|
Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Sinh viên cần được tham gia vào quá trình đào tạo và xác định xã hội, doanh nghiệp cần gì". |
Hội thảo quốc gia về sinh viên với đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp
Ngày 20/8/2008 tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo quốc gia về chủ đề “Sinh viên với đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ-Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long dự Hội thảo tại Hà Nội thông qua cầu truyền hình, đại diện lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đại diện một số bộ/ngành, lãnh đạo các vụ/cục và đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các phòng/ban liên quan của một số trường đại học/cao đẳng, đại diện 50 doanh nghiệp và 20 cơ quan thông tấn báo chí và gần 500 sinh viên của các trường đại học/cao đẳng TP. Hồ Chí Minh và một số trường đại học/cao đẳng trên toàn quốc. Sau khi nghe báo cáo tổng quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các báo cáo tham luận của sinh viên, cán bộ giảng viên và doanh nghiệp về vị trí, vai trò, trách nhiệm, giải pháp để sinh viên chủ động tích cực tham gia thực hiện chủ trương đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và các giải pháp hỗ trợ từ phía nhà trường và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu kết luận Hội thảo đã làm rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của sinh viên trong việc thực hiện chủ trương đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp và trách nhiệm của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; để phát huy tính chủ động tích cực tham gia của sinh viên trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp thì sinh viên, nhà trường, doanh nghiệp và Bộ Giáo dục & Đào tạo cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây: Về phía sinh viên - Cần được cung cấp thông tin, hướng dẫn lựa chọn theo học những ngành nghề, chương trình đào tạo mà xã hội đang cần chứ không chỉ là ngành mà mình thích để có việc làm sau khi ra trường. Ngay từ khi học phổ thông, học sinh cần được định hướng nghề nghiệp và khi đang học ở các trường đại học, cao đẳng cần có định hướng về viêc làm sau khi ra trường. - Thực hành phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học theo hướng gắn liền với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của ngành nghề đào tạo; chủ động bổ sung những kiến thức, kỹ năng còn yếu như kỹ năng làm việc theo nhóm, thuyết trình, tự rèn luyện các kỹ năng về nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng khác. - Tích cực tham gia các câu lạc bộ sở thích và chuyên môn, các chương trình hoạt động của nhà trường và các tổ chức xã hội có liên quan đến hỗ trợ đào tạo. | Theo số liệu khảo sát của dự án giáo dục đại học về việc làm cho SV sau tốt nghiệp, tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm ngay và có việc trong khoảng thời gian 3 năm sau khi ra trường có khoảng cách khá lớn. Khi mới tốt nghiệp chỉ có 45-62% SV tìm được việc làm, trong khi 2 năm sau, con số này ở mức 90-100%. Điều này chứng tỏ DN còn "e ngại" SV mới ra trường sẽ chưa thể đảm đương được công việc. (Nguồn từ Báo Lao Động) ( Ảnh sưu tầm trong bài chỉ mang tính minh họa) | Về phía nhà trường
- Công bố chuẩn nghề nghiệp sinh viên cần phải đạt được sau khi ra trường ở mỗi nghành đào tạo, mỗi ngành đào tạo cần làm rõ những kỹ năng cơ bản nhất (khoảng 8-10 kỹ năng) từ đó liên hệ với các môn học cơ bản, cơ sở, chuyên ngành cần phải làm gì để góp phần xây dựng được các kỹ năng đó. - Mỗi trường cần hình thành đơn vị chuyên trách ( trung tâm hoặc doanh nghiệp trong trường ) làm công tác quan hệ với doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên và làm đầu mối thực hiện đào tạo theo hợp đồng cho các doanh nghiệp, tổ chức. - Tăng cường các hoạt động, các loại câu lạc bộ… để sinh viên có điều kiện rèn luyện kỷ năng liên quan đến nghề nghiệp, phát huy được năng lực của bản thân sau khi ra trường. - Chuẩn hóa giảng viên cả về trình độ khoa học và thực hành. Đẩy mạnh thực hiện việc tổ chức cho sinh viên tham gia đánh giá giảng viên theo sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. - Có cơ chế ưu tiên trong việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đối với các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động, có nhiều đóng góp trong quá trình đào tạo của nhà trường và hỗ trợ sinh viên. Về phía các doanh nghiệp - Đóng góp vào quá trình đào tạo của nhà trường như tham gia giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn tốt nghiệp, nhận sinh viên thực tập và tham gia ý kiến vào chương trình đào tạo của nhà trường. - Hỗ trợ sinh viên trong việc tư vấn hướng nghiệp, việc làm, cấp học bổng, tạo điều kiện cho việc hính thành các kỹ năng và hỗ trợ các hoạt động của sinh viên. - Đặt hàng cung ứng nhân lực cho các cơ sở đào tạo đồng thời hỗ trợ nhà trường thiết bị phục vụ việc giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên. Về phía Bộ Giáo dục & Đào tạo - Tiếp tục chỉ đạo tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao cao nhận thức của học sinh phổ thông, học sinh trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên tích cực tham gia thực hiện chủ trương đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. - Giao cho Vụ Giáo dục chuyên nghiệp chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Vụ Công tác sinh viên, sinh viên lập đề án khảo sát, đánh giá mức độ được hướng nghiệp của học sinh phổ thông trung học, báo cáo Ban cán sự Đảng trước tháng 10/2008. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có chỉ đạo, giao cho học sinh trung học phổ thông từ nay đến năm 2011. - Tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động & Thương binh xã hội chỉ đạo thành lập các trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội ở các địa phương.
|