PGS.TS.TTND.Nguyễn Văn Chương: Suy ngẫm và tự hào với những cống hiến của bản thân
Sắp đến ngày Kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (8/3/1977-8/3/2022), bản thân tôi lại trào dâng bao nhiêu hồi ức và kỷ niệm về những năm tháng làm việc, cống hiến và xây dựng đơn vị. Đã 33 năm trôi qua, từ khi ra trường, tôi được nhận công tác tại Phân Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn-Một khoảng thời gian không dài và cũng không ngắn. Chừng đấy thôi cũng đủ để suy ngẫm, tự hào và gắn bó với đơn vị. Năm 1989, tôi cùng 5 bác sĩ mới ra trường từ Đại học Y Hà Nội và Đại học Y khoa Huế được Phân Viện trưởng BS.Bùi Đình Bái nhận về đơn vị gồm BS Đồng, BS Hoàng, BS San, BS Gián, BS Khá được phân về 2 khoa Dịch tễ, Nghiên cứu lâm sàng và điều trị làm chuyên môn sốt rét. Riêng tôi được giao nghiên cứu phòng chống các bệnh giun sán. Các Bác sĩ về các khoa Dịch tễ và nghiên cứu lâm sàng, điều trị đều đã có trong tổ chức của Phân Viện. Riêng Tổ Ký sinh trùng đường ruột bắt đầu manh nha thành lập, trước đó có 2 Bác sĩ Đức và BS Tùng được phân công nhưng một thời gian ngắn đã xin chuyển đi đơn vị khác. Tổ Ký sinh trùng đường ruột bắt đầu được thành lập với biên chế 3 người trực thuộc Phòng Nghiên cứu gồm Tôi là tổ trưởng và 2 kỹ thuật viên làm tổ viên.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chương với danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huy hiệu: “ Thầy thuốc Nhân dân” cho PGS.TS Nguyễn Văn Chương Bản thân tôi và KTV Bùi Văn Tuấn nhanh chóng được cử đi Hà Nội để học thêm về chuyên ngành giun sán. Sau 3 tháng trở về, Tổ Ký sinh trùng đường ruột bắt đầu hoạt động với kinh phí tự cấp của Viện. Qua nhiều năm điều tra cơ bản, số liệu về sự phân bố các bệnh giun sán ở một số tỉnh khu vực miền Trung được hoàn thành. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã phát hiện ra ổ bệnh sán lá gan nhỏ tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, để xác định vật chủ trung gian và loài sán lá gan nhỏ cần có thời gian và kỹ thuật thu hồi mẫu vật ở động vật và người để định loại. Trải qua nhiều đợt công tác, chúng tôi đã cần mẫn thu hồi xét nghiệm hàng nghìn mẫu phân, mổ hàng ngàn con ốc, các loại cá nước ngọt, hàng chục con mèo, con chó để tìm trứng, ấu trùng sán và sán trưởng thành ở các vật chủ để định loại, đồng thời nuôi cấy trứng sán và gây nhiễm sán cho mèo non để so sánh định loại. Sau 4 năm nghiên cứu theo dõi chúng tôi đã phát hiện xác định loài sán lá gan nhỏ mới tại khu vực miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung là loài Opisthochis viverrini. Công trình này tôi đã báo cáo và bảo vệ Luận án Tiến sĩ Y học tại Đại học Y Hà Nội năm 2000. Tôi nhớ lại trong buổi bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc gia, Hội đồng Chấm luận án đã đánh giá Luận án đạt điểm giỏi, Hội đồng khuyên tôi nên làm thủ tục đề nghị Quốc gia xác nhận Bằng sáng chế vì đã phát hiện ra loài sán lá gan nhỏ mới Opisthorchis viverrini ở Việt Nam (Việt Nam trước đó chỉ phát hiện loài sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis ở miền Bắc). Lúc đó tôi đồng ý, nhưng sau khi về đơn vị, công việc cuốn hút nên không nghĩ đến và quên luôn. | PGS.TS. Nguyễn Văn Chương- Phó Viện trưởng đang khám và điều trị cho người dân tại cộng đồng |
Năm 2000, sau khi bảo vệ Luận án Tiến sĩ, tôi trở về Phân viện tiếp tục nghiên cứu về bệnh sán lá gan lớn. Lúc này một số bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn vào TP Hồ Chí Minh xét nghiệm và được GS.Trần Vinh Hiển cảnh báo cho tôi để nghiên cứu. Thế rồi trong chuyến công tác của PGS.TS Lê Khánh Thuận chấm Luận án của Ths Nguyễn Xuân Quang, tôi và CN Bùi Văn Tuấn đã lên đường cùng Viện trưởng vào Đại học Y TP Hồ Chí Minh học kỹ thuật xét nghiệm ELISA dưới sự giúp đỡ của GS Trần Thị Kim Dung. Ngay trong năm 2001, khoa Ký sinh trùng đã áp dụng kỹ thuật miễn dịch ELISA để chẩn đoán phát hiện bệnh sán lá gan lớn. Lúc đấy tôi và GS Nguyễn Văn Đề đã cùng nhau thử nghiệm thuốc Triclabendazole (biệt dược Egaten 250 mg; loại thuốc của Tổ chức Y tế thế giới cung cấp). Trong thời điểm này có khá nhiều bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn ở tỉnh Bình Định được tôi trực tiếp điều trị miễn phí và đạt hiệu quả rất tốt. Câu chuyện đưa ra trong các cuộc họp của Viện là cần phải thành lập ngay phòng Khám chuyên khoa để thu dung bệnh nhân điều trị. | PGS.TS. Nguyễn Văn Chương bảo vệ cơ sở đề tài cấp Bộ về Sán lá gan lớn
PGS.TS. Nguyễn Văn Chương khám chữa bệnh cho người dân tại thực địa
PGS.TS. Nguyễn Văn Chương khám chữa bệnh cho người dân tại Phòng khám Viện
|
Vâng một ý tưởng của bản thân tôi đề xuất đã được PGS.TS Triệu Nguyên Trung lúc đó thay PGS.Lê Khánh Thuận làm Viện trưởng ủng hộ và chỉ đạo làm thủ tục xin Bộ Y tế cho phép mở Phòng Khám chuyên khoa. Năm 2004, Phòng Khám chuyên khoa Ký sinh trùng của Viện được thành lập, bản thân Tôi được Viện trưởng chỉ định kiêm Trưởng phòng Khám chuyên khoa. Phòng Khám lúc mới thành lập chỉ có 6 người, mẫu máu vẫn do khoa Ký sinh trùng xét nghiệm chuyển kết quả cho Phòng Khám. Lúc này tôi đóng 2 vai, vừa Trưởng khoa Ký sinh trùng vừa kiêm Trưởng phòng Khám. Lúc đầu mới thành lập, mỗi ngày khoảng 10 bệnh nhân đến khám và điều trị, sau dần uy tín hiệu quả tăng lên 20, 30,50 bệnh nhân. Câu chuyện điều trị không chỉ dừng ở bệnh sán lá gan lớn mà mở rộng thêm các bệnh ký sinh trùng khác như giun lươn, ấu trùng sán dây lợn, giun đầu gai, lỵ amip. Sự uy tín và hiệu quả điều trị của phòng Khám ngày càng tăng mạnh. Lãnh đạo Viện đã thành lập thêm các bộ phận phụ trợ như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng lên nhanh chóng, bệnh nhân không những trong tỉnh Bình Định, mà nhiều bệnh nhân từ rất nhiều tỉnh về khám và điều trị. | Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn |
Năm 2012, tôi được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng thay cho PGS.TS Triệu Nguyên Trung. Ngoài công tác hàng tháng xuống các vùng sâu, vùng xa chỉ đạo quyết liệt phòng chống sốt rét, bản thân luôn chú trọng chỉ đạo, giao ban hàng tháng về công tác khám chữa bệnh. Tôi đã tiếp tục mở rộng chẩn đoán và các bệnh ấu trùng giun đũa/ chó mèo, xét nghiệm vi khuẩn Hp dạ dày, các bệnh viêm gan, các dị nguyên gây dị ứng, nội soi tiêu hóa. Các kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử, nội soi dạ dày, siêu âm, chụp Xquang...được áp dụng trong công tác điều trị. Hàng tháng, bản thân luôn kiểm tra, giao ban nhắc nhở động viên cán bộ tham gia khám chữa bệnh thực hiện tốt y đức của người Thầy thuốc. Công tác khám chữa bệnh của Viện đã trở thành thương hiệu và uy tín trên cả nước, vào thời cao điểm 800-900 bệnh nhân một ngày.
Đến nay, PGS.TS Hồ Văn Hoàng thay tôi làm Viện trưởng tiếp tục duy trì và phát triển phòng Khám chuyên khoa hoạt động có hiệu quả và chất lượng. Ngoài công tác nghiên cứu về các bệnh giun sán cũng như xây dựng phòng Khám chuyên khoa hoạt động có hiệu quả, tôi còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như giảng dạy đào tạo; đặc biệt được đoàn viên công đoàn tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn 7 nhiệm kỳ (1993- 2010). 17 năm kiêm thêm chức Chủ tịch Công đoàn, tôi luôn gắn bó với tập thể đoàn viên. Nhiều phong trào đoàn thể luôn được tổ chức kịp thời, nhiều cuộc giao lưu Văn nghệ, thể dục thể thao vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên được tổ chức. Bản thân đã bàn bạc trong Lãnh đạo Viện xin kinh phí của Bộ để xây dựng Nhà thi đấu thể thao tại khuôn viên của Viện. Hàng năm những giao lưu thể thao nội bộ giữa các khoa/phòng, các đơn vị y tế trung ương, địa phương được tổ chức tại Viện. Viện luôn đạt thành tích đứng đầu trong 14 lần giao lưu giữa các đơn vị Trung ương tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Có thể nói phong trào Đoàn thể từ Đoàn Thanh niên, Phụ nữ và Công đoàn luôn được bản thân và Đảng ủy Viện quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động. Nhận thức rõ điều này, mọi sân chơi, mọi phong trào Đoàn thể luôn được bản thân chỉ đạo sâu sát, tạo không khí thi đua sôi nổi, tạo mối đoàn kết gắn bó trong đơn vị: phong trào thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, học tập ngoại ngữ, phong trào từ thiện, hiến máu nhân đạo, phong trào nữ công; văn nghệ quần chúng, du lịch trong và ngoài nước.... Trong công tác chỉ đạo tuyến luôn được đặt lên hàng đầu; bản thân luôn có kế hoạch hàng tháng kiểm tra, giám sát công tác phòng chống sốt rét và các bệnh côn trùng, ký sinh trùng truyền bệnh trên địa bàn 15 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Những chuyến đi công tác tới những vùng sâu, vùng xa chia sẻ thông tin, động viên cán bộ tuyến dưới, chỉ đạo kịp thời những hoạt động chương trình, dự án luôn để lại những ấn tượng đẹp và hiệu quả công việc. Bản thân đã cùng với Ban Dự án của Viện tổ chức nhiều lớp tập huấn, mở nhiều cuộc Hội thảo của Quỹ toàn cầu, của Dự án phòng chống sốt rét Quốc gia cho các tỉnh trong khu vực. Kết quả tình hình sốt rét khu vực miền Trung-Tây Nguyên giai đoạn 2012-2019 đã giảm rất mạnh về các chỉ số, không có dịch sốt rét xảy ra, từng bước thực hiện lộ trình phòng chống và loại trừ sốt rét. Vinh dự thay, sau khi nghỉ quản lý đơn vị vào tháng 8/2019, tôi được PGS.TS Hồ Văn Hoàng - Viện trưởng đã bố trí cho tôi tiếp tục được tham gia công tác khám chữa bệnh tại Viện, tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đây là niềm vui và đam mê được cống hiến và làm những điều ấp ủ khi nghiên cứu sâu về các bệnh ký sinh trùng. PGS.TS. Nguyễn Văn Chương tận tâm, nhiệt tình với công việc để góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân Đầu năm 2022, một vinh dự nữa lại đến với Tôi, tôi đã được nhận: “ Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng”. Trong suốt 40 năm qua từ khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi đã không ngừng rèn luyện, không ngừng nâng cao năng lực làm việc, năng lực quản lý với nhiều năm làm Bí thư chi bộ, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Trưởng khoa, Chủ tịch Công đoàn; xây dựng Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn đoàn kết phát triển toàn diện về chuyên môn, phát triển Đảng (từ 5 chi bộ thành 10 chi bộ; từ 70 Đảng viên thành 95 đảng viên); thực hiện công tác đào tạo nguồn lực cho ngành Y tế (Hiệu trưởng Trường trung cấp Xét nghiệm của Viện từ khóa 32 đến khóa 38); tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao (06TS; 40ThS, 20 CN); cải thiện đời sống cho cán bộ thu nhập từ 1,6-1,8 lần tiền lương; xây dựng cơ sở vật chất cho Viện khang trang, Xanh, sạch đẹp. Tổ chức nhiều phong trào thi đua cho Công đoàn, Phụ nữ, Đoàn thanh niên về văn nghệ thể thao, Sinh hoạt khoa học, du lịch nghỉ mát trong và ngoài nước; tổ chức nhiều đợt từ thiện,xây dựng nhà tình nghĩa. Đặc biệt xây dựng mối đoàn kết thật sự trong Đảng, trong đơn vị, mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức và các đơn vị trong và ngoài nước; Quy hoạch đội ngũ cán bộ lâu dài chất lượng; bàn giao cơ sở vật chất và kinh phí đầy đủ cho Viện trưởng mới. Trong thời gian công tác, bản thân và đơn vị được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, bằng khen cho tập thể và cá nhân. Tổ chức Kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển Viện trang trọng và ấn tượng. Xây dựng cải tạo khu khám bệnh đạt tiêu chuẩn ISO, xây dựng khu nhà khách và Tượng đài Anh hùng Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ; bàn giao cho Viện trưởng một Đội ngũ cán bộ hùng hậu có năng lực, trình độ kèm theo kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đảng Bộ nhiều năm liền đạt Danh hiệu Trong sạch, vững mạnh. PGS.TS. Nguyễn Văn Chương tham gia đào tạo cán bộ Đại học và Sau đại học tại Viện và các trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Hà Nội, Học Viện Quân Y, Đại học Tây Nguyên, Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương
PGS.TS Nguyễn Văn Chương-Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn vinh dự nhận chức danh phó giáo sư năm 2014
| Năm 2019, PGS.TS.Nguyễn Văn Chương được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba
PGS.TS Hồ Văn Hoàng,Viện trưởng trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và tặng hoa chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Văn Chương
|
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, chỉ còn gần một tháng nữa, Viện sẽ tổ chức Kỷ niệm 45 năm thành lập Viện (08/3/1977- 08/3/2022), những ký ức và suy ngẫm trong Tôi về sự phát triển không ngừng của Viện luôn hiện lên và nhắc nhở Tôi phải có trách nhiệm và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng với danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
|