Côn trùng biến đổi gen-triển vọng và nguy cơ tiềm tàng
Trong thời gian qua, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có khá nhiều vấn đề liên qua đến cụm từ “biến đổi gen”. Từ thực phẩm biến đổi gen, muỗi biến đổi gen, sâu bọ biến đổi gen, thuốc biến đổi gen và bao nhiêu thứ khác vô hình dung lạm dụng “biến đổi gen lúc nào vô tình hay hữu ý; tháng 6/ 2008, những con côn trùng biến đổi gen đầu tiên đã chính thức được thả vào môi trường tự nhiên để thực hiện “sứ mạng” của mình: “siêu muỗi” đi diệt trừ dịch sốt rét, “siêu sâu” cứu cánh đồng bông, “siêu ruồi” hỗ trợ việc thụ phấn cho những cây ăn quả...Chúng ta đang chờ đợi thành quả mà thế hệ “siêu côn trùng” này sẽ mang lại. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng đang lo lắng bởi những nguy cơ tiềm tàng có thể nảy sinh! Nếu xét về khía cạnh di truyền học, biến đổi gen có những ưu điểm vượt trội, khoa học càng phát triển thì lĩnh vực nghiên cứu về di truyền càng được khuyến khích và mang lại nhiều lợi ích cho hầu hết các ngành, đặc biệt là y sinh học, giúp cải thiện đời sống, kéo dài tuổi thọ của một số bệnh nhân mắc bệnh ác tính như ung thư máu, ung thư da, … hoặc thực phẩm biến đổi gene là một hướng nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về mặt số lượng và chất lượng lương thực, thực phẩm khi dân số thế giới có khả năng sẽ tăng gấp đôi trong vòng 50 năm tới. Song, liệu pháp can thiệp nào cũng có nhược điểm của nó-đó chính là những nguy cơ tiềm tàng có thể đi ngược với lợi ích mong đợi của loài người, sinh vật và môi trường xung quanh. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin tổng hợp một số thông tin về côn trùng biến đổi gen, đặc biệt muỗi sốt rét và muỗi sốt xuất huyết liệu rằng biến đổi gen có khả năng giúp phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết không? Một số thông tin trên thế giới Biến đổi gen với lĩnh vực nông nghiêp Thực phẩm biến đổi gen hay thực phẩm chuyển gen thường bao hàm nhiều đặc điểm tốt như tạo các giống cây có năng suất cao, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn nguồn lương thực, thực phẩm trong toàn cầu, đảm bảo ổn định đa dạng sinh học, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu từ bên ngoài cho nông nghiệp và môi trường, tạo lợi nhuận kinh tế và xã hội, giảm bớt đói nghèo ở các nước đang phát triển. Để có thể tạo ra những giống cây mang đặc điểm mong muốn với độ chính xác cao, các nhà khoa học tiến hành sử dụng công nghệ gene; chẳng hạn, người ta có thể tách một gene có tính năng chịu hạn cấy vào một cây khác. Nhờ đó, cây mới sẽ bị biến đổi gene cũng có khả năng chịu hạn. Không chỉ có gene thực vật, gene vi sinh vật, động vật cũng có thể được chuyển đổi ví như việc chuyển gene BT (Bacillus Thuringiensis), một loại vi khuẩn tạo protein vào ngô và một số loại cây trồng khác để có đặc tính chống lại một số loại côn trùng (Ernst Berliner-1911); Tính đến năm 2006 đã có 22 nước trồng cây chuyển gen, trong đó nếu tính theo thứ tự về diện tích, thì Mỹ dẫn đầu, tiếp đến Achentina, Brazil và Canada. Đặc biệt là 90% nông dân nghèo từ các nước đang phát triển, đã tăng được thu nhập từ cây chuyển gen. Hiện đã có 4 cây trồng biến đổi gene được thương mại hoá rộng, tính trên toàn thế giới, thời gian qua đã có 56% diện tích gieo trồng đậu tương, 28% cây bông; 19% cải dầu và 14% cây ngô là cây biến đổi gene. Ngoài ra, khoai tây, cà chua, bí đỏ, đu đủ, thuốc lá, lúa gạo, củ cải đường, hướng dương… cũng là những cây trồng đang từng bước mở rộng. Các nước phát triển, các công ty Công nghệ sinh học đã đi đầu trong việc ứng dụng kỹ thuật chuyển gen vào nông nghiệp như các công ty Aventis, Dow AgroSciences, DuPont/Pioneer, Monsanto và Syngenta. Hầu hết những nghiên cứu về cây chuyển gen đều được tiến hành ở các nước phát triển, chủ yếu là Bắc Mỹ và Tây Âu. Ở nước ta, cây trồng chuyển gen mới chỉ được nghiên cứu ở các Viện, các phòng thí nghiệm mà chưa được sản xuất ở quy mô lớn, diện tích rộng, đại trà như viện Di truyền Nông nghiệp; viện Công nghệ Sinh học; viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, viện Sinh học Nhiệt đới và một số chương trình từ dự án quốc gia và quốc tế và thành công trong chuyển một số gene kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu, bệnh vào cây lúa, cây hoa, cải bắp, ngô, đu đủ… Tuy nhiên, những thành công về mặt này còn trong quy mô thử nghiệm, chưa triển khai đưa vào sản xuất. Sâu bông có khả năng sống sót rất cao, chúng đã trở thành trở ngại lớn và làm phá sản nhiều hộ làm nghề trồng bông. Các nhà nghiên cứu đã có kế hoạch đưa những gene đặc biệt vào loài sâu này để chống lại sức đề kháng của chúng. Các gene trên sẽ làm cho côn trùng chết trong những điều kiện nhất định. Nếu thử nghiệm thành công, loại sâu biến đổi gene này có thể chính thức được thả vào tự nhiên, lai giống với sâu bông thường và sinh ra thế hệ con cháu chứa gene gây chết. Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một thử nghiệm mùa hè vừa qua là thả loại sâu hại bông được biến đổi gen, mang gene của một loại sứa, hy vọng rằng thử nghiệm này sẽ mở đường cho việc tiêu diệt các loài sâu hại, nhờ biến đổi gene của chúng. Khoảng 3.600 con sâu loại này sẽ được thả vào một cánh đồng bông rộng 1 ha ở Arizona. Trên cánh đồng có lồng che phủ. Các nhà nghiên cứu cho biết, loài sâu biến đổi gene này đã bị triệt sản, do vậy nguy cơ gây hại của chúng ngay cả khi chúng thoát ra ngoài là “cực tiểu”. Sâu bông biến đổi gene chứa một protein trích ra từ một loài sứa. Dưới ánh sáng huỳnh quang, loài sâu này sẽ phát ra ánh sáng xanh, điều này giúp người ta dễ phát hiện ra chúng. Ảnh hưởng của cây biến đổi gen kháng côn trùng đối với ong thợ là một nghiên cứu có tính đột phá của chuyên ngành cây trồng biến đổi gen đối với ong thợ. Roger Konrad và cộng sự, thuộc Viện nghiên cứu công nghệ Thụy Sĩ và Đậi học Newcastle Upon Tyne tập trung nghiên cứu ảnh hưởng tiềm tàng của cây cải dầu có chất oryzacystatin-1 (OC-1) và ảnh hưởng của protein diệt côn trùng trên ấu trùng của con ong Osmia bicornis. Kết quả cho biết cây biến đổi gen thể hiện chất ức chế cystein protease OC-1 và Bt toxin Cry1Ab không có ảnh hưởng rủi ro nào cho ấu trùng của ong. Lectin của cây hoa tuyết (Galanthus nivalis agglutinin) có thể tạo ra điều kiện bất lợi cho ong nếu nó ở mức độ tích tụ protein cao. Kết quả này cho thấy con ong O. bicornis có thể là mô hình điểm để thử nghiệm trên diện rộng trong số 700 loài ong thợ có ở châu Âu, bởi vì phần lớn chúng đều có tính chất polylectic (lấy phấn hoa từ một giống hoa nào đó ở khoảng cách rất xa) và tính chất trung gian giúp cây thụ phấn trong nông nghiệp (Plos one.2007). Biến đổi gen với muỗi truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết Nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh, các nhà khoa học đang đi sâu nghiên cứu về loài muỗi Anopheles-loài muỗi hút máu người và gây bệnh sốt rét này được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất để phát triển, bên trong những căn phòng có trang bị điều hòa nhiệt độ, trứng muỗi nở ra và bọ gậy được bơi lội tự do trong các dụng cụ chứa nước có sẵn thức ăn. Còn những con muỗi Anopheles trưởng thành thì chỉ việc dạo chơi và thong thả hút máu đám chuột bạch được thả đầy phòng. Tất cả những “tiện nghi” đó nhằm phục vụ công trình nghiên cứu của nhà di truyền học Andrea Crisanti với ước mong cho ra đời thế hệ muỗi biến đổi gen có khả năng chống lại chính căn bệnh do chúng lan truyền là sốt rét. GS. Crisanti đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết nhóm của ông muốn cung cấp cho thế giới những loài muỗi, ruồi, ong và một số côn trùng đã bị biến đổi gen với hy vọng chúng sẽ trợ giúp con người trong nhiều mặt của cuộc sống. Những con sâu tằm, ong mật giờ đây đã có vài gen mới để bảo vệ tốt hơn với bệnh hay cho năng suất và sản lượng nhiều hơn. Một số loài sâu bệnh trong nông nghiệp cũng đã bị biến đổi gen để quay ra trừ khử chính đồng loại của chúng. Bằng công nghệ này, nhà sinh vật học người Mỹ Robert Staten đã cho ra đời những con sâu đỏ đực mang gen vô sinh. Mỗi ngày ông cùng các đồng nghiệp thả tới 7 triệu con sâu đực vô sinh xuống những cánh đồng bông đang bị sâu đỏ phá hại nhằm làm cho các con sâu cái tồn tại trong tự nhiên không còn cơ may gặp gỡ những con sâu đực “nguyên vẹn”, từ đó diệt trừ dần loài sâu ăn hại bông này; lại có nhà khoa học còn đang muốn biến tất cả các loài côn trùng có cánh thành những chiếc kim tiêm biết bay chuyên cung cấp vaccin phòng dịch bệnh! Nhà sinh vật học người Anh Julian Crampton (Đại học Liverpool) dự báo rằng, trong vòng 5-10 năm tới, có thể dùng những loài “siêu muỗi” như vậy để phòng dịch trên diện rộng với chi phí rất thấp cho gia súc hoặc cho những vùng dân cư không hoặc chưa có điều kiện tiếp cận cơ sở y tế và thuốc, hóa chất. Tiến sĩ Regina Rabinovich-trưởng đơn vị nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc Quỹ Gates cho biết muỗi sốt rét biến đổi gen là một trong những cải tiến công nghệ cao với nhiều nguy cơ nhưng sẽ mang lại thay đổi cơ bản trong cuộc chiến giữa con người và loài muỗi. Những con muỗi sinh ra miễn dịch với sốt rét có thể phá vỡ chu trình lây lan của căn bệnh, đây chính là biện pháp kiểm soát bệnh sốt rét lý tưởng. Nó sẽ mang lại những biến đổi tiềm năng.Năm 2005, Crisanti đã chứng minh có thể tạo ra muỗi biến đổi về mặt di truyền bằng cách chèn một gen làm con đực phát màu xanh huỳnh quang. Trong số các khả năng khác, ông cùng nhóm nghiên cứu hiện đang dự tính tạo muỗi đực vô sinh để giao phối với muỗi cái trong môi trường tự nhiên, từ đó hạn chế quần thể muỗi tăng trưởng. Họ cũng cố gắng tạo muỗi chống lại bệnh sốt rét. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tạo thành công muỗi chống một dạng bệnh sốt rét truyền trên chuột. Người ta cũng tiến hành biến đổi ADN của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Nhưng không phải ai cũng cho rằng những con muỗi “siêu năng lực” này lại là ý tưởng hay. Một số nhà khoa học nói rằng còn có quá nhiều câu đố di truyền cẩn phải giải đáp để những con muỗi đột biến hoạt động hiệu quả. Theo Jo Lines, chuyên gia nghiên cứu bệnh sốt rét tại trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh London, mầm bệnh sốt rét được muỗi truyền vào cơ thể người rất thông minh lẩn tránh bất cứ biện pháp nào các nhà khoa học tạo ra để bảo vệ vật chủ của chúng. Lines cho biết: “Mầm bệnh sốt rét có rất nhiều biện pháp để liên tục chiến thắng chúng ta”. Bất cứ khi nào những con muỗi hình thành gen chống mầm bệnh sốt rét, thì mầm bệnh luôn luôn tìm ra cách để đối phó lại, số lượng cũng là một vấn đề nữa. Một số nhà môi trường học lo lắng rằng muỗi đột biến có thể tàn phá hệ sinh thái. Gallian Madill – người tham gia kỹ thuật di truyền tại tổ chức Friends of the Earth tại Washington đặt ra câu hỏi: “Tại sao chúng ta không thể chỉ cung cấp màn chống muỗi cho mọi người thay vì tìm kiếm các kỹ thuật phức tạp để cải thiện tình trạng sẽ tốt hơn không? Sau thất bại của một loạt các biện pháp, Liên Hợp Quốc mới đây đã tuyên bố thực hiện chiến dịch cung cấp màn chống muỗi cho bất cứ ai có nhu cầu đến năm 2010. Một số nhà khoa học cho rằng tạo muỗi đột biến chống lại căn bệnh sẽ cho hiệu quả cao hơn. Đưa côn trùng biến đổi gene vào tự nhiên hay tạo ra các loài muỗi biến đổi gen để chống bệnh sốt rét là một điểm mới theo các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Johns Hopkins, việc này hoàn toàn là thực tiễn, ít ra là ở trong phòng thí nghiệm. Lần đầu tiên các nhà khoa học đã cho thấy ưu thế sinh sản của những sinh vật biến đổi gen- một yêu cầu quan trọng nếu muốn sử dụng các loại muỗi này để làm một chiến lược thực tiễn chống lại căn bệnh sốt rét.Bệnh sốt rét gây tử vong khoảng một triệu người trên thế giới mỗi năm, phần lớn là trẻ em và phụ nữ mang thai ở vùng cận Sahara, bệnh này do ký sinh trùng Plasmodium, một loài nguyên sinh động vật truyền từ người này sang người khác bởi muỗi Anopheles. Các nhà khoa học đã đề xuất một phương pháp để kiểm soát sự lan truyền căn bệnh này bằng cách đưa vào các loài muỗi không thể truyền được ký sinh trùng, nhưng các mô hình máy tính cho thấy rằng để ngăn chặn được chu trình lan truyền, các loài muỗi chống sốt rét phải thay thế gần như toàn bộ các loài muỗi thuỷ tổ.Yeya Toure, một chuyên gia nghiên cứu bệnh nhiệt đới của WHO cho biết: “Chúng ta vẫn mang gánh nặng bệnh sốt rét ngày một nghiêm trọng hơn. Nếu liệu pháp gen ra đời giúp giảm gánh nặng về sốt rét như thế thì tuyệt vời. Quỹ Bill & Melinda nhận thấy kế hoạch này rất hứa hẹn nên đã đầu tư gần 30 triệu đô la vào chiến dịch biến đổi gen nhằm ngăn chặn muỗi truyền bệnh sốt rét hay sốt xuất huyết. Một công trình nghiên cứu gần đây, Marcelo Jacobs- Lorena và đồng nghiệp ở trường đại học Johns Hopkins đã đưa những số lượng ngang bằng các loài muỗi chống sốt rét và muỗi thường vào trong một chiếc lồng và cho chúng hút máu của con chuột bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Tiếp đó, họ thu lấy trứng của những côn trùng này, nuôi trứng trưởng thành lên thành muỗi và cho phép chúng hút máu của con chuột đã bị nhiễm bệnh. Sau 9 thế hệ, 70% số muỗi sinh ra đều là những loài muỗi chống bệnh sốt rét, có nghĩa là những con muỗi biến đổi gen đã vượt trội hơn những con muỗi không kháng bệnh. Trái lại, những con muỗi nào hút mấu của chuột không bị nhiễm bệnh đều không thể hiện bất kỳ sự khác biệt nào về tính thích ứng, tức là khả năng truyền gen lại cho thế hệ sau (Proceedings of the National Academy of Science online, 3:2007). Song song với các công trình nghiên cứu tại Anh, Mỹ, Úc, các nhà khoa học châu Âu thông báo đã tạo ra được giống muỗi biến đổi gen không mang mầm bệnh sốt rét, các thử nghiệm cho biết loại muỗi biến đổi gen này có thể nhanh chóng thích nghi môi trường sống bên ngoài và thay thế những đồng loại mang mầm bệnh sốt rét. Chẳng bao lâu nữa, các con muỗi sẽ không còn mang trên mình mầm bệnh sốt rét. Như thế, đường lây nhiễm chủ yếu bệnh sốt rét từ muỗi sang người sẽ không còn nữa; phương án này rõ ràng sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với những biện pháp ngăn ngừa hiện nay. Vấn đề gây tranh cãi là để thực hiện chiến lược này, các nhà khoa học phải thả ra môi trường hàng chục ngàn con muỗi đã biến đổi gen trong phòng thí nghiệm, một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng rằng cách này sẽ giúp họ kiểm soát được căn bệnh sốt rét đã làm mỗi năm biết bao nhiêu cái chết.
Một công trình nghiên cứu khác, Hillary Hurd, nhà ký sinh trùng học ở trường đại học Keele, vương quốc Anh đã chứng minh sự lây nhiễm Plasmodium gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản; những con muỗi nào được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm phải có ưu thế hơn so với những con không được bảo vệ. Kết quả của nhóm nghiên cứu ở trường đại học Johns Hopkins đã ủng hộ kết luận này. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra các loài muỗi chống sốt rét khác nhau bằng cách can thiệp vào chu trình phát triển của ký sinh trùng Plasmodium. Sau khi muỗi tiêu hoá ký sinh trùng trong máu con vật bị nhiễm, ký sinh trùng này tấn công vào ruột của muỗi và tạo ra kén. Cuối cùng, kén này vỡ giải phóng các bào tử vào thân muỗi rồi chu du vào tuyến nước bọt. Những con muỗi này khi đốt người thì đồng thời truyền thoi trùng sang cho người bị muỗi đốt. Jacobs-Lorena và các cộng sự đã áp dụng kỹ thuật gen cho muỗi để nó sản ra peptide có tên là SM1, phong toả không cho ký sinh trùng này tấn công vào ruột muỗi, do vậy làm ngừng sự phát triển của ký sinh trùng. Vì là peptide không phát sinh một cách tự nhiên, nên SM1 không kích hoạt hệ miễn dịch của muỗi. Đây là một chiến lược rất khác so với các nhóm hiện đang nghiên cứu để kiểm soát sự lan truyền của bệnh sốt rét.Các nhà nghiên cứu Mỹ và Đài Loan đang thực hiện một nghiên cứu tương tự trên loài muỗi gây bệnh sốt vàng. Họ đã biến đổi gene của chúng, khiến những con muỗi này sản sinh ra một loại protein có khả năng tiêu diệt ký sinh trùng gây bệnh sốt vàng, và nhờ đó giới hạn khả năng truyền bệnh của chúng (BBC news., 2008). Lợi ích do côn trùng biến đổi gen không thể phủ nhận Ưu điểm của việc nghiên cứu côn trùng biến đổi gen là vô cùng quan trọng: khoảng 1/3 sản lượng lương thực toàn thế giới có được là nhờ côn trùng trợ giúp trong quá trình thụ phấn cho cây trồng; một số sản phẩm lại do côn trùng trực tiếp sản xuất ra như tơ tằm, mật ong,... Vả lại, côn trùng cũng thuộc loại những kẻ thù nguy hiểm nhất của con người, như loài muỗi hút máu người chẳng hạn, gây nên một số bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,…. Mỗi năm, chúng truyền bệnh sốt rét, sốt vàng da, sốt xuất huyết gần 1tỷ người. Tính riêng bệnh sốt rét hằng năm đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người,...vì thế, những thành công bước đầu của các nhà khoa học trong nghiên cứu côn trùng biến đổi gen có thể mở ra một triển vọng lớn từ các trợ thủ 6 chân này. Với những loài côn trùng gây hại, nhờ biến đổi gen mà các nhà khoa học có thể đưa những gen gây chết hay những gen làm giảm sức đề kháng vào côn trùng. Các gen này sẽ làm cho côn trùng chết trong những điều kiện nhất định. Thế hệ con cháu lai với côn trùng tự nhiên sinh ra cũng chứa những gen này, từ đó sẽ mở đường cho việc tiêu diệt các loài côn trùng gây hại trên diện rộng. Các loài côn trùng truyền bệnh, gây bệnh sẽ được bổ sung các gen có khả năng tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh hay tự miễn và truyền khả năng miễn dịch sang con người. Công nghệ này cũng có thể đem lại phương pháp kiểm soát một số bệnh lây lan qua côn trùng trên toàn cầu ở ngay tại gốc của chúng. Với các loài côn trùng có ích, công nghệ biến đổi gen sẽ hỗ trợ để chúng chống được dịch bệnh, tăng năng suất, cho sản phẩm nhiều hơn, chất lượng cao hơn,... Theo GS. Crisanti, công nghệ biến đổi gen côn trùng là một công nghệ có hiệu quả và có thể tạo ra một khác biệt thực sự. Bước tiếp theo là mở rộng công nghệ này để có thể tạo ra tác động hiệu quả ở quy mô rộng. Giới nghiên cứu khoa học hy vọng rằng côn trùng biến đổi gen sẽ tạo nên một kỷ nguyên mới trong y sinh học và nông nghiệp. Song, nguy cơ tiềm tàng cũng nên thận trọng oNhững người thuộc trường phái “phản đối” công nghệ gen đã và đang theo dõi bước đi của ngành khoa học còn non trẻ này với cái nhìn nhiều ngờ vực và lo lắng, đặc biệt khía cạnh côn trùng biến đổi gen. Điều mà họ lo ngại nhất là một cuộc cạnh trạnh để sinh tồn sẽ diễn ra giữa côn trùng biến đổi gen và côn trùng tự nhiên, cũng như việc ảnh hưởng của công nghệ này lên môi trường sinh thái có thể bị phá vỡ nếu như những thí nghiệm và ứng dụng loại này vượt ra khỏi vòng kiểm soát; oVấn đề mà chúng ta quan tâm là liệu các sản phẩm có nguồn gốc từ cây trồng chuyển gen có an toàn hay không? Các động vật nuôi như lợn, gà, trâu bò khi nuôi bằng các nguồn thức ăn từ các cây trồng chuyển gen có ảnh hưởng gì đối với con người hay không? Các vật liệu biến đổi gen có chuyển vào và tích lũy ở sữa, thịt và trứng không? oNguy cơ các gen lạ được cấy hoặc thả vào sẽ biến đổi tính cách của động vật ? Điều gì sẽ xảy ra nếu gen đặc biệt sau khi được cấy vào một loài côn trùng sẽ không chỉ ẩn náu trong loài côn trùng đó mà đột nhiên “nhảy” sang các loài động vật khác? Một loài sâu biến đổi gen liệu có thể truyền khả năng đột biến của chúng sang các loài khác trong tự nhiên, chẳng hạn vi khuẩn trong đất. Mà một khi vi khuẩn bị đột biến, thì khó có thể dự đoán phản ứng dây chuyền sau đó như thế nào? oLiệu trong tương lai có xuất hiện hàng đàn “siêu côn trùng” với những đặc tính không thể lường trước? Một số loài sâu bệnh trong nông nghiệp cũng đã bị biến đổi gen để quay ra trừ khử chính đồng loại của chúng,… oNhững mối lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở, bởi ngay cả các nhà khoa học đang theo đuổi công nghệ biến đổi gen cho côn trùng cũng tỏ vẻ nghi ngờ và rất thận trọng. Cả giáo sư Crampton và giáo sư Crisanti đều nói: “Cho đến nay chúng tôi còn biết quá ít về những đàn côn trùng biến đổi gen mặc dù chúng do chính mình tạo ra. Chúng sẽ phát triển thế nào? Mức độ ổn định của chúng đến đâu và liệu gen biến đổi đó có nhảy sang những loài khác không? Tất cả những vấn đề đó cần phải được nghiên cứu kỹ càng”; oĐánh giá mức độ tác động đến môi trường, gồm những thông tin về vai trò của gen được đưa vào có ảnh hưởng đối với đối tác nhận gen, có ảnh hưởng lên các sinh vật không phải là sinh vật cần diệt trong môi trường đó không? Vật chuyển gen hoặc cây chuyển gen có tồn tại trong môi trường lâu hơn bình thường hoặc xâm chiếm những nơi cư ngụ mới không? Khả năng gen phát tán ngoài ý muốn từ cây chuyển gen sang loài khác và những hậu quả có thể; oDo các lý do trên, hiện nay vấn đề cây trồng chuyển gen và động vật biến đổi gen đang là cuộc tranh luận toàn cầu về những nguy cơ tiềm ẩn của chúng để đi tới những giải pháp đảm bảo an toàn nhất. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề biến đổi gen của các ngành nói chung và muỗi biến đổi gen nói riêng, nhưng bên cạnh những lợi ích của nó và bản chất của nghiên cứu khoa học là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống con người, các nhà khoa học và chính phủ các nước cũng đã đưa ra một số hướng giải quyết cho vấn đề này. Về quản lý, tùy thuộc vào quan điểm của từng quốc gia mà chính phủ đưa ra những hướng giải quyết khác nhau. Chẳng hạn, chính phủ Ấn Độ chưa thông báo chính sách nào đối với thực phẩm biến đổi gen, song tại Brazil, một vài bang đã cấm hoàn toàn cây trồng biến đổi gene; tại Nhật, Bộ y tế tuyên bố rằng mọi sản phẩm biến đổi gen bắt buộc phải được thử nghiệm kỹ càng trước khi đưa vào sử dụng; trong khi Mỹ đã áp dụng những nguyên tắc quản lý những sản phẩm công nghệ sinh học ở các văn phòng điều hành trong quá trình thẩm định và ngăn ngừa rủi ro do khi cấp phép lưu hành sản phẩm công nghệ sinh học (trong đó có thực phẩm chuyển gen) ra môi trường và đưa vào sử dụng làm thức ăn cho người và gia súc,với mục đích nhằm đảm bảo cho sự an toàn sinh học. Tài liệu tham khảo 1.http://www.xaluan.com. Côn trùng biến đổi gen_Triển vọng và nguy cơ. 10.2008 2.http://www.VnExpress.net. Đưa côn trùng biến đổi gen vào tự nhiên, 10.2008 3.Biology News Net. Tạo ra các loài muỗi biến đổi gen để chống bệnh sốt rét, 04.2007 4.Edward R. Wingstead. In the laboratory, fighting malaria with transgenic mosquitoes Genome news networks 5.Lycett, G.J. & Kafatos, F.C. Anti-malarial mosquitoes? Nature 417, 387-388 (May 23, 2002).
|