Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 23/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 9 2 6 6 9
Số người đang truy cập
6 8 6
 Tư vấn sức khỏe
Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh cần được thực hiện ngày đầu, tuần đầu và 6 tuần đầu sau đẻ theo quy định
Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ

Để bảo đảm an toàn cho cả mẹ lẫn con, việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau khi đẻ phải được thực hiện tốt với các mốc thời gian quy định gồm ngày đầu sau đẻ, tuần đầu sau đẻ và 6 tuần đầu sau đẻ. Cơ sở y tế cũng như người nhà sản phụ cần quan tâm đến vấn đề chăm sóc này vì đây là yếu tố quyết định sức khỏe cho mẹ và con thời gian đầu sau sinh.

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngày đầu sau đẻ

Sau khi sản phụ sinh con, việc theo dõi và chăm sóc cho cả mẹ lẫn con ngày đầu sau đẻ rất quan trong và cần thiết. Trong 2 giờ đầu, sản phụ vẫn còn nằm ở phòng sinh, nếu mẹ và con đều bình thường thì vẫn để cho con nằm tiếp xúc da kề da trên bụng mẹ và hướng dẫn bà mẹ cách cho con bú; theo dõi thể trạng người mẹ, mạch, huyết áp, co hồi tử cung, tình trạng ra máu tại các thời điểm mỗi 15 phút một lần trong 2 giờ đầu. Đối với trẻ sơ sinh, cần giữ ấm cho trẻ ở nhiệt độ phòng từ 26 đến 28oC, không có gió lùa; nếu trẻ tự thở tốt, đặt trẻ tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ, đội mủ và phủ khăn cho cả hai mẹ con; quan sát trẻ nếu có dấu hiệu đòi bú như mở miệng, chảy dãi, mút tay, trườn bò thì hướng dẫn người mẹ cho trẻ bú ngay trên bụng mẹ, không cho bất cứ thức ăn hay nước uống nào khác; sau khi trẻ hoàn thành bữa bú đầu tiên mới tiến hành thực hiện chăm sóc thường quy như khám toàn thân, chăm sóc rốn và mắt, tiêm vitamin K1, tiêm vắc xin viêm gan B và BCG; theo dõi tình trạng thở, trương lực cơ, màu sắc da, nhịp tim, toàn trạng, thân nhiệt, tiêu hóa... cứ mỗi 15 đến 20 phút một lần trong 2 giờ đầu. Lưu ý khi chăm sóc mẹ và con phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh ở mức tối đa bằng cách rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau mỗi lần chăm sóc; dụng cụ chăm sóc phải vô khuẩn, không dùng chung cho các sản phụ hoặc trẻ sơ sinh khác; tã, áo, khăn, đồ dùng cho mẹ và con phải khô, sạch.

Một số tình huống bất thường có thể xảy ra cần được xử trí kịp thời cho người mẹ trong các trường hợp như: Mạch nhanh trên 90 lần mỗi phút, cần kiểm tra huyết áp, cầu an toàn, tình trạng ra máu. Huyết áp hạ với huyết áp tối đa dưới 90 mmHg cần xử trí sốc sản khoa. Tăng huyết áp với huyết áp tối đa trên 140 mmHg hoặc tăng 30 mmHg, huyết áp tối thiểu trên 90 mmHg hoặc tăng 15 mmHg so với trước thì xử trí tiền sản giật. Tử cung mềm, cao trên rốn cần xử trí đờ tử cung. Chảy máu trên 500 ml và máu vẫn tiếp tục ra cần xử trí băng huyết sau khi sinh. Rách âm đạo, tầng sinh môn cần sắp xếp để khâu lại. Có khối máu tụ cần theo dõi để quyết định xử trí hoặc chuyển tuyến nếu ở xã, phường, thị trấn. Đối với con, nếu phát hiện khó thở, ngừng thở, tím tái, cơ mềm nhão cần hồi sức thở, hồi sức tim, chuyển tuyến; nếu trẻ bị lạnh hoặc ở phòng lạnh cần ủ ấm, cho trẻ nằm tiếp xúc da kề da với mẹ, sưởi ấm với phương tiện sẵn có; nếu chảy máu rốn cần làm rốn lại.

Kể từ giờ thứ ba đến hết ngày đầu, việc theo dõi cả mẹ lẫn con cũng cần được quan tâm. Đối với người mẹ, cần đưa cả mẹ và con về phòng hậu sản và theo dõi các nội dung như trên mỗi giờ một lần, mẹ phải mang băng vệ sinh sạch và đủ thấm, giúp người mẹ ăn uống và ngủ yên, cho người mẹ vận động sớm sau khi sinh khoảng 6 giờ, hướng dẫn mẹ cho con bú sớm và đúng cách, hướng dẫn mẹ cách chăm sóc con và theo dõi chảy máu rốn, hướng dẫn mẹ, người cha và gia đình biết chăm sóc, phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ, yêu cầu gọi ngay nhân viên y tế khi mẹ chảy máu nhiều, đau bụng tăng, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt; theo dõi vào giờ thứ bảy để ghi nhận toàn trạng, sự co hồi tử cung với dấu hiệu rắn và tròn, tình trạng băng vệ sinh để kiểm tra lượng máu mất. Đối với con, cũng phải theo dõi trẻ mỗi giờ một lần, luôn để con nằm cạnh mẹ, chú ý giữ ẩm cho trẻ, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, hướng dẫn bà bẹ nhận biết các dấu hiệu bất thường cần gọi ngay nhân viên y tế như trẻ bỏ bú, không thở, tím tái, chảy máu rốn; theo dõi vào giờ thứ bảy với quy định cứ mỗi 6 giờ một lần, chú ý các dấu hiệu toàn trạng thở như có khó thở hay không, màu sắc da như có tím tái, có vàng da, sờ có lạnh hay không, rốn có chảy máu hay không, tiêu hóa và bú mẹ như có bú được mẹ hay không, đã đi tiêu ra phân su chưa...

Một số tình huống bất thường có thể xảy ra cần được xử trí kịp thời cho người mẹ trong các trường hợp như: Tử cung mềm, cao quá rốn cần xoa bóp tử cung, ấn đáy lấy máu cục. Nếu băng vệ sinh thấm ướt máu sau 1 giờ cần tiêm thuốc co tử cung với 10 đơn vị oxytocin và kiểm tra xử lý nội dung chảy máu sau đẻ. Đối với con, nếu trẻ chưa bú mẹ hoặc khó khăn khi cho con bú cần hướng dẫn bà mẹ cách cho con bú; nếu trẻ lạnh hoặc ở phòng lạnh cần ủ ấm cho trẻ, cho trẻ nằm tiếp xúc da kề da với mẹ, mặc thêm áo, đắp thêm chăn, làm ấm phòng...; nếu trẻ khó thở, tím tái cần xử trí cấp cứu; nếu trẻ bị chảy máu rốn cần làm lại rốn, nếu vẫn chảy máu không tìm được nguyên nhân thì mời hội chẩn hoặc chuyển tuyến trên; nếu trẻ không có phân su cần kiểm tra hậu môn, nếu phát hiện không hậu môn thì mời hội chẩn ngoại khoa hoặc chuyển tuyến; nếu trẻ không tiểu tiện cần kiểm tra xem trẻ có được bú đủ không, nếu không tìm thấy nguyên nhân thì mời hội chẩn hoặc chuyển tuyến; nếu trẻ bị vàng da cần điều trị ngay hoặc chuyển tuyến.

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh từ bà mẹ nhiễm HIV cũng cần được lưu ý. Đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xem là trẻ phơi nhiễm HIV thì chỉ chọn một trong hai cách nuôi trẻ là bằng sữa mẹ hoàn toàn hoặc bằng sữa thay thế hoàn toàn. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ, chỉ cho bú mẹ hoàn toàn, không cho ăn, uống bất cứ thức ăn đồ uống nào kể cả nước trắng, trừ trường hợp phải uống bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc thuốc; cần tư vấn các nguy cơ cho trẻ khi nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Trường hợp nuôi trẻ bằng sữa thay thế là quá trình nuôi trẻ không bằng sữa mẹ, hoàn toàn thay bằng chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu của trẻ cho đến khi trẻ có thể ăn các thức ăn cùng gia đình; cần tư vấn các bất lợi khi nuôi dưỡng trẻ bằng sữa thay thế. Trẻ được chuyển tiếp lên phòng khám ngoại trú nhi để theo dõi thể chất, tinh thần, vận động của trẻ, điều trị theo phác đồ hiện hành của Bộ Y tế và làm xét nghiệm PCR sớm cho trẻ phơi nhiễm HIV. Đối với bà mẹ nhiễm HIV, sau khi sinh bà mẹ được tư vấn, chuyển tiếp tới cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS; cần vấn bà mẹ tiếp tục sử dụng thuốc kháng virút theo phác đồ hiện hành của Bộ Y tế; tư vấn các biện pháp tránh thai cho bà mẹ nhiễm HIV, biện pháp tốt nhất là dùng bao cao su; khuyến khích các bà mẹ bộc lộ tình trạng nhiễm HIV với bạn tình và khuyến khích các bà mẹ đưa bạn tình làm xét nghiệm HIV; tư vấn cho bà mẹ tham gia vào các nhóm tổ chức xã hội, nhóm đồng đẳng...

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tuần đầu sau đẻ

Vấn đề này được thực hiện khi thăm bà mẹ và trẻ sơ sinh tại hộ gia đình hoặc tại trạm y tế. Các câu hỏi được đặt ra đối với bà mẹ gồm: tình hình sức khỏe chung, giấc ngủ, ăn uống, tình trạng sốt, đại tiện, tiểu tiện, có rỉ nước hoặc són phân, đau bụng, sản dịch; tình trạng vú cương, đau, tiết sữa, có đủ sữa cho con; trạng thái tinh thần của bà mẹ, nhức đầu, hoa mắt, đau tầng sinh môn; uống thuốc viên sắt, vitamin A; các vấn đề khác trong phiếu theo dõi sức khỏe bà mẹ tại nhà. Các câu hỏi về trẻ sơ sinh qua người mẹ gồm: tình trạng bú mẹ, toàn trạng, giấc ngủ, đại tiện, tiểu tiện.

Sau đó khám cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Khám cho mẹ để quan sát tình trạng tinh thần vui vẻ, phấn khởi, buồn bã, trầm cảm; các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp, thân nhiệt, da xanh, phù nề; nắn bụng kiểm tra tử cung để ghi nhận mức co hồi, đau, mật độ mềm hay rắn; kiểm tra tầng sinh môn ghi nhận tình trạng khô, liền hay sưng, đau, nhiễm khuẩn; kiểm tra vú để biết tình trạng bầu vú, núm vú, sự tiết sữa, lượng sữa. Khám cho trẻ sơ sinh để biết toàn trạng, tình trạng thở, thân nhiệt; da có vàng, có sẩn, có mụn hay không; rốn có bị ướt, có sưng, có mủ hay không; tình trạng bú mẹ.

Việc chăm sóc cho bà mẹ và trẻ sơ sinh được thực hiện theo các nội dung cần thiết. Đối với bà mẹ, cần hướng dẫn vệ sinh hàng ngày, rửa vùng sinh dục ít nhất 3 lần mỗi ngày, lau người, thay đồ sạch, sau đẻ 2 đến 3 ngày nên tắm nhanh bằng nước ấm; chăm sóc vú để cho con bú hoàn toàn sữa mẹ, không cho bất cứ thức ăn và nước uống khác, nếu tắc tia sữa cần xử lý sớm bằng cách day, vắt, hút, đi khám để phòng ngừa viêm vú, áp xe vú; xử trí đau do co bóp tử cung, nếu đau nhẹ không cần xử trí, nếu đau nhiều chườm nóng và cho uống thuốc paracetamol; vết khâu tầng sinh môn nếu có cần rửa sạch âm hộ sau đại tiện, tiểu tiện và thấm khô, cắt chỉ nếu đã 5 ngày sau đẻ; có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, ăn đủ lượng và đủ chất, không kiêng cử vô lý, ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, tôn trong giấc ngủ trưa, mặc đồ sạch sẽ và rộng rãi; có chế độ vận động sớm, sau đẻ 6 giờ có thể ngồi dậy, ngày hôm sau có thể đi lại và vận động nhẹ nhàng; tư vấn và giúp đỡ giải quyết vấn đề tâm lý nếu có, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình và nuôi con bằng sữa mẹ; hẹn đến thăm hoặc hẹn người mẹ đến khám tại trạm y tế vào 6 tuần sau đẻ. Đối với trẻ sơ sinh, cần hướng dẫn cho trẻ hàng ngày được nằm chung với mẹ trong phòng ấm, ngủ màn, không đặt trẻ nằm sấp trên nền lạnh, cứng; không cho tiếp xúc với người đang có bệnh, không cho gần súc vật; không để trong môi trường khói, bụi, khói thuốc; cần nuôi con bằng sữa mẹ, cho bú mẹ hoàn toàn, bú cả ngày lẫn đêm, ít nhất 8 lần mỗi ngày; nếu mẹ có khó khăn khi cho bú, hướng dẫn cách cho con bú đúng; cần chăm sóc mắt bằng cách rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, dùng khăn sạch, ẩm lau mắt hàng ngày, không nhỏ bất cứ thuốc gì vào mắt trẻ; chăm sóc rốn bằng cách để rốn khô và sạch, không băng kín hoặc đắp bất cứ thứ gì lên rốn, hạn chế sờ vào rốn và vùng quanh rốn; vệ sinh thân thể và chăm sóc da, lau rửa hàng ngày, không nhất thiết phải tắm hàng ngày; tắm bằng nước ấm, sạch trong phòng ấm, kín gió; thay đồ vải như mũ, áo, tã lót hàng ngày và mỗi khi trẻ bài tiết; hẹn ngày tiêm phòng và ghi nhận xét vào phiếu; đồng thời hẹn đến thăm bé.

Một số tình huống bất thường có thể xảy ra cần được xử trí đối với bà mẹ như: tử cung co chậm, mềm, ấn đau, có thể kèm theo sốt, sản dịch hôi thì xử trí như nhiễm trùng hậu sản; sản dịch có mủ, mùi hôi thì xử trí cũng như nhiễm trùng hậu sản; nếu bị rò, rỉ nước tiểu, són phân nên gửi lên tuyến trên để khám và điều trị; tầng sinh môn sưng, phù nề, đau, đỏ, rỉ nước vàng thì sử dụng kháng sinh, chăm sóc vệ sinh hàng ngày, cắt chỉ khi cần, rửa vết thương, nếu tổn thương rộng nên chuyển tuyến; nếu núm vú lõm, nứt, sưng, đau hoặc có khó khăn khi cho con bú thì vắt sữa ra cho trẻ ăn bằng thìa trong nội dung tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ; khi phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm như sốt cao, mạch nhanh, tăng huyết áp, da rất xanh, phù nề, co giật... thì nên chuyển khám, điều trị ở tuyến trên sau khi sơ cứu tùy theo từng trường hợp như truyền dịch, dùng kháng sinh, tiêm thuốc co tử cung, thuốc chống co giật... Đối với trẻ sơ sinh, nếu phát hiện màu sắc da xanh tái, vàng da đậm tăng dần; trẻ thở bất thường, nhịp thở nhanh hoặc chậm từ 60 lần trở lên hoặc dưới 40 lần mỗi phút, co rút lồng ngực nặng, thân nhiệt sốt cao từ 38,5oC trở lên hoặc hạ thân nhiệt dưới 36,5oC; về tiêu hóa thấy trẻ bú kém, bỏ bú, nôn liên tục, chướng bụng, không đại tiện hoặc không tiểu tiện sau đẻ 24 giờ; đồng thời phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm khác như ngủ li bì khó đánh thức, co giật, mắt tấy đỏ và có mủ, viêm tấy lan rộng quanh rốn hoặc rốn có mủ, chảy máu bất cứ nơi nào trên cơ thể thì phải chuyển lên tuyến trên có khả năng điều trị.

Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh 6 tuần đầu sau đẻ

Đối với người mẹ, cần hỏi về tình hình chung như ăn uống, ngủ, nghỉ ngơi, lao động, tiêu hóa, tiết niệu, dịch âm đạo, việc cho con bú có đủ sữa hay không, số lần cho bú sữa mỗi ngày, uống viên sắt và vitamin A, có kinh nguyệt trở lại chưa, các nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình, những mối lo lắng, thắc mắc liên quan đến sức khỏe mẹ và con, những bất thường về sốt, đau bụng dưới, tìm hiểu và hỗ trợ những vấn đề mà bà mẹ lo lắng. Đối với trẻ sơ sinh, hỏi người mẹ về tình trạng bú mẹ, toàn trạng của trẻ, giấc ngủ, đại tiện, tiểu tiện, đã tiêm phòng các loại vắc xin nào, tìm hiểu và hỗ trợ các vấn đề mà bà mẹ lo lắng.

Sau đó khám cho người mẹ bằng sự quan sát toàn thân và trạng thái tinh thần; đo mạch, huyết áp, thân nhiệt, cân nặng; khám vú và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến cho con bú; khám nắn bụng, kiểm tra tầng sinh môn, đặt mỏ vị kiểm tra nếu nghi ngờ có viêm sinh dục. Đồng thời cũng khám trẻ sơ sinh bằng cách cân trẻ; khám toàn thân, tim, phổi, bụng; khám mắt, tai, mũi, họng; khám da và rốn.

Hướng dẫn bà mẹ tự chăm sóc mình và chăm sóc con cũng là yêu cầu cần thiết. Đối với người mẹ, sau mỗi lần đi đại tiện, tiểu tiện phải rửa sạch và lau khô âm hộ, có thể tắm hàng ngày bằng nước sạch và ấm; mặc đồ sạch sẽ và rộng rãi; ăn uống no, đủ chất để có sức khỏe và đủ sữa nuôi con; cho con bú sữa mẹ hoàn toàn; sau khi sinh 1 tuần có thể làm việc nhẹ, tránh lao động nặng và kéo dài; nên tập thể dục giúp cơ thể chóng phục hồi, tránh táo bón, giúp ăn ngon miệng; nên tránh quan hệ tình dục trong vòng 6 tuần vì dễ sang chấn, nhiễm khuẩn. Đối với trẻ sơ sinh, việc chăm sóc được thực hiện giống như nội dung chăm sóc trẻ trong vòng 1 tuần sau đẻ gồm chăm sóc chung hàng ngày, cho bú sữa mẹ hoàn toàn; chăm sóc mắt; chăm sóc rốn do rốn sẽ rụng từ khoảng 7 đến 10 ngày sau đẻ, liền sẹo khoảng 15 ngày; vệ sinh thân thể và chăm sóc da cho trẻ; hướng dẫn bà mẹ những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đi khám; đánh giá sự phát triển của trẻ như kiểm tra cân nặng và theo dõi tăng cân trên biểu đồ tăng trưởng, phát hiện sớm các vấn đề về thính giác và thị giác, nếu trẻ đẻ non hoặc nhẹ cân và có các vấn đề về dinh dưỡng, bệnh tật, sinh ra từ bà mẹ có HIV dương tính cần được hướng dẫn theo dõi, chăm sóc đặc biệt; xử trí và hướng dẫn bà mẹ xử trí một số vấn đề thông thường như nhiễm khuẩn tại chỗ, có khó khăn khi cho con bú, nhắc nhở bà mẹ lịch tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Một số tình huống có thể xảy ra và cách xử trí các trường hợp gặp phải đối với người mẹ như: tất cả đều bình thường thì thảo luận thực hiện kế hoạch hóa gia đình, ghi phiếu theo dõi; nếu thiếu máu thì điều trị thiếu máu, nếu nhiễm khuẩn thì điều trị nhiễm khuẩn; nếu cương vú, nứt núm vú thì đánh giá bữa bú và cho lời khuyên phù hợp; nếu bị bệnh lý nặng thì chuyển tuyến. Đối với trẻ sơ sinh, tất cả đều bình thường thì hướng dẫn vệ sinh, cách cho bú, tạo giấc ngủ, theo dõi tăng trưởng, thực hiện lịch tiêm chủng, ghi phiếu theo dõi; nếu trẻ không tăng cân thì đánh giá bữa bú và chuyển lên tuyến trên để khám; nếu có các bất thường được phát hiện giống như nội dung chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong vòng 1 tuần sau đẻ thì chuyển lên tuyến trên.

Lời khuyên của thầy thuốc

Qua quá trình mang thai và sinh nở, việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh cần được lưu ý đến ba mốc thời gian quan trọng là ngày đầu sau đẻ, tuần đầu sau đẻ và 6 tuần đầu sau đẻ để thực hiện những nội dung yêu cầu có liên quan đến sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Việc theo dõi này cũng giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường nhằm xử trí can thiệp các biện pháp kịp thời và phù hợp, tránh biến chứng xảy ra làm ảnh hưởng. Ngoài trách nhiệm của cơ sở y tế, bà mẹ và người thân trong gia đình cũng nên có những kiến thức hiểu biết cần thiết theo các nội dung đã nêu ở trên để cùng thực hiện việc theo dõi này một cách chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong những ngày tháng đầu đời.

Ngày 08/04/2019
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích