Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 2 3 8 5
Số người đang truy cập
2 6 8
 Chuyên đề Sinh học phân tử
Những điều cần hiểu biết về con đỉa-một loài sinh vật thuộc ngành giun đốt Annelida

Giới thiệu về con đỉa

Đỉa là một nhóm sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt (Annelida). Phân loại khoa học thì đỉa thuộc giới Animalia, ngành Annelida, lớp Clitellata, phân lớp Hirudinea (Lamarck, 1818), bộ Arhynchobdellida hoặcRhynchobdellida. Chúng có thân mềm và nhầy phù hợp với việc bơi lội trong nước. Thức ăn của đỉa là máu các loại động vật. Miệng đỉa có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Đỉa tiết ra chất chống đông máu nên vết chích sẽ bị chảy máu liên tục. Đỉacó nhiều loài khác nhau, có loài sống ở cạn, có loài sống ở nước ngọt. Đỉa ưa sống tự do hoặc sống ký sinh tạm thời ở các động vật khác, nhờ vào việc hút máu máu của các vật chủ (blood sucking worms). Đỉa phát triển mạnh trong ao hồ, đầm lầy. Trên thế giới có khoảng 650 loài đỉa.

Đỉa là động vật lưỡng tính, trứng phát triển trong kén do đai sinh dục tiết ra. Cấu tạo của cơ quan sinh dục ở đỉa tương tự như ở lớp giun, nhưng phát triển rất chậm, phải tới vài năm mới đạt tới giai đoạn trưởng thành. Tuổi thọ của đỉa có thể trên 20 năm. Cơ thể đỉa dẹt theo chiều lưng bụng và có tới 33 đốt, mỗi đốt lại được chia thành nhiều ngấn đốt phía bên ngoài gọi là vành. Đặc biệt nó có 2 giác dùng để bám chặt vào cơ thể vật chủ: giác trước (anterior sucker) hay giác miệng và giác sau (posterior sucker) hay giác bụng có hậu môn phía trên. Đỉa không có xoang cơ thể, giữa ruột và thành cơ thể chứa đầy nhu mô, chỉ để lại những xoang nhỏ làm nhiệm vụ tuần hoàn, gọi là xoang huyết. Ống tiêu hóa bắt đầu bằng miệng, tiếp sau là hầu. Đỉa bơi rất khỏe, khi bám vào da của người hay động vật, gờ cơ ở khoang miệng sẽ hoạt động như lưỡi cưa và gây nên một vết thương hình hoa thị. Hầu có thành cơ khỏe nên
hút rất mạnh tạo ra một khoảng chân không, nhờ đó mà đỉa bám rất chắc vào vết thương, kéo ra rất khó. Lớp tế bào biểu bì của đỉa luôn luôn tiết ra một chất dịch nhờn làm cho mặt da đỉa luôn luôn trơn bóng. Nhờ đặc tính này, mà các động vật sống trong nước rất khó bắt được đỉa. Ở hầu có tuyến đơn bào tiết ra chất kháng đông máu, nên máu được đỉa hút vào không đông, máu ở vết cắn của đỉa cũng rất lâu cầm. Ruột đỉa có các manh tràng bên làm tăng diện tiêu hóa của ruột. Máu ở trong ruột đỉa được tiêu rất chậm;

Đây là sinh vật lưỡng tính nhưng lại không thể tự thụ tinh. Đa số đỉa có vòi hút ở cả hai đầu; một vài giống có răng nhưng đa số chỉ có vòi dùng để hút dịch. Nước bọt của đỉa chứa chất gây tê, kháng đông máu và một hóa chất thúc đẩy sự thẩm thấu các thành phần cần thiết qua mô. Trong cơ thể nó có vi khuẩn Aeromonan hydrophila, giúp tiêu hóa máu và tạo ra một kháng sinh để tiêu diệt những vi khuẩn khác có thể gây thối rữa. Đại học Monash ở Australia đã phát hiện một giống đỉa có tên khoa học là Halobdella papillornata. Chúng sống theo bầy, có khả năng chăm sóc con cái cho đến khi trưởng thành, bảo vệ và di chuyển đỉa con đến những nơi an toàn. Đặc tính này vốn chỉ thấy ở động vật có xương sống.

Đỉa đã từng tồn tại khắp châu Âu song loài đỉa Hirudo medicinalis bản địa đã bị săn bắt tới mức gần như tuyệt chủng trong thế kỷ XIX. Hiện chúng là một loài được bảo vệ ngang bằng với... tê giác trắng. Nuôi đỉa không quá khó, mặc dù chúng hơi thất thường một chút khi sinh sản. Đỉa không thích sự thay đổi về nhiệt độ hoặc áp suất khí quyển. Giống như họ giun đất, đỉa là loài lưỡng tính. Chúng sinh sản bằng cách tạo ra nhiều kén nhỏ hình trái xoan. Những kén này được thụ tinh bởi một con đỉa khác và bị bỏ lại trên bờ sông hoặc bờ ao chờ tới ngày nở.

Một số loài đỉa biển sống rất lâu trong môi trường nước mặn và ở độ sâu rất đáng kể là 2200m. Gần đây, hai nhà sinh vật học người Mỹ là Peter Girguis thuộc trường đại học Harvard và Raymond Lee thuộc đại học Washington đã phát hiện một số giống đỉa biển thuộc loài Paralvinella sulfincola sống trong vùng nước nóng, nhiệt độ 45-55oC, là nhiệt độ ngoài ngưỡng thích hợp đối với hầu hết các động vật của hành tinh chúng ta. Những kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science. Những giống đỉa biển này sống ở độ sâu 2200m, trong một “cột khói đen” trong lòng Thái Bình Dương, nơi có luồng nước rất nóng chảy qua. Nhiệt độ luồng nước nóng lên tới 350oC, chứa nhiều hợp chất sulfur và những kim loại nặng. Các con đỉa biển Paralvinella sulfincola có kích thước dài 5cm, sống trong một cái ống chứa đầy dịch nhầy được tiết ra từ cơ thể chúng. Theo các nhà nghiên cứu, dịch nhầy có tác dụng bảo vệ chúng khỏi các độc tố từ môi trường. Để nghiên cứu chúng, các nhà nghiên cứu đã nuôi những con đỉa biển trong phòng thí nghiệm với các điều kiện nhân tạo về nhiệt độ cao, áp lực nước lớn như ở độ sâu 2200m trong lòng đại dương. Dải nhiệt độ mà hai nhà nghiên cứu người Mỹ đã tiến hành thí nghiệm là từ 20-61oC và hai ông đã tìm ra nhiệt độ thích hợp cho loài đỉa biển này là trong khoảng 45-55oC.

 
Đỉa và vắt có cùng một tổ tiên, nhưng trong quá trình tìm kiếm thức ăn, có thể do môi trường sống và thức ăn có sự khác biệt, chúng tiến hóa để phù hợp với môi trường và thức ăn ưa thích của chúng. Con vắt sống trên rừng, hút máu động vật ở cạn, trong khi đỉa lại sống ở chỗ nước không quá mạnh, hút máu cá, ếch nhái và các loài động vật khác rơi xuống nước. Một nguyên nhân nữa, có lẽ để giảm sự cạnh tranh về thức ăn của đỉa và vắt ở nước hay ở cạn, một trong hai loài này đã tách ra để tìm môi trường sống và nguồn thức ăn mới.

Một số “tai nạn” do đỉa gây cho con người qua vài trường hợp tại Việt Nam

Trường hợp 1: Đĩa chui vào đường thở

Bệnh viện tai mũi họng TƯ tiếp nhận một cháu bé 3 tuổi, dân tộc Mông với triệu chứng ho khạc ra máu và khàn tiếng. Theo mẹ cháu kể, cách đây khoảng 2 tháng cháu theo mẹ ra suối chơi nghịch bị một con tắc te (đỉa suối) bám vào tay. Sau một hồi loay hoay, dằng kéo không được, cháu liền đưa tay lên mồm, dùng răng rứt con đỉa ra khỏi tay mình. Về nhà cháu thỉnh thoảng lên những cơn ho sặc sụa, khó thở và tím môi nhẹ, ho khạc ra một ít máu tươi cùng với nước bọt,có cảm giác buồn buồn trong cổ họng và đôi khi nôn khan. Cháu đã được điều trị bằng kháng sinh tại BV Sơn La nhưng không đỡ, nghi ngờ là dị vật đường thở nên được chuyển tới BV tai mũi họng TƯ. Tại đây, cháu được các thầy thuốc chuyên khoa chẩn đoán là dị vật sống đường thở, được soi gắp dị vật. Đó là một con đỉa suối đen, to, dài khoảng 15cm.

 
Dị vật đường thở sống là một bệnh khá đặc biệt của dị vật đường thở, nó có thể sống ký sinh vài ngày, thậm chí vài tháng mới được phát hiện. Đỉa suối có tên khoa học là Dinobella Ferox, sống trong nước suối khi còn non, thường chui vào sống trong khoang mũi, khoang họng và thanh khí quản trâu, bò, chó và người khi uống nước suối. Chính vì thế loại dị vật này gặp chủ yếu ở vùng rừng, núi, có suối nước chảy qua. Đỉa suối non có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 1cm, như sợi tóc, nên khi uống nước suối, dị vật có trong nước suối sẽ xâm nhập vào trong họng, bám vào niêm mạc bằng giác bám, thường ở vùng thanh quản và khí quản, có thể do vùng này có lượng ô xy thích hợp cho cuộc sống ký sinh của chúng. Sau một thời gian hút máu người, đỉa suối sẽ lớn lên, có trường hợp lên đến 20cm, lúc đó mới đủ lớn để gây ra triệu chứng của dị vật.

Trường hợp 2: Đỉa nằm trong bàng quang bênh nhân

Các bác sĩ khoa Tiết niệu – BVĐK tỉnh Thanh Hóa vừa lấy một con đỉa còn sống trong bàng quang của bệnh nhân Lê Văn Bình, 15 tuổi, ở thôn 3, xã Yên Lạc, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Em Bình kể lại rằng em cùng một số bạn đi tắm sông ở quê, đến trưa về nhà, Bình thấy đau tức vùng bàng quang và đi tiểu ra máu tươi, lúc 15g30 chiều cùng ngày, gia đình đưa Bình vào BVĐK tỉnh. Qua khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy bàng quang của em căng; đặt ống thông tiểu thấy có nước tiểu lẫn máu tươi. Khi làm siêu âm, thấy bàng quang của Bình có nhiều máu cục và một vật thể lạ di chuyển trong bàng quang bệnh nhân, nghi là một con đỉa đã chui vào bàng quang qua đầu dương vật của bệnh nhân, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công, gắp một con đỉa dài khoảng 6cm đang còn sống từ bàng quang của bệnh nhi.

Trường hợp 3: Con đỉa sống trong mũi bênh nhân 2 tuần

BVĐK Ninh Sơn, Ninh Thuận đã gắp một con đỉa “trâu” dài hơn 20cm từ mũi của bệnh nhân Nguyễn Văn S (34 tuổi, ở xã Lâm Sơn - Ninh Sơn). Theo lời kể của anh S. khoảng nửa tháng trước trên đường đi làm rẫy, anh có cúi mặt xuống con suối nhỏ để uống nước. Ngay tối hôm đó, mũi anh chảy máu và kéo dài nhiều ngày sau đó làm sức khỏe suy yếu hẳn nên phải đến bệnh viện khám và được bác sĩ phát hiện con đỉa trong mũi.

Trường hợp 4: Đỉa sống 2 tháng trong thanh khí quản của bệnh nhân

BVTƯ Huế cho biết nhóm thực hiện kỹ thuật nội soi của BV tiến hành gắp một con đỉa sống dài 6cm ở dị vật đường thở của một bệnh nhân đã 2 tháng. Bệnh nhân tên Nguyễn N. 37 tuổi, ở thôn Trung An, xã Lộc Trì, Phú Lộc, Huế. Ông N. nhập viện với tình trạng khàn tiếng và ho ra máu tươi dai dẳng. Trước đó, BV Phú Lộc điều trị hơn 10 ngày vẫn không khỏi. bệnh nhân N. cho biết, trong thời gian đó vẫn ăn, uống bình thường; song lúc nào ông cũng cảm giác có vật cản ở cổ. Tiền sử bệnh nhân thường xuyên đi rừng và hay uống nước khe suối, có thể con đỉa đã chui vào thanh khí quản của bệnh nhân bằng con đường này.

Vai trò cũng như giá trị của đỉa với y học cổ xưa

·     Các đơn thuốc viết tay ở châu Âu thời Trung cổ đã minh họa những công dụng của đỉa trong việc điều trị nhiều căn bệnh khác nhau. Nhà độc tài Heraclet đã được thầy thuốc điều trị chứng béo phì bằng những ứng dụng đa năng của đỉa. Nửa sau thế kỷ 19, châu Âu đã chứng kiến những thành tựu khoa học được khám phá từ đỉa. Kỹ nghệ nuôi đỉa dùng trong y học phát triển thành một ngành công nghiệp quan trọng;

·     Đỉa từng là một đề tài nổi cộm tại Pháp trong năm 1833, khi người ta phải nhập khẩu 4.500.000 con đỉa từ châu Mỹ do “nạn” khan hiếm sinh vật này ở Pháp. Người đề xướng phong trào dùng đỉa một cách rộng rãi trong bệnh viện là bác sĩ Francois Broussai (Pháp). Ông đã tự chữa bệnh cho mình với 15 ứng dụng từ đỉa và sử dụng 50-60 con đỉa cho mỗi ứng dụng. Nhu cầu dùng đỉa mạnh đến nỗi có lúc nó gần như tuyệt chủng tại châu Âu và đã được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng;

·     Pháp và Hy Lạp - hai nước nuôi đỉa nhiều nhất tại châu Âu thời kỳ đó - thu hoạch khoảng 2.500 con đỉa mỗi ngày. Để cung cấp thức ăn cho chúng, những con ngựa già được dắt xuống đầm lầy để nhận cái chết sau khi đã bị hút cạn máu.

·     Lịch sử chữa bệnh bằng đỉa bắt nguồn từ thời cổ đại. Các hình vẽ trên Kim tự tháp Ai Cập cho thấy phương thuốc tự nhiên này đã được biết đến từ thế kỷ 15 trước Công nguyên. Một bức họa cổ để lại cũng cho hay hoàng đế La Mã, Galerius đã được chữa bệnh bằng đỉa... Nhưng phải đến đầu thế kỷ 19 (sau Công nguyên) “đỉa liệu pháp” mới là thời thịnh vượng. Vào thời đó nước Pháp sử dụng 20-30 triệu con đỉa trong một năm, nước Anh dùng 7-9 triệu con, nước Nga cũng dùng nhiều. Lúc bấy giờ các bệnh viện, các nhà thuốc đều đặt một lọ sứ bày đỉa trên quầy. Các thầy thuốc thời đó tin rằng đỉa hút hết máu xấu trong cơ thể, để lại máu tốt, nên nhiều khi người bệnh được cho dùng nhiều đỉa hút một lượng máu khá lớn để trị bệnh nhức đầu, béo phì, tăng huyết áp... Trào lưu dùng đỉa vào trị liệu mạnh đến nỗi cạn kiệt nguồn nguyên liệu này. Do vậy ở Nga đã xuất hiện những cơ sở nhân giống và nuôi đỉa. Nhưng vào nửa sau của thế kỷ 19, người ta dần dần không còn quan tâm đến đỉa nữa. Khi đó đã xuất hiện những phương tiện đơn giản trong sử dụng hơn như các lọ thủy tinh hút máu, sau đó là aspirin, nitroglycerin và các dược chất khác. Tại nước Anh, cho đến năm 1910, “đỉa liệu pháp” thực sự đi vào quên lãng, thỉnh thoảng mới bắt gặp ở một số vùng hẻo lánh xa xôi như một giải pháp y học dân gian;

·     Các bản thảo của Hippocrate thế kỷ 5 trước công nguyên đã ghi chép về việc ly trích máu bằng cách cắt hoặc mở tĩnh mạch nhằm loại bỏ tình trạng thừa dịch trong cơ thể, thay vì bắt người bệnh nhịn ăn, vừa mất nhiều thời gian vừa bất tiện. Đỉa đã sớm tỏ ra là công cụ đắc lực trong việc trích bớt máu của bệnh nhân, giúp cơ thể thoát khỏi tình trạng thừa dịch;

·     Liệu pháp đỉa đã được sử dụng từ thời Ai Cập cổ đại. Họ sử dụng chúng để tiêu ''máu độc'' vốn được cho là gây nhiều ra nhiều bệnh. Các bác sĩ thời Trung cổ đã sử dụng chúng làm "phụ tá hút máu" trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên vào những năm 1840, địa không còn được sử dụng do những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh của y học hiện đại.

·     Đỉa cũng được sử dụng điều trị cho những trường hợp chấn thương. Sau trận Waterloo ở Bỉ năm 1885 (trận chiến quyết định vận mệnh của vua Napoléon), vị tướng Anh Simmons bị một vết thương ở bụng do đạn súng trường. Ông đã được chữa trị bằng cách cho đỉa gây chảy máu ở vết thương.

·     Sự lạm dụng đỉa trong trị liệu cũng đã gây nhiều tai tiếng. Trong những ngày hấp hối của mình, nhà văn Nga Gogol đã phải chịu đựng sự hoành hành của những con đỉa nằm trong mũi. Nhiều người cho rằng chính đỉa đã làm cho ông chết sớm hơn. Người ta phỏng đoán rằng Tổng thống Mỹ George Washington bị tử vong do lạm dụng đỉa để trích máu. Ông đã dùng đỉa gây chảy máu 4 lần/ngày để điều trị một cơn viêm họng nghiêm trọng.

Khả năng phục hồi liệu pháp chữa bệnh bằng con đỉa trong y học hiện đại

Ngày nay, phương pháp y học cổ xưa dùng đỉa chữa bệnh đang được nghiên cứu phục hồi và nâng cao, thực sự “liệu pháp đỉa” đã dần dần trở lại trong 25 năm qua ở phương Tây. Ngày càng nhiều các nhà y học quan tâm tới phương thuốc cổ đã được kiểm chứng nhiều thế kỷ trong thực tiễn chữa bệnh. Đỉa được sử dụng lần đầu tiên trong y học vào khoảng năm 200 trước công nguyên và vẫn còn được sử dụng phổ biến cho tới giữa thế kỷ 19, khi thuốc tân dược bắt đầu phát triển và thay thế thuốc truyền thống:

  • Vào những năm cuối thế kỷ 20, tại nước Anh, bác sĩ Roy Sawyer đã thành lập một nông trang nuôi đỉa ở Hendy, gần Swansea, với lượng cung cấp 80.000 con đỉa/năm cho toàn nước Anh, đặc biệt có tới 30.000 con được dùng vào phẫu thuật - thẩm mỹ;
  • Hóa chất trong cơ thể đỉa có khả năng khôi phục dòng tuần hoàn máu ở các mô ghép và giúp các ngón tay (hay ngón chân) người bị đứt được lành lại sau khi nối. Việc khâu động mạch cho các ngón tay bị đứt dưới kính hiển vi không mấy khó khăn. Nhưng khâu các tĩnh mạch thành mỏng với đường kính dưới 1mm thì quả là thách thức. Nếu công việc thất bại, máu không trở về tuần hoàn cũ dẫn đến tắc nghẽn, ngón tay dần dần hoại tử do thiếu ôxy và chất dinh dưỡng nuôi mô. Khi đưa đỉa vào ngón tay được ghép, nó sẽ hút máu đến no. Nhờ chất chống đông máu trong nước bọt đỉa, vết thương tiếp tục chảy máu, đưa máu vào nuôi ngón tay từ các động mạch được nối lại trước đó. Dòng chảy của máu tạo một đường tuần hoàn mới nuôi dưỡng mô cho đến khi cơ thể tự tái lập đường tuần hoàn cũ sau 3-5 ngày;
  • Tại Nga cũng có nhiều công trình nghiên cứu khôi phục “liệu pháp đỉa”. Theo ý
    kiến của tiến sĩ sinh học Genadi Nhikonov, Giám đốc Viện Sinh học Moscow cho biết con đỉa có nhiều ưu điểm trong y học: [1] nó luôn cắn vào vùng nhạy cảm và như vậy kích thích các vùng này hoạt động khi bị chảy máu; [2] điều chỉnh dòng máu chảy; [3] nước bọt của đỉa khi đi vào cơ thể người sẽ mang theo nhiều chất có hoạt tính sinh học cao mà nhờ đó làm tan biến các chất nghẽn mạch, huyết áp, mạch trở nên bình thường, các ổ viêm nhiễm bị loại trừ, trong khi ưu điểm là con đỉa không gây một phản ứng phụ nào như các thuốc thường gây ra. Nhikonov đã khởi xướng thành lập một trung tâm áp dụng “liệu pháp đỉa”, ở đó người ta chữa trị các căn bệnh thế kỷ như nghẽn mạch, giãn tĩnh mạch, tăng huyết áp..., các bệnh về da và mắt. Người ta nhận thấy rằng người bệnh mất dần sự bất ổn, hồi phục được giấc ngủ và nâng cao hoạt động sáng tạo. Viện Sinh học Moscow tiến hành nhân giống đỉa đã nhiều thập niên qua. Hằng năm, viện này cung cấp cho các bệnh viện của Nga và ở nước ngoài hơn 1.5 triệu con đỉa; để tránh việc truyền bệnh qua đường máu, đỉa được nuôi bằng máu của gia súc có sừng và sống trong các bồn đặc biệt, bảo đảm an toàn cho người bệnh. Đỉa tăng trọng dần trong một năm, sau đó người ta có thể bắt đầu sử dụng chúng. Trước khi đưa đỉa đến các cơ sở điều trị, người ta bỏ đói nó 2-3 tháng để khi “xung trận”, nó hút máu mạnh mẽ và đỉa được tiêu hủy ngay sau khi dùng và điều trị xong (đỉa được tiêu hủy bằng cách ngâm trong cồn rồi đốt);
  • Đông y cũng dùng đỉa để chữa bệnh sau khi phơi khô. Vị thuốc này vị mặn đắng, tính bình, tác động vào các kinh mạch thuộc can và bàng quang, có khả năng thông kinh thông huyết, dùng điều trị mụn nhọt nơi bụng dưới, đau bụng do tích tụ huyết, ít kinh... Một số tài liệu cho biết đỉa có tác dụng trị nhọt độc, phong lở, bế kinh... Trong “Nam Dược Thần Hiệu” của Tuệ Tĩnh, đỉa được phơi khô, thái nhuyễn, sao đến khi vàng sậm, có công dụng làm tan huyết khối, trị mụn nhọt, phong lở...
  • Trong y học hiện đại, đỉa được dùng trong vi phẫu nhằm hỗ trợ việc nối các mạch máu nhỏ, chẳng hạn như khi ráp nối các phần bị đứt rời. Trong vai trò này, đỉa sẽ hút 10-15 ml máu cho một lần sử dụng. Nó làm máu rỉ liên tục tại chỗ bị cắn, giúp máu lưu thông hiệu quả trong thời gian vết thương chưa liền. Những hóa chất do đỉa tiết ra cũng được áp dụng rộng rãi để nghiên cứu và bào chế các dược phẩm dùng điều trị các bệnh về tim mạch;
  • Dù được coi trọng từ lâu trong y học phương Tây song đỉa đã bị lãng quên từ
    cuối thế kỷ XIX. Thế nhưng dù trông gớm ghiếc, đỉa vẫn còn rất hữu ích.
    Theo Carl Peters, phó giám đốc trang trại Biopharm nuôi đỉa duy nhất ở Anh, mặc dù những con đỉa màu nâu đen, dài 5cm này là sinh vật gây khó chịu thật sự cho mọi người song có thể sử dụng chúng để điều trị các vết bỏng, dùng khi gắn lại các bộ phận cơ thể và giảm đau cho bệnh nhân viêm khớp xương mạn tính;Vết cắn của đỉa tạo ra vết thương chảy máu trong nhiều giờ và nước bọt của chúng chứa những chất gây tê vết thương, làm giãn mạch máu để tăng lưu lượng dòng chảy và giữ cho máu không đông. Ngay khi đỉa được gắn vào da, chúng sử dụng ba hàm răng gồm hơn 300 chiếc để hút máu liền một mạch suốt 1,5 giờ, sau đó mới nhả ra. Trong suốt thời gian ăn, đỉa phồng lên và kích thước cơ thể lớn gấp năm - mười lần so với ban đầu, nghĩa là đỉa hút khoảng 5-20ml máu. Bữa ăn của nhiều loài đỉa thường là máu. Chúng bám lên cơ thể cá, động vật lưỡng cư và thú có vú, bao gồm cả con người. Gần đây, đỉa được sử dụng để giảm đau cho bệnh nhân viêm khớp xương mạn tính; các bệnh viện Anh được Bộ Y tế tài trợ, đã mua 12.000-15.000 con đỉa từ trang trại của Peter, giá mỗi con khoảng... 15 USD. ''Khi chúng tôi cấy mô trong phẫu thuật tái tạo hoặc gắn lại các bộ phận của cơ thể như ngón tay, thỉnh thoảng rất khó nối tĩnh mạch. Trong khi đó, nối các động mạch có thành dày hơn lại là công việc dễ dàng. Dòng máu chảy vào mô được ghép song không chảy ra do các tĩnh mạch cần có thời gian để tự phục hồi.'' - bác sĩ phẫu thuật tạo hình Roy Ng thuộc bệnh viện St Thomas, một trong nhiều bệnh viện tại London sử dụng đỉa, cho biết - ''Đầu ngón tay hoặc mảnh da ghép phồng lên và tím lại, có xu hướng hoại tử. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi có thể sử dụng đỉa để tiêu máu ứ cho tới khi mạch máu tự phục hồi;
  • Dùng đỉa chữa bệnh tại Ấn Độ: các bác sĩ ở Kashmir, Ấn Độ đang sử dụng những con đỉa để chữa trị một số loại bệnh về da, khớp và xoang. Rất nhiều bệnh nhân đã tìm đến để được điều trị bằng liệu pháp này. Cách chữa trị có tên gọi “liệu pháp đỉa”. Các chuyên gia y tế cho biết có ít nhất 3 bệnh viện tại khu vực Himalaya của Kashmir đã và đang sử dụng đỉa hút máu để chữa cho những bệnh nhân bị các bệnh về da, viêm khớp, đau đầu kinh niên và viêm xoang. Những người này tìm đến với hy vọng được khỏi bệnh sau khi tất cả các biện pháp chữa trị của y học hiện đại đều vô tác dụng đối với họ. Naseer Ahmad Hakeem, bác sĩ phụ trách 3 bệnh viện kể trên, cho biết nước bọt của đỉa chứa hirudin có tác dụng chống đông máu, cũng như hợp chất làm giảm đau và gây tê. Những chất này sẽ đi vào cơ thể người bệnh trong quá trình đỉa hút máu, liệu pháp tỏ ra công hiệu và ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm đến;
  • Năm 2004, việc sử dụng đỉa hút máu đã được chính phủ Mỹ thông qua để điều trị cho những người vừa trải qua phẫu thuật ghép da, hoặc để phục hồi tuần hoàn cho người bệnh;
  • Những tưởng những cô gái Nga chuộng mốt, khi chuẩn bị đi khiêu vũ cũng đặt vào tai mình 2 con đỉa, khi đỉa vừa cắn vào làn da mềm mại tươi trẻ, mắt cô gái ánh lên niềm vui, đôi má ửng hồng, các nếp nhăn biến mất và nỗi u sầu cũng tan biến. Và không có gì ngạc nhiên khi người đẹp, ngôi sao điện ảnh Hollywood ngôi sao điện ảnh Hollywood Demi Moore đã tiết lộ bí quyết làm đẹp của mình là nhờ những "con đỉa hút máu" trong buổi trò chuyện với MC David Letterman trên chương trình Talk show của truyền hình Mỹ; tuy nhiên, đây không phải  là những con đỉa sống trong đầm lầy mà là loại đỉa y học, Demi Moore thổ lộ rằng, cô biết được điều này sau một lần đến thăm nước Áo, ở độ tuổi 46, Moore kết hôn với Ashton Kutcher trẻ hơn cô những 16 tuổi. Nhưng sẽ chẳng ai nhận ra được sự cách biệt khá lớn về tuổi tác này khi hai người đi bên cạnh nhau. Cô kể lại cảm giác lần đầu tiên làm quen với phương pháp này: “Tôi luôn quan tâm đến những biện pháp có lợi cho sức khoẻ. Tôi đã đến Áo và tham dự một khoá trị liệu bằng đỉa. Đó là những con đỉa được dùng trong y học. Chúng tiết ra một loại enzyme đặc biệt có tác dụng lọc máu. Sau khi điều trị, tôi cảm thấy rất dễ chịu, ban đầu cũng thấy sợ hãi, nhưng sau đó mọi chuyện đã tốt hơn nhiều;
  • Tạp chí Hiệp hội Y khoa Na Uy đã đăng tải công trình nghiên cứu về tác động bảo vệ của tỏi trước nguy cơ... ma cà rồng, mà cụ thể là thử nghiệm với loài đỉa. Từ lâu nay, đỉa đã được dùng trong kỹ thuật vi phẫu để hút máu cho những phần cơ thể sưng phồng do tái cấy ghép. Đôi khi, các con đỉa rất lười biếng, không chịu làm việc (cắn vào da người trong thời gian tiên liệu là 300 giây) nên hai nhà khoa học Anders Baerheim và Hogne Sandvik phải thử nghiệm với nhiều liệu pháp kích thích khẩu vị cho chúng. Trước tiên, 6 con đỉa được "tắm nhanh" lần lượt 3 lần với bia đen Guinness, bia bock Hansa và nước trắng, rồi được đặt lên cánh tay. Sau khi được uống bia, một số con đỉa thay đổi hành vi: xoay người mòng mòng, lăn đùng ra. Những con nào uống bia Guinness thì tấn công ngay sau 187 giây; những con nào uống bia Hansa thì sau 136 giây; còn uống nước trắng là 92 giây. Sang cuộc thử nghiệm lần hai, 6 con đỉa khác được đặt lên cánh tay để không hoặc thoa kem chua. Những con nào dính kem chua đều cắn như điên loạn vào thành bình sau khi đã được gỡ ra khỏi tay, thậm chí còn nhanh hơn là khi được uống nước trắng. Sang thử nghiệm phần 3, một cánh tay được thoa tỏi, nhưng những con đỉa đã giãy giụa và chết sau 2 giờ và vì lý do nhân đạo, nên công trình nghiên cứu tạm dừng ở đây!
  • Đối với nhiều người, đỉa là một sinh vật ghê rợn. Thế nhưng nó lại rất “có công” trong lĩnh vực y học, nhất là hiện nay nó giúp rất nhiều trong tái tạo hình hàm mặt, ngực, vú cho phẩu thuật thẩm mỹ. Cách đây không lâu, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép kinh doanh đỉa tại nước này như một thiết bị y khoa. Hiện nay, nhiều người đang hy vọng ứng dụng công nghệ gen để khai thác nguồn dược liệu từ con đỉa, mà nó được ví như “tủ thuốc sống” vào các cơ sở điều trị.

Từ năm 1884, người ta đã tìm ra trong nước bọt đỉa có chất hirudin chống đông máu. Hirudin có trong tuyến đơn bào của thực quản đỉa, đó là đa peptid phân tử lượng 9.000. Hirudin tạo phức vững bền với thrombin, vì vậy thrombin mất khả năng chuyển fibrinogen thành fibrin làm cho máu không đông. Bác sĩ R.Sawyer còn cho biết nước bọt của đỉa tiết ra hỗn hợp hóa chất như thuốc gây tê (ngăn chặn cảm giác đau ở người bị nó hút máu, để đỉa không bị gỡ ra) và chất giãn mạch mở rộng mạch máu nơi vết cắn để đỉa hút được nhiều máu; chất chống đông và chất kháng sinh (giữ cho máu khỏi hỏng trong ruột đỉa suốt thời kỳ tiêu hóa có thể lên đến 6 tháng);

Đỉa-là dược liệu quý và công cụ chữa bệnh cho người do đặc tính các chất trong cơ thể đĩa

Ngoài hirudin đã biết, các nhà khoa học còn tách được 10 chất khác có tiềm lực như dược phẩm. Thí dụ hemetin có khả năng ngăn nhồi máu cơ tim bằng cách làm tan các cục máu đông trong động mạch vành. Hoặc enzym hyaluronidase tiêu hóa lớp kết dính giữa các tế bào, được dùng để tăng tốc độ lan rộng của thuốc tiêm và thuốc gây tê...

Đỉa có thể tái sử dụng cho cùng một bệnh nhân sau vài ngày, tuy nhiên những lần sử dụng sau sẽ kém hiệu quả hơn lần đầu. Vì là một “chế phẩm” có liên quan đến máu nên việc sử dụng và tiêu hủy đỉa cần phải tuân thủ một qui trình nghiêm ngặt:

-  ­Đỉa được giữ trong tủ lạnh (10-200C) và không cung cấp thức ăn cho chúng
trong một khoảng thời gian trước khi sử dụng. Khi được thả, chúng sẽ trở nên rất háu ăn;

­-  Vùng da nơi đỉa sẽ tiếp xúc phải được rửa thật sạch bằng các dung dịch sát trùng, những vùng chung quanh phải băng cẩn thận, chỉ chừa một vết rạch chừng 1 cm;

-  ­Đôi khi để “nhử” đỉa, người ta bôi vào chỗ cần hút máu dung dịch glucose 5% hoặc chích nhẹ để máu rỉ ra. Để đỉa no, cần một khoảng thời gian là 10-20 phút, có khi đến 2 giờ;

-  ­Khi đã no, đỉa sẽ tự nhả ra. Không nên gỡ đỉa bằng cách kéo vì sẽ làm nó đứt đoạn, các độc chất trong cơ thể đỉa sẽ gây hại đến vết thương;

-  ­Nếu muốn gỡ đỉa ra sớm trước khi chúng no, nên dùng cồn, muối, acid acetic, nước vôi...Cần theo dõi kỹ lưỡng khi trị liệu bằng đỉa;

-  ­Mỗi ngày chỉ nên trị liệu 2 - 4 lần, trong tối đa một tuần, số lượng đỉa sử dụng thường dưới 6 con, mỗi lần không quá 20 phút;

-  ­Chỉ sử dụng lại đỉa cho cùng một bệnh nhân. Trước khi dùng, đỉa phải được khử trùng bằng cách ngâm trong dung dịch NaCl 5% trong 1 phút để nhả hết máu cũ;

­-  Trong ống tiêu hóa của đỉa có vi khuẩn Aeromonas hydrophilia, dễ gây phản ứng nhiễm trùng

-  ­Nếu dùng không đúng phương pháp, đỉa có thể nhả máu cũ chứa vi khuẩn này vào vết cắn.


Một số hình ảnh điều trị bệnh bằng đỉa liệu pháp cho bệnh nhân

 Một cậu bé khoe cánh tay của mình trong khi được điều trị.

Một nhà trị liệu đang dùng đỉa để điều trị cho một phụ nữ. 

Những con đỉa được giữ trong một chiếc âu đất trước khi
được sử dụng
 

Một nhà  trị liệu đang cầm nhưng con đỉa để chuẩn bị đặt lên
cơ thể bệnh nhân
 

Đỉa được đặt lên chân của một bệnh nhân để  trị liệu. 

Một bệnh nhân bị đĩa chui vào mắt bám chặt 

1

Một con đỉa đang “chữa trị” cho Abdul Ahad, người bị mất
một phần thị lực.
 

Lau máu trên mặt sau khi đỉa đã rời ra.



Tài liệu tham khảo

1.    Vũ Hương Văn. Sức khỏe và đời sống số ra thứ 7, ngày 26_01_2008. Thông tin y dược. Con đỉa-nguồn dược liệu tương lai.

2.    Trích tư liệu và hình ảnh từ một số tạp chí Passion 2007; Express India, 2007; Le Monde, 2006; Reuters, 2008; Telegraph, Times of India, 2008, báo Sức khỏe và đời sống, Lao động, báo Tiền Phong.

Ngày 07/03/2009
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang
(Biên dịch và tổng hợp)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích