|
Nhật ký Đặng Thùy Trâm |
Nhật ký Đặng Thùy Trâm được Đạo diễn Đặng Nhật Minh thực hiện phim “Đừng đốt ! Trong này đã có lửa” sắp hoàn thành
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh đều có quê quán tại thành phố Huế, cùng mang họ Đặng và thân sinh ra họ đều là những người thầy thuốc (Bác sĩ Ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê và Anh hùng lao động-Liệt sĩ-Giáo sư-Bác sĩ Đặng Văn Ngữ). Do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một đồng cảm nào đó, Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã và đang thực hiện bộ phim dự kiến mang tên “Đừng đốt, ! Trong này đã có lửa”, một tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành mà rất nhiều người đã được đọc vì nó là một sự kiện chính trị lớn của năm 2005. Nhật ký Đặng Thùy Trâm và tên phim “Đừng đốt ! Trong này đã có lửa”Trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm, phần viết Câu chuyện về những tấm lòng của chị Đặng Kim Trâm, người em gái của Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã thuật lại từ những thông tin chị có được: Frederic Whitehurst, thường gọi là Fred, Tiến sĩ Luật, Tiến sĩ Hóa học, Họa sĩ, Cựu chuyên gia cao cấp về chất nổ của FBI (Cục điều tra Liên bang Mỹ); trước đây là một sĩ quan quân tình báo Mỹ tham chiến ở chiến trường huyện Đức phổ, tỉnh Quãng Ngãi từ năm 1969 đến 1971. Trong chiến tranh, nhiệm vụ của Fred là thu thập các thông tin, tài liệu có giá trị quân sự để phân tích tình hình, truy tìm dấu tích quân Giải phóng, định hướng tập kích hay càn quét. Theo quy định của quân đội Mỹ, mọi tài liệu của địch thu thập trên chiến trường phải chuyển lại cho bộ phận quân báo nghiên cứu. Hôm đó Fred thu nhặt được rất nhiều tài liệu. Cùng với thông dịch viên người Việt, Fred chọn lọc các tài liệu có giá trị quân sự, số còn lại họ vứt vào đống lửa để thiêu hủy. Fred đang đốt những tài liệu loại bỏ thì Thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu là người Sài gòn, phiên dịch tiếng Anh cho Đơn vị Tình báo quân sự số 635 của quân đội Mỹ biên chế bên cạnh Lữ đoàn Bộ binh số 11, Sư đoàn Bộ binh 23 cầm một cuốn sổ nhỏ đến bên cạnh anh và nói: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này. Bản thân trong nó đã có lửa rồi”. Fred chưa hiểu đó là cuốn sổ gì, nhưng vẻ xúc động của Hiếu và việc Hiếu có thể kính trọng cả đối phương tác động rất mạnh đến anh, Fred bỏ cuốn sổ vào túi. Rồi như một định mệnh, mấy tháng sau, Fred nhận được cuốn nhật ký thứ hai cũng do Nguyễn Trung Hiếu đem về. Cả hai cuốn nhật ký này là của Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được Fred bảo quản, lưu giữ qua thời gian khá lâu trước khi chuyển lại cho gia đình. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và đã anh dũng hy sinh vào ngày 22 tháng 6 năm 1970 lúc mới chưa đầy 28 tuổi đời, 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng.Sau hơn một phần ba thế kỷ lưu lạc, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước 30-04-2005, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trở về với gia đình. Từ câu nói của phiên dịch viên tiếng Anh Nguyễn Trung Hiếu để bảo vệ cuốn nhật ký không bị thiêu hủy và từ việc bảo quản, giữ gìn cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm của người cụu binh Mỹ Frederic Whitehurst sau 35 năm mới được phổ biến, Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã thực hiện tác phẩm điện ảnh dự kiến mang tên “Đừng đốt ! Trong này đã có lửa” được chuyển thể từ cuốn nhật ký mà rất nhiều người đã được đọc. Phim “Đừng đốt ! Trong này đã có lửa” và diễn viên đảm nhận nhân vật | Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh |
Bộ phim dự kiến mang tên “Đừng đốt ! Trong này đã có lửa” nói về Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm do Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam và Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã khởi động những thước phim đầu tiên tại Mỹ vào cuối năm 2007. Hiện nay, đoàn làm phim đang tiếp tục thực hiện những cảnh quay quan trọng tại Việt Nam ở tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Hồ Chí Minh để hoàn thành bộ phim. Khu di tích Đá Chông được chọn để sắp xếp, bố trí cảnh quay của bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi trước đây Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm công tác trước khi anh dũng hy sinh và cũng chính tại nơi đây; người sĩ quan quân tình báo của Mỹ Frederic Whitehurst đã thu giữ lại được hai cuốn nhật ký mang tính cách lịch sử cách mạng này. Về diễn viên đảm nhận các nhân vật trong phim, nữ diễn viên không chuyên Minh Hương được chọn vào vai nữ Bác sĩ Thùy (tức Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm) và diễn viên Mathew M.Korsch được chọn vào vai sĩ quan quân tình báo Mỹ Frederic Whitehurst (tên thường gọi là Fred) Theo Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim sẽ là một tác phẩm điện ảnh được chuyển thể, hư cấu trên những sự kiện có thật, một câu chuyện đã nhận được rất nhiều tình cảm, mến mộ của công chúng ở trong nước cũng như ở nước ngoài và được xem như là một sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội lớn của đất nước Việt Nam vào năm 2005. Vì vậy, Đạo diễn Đặng Nhật Minh không muốn cho những người xem phim có cảm giác là đọc lại cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm này lần thứ hai mà sẽ tận dụng tối đa sức mạnh ngôn ngữ của điện ảnh để thể hiện bộ phim “Đừng đốt ! Trong này đã có lửa” là một tác phẩm điện ảnh thực sự có giá trị lớn, ngang tầm với những giá trị mà cuốn nhật ký đã để lại cho nhiều thế hệ của con người Việt Nam ngày hôm nay và cả mai sau từ tấm gương hy sinh cao cả vì sự độc lập, tự do, hạnh phúc của quốc gia và dân tộc. Đặng Nhật Minh với bộ phim về Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm | Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm |
Mong rằng bộ phim “Đừng đốt ! Trong này đã có lửa” nói về Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một người con của quê hương Huế, sinh ra, lớn lên và hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ khi tuổi đời còn rất trẻ vì cuộc đấu tranh cách mạng để giành được độc lập, tự do cho đất nước sẽ được Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh, cũng là một người con xứ Huế và Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam hoàn thành thời gian sắp tới sớm ra mắt, trình chiếu với công chúng trong năm 2008. Đây có thể nói là một tác phẩm điện ảnh mà Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng như đoàn làm phim đã đặt hết những tâm nguyện của mình để thực hiện và hoàn thành. Tác phẩm điện ảnh được hình thành cũng để tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và Anh hùng lao động-Liệt sĩ-Giáo sư-Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người cha thân yêu của Đạo diễn Đặng Nhật Minh, người thầy kính trọng của Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cũng đã anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam trong khi làm nhiệm vụ; tác phẩm cũng để tưởng niệm những con người, những Anh hùng-Liệt sĩ khác đã anh dũng hy sinh vì nước Việt Nam độc lập; đồng thời giáo dục về những tấm gương và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
|