Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 23/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Finance & Retail Góc thư giản
Thế giới đó đây
Góc nhìn văn hóa
Cười 24h
Góc thơ

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 9 3 7 9 4
Số người đang truy cập
4 9 6
 Góc thư giản
Nhân sự kiện bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn: hình tượng con lợn trong văn hóa và y học

Nhân sự kiện gần đây về bệnh ký sinh trùng sán dây hay ấu trùng sán dây lợn, xin chia sẻ một số lợi điểm xung quanh động vậy này không những về mặt dinh dưỡng tốt, được tiêu dùng hàng ngày tại hơn 95% số quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại giá trị dinh dưỡng cao con con người.

Con lợn hay còn gọi là con heo và một số từ ngữ khác như trư, hợi, ỉn, thỉ,…tùy thuộc vào từng vùng miền và dân tộc khác nhau là loài vật đã gắn bó lâu đời với con người và xung quanh đó là nhiều câu chuyện trong văn hóa đại chúng về con lợn. Trong văn hóa, con lợn cũng được cọi với nhiều tên như con heo, chú ỉn, trư, hợi và cách nuôi cũng khác nhau với nhiều hình thức và chăm sóc, thậm chí hiện nay nuôi heo như một động vật cảnh. Trong văn hóa phương Đông, lợn đứng cuối cùng trong 12 con giáp (Hợi) và cũng đứng cuối cùng trong lục súc. Ý nghĩa biểu tượng nó là sự nhàn nhã, sung túc, giàu có, phồn thực, song cũng còn có ý lười biếng, phàm ăn, đáng khinh, ô uế. Lợn biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục và sự nhàn nhã sung túc. Người ta còn dùng hình ảnh con heo đất như là một biểu tượng về tài chính. Ngoài ra, thủ lợn (đầu heo) là một món sính vật quan trọng trong một mâm cúng ở những buổi lễ long trọng và lễ nghi của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó lợn cũng còn là biểu tượng cho thói phàm ăn, sự bẩn thỉu, dơ dáy, ô uế.

Lợn nói chung là một chi động vật móng guốc có nguồn gốc ở đại lục Á-Âu được gộp nhóm tổng thể với danh pháp khoa học là Sus, thuộc họ Lợn (Suidae). Lợn rừng đã được thuần hóa và được nuôi như là một dạng gia súc để lấy thịt cũng như da. Các sợi lông cứng của chúng còn được sử dụng để làm một số loại bàn chải, da có thể dùng để sản xuất bóng bầu dục. Ngoài ra, phân của lợn nhà cũng được dùng làm phân chuồng để cải tạo đất và làmkhí sinh học trong từng hộ gia đình (biogas) hiện tương đối phổ biến tại một số vùng.


Lợn nhà là một gia súc được thuần hóa, được chăn nuôi để cung cấp thịt. Hầu hết lợn nhà có lớp lông mỏng trên bề mặt da. Chăn nuôi lợn là một ngành hết sức quan trọng, nó cung cấp một số lượng rất lớn thịt cho bữa ăn hàng ngày của hàng tỷ người trên trái đất và là một loại thực phẩm thiết yếu trong ăn uống. Lợn nuôi chủ yếu dùng để lấy thịt. Các sản phẩm khác từ thịt lợn như xúc xích, lạp xưởng, jambon. Đầu lợn có thể được dùng làm dưa da đầu lợn và các tạng gan, huyết và các nội tạng khác cũng được dùng làm thực phẩm (lòng lợn được tiêu dùng tại một số vùng).


Là con vật có sự gần gũi với đời sống con người là con vật mà hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca, ca dao, hội họa dân gian và là một biểu tượng văn hóa. Trong 12 con giáp, heo nằm trong số ba con vật cuối cùng (gà, chó, và heo) có mối liên hệ gần với đời sống hàng ngày của con người hơn các con vật khác như rồng, cọp, khỉ. Trong ba con vật cuối cùng của 12 địa chi (gà, chó và heo), heo là con vật có thể nói đã từng song hành với con người trong suốt quãng đường dài tiến hóa. Tuy nhiên, người ta thường khinh con heo và hay nói theo quán tính “ngu như heo hay ngu như con lợn” thế nhưng tinh chất não của chúng lại được ứng dụng trong y học để chữa bệnh. Heo là một trong những con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người Á châu mà còn cả châu Âu và các nền văn minh khác.


Phương Đông

Lợn là một trong số 12 con vật tượng trưng cho chu kỳ 12 năm của Địa Chi trong nhiều tính toán liên quan tới Can-Chi của người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên v.v. Nó gắn liền với địa chi Hợi. Những người tin tưởng vào chiêm tinh học Trung Hoa luôn gắn con vật với đặc điểm, đặc tính cá nhân. Xem bài: Hợi. Trư Bát Giới, một nhân vật trong Tây du ký của người Trung Quốc, là một vị thần trên thiên đình có hình dạng nửa người nửa lợn.

Việt Nam

Đối với người Việt Nam và Trung Quốc, heo được nhân cách hóa qua nhân vật hư cấu nửa người nửa heo Trư Bát Giới, một vị thần trên Thiên đình, trong truyện nổi tiếng Tây Du ký. Đối với Việt Nam, dù được xem là biểu tượng của sự may mắn và trù phú như thế, con heo trong dân gian Việt Nam mang nhiều hình tượng tiêu cực. Nói đến heo là người ta nói đến tính lười biếng (lười như heo), ham ăn, bẩn thỉu, và ngu (ngu như heo) ngoài ra còn hình tượng nhục dục (phim con heo).

Người dân tộc ở Việt Nam có truyền thuyết Pú Lương Quân của dân tộc Tày vùng Cao Bằng kể về vợ chồng Báo Lương và Sao Cải, sau khi đã trồng được nhiều lúa, bèn nghĩ đến việc vào rừng để bắt heo rừng về nuôi, khu rừng bắt được gọi là Đồng Giáo (rừng heo cỏ), nơi nuôi heo gọi là xóm Chóng Mu (xóm Bờm heo), cánh đồng trồng khoai nuôi heo gọi là Bà Non (ruộng Dọc khoai), mà có thể cư dân Tày cổ có nguồn gốc từ người Việt cổ từ sau khi giải thể nhà nước Văn Lang và Âu Lạc.



Lợn còn dùng như con vật tế và cúng trong các dịp lễ trọng đại của gia đình như cưới, hỏi và các lễ khai trương của các công ty, tập đoàn lớn để biểu trưng cho sự phồng vinh đến với mình và toàn bộ gia đình và tập đoàn.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, con lợn được thể hiện qua các bức tranh dân gian Đông Hồ, hình ảnh con lợn hiện hữu trên tấm lịch tường gia đình để thiể hiện sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ hạnh phúc. Con lợn trong quan niệm văn hóa cổ truyền thuộc dòng Âm ôn hòa nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian, chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc. Bức tranh lợn đàn là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, phồn thực.


Trên mình lợn có vòng khoáy Âm - Dương ngụ ý phát triển, sinh sôi nảy nở, bức tranh còn thể hiện con lợn mẹ trắng xóa mắt lim dim lờ đờ, mõm tũm tĩm, năm con lợn con, con xanh, con đỏ, con trắng, con tím lúc nhúc cả dưới chân. Hình ảnh lợn Cấn sắc nét nhất là trên tranh Lợn ăn lá ráy, Nghệ nhân Đông Hồ đã quan sát kỹ con lợn phàm ăn, đang sục mõm vào máng, cành lá ráy như động đậy, ước lệ.

Ở vùng đất thuộc hạ nguồn sông Hậu, người Khmer vẫn cho rằng heo năm móng và heo ba giò là những cốt tinh lang thang của người đầu thai, nếu trong nhà có một con heo như thế thì cũng đồng nghĩa với việc nhà ấy gặp những chuyện tai ương khủng khiếp, lục đục chuyện gia đình và người ta tìm mọi cách để tống khứ. Tại Chùa Dơi còn có tên gọi khác là chùa Mã Tộc ở tỉnh Sóc Trăng là nơi chốn những con heo đặc biệt này cư ngụ, cả phần xác lẫn phần hồn. Người Khmer rất sợ heo năm móng, heo ba giò, tức là heo có tới năm móng thay vì bốn móng như bình thường. Còn heo ba giò là một chân có màu đen, một chân có màu trắng.

Dân tộc khác

Đối với các dân tộc sống tại các đảo ngoài lục địa Đông Nam Á, ngoài việc heo là nguồn cung cấp thực phẩm, heo còn là biểu tượng của sự giàu có, là quà cưới cho cô dâu, và có khi còn là đơn vị hàng hóa quan trọng trong thương trường. Đối với người theo đạo Ấn Độ giáo, thần Visnu có hình dạng con heo, chuyên hành hiệp cứu độ chúng sinh. Ở các bán đảo Thái Bình Dương, loại heo không lông Kapia có địa vị như con người có danh xưng, được mặc áo nghiêm chỉnh, và mặt còn được trang điểm. Người thổ dân da đỏ ở Mỹ cũng xem heo là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn. Heo thường được dùng làm con vật để tế thần, vì người ta tin rằng heo có linh hồn.


Phương Tây

Hy Lạp

Thời Hy Lạp cổ đại, lợn là con vật để hiến tế cho nữ thần Demeter và nó là con vật yêu thích của nữ thần này. Phần mở đầu của các lễ hiến tế Eleusis được bắt đầu bằng việc hiến tế con lợn. Sự chuyển hóa ma thuật biến con người thành lợn được dùng làm cốt truyện trong nhiều câu chuyện, chẳng hạn trong thiên sử thi Odyssey của Homer, trong đó đoàn thủy thủ của con tàu anh hùng bị nữ thần Circe biến thành lợn. Ở châu Âu thời cổ đại, heo là con vật được nữ thần Demeter (thần sinh sản) ưa thích, và do đó heo còn là con vật biểu tượng cho sự thịnh vượng, trù phú.

Âu Mỹ

Lợn chính là một trong những con vật thân thiết với người Mỹ. Thời kì 13 bang còn là thuộc địa của Anh, lợn rừng được các đoàn nông dân chuyên chở đến chợ bán trên những vệt đường mòn là tiền thân ngành đường sắt Mỹ ngày nay. Bức tường phố Wall ban đầu là để chắn lợn rừng vì lợn rừng vì thói quen rũi mọi thứ dưới đất nên đã phá hoại rất nhiều hoa màu của các trang trại Mỹ.

Ở Manhattan, New York, các nông dân buộc phải dựng lên một bức tường (wall) để bảo vệ hoa màu khỏi lợn rừng. Tên viết tắt U.S của Mỹ liên quan đến lợn gắn với một người bán thịt lợn tên Uncle Sam (Bác Sam) đã tiếp tế vài trăm thùng thịt lợn trên tàu cho quân đoàn Mỹ.

Cũng tại Mỹ, một số trường phổ thông (sơ, trung và cao cấp) cũng như trường đại học có các con vật lấy phước là lợn hay tương tự như lợn. Đáng chú ý nhất trong số này là Đại học Arkansas với con vật lấy phước của đội thể thao của trường là một con lợn lòi (Sus scrofa). Lợn đôi khi được dùng để ví với người Winston Churchill nói rằng "Con chó ngước lên nhìn chúng ta. Con mèo nhìn xuống chúng ta, còn con lợn thì coi chúng ta là ngang hàng". Ở Đức, tham dự vào buổi tiệc có thịt heo vào đêm Noel có ý nghĩa ngăn ngừa quỷ thần và đem lại thịnh vượng, tiền tài cho năm mới.[2]


Tôn giáo

Người theo Hồi giáo bị cấm không được ăn thịt lợn, theo kinh Qur'an. Người Do Thái cũng bị cấm ăn thịt lợn, theo luật Kashrut. Trong Phúc âm, chúa Giê-su đã kể một câu chuyện ngụ ngôn về đứa con trai hoang đàng. Khi ăn chơi hết tiền cậu ta phải xin làm người nuôi lợn thuê, mong ước là có thể ăn thức ăn của lợn như không ai cho. Cũng trong Phúc âm, chúa Giê-su thực hiện một phép màu bằng cách làm cho con quỷ ám ảnh con người đi vào một bầy lợn và sau đó làm nó phải chạy trốn tới một vách đá và sau đó bị chết đuối.


Một số hình ảnh và câu chuyện về con lợn

·Trư Bát Giới, Trư Bát Giới là nhân vật mang tính cách phát triển và phức tạp. Bát Giới có hình hài như một quái vật gớm ghiếc, "nửa lợn, nửa người" Tên gọi khác của Bát Giới là Trư Ngộ Năng do Quan Thế Âm Bồ Tát đặt cho nghĩa là: "con lợn (tái sinh) nhận ra, ngộ ra khả năng của mình" để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng. Tam Tạng đặt tên là Bát Giới với ý nghĩa là "Tám ranh giới bị kiềm chế" (không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, ăn chay. Bát Giới cũng luôn đẩy những người đồng hành vào rắc rối bởi sự lười biếng, thói háu ăn và bản tính háo sắc trước những cô gái đẹp của mình. Nhân vật này tỏ ra ghen tị với Tôn Ngộ Không và lúc nào cũng tìm cách hạ bệ Ngộ Không.

·Chú lợn mang tê Thủ lĩnh trong tác phẩm Trại súc vật là một chú lợn đực là cảm hứng cho cuộc Nổi dậy trong cuốn sách. Nó 12 tuổi. Theo một cách giải thích, nó có thể dựa trên cả Karl Marx, người sáng lập Chủ nghĩa Marx hiện đại và là cơ sở cho Chủ nghĩa cộng sản, (trong đó nó miêu tả xã hội lý tưởng mà các con vật sẽ tạo ra nếu con người bị lật đổ) và Vladimir Lenin (ở điều cái đầu lâu của nó được đặt ở một nơi trưng bày công cộng được tôn trọng, như xác ướp của Lenin). Tuy nhiên, theo Christopher Hitchens: "các tính chất cá nhân của Lenin và Trotsky được tổng hợp vào trong một nhân vật [Snowball], hay, nó thậm chí có thể nói, hoàn toàn không có Lenin."[4]

·Chú lợn Napoleon: Một con lợn đực Berkshire hung dữ, chú lợn Berkshire duy nhất tại trang trại, không phải là một nhân vật chỉ nói phét, mà với một danh tiếng vì đi theo con đường riêng của mình", Napoleon là kẻ bạo chúa và hung ác chính duy nhất của Trại súc vật. Nó bắt đầu dần xây dựng quyền lực, sử dụng những con chó con bị bắt đi khỏi bố mẹ, những con chó Jessie và Bluebell, và nuôi dạy chúng trở thành những con chó hung ác, như cảnh sát mật của mình. Sau khi đuổi Snowball khỏi trang trại, Napoleon nắm quyền lực tuyệt đối, sử dụng tuyên truyền giả tạo của Squealer và đe doạ cùng sự doạ dẫm của các con chó để giữ các con vật khác tuân theo luật lệ.

·Trong số những điều khác, nó dần thay đổi các điều răn để mang lợi cho mình. Tới cuối cuốn sách, Napoleon và những con lợn đồng minh của nó đã học đứng thẳng và bắt đầu hành động như con người là cái ban đầu đã khiến chúng nổi dậy.: Trong phiên bản tiếng Pháp đầu tiên của Trại súc vật, Napoleon được gọi là César, cách đọc tiếng Pháp của Caesar,[6] dù bản dịch khác gọi nó là Napoléon.

·Chú lợn Snowball: Đối thủ của Napoleon và ban đầu là lãnh đạo của trang trại sau khi Jones bị lật đổ. Có lẽ nó là sự ám chỉ tới Leon Trotsky, dù theo ý kiến của Orwell về Trotsky nó có thể được coi là sự đại diện của những người Menshevik. Nó được hầu hết các con vật ủng hộ và tin tưởng vì đã lãnh đạo mang lại một vụ mùa bội thu đầu tiên, nhưng đã bị Napoleon đuổi khỏi trang trại. Snowball đã lãnh đạo những công việc hiệu quả cho trang trại và các con vật và có những kế hoạch nhằm giúp các con vật đạt được một xã hội quân bình không tưởng, nhưng Napoleon và những con chó của nó đã đuổi Snowball khỏi trang trại, và Napoleon tung ra những tin đồn khiến Snowball trở thành ma quỷ, tham nhũng và nó đã bí mật phá hoại những nỗ lực của các con vật nhằm cải thiện trang trại.

·Chú lợn Squealer: Một con lợn thịt nhỏ, trắng, béo là cánh tay phải của Napoleon và là bộ trưởng tuyên truyền. Squealer đã sử dụng ngôn ngữ để giải thích, bào chữa và tán dương mọi hành động của Napoleon. Squealer hạn chế tranh luận bằng cách làm nó trở nên phức tạp và nó từ chối và làm mất phương hướng, ví dụ nó đưa ra tuyên bố rằng những con lợn cần các đồ xa xỉ nhằm làm việc một cách hiệu quả. Tuy nhiên, khi các vấn đề vẫn cứ tồn tại dai dẳng, nó thường sử dụng cách đe doạ sự quay trở lại của Ông Jones, người chủ cũ của trang trại, để bào chữa cho những ưu tiên dành cho loài lợn.


Squealer sử dụng những chiến thuật để thuyết phục các con vật rằng cuộc sống đang ngày càng tốt lên. Đa số các con vật chỉ có quá khứ mờ nhạt về đời sống trước cách mạng; vì thế, chúng đã tin tưởng. Cuối cùng, nó là con vật đầu tiên đi bằng hai chân sau.

·Ba chú heo con trong truyện cổ tích cùng tên. Ba chú heo con phải rời lợn mẹ ra ở riêng. Chú heo con đầu tiên xây một ngôi nhà bằng rơm, nhưng con sói đã thổi bay ngôi nhà và ăn thịt chú. Chú heo con thứ hai xây một ngôi nhà bằng gỗ cây kim tước, nhưng cũng bị sói thổi bay nhà rồi ăn thịt. Đến chú heo thứ ba, xây ngôi nhà bằng gạch, vì vậy con sói không thể thổi đổ được. Nó bèn nghĩ kế lừa chú heo ra khỏi nhà bằng cách hẹn gặp chú ở nhiều nơi khác nhau, nhưng lần nào cũng thất bại. Cuối cùng, nó phải trèo vào nhà qua đường ống khói, rơi vào cái vạc toàn nước sôi của chú heo. Heo liền đậy nắp lại, nấu chín rồi ăn thịt sói.

Một số thành ngữ liên quan đến lợn/ heo trong dân gian

Ngoài ra, người ta cũng dùng từ liên quan đến hình ảnh của con lợn để chỉ một số khía cạnh trong cuộc sống như:

·Lợn lành thành lợn què;

·Trông mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo bộ lòng mới ngon;

·Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi;

·Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng;

·Nuôi heo thì phải vớt bèo/Lấy vợ thì phải nợp cheo cho làng;

·Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong;

·Lợn cấn ăn cám tốn (đối lại với câu: Chó khôn chớ cắn càn);

·Lợn cưới áo mới: Khoe đồ đẹp;

·Lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa;

·Chăn lợn ba năm không bằng chăn tằm một lứa;

·Ba bà đi bán lợn con, lon ton chạy về/ba bà đi bán lợn sề, chạy về lon ton

·Đầu gà, má lợn;

·Giàu nuôi chó, khó nuôi heo;

·Hùm nằm cho lợn liếm lông;

·Người ta thách lợn, thách gà/ Nhà em thách cưới, một nhà khoai lang;

·Đồ con lợn như là một câu chửi;

·Con lợn da trắng dùng để chửi những người phương Tây da trắng;

·Mập như heo chế diễu một ai đó mập;

·[Háu] ăn như heo: Chế diễu ai đó ham ăn;

·Tuồng chó lợn hay phường chó lợn: Câu chỉ sự khinh mạn;

·Phim heo tên gọi chỉ về những bộ phim có nội dung đồi trụy;

·Lợn chê chó có bọ;

·Lợn không cào, chó nào sủa.

Đóng góp to lớn của lợn/ heo trong y học

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học đã sử dụng các chú lợn trong một số lĩnh vực nghiên cứu y học như chuyên ngành da liễu, tim mạch, cấy ghép tạng. Gần đây, các nhà khoa học còn có thể tái phát triển cơ bắp ở chân người bằng cách sử dụng mô cấy được làm từ mô bàng quang của lợn. Lợn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm các nghiên cứu nông nghiệp và y sinh học qua nhiều thế kỷ do giữa lợn và con người có nhiều điểm tương đồng và giống nhau trong hoạt động sinh y học cơ thể có thể phục vụ cho nghiên cứu y học.


Nghiên cứu các tế bào não lợn trong các bệnh về não của con người.

Đặc điểm tương đồng giữa lợn và người

Về giải phẫu và chức năng nhiều hệ thống cơ quan nội tạng

Nhiều nhà nghiên cứu y học cho thấy “Nếu một cái gì đó hoạt động được ở lợn, thì nó có khả năng làm việc tốt trong con người”. Điều này chỉ ra rằng, bất chấp có nhiều sự khác biệt về nhiều phương diện, nhưng nhiều hệ thống sinh lý học của lợn rất giống với hệ thống sinh lý học của cơ thể chúng ta.


TS. Michael Swindle, nhà nghiên cứu thú y Mỹ và là tác giả của chuyên đề “Lợn trong phòng thí nghiệm” cho biết: “Nhiều hệ thống cơ quan nội tạng của lợn 80 - 90% tương tự như các hệ thống tương ứng ở người cả về giải phẫu và chức năng hoạt động. Hệ thống cơ quan phù hợp nhất có thể là hệ thống tim mạch, vì tim của lợn có kích thước và hình dạng giống như trái tim con người.

Thận của lợn có thể so sánh tương đồng về kích thước và chức năng với thận của con người, vì lý do đó thận của lợn được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu liên quan với thận của con người.


Về chế độ ăn uống

Cả con người và lợn đều ăn thịt và thực vật để tồn tại. TS. Michael Swindle, nhà nghiên cứu thú y nói: “Các chú lợn có thể ăn và uống bất cứ thứ gì. Vì điều này, sinh lý học của quá trình tiêu hóa và trao đổi chất trong gan cũng tương tự như con người. Lợn được sử dụng trong rất nhiều loại nghiên cứu liên quan chế độ ăn uống, cũng như nghiên cứu hấp thu bằng đường uống của thuốc mới thử nghiệm”.

Về một số cơ chế bệnh sinh

Lợn phát triển tình trạng xơ vữa động mạch, giống như cơ chế hình thành mảng xơ vữa ở con người và hậu quả của tình trạng tắc hẹp mạch máu do xơ vữa động mạch cũng tương tự như thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim ở người.

Vì những điểm tương đồng này, các nhà khoa học từ lâu đã sử dụng lợn để thử nghiệm các thiết bị catheter can thiệp tim mạch và các phương pháp phẫu thuật tim mạch, cũng như để tìm hiểu cách thức hoạt động sinh lý của tim nói chung.

Đặc biệt, các mô có nguồn gốc từ tim lợn đã được sử dụng để thay thế van tim bị khiếm khuyết ở người, có thể kéo dài tồn tại hơn 15 năm trong cơ thể con người.


Lợn được sử dụng trong các nghiên cứu y học nào?

Nghiên cứu cấy ghép cơ quan nội tạng:Tình trạng thiếu tạng người ngày càng tăng, lợn đã được coi là những “người hiến tạng” tim và phổi tiềm năng cho con người.

TS. Soon Park, Trưởng khoa Phẫu thuật tim ở Trung tâm Y tế BV Đại học Cleveland, Mỹ cho biết: “Đối với một nguồn nội tạng khác, nếu bạn sử dụng một loài khác, chúng phải có số lượng lớn và phải được chấp nhận về mặt đạo đức. Giống như khỉ đầu chó, có thể gần gũi con người hơn so với lợn, nhưng có một số vấn đề đạo đức đặt ra, vì vậy khỉ đầu chó có thể không được chấp nhận để sử dụng. Khỉ đầu chó cũng khó tăng lên với số lượng lớn”.

Nghiên cứu chuyên ngành điều trị bỏng và thẩm mỹ da

Da lợn đã là một trong những mô hình phẫu thuật thẩm mỹ tiêu chuẩn trong nhiều thập kỷ, vì vết thương trên da của lợn được chữa lành tương tự như da của con người. Các nhà nghiên cứu y học đã thành công trong việc dùng da lợn để che phủ tạm thời các vết bỏng cho đến khi da của bệnh nhân tái tạo trở lại. Người ta dùng da lợn tạo thành lớp áo phủ lên vết bỏng trong khoảng 2-3 tuần trước khi cơ thể đào thải và có tác dụng ngăn chặn các biến chứng. Sau đó, sử dụng một kỹ thuật rất phổ biến là nuôi những mảnh da có bề dày khác nhau từ tế bào da của chính bệnh nhân.


Nghiên cứu điều trị bệnh đái tháo đường

Trong quá khứ, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường cần tiêm insulin hàng ngày đã sử dụng chất chiết xuất từ insulin của lợn mãi cho đến những năm 1980, khi các nhà sản xuất bắt đầu sản xuất insulin sinh tổng hợp thông qua công nghệ DNA tái tổ hợp. Các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy của lợn tương tự như của con người, do đó một số lượng đáng kể nghiên cứu về bệnh đái tháo đường đã nhằm mục đích cô lập và khai thác các tế bào tụy của lợn để phục vụ điều trị trong tương lai.


Nghiên cứu thử nghiệm độc lực và tác dụng của thuốc mới:

Những con lợn thu nhỏ được phát triển vào những năm 1950 và đã được chọn lọc cho các nghiên cứu dược lý. Lợn thu nhỏ kích thước đã được sử dụng như một loài mới không phải sử dụng loài gặm nhấm trong thử nghiệm độc tính dược lý.

Kích thước của lợn thu nhỏ được coi là một lợi thế cho các nhà nghiên cứu về mục đích đánh giá và kiểm tra các hóa chất và thuốc, vì trọng lượng cơ thể ảnh hưởng đến liều lượng và các thuốc thử có thể không có sẵn với số lượng lớn.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), lợn đã trở thành mô hình động vật phổ biến sử dụng trong nghiên cứu y học, một phần bởi vì “hầu hết mọi người ít có gắn bó tình cảm với lợn” và vì vậy lợn được sử dụng làm công cụ nghiên cứu khoa học nói chung là chấp nhận được đối với khoa học và phù hợp với phạm trù đạo đức. Việc sử dụng lợn cho nghiên cứu y học càng được củng cố do một phần lợn được xem như một con vật cung ứng thực phẩm cho chúng ta hàng ngày.

Việc sử dụng lợn trong nghiên cứu có thể tăng lên nhanh trong tương lai gần khi lợn được xem như là một thay thế cho các động vật không phải loài gặm nhấm khác, cả chó mèo - là những động vật nuôi trong nhà đồng hành và có tình cảm gần gũi với con người.


Hiện nay, một số bệnh lý và nhiễm trùng có liên quan đến lợn và các chế phẩm từ lợn đang là mối quan ngại cho sức khỏe động vật (tiêu chảy châu Phi) và sức khỏe con người, do vậy việc tiêu dùng thịt lợn và ăn các chế phẩm thịt lợn là cần các khâu kiểm tra, giám sát thật cẩn thận để tránh các tác hại lên sức khỏe của cộn đồng và gia đình.

Ngày 29/05/2019
HQ
(Tổng hợp)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích