Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 23/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 9 6 2 7 8
Số người đang truy cập
4 3 1
 Tư vấn sức khỏe
Q&A: Một số câu hỏi liên quan đến da và dị ứng da (Phần 2)

Kim Văn H., 52 tuổi, Thủ Dầu Một, Bình Dương, lienbinh@

Hỏi:Xin các bác sỹ cho em hỏi có loại thuốc trị dứt điểm mụn trứng cá không? Con em cả con trai lẫn con gái đứa nào cũng bị và lên cục cục liên tục không tháng nào hết hẳn mà chỉ giảm rồi lại tăng lên nữa! Em dẫn các cháu đi chữa bệnh khắp mọi nơi nhưng không thể nào dứt hẳn. Em nghe nói có thể do bị giun dầu chó có đúng không ah, nếu có thì phải điều trị như thế nào!

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin phúc đáp như sau: Mụn trứng cá có thể xuất hiện sớm hay muộn tùy thuộc vào từng lứa tuổi dậy thì, xuất hiện trên cả hai giới nam và nữ. Mụn trứng cá có thể trên toàn khuôn mặt, nhưng nhiều nhất là vùng trán, cằm, hai bên mũi má, ngực, đăc biệt là phần trán và hai bên má nên làm cho mọi người bệnh hay mất tự tin khi đi ra ngoài, giao tiếp với mọi người. Nguyên nhân có thể do nội tiết tố thay đổi theo từng thời kỳ và giai đoạn khác nhau, từng lứa tuổi dậy thì và có thể do con người đang làm trong môi trường có nhiều khói bụi, ô nhiễm cũng có thể dẫn đến viêm nang lông và mụn trứng cá xảy ra thường xuyên. Một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra mụn trứng cá hoặc bệnh nhân đang dùng thuốc kéo dài cũng dẫn đến mụn trứng cá.

Bệnh trứng cá là bệnh lý ở da rất hay gặp, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì. Đây là tình trạng viêm khu trú vùng nang lông - tuyến bã. Nguyên nhân có thể do sự tăng tiết bã nhờn, sự sừng hóa (keratin hóa) bất thường của phễu nang lông, sự liên quan đến vi khuẩn P. acnes và các loại phản ứng viêm… Mụn trứng cá thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, nhưng gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ


Hình 1

Các thuốc dùng để trị mụn trứng cá có thể dùng bôi tại chỗ như vitamin A acid, benzoyl peroxid, mỡ salisilat, erythromycine… (sử dụng các dạng thuốc bôi ngoài da), hoặc các thuốc uống toàn thân như isotretionin, thuốc nội tiết, kháng sinh doxycyclin)…

Do có rất nhiều thuốc để điều trị và việc điều trị mụn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng (cả nội tại và tác động bên ngoài) nên tuỳ vào việc thăm khám cụ thể trên từng người bệnh mà bác sĩ cho dùng loại thuốc nào, dùng dạng bôi tại chỗ hay kết hợp thuốc bôi tại chỗ với các thuốc uống toàn thân. Vì vậy, bạn và người thân không nên tự ý mua thuốc về dùng mà cần đi khám chuyên khoa da liễu để có được phương pháp điều trị thích hợp cho mình. Tuy nhiên, cần lưu ý điều trị mụn trứng cá cũng cần có sự kiên trì mới mang lại hiệu quả. Không tự nặn, bóp các mụn đầu trắng, sẩn trứng cá vì việc làm này sẽ làm tổn thương lan rộng hơn, sâu hơn hoặc bội nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập càng làm viêm nặng hơn, làm tăng nguy cơ tạo sẹo.


Không chữa mụn bằng các phương pháp dân gian như đắp lá, đắp thuốc và xông hơi... Điều này càng làm mụn trở nên tồi tệ hơn. Cần giữ trạng thái thần kinh thăng bằng, tránh lo âu căng thẳng và điều quan trọng là phải ngủ được; chăm sóc da mặt đúng cách (theo lời khuyên của bác sĩ). Trong ăn uống, sinh hoạt hạn chế ăn các thức ăn kích thích hưng phấn như bia, rượu, cà phê, thuốc lá, hạt tiêu. Nên ăn nhiều rau, hoa quả và luôn giữ môi trường sạch, thoáng mát…


Nguyễn Đình Tuấn Th. 28 tuổi, chợ Kiên Giang, hoalantim@…

Hỏi:Cơ thể em bị nổi mày đay do thời tiết chuyển mùa liệu có thuốc gì chữa khỏi không? Kính móng quý thày thuốc cho biết để em điều trị dứt điểm. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Dị ứng nổi mày đay khi chuyển mùa với sự thay đổi tích cực từ thời tiết là bệnh lý hay triệu chứng có thể liên quan tới hệ thống miễn dịch của cơ thể khi phản ứng với các tác động từ bên ngoài môi trường, cụ thể là thời tiết thay đổi đột ngột.

Các triệu chứng dị ứng xảy ra ở từng người không giống nhau. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi bị dị ứng thời tiết là da nổi phát ban với các mẩn đỏ và ngứa, thường trên diện toàn thân chứ không liên quan đến một vùng nào đặc hiệu. Ngứa rất nhiều, càng gãi càng ngứa, có khi gãi đến chảy cả máu. Da của người bệnh thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào. Các nốt sẩn có màu hồng nhạt hoặc đỏ, sưng, phù nề, hình dạng có khi vòng tròn, có khi vệt dài hoặc hình ô van, dạng bản đồ.


Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nổi mày đay mẩn ngứa như do thay đổi thời tiết đột ngột, chuyển mùa, mưa ẩm, gió lạnh, nắng nóng,…Ngày có mưa hoặc ẩm ướt thì độ ẩm có thể làm cho nấm mốc phát triển cả ở trong nhà và ngoài trời. Mạt bụi cũng phát triển mạnh trong không khí ẩm, từ đó làm tăng nguy cơ gây dị ứng.

Về điều trị mày đay do thay đổi thời tiết chỉ điều trị khỏi từng đợt và tính chất làm giảm triệu chứng là chính chứ không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Đối với một số bệnh nhân, khi thời tiết ấm lên, cơn ngứa cũng chấm dứt. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bị ngứa do thời tiết, nên đi khám chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc. Khi bị ngứa do dị ứng thời tiết, không nên gãi nhiều vì sẽ gây nhiễm khuẩn da. Bên cạnh đó, nước hoa quả cũng được xem như một phương pháp chữa trị hiệu quả đối với chứng bệnh dị ứngbởi thường xuyên uống nước ép hoa quả sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp cải thiện tình trạng dị ứng thời tiết.


Mày đay do dị ứng thời tiết như trên đã kể các nguyên nhân và căn nguyên nên không thể liên quan đến nhiễm giun đũa hay sán chó, bạn đừng lo lắng.


Nguyễn Minh T., 37 tuổi, Quỳnh Châu, ….

Hỏi:Xin các bác sỹ cho biết tôi bị chàm hay bị chẩn đoán là eczema, thầy thuốc da liễu đã cho dùng rất nhiều loại thuốc nhưng không thuyên giảm, nếu tôi cùng các dung dịch corticoides như cortibion như các thầy thuốc khác đã cho thường xuyên có làm sao không? Có ảnh hưởng gì không?

Trả lời:

Liên quan đến bệnh của bạn là tạng cơ địa, biểu hiện chàm thường bệnh nhân biểu hiện lâm sàng với dạng nổi từng đám mụn nước ở một số vùng hay vị trí nhất định trên tay và chân, rất ngứa và khó chịu, xuất hiện rồi lại hết, sau đó xuất hiện, có khi thời gian dài ngắn khác nhau. Chẩn đoán bệnh chàm/ eczema cho bạn bởi các thầy thuốc và đã được dùng thuốc hydrocortison để thoa là liệu pháp mà các thầy thuốc hay dùng đến.

Tuy nhiên, hydrocortison là một thuốc thuộc glucocorticosteroides tự nhiên do tuyến thượng thận tiết ra, có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, chống ngứa và ức chế miễn dịch. Đây cũng là loại thuốc được sử dụng nhiều tại y tế cơ sở và được bán khá phổ biến trong các hiệu thuốc để trị nhiều bệnh liên quan đến các tình trạng của bạn ở trên.

Đối với dạng bôi tại chỗ như các tube thuốc mỡ và tube kem, hydrocortison được sử dụng để điều trị bệnh eczema cấp và mạn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, có không ít trường hợp lạm dụng thuốc cho bất kỳ tổn thương trên da nào kể cả những bệnh da không được dùng thuốc này như hăm da, viêm da do vi khuẩn…) đã gây các biến chứng đáng tiếc.


Hình 5

Do đó, khi sử dụng, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, số lần bôi trong ngày, thông thường từ 2-3 lần bằng cách thoa kem hoặc thuốc mỡ một lớp mỏng lên vùng da bị bệnh. Ngoài ra, trong quá trình dùng thuốc, bạn cần chú ý vì thuốc có thể gây nhiều tác dụng không mong muốn bao gồm viêm da tiếp xúc, rạn da, xuất huyết dưới da, mất sắc tố, lâu lành viết thương, phát ban dạng trứng cá đỏ tại chỗ bôi để xử trí kịp thời. Nếu chúng ta dùng thuốc trên không cẩn thận và mang tính chất lạm dụng thì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy rất phức tạp trên các cơ quan đều bị ảnh hưởng như hình minh họa ở trên.

Thân chúc bạn khỏe!


Kim Thị Vạn Xanh, 49 tuổi, TP. Hồ Chí Minh, bobo@....

Hỏi: Kính thưa bác sỹ, con gái tôi, chị gái tôi và tôi hiện đang bị nám da, tàn nhang rất nhiều, không hiểu lý do tại sao lại bị như thế, có thể cho chúng tôi biết các nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến để chúng tôi có thể ngăn ngừa bệnh tật trong thời gian đến. Chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của chị, chúng tôi xin phúc đáp như sau:

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến triệu chứng tàn nhang và nám da trên phụ nữ có thể gặp nhưng cũng nhớ rằng một số ca không tìm thấy nguyên nhân hay không rõ nguyên nhân chị nhé!

-Ánh nắng mặt trời:Tia UV trong ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp vào da. Kích thích sản sinh melanin;

-Thường xuyên căng thẳng, stressgây rối loạn cơ chế trao đổi chất và đào thải độc tố, khiến da mất khả năng điều tiết lượng melanin phù hợp;

-Do sử dụng mỹ phẩm không đúng cách như sử dụng quá nhiều mỹ phẩm chứa hóa chất gây bào mòn da. Da yếu, dễ tổn thướng dưới ánh năng mặt trời, dẫn đến tăng cường sản sinh melanin;

-Do di truyền: Khoảng20-70% phụ nữ bị nám do di truyền, nhưng có thể kiểm soát nhờ điều tiết lượng melanin trong da, điều này có thể phù hợp với gia đình của chị;

-Rối loạn nội tiết tố: Các phụ nữ mang thai, mãn kinh, rối loạn kinh nguyệt dẫn đến rối loạn nội tiết tố, đây là nguyên nhân chính gây nám da kéo dài và chữa hoài không dứt. Nên muốn xóa mờ nám cần hỗ trợ điều trị từ bên trong cơ thể, quan trọng nhất là cân bằng nội tiết hạn chế sản sinh nám mới

Cơ chế hỗ trợ điều trị nám da và tàn nhang gồm tác động trực tiếp vào các vùng nám trên da mặt. Phá hủy và loại bỏ các sắc tố tích tụ lâu ngày. Điều tiết lượng melanin ở mức cân bằng. Đủ để duy trì và bảo vệ da.Hình thành “màng” bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời. Giảm tối thiểu việc hình thành sắc tố Melanin do tác động của tia UV. Hỗ trợ gan, thận đào thải độc tố. Hạn chế tối đa lượng độc tố đào thải và tích tụ ở da gây nên nám, tàn nhang. Cung cấp lượng dưỡng chất thiết yếu. Giúp da sản sinh tế bào mới nhanh chóng bù đắp vào phần tế bào đã loại bỏ.

Nám da với biểu hiện là các dát thâm hay nâu sẫm, thậm chí là xanh đen ở mặt, cánh tay trên. Trên các dát sắc tố không có vảy, không ngứa, ranh giới có chỗ rõ, chỗ không. Tổn thương phần nhiều tập trung ở hai bên má, có lẽ vì vậy mà người ta gọi là bệnh rám má nhưng cũng có trường hợp ngoài hai bên má còn thấy ở trên trán, hai bên thái dương, mũi, cằm, môi trên. Các dát sắc tố có thể chỉ khu trú ở thượng bì nhưng cũng có trường hợp nằm sâu dưới trung bì rất khó điều trị, đôi khi tổn thương khu trú cả trung bì lẫn thượng bì gọi là bệnh rám má hỗn hợp. Về nguyên nhân của bệnh rám má đã được các nhà khoa học chứng minh là một bệnh có liên quan đến rối loạn nội tiết.

Điều trị bệnh rám má cũng có nhiều quan điểm và phương pháp, nhìn chung có thể sử dụng 1 trong 3 phương pháp sau đây:

-Dùng một số hóa chất làm giảm sắc tố da như bôi các thuốc có chứa hydroquinon, acid azeleic, vitamin A acid, mỡ corticoid và kem chống nắng;

-Có thể sử dụng đơn thuần cũng có khi sử dụng 2 hoặc 3 loại thuốc kết hợp, tùy thuộc vào chỉ định của thầy thuốc hay đặc điểm riêng cho mỗi làn da bệnh nhân;

-Phương pháp siêu mài mòn. Có thể sử dụng 1 hoặc 2 thậm chí cả 3 phương pháp trên cùng một bệnh nhân.

Trong trường hợp phòng tránh nám da do rối loạn nội tiết tố do nám da bởi tăng sắc tố mắc phải có căn nguyên và cơ chế bệnh sinh rất phức tạp. Mặc dù bệnh lành tính nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh. Bệnh rám má gây các tổn thương thường khu trú hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, quanh miệng. Vị trí thường gặp là ở 2 má, môi trên, cằm, trán. Ở phụ nữ bệnh có thể tự phát hoặc có liên quan đến giai đoạn mang thai. Yếu tố gene đóng vai trò chính trong cơ chế bệnh sinh của rám má. Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ, những người có nước da sáng tỉ lệ mắc bệnh rám má cao hơn những người có nước da sẫm màu.


Có khoảng 30% bệnh nhân có tiền sử gia đình rám má. Bên cạnh đó còn phải kể đến các nguyên nhân như thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, sự thay đổi của nội tiết tố, đặc biệt là phụ nữ có thai. Ngoài ra, những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất như nhà máy hóa dầu, bán dầu mỡ, công nhân sản xuất nước hoa… cũng có tỉ lệ cao hơn nhóm dân cư bình thường. Đến nay, cơ chế bệnh sinh của nám da chưa rõ ràng, một số ca thấy có mối liên quan trực tiếp tới nồng độ hormon nữ. Một số nhà khoa học cho rằng sự rối loạn nội tiết liên quan đến các nội tiết tố, đặc biệt là estrogen.

Estrogen tác động đến các tế bào sắc tố làm cho các tế bào sắc tố tăng cường sản xuất các hạt melanin và vận chuyện chúng sang các tế bào sừng tạo nên các hình ảnh sạm da vùng hở, đặc biệt là 2 bên gò má, cho nên bệnh được gọi là rám má. Bệnh gây ra các thương tổn cơ bản là các dát tăng sắc tố màu nâu, nâu đen, xanh đen, thường có tính chất đối xứng, không ngứa, không có vảy. Tổn thương thường khu trú hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, quanh miệng. Hơn nữa, bệnh thường tăng đậm vào mùa hè giảm về mùa đông.

Bệnh xuất hiện cả nam và nữ, song nữ nhiều hơn, bệnh thường xuất hiện ở tuổi 20 và ở tuổi tiền mãn kinh. Bệnh nám da được chia ra làm các thể: Thể nhẹ (tăng sắc tố nhẹ và tổn thương khu trú 2 bên gò má), thể trung bình (tăng sắc tố đậm hơn, tổn thương khu trú 2 bên gò má và bắt đầu lan ra các vị trí khác), Thể nặng: tăng sắc tố đậm tổn thương lan rộng ra cả thái dương, trán hoặc mũi. Thể rất nặng: tăng sắc tố đậm tổn thương lan tỏa ra ở mặt còn có thể xuất hiện trên cánh tay

Dựa vào vị trí khu trú của tổn thương người ta chia ra:

+ Rám má thể thượng bì: chủ yếu là các dát màu nâu, vàng nâu;

+ Rám má thể trung bì: tổn thương khu trú toàn trung bì, trên lâm sàng các dát sắc tố xanh, xanh đen, bờ thường rõ, kích thước nhỏ;

+ Rám má thể hỗn hợp: tổn thương khu trú cả ở thượng bì và trung bì trên lâm sàng có các dát tăng sắc tố có màu không đồng đều, có vùng, chỗ vàng nâu , chỗ nâu đen, xanh đen, xen kẽ nhau.


Về phòng bệnh nám má bằng cách hình thành thói quen thăm khám da liễu để phát hiện và điều trị sớm bệnh, tránh bệnh phát sinh. Bảo vệ bằng đội mũ rộng vành, đeo kính, mặc áo dài khi ra nắng. Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời 30 phút, thường xuyên kiểm tra sức khỏe phát hiện các rối loạn nội tiết kịp thời. Sinh hoạt điều độ tránh thức khuya, bia rượu nhiều, không hút thuốc lá, ăn nhiều hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin và khoáng chất.

Một số biện pháp để phòng tránh ánh nắng mặt trời làm tổn hại da như dùng kem chống nắng, mặc áo chống nắng và hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Đó là việc làm đúng nhưng cần phải đúng cách như trang phục chống nắng nên trọn những bộ quần áo sáng màu, dày, chất liệu mềm, thấm mồ hôi và chọn kem chống nắng có chỉ số phù hợp (nên tham khảo ý kiến của bác sĩ). Ngoài việc sử dụng kem chống nắng, cần chú ý đến dưỡng ẩm cho da hằng ngày. Đối với những người có làn da quá khô ráp càng phải chú ý điều này, bởi khi trời nắng nóng, cơ thể bị mất nước qua mồ hôi cũng khiến da bị khô. Nếu da khô ráp quá, cách ba tiếng lại thoa một lớp mỏng lên bề mặt để da luôn được bảo vệ. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ khoáng chất, vitamin cho cơ thể (đây là điều kiện cần để đảm bảo cho làn da luôn khỏe đẹp từ bên trong) bằng cách ăn nhiều rau, củ, quả, ưu tiên chọn rau quả theo mùa và ưu tiên trái cây chứa nhiều vitamin C như đu đủ,dứa, kiwi. Mỗi ngày bạn nên bổ sung một ly sữa tươi để bổ sung vitamin và khoáng chất. Đừng quên uống nhiều nước tinh khiết đầy đủ hằng ngày.


Ngoài ra, bạn cũng cần vệ sinh làn da  mỗi ngày. Đây là quy tắc quan trọng nhất trong giữ đẹp làn da, bởi “một làn da sạch khởi nguồn cho làn da khỏe”. Mỗi buổi tối, hãy massage da mặt với dầu tẩy trang trong vòng 3 đến 5 phút, sau đó rửa sạch với nước lạnh và sữa rửa mặt. Động tác này vừa làm sạch da đồng thời có tác dụng nâng cơ mặt. Da cũng có nhịp sinh học nên đừng phá vỡ nó. Khoảng thời gian diễn ra sự trao đổi chất mạnh nhất của da là từ 22 giờ đến 4 giờ. Đây là thời gian vàng để da hấp thụ dưỡng chất và tái tạo tế bào mới. Do vậy tốt nhất bạn nên đi ngủ trước 22 giờ và ngủ đủ từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày.

Thân chúc bạn khỏe! 


Nguyễn Đình Ch., 36 tuổi, TP. Quảng Ngãi, 0905….

Hỏi:Em thường xuyên bị viêm môi, tứa da môi và đôi khi rướm máu rất đau và cả rát môi khi ăn nước mắm và các loại cá mặn, bong vảy nhiều vào cả mùa lạnh và mùa thu. Vậy viêm môi có các nguyên nhân nào và cách dùng thuốc ra sao? Xin các bác cho tôi lời khuyên với bệnh viêm môi bong vảy. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Trả lời:

Viêm môi bong vảy (Chelitis exfoliative) là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng môi bị viêm, bong vảy trong phạm vi viền môi, không lan ra phía bên ngoài. Biểu hiện của bệnh viêm môi bong vảy, nếu viêm nhẹ: Bong vảy nhẹ, hay tái đi tái lại. Trường hợp này không rõ nguyên nhân.

Viêm môi bong vảy mạn tính: Bệnh hay gặp hơn và thường là một trong các biểu hiện của một số bệnh về da. Các bệnh hay gặp là viêm da dầu, viêm da cơ địa, vảy nến, bệnh nhân đang được điều trị bằng retinoid, mẫn cảm ánh nắng mặt trời, thói quen hay liếm môi... Nhiều trường hợp viêm môi tróc vảy là do dị ứng với một số chất như dị ứng với thành phần có trong son môi hoặc đôi khi các chất màu có trong son môi lại là tác nhân gây mẫn cảm ánh nắng mặt trời gây viêm, kem đánh răng, dung dịch súc miệng... Nếu viêm kéo dài thì có thể gây nứt nẻ môi, chảy máu. Một số trường hợp viêm môi kèm theo nứt kẽ mép làm ảnh hưởng đến ăn uống, nói cười của bệnh nhân. Bệnh nhân chú ý không liếm môi, bóc vảy trên môi.




Nhiều trường hợp viêm môi tróc vảy là do dị ứng với một số các chất như dị ứng với thành phần có trong son môi hoặc đôi khi các chất màu có trong son môi lại là tác nhân gây mẫn cảm ánh nắng mặt trời gây viêm, kem đánh răng, dung dịch súc miệng. Các chất khác có thể gặp như son bôi móng tay, dung dịch cạo râu. Môi viêm đỏ vảy dày lên hết lớp này đến lớp khác làm thành những vảy to dày. Nền ở dưới đỏ tươi, ẩm ướt. Nếu viêm kéo dài thì có thể gây nứt nẻ môi, chảy máu. Một số trường hợp viêm môi kèm theo nứt kẽ mép làm ảnh hưởng đến ăn uống, nói cười của bệnh nhân. Bệnh nhân chú ý không liếm môi, bóc vảy trên môi.

Một số trường hợp viêm da cơ địa hoặc cơ thể bị thiếu nước và thiếu vi chất dinh dưỡng, vitamin. Để điều trị viêm môi bong vảy cần loại bỏ tất cả các nguyên nhân nghi ngờ gây viêm môi. Nếu là biểu hiện của bệnh da nào thì ta phải điều trị tích cực bệnh da đó. Bôi các loại kem làm mềm da, ẩm da như cream vitamin E. Trường hợp dai dẳng có thể chiếu một đợt laser helineon hoặc điều trị bằng thuốc tăng cường miễn dịch. Có thể tăng cường một đợt vitamin nhóm B, C. Để biết nguyên nhân gây bệnh, bạn nên đưa cháu đến khám tại chuyên khoa da liễu để được bác sĩ thăm khám trực tiếp và kê đơn điều trị thích hợp.


Loại bỏ tất cả các nguyên nhân nghi ngờ gây viêm môi. Nếu là biểu hiện của bệnh da nào thì ta phải điều trị tích cực bệnh da đó. Bôi các loại kem làm mềm da, ẩm da như cream vitamin E, kẽm oxyd, nitrat bạc. Có thể bôi một trong các chế phẩm có steroid hoạt phổ nhẹ eumovate, fobancort, fucicort, chlorocide H ngày 2 lần trong 1-2 tuần.
 

Trường hợp dai dẳng có thể chiếu một đợt laser helineon hoặc điều trị bằng thuốc tăng cường miễn dịch. Triderm là một thuốc bôi có chứa steroid hoạt phổ mạnh nên chỉ được bôi trong một thời gian ngắn 1 - 2 tuần. Còn protopic có tác dụng tạm thời nên bệnh vẫn tái phát sau khi dừng bôi thuốc. Khi phản ứng viêm mạnh thì phải uống một đợt kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Có thể tăng cường một đợt vitamin nhóm B, C.

Bạn có thể đi khám tại Bệnh viện da liễu để được bác sĩ thăm khám trực tiếp và kê đơn điều trị.

Thân chúc bạn khỏe!

Trần Nguyên Tr, 39 tuổi, TX Sông Cầu, Phú Yên, luuvinh@

Hỏi: Cháu có con đang bị nấm da đầu thường hay rụng tóc từng vùng và đến nay càng rụng tóc nhiều hơn, đưa cháu đi khám đã xét nghiệm phát hiện bị nấm da đầu, vậy khi dùng thuốc nấm nhưng vậy cháu cần quan tâm để ý đến điều gì để dùng thuốc cho cháu an toàn các bác chỉ cho cháu. Cháu rất cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn về câu hỏi của bạn, nấm da đầu là bệnh lý vi ký sinh khá phổ biến ở người, hiếm khi gặp trên trẻ em, đặc biệt ở những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém và khí hậu nóng, ẩm mưa nhiều và điều kiện vệ sinh kém hơn. Bệnh thường làm trẻ ngứa ngáy, khó chịu, ăn ngủ kém hay quấy khóc gây ảnh hưởng đến sự phát triển, gây bận tâm lớn với các cha mẹ. Nấm da đầu ở lớp nông phát sinh ở da đầu, tóc.

Biểu hiện lâm sàng là trên đầu thường có nhiều vảy kết thành đám, rất ngứa, tóc gãy và có các chấm đen nhỏ, hình dáng cánh vàng. Trẻ nhỏ dễ phát bệnh, lây truyền mạnh. Một số nguyên nhân gây ra nấm da đầu ở trẻ có thể kể đến như do các vi sinh vật xâm nhập vào da đầu, phát triển dần và lan rộng, do trẻ lây từ người khác bị mắc nấm da đầu qua tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung các vật dụng như lược, mũ, chăn gối hoặc do lây lan từ động vật sang trẻ như chó, mèo.
 

Khi bị nấm da đầu, trẻ có thể có các biểu hiện như thấy ngứa ở vùng đầu, thường xuyên gãi, hay quấy khóc. Cha mẹ có thể thấy tóc trẻ rụng nhiều hoặc với thể nấm thân tóc (trứng tóc) trên tóc có những hạt tròn bằng hạt kê, màu nâu sẫm hoặc đen, có thể dùng ngón tay tuốt ra như trứng chấy. Da đầu có sự thay đổi với các dấu hiệu như da bị mẩn đỏ, có các mảng nấm với kích thước và màu sắc khác nhau có thể có hiện tượng bong vảy, một số trường hợp vùng da tổn thương có thể phù nề và rất đau, nếu lâu ngày không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng viêm loét và chảy mủ. Một số thuốc thường dùng khi trẻ bị nấm da đầu:

- Thuốc bôi và thuốc uống:Các thuốc điều trị nấm da đầu thường được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định như ketoconazol, itraconazol, griseofulvin. Các thuốc này có tác dụng trị nấm tóc, nấm da, nấm móng do nhiều loại tác nhân gây nên Epidermophyton, Trichophyton và Microsporum gây ra. Ketoconazole là một thuốc kháng nấm nhóm azol, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của nấm trong cơ thể. Tác dụng diệt nấm của ketoconazol ở nồng độ cao có thể là do tác dụng hóa lý trực tiếp trên màng tế bào nấm. Itraconazol là một chất triazol tổng hợp chống nấm, có tác dụng với nhiều loại nấm khác nhau như nấm Candida, nấm Blastomyces phổi và ngoài phổi, nấm Histoplasma... Griseofulvin là kháng sinh kháng nấm lấy từ penicillium griseofulvum hoặc từ các penicillium khác. Tác động của griseofulvin đối với nấm là do khả năng ức chế sự phân chia tế bào ở kỳ giữa hoặc cản trở sự nhân đôi DNA của nấm. Các loại thuốc này phần lớn được sử dụng dưới dạng bôi tại chỗ vùng da đầu, tuy nhiên một số trường hợp bệnh nặng hơn cần kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi nhưng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Dầu gội đầu:Các loại dầu gội trị nấm như Nizoral, Haicneal giúp giảm ngứa, ngăn ngừa rụng tóc, kích thích mọc tóc cho trẻ.

Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng nên đưa trẻ tới khám tại chuyên khoa da liễu vì việc chẩn đoán xác định nấm da đầu không dễ dàng, đôi khi phải dựa vào cả triệu chứng và kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, cũng cần phân biệt nấm da đầu với các bệnh lý khác như chốc lở, viêm chân tóc, á sừng do liên cầu. Các thuốc chống nấm thường được dùng trong thời gian từ 2-4 tuần và cần tiếp tục dùng thuốc vài ngày sau khi tất cả triệu chứng đã biến mất để ngăn ngừa tái phát.
 

Các thuốc chữa nấm đường uống có một số tác dụng phụ như dị ứng, chóng mặt, buồn nôn, ảnh hưởng đến chức năng gan thận nên các bậc cha mẹ cần thận trọng không tự ý dùng cho trẻ nếu chưa có hướng dẫn của bác sĩ, và cần báo lại ngay cho bác sĩ nếu thấy xuất hiện các tác dụng phụ này. Bố mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi bôi thuốc cho trẻ, nên bôi một lớp kem mỏng ở vùng da bị tổn thương ngày 2 lần, tránh để thuốc tiếp xúc với mắt, mũi hoặc miệng của trẻ.

Bên cạnh đó, cần vệ sinh sạch sẽ vùng da đầu hàng ngày cho trẻ. Nên cắt tóc gọn gàng để việc gội đầu cho trẻ được sạch hơn và thuận lợi cho việc dùng thuốc tại chỗ, với bé trai tốt nhất là cắt trụi tóc. Lau khô đầu sau khi gội và để đầu khô thoáng, không nên đội mũ. Ngoài ra cũng cần vệ sinh chăn gối, khăn lau đầu và dụng cụ dùng cho trẻ. Nấm đầu là bệnh dễ tái phát vì vậy cần chữa trị triệt để, tránh điều trị nửa chừng thấy bệnh giảm là ngừng thuốc. Nên cho trẻ tái khám theo hẹn để bác sĩ xác định chắc chắn bệnh đã khỏi. Để phòng bệnh tái phát, các bậc cha mẹ cần giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, đảm bảo da đầu trẻ luôn khô, thoáng, tránh ẩm ướt và vệ sinh môi trường sống để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.

Thân chúc cả nhà khỏe!


Nguyễn Thị Ph., 50 tuổi, Phù Cát, Bình Định

Hỏi:Tóc có thể phản ánh đến sức khỏe con người không, vì sao nói khi con người đau bệnh có thể biểu hiện qua mái tóc có đúng không. Xin các thầy thuốc của viện ký sinh trùng trả lời em giúp. Vậy làm thế nào ăn uống ra sao để có tóc khỏe và đẹp? Cảm ơn quý vị!

Trả lời: Đúng như mọi người nói là hoàn toàn phù hợp anh chị ah, khi sức khỏe cơ thể chúng ta có vấn đề thì hầu hết các cơ quan có thể biểu hiện phần nào ra bên ngoài.Chúng tôi xin chia sẻ một ý kiến của đồng nghiệp đã từng đăng tải có mang tính khao học và lập luận chặt chẽ về vấn đề liên quan này.Nhiều người cho rằng tóc chỉ là protein chết, nhưng khi cơ thể có sự bất ổn bên trong sẽ ảnh hưởng đến mái tóc. Tóc mỏng đi nhiều nếu cơ thể thiếu sắt hoặc protein, hay gặp ở những người bị rối loạn về ăn uống. Đó là do tình trạng thiếu dinh dưỡng buộc cơ thể phải hao tổn lượng protein bằng cách hạn chế sự mọc tóc. Tóc rụng quá nhiều có liên quan đến stress hoặc do mất cân bằng nội tiết tố liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang, hay bệnh về tuyến giáp.




Nếu tóc bị nhờn, chẻ ngọn, thưa và bạc sớm thì phản ánh cơ thể đang thiếu chất. Tóc thưa là do thiếu sắt, kẽm, protein và vitamin C trong chế độ ăn hằng ngày. Tóc sẽ mất sự bóng mượt nếu không cung cấp đủ nước. Khi bạn thấy nóng trong người, thiếu năng lượng, tóc xỉn màu đi, đổ mồ hôi ban đêm có thể do thiếu nước. Tóc thiếu nước rất dễ gãy. Những ai có bệnh ở dạ dày như đau rát dạ dày, đau bụng, trướng bụng hay nhạt miệng, hay đại tiện táo thì tóc gần trán hay bị bạc. Những người bị nóng gan thường biểu hiện nóng tính, khó chịu, khô miệng, đắng miệng, khô lưỡi, mắt cay dần dần sẽ khiến tỳ vị bị thương tổn. Tóc của những người này sẽ bị bạc 2 bên mai.

Khi tóc bị khô, thưa, dễ gãy rụng thì đa số các bạn thường tìm đến các loại mỹ phẩm chăm sóc tóc. Thực ra dầu gội khó làm tóc khỏe mạnh, óng mượt một cách hoàn toàn mà còn phải phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Sau đây là một số thực phẩm vừa đem lại sức khỏe bản thân vừa tăng cường dưỡng chất cho tóc.


1 Cá béo: Đây là thực phẩm chứa acid béo omega-3, một loại acid béo rất quan trọng, không những tốt cho não, tim, mắt mà còn giúp tổng hợp các vitamin cần thiết cho mái tóc. Nếu thiếu acid béo omega-3 thì da đầu khô, tóc cũng khô và chậm phát triển.

Cá chứa nhiều acid béo omega-3 là cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ và sò. Cá hồi còn chứa kẽm - chất dinh dưỡng vô cùng tốt cho mái tóc. Lượng kẽm trong cá hồi cao hơn nhiều các nguồn thức ăn khác. Kẽm giải quyết được nhiều vấn đề của tóc như rụng tóc, tróc da đầu. Ngoài cá, còn có những nguồn thức ăn giàu kẽm như hàu, sò, các loại hải sản có vỏ, thịt heo, thịt bò, gia cầm, gan, củ cải, đậu hà lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà...

2 Gạo lứt: Thứ gạo này giàu chất xơ và các loại vitamin, đặc biệt vitamin nhóm E và B. Gạo lứt làm cho tóc khỏe hơn, chống lại các tác nhân có hại từ bên ngoài đang hằng ngày ảnh hưởng đến tóc như ánh nắng, hóa chất, ô nhiễm không khí...

3 Rau xanh: Giúp tóc nhanh dài, cung cấp vitamin và các chất dinh dưỡng, đồng thời chứa nhiều chất sắt - thành phần quan trọng cấu tạo hồng cầu, giúp vận chuyển máu tới các mao mạch, kích thích sự phát triển của tóc.

4 Các loại đậu: Nguồn protein tuyệt vời từ các loại đậu không chỉ cung cấp nhiều protein để tóc phát triển mà còn cung cấp sắt, kẽm, biotin. Mỗi tuần nên dùng 3 cốc đậu (100ml/cốc).

5 Nước và sữa chua: Sữa chua cung cấp casein (là một protein chất lượng cao) và calcium giúp tóc khỏe mạnh và đầy sức sống. Uống đủ nước mỗi ngày từ 2-2,5 lít sẽ giúp giữ ẩm cho mái tóc.

6 Các loại hạt: Các loại hạt như hạt dẻ sẽ làm cho tóc mịn và bóng sáng. Các loại hạt nàychứa acid alpha-linolenic, acid béo omega-3 giúp tóc phát triển tốt và bóng.

7 Trứng: Chứa nhiều vitamin B12 và biotin. Thiếu biotin làm tóc giòn và dễ gãy. Vitamin B12 làm đẹp tóc.

8 Cà rốt: Là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào, giúp da đầu khỏe mạnh và tóc phát triển tốt.

Cần lưu ý một số loại thuốc gây rụng tóc, nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy có sự rối loạn về tuyến giáp hay rối loạn nội tiết hoặc có triệu chứng cụ thể thì nên đi khám để được điều trị tốt. Khi đã kiểm soát được bệnh thì tóc sẽ mọc trở lại. Dùng một số loại thuốc, ví dụ thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm cũng gây rụng tóc.

Thân chúc chị khỏe!

 

Ngày 26/02/2019
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích