Cần nâng cao chất lượng xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét ở cơ sở
Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng kỹ thuật xét nghiệm lam máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét ở cơ sở. Có 36 điểm kính hiển vi và 36 xét nghiệm viên ở tuyến bệnh viện huyện, thành phố và trạm y tế xã, thị trấn được kiểm tra, chiếm 48% số điểm kính hiển vi đang được quản lý hoạt động phát hiện bệnh tại vùng sốt rét lưu hành và vùng sốt rét ngoại lai. Kết quả ghi nhận còn có một số vấn đề cần được quan tâm để nâng cao chất lượng kỹ thuật, hoàn chỉnh năng lực hoạt động của các điểm kính hiển vi cơ sở. Ghi nhận từ kết quả kiểm tra Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức công tác kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các điểm kính hiển vi cơ sở ngay tại thực địa để ghi nhận những vấn đề tồn tại nhằm có biện pháp chỉ đạo khắc phục. Qua kết quả kiểm tra đã thu thập được các thông tin sau đây: Thực trạng hoạt động của các điểm kính hiển vi - Các điểm kính hiển vi của tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng và phát triển hoạt động ở vùng sốt rét lưu hành chiếm 45,39% (69/152) số xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh và chiếm 92% (69/75) số điểm kính hiển vi ở tuyến huyện, thành phố, xã, thị trấn do tỉnh quản lý để làm nhiệm vụ phát hiện, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét. Số kính hiển vi được kiểm tra chất lượng kỹ thuật chiếm 48% (36/75) số điểm kính hiện có, trong đó kính ở huyện, thành phố 25%; kính ở xã, thị trấn 75%; kính ở vùng sốt rét nặng 41,67%; vùng sốt rét vừa 27,78%; vùng sốt rét nhẹ 8,33% và vùng sốt rét ngoại lai 22,22%. Số điểm kính hiển vi được kiểm tra bảo đảm việc đánh giá chất lượng hoạt động. - Trong 36 điểm kính hiển vi và xét nghiệm viên được kiểm tra, có 58,33% kính Liên Xô và Nga; 41,67% kính Nhật; 72,22% kính một mắt; 27,78% kính hai mắt. Có27,78% xét nghiệm viên có trình độ cử nhân xét nghiệm và kỹ thuật viên trung học làm nhiệm vụ chuyên trách; 30,56% có trình độ bác sĩ, y sĩ; 33,33% có trình độ y tá, nữ hộ sinh và 8,33% có trình độ điều dưỡng làm nhiệm vụ xét nghiệm kiêm nhiệm. Cán bộ làm công tác xét nghiệm chủ yếu được đào tạo tại Trường Đại học Y Dược Huế, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế Đà Nẵng và Cao đẳng Y tế Huế (86,11%) và hầu hết được bổ túc, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ xét nghiệm tại Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng. Loại kính hiển vi trang bị, trình độ chuyên môn và nơi đào tạo cán bộ có ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét nghiệm. - Tất cả các điểm kính hiển vi đều không có dung dịch đệm để pha thuốc nhuộm giemsa mà sử dụng các nguồn nước tự nhiên như nước máy (38,89%), nước giếng (38,89%), nước tự chảy (16,67%) và nước suối (5,56%). Số mẫu nước có độ pH thích hợp từ 7-7,2 để bảo đảm kỹ thuật pha thuốc nhuộm chỉ có 27,78% (thử bằng giấy thử) và 36,11% (thử bằng máy đo EcoScan) trong số các mẫu nước mà cơ sở thường sử dụng. Vấn đề này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nhuộm lam máu và kết quả soi xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét bằng kính hiển vi. Kết quả kiểm tra kỹ thuật xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét - Đối với lam máu giọt dày, có 94,44% lam máu lấy đạt yêu cầu và 97,22% lam máu nhuộm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định. Đối với lam máu giọt mỏng, chỉ có 27,78% lam máu lấy và nhuộm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định. Phần lớn các cơ sở (xã, thị trấn) chỉ thực hiện được lam máu giọt dày để dễ phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Lam máu giọt mỏng được thực hiện chủ yếu tại tuyến bệnh viện huyện, thành phố để hỗ trợ cho việc phát hiện và phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Vấn đề này cũng phù hợp với thực tế tình hình công tác ở các tuyến theo yêu cầu. - Kết quả kiểm tra kỹ thuật xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét tại thực địa bằng bộ lam máu mẫu và đáp áp đã chuẩn bị trước ghi nhận có 61,11% xét nghiệm viên đạt loại giỏi; 30,56% đạt loại khá và 8,33% đạt loại trung bình; không có xét nghiệm viên yếu kém. Tổng hợp 10 đơn vị được kiểm tra với 36 điểm kính hiển vi và 36 xét nghiệm viên, thực hiện soi 360 lam máu có kết quả soi đúng 76,39%; sai sót chung 23,61% (trong đó sai hoàn toàn 8,06%; sai chủng loại 3,61%; sót thể loại 8,33% và sai mật độ 3,61%). Mặc dù lam máu soi sai hoàn toàn chiếm tỷ lệ thấp 8,06% nhưng vẫn còn tồn tại tỷ lệ sai chủng loại, sót thể loại và sai mật độ; vấn đề này cần được bổ túc, bồi dưỡng để nâng cao và hoàn thiện chất lượng xét nghiệm. So sánh kết quả điểm kiểm tra kỹ thuật xét nghiệm lam máu nhận thấy có liên quan đến trang thiết bị kính, tuyến công tác, trình độ và nơi đào tạo cán bộ, nguồn nước nhuộm lam ... (p<0,05). Đối chiếu với kết quả kiểm tra kỹ thuật lam máu xét nghiệm ở tuyến dưới gửi định kỳ lên tuyến trên hàng năm nhận thấy: năm 2007 có tỷ lệ sai sót chung 0,36% (19/5.321), 11 tháng năm 2008 không còn tỷ lệ sai sót chung; đây là kết quả tốt cần được duy trì trong thời gian đến. Giải pháp để nâng cao chất lượng xét nghiệm - Có kế hoạch nâng cấp trang thiết bị dụng cụ kính hiển vi có chất lượng thay thế dần cho các cơ sở đã xuống cấp. Cung cấp dung dịch đệm bảo đảm độ pH 7,2 đúng tiêu chuẩn để pha dung dịch giemsa nhuộm cho các cơ sở cùng với các hóa chất, dụng cụ xét nghiệm khác như giemsa, dầu soi, xylen, lam kính, kim chích máu, vật tư đồng bộ ... - Cần tập huấn nâng cao kỹ thuật xét nghiệm để tất cả các cơ sở đều thực hiện được việc lấy và nhuộm lam máu giọt mỏng cùng với lam máu giọt dày, phục vụ đầy đủ cho công tác phát hiện, nghiên cứu, học tập về ký sinh trùng sốt rét. Trên một lam kính thực hiện được cả 2 giọt máu dày và giọt máu mỏng. - Duy trì hệ thống kiểm tra kỹ thuật lam máu định kỳ ở tuyến duới hàng năm kết hợp với những đợt kiểm tra tại thực địa có các điểm kính hiển vi hoạt động để phát hiện đầy đủ các sai sót và có kế hoạch nâng cao năng lực công tác. - Trang bị thêm test chẩn đoán nhanh cho các cơ sở để phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong những trường hợp khẩn cấp, xét nghiệm viên bận đi học, nghỉ phép ... hoặc cần chẩn đoán hồi cứu những bệnh nhân nghi ngờ khi soi lam máu âm tính. Mỗi một điểm kính hiển vi cũng cần tập huấn kỹ thuật thêm một xét nghiệm viên phụ để bảo đảm yêu cầu công tác thường xuyên.
|