|
(Hình ảnh trong bài sưu tầm trên internet và chỉ mang tính minh họa) |
Đạo đức người thầy thuốc nhìn từ lời thề Hippocrates và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ xưa đến nay, người thầy của những người thầy thuốc ngoài việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, luôn luôn dạy bảo đạo đức hành nghề cho các học trò của mình. Y thuật phải được gắn liền với y đạo vì người thầy thuốc có trình độ chuyên môn giỏi chưa đủ mà cần phải có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Ngành y tế là ngành chữa bệnh, cứu người; thầy thuốc là người nắm trong tay sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân; vì vậy không thể coi thường đạo đức nghề nghiệp cùng với chuyên môn nghiệp vụ cần thiết trong thực hành y nghiệp. Lời thề và sự căn dặn của các Y tổ Hippocrates Hippocrates là bậc Y tổ của thế giới đã nêu trong lời thề với những nội dung: * Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không dấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác. * Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. * Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. * Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết. * Tôi sẽ không thực hiện những phẩu thuật mở bàng quang mà dành công việc đó cho những người chuyên. * Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ. Hippocrates |
* Dù tôi có nghe hoặc nhìn thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ. * Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm, tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lới thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ chịu một số phận khổ sở ngược lại. Hải Thượng Lãn Ông là bậc Y tổ của Việt Nam cũng đã có lời căn dặn: * Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận đạo Nho thì học thuốc mới dễ. Khi có chút thì giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu các sách thuốc xưa nay, luôn luôn phát huy biến hóa thâm nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt, thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không phạm sai lầm. * Phàm người mời đi thăm bệnh, nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo nàn mà nơi đến trước, chỗ tới sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém. Khi lòng mình có chỗ không thành thật thì khó mong thu được kết quả. * Khi xem bệnh cho đàn bà, con gái và đàn bà góa, ni cô cần phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng mà thăm bệnh để tránh hết sự nghi ngờ; dù cho đến con hát nhà thổ cũng vậy, phải đứng đắn, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm. * Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, nhỡ có bệnh nhân cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ, nguy hại đến tính mệnh con người. Vậy cần phải biết nhiệm vụ mình là quan trọng thế nào ? * Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn hết sức mình để cứu chữa tuy đó là lòng tốt, song phải nói rõ cho gia đình người ốm biết trước rồi mới cho thuốc; lại có khi phải cho không cả thuốc như thế thì thuốc uống nếu có công hiệu, người ta sẽ biết cảm phục mình; nếu không khỏi bệnh, cũng không có sự oán trách và tự mình cũng không bị hổ thẹn. * Phàm chuẩn bị thuốc men thì nên mua giá cao để được thứ tốt. Theo sách lôi công mà bào chế và cất giữ thuốc men cho cẩn thận. Hoặc y theo từng phương mà bào chế, hoặc tùy thời tùy bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương mới, phải phỏng theo ý nghĩa của người xưa, chớ nên lập ra những phương bừa bãi để thử bệnh. Thuốc sắc và thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc đan nên chế sẵn. Có như thế mới ứng dụng được kịp thời, khi gặp bệnh khỏi phải bó tay. * Khi gặp bạn đồng nghiệp, cần nên khiên tốn hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn, không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi hơn thì mình kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì dìu dắt họ. Giữ được lòng đức hậu như thế sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho mình. * Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hay những người mồ côi, góa bụa hiến hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt vì những người giàu sang không lo không có người chữa; còn những người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi; vậy ta để tâm một chút họ sẽ được sống một đời. Còn như những người con thảo, vợ hiền nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc lại tùy sức mình mà chu cấp cho họ nữa vì có thuốc mà không có ăn thì vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương tiếc lắm. * Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang tính khí thất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc người ta để cầu lợi, thường hay sinh ra chuyện; cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta phải giữ khí tiết cho trong sạch. Tôi xét lời dạy bảo của các bậc tiên hiền về lòng tử tế và đức hàm dục. Rèn luyện cho mình rất chặt chẽ và đầy đủ. Đạo làm thuốc một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người để làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công, tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để làm ân đức về sau. Phương ngôn có câu: “ba đời làm thuốc có đức, thì đời sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng”. Đó phải chăng là do công vun trồng từ trước chăng ? Thường thấy kẻ làm thuốc khi nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo, hoặc bắt bí người ta, lúc đêm tối trời mưa, có bệnh nguy cấp; bệnh dễ chữa bảo là dễ chữa, bệnh khó chữa là không chữa được, dở lối quỷ quyệt ấy để thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu sang thì tỏ tình sốt sắng, mong được lợi nhiều; chữa cho nhà nghèo nàn thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bây. Than ôi ! đem nhân thuật là chước lừa lối, đem lòng nhân đổi lấy lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được. Tôi đã dứt chí công danh, thích tình mây nước. Người xưa nói: “không làm được tướng giỏi cũng làm được một ông thầy hay”. Cho nên tôi tự nghĩ: làm hết những việc đang làm, giúp đỡ mọi người thật là sâu rộng để thề với tấm lòng này, họa may không hổ thẹn với trời đất. Nhưng trong lúc lâm sàng nếu bệnh thể không chữa được đó là tự số mệnh đã đành; nhưng còn những bệnh có thể xoay xở được mà cũng đành bó tay để nhìn biến cố, không mang hết sức mình lòng không thỏa. Vậy mà chỉ đành thở vắn than dài biết làm sao được. Tần Việt Nhân đã nói: “Coi của trọng hơn người là điều thứ hai không chữa được, song khi gặp những hạng người này, họ coi nhẹ mà mình coi trọng, họ thiếu thốn mà mình giúp đỡ, lo gì bệnh không khỏi. Ôi ! sẵn của lòng, hai điều tựa hồ khó được cả hai. Tài thực không đủ theo ý muốn thì thật làm thuốc còn thiếu quá nửa. Qua lời thề của Hippocrates, Y tổ thế giới và lời căn dặn của Hải Thượng Lãn Ông, Y tổ Việt Nam; có lẽ tất cả những người thầy thuốc khi tốt nghiệp ra trường đều đã nhận biết được đầy đủ các nội dung này. Trong quá trình thực hành y nghiệp, người thầy thuốc đừng quên những gì mà các bậc y tổ đã mong muốn, tin tưởng vào những thế hệ mai sau tiếp tục đảm nhận nhiệm cao cả trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con người và cộng đồng với đạo đức của người thầy thuốc. Y nghiệp phải gắn liền với y đức và y đạo mới hoàn chỉnh được những gì mà bậc tiền bối đã có lời nguyền và sự căn dặn người thầy thuốc tiếp nối. Những người thầy của những người thầy thuốc phải có trách nhiệm giáo dục truyền thống đạo đức này từ thế hệ này sang thế hệ khác mới có thể có được các thế hệ thầy thuốc hoàn chỉnh một cách đầy đủ, bảo đảm yêu cầu vừa hồng vừa chuyên, vừa có đạo đức tốt vừa có chuyên môn giỏi. Sự giáo dục và lời chỉ dạy Tôi là một sinh viên y khoa đã được học tập tại Trường Đại học Y khoa Huế vào thời điểm những năm chiến tranh trước khi quê hương được hoàn toàn giải phóng. Ngay từ năm thứ nhất vào trường, tôi đã được các thầy giáo dạy học ngay lời tuyên thệ của người sinh viên y khoa khi ra trường mặc dù 6 năm sau đó mới tốt nghiệp. Các nội dung của lời tuyên thệ cũng tập trung vào việc giáo dục y đức cho người sinh viên từ khi mới bước vào cổng trường để học nghề thầy thuốc. Tôi còn nhớ những nội dung của lời tuyên thệ mà 6 năm sau đó nếu tốt nghiệp ra trường, tôi sẽ được đọc trước các bậc y tổ, các thầy và những đồng môn đã gây dựng y nghiệp cho mình. Nội dung của lời tuyên thệ này hiện nay tôi vẫn còn nhớ với một cách khái quát như “Coi nghể thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như là một con đường cứu người, giúp đời chớ không xem như là một phương tiện thương mại. Vì tôn trọng sinh mạng của người bệnh và lý tưởng cao đẹp của nghề thầy thuốc, tôi sẽ học hỏi và nghiên cứu trọn đời. Trong khi hành nghề, tôi chỉ dùng mọi hiểu biết của người bệnh để phục vụ y đạo. Vì tình yêu tổ quốc, tôi sẽ cố phát triển những sắc thái đặc biệt của nền y học Việt Nam. Vì tình thương nhân loại, tôi sẽ cứu tất cả mọi người và truyền nghề cho bất cứ ai có khả năng và thiện chí. Hôm nay chỉ mới là bắt đầu”. Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, tôi và những người thầy thuốc Việt Nam đã được Bác Hồ kính yêu dạy bảo: * Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân. * Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. “Lương y như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng. | Chăm sóc người cao tuổi theo y học hiện đại |
* Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với sự nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”. Mong các cô các chú cố gắng thi đua, làm tròn nhiệm vụ. Lời dạy bảo của Bác Hồ kính yêu đã gửi bằng thư đến Hội nghị cán bộ y tế được tổ chức vào ngày 27 tháng 2 năm 1955. Mặc dù thời gian đã qua đi 55 năm và ngày 27 tháng 2 đã trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam nhưng cứ hàng năm, những người thầy thuốc Việt Nam đều có dịp ôn lại lời dạy chân thành và cao quý này trong buổi lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành. Bác Hồ đã chỉ dạy, nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, nó trực tiếp quan hệ đến sức khỏe, đến tính mạng của con người. “Thầy thuốc như mẹ hiền” là một đòi hỏi khách quan trong việc thực hành y nghiệp. Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã ban hành 12 điều y đức, tức là tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế để nhắc nhở những người thầy thuốc phải cố gắng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong quá trình thực hành y nghiệp để bảo đảm vai trò, trách nhiệm của mình. Quy tắc ứng xử của ngành y tế cũng đã được Bộ Y tế ban hành tiếp sau đó cũng nhằm mục đích điều chỉnh mối quan hệ của người thầy thuốc khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2, những người thầy thuốc Việt Nam cần kiểm định lại giá trị đạo đức của mình từ lời thề và sự căn dặn của những người đi trước để cố gắng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị của bản thân. Việc kiểm định này cần gắn liền với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta đang triển khai thực hiện.
|