Cảnh báo nhiễm bệnh giun đầu gai
Ngày 22/7/2010, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh nhân H.T.B ngụ tại huyện Củ Chi bị nhiễm giun đầu gai. Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, chị B. có ăn lươn và cá, sau đó ít ngày xuất hiện dấu hiệu ở bắp chân phải với vùng da rộng khoảng 4cm, bị sưng đỏ, nung mủ và phù nề. Vậy làm sao nhận biết được bệnh này và cách phòng bệnh như thế nào ? Bệnh giun đầu gai do ký sinh trùng Gnathostoma ký sinh ở người gây ra, đây là một loại ấu trùng giun tròn, thường gặp là loài Gnathostoma spinigerum, tại nước ta bệnh phát hiện còn ít. Người bệnh sinh sống và làm việc ở những vùng dịch tễ bệnh lưu hành, có tiền sử đã ăn các thực phẩm dễ có nguy cơ mắc bệnh như các món ăn được chế biến từ lươn, cá, ếch, nhái, tôm... chứa mầm bệnh còn sống, chưa nấu chín kỹ. Việc chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng đặc trưng của hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da và hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng. Triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất là mề đay mạn tính, nổi u cục có kích thước to nhỏ không đều, có tính di chuyển, đôi khi kèm cảm giác đau. Tiếp theo là sưng đau cơ, thường gặp sưng đau cơ chân tay, mặt, ngực; trường hợp sưng đau cơ ngực, bệnh nhân có cảm giác khó thở. Triệu chứng sưng đau cơ có thể khu trú hay xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau cùng một lúc. Có thể gây tổn thương da, tổ chức dưới da do ấu trùng dưới da gây bội nhiễm, tạo thành các ổ áp xe có đặc điểm giống như các bọc mủ, u nhọt hoặc tạo ra những đường hầm dưới da, hông, vùng ngực, vú, thái dương; thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu ấu trùng giun chui vào cơ quan trọng yếu ở trong não. Hiện tượng ấu trùng di chuyển có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và kết thúc khi ấu trùng chui ra từ các ổ áp xe dưới da. Nếu người bị nhiễm qua đường tiêu hóa, ấu trùng thường đến gan, có thể lạc đến xoang bụng tạo thành khối u hoặc di chuyển đến hệ thần kinh trung ương gây viêm màng não cấp tính, sưng cơ vùng mang tai giống bệnh quai bị; ấu trùng cũng có thể chui vào mắt gây viêm mống mắt, tiền phòng... Việc chẩn đoán cận lâm sàng thường căn cứ vào kỹ thuật tìm ấu trùng giun ở các vết loét, xét nghiệm máu có dấu hiệu bạch cầu ái toan tăng cao và thử phản ứng huyết thanh chẩn đoán Gnathostoma có kết quả dương tính. Sau khi chẩn đoán, nếu nghi ngờ mắc bệnh có thể điều trị thử bằng thuốc điều trị đặc hiệu có đáp ứng hiệu quả tốt. Thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh giun đầu gai thường được sử dụng là albendazole (zentel), thiabendazole hoặc ivermectin. Có thể sử dụng kết hợp phương pháp phẩu thuật, chích ổ áp xe và lấy ấu trùng giun ra khỏi cơ thể. Để đề phòng bị nhiễm bệnh ấu trùng giun đầu gai; -Cần truyền thông giáo dục sức khỏe, cảnh báo cho cộng đồng người dân về các món ăn có nguy cơ bị nhiễm bệnh, không ăn các thức ăn thủy sản, hải sản như lươn, cá, ếch, nhái, tôm...còn sống, ở trạng thái còn tái, chưa nấu chín kỹ. -Phải sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, không uống nước lã. -Khi làm thịt lươn, cá, ếch, nhái, tôm... nên mang găng tay cao su bảo vệ, đề phòng ấu trùng giun đầu gai có thể chui xuyên qua da.
|