCCN (7) có bọ gậy Ae. albopictus. Xô thùng là DCCN phổ biến (23,33%) tại các hộ gia đình, tiếp đến bể xi măng (15,52%) và thấp nhất là các hốc cây (0,38%). Bọ gậy Ae. aegypti và Ae. albopictus có mặt tại tất cả điểm điều tra, trong đó chỉ số bọ gậy Ae. aegypti cao hơn Ae. albopictus tại ba sinh cảnh vào thời điểm mùa khô và mưa. Xô thùng là DCCN phổ biến. 4. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM MIỄN DỊCH HỌC Ở NGƯỜI CÓ HUYẾT THANH DƯƠNG TÍNH VỚI ẤU TRÙNG GIUN ĐŨA CHÓ MÈO TOXOCARA spp. TẠI TRUNG TÂM Y KHOA MEDIC HÒA HẢO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2017 Lê Đình Vĩnh Phúc1, Nguyễn Bảo Toàn1, Huỳnh Hồng Quang2 (1Trung tâm Y khoa Medic TP.Hồ Chí Minh, 2Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn) Bệnh giun đũa chó mèo ở người là một bệnh lây truyền từ động vật sang người, phân bố khắp thế giới nhưng chưa được chẩn đoán và đánh giá đầy đủ về tác động sức khỏe của chúng. Ký sinh trùng thường lây truyền qua con đường trực tiếp phân-miệng và có thể gây bệnh và một số biến chứng, bao gồm dị ứng và rối loạn thần kinh. Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Mỹ đặt bệnh này là 1 trong 5 chương trình hành động y tế công cộngưu tiên. Các nghiên cứu về huyết thanh học tại một số vùng địa lý cho thấy tỷ lệ 8,7-50,6%. Mục tiêu của nghiên cứu là mô tả đặc điểm miễn dịch học và xác định mối liên quan giữa bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi, nồng độ IgE toàn phần và giá trị tiên đoán trong chẩn đoán nhiễm Toxocara spp. Hình 5
Thiết kế nghiên cứu ngang mô tả loạt ca bệnh được sàng lọc có huyết thanh dương tính ELISA với anti-Toxocara IgG. Tổng số 1427 bệnh nhân có triệu chứng được sàng lọc bằng chẩn đoán ELISA huyết thanh, tỷ lệ kháng thể anti-Toxocara IgG dương tính là 41,6%, nồng độ IgE toàn phần tăng (≥ 130 IU/mL) là 57,6%, tỉ lệ BCAT trong máu ngoại biên tăng (≥ 7%) là 9,1%. Khi BCAT tăng thì nguy cơ anti-Toxocara IgG dương tính cao gấp 1,2 lần và nồng độ IgE tăng thì nguy cơ anti-Toxocara IgG dương tính cao gấp 1,34 lần so với nhóm không tăng. Tương quan giữa tỷ lệ BCAT và nồng độ IgE toàn phần là tương quan thuận. Giá trị tiên đoán dương của nhiễm Toxocara spp khi BCAT và IgE toàn phần cùng tăng là 52%. Giá trị tiên đoán âm khi một trong hai yếu tố (hoặc BCAT hoặc IgE) tăng là 59,2%. Cùng với yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng thì miễn dịch học là một thành phần quan trọng trong vấn đề chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh lý nhiễm Toxocara spp. 5.NHIỄM KÝ SINH TRÙNG SỐT RÉT Plasmodium ovale Ở NGƯỜI XÁC ĐỊNH BẰNG HÌNH THÁI HỌC VÀ SINH HỌC PHÂN TỬ TẠI VEN BIỂN MIỀN TRUNG, VIỆT NAM Nguyễn Thị Minh Trinh1, Huỳnh Hồng Quang1, Trần Thanh Sơn2, Lê Phước Thiện1 (1Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn; 2Đại học Quy Nhơn) Sốt rét vẫn là một vấn đề sức khỏe quan trọng. Năm 2016, trên toàn cầu có 216 triệu ca mắc và 445.000 ca tử vong tại 91 quốc gia (WHO, 2017). Hơn 100 năm qua, chẩn đoán dựa vào phần lớn là kính hiển vi được xem là chuẩn vàng và test chẩn đoán nhanh. Song việc áp dụng sinh học phân tử rộng rãi gần đây đã giúp phát hiện số loài ký sinh trùng tăng lên từ 4 đến 6 (Plasmodium falciparum, P. vivax, P. malariae, P. knowlesi, P. ovale curtisi và P. ovale wallikeri). Từ lâu, sự phân bố P. ovale (Charles F. Craig, 1900) được giới nghĩ chỉ giới hạn tại khu vực cận sa mạc Sahara, châu Phi, Nam và Đông Nam Á và các đảo Indonesia, nhưng giờ đây ca báo cáo rất hiếm gặp nhiễm loài P. ovale được xác định trên cả phân tích sinh học phân tử và hình thái học tại ven biển miền Trung, Việt Nam. Hình 6
Mẫu máu thu thập từ bệnh nhân có triệu chứng điển hình sốt rét. Trước đó lam máu được soi xác định hình thái điển hình và đếm mật độ ký sinh trùng 2246/microlite bởi hai xét nghiệm viên cấp độ 1 của Tổ chức Y tế thế giới xác nhận. Phân tích di truyền DNA từ 2 giọt máu trên giấy thấm, sử dụng kit tách chiết DNA tổng số của Qiagen và phân tích di truyền loài theo quy trình nested-PCR của Snounou G (1993). Cả phân tích hình thái học và di truyền phân tử đều xác nhận bệnh nhân nhiễm P. ovale. Sau khi điều trị chloroquin liều chuẩn, bệnh nhân đáp ứng lâm sàng và ký sinh trùng đầy đủ. P. ovale was công nhận có mặt tại Ninh Thuận, nơi có sốt rét lưu hành nặng. Trong tương lai đến, cần tiếp tục phân tích các biến thể loại P. ovale curtisi hay P. ovale wallikeri của P. ovale tại tỉnh này. 6. ĐỊNH LOÀI GIUN ĐẦU GAI Gnathostoma spp. OWEN 1836 BẰNG SINH HỌC PHÂN TỬ TRÊNTRƯỜNG HỢP ẤU TRÙNG GIUN DI CHUYỂN DƯỚI DA Trần Thị Huệ Vân1, Lê Đình Vĩnh Phúc2, Nguyễn Thu Hương3, Huỳnh Hồng Quang4 (1Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, 2Trung tâm Y khoa Medic Thành phố Hồ Chí Minh, 3Viện Sốt rét-KST-CT Trungương, 4Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn) Bệnh giun đầu gai là một bệnh ký sinh trùng quan trọng ở người, hầu hết biểu hiện thể da niêm mạc hay phủ tạng, một số ca thể thần kinh gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.Mô tả lâm sàng, cận lâm sàng và định loài Gnathostoma spp. bằng sinh học phân tử trên một ca bệnh ấu trùng di chuyển dưới da. Hình 7
Bệnh nhân nam33 tuổi, làm hướng dẫn viên du lịch và đang sống tại TP. Hồ Chí Minh có biểu hiện triệu chứng ban trườn, sưng phồng từng đợt, di chuyển ngoằn ngèo, ngứa, ban đỏ và đau khi sờ trên da vùng cẳng tay bệnh nhân. Tiếp sau đó, dần dần dấu di chuyển ngứa và tê rần khắp 1 vùng cánh tay. Tiền sử bệnh nhân có thói quen ăn thịt ếch nướng. Do đó, chẩn đoán sơ bộ là ấu trùng di chuyển dưới da do ký sinh trùng. Xét nghiệm công thức máu toàn phầncó hồng cầu5.060.000 tế bào/mm3 và bạch cầu chung 8.830 tế bào/mm3 trong đó 50,7% neutrophile, 35,3% lymphocyte, 10,7% eosinophil. Xét nghiệm huyết thanh miễn dịch một số tác nhân giun sán thường gặp cho kết quả dương tính với kháng thể chống IgG Gnathostoma spp, phẩu tích vùng thương tổn, phân tích mô học, định loài bằng sinh học phân tử sau khi tách chiết và khuếch đại DNA đích gen Cox1 và vùng ITS-2 của ribosomal DNA. Phân tích di truyền phả hệ kết luận là Gnathostoma spinigerum Owen, 1836.xác đình là loài Gnathostoma spinigerum. Chẩn đoán cuối cùng là ấu trùng di chuyển dưới da do G. spinigerum. Bệnh nhân được chữa khỏi bằng phẩu tích lấy tác nhân, định loại bằng sinh học phân tử là loài Gnathostoma spinigerum và điều trị thành công với thuốc ivermectine liều duy nhất và 14 ngày albendazole. Ấu trùng di chuyển dưới da là một thể bệnh hay gặp ở giun đầu gai với các dấu sưng phồng điển hình. Xét nghiệm huyết thanh và phân tích mô bệnh học giúp chẩn đoánvà điều trị khỏi bệnh trên các ca như thế.7. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG ĐA DẠNG TRÊN BỆNH NHÂN NHIỄM GIUN ĐẦU GAI Gnathostoma spinigerum TẠI VIỆN SỐT RÉT-KÝ SINH TRÙNG-CÔN TRÙNG QUY NHƠN, 2016-2017 Trần Thị Huệ Vân1, Nguyễn Thu Hương2, Nguyễn Văn Chương3, Huỳnh Hồng Quang3 (1Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, 2Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương, 3Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn) Gnathostoma spinigerum là một loại ký sinh trùng giun tròn gây bệnh giun đầu gai ở người, các đặc điểm lâm sàng của chúng thường gồm ban trườn, các thể ấu trùng di chuyển dưới da, phủ tạng và mắt, người mắc phải ấu trùng là do ăn các loại cá, thịt còn sống hoặc nấu chưa chín. Trong nghiên cứu này, thiết kế nghiên cứu cắt ngang mô tả loạt ca bệnh. Hình 8
Tổng số 112 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán giun đầu gai được đưa vào nghiên cứu, triệu chứng lâm sàng đa dạng khác nhau và bất kỳ cơ quan hoặc mô nào trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Trên da và niêm mạc (82,14%), ngứa và mày đay (75%), nổi mẩn đỏ, vệt đỏ da (33,93%), ban đỏ rải rác từng vùng (19,64%), ấu trùng di chuyển dưới da (11,61). Trên cơ quan thần kinh (45,53%), trong đó đau đầu chiếm tỷ lệ cao nhất (35,71%), chóng mặt đơn thuần (27,68%) và rối loạn giấc ngủ thường mất ngủ (6,25%). Trên cơ quan hô hấp (7,14%), đau ngực (3,57%). Trên cơ quan tiêu hóa, đau bụng và khó tiêu (21,43%), đau bụng vùng thượng vị (17,86%), rối loạn đại tiện phân lỏng, sệt (8,04%), chán ăn và buồn nôn (4,46%). Trên cơ quan thị giác, đau cơ quanh mi mắt (6,25%), rối loạn thị lực nhìn mờ (5,36%), nhìn mờ kiểu song thị (4,46%). Bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi tăng (32,14%). Bệnh giun đầu gai ở người do Gnathostoma spinigerum, phổ lâm sàng đa dạng có mặt trên bất kỳ cơ quan và mô nào trong cơ thể bệnh nhân. Do đó, tất cả thầy thuốc lâm sàng cần lưu ý để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. 8. NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP GIẢ ẤU TRÙNG DI CHUYỂN GÂY SANG THƯƠNG Ở DA DO SỢI TÓC Trần Thị Huệ Vân1, Phan Anh Tuấn1, Nguyễn Thanh Liêm1, Huỳnh Hồng Quang2 (1Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, 2Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn)Tình trạng ấu trùng di chuyển trong da hay ấu trùng di chuyển là một bệnh lý ở da hay gặp ở vùng nhiệt đới đã được mô tả cách nay hơn 100 năm. Nguyên nhân có thể do nhiễm do ấu trùng một số loại ấu trùng giun tròn như giun móc từ chó, mèo (Ankylostoma braziliense, Ankylostoma caninum), giun đầu gai (Gnathostoma spinigerum) hoặc giun lươn (Strongyloides stercoralis) gây ra. Ấu trùng di chuyển có đặc điểm là ban đỏ da, hình ngoằn ngoèo như rắn bò, ngứa và ban trườn dưới da do sự xuyên da tình cờ và di chuyển của các ấu trùng giun tròn. Hầu hết các ca bệnh ấu trùng di chuyển tìm thấy ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Hình 9
Ca bệnh được báo cáo ở đây làmột bệnh nhi, nam 2 tuổi sống tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh với hình ảnh trên da có vết đỏ, ngoằn ngoèo như rắn bò, dài khoảng 3,5cm, cuối đường này có một đoạn màu đen ngắn. Phẩu tích lấy bệnh phẩm tại sang thương, xét nghiệm đó là một đoạn sợi tóc. Sợi tóc khi đi xuyên da có thể dẫn đến nhiều hình ảnh lâm sàng khác nhau, một trong số đó dễ chẩn đoán nhầm là hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da. Thầy thuốc lâm sàng cần thăm khám và phân tích bệnh phẩm kỹ để điều trị kịp thời. 9. CHẨN ĐOÁN Gnathostoma spp TỪ VẬT CHỦ TRUNG GIAN THỨ 2 BẰNG KỸ THUẬT SINH HỌC PHÂN TỬ TRÊN HỆ GEN TY THỂ Trần Thị Huệ Vân1, Lê Đức Vinh2, Nguyễn Kim Thạch2, Huỳnh Hồng Quang3, Nguyễn Thu Hương4 (1Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh, 2Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 2Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, 4Viện Sốt rét-KST-CT TƯ) Bệnh Giun đầu gai ở người là một bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người, do ăn sống hoặc chưa chín các loại thịt ếch, rắn, lươn. Khi đi vào cơ thể, ấu trùng giai đoạn 3 di chuyển và gây tổn thương nhiều cơ quan và mô khác nhau trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương, thậm chí tử vong. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân tích phân tử hệ gen ty thể của Gnathostoma spp. nhiễm trên các con lươn. Hình 10
Thu thập mẫu nội tạng và thịt lươn từ chợ N. trung tâm quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Tìm ấu trùng giai đoạn nhiễm của Gnathostoma spp. trong gan và thịt lươn bằng kỹ thuật tiêu mô cải tiến. Sử dụng sinh học phân tử để xác định giống Gnathostoma spp. và loài G. spinigerum. Tổng số 10 ấu trùng được thu thập, chẩn đoán hình thái học xác định là giun Gnathostoma spp, 100% ấu trùng được xác định là Gnathostoma spp. bằng kỹ thuật PCR trên DNA ty thể với các đoạn mồi Gn_COI đặc hiệu vùng gen cox-1. Loài G. spinigerum được xác định qua giải trình tự trên DNA ty thể với các đoạn mồi JB đặc hiệu vùng gen COI, chiếm 60%. Nghiên cứu này đã xác định thành công chẩn đoán giống Gnathostoma spp. và loài G. spinigerum trên vật chủ trung gian thứ 2 là lươn đầm lầy. 9. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ HỌC LÂM SÀNG BỆNH GIUN ĐẦU GAI Ở NGƯỜI DO Gnathostoma spinigerum 2016-2017 Trần Thị Huệ Vân1, Huỳnh Hồng Quang2, Lê Đình Vĩnh Phúc3 (1Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 2Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, 3Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo). Bệnh giun đầu gai là một bệnh nhiễm ký sinh trùng qua đường thực phẩm do người ăn phải ấu trùng giai đoạn nhiễm của giun tròn thuộc giống Gnathostoma trong vật chủ trung gian như heo, gà, lươn, cá nước ngọt. Loài phổ biến gây nhiễm cho người là Gnathostoma spinigerum. G. spinigerum lưu hành ở Đông Nam Á, kể cả Việt Nam. Nghiên cứu này thực hiện nhằm phát hiện đặc điểm dịch tễ học lâm sàng của giun đầu gai. Thiết kế nghiên cứu cắt ngang mô tả hàng loạt ca nhiễm Gnathostoma spinigerum và tỷ lệ nhiễm trên vật chủ trung gian nhiễm ấu trùng.Tổng số 112 bệnh nhân xét nghiệm ELISA dương tính với loài Gnathostoma spinigerum. Bệnh nhân có tuổi trên 45 (41,07%), từ 15-30 (15,18%) (p < 0,001). Về giới tính, nữ (62,5%), nam (37,5%). Học sinh, sinh viên (25%), cán bộ viên chức (20,54%), nội trợ, thất nghiệp (2,69%). Một số yếu tố nguy cơ có thể gồm ăn cá sống hay tái (71,43%), ăn thịt ếch um hay xào (65,18%). Bệnh nhân phân bố ở tỉnh Bình Định (16,96%), tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai bằng nhau (10,71%), dân tộc Kinh (95,54%), các dân tộc thiểu số khác (4,46%). Triệu chứng thường làm cho bệnh nhân đến khám ở da-niêm mạc (82,14%), thần kinh (44,64%), tiêu hóa (33,04%), rối loạn thị giác (11,61%), hô hấp (6,25%). Thời gian từ khi có triệu chứng đến khi khám dao động từ trước 7 ngày (2,68%), từ 7-15 ngày (11,61%), từ 15-30 ngày và 30-45 ngày đều 31,25% và sau 45 ngày (23,21%). Phẩu tích 3156 gan cá lươn cho tỷ lệ nhiễm 2,57%. Bệnh giun đầu gai là một bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang người quan trọng, bất kỳ cơ quan nào cũng có thể ảnh hưởng, nhưng hay gặp ở tổn thương da niêm mạc, hệ tiêu hóa và thần kinh. Vật chủ trung gian giai đoạn 2 nhiễm ấu trùng là vấn đề cần quan tâm đối với sức khỏe. 10. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ IVERMECTINE TRÊN BỆNH NHÂN NHIỄM GIUN LƯƠN Strongyloides stercoralis TẠI HUYỆN ĐỨC HÒA, TỈNH LONG AN 2017 Lê Đức Vinh1, Nguyễn Kim Thạch1, Huỳnh Hồng Quang2 (1Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 2Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn). Bệnh giun lươn ở người gây ra bởi nhiễm Strongyloides stercoralis, với ước tính 30-100 triệu người nhiễm trên toàn cầu (Schar và cs., 2013). Nhiễm trùng thường diễn tiến mạn tính và kéo dài bởi tính tự nhiễm liên quan đến chu kỳ. Đó là lý do tại sao khó điều trị chúng. Nhiễm trùng S. stercoralis có phổ lâm sàng đa dạng không chỉ ở đường tiêu hóa mà còn ở các cơ quan và mô khác trên cơ thể do ấu trùng di chuyển. Nghiên cứu này tiến hành nhằm xác định tỷ lệ từng triệu chứng và hiệu quả liều duy nhất ivermectine trong điều trị bệnh giun lươn S. stercoralis. Hình 11
Thiết kế nghiên cứu ngang mô tả loạt ca bệnh thuần tập tiến cứu để mô tả các triệu chứng lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng không đối chứng đánh giá hiệu quả điều trị liều duy nhất của thuốc ivermectine tại thời điểm 2, 4 và 6 tuần sau điều trị. Tổng số 50 bệnh nhân có xét nghiệm phân dương tính với ấu trùng S. stercoralis. Tỷ lệ các triệu chứng gồm đau bụng 88% (44/50), đại tiện phân lỏng không thường xuyên, từng đợt 46% (23/50), sưng và mày đay 74% (37/50), trong đó vị trí ở chân tay chiếm 81,1% (30/37), đau đầu 78% (39/50), sụt cân 12% (6/50) và ấu trùng di chuyển dưới da vùng chân 4% (2/50). Kết quả chữa khỏi của ivermectin liều duy nhất là 96% (48/50), lặp lại liều 2 hiệu quả đạt 100%. Trong bệnh nhiễm giun lươn đường tiêu hóa, các triệu chứng kinh điển của bệnhchiếm tỷ lệ cao (đau bụng, phân lỏng, sụt cân), các triệu chứng khác như đau đầu, ấu trùng di chuyển dưới da thấp hơn. Ivermectin liều duy nhất cho tỷ lệ chữa khỏi cao và đóng vai trò như thuốc lựa chọn đầu tay với bệnh giun lươn ở người. 11. CHẨN ĐOÁN PHÂN TỬ VÀ ĐỊNH LOÀI GIUN LƯƠN Strongyloides. spp GÂY BỆNH TẠI CỘNG ĐỒNG HUYỆN ĐỨC HÒA, TỈNH LONG AN BẰNG KỸ THUẬT REAL-TIME PCR Lê Đức Vinh1, Nguyễn Kim Thạch1, Huỳnh Hồng Quang2 (1Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 2Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn). Bệnh giun lươn Strongyloides spp. phần lớn là nhiễm trùng không triệu chứng, đôi khi diễn tiến nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Strongyloides là một giống chứa khoảng 50 loài ký sinh bắt buộc trong hệ tiêu hóa của động vật có xương sống (Speare et al., 1989). Chẩn đoán và giải trình tự gen định loài là rất quan trọng trong tiên đoán mô hình dịch tễ học và tính chất sinh bệnh, song điều này rất khó bởi một số hạn chế của các kỹ thuật hình thái học và huyết thanh học hiện nay. Nghiên cứu này thực hiện nhằm xác định giống loài giun lươn Strongyloides bằng phương pháp real-time PCR trên các mẫu DNA tách chiết từ mẫu phân người. Hình 12
Toàn bộ mẫu phân thu thập được soi trực tiếp và cấy Sasa cải tiến, thu thập ấu trùng Strongyloides spp. Áp dụng kỹ thuật real-time PCR xác định giống Strongyloides trên trình tự 28S vị trí GenBank U39490 và định loài Strongyloides stercoralis trên trình tự 18S (GenBank AF279916) và Strongyloides ratti trên trình tự 28S (GenBank DQ14570). Tổng số 50 mẫu ấu trùng chẩn đoán hình thái học xác định 100% là Strongyloides spp. và định loài bằng kỹ thuật Real-time PCR, 98% (49/50) là loài S. stercoralis và 2% (1/50) là nhiễm phối hợp S. stercoralis và S. ratti. Real-time PCR là công cụ hiệu quả để chẩn đoán loàigiun lươn gây bệnh và có thể kết hợp song song với phương pháp hình thái học trong chẩn đoán giống loài giun lươn. Hình 13
12. ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ HỌC LÂM SÀNG TRÊN BỆNH NHÂN CÓ RỐI LOẠN VỀ DA DO NGOẠI KÝ SINH TRÙNG Demodex spp. Trần Ngọc Duy1, Quế Anh Trâm2, Huỳnh Hồng Quang3 (1Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, 2Bệnh viện đa khoa Hữu nghị Nghệ An, 3Viện Sốt rét-Ký sinh trung-Côn trùng Quy Nhơn)Demodex spp. là một ngoại ký sinh trùng thuộc ngành chân đốt sống trên vùng nang lông và tuyến bã cả da của người và động vật. Trong tổng số 65 loài Demodex spp. khác nhau, chỉ có ba loài có khả năng gây bệnh trên người là Demodex folliculorum, Demodex brevis và Demodex canis. D. folliculorum và D. brevis là hai loài phổ biến nhất trên cơ thể người. Đặc điểm lâm sàng là biểu hiện viêm đỏ da, da khô, trầy sướt, tróc vảy kèm hay không kèm theo mụn mủ. Các vị trí bị ảnh hưởng bởi Demodex spp. là các nơi các nang lông, chân tóc, tuyến bả để chúng sống như da đầu, cằm, mũi, lông mày, thậm chí chân lông mi. Mô tả một số đặc điểm dịch tễ học lâm sàng trên bệnh nhân viêm da do Demodex spp. Nghiên cứu ngang mô tả dịch tễ học loạt ca bệnh từ năm 2016-2018. Tổng số 9.750 bệnh nhân đến khám da nói chung, có 236 ca (2,42%) bệnh nhân viêm da đơn thuần do Demodex spp., nữ giới mắc cao hơn nam giới (74,58% so với 25,42%), tuổi từ [≥ 15 - ≤ 60 tuổi] chiếm cao nhất (82,2%), các yếu tố nguy cơ phù hợp với y văn mô tả. Lâm sàng biểu hiện các hình thái điển hình trên da-niêm mạc như ngứa (83,9%), khô da (41,53%), viêm da trứng cá (33,05%), mụn mủ nang lông (38,98%). Một số khác biểu hiện cảm giác châm chích, rần rần và bò trườn vào ban đêm, rụng tóc, rụng lông mi, lông mày, ngứa chân tóc da đầu, ngứa tai. Vị trí ký sinh ở da đầu và chân tóc (13,56%), da mặt (55,08%), cả da mặt và nang lông tóc (26,27%) và thể viêm nang lông dạng vảy phấn chiếm cao nhất (70,34%).Viêm da do Demodex spp. được xem là một căn bệnh ngoại ký sinh bị lãng quên và gần đây được các nhà nghiên cứu chú ý do sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở người. Nhiễm Demodex spp. với các dấu chứng và triệu chứng không đặc hiệu tại các tổn thương da và nang lông. Các bác sĩ lâm sàng cần lưu ý và có suy nghĩ cẩn trọng trong chẩn đoán phân biệt. Hình 14
13. ĐÁNH GIÁ SỐT RÉT DO Plasmodium vivax KHÁNG THUỐC CHLOROQUINE ĐANG NỔI TẠI TỈNH GIA LAI 2016-2017: THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG IN VIVO 28 NGÀY Huỳnh Hồng Quang1, Quế Anh Trâm2, Lý Chanh Ty1, Lê Hữu Lợi3 (1Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, 2BV Hữu Nghị đa khoa Nghệ An, 3BVĐK tỉnh Kon Tum). Trong những năm gần đây, Gia Lai có số ca sốt rét do Plasmodium vivax nổi trội hơn so với Plasmodium falciparum và chloroquin là thuốc điều trị ưu tiên hơn 65 năm qua, liệu giờ đây P. vivax còn đáp ứng với chloroquin mức độ nào? Nghiên cứu này tiến hành với mục tiêu đánh giá hiệu lực phác đồ chloroquin với P. vivax. Hình 15
Bệnh nhân sốt rét do P. vivax từ 6 tháng tuổi trở lên đưa vào nghiên cứu từ 2016-2017. Thuốc chloroquin chỉ định theo liều chuẩn 25 mg base/kg cân nặng trong 3 ngày. Bệnh nhân được theo dõi đến 28 ngày theo đề cương chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (2009). Kết quả: Tổng số 46 bệnh nhân vào thử nghiệm, đánh giá trên từng hồ sơ, tỷ lệ đáp ứng lâm sàng và ký sinh trùng đầy đủ là 95,24%, tỷ lệ kháng chloroquin là 2,38% và tái nhiễm 2,38%. Thời gian làm sạch ký sinh trùng và cắt sốt trung bình dưới 48 giờ, tỷ lệ tồn tại ký sinh trùng thể vô tính ngày D3 4,67%. Kết luận: Đối với sốt rét do P. vivax chưa biến chứng, chloroquin vẫn còn nhạy nhưng tình trạng kháng đang nổi lên tại Gia Lai, nên việc giám sát thường quy là cần thiết. 14. ANISAKIS spp: LOẠI KÝ SINH TRÙNG ẢNH HƯỞNG SỨC KHỎE CON NGƯỜI TỪ MÔI TRƯỜNG BIỂN Trần Thanh Sơn1, Huỳnh Hồng Quang2, Nguyễn Văn Chương2, Quế Anh Trâm3 (1Đại học Quy Nhơn, 2Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, 3BVĐK Hữu Nghị Nghệ An). Anisakiasis là một bệnh do ký sinh trùng gây ra bởi giun tròn anisakid có thể xâm nhập vào thành dạ dày hay ruột non ở người. Giun xuyên thành ruột và định vị trong mô cơ. Giun có một lớp bảo vệ chúng tránh khỏi acid dạ dày khi chúng xuyên thành. Ở người, chúng không thể và chết trong vòng vài tuần, nhưng trong thời gian ngắn sống đó chúng gây bệnh lý đau dạ dày, buonf nôn và biến chứng nghiêm trọng. Lây truyền bệnh xảy ra khi ấu trùng giai đoạn nhiễm được cá và mực ăn vào, rồi con người ăn sống hay chưa chín các động vật này, họ sẽ ăn phải ấu trùng. Khi một số động vật có vú ở biển thải phân vào biển, trứng giun ly giải và trở thành ấu trùng giai đoạn nhiễm trong nước. Các ấu trùng này bị ăn bởi các nhuyễn thể rồi bị ăn bởi cá và mực. Khi ở trong cơ thể người, ấu trùng có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa. Hình 16
Cuối cùng, giun chết và sinh ra một khối viêm trong thực quản, dạ dày, hay ruột. Một số bệnh nhân có cảm giác châm chích, ngứa sau khi hoặc trong lúc ăn mực, cá chưa chín. Thực tế, giun di chuyển đén miệng và họng, nên những người này thường tống xuất giun khi ho. Tương tự, một số bệnh nhân nôn và có giun bị tống ra. Điều trị bệnh do Anisakis spp. không phải luôn luôn là bắt buộc, thầy thuốc có thể chẩn đoán qua nội soi dạ dày. Tùy thuộc vào mức độ trầm trọng nhiễm trùng mà bác sỹ sẽ chăm sóc y tế. Ấu trùng có thể loại bỏ bằng phẩu thuật hoặc trong thủ thuật nội soi, thuốc albendazole có thể điều trị giun này. Anisakiasis không truyền từ người sang người, cách phòng bệnh tốt nhất là không ăn sống hoặc chưa nấu chín mực và cá. Cơ quan FDA khuyến cáo chế biến hải sản và giữ sao cho giết ấu trùng như sau: Nấu hải sản đủ nhiệt độ bên trong ít nhất 63°C, đông lạnh cá ở -20°C hay thấp hơn trong 7 ngày, hoặc ở -35°C hay thấp hơn đến khi đông cứng và giữ -35°C hay thấp hơn trong 15 giờ, hay ở -35°C hay thấp hơn đến khi cứng và giữ -20°C hay thấp hơn trong 24 giờ.
|