Cần biết sốc chấn thương để xử trí phù hợp
Hiện nay tình trạng tai nạn giao thông, lao động đã xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi làm cho số người bị thương và tử vong gia tăng. Phần lớn sau tai nạn, người bị nạn dễ bị sốc chấn thương đe dọa đến tính mạng. Vì vậy cần biết vấn đề này để xử trí biện pháp một cách phù hợp. Sốc chấn thương và các rối loạn chức năng “Sốc” là tình trạng suy sụp toàn thân, kéo dài sau các chấn thương hoặc các cuộc mổ xẻ lớn, thể hiện rõ nét trên lâm sàng bằng một hội chứng suy sụp tuần hoàn, trong đó lưu lượng máu đi đến tim thấp, dẫn tới tình trạng không cung cấp đủ oxygen cho các tổ chức, cơ quan, cho nhu cầu cần thiết của cơ thể. Sốc chấn thương gây nên các rối loạn chức năng về tuần hoàn, hô hấp, gan, thận, thần kinh, nội tiết, đông máu ... Về lâm sàng, sau khi bị thương, sốc chấn thương có thể xảy ra gồm hai giai đoạn, sốc nguyên phát và sốc thứ phát. Các giai đoạn của sốc chấn thương Sốc nguyên phát xảy ra ngay sau khi bị thương trong khoảng thời gian ngắn, thường chỉ sau 10-15 phút; vì vậy dễ thấy ngay tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Người bị thương ở trong trạng thái kích thích, vật vã, đôi khi nói nhiều nhưng vẫn tỉnh; toát nhiều mồ hôi, da nhợt nhạt, có khi lại hơi đỏ hồng. Bị tăng cảm giác đau, tăng phản xạ, đặc biệt là phản xạ đồng tử, tăng huyết áp động mạch cả chỉ số tối đa và tối thiểu. Huyết áp tĩnh mạch cũng tăng. Tần số hô hấp có khi tăng lên đến 25-30 lần/phút. Nhiệt độ cơ thể thường không thay đổi nhưng có khi tăng, khi giảm. | Sơ cứu đúng cách cũng giúp giảm quá trình lan rộng của chấn thương (Ảnh sưu tầm) | Sốc thứ phát có thể xuất hiện sau sốc nguyên phát nhưng cũng có thể xuất hiện ngay từ đầu. Các triệu chứng thường gặp là giảm huyết áp, giảm thân nhiệt và giảm cảm giác. Huyết áp động mạch thường giảm thấp và hẹp, có khi không đo được; mạch nhảy nhanh, nhỏ và khó bắt; huyết áp tĩnh mạch trung ương giảm thấp. Người bị thương có da nhợt nhạt và lạnh, lạnh nhất ở sống mũi; nằm yên một chỗ, tình trạng lờ đờ, thờ ơ với mọi người ở chung quanh. Sự tuần hoàn ở các mao mạch nhỏ bị rối loạn biểu hiện bằng dấu hiệu khi bấm vào ngón tay người bị nạn thì móng tay sẽ nhợt nhạt, thả tay ra móng tay không hồng hào trở lại hoặc trở lại rất chậm. Có thể căn cứ vào huyết áp động mạch khi đo để chia làm mức độ của sốc chấn thương: sốc nhẹ có huyết áp tối đa từ 80-100 mmHg, sốc vừa có huyết áp tối đa từ 40-80 mmHg và sốc nặng có huyết áp tối đa dưới 40 mmHg. Ngoài ra, việc xác định sốc nhẹ hay nặng còn tùy thuộc tình trạng của người bị nạn trước khi bị sốc, tình trạng của tim nhất là nguyên nhân gây sốc.
Theo dõi và xử trí sốc chấn thương Sốc là tình trạng rất nặng, càng để lâu càng nặng, đôi khi có sự thay đổi đột ngột như tình trạng đang nhẹ trở thành trầm trọng. Diễn biến của sốc không chỉ phụ thuộc vào cách thức điều trị mà còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra sốc như chảy máu trong nội tạng, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì sốc sẽ chuyển thành không hồi phục. Vì vậy phải theo dõi kỹ, dựa vào các triệu chứng lâm sàng, các dấu hiệu cận lâm sàng khi có điều kiện để phát hiện sốc, theo dõi diễn biến và các biến chứng của sốc. Các trường hợp người bị chấn thương nặng do tai nạn đều phải đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất và thuận tiện nhất có điều kiện để theo dõi, phát hiện, xử trí sốc kịp thời nhằm hạn chế tử vong. Sốc chấn thương có thể khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng cách, giải quyết được nguyên nhân gây sốc. Sốc cũng có thể khỏi nhưng người bị thương lại rơi vào tình trạng biến chứng của sốc như sốc ở phổi, sốc ở thận. Cả hai tình trạng này xẩy ra muộn nhưng rất nguy hiểm. Sốc có thể trở thành không hồi phục dù đã cắt được nguyên nhân gây sốc, dù đã phục hồi được khối lượng tuần hoàn nhưng huyết áp động mạch vẫn thấp, sự cung cấp máu cho các tổ chức, cơ quan vẫn kém, tế bào vẫn thiếu oxygen, diễn biến lâm sàng ngày càng nặng, các chỉ số cận lâm sàng càng xấu. Cuối cùng bệnh nhân tử vong. Khi người bị tai nạn vào cơ sở điều trị, nhân viên y tế cần quan tâm đến việc ghi mạch, huyết áp động mạch, thăm khám toàn diện, thực hiện một loạt các chỉ định y lệnh như bảo đảm hô hấp, tuần hoàn tốt, truyền máu nếu cần thiết; bảo đảm thận hoạt động tốt, chống đau, chống nhiễm khuẩn; điều chỉnh rối loạn kiềm-toan, rối loạn đông máu và phẩu thuật mổ để giải quyết nguyên nhân gây sốc khi đã xác định. Người bị nạn không nên thăm khám bằng các động tác thô bạo và kéo dài thời gian, không di chuyển khi huyết áp động mạch thấp, dao động và chưa cố định hai đầu xương bị gãy. Cơ sở y tế tuyến dưới chỉ chuyển người bị nạn lên tuyến trên sau khi huyết áp động mạch trên 10 mmHg và ổn định được 1 giờ. Chuyển bằng phương tiện nhẹ nhàng sau khi đã cố định xương bị gãy. Dấu hiệu đã thoát khỏi sốc chấn thương Khi người bị tai nạn bị sốc chấn thương, sau điều trị tích cực có thể thoát khỏi sự nguy kịch. Các dấu hiệu khi đã khỏi sốc thường được biểu hiện bằng sự tỉnh táo, da và niêm mạc hồng hào, dấu bấm ngón tay có móng tay trở lại màu hồng nhanh. Sống mũi, các đầu chi ấm; huyết áp động mạch trở về bình thường, khoảng cách huyết áp tối đa-tối thiểu không còn bị thu hẹp, huyết áp tĩnh mạch cũng bình thường; mạch bình thường, tim đập rõ; nhịp thở sâu, đều; nước tiểu mỗi giờ khoảng 60 ml. Các chỉ số này phải ổn định trong khoảng từ 2-3 giờ. Urê máuvà đậm độ urê trong nước tiểu trở lại bình thường, các chỉ số máu dần dần trở lại bình thường. Trong tai nạn giao thông và lao động, phần lớn người bị thương nặng thường bị tình trạng sốc chấn thương, có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài nhân viên y tế, nếu mọi người biết được vấn đề này một cách cụ thể sẽ góp phần hạn chế những hậu quả do sốc gây nên bằng các biện pháp xử trí ban đầu tại hiện trường xảy ra tai nạn.
|