|
Tuyến biên giới Việt-Lào |
Thừa Thiên Huế triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống Sốt rét
Sau kết quả Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống Sốt rét Việt Nam Vòng 3 (2005-2008) được thực hiện tại 23 tỉnh có hiệu quả, Dự án Vòng 7 (2009-2013) sẽ được tiếp tục thực hiện tại các tỉnh này và mở rộng thêm cho 6 tỉnh mới, trong đó có Thừa Thiên Huế. Dự án Vòng 7 có mục đích “Tăng cường phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao, nâng cao năng lực và tính bền vững của Chương trình Phòng chống sốt rét quốc gia”. Đây là cơ sở để giúp Thừa Thiên Huế tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng trong thời gian tới.
Cơ sở được thực hiện Dự án Dự án được triển khai thực hiện tại 2 huyện trọng điểm sốt rét A Lưới, Nam Đông thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng và vừa trong phân vùng dịch tễ sốt rét can thiệp với 32 xã, thị trấn; 199 thôn, bản; 13.841 hộ gia đình và 66.022 người dân đang sinh sống tại đây. Huyện A Lưới và một huyện vùng cao, biên giới có đường biên dài khoảng 85 km giáp ranh với hai tỉnh Xaravan, Xêkông thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào . Đường Hồ Chí Minh chạy dọc trên địa bàn huyện dài khoảng 106 km nối huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị ở phía Bắc và huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ở phía Nam. Huyện Nam Đông mặc dù không có tuyến biên giới Việt-Lào nhưng lại tiếp giáp huyện A Lưới và nối liền với vùng sốt rét lưu hành nặng của tỉnh Quảng Nam. Sự giao thông, đi lại đã làm ảnh hưởng đến tình hình. Địa bàn được sự tài trợ, giúp đỡ của Dự án là nơi sinh sống của hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Ka Tu, Pa Kô, Pa Hy, Vân Kiều, Tày, Mường, Nùng. Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới chiếm hơn 80% và tại huyện Nam Đông chiếm hơn 40%. Một số hoạt động của người dân thường gắn liền với rừng núi, nương rẫy, giao lưu, đi lại biên giới ... nên dễ có nhiều nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Thành lập Ban Quản lý Dự án tỉnh Được sự chỉ đạo của Ban Quản lý Dự án trung ương, Ban Quản lý Dự án tỉnh đã được thành lập theo Quyết định số 2921/QĐ-UBND ngày 24/12/2008 của Ủy Ban Nhân dân tỉnh gồm 5 thành viên do PGS.TS. Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng Ban; BS. Nguyễn Võ Hinh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng làm Phó Trưởng Ban. Đồng thời Ban Quản lý Dự án của huyện cũng đã được thành lập sau đó, mỗi Ban Quản lý Dự án huyện gồm 3 thành viên. Ban Quản lý Dự án huyện Nam Đông được thành lập theo Quyết định số 22/QĐ-SYT ngày 14/01/2009 của Sở Y tế do BS. Hồ Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế làm Trưởng Ban. Ban Quản lý Dự án huyện A Lưới được thành lập theo Quyết định số 23/QĐ-SYT ngày 14/01/2009 do BS. Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện làm Trưởng Ban. Quy chế tổ chức và Quy chế hoạt động của Ban Quản lý Dự án tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Dự án huyện đã được ban hành kèm theo các Quyết định có liên quan một cách rõ ràng, cụ thể. Sau khi được thành lập, Ban Quản lý Dự án tỉnh và huyện đã được Ban Quản lý Dự án trung ương tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nội dung xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các hoạt động, báo cáo chuyên môn và tài chính theo quy định định kỳ ... Do tỉnh mới triển khai Dự án nên địa phương cần sự giúp đỡ, hướng dẫn bước đầu của Ban Quản lý Dự án trung ương, Ban Quản lý Dự án của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn để đạt được kết quả tốt. Kế hoạch triển khai Dự án năm 2009 Kế hoạch Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống Sốt rét Việt Nam năm 2009 của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Ban Quản lý Dự án trung ương phê duyệt với tổng kinh phí là 2.838.640.949 đồng để thực hiện 4 mục tiêu cơ bản là: Nâng cao việc tiếp cận và sử dụng các biện pháp phòng chống sốt rét hiệu quả. Nâng cao việc tiếp cận và sử dụng chẩn đoán và điều trị sốt rét hiệu quả. Tăng cường giám sát và giải quyết dịch sốt rét. Nâng cao năng lực của Chương trình Phòng chống sốt rét quốc gia. Mỗi mục tiêu có quy định các tiểu mục hoạt động cụ thể kèm theo kinh phí được sử dụng để bảo đảm những nhiệm vụ được giao. Địa phương căn cứ vào kế hoạch cả năm đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch hoạt động của từng quý nhằm triển khai thực hiện đúng tiến độ công tác yêu cầu. Kế hoạch hoạt động được kèm theo Hợp đồng trách nhiệm thực hiện được ký kết giữa TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Giám đốc Dự án và PGS.TS Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Quản lý Dự án tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào ngày 04/06/2009, Ban Quản lý Dự án Trung ương-Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống sốt rét Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế để đánh giá kết quả đã đạt được sau 4 năm thực hiện Dự án Vòng 3 (giai đoạn năm 2005-2008) với mục đích “Củng cố và duy trì các thành quả đã đạt được trong thập kỷ qua, góp phần đẩy lùi bệnh sốt rét ở những vùng sốt rét lưu hành nặng còn lại ở Việt Nam” và rút ra những bài học kinh nghiệm cho Dự án Vòng 7 (giai đoạn năm 2009-2013) với mục đích “Tăng cường phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao, nâng cao năng lực và tính bền vững của Chương trình Phòng chống sốt rét quốc gia”. Hội nghị tổng kết có sự tham dự của các thành viên Ban Quản lý Dự án 29 tỉnh, trong đó có 23 tỉnh cũ thuộc Vòng 3, 6 tỉnh mới thuộc Vòng 7 và Ban Quản lý Dự án của 3 Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh. Mong rằng trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Vòng 7, các địa phương phấn đấu đạt được 4 mục tiêu cơ bản đã xây dựng, tạo cơ sở và tiêu chuẩn để có thể chuyển chiến lược Phòng chống bệnh sốt rét sang chiến lược Loại trừ bệnh sốt rét trong một tương lai gần.
|