Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 23/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 9 2 7 3 2
Số người đang truy cập
7 0 1
 Tư vấn sức khỏe
Q&A: Các câu hỏi liên quan đến ký sinh trùng và Y học thường thức (tháng 3-2019)

1. Lê Thuần V., 38 tuổi, TP. Hồ Chí Minh.

Hỏi: Kính thưa các thầy cô cho em hỏi cách xét nghiệm tìm Demodex spp trên da và cách diễn giải kết quả và lý do tại sao khi lớn hơn 5 con trên một vi trường mới được xem là bệnh và ngược lại nếu nhỏ hơn 5 thì coi như bình thường. Chẩn thành cảm ơn các thầy cô rất nhiều!

Trả lời:

Nhiễm trùng Demodex spp. là một bệnh lý do ngoại ký sinh trùng gây nên trên các vị trí nang lông, tuyến bả của người. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tăng quần thể Demodex spp. như thay đổi hệ thống miễn dịch, các kháng nguyên từ vi khuẩn, tăng tính nhạy cảm với tác nhân gây bệnh, tăng hiện tượng tự chế tế bào lympho, tăng tế bào giết tự nhiên, giảm các tế bào lymp và lympho T,

Liên quan đến kỹ thuật soi tươi tìm Demodex spp. Bạn dùng dao cao tiệt trùng cạo vẩy da trên nang lông, cạo sâu hơn cạo lấy bệnh phẩm nấm nhằm lấy được hầu hết bề mặt của lớp sừng và một phần nang lông. Tập trung bệnh phẩm trên lam kính, nhỏ 1 giọt dung dịch KOH 40%. Để trong 2-3 giờ, đọc kết qủa với kính hiển vi độ phóng đại thấp (vật kính x4 hay x10) soi thấy hình Demodex spp. như giải phẩu hình thái mô tả Demodex spp. gồm đầu và thân mình, nhất là các cặp chân.

  
Hình 1.
Ký sinh trùng Demodex spp. trưởng thành trên bệnh phẩm soi

- Nếu mật độ ≥ 5 con/ vi trường: Demodex spp. là căn nguyên gây bệnh;

- Nếu mật độ < 5 con/vi trường: Demodex spp. không phải căn nguyên, có thể vì các tác giả đã xem khi đó như một hình thái vi sinh vật sống cộng sinh trên da niêm mạc của con người như các loài vi khuẩn khác sống trong đường ruột của người vậy.

Xét nghiệm tìm Demodex spp. trước khi bắt đầu can thiệp điều trị là rất quan trọng, để xác định rõ Demodex spp. là nguyên nhân làm cho da bệnh nhân có vấn đề. Một kỹ thuật được thực hiện chính xác sẽ nhận biết sự hiện hiện và đếm số lượng hay mật độ Demodex spp. Kỹ thuật được thực hiện bởi các bác sỹ da liễu, hoặc những kỹ thuật viên chuyên ngành đã được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Khi xét nghiệm có Demodex spp. thì bệnh nhân sẽ được điều trị cho đến khi xét nghiệm kiểm tra lại không còn Demodex spp.


Hình 2

Việc lặp lại xét nghiệm kiểm tra là cần thiết để xác định Demodex spp. đã mất đi hoàn toàn sau điều trị và có thể theo dõi tiến triển điều trị, ngay cả khi triệu chứng không còn, tuy nhiên chúng có thể tiếp tục nhân lên lại và bệnh có thể sẽ tái phát. Chỉ ngừng điều trị khi kết quả không còn tìm thấy Demodex spp. trên da. Đối với người xét nghiệm viên có kinh nghiệm kỹ thuật này chỉ thực hiện khoảng 5-10 phút.

- Chuẩn bị dụng cụ:

+Kính hiển vi với hệ thống ánh sáng và tụ quang tốt, sử dụng độ phóng đại từ x 40 đến x 60 lần là đủ để phát hiện. Nếu cần nhìn chi tiết Demodex spp. hơn dùng độ phóng đại 400 lần;

+Dụng cụ cạo chất bã. Một số dụng cụ đặc biệt để làm mục đích này, nhưng có thể sử dụng một số dụng cụ như một cái dao nhỏ, không sắc, để không làm cắt da bệnh nhân;

+Dầu thực vật như dầu đậu, dầu mè để hòa tan chất bã, không sử dụng dầu parafin, glycerin hay dầu gội;

+Găng tay cao su bảo vệ tránh không gây nhiễm Demodex spp., hoặc găng tay cho ngón tay sử dụng để nặn chất bã;

+Một lọ nhỏ để chứa dầu và một pipette nhỏ giọt;

+Chất sát khuẩn để làm sạch dụng cụ;

+Bông tẩm cồn khử trùng.

- Lấy bệnh phẩm:

+Kiểm tra, đối chiếu và ghi họ tên, dán nhãn cho bệnh nhân và vị trí lấy bệnh phẩm lên lam kính;

+Nhỏ ba giọt dầu lên lam kính ở 3 vị trí khác nhau;

+Bác sĩ/ hay xét nghiệm viên nên ngồi đối diện với bệnh nhân. Dùng ngón tay cái và ngón thứ hai bóp ở một bên cánh mũi bệnh nhân với một lực đủ mạnh để nặn chất bã tiết ra ngoài;

+Dùng dụng cụ chuyên biệt hoặc dụng cụ tương tự để cạo lấy chất bã;

+Cho chất bã vừa lấy được vào giọt dầu thứ nhất và trộn đều để chất bã hòa tan trong dầu và phóng thích Demodex spp. vào trong giọt dầu (nếu có Demodex spp. trong bệnh phẩm). Làm tương tự như vậy đối với cánh mũi bên kia và chóp mũi. Bệnh phẩm từ ba vị trí này được hòa trong giọt dầu thứ nhất;

+Làm sạch và tẩy uế, tiệt trùng dụng cụ trước khi dùng nó cho vị trí lấy bệnh phẩm thứ hai;

+Dùng tay trái bóp nhẹ phần da trước trán giữa hai cung mày, dùng dao cạo theo chiều từ trên xuống và bắt đầu từ giữa trán cạo xuống tới gốc mũi, cạo với áp lực vừa đủ để được bệnh phẩm, nên làm 2 lần như vậy;

+Đặt bệnh phẩm lấy được vào giọt dầu thứ hai, trộn đều.

+Làm sạch và tẩy uế dụng cụ trước khi dùng nó cho vị trí lấy bệnh phẩm thứ ba;

+Lấy chất bã từ vùng cằm/ râu hay quanh miệng: Bóp chặt cơ ở vùng cằm và cơ mặt tạo cho cơ ở vùng cằm căng ra. Cạo da bắt đầu từ môi xuống với áp lực vừa đủ để lấy được chất bã. Làm như vậy hai lần theo hai hướng khác nhau;

+Trộn bệnh phẩm lấy được với giọt dầu thứ ba;

+Làm sạch dụng cụ đã sử dụng.

- Khảo sát dưới kính hiển vi

+Đặt lam kính dưới kính hiển vi và kiểm tra từng giọt một. Quan sát thật cận thận và không sử dụng vật kính quá lớn khi bắt đầu, dùng độ phóng đại x 40 đến x 60 lần là đủ. Tăng độ phóng đại lên sau khi đã tìm thấy chúng và muốn nhìn rõ thêm chi tiết;

+Điều chỉnh ánh sáng và tập trung những gì cần xem như Demodex spp. sống hay chết, trứng, ấu trùng và các phần còn lại của cơ thể;

+Đếm số lượng Demodex spp. sẽ cho phép theo dõi tiến triển của bệnh bằng việc so sánh số lượng với lần sau. Ghi số lượng tìm được cho từng loài (dài- D.folliculorum) hay (ngắn- D. brevis) từ những vị trí khác nhau ở mặt;

+Nếu muốn nhìn thấy Demodex spp. di chuyển thì nhiệt độ thích hợp là khoảng 28oC đến 36oC, tối thiểu là 25oC. Nếu cần thiết, làm ấm bằng cách giữ trong bàn tay. Demodex spp. có thể sống ở ngoài vật chủ khoảng 36-58 giờ ở trong giọt dầu;

+Ấu trùng và nhộng không bao giờ di chuyển nhưng nếu tăng độ phóng đại thỉnh thoảng có thể nhìn thấy miệng của chúng cử động.
 


Lê Thúy Danh, 38 tuổi, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa

Hỏi:Kính thưa các bác sỹ, cho cháu hỏi có thuốc nào dùng tốt cho trẻ em nhỏ bị tiểu dầm không, xin chỉ cho cháu, cháu chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin phúc đáp về chứng tiểu dầm như sau:Có nhiều trẻ, thậm chí đã lớn, hoặc người trưởng thành nhưng ban đêm vẫn bị tiểu dầm/tè dầm /đái dầm khiến bản thân trẻ và gia đình chịu nhiều phiền phức, từ việc ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ đến việc làm mất vệ sinh chăn, màn, chiếu và nệm, ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ, trẻ trở nên dễ mặc cảm, xấu hổ khi đề cập đến chuyện đó. Vậy khi trẻ tè dầm có thể dùng thuốc nào để chữa trị hoặc làm các liệu pháp tâm lý để điều trị cho cháu là tốt nhất!

Trong phạm vi câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời triệu chứng đái dầm của trẻem như sau: Đái dầm ở trẻ nhỏ được chia làm hai loại là đái dầm tiên phát (bé đái dầm liên tục từ bé đến lớn) và đái dầm thứ phát (có khoảng thời gian bé không đái dầm ít nhất 6 tháng, sau đó lại mắc tiểu dầm lại). Đái dầm thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên cũng gặp ở trẻ lớn tuổi hơn. Khi trẻ bị đái dầm, các bậc cha mẹ nên áp dụng các biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa thận - tiết niệu.


Hình 3

Các loại bệnh đái dầm ở trẻ em: Trước khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao bé hay đái dầm thì mẹ cần phải biết về các loại đái dầm thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh đái dầm ở trẻ em thường được chia làm hai loại là đái dầm tiên phát và đái dầm thứ phát. Đái dầm tiên phát tức là bé đái dầm từ bé đến lớn và liên tục, còn đái dầm thứ phát tức là có một khoảng thời gian bé không đái dầm (ít nhất là 6 tháng), nhưng sau đó lại mắc chứng đái dầm.


Hình 4

Nguyên nhân của chứng đái dầm tiên phát

Đái dầm tiên phát là một dạng đái dầm khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Phần lớn trẻ nhỏ sẽ không đái dầm khi được 3-5 tuổi. Tuy nhiên, có một số bé lớn hơn vẫn còn đái dầm. Thậm chí, có những bé ở độ tuổi từ 10-15 mà vẫn bị. Đái dầm tiên phát thường là do các nguyên nhân sau:

1.Đái dầm xuất hiện nếu bé chậm phát triển các kỹ năng cần thiết. Khi bàng quang đầy và không thể giữ nước tiểu cho đến sáng, nó sẽ gửi tín hiệu đến não để bé thức dậy và đi vệ sinh. Tuy nhiên, một số bé vẫn chưa học được kỹ năng này nên không thể kiểm soát được bàng quang, dẫn đến tình trạng đái dầm;

2.Ngủ sâu cũng là một lý do khiến bé đái dầm. Khi bé ngủ quá sâu, não sẽ bỏ lỡ tín hiệu khi bàng quang đầy;

3.Thói quen không tốt khi tắm cũng là nguyên dẫn đến tình trạng đái dầm. Khi tắm, bé mải mê chơi đùa mà quên mất việc đi “tè”. Do đó, bé thường hay mắc tiểu vào ban đêm;

4.Hormone chống lợi tiểu (ADH) có tác dụng ngăn cơ thể tạo ra nước tiểu vào ban đêm. Nếu cơ thể bé không sản xuất đủ hormone này thì cơ thể sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn. Nếu bé chưa học được cách kiểm soát bàng quang thì điều này sẽ dẫn đến tình trạng đái dầm;

5.Do bất thường về mặt sinh lý, những dị tật bẩm sinh của bàng quang. Đái dầm tiên phát thường mang tính di truyền. Nếu cha và mẹ từng đábị i dầm khi nhỏ thì nguy cơ đái dầm của con cái là 44%. Tỷ lệ này giảm còn 14% nếu không ai trong cha mẹ từng đái dầm. Đái dầm không phải là lỗi của bé, mẹ đừng vội la mắng bé vì điều này chỉ khiến bé căng thẳng và làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.


Hình 5

Nguyên nhân của chứng đái dầm thứ phát

Đái dầm không chỉ là chứng bệnh của trẻ nhỏ mà đôi khi chứng bệnh này còn xuất hiện ở thanh thiếu niên. Nguyên nhân là do:

1.Một số người có bàng quang quá nhỏ khiến khả năng giữ nước tiểu suốt đêm cũng thấp hơn những người khác. Ngoài ra, co thắt cơ bàng quang cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người mất khả năng kiểm soát bàng quang;

2.Khi bước vào tuổi dậy thì, các bé thường có rất nhiều sự thay đổi về hormone làm ảnh hưởng đến hormone ADH. Điều này khiến cho nước tiểu sản xuất nhiều hơn vào ban đêm;

3.Đái dầm thứ phát thường là do những vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón… khiến bé thường đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm;

4.Đái dầm đôi khi là vấn đề liên quan đến tâm lý như lo lắng, căng thẳng… Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm, đái dầm sẽ trở thành một tật khó bỏ. Do đó, việc đổ lỗi hoặc khiển trách bé chỉ làm tình hình trở nên tệ hơn;

5.Uống cà phê cũng khiến bé mắc tiểu nhiều hơn. Nếu bé uống cà phê trước khi đi ngủ thì nhiều khả năng ban đêm bé sẽ muốn đi “tè” đấy;

6.Những bất thường của hệ thống thần kinh có thể gây ra tình trạng đái dầm.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán nguyên nhân đái dầm, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ cho bé khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ hỏi mẹ tiểu sử bệnh của bé để loại trừ các nguyên nhân do các bệnh như táo bón, tiểu đường hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi mẹ tình trạng đái dầm của bé để xác định bé đang mắc chứng đái dầm tiên phát hay đái dầm thứ phát. Đôi khi, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ cho bé xét nghiệm nước tiểu để xem bé có bị bệnh gì khác hay không.


Hình 6

Điều trị và Thái độ xử trí

Để khắc phục bệnh đái dầm ở trẻ em, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa khám để tìm hiểu tại sao bé lại đái dầm. Trong thực tế việc xác định chính xác nguyên nhân của tình trạng này không phải là một vấn đề dễ dàng. Các phương pháp điều trị tiểu dầm tương đối hiệu quả, vô hại và ít tốn kém. Đầu tiên là phương pháp thay đổi thói quen như đi tiểu mỗi 3 giờ, hạn chế uống nước sau 5 giờ chiều, đi tiểu ngay trước khi đi ngủ. Khi các phương pháp này không hiệu quả, bác sĩ sẽ hướng dẫn các phương pháp điều trị khác:


Hình 7

Phương pháp báo thức:Trẻ được mặc đồ lót hoặc quần áo ngủ có cài đặt những bộ phận cảm biến đặc biệt với độ ẩm. Chuông báo động sẽ kích hoạt ngay khi xuất hiện một giọt nước.  Việc bị đánh thức và tạo điều kiện giúp trẻ đi tiểu nhiều đêm liên tiếp có thể giúp trẻ phát triển hệ thống tín hiệu để tự thức dậy khi cần thiết. Chuông báo thức sẽ giúp não của trẻ nhận thức tín hiệu từ bàng quang bị đổ đầy. Vài tuần đầu, trẻ có thể không nghe thấy âm thanh từ máy báo thức nên ba mẹ sẽ giúp đỡ cho trẻ trong khoảng thời gian này. Sau vài tuần làm quen, trẻ sẽ dần dần quen và tự thức dậy. Tuy nhiên, tại Việt Nam dụng cụ này chưa được áp dụng nhiều và mức độ thành công của biện pháp này cần có sự hợp tác tốt của gia đình và nỗ lực bản thân của trẻ.

(i)Các thuốc kháng cholinergic: Thuốc hay dùng như oxybutynin, có tác dụng làm giãn cơ trơn bàng quang nên giảm co thắt cơ bàng quang giúp giảm cảm giác buồn tiểu và giảm số lần đi tiểu. Khi dùng thuốc này trẻ cũng có thể gặp một số tác dụng phụ như đau đầu, khô miệng, chóng mặt, nhìn mờ... Nếu trẻ gặp những tác dụng phụ này cha mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để tìm hướng khắc phục;

(ii)Một số thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Ngoài một số nhóm thuốc nêu trên, trong thực hành lâm sàng các bác sĩ có thể dùng một số thuốc chống trầm cảm 3 vòng như imipramine. Các thuốc này khi dùng kéo dài (trên 3 tháng) cũng có tác dụng trong điều trị tiểu dầm đêm. Thuốc được cho là có tác dụng kháng cholinergic chống bài niệu và các tác động khác trên hệ thần kinh trung ương. Sau khi ngưng thuốc tình trạng đái dầm có thể gặp lại ở đa số trẻ. Các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng imipramine là mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, co giật ở trẻ.

Việc phối hợp các thuốc trên cần thận trọng để giúp giảm tác dụng phụ của một thuốc nào đó khi dùng liều cao và tăng tác dụng hơn khi dùng phối hợp. Có thể cân nhắc sử dụng một ít thuốc lợi tiểu nhẹ như furosemid, hydrochlorothiazid vào buổi trưa để giảm lượng tiểu của trẻ vào ban đêm. Không nên dùng kéo dài nhóm thuốc này vì có thể gây giảm kali máu, rối loạn nước điện giải, khô miệng, ù tai... Để hạn chế tác dụng phụ của nhóm thuốc này nên dùng lượng nhỏ, tăng cường uống thêm nước và các thực phẩm hoa quả có chứa nhiều kali như chuối tiêu, bơ, bí đỏ, các loại đậu...


Hình 8

Để hạn chế thấp nhất các tác dụng phụ của thuốc người bệnh nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa thận-tiết niệu. Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy xuất hiện bất cứ một biểu hiện khác thường nào cần kịp thời trao đổi với bác sĩ điều trị để có các biện pháp xử trí thích hợp, kịp thời.

Tránh tự động ngưng thuốc, tự tăng hay giảm liều thuốc mà lợi bất cập hại. Ngoài việc dùng thuốc, trẻ đái dầm còn có thể do các nguyên nhân như sang chấn tâm lý, trẻ sợ đi học, sợ cô giáo, cha mẹ ly hôn. Trong các trường hợp này liệu pháp tâm lý được áp dụng phối hợp cùng với việc dùng thuốc cho hiệu quả khá cao. Về phía các bậc cha mẹ tránh quát mắng trẻ khi trẻ tiểu dầm mà nên chia sẻ, động viên, thông cảm và thấu hiểu, cùng trẻ vượt qua chứng tiểu đêm.

Làm thế nào để ứng phó khi trẻ tè dầm? Cha mẹ nên hiểu đây không phải là lỗi của trẻ nên cần động viên và kiên nhẫn hỗ trợ để giúp con. Theo một nghiên cứu tại Úc, tiểu dầm thường xuyên chiếm 5-10% ở trẻ dưới 10 tuổi. Tiểu dầm tuy không nguy hiểm nhưng gây khó khăn trong sinh hoạt cá nhân và có thể dẫn đến rối loạn tâm sinh lý cho trẻ sau này. Khảo sát tại Nhật Bản cho thấy, hơn 50% trẻ tiểu dầm bị thiếu tự tin khi lớn lên.

Nước tiểu được sản xuất từ hai quả thận và sau đó được trữ trong bàng quang. Khi trẻ còn nhỏ, việc tiểu tiện diễn ra do co cơ thành bàng quang và giãn cơ cổ bàng quang theo chu kỳ, thường là 2-3 giờ trẻ tiểu tiện một lần. Khi lớn hơn, trẻ có thể giữ nước tiểu lâu hơn vào ban ngày. Khi trẻ được mọi người động viên, trẻ sẽ dần phát triển khả năng này của mình. Sau khi đã kiểm soát việc tiểu tiện ban ngày, dần dần trẻ có thể kiểm soát việc đi tiểu cả lúc ngủ. Tới thời điểm này, bộ não của trẻ sẽ chỉ huy bàng quang về thông điệp nín tiểu khi ngủ.

Trẻ có khả năng kiểm soát bàng quang ở những độ tuổi khác nhau, nhưng phần lớn trẻ không bị tiểu dầm sau 5 tuổi. Dựa vào thời gian xuất hiện triệu chứng và các triệu chứng rối loạn đi tiểu khác kèm theo để phân thành các loại tiểu dầm như sau: tiểu dầm đơn thuần, tiểu dầm không đơn thuần, tiểu dầm nguyên phát, tiểu dầm thứ phát. Tiểu dầm đơn thuần nguyên phát xảy ra khi trẻ chỉ có hiện tượng tiểu dầm vào ban đêm mà không kèm theo rối loạn đi tiểu nào khác vào ban ngày và xảy ra từ khi trẻ còn nhỏ. Tiểu dầm không đơn thuần xảy ra khi trẻ có kèm theo các triệu chứng khác của đường tiểu như tiểu rỉ, són tiểu, tiểu gấp, tiểu gắt. Trước đây, người ta thường nghĩ tiểu dầm là do nguyên nhân đơn thuần tâm lý. Theo những nghiên cứu gần đây, có 3 cơ chế có thể gây tiểu dầm đơn thuần: Trẻ ngủ sâu khó đánh thức, thận của trẻ thải ra nhiều nước tiểu khi trẻ ngủ và bàng quang của trẻ quá kích thích gây co thắt nhiều làm thoát nước tiểu khi trẻ ngủ ngay cả khi bàng quang không có quá nhiều nước tiểu. Do đó khi bạn đưa trẻ đến bệnh viện, qua thăm khám bác sĩ sẽ nhận ra trẻ thuộc nhóm nào để hướng dẫn và đưa ra cách thức điều trị thích hợp. Ngoài ra, có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ tiểu dầm do những nguyên nhân khác như đái tháo đường, đái tháo nhạt, bệnh lý thận, nhiễm trùng tiểu, táo bón…

Cách khắc phục chứng tiểu dầm

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra một số phương pháp điều trị phù hợp cho bé như dùng thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc thay đổi lối sống và chế độ ăn. Nếu dùng thuốc, bác sẽ kê cho bé thuốc Desmopressin Acetate (DDAVP). Ngoài ra, bác sĩ có thể kê một số thuốc kháng cholinergic để làm tăng thể tích của bàng quang. Đôi khi, Imipramine, loại thuốc chống trầm cảm cũng được sử dụng để điều trị đái dầm.

Thay đổi lối sống để ngăn ngừa chứng đái dầm

Việc bé đái dầm khiến cả mẹ lẫn bé khó chịu. Tệ hơn, bé sẽ cảm thấy xấu hổ khi nói về việc này. Để điều trị chứng bệnh này, mẹ thử áp dụng một số thay đổi đơn giản trong thói quen sinh hoạt của bé nhé.

1.Hạn chế lượng nước bé được uống sau bữa tối giúp giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm. Lưu ý là mẹ hãy cho bé uống đủ nước vào ban ngày nhé.

2.Đừng cho bé ăn uống những thực phẩm có chứa caffeine như cà phê, ca cao hoặc sô-cô-la vào ban đêm. Ngoài ra, mẹ cũng đừng cho bé uống nước ngọt hoặc những thức uống có hương vị nhân tạo như soda.

3.Hãy tập cho bé thói quen đi vệ sinh “đúng giờ”. Nếu bé nói không mắc tiểu, mẹ hãy khuyến khích bé đi theo đúng lịch. Mẹ cho bé đi vệ sinh ít nhất hai lần trong hai giờ trước khi đi ngủ nhé.

4.Cho bé uống đủ nước để tránh tình trạng bé quá khát. Luôn chuẩn bị sẵn cho bé một chai nước để bé uống khi khát.

5.Đừng đánh thức bé dậy đi tiểu vào ban đêm vì điều này sẽ khiến bé mất ngủ.

6.Mẹ hãy trò chuyện với bé về tình trạng đái dầm của bé. Cả mẹ và bé hãy cùng nhau suy nghĩ để tìm ra giải pháp tối ưu khắc phục tình trạng này.

7.Khen ngợi nếu bé có tiến bộ nhưng đừng phạt bé nếu tình trạng đái dầm vẫn không được cải thiện.

8.Suy nghĩ tích cực và trấn an bé là một phương pháp hữu ích cho những bé lớn để đối phó với tình trạng này.

Một số giải pháp khắc phục tiểu dầm khác

Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mẹ và bé có thể áp dụng một số biện pháp sau:

1. Massage: Massage bụng dưới bằng dầu ô liu để tăng cường các cơ tiết niệu, cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang. Mẹ hãy massage cho bé mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tình hình.

2. Bài tập bàng quang: Bàng quang chậm phát triển là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng đái dầm. Để khắc phục tình trạng này, mẹ hãy thử cho bé tập một vài bài tập tăng cường cơ bắp đường tiết niệu để ngăn ngừa co thắt bàng quang.

·Khi bé muốn đi tiểu, mẹ nên khuyến khích bé không nên đi tiểu ngay mà hãy giữ từ 10–20 phút. Việc này sẽ giúp mở rộng và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.

·Ngoài ra, mẹ cũng có thể áp dụng bài tập sau để tăng cường cơ xương chậu cho bé: kẹp chặt một quả bóng nhỏ (kích thước khoảng một nắm tay) giữa hai đùi (phần trên đầu gối).

·Uống nhiều nước để bàng quang vận động và mở rộng. Mẹ hãy thử cho bé tập những bài tập này ít nhất hai lần một ngày để tăng cường cơ xương chậu, cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.

3. Quế: Quế có khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Vì vậy, nếu đái dầm là do nhiễm trùng đường tiết niệu thì việc ăn quế mỗi ngày sẽ rất hữu ích. Mẹ hãy cho bé nhai một miếng quế mỗi ngày hoặc dùng bột quế kèm với bánh mì, sữa hoặc các món tráng miệng.

4. Nước ép nam việt quất: Nước ép nam việt quất có chức năng hạn chế mắc tiểu. Mẹ hãy cho bé uống một ly nhỏ nước ép nam việt quất trước khi đi ngủ nhé.

5Quả óc chó và nho khô: Trái cây khô rất có lợi cho sức khỏe. Nu mẹ kết hợp quả óc chó và nho khô lại với nhau thì sẽ giúp giảm tần suất đi tiểu. Mẹ hãy cho bé ăn vài ba quả óc chó và nho khô trước khi đi ngủ mỗi ngày đến khi tình trạng đái dầm được cải thiện.

6. Giấm táo: Giấm táo cũng mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe. Giấm táo làm giảm axit trong bụng, giảm kích ứng ruột và hạn chế đái dầm. Giấm táo có vị chua, do đó bạn nên pha loãng ra khi cho bé uống. Ngoài ra, mẹ thêm vào một ít mật o­ng để giảm vị đắng nhé. Bạn hãy cho bé dùng từ 1-2 lần/ngày và dùng trong bữa ăn.

7. Quả lý gai Ấn Độ: Quả lý gai Ấn Độ là một phương thuốc hiệu quả giúp ngăn ngừa đái dầm. Mẹ hãy xắt thành từng miếng nhỏ, thêm một ít mật ông, nghệ và trộn đều.

8. Mật o­ng: Mật o­ng có khả năng hấp thụ chất lỏng và giữ nó. Vì vậy, mật o­ng sẽ giúp bé giữ nước tiểu cho đến sáng. Nếu bé còn nhỏ, hãy cho bé dùng một thìa nhỏ mật o­ng mỗi ngày nhé.

9. Đường thốt nốt: Đường thốt nốt có khả năng làm tăng nhiệt cơ thể, giảm tình trạng đái dầm. Mỗi ngày mẹ hãy cho bé uống một ly sữa ấm và ăn một miếng đường thốt nốt. Ngoài ra, mẹ cũng có thể rang mè với đường thốt nốt và một ít muối. Hãy thử cách này trong khoảng hai tháng để khắc phục tình trạng đái dầm. Tuy nhiên, mẹ đừng cho bé dùng quá nhiều đường thốt nốt vì sẽ không tốt cho cơ thể.

10. Hạt mù tạt: Hạt mù tạt thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, một nguyên gây ra đái dầm ở trẻ nhỏ. Mẹ hãy cho thêm nửa muỗng cà phê mù tạt khô vào nửa cốc sữa. Sau đó, cho bé uống trước khoảng 1 tiếng trước khi đi ngủ.

Những số liệu mà mẹ nên biết

Khoảng 85% các bé hơn 5 tuổi hết đái dầm. Chỉ có 2% trẻ vẫn còn đái dầm khi đến 15 tuổi.

1.Đái dầm thường xuất hiện nhiều ở bé trai hơn là bé gái.

2.Đái dầm thường do di truyền. Nếu ba hoặc mẹ từng đái dầm thì nhiều khả năng bé sẽ bị.

3.Đái dầm không phải là do bé cố ý cũng như không phải do bé thiếu ý thức.

4.Thậm chí khi bé đã ngưng đái dầm một thời gian dài, bé cũng có thể mắc chứng đái dầm lại.

Thân chúc cả gia đình khỏe!


Huỳnh Thị Thanh Th., 39 tuổi, Cam Ranh, Khánh Hòa

Hỏi:Xin thưa các bác sỹ cho tôi hỏi về vi khuẩn đường ruột tốt hay xấu, khi nào tốt và khi nào xấu và vai trò của vi khuẩn đường ruột đối với cơ thể con người như thế nào?

Trả lời:

Liên quan đến câ hỏi của bạn, chúng tôi xin phúc đáp rằng hệ vi khuẩn đường ruột không phải có hại hoàn toàn đối với cơ thể chúng ta mà đôi khi chúng cũng có lợi cho sức khỏe. Khi lượng vi khuẩn xấu tăng sinh lên thì có nguy cơ gây bệnh cho con người. Hệ vi sinh vật đường ruột có số lượng vi khuẩn lớn nhất và số lượng loài lớn nhất so với các vùng khác của cơ thể nên sự ổn định, cân bằng của chúng tác động rất lớn đến sức khỏe mỗi cơ thể con người. Đặc biệt là hệ thống vi khuẩn đường ruột có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình tiêu hóa, chuyển hóa các chất và miễn dịch. Hệ thực vật đường ruột được hình thành từ 1-2 năm sau khi chúng ta chào đời, thay đổi theo thời gian khi chế độ ăn thay đổi và những thay đổi về sức khỏe tổng thể.

  
Hình 10-11

Các vi khuẩn trong hệ tiêu hóa có một số vai trò quan trọng trong cách thức hoạt động của cơ thể như tổng hợp các chất dinh dưỡng thiết yếu, gồm vitamin K, vitamin B12 và biotin, phát triển và điều chỉnh hệ thống miễn dịch, hỗ trợ phát triển sức khỏe đường tiêu hóa. Sự cân bằng tổng thể của vi khuẩn trong hệ thống tiêu hóa của bạn có tác động đến sức khỏe và khả năng cơ thể mắc một số bệnh.

Gần đây, y học tiến bộ đã khám phá ra nhiều điều thú vị của hệ vi khuẩn đường ruột và có giả thuyết cho rằng hệ vi sinh vật đường ruột là yếu tố đóng góp vào việc gây ra béo phì. Hệ vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và cân bằng năng lượng nội môi theo các cơ chế sau: điều chỉnh năng lượng hấp thụ từ chế độ ăn, tương tác với các phân tử truyền tín hiệu tham gia vào quá trình chuyển hóa của vật chủ, thay đổi tính thấm của ruột, giải phóng các hormon ruột và viêm mạn tính - dấu hiệu của các bệnh liên quan đến béo phì. Kết quả một số nghiên cứu nhỏ trên con người cho thấy béo phì có liên quan đến sự khác nhau của hệ vi sinh vật đường ruột, sự giảm đa dạng vi khuẩn, thay đổi biểu hiện các gene vi khuẩn và các con đường chuyển hóa.

Hormon được sản xuất bởi cơ thể bạn kiểm soát cảm giác đói hay no, chẳng hạn như leptin, ghrelin và peptide YY. Leptin giúp ức chế sự thèm ăn trong não, trong khi peptide YY hoạt động để giảm lượng thức ăn. Mặt khác, ghrelin là hormon kích thích cơn đói, hoạt động theo chu kỳ, tăng trước bữa ăn và giảm sau bữa ăn. Một số nghiên cứu cho thấy một số phản ứng dây chuyền do vi khuẩn đường ruột gây ra đã được chứng minh là ảnh hưởng đến việc sản xuất các hormon này và do đó kiểm soát sự thèm ăn của bạn. Một số loài vi khuẩn đường ruột sản xuất axit béo chuỗi ngắn như propionate khi chúng phân hủy chất xơ.


Hình 12

Nếu mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dấu hiệu đầu tiên là xảy ra các vấn đề về hệ tiêu hóa như: Rối loạn tiêu hóa, ợ nóng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, hội chứng ruột kích thích... và các vấn đề về tinh thần như trầm cảm, lo âu, đầu óc trì trệ, kém tập trung. Ngoài ra, theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, vi khuẩn đường ruột còn sản xuất một loạt hóa chất thần kinh để não có thể sử dụng cho việc điều chỉnh các quá trình sinh lý, tâm thần, bao gồm trí nhớ, học tập và tâm trạng. Có đến 95% nguồn cung cấp serotonin của cơ thể được sản xuất bởi vi khuẩn đường ruột. Điều này cho thấy vi khuẩn đường ruột có liên quan chặt chẽ đến một số vấn đề về sức khỏe tâm thần bao gồm rối loạn lo âu, trầm cảm. Ngoài ra, một nghiên cứu sơ bộ gần đây cho thấy vi khuẩn đường ruột còn có thể nắm giữ chìa khóa để cải thiện một số bệnh lý, bao gồm: bệnh Crohn, viêm đại tràng, kháng insulin, ung thư ruột kết...

Những thực phẩm sau đây có chứa vi khuẩn có ích hoặc hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có ích. Đó là: thực phẩm lên men (ví dụ như dưa cải bắp, kim chi, miso và sữa chua); thực phẩm có nhiều chất xơ (ví dụ như các loại đậu, yến mạch, chuối hoặc hành tây); các loại ngũ cốc; trà xanh; đồ uống trái cây. Bổ sung probiotic là một cách khác để cải thiện sức khỏe đường ruột của bạn bởi vì chúng là vi khuẩn sống giúp thay thế hoặc cân bằng hệ thống tiêu hóa. Chúng thường được khuyên dùng sau khi bạn dùng một đợt kháng sinh.


Hình 113

Điều tốt nhất có thể làm để duy trì đường ruột khỏe mạnh và cân nặng lý tưởng là sống một lối sống lành mạnh. Bên cạnh việc áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng, bạn nên tập thể dục thường xuyên, bỏ hút thuốc, kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc. Điều quan trọng là phải tránh các đợt kháng sinh không cần thiết và uống một loại men vi sinh nếu bác sĩ cho là cần thiết. Tất cả những điều này sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể của bạn và cho bạn một cái bụng khỏe mạnh với đầy đủ vi khuẩn có ích.


Lê Thúy T., 53 tuổi, Hải Dương, hoahong@....

Hỏi: Tôi nghe nói các thầy thuốc có thể phát hiện một số bệnh qua ngửi mùi một số chất mà bệnh nhân đào thải ra. Các bác sỹ có thể làm rõ cho tôi hiểu được không? Trân trọng cảm ơn rất nhiều!

Trả lời:

Thưa chị, đây là một câu hỏi rất thú vị và có thật, nhất là các thầy thuốc đông y cả tây y hiện nay vẫn thỉnh thoảng áp dụng bên cạnh các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng hay xét nghiệm cácmẫu máu, nước tiểu và các dịch sinh học khác của bệnh nhân đã phần nào chẩn đoán sơ bộ bệnh lý, nhất là bệnh lý tiêu hóa hay gan mật hay gặp nhất. Văn-Vọng-Vấn-Thiết là cụm từ mà các thế hệ đi trước luôn luôn giảng dạy các thế hệ sinh viên y khoa không thể nào quên trong thăm khám bệnh nhân. Ngoài ra, thường để phát hiện bệnh, các bác sĩ thường dựa vào kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu, phân, dịch tiết và có nhiều bác sỹ, thầy thuốc đông y kinh nghiệm đã có thể chẩn đoán chính xác bệnh thông qua mùi đặc trưng của người bệnh.

Nhân đây, chúng tôi xin chia sẻ một số trường hợp có thể chẩn đoán bệnh qua người mùi các dịch sinh học của cơ thể người bệnh:

- Hơi thở có mùi aceton hoặc trái cây- Mắc bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường đặc biệt là tiểu đường týp 1 có biến chứng gọi là DKA, cơ thể họ thiếu insulin nên không thể chuyển hóa đường thành năng lượng và phải phân hủy các axit béo để tạo năng lượng. Sản phẩm phân hủy của các chất béo này được gọi là ketone và hình thành xeton trong máu. Aceton (thành phần chính của xeton) thường được biết đến ở các chất tẩy sơn móng tay sẽ tạo nên hơi thở của người mắc bệnh mùi như axeton hoặc mùi trái cây. Thông thường khi tiếp xúc, các bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện ra “mùi đặc trưng” này khi người bệnh mới bước vào phòng của họ. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến cáo: Nếu bạn phát hiện hơi thở có mùi trái cây/axeton cùng với các triệu chứng như mệt mỏi, khô miệng, khó thở hoặc đau bụng thì bạn nên đến gặp bác sĩ sớm.

- Nước tiểu có mùi sirô ngọt - Mắc bệnh rối loạn chuyển hóa protein: Nước tiểu có mùi ngọt như sirô có thể là dấu hiệu của bệnh sirô niệu vì lượng ketone trong máu cao. Căn bệnh này có tên tiếng Anh là Maple Syrup Urine Disease - MSUD. Sở dĩ bệnh có tên này vì mùi nước tiểu của người bệnh có mùi đặc trưng như mùi sirô. Tuy nhiên không chỉ nước tiểu mà mồ hôi, ráy tai của bệnh nhân cũng có mùi này.


Hình 14

Đây là một căn bệnh về rối loạn chuyển hóa protein do cơ thể không có khả năng phá vỡ các axit amin valine, leucine và isoleucine. Điều này đồng nghĩa với việc các axit amin này phải thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, gây ra mùi khác biệt. Mặc dù mùi này nghe có vẻ ngọt ngào, dễ chịu nhưng thực chất căn bệnh có thể gây tử vong đối với các trẻ sơ sinh mắc phải. Nếu người bệnh ở độ tuổi lớn mắc phải sẽ có các triệu chứng như giảm cân, tiêu chảy, ảo giác không kiểm soát được hành vi.


Hình 15

- Cơ thể phát ra mùi tỏi - Cảnh báo ngộ độc thạch tín: Asen hay thạch tín là một hóa chất được sử dụng hàng trăm năm để điều chế thuốc trừ sâu hoặc đạn. Con người có thể bị nhiễm thạch tín thông qua việc uống nguồn nước bị ô nhiễm. Trong nhiều thế kỷ, asen được sử dụng để đầu độc các vị vua, hoàng đế. Khi thạch tín xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ ngăn chặn các enzyme cần thiết để tạo ra năng lượng cho cơ thể.

Các triệu chứng ngộ độc thạch tín đặc trưng như nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy ra máu và cuối cùng là tử vong. Một triệu chứng độc đáo mà các bác sĩ ghi nhận được ở các bệnh nhân ngộ độc thạch tín đó là mùi tỏi phát ra từ cơ thể người bệnh. Điều thú vị là các nhà khoa học cũng tình cờ phát hiện rằng chính tỏi có thể chống lại các tác động ngộ độc thạch tín.

-Trẻ mắc bệnh PKU - Đường tiết niệu cơ thể thường có mùi mốc: PKU là rối loạn gây tích tụ phenylalanin, một axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp nhưng có sẵn trong thứ ăn. Bình thường, phenylalanin dư thừa được chuyển thành tyrosin và được loại bỏ khỏi cơ thể. Nếu không có enzym để chuyển đổi, phenylalanin sẽ tích tụ trong máu và gây độc cho não, gây ra khuyết tật trí tuệ.

-Căn bệnh này hầu như không thể chẩn đoán trong thai kỳ trừ trường hợp có các yếu tố nguy cơ rõ ràng. Việc chẩn đoán sớm bệnh sau khi sinh cũng khó khăn.

Trẻ mắc PKU hiếm khi biểu hiện triệu chứng ngay. Các triệu chứng thường gặp như co giật, buồn nôn, nôn, ban đỏ giống như eczema, da và tóc nhạt màu hơn so với những người trong gia đình, hành vi hung hăng tự gây thương tích, tăng động. Đôi khi có các triệu chứng tâm thần. Trẻ mắc bệnh này thường cơ thể có mùi hôi như chuột và nước tiểu có mùi đặc trưng do xuất hiện sản phẩm phụ của phenylalanin trong nước tiểu và mồ hôi.

- Sốt thương hàn, người bệnh có mùi như bánh mì mới nướng: Một bài báo trên tạp chí Y khoa xuất bản năm 1976 cho thấy bệnh nhân mắc bệnh thương hàn thường phát ra mùi rất giống với mùi bánh mì mới nướng. Mặc dù mùi này có vẻ dễ chịu nhưng tác hại của bệnh rất nghiêm trọng. Sốt thương hàn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Salmonella Typhi gây ra. Các triệu chứng thường gặp như sốt cao, mệt mỏi, đau bụng, táo bón và phát ban. Thương hàn không phải là căn bệnh phổ biến ở các nước phát triển nhưng phổ biến ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém. Bệnh này có thể điều trị bằng kháng sinh nhưng các chủng đang trở nên kháng thuốc. Ngoài bệnh thương hàn, các bệnh có thể phòng ngừa khác liên quan đến mùi như bệnh bạch hầu có mùi ngọt.

- Cơ thể có mùi tanh do Hội chứng Trimethylaminuria: Cơ thể có mùi tanh là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng rối loạn được gọi là Hội chứng mùi cá hoặc Trimethylaminuria. Căn bệnh này được biểu hiện rõ ràng thông qua cơ thể có mùi tanh hoặc nước tiểu có mùi cá thối. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng rối loạn này là do cơ thể bài tiết chất Trimethylaminuria quá mức. Hội chứng này có tính di truyền và các triệu chứng có thể được cảm thấy ngay từ khi mới sinh ra.

Ngày 18/04/2019
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích