Cần quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp
Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân cũng như môi trường hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng.Bệnh ký sinh thường gặp có một số đặc điểm giống nhau về đường lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ nên được chia theo nhóm bệnh như bệnh giun truyền qua đất bao gồm giun đũa, giun móc, giun tóc; bệnh sán truyền qua thức ăn như sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột; bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo, bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun lươn, giun xoắn; ngoài ra còn một số bệnh nấm, đơn bào khác như đơn bào đường ruột, đơn bào đường sinh dục như Amip, Giardia, Trichomonas. Một số do nấm như nấm da, nấm lông, tóc, nấm ở các phủ tạng do candida.... Nhiễm giun truyền qua đất kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của con người, ảnh hưởng đến quá trình học tập và làm việc, gây cản trở tới sự phát triển kinh tế- xã hội. Nhiễm giun còn gây ra các biến chứng tại gan, mật, phổi, gây tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột, giun chui ống mật, giun chui ruột thừa ảnh hưởng đến sức khỏe lao đông và sinh hoạt của người bệnh. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhiễm giun truyền qua đất ảnh hưởng tới quá trình mang thai, nhiễm giun gây thiếu máu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi và trẻ sau khi được sinh ra, có thể gây đẻ non, trẻ thiếu cân, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Nhiễm giun lươn nặng, nhiễm giun lươn lan tỏa gây suy đa phủ tạng và có thể tử vong.Bệnh sán lá gan nhỏ gây viêm đường mật, viêm túi mật, gây sỏi mật, xơ gan, xơ hóa đường mật.Bệnh do ký sinh trùng có thê gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hóa ở người; gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, thể lực, phát triển cơ thể. Bệnh ký sinh trùng gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe người dân, tác động xấu tới sức khỏe cộng đông và gây ra những gánh nặng bệnh tật.
Hình ảnh một số loại giun sán ký sinh trùng đường ruột
Tại Quảng Trị, xác định mức độ mà bệnh ký sinh trùng thường gặp gây ra cho cộng đồng, trong những năm qua ngành y tế thông qua các chiến dịch uống vitamin A và tẩy giun cho trẻ trong độ tuổi từ 24-60 tháng (2 đợt/1 năm) đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức thích hợp như họp dân, tư vấn khi thăm khám và cho trẻ uống thuốc, dựng các panno tại các địa điểm đông người qua lại, phát tờ rơi, loa địa phương… cho hàng trăm ngàn lượt người biết cách phòng chống bệnh. Điều tra cho biết tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất trong cộng đồng từ 16,8-23,4 % tùy theo nhóm tuổi và vùng miền. Phối hợp với Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Quy nhơn điều tra tại xã Ta Long (huyện Đakrông) cho thấy tỷ lệ sán lá gan nhỏ khoảng 8%. Ngoài ra, cùng với Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét–Ký sinh trùng–Côn trùng Quy Nhơn điều tra tỷ lệ nhiễm giun chỉ bạch huyết tại Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh), điều tra sán lá phổi tại xã Thuận (huyện Hướng Hóa) cho thấy tỷ lệ nhiễm không đáng kể. Bên cạnh đó, ngành y tế còn hợp tác với các tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn như World Vision thực hiện các chiến dịch tẩy giun cho trẻ em trong độ tuổi học đường tại các xã vùng ven biển huyện Hải Lăng.
Chu kỳ lây nhiễm giun đường ruột
Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên các hoạt động giám sát và phòng chống các bệnh ký sinh trùng thường gặp chưa triển khai trên diện rộng cả về quy mô cũng như đối tượng và địa bàn. Một số bệnh như giun chó mèo, giun lươn, giun xoắn, sán, nấm … thường được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị hay tuyến Trung ương. Vật tư và nhân lực phục vụ cho các hoạt động bao gồm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh lý ký sinh trùngcòn hạn chế.Công tác thống kê báo cáo không liên tục và hệ thống vì thiếu sự hướng dẫn của tuyến trên.Các chiến lược và giải pháp phòng chống các bệnh ký sinh trùng thường gặp không được thực hiện một cách đồng bộ trong một thời gian dài. Nguyên nhân của tình hình triển khai các hoạt động phòng chống bệnh ký sinh trùng gặp khó khăn trong thời gian qua là do bệnh ký sinh trùng gồm nhiều loại, phân bổ rộng rãi nhưng không đồng đều, tính chất bệnh đa dạng phụ thuộc vào các vùng sinh thái khác nhau và tính chất xã hội của từng vùng, miền nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Hệ thống phòng chống bệnh ký sinh trùng từ tuyến tỉnh, huyện, xã yếu và chưa thống nhất. Trình độ chuyên môn và trang bị kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng còn rất hạn chế trong hệ thống chuyên khoa sót rét- ký sinh trùng- côn trùng. Các địa phương trong quá trình kiện toàn trong hệ thống y tế dự phòng nên nguồn lực, cơ cấu tổ chức bị xáo trộn, thay đổi nhiều cán bộ không có chuyên môn nên có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống bệnh sốt rét, ký sinh trùng.Lực lượng chuyên môn về ký sinh trùng thiếu và yếu. Thiếu các văn bản hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ về ký sinh trùng, chưa có kế hoạch hoạt động trong từng giai đoạn, của từng tuyến để làm cơ sở triển khai thực hiện. Thiếu trang bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động điều tra, lập bản đồ dịch tể, chẩn đoán và điều trị. Bệnh ký sinh trùng thường diễn biến âm thầm, kéo dài nên ít được quan tâm, chú ý. Điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường trong nhà trường ở vùng nông thôn và miền núi còn khó khăn làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và hạn chế hiệu quả phòng chống. Công tác truyền thông về các bệnh ký sinh trùng chưa thường xuyên và sâu rộng nên việc thay đổi hành vi, nhận thức về phòng chống bệnh giun gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực đầu tư từ Nhà nước ở tất cả các tuyến còn hạn chế, sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế chủ yếu là kỹ thuật, mang tính thí điểm, kích hoạt nên phạm vi hẹp, ít bền vững và mang tính lâu dài. Xác định mức độ lưu hành bệnh và các hậu quả do các bệnh ký sinh trùng gây ra cho người dân và cộng đồng trong thời gian tới và làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện, Bộ Y tế vừa ra Quyết định 1744/QĐ-BYT ngày 30/3/2021 ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tổng quát là làm giảm gánh nặng bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam, tập trung ưu tiên tại các vùng dịch tể của bệnh góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng với các giải pháp sau đây:Trước mắt, bổ sung và ban hành các chính sách, chế độ, quy định liên quan đến lĩnh vực phòng chống làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện. Xác định cơ cấu và bố trí đầy đủ cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực ký sinh trùng. Huy động và bố trí nguồn lực cho các tuyến, phối hợp liên ngành trong phòng chống các bệnh ký sinh trùng. Tổ chức điều tra, điều trị, xác định mức độ và cường độ nhiễm của từng loại bệnh ký sinh trùng và vẽ bản đồ dịch tể phân bố các bệnh trên địa bàn. Rà soát và cập nhật các phác đồ hướng dẫn, điều trị và phòng chống bệnh ký sinh trùng trên phạm vi quốc gia. Nâng cao năng lực chuyên môn về xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh lý ký sinh trùng tại các cơ sở điều trị cho các tuyến. Đẩy mạnh hoạt động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, an toàn, hiệu quả, đúng phác đồ quy định. Tập trung ưu tiên can thiệp vào các bệnh và các nhóm có nguy cơ cao tại cộng đồng thông qua các chiến dịch tẩy giun, sán. Nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân và cộng đồng bằng các hình thức truyền thông đa dạng như pano, áp phích, tờ rơi, khẩu hiệu, phát thanh, truyền hình, họp dân, bài giảng ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề, các vở kịch vui.... phù hợp với từng đối tượng và từng vùng miền. Đào tạo và đào tạo lại mạng lưới và tăng cường mạng lưới xét nghiệm cho các tuyến. Thực hiện xã hội hóa công tác phòng chống ký sinh trùng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và người dân. Để việc phòng chống các bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn mang tính bền vững và sâu rộng trong thời gian đến thiết nghĩ chính quyền các cấp cần đầu tư nguồn lực thích đáng cho các tuyến, chỉ đạo ngành y tế và các ban ngành, liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở cho các đơn vị y tế và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai có tính tổng thể, toàn diện nhằm làm giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh ký sinh trùng, giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
|