Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Finance & Retail Thư viện điện tử
Công trình nghiên cứu về Ký sinh trùng
Công trình nghiên cứu về Sốt rét & SXH
Công trình nghiên cứu về Côn trùng & véc tơ truyền
Đề tài NCKH đã nghiệm thu
Thông tin-Tư liệu NCKH
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 1 9 1 7
Số người đang truy cập
5 3 4
 Thư viện điện tử Thông tin-Tư liệu NCKH
Cập nhật về ung thư cổ tử cung- Lợi điểm vaccine phòng bệnh do virus HPV (Human Papiloma Virus)

VIRUS HPV VÀ TÌNH HÌNH MẮC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG TĂNG LÊN MỖI NĂM

Thông tin trên đượcGiáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện phòng, chống Ung thư Việt Nam đưa ra tại hội thảo khoa học “ Vắcxin Gardasil- một tiếp cận đột phá trong phòng chống ung thư cổ tử cung”. Thống kê tại Việt Nam cũng cho thấy, người mắc ung thư cổ tử cung hiện đứng hàng thứ hai sau ung thư vú và tập trung tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. Trong y học, đây là căn bệnh khó nhận biết do không gây đau và không có những dấu hiệu khác lạ chính là đặc điểm nguy hiểm nhất của căn bệnh này. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100 nghìn phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh và 11 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ung thư cổ tử cung có xu hướng giảm ở các nước có chương trình sàng lọc tốt. Giáo sư Nguyễn Bá Đức khẳng định, nếu người bị bệnh được phát hiện sớm và được sử dụng vaccine có thể ngăn ngừa và phòng bệnh ung thư cổ tử cung khá hiệu quả.
 

Virus HPV – Thủ phạm gây ung thư cổ tử cung

Virus Papilloma ở người (HPV), một loại virus gây lây nhiễm rất phổ biến mà hầu hết phụ nữ có thể mắc phải trong một số thời điểm của cuộc đời, là nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung (UTCTC) và các vấn đề khác về sức khỏe. Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 630 triệu người nhiễm HPV, phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới, trong đó có khoảng 50% - 80% phụ nữ có quan hệ tình dục bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Thông thường phụ nữ nhiễm HPV vào những năm cuối tuổi vị thành niên đến đầu những năm 30 tuổi và tỷ lệ nhiễm HPV cao nhất vào thời điểm mới bắt đầu có quan hệ tình dục ở các em gái và phụ nữ trẻ dưới 25 tuổi. Trong hầu hết các trường hợp, UTCTC được phát hiện ở độ tuổi muộn hơn nhiều, thường là sau tuổi 40 và số ca phát hiện cao nhất là ở độ tuổi khoảng 45. HPV là một tổ hợp các chủng virus khác nhau. Hiện nay người ta đã biết đến hơn 100 loại HPV, trong đó hai loại có nguy cơ cao có liên quan đến khoảng 70% tất cả các ca UTCTC là HPV-16 và HPV-18. Ngoài ra HPV-45 và –31 cũng liên quan đến khoảng 4% số ca mỗi loại.

Đối với phụ nữ, nguy cơ nhiễm HPV liên quan chủ yếu đến hoạt động tình dục, đặc biệt là các hành vi tình dục của các bạn tình của họ. Những nhiễm HPV cũng có thể xảy ra khi không có tiếp xúc trong âm đạo (ví dụ như sau khi xuất tinh ngoài âm đạo). Quan hệ tình dục sớm là một trong những yếu tố nguy cơ nhiễm HPV, bởi khi đó cổ tử cung chưa phát triển hoàn toàn, lớp biểu mô cổ tử cung chưa trưởng thành nên HPV dễ thâm nhập. Các yếu tố cộng hưởng khác bao gồm sinh con sớm, nhiễm HIV hoặc các lây nhiễm qua đường tình dục khác (virus herpes hoặc Chlamydia trachomatis). Ít nhất 50% người ở độ tuổi hoạt động tình dục sẽ nhiễm HPV. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 6,2 triệu người nhiễm HPV. HPV phổ biến nhất ở nam và nữ trẻ ở độ tuổi trên dưới 20. Được biết, nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là loại virus có tên Human papillomavirus (HPV). HPV là một virus phổ biến được lan truyền qua quan hệ tình dục. Hàng năm, có hơn 6 triệu người ở Mỹ bị nhiễm HPV. Gần một nửa số những người bị nhiễm ở lứa tuổi 15 và 25 tuổi. Hầu hết các loại virus HPV đều hết sức nguy hiểm. Y học thế giới đã phát hiện ra khoảng 100 chủng loại virus này. HPV là virus thường xuyên nhất gây ra UTCTC, nhưng cũng có thể gây ung thư hậu môn và ung thư bộ phân sinh dục khác. Một số HPV gây ra các loại mụn cóc sinh dục. Virus này thường gây nhiễm ở phụ nữ có độ tuổi từ 30 đến 60 đã qua quan hệ tình dục. Các xét nghiệm gần đây, cho thấy, HPV có mặt trong 99,7% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Các bác sỹ khuyến cáo,, HPV dễ bị lây nhiễm hơn cả HIV, bởi ngoài lây truyền qua đường tình dục, virus này nhiễm trực tiếp qua da trong những trường hợp dùng chung quần áo, dụng cụ cắt móng tay…

Mới đây, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã cho phép lưu hành vaccine Gardasil do Công ty Merck & Co. INc (Hoa Kỳ) sản xuất. Đây là loại vaccine có tác dụng chống lại virus sinh u nhú ở người (HPV) và được chỉ định dùng trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất hiện nay. Theo các chuyên gia của ngành ung bướu, Gardasil có thể khắc chế được đến 99% sự tấn công của HPV gây ung thư cổ tử cung. Còn trên thế giới, ung thư cổ tử cung hiện đứng thứ hai sau ung thư vú, chiếm 15% tổng số các ca ung thư ở nữ. Tuổi thường gặp ung thư cổ tử cung là 30-59, đỉnh cao là 48-52 tuổi.

Virus HPV "tung hoành" khắp nơi
 

HPV (Human Papiloma virus) chính là thủ phạm gây nên UTCTC ở phụ nữ. Các nhà khoa học đã tìm thấy sự hiện diện của HPV trong 99,7% các trường hợp mắc bệnh này. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc UTCTC lên đến 20/100.000 nữ. Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư): nhiễm HPV là bệnh lây qua đường tình dục. Virus này bao gồm hơn 100 chủng khác nhau, trong đó hơn 30 chủng lây qua đường tình dục dương vật, âm đạo và hậu môn. Khoảng 20 triệu người trên thế giới hiện đang bị nhiễm HPV".

Trong số này, khoảng 1/3 (10/30) chủng HPV có thể gây UTCTC, âm hộ, âm đạo, hậu môn và dương vật. Nhưng chủng đặc biệt nguy hiểm được khẳng định đó là HPV 16 và 18. Đây là hai chủng thường gây ung thư ở hầu hết các nơi trên thế giới. UTCTC có liên quan chặt chẽ với các hoạt động tình dục, sinh đẻ. Đây cũng là lý do giải thích sự khác biệt về tỷ lệ mắc giữa các vùng, miền. Các nghiên cứu trong nước từng ghi nhận, nơi có thói quen hoạt động tình dục "thoáng" hơn thì tỷ lệ nữ mắc UTCTC cũng cao hơn. Ước tính chung, ít nhất có khoảng 50% nam và nữ ở tuổi hoạt động tình dục đã từng bị nhiễm HPV. Vào độ tuổi 50, ít nhất 80% phụ nữ bị nhiễm HPV đường tình dục. Hầu hết những người nhiễm HPV không có triệu chứng và tự khỏi. Chính vì vậy, những người nhiễm HPV không nhận biết được tình trạng nhiễm HPV của họ và họ tiếp tục làm lây truyền HPV sang bạn tình.

12.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung mỗi năm

Thông tin trên được TS Trần Văn Thuấn, Phó GĐ BV K, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết tại Hội thảo về ung thư cổ tử cung (UTCTC) diễn ra tại Hà Nội sáng qua.

Theo nghiên cứu của Viện K, tại Hà Nội, tỉ lệ mắc từ 7 – 10/100.000 dân. TP Hồ Chí Minh là 25,2/100.000 dân. Như vậy, UTCTC ở miền Nam cao gấp 2 - 3 lần so với miền Bắc. TS Thuấn khẳng định, ung thư không phải là bệnh vô phương cứu chữa, có thể chữa khỏi, đặc biệt nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì điều trị càng rẻ, tỷ lệ điều trị khỏi càng cao. Muộn đòi hỏi nhiều phương pháp, phẫu thuật, xạ trị… rất đắt tiền.

Khả năng sống khi bị ung thư cổ tử cung
 

Bệnh UTCTC có thể chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh vẫn có khả năng sinh con, có chất lượng cuộc sống tốt nếu phát hiện, điều trị ở giai đoạn sớm (giai đoạn loạn sản). Còn khi đã bị ung thư xâm lấn, ở giai đoạn 1, tỉ lệ sống thêm 5 năm là 85%. Giai đoạn 2 là 50 - 60%, giai đoạn 3 chỉ còn 30%, giai đoạn 4 là 5%. Như vậy, nếu được phát hiện sớm, người bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi và có cuộc sống như bao người bình thường khác. Đáng nói, có tới trên 80% bệnh nhân đến viện điều trị khi đã ở giai đoạn muộn. Do vậy, việc điều trị vừa tốn kém, kết quả lại không cao.

Để phòng bệnh, ngoài các biện pháp chung thủ một vợ một chồng, hạn chế quan hệ sớm, không sinh đẻ nhiều và phòng bệnh chủ động bằng vắc xin ngừa UTCTC, phụ nữ nên đi khám định kỳ, nhất là sau khi có quan hệ tình dục. Còn với những người đã mắc UTCTC mà đã được chữa khỏi, nên đi khám định kỳ 3 tháng một lần.

TS Thuấn cho biết thêm, hiện nay, viện K đang lên kế hoạch phối hợp với vụ Sức khoẻ sinh sản để lồng ghép giữa chương trình phòng chống UTCTC và chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở trẻ em. Đồng thời vào khoảng tháng 3 tới, Viện sẽ triển khai chương trình sàng lọc UTCTC tại một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nguy cơ mắc phải virus HPV và khả năng tiến triển thành UTCTC

Có phải nhiễm bất kỳ týp HPV nào cũng có thể bị ung thư cổ tử cung?

Trước hết cần nhận thức chính xác nhiễm virut Papilloma ở người (HPV) là điều kiện cần để dẫn đến UTCTC. Tuy nhiên không phải tất cả các loại HPV đều có thể gây ung thư. Trong số hơn 100 týp HPV đã được định danh, chỉ có 15 týp có khả năng gây ung thư hay còn gọi là tuýp nguy cơ cao. Các týp khác được xem là nguy cơ thấp có thể gây các tổn thương lành tính vùng sinh dục. Trong số 15 týp có thể gây ung thư, 2 týp HPV-16 và HPV-18 là nguyên nhân của ít nhất 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Trong những týp HPV gây ung thư còn lại, 2 týp HPV-31 và 45 gây ra thêm ít nhất 10% nữa.
 

Ai có nguy cơ nhiễm HPV?

Phụ nữ từ khi bắt đầu quan hệ tình dục là đã có nguy cơ nhiễm HPV và nguy cơ này tồn tại suốt cuộc đời. Kết quả nghiên cứu của Basemen (2005) cho thấy có khoảng 80% phụ nữ đã từng nhiễm HPV một lần trong đời, tỷ lệ mắc cao nhất là ở nhóm tuổi trẻ và giảm dần ở các lứa tuổi cao hơn. Tuy nhiên, hàng năm, tỷ lệ nhiễm mới HPV các týp gây ung thư ở phụ nữ tuổi từ 25-80 chiếm khoảng 5-10%. Phần lớn phụ nữ bao gồm cả phụ nữ trung niên vẫn có thể nhiễm mới HPV các týp gây ung thư trong suốt đời sống tình dục của họ, và do đó họ vẫn tiếp tục có nguy cơ mắc các tổn thương tiền ung thư và ung thư xâm lấn cổ tử cung.

Số liệu dịch tễ cho thấy có một số lượng đáng kể các ca nhiễm HPV mới xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi, điều này có nghĩa là nguy cơ nhiễm mới và tái nhiễm với những týp HPV sinh ung thư tồn tại suốt cuộc đời người phụ nữ [6]. Hơn nữa ở những phụ nữ trung niên, một khi đã nhiễm HPV thì nguy cơ HPV tồn tại dai dẳng cao hơn ở phụ nữ trẻ, do đó phụ nữ lớn tuổi một khi nhiễm HPV thì có nhiều nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung hơn. Điều này cho thấy phụ nữ trên 25 tuổi được chủng ngừa HPV là cần thiết vì những đợt nhiễm mới vẫn tiếp tục xảy ra ở nhóm tuổi này.

CƠ CHẾ BỆNH SINH NHIỄM HPV:

HPV là một loại virus DNA không có vỏ bọc cùng nhóm với adenovirus hay parvovirus (nhóm parvovavirus). Virus có một lớp bao protein với một số gen được phát hiện có tính sinh miễn dịch (L1, L2) hay gây ung thư (E6, E7). Các gen có tính gây ung thư tác động vào các gen của tế bào chủ vốn làm nhiệm vụ ức chế quá trình phát triển của tế bào (p53 và RB); do đó sẽ gây ra sự phát triển hỗn lọan của nhóm tế bào bị nhiễm. Không phải nhiễm HPV là sẽ có ung thư cổ tử cung. Nhiễm HPV bất kỳ thuộc nhóm nào đều có khả năng tự lui bệnh đến hết hẳn và không để lại di chứng gì cho người bị nhiễm. Một số trường hợp nhiễm kéo dài, đặc biệt do nhóm nguy cơ cao, sẽ gây ra các tổn thương về phát triển mô học của cổ tử cung (dị sản xếp theo thứ tự nhẹ, vừa, nặng). Hơn phân nửa các trường hợp dị sản nhẹ có khả năng tự thóai lui; 10% các trường hợp dị sản nặng hay vừa có khả năng tiến triển nặng hơn trong 2-4 năm; khỏang 50% dị sản nặng sẽ trở thành ung thư tại chỗ cổ tử cung, đặc biệt khả năng này ít gặp ở người trẻ tuổi.
 

HPV tác động chủ yếu vào các tế bào biểu mô lát tầng không sừng hóa của cổ tử cung tại nơi tiếp giáp giữa cổ trong và cổ ngòai (nơi tiếp giáp 2 lọai mô khác nhau: biểu mô tế bào trụ tuyến và biểu mô lát tầng không sừng hóa). Biểu mô lát tầng không sừng hóa vốn được tổ chức với chức năng che chở, bảo vệ và được qui định sẽ phát triển dần lên hướng bề mặt và sau đó sẽ được bong ra ngòai. Virus sẽ tấn công vào lớp tế bào đáy của biểu mô vốn có khả năng sinh sản cao và gây ra hiện tượng phát triển mạnh hơn bình thường của 1 rồi nhiều lớp tế bào sau đó. Khi tế bào bấtung thưàthường chiếm toàn bộ các lớp của tế bào biểu mô lát (dị sản nặngtại chỗ), sẽ có khả năng phát triển lan rộng khỏi màng đáy vào các lớp sâu hơn biểu mô lát và hình thành ung thư cổ tử cung giai đoạn xâm lấn. Tuy nhiên, những tổn thương ban đầu chỉ xảy ra tại biểu mô lát vốn không có tiếp xúc mạch máu, HPV hầu như chỉ hiện diện tại chỗ và không đi vào máu, do đó không gây ra tình trạng viêm, không hoạt hóa hệ miễn dịch, và hầu như không gây miễn nhiễm sau khi đã nhiễm tự nhiên HPV. Ngày nay, có một số ít bằng chứng cho thấy dường như cũng có vai trò miễn dịch trong nhiễm HPV mặc dù yếu ớt: những người có suy giảm miễn dịch sẽ dễ bị nhiễm HPV và khi đã nhiễm thì tiến triển sẽ nhanh và nặng nề; có gia tăng nồng độ kháng thể với HPV sau khi bị nhiễm tự nhiên tuy nhiên nồng độ kháng thể tỏ vẻ không đủ để gây miễn dịch.

Tổn thương dị sản hay ung thư cổ tử cung có một thời gian dài phát triển tại biểu mô và tại chỗ cổ tử cung. Trung bình, có khỏang 10-20 năm cho sự tiến triển từ dị sản đến ung thư cổ tử cung. Đây chính là thuận lợi cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung, giúp phát hiện sớm và điều trị những tổn thương dị sản cũng như ung thư giai đọan sớm. Có những yếu tố tạo thuận lợi cho tiến triển ung thư cổ tử cung từ nhiễm HPV: sanh nhiều, giao hợp sớm, nhiều bạn tình, thuốc lá… Việc sử dụng nội tiết sinh dục nữ (trong thuốc ngừa thai dạng uống) lâu năm dường như làm tăng nhẹ tình trạng nhiễm HPV kéo dài và làm tăng khả năng ung thư cổ tử cung do HPV. Tuy nhiên, bằng chứng còn chưa đủ mạnh, và hơn nữa cân nhắc với lợi ích của việc ngừa thai hiệu quả bằng nội tiết tố, tránh được thai kỳ không mong muốn, tránh hậu quả phá thai hay bệnh lý mẹ do thai kỳ, thuốc ngừa thai dạng uống vẫn cần được khuyến khích sử dụng.
 

XÉT NGHIỆM MỚI PHÁT HIỆN UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Nghiên cứu của các nhà khoa học trường ĐH McGill (Montreal, Cannada) cho thấy: Xét nghiệm vi rút u nhú (HPV) tìm thấy trong 95% số trường hợp mà phụ nữ có nguy cơ ung thư cổ tử cung so với tỉ lệ 55% khi làm xét nghiệm sinh thiết bằng phết đồ tế bào âm đạo. Tổng số 10.154 phụ nữ ở MontrealSt. John (Canada) đã được xét nghiệm theo 2 phương pháp: làm phết đồ tế bào âm đạo (bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ có hình mái chèo để lấy một cơ số tế bào có ở cổ tử cung) và xét nghiệm vi rút HPV (xét nghiệm Qiagen).

Đăng tải trên tạp chí NEJM của Anh, nhóm nghiên cứu của Franco cho biết: Trong khi xét nghiệm HPV chỉ ra chính xác tình trạng nhiễm trùng và các thương tổn tiền ung thư thì nó cũng có thể gây ra xác xuất nhầm lẫn là 6%. Nguyên do là không phải trường hợp nhiễm HPV nào cũng sẽ chuyển thành ung thư hoặc nó chỉ tồn tại ở một thời điểm nào đó rồi biến mất. Trong khi đó, xác xuất khi làm xét nghiệm phết tế bào âm đạo chỉ là 3%.

Xét nghiệm phết tế bào âm đạo là phương pháp của các nhà nghiên cứu bệnh học nhằm tìm ra các tế bào bất bình thường mà có thể phát triển thành các khối u ác tính. Xét nghiệm HPV là phương pháp tìm 2 loại vi rút mà là nguyên nhân chính gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung cho khoảng 11.000 phụ nữ Mỹ mỗi năm với tỉ lệ tử vong lên tới 4.000 người. Tuy nhiên, xét nghiệm HPV có chi phí là 90 USD trong khi chỉ 10 - 20 USD cho một lần làm phết tế bào âm đạo.

Ngoài ra, Franco và các cộng sự cũng lưu ý rằng việc tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung chỉ có tác dụng đối với 2 loại vi rút là HPV16 và HPV18, được xem là nguyên nhân gây ra 3/4 các ca ung thư cổ tử cung. Hơn thế, không một loại vắc xin nào có thể giúp người phụ nữ ngăn chặn được sự lây nhiễm vi rút HPV nếu họ không có một đời sống tình dục lành mạnh.

Một nghiên cứu khác cũng được đăng tải trên tạp chí New England cho thấy, kết hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm trên sẽ làm tăng tỉ lệ chính xác trong phát hiện sớm ung thư ác tính lên tới 51%. Nghiên cứu tại Thụy Điển do Pontus Naucler, trường Lund (Malmo) đã áp dụng xét nghiệm HPV và phết tế bào âm đạo với 12.527 phụ nữ ở độ tuổi 30 tham gia.

“Việc áp dụng 2 xét nghiệm khác nhau để xác định ung thư sẽ làm tăng tính hiệu quả cũng như hạn chế được sự lây lan của căn bệnh này ở những nước nghèo”, Pontus nhấn mạnh. 

TIÊM VACCINE - VŨ KHÍ CHỐNG LẠI VIRUS HPV
 

Việc phát triển vaccine ngừa HPV nhằm bất hoạt khả năng tác động của HPV thuộc vào dự phòng bệnh tật cấp sơ khởi. Hiện tại, đã có 2 loại vaccine đã được công nhận tác động và cho phép sử dụng đại trà. Do HPV 16,18 là 2 nhóm chủ yếu gây ra >70% các trường hợp ung thư cổ tử cung, các vaccine chủ yếu nhằm tạo miễn dịch với 2 nhóm HPV này. Cervarix, chống HPV 16,18; Gardasil, chống HPV 16,18 và HPV 6,11 (nguyên nhân của 90% nhú sinh dục); cả hai sản phẩm đã qua giai đọan 2 thử nghiệm và được cho phép lưu hành trên người. Những theo dõi trên người sử dụng các vaccine này đã qua năm thứ 4 và cho thấy nồng độ kháng thể vẫn còn có hiệu quả bảo vệ với các nhóm HPV tương ứng.

Vaccine sử dụng các thành phần gây miễn dịch của virus (virus like particules) có chứa các gen L1,L2 của virus. Do đó, khi nhận liều vaccine, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích họat, từ đó hình thành miễn dịch (qua tế bào và qua dịch thể) với nhóm HPV tương ứng. Kháng thể chống HPV và các tế bào miễn dịch với HPV sẽ thâm nhập qua biểu mô cổ tử cung (trụ và lát) và có tác dụng bảo vệ cho lớp tế bảo nhạy cảm với HPV tại cổ tử cung. Do không sử dụng các yếu tố gây ung thư, vaccine không gây các thay đổi bất thường trên tế bào cổ tử cung như khi bị nhiễm HPV.

Cách sử dụng được khuyến cáo: sử dụng trước khi có tiếp xúc với HPV, liều 0,1(2), 6 nghĩa là 3 mũi liên tiếp, lập lại sau 1(2) và 6 tháng, hiệu quả được biết cho tới 4 -5 năm. Việc có nhắc lại vaccine sau thời gian này hay không còn phải chờ vào các thử nghiệm đang làm, hiện đã theo dõi hơn 4 năm. Khuyến cáo nên tiêm cho thiếu nữ trẻ hay trẻ gái vị thành niên chưa có quan hệ tình dục, nhằm chuẩn bị đầy đủ miễn dịch, tránh tác động của HPV một khi có nhiễm HPV qua đường tình dục. Đối với phụ nữ lớn hơn, nếu xét nghiệm HPV âm tính, cũng có thể sử dụng; tuy nhiên, như đã nói, không loại trừ người đó đã từng nhiễm HPV thậm chí đã từng có tổn thương tại cổ tử cung do HPV, tác dụng của vaccine có vẻ không thuyết phục. Cho đến hiện nay, vaccine HPV vẫn được khẳng định là vaccine thuộc dạng phòng ngừa chứ không phải là vaccine điều trị, mặc dù có một số khảo sát cho thấy vaccine cũng có tác dụng làm thoái lui các tổn thương cổ tử cung do nhiễm HPV.

 
Một vấn đề chú ý là việc tiêm ngừa vaccine HPV có ý nghĩa hòan tòan khác với tầm soát ung thư cổ tử cung.
Nếu cộng đồng các em thiếu nữ được miễn dịch hòan tòan với HPV, có nghĩa là đa số các em sẽ tránh được ung thư cổ tử cung; kết quả này chỉ thấy sau một thời gian dài áp dụng đồng bộ vaccine HPV cho các em gái. Cộng đồng phụ nữ lớn tuổi hơn, không được bảo vệ bằng vaccine, vẫn còn khả năng bị ung thư và chính chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị tích cực hiệu quả cho họ. Hơn nữa, cho tới nay, chỉ có vacinne cho 2 nhóm HPV nguy cơ cao là 16,18, nguyên nhân của 70% các ung thư cổ tử cung, số trường hợp còn lại sẽ bị bỏ qua nếu chúng ta không có một chương trình tầm soát và điều trị ung thư có hiệu quả.

Việc phát hiện ra vai trò của HPV trong ung thư cổ tử cung nói riêng và vai trò một số virus khác trong ung thư nói chung, đã mở ra nhiều hướng mới trong chẩn đóan, điều trị và phòng ngừa ung thư. Việc phát minh ra vacinne ngừa HPV hiện tại đã đem lại nhiều hy vọng trong vịêc khống chế ung thư cổ tử cung, vốn là một trong những bệnh ung thư hàng đầu của phụ nữ. Các nghiên cứu về tác động của vaccine, mở rộng các chủng HPV cần phòng ngừa, cách sử dụng kinh tế và hiệu quả vaccine… vẫn đang được tiến hành và hứa hẹn còn nhiều phát hiện thú vị và ích lợi.
 

Vaccin tứ liên Gardasil (có khả năng bảo vệ cơ thể khi nhiễm HPV 4 chủng 6, 11, 16, 18). Trong đó, chủng HPV 6, 11 có thể gây mụn cóc sinh dục, mụn cóc đường miệng. Vaccin này được sản xuất bởi Merck (Mỹ). Chính thức lưu hành tại Mỹ tháng 6.2006, đến nay đã có mặt tại 59 quốc gia. Đây là vaccin phòng ngừa ung thư, tiền ung thư hoặc các tổn thương loạn sản (các bất thường tế bào cổ tử cung) mụn cóc sinh dục. Vaccin này được khuyến cáo dùng cho trẻ em và vị thành niên trong độ tuổi 9-17 và phụ nữ trong độ tuổi 18-26. Thời điểm tiêm được coi là lý tưởng nhất là trẻ em gái trước độ tuổi quan hệ tình dục. Bởi vì, như vậy, vaccin sẽ chỉ hiệu quả nhất khi trẻ em gái chưa nhiễm một chủng virus nào có trong vaccin.

Việc sử dụng Gardasil được khuyến cáo: tiêm bắp với 3 liều theo chỉ định với khoảng cách: mũi hai cách mũi một 2 tháng; mũi thứ 3 cách 6 tháng sau mũi đầu tiên. Cần thận trọng khi dùng vaccin này cho người suy giảm tiểu cầu hoặc có rối loạn về đông máu vì có thể gặp xuất huyết sau khi tiêm. Với trường hợp nữ dùng hormon ngừa thai không ảnh hưởng đến các đáp ứng miễn dịch của Gardasil.

Trường hợp dùng một số thuốc: giảm đau, chống viêm, kháng sinh vitamin không thấy có ảnh hưởng hiệu lực và khả năng miễn dịch của vaccin. Tuy nhiên, cũng như sử dụng các thuốc khác, người tiêm cần thông tin đầy đủ tình trạng sức khỏe của bản thân với cán bộ y tế trước khi tiêm. Một vài phản ứng tại chỗ sau tiêm có thể gặp phải: sốt, đau, sưng, ngứa, ban đỏ.

Các chuyên gia cho biết, giá vaccin chỉ được đưa ra khi vaccin có mặt trên thị trường VN. Thông tin chưa chính thức cho biết, khoảng 100 USD/mũi tiêm. Theo PGS. TS.Hiển, một số phương án để vaccin HPV được triển khai tại VN đang được đề xuất: Nhà nước trợ giá một phần; công ty dược giảm giá; các tổ chức quốc tế hỗ trợ hoặc người dân tự chi trả. Ngoài ra, xem xét việc đưa vaccin HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

·Giảm nguy cơ nhiễm HPV bằng cách duy trì mối quan hệ một vợ, một chồng, QHTD với một đối tượng không nhiễm bệnh hoặc hạn chế số bạn tình.

·Nếu sử dụng đúng cách, bao cao su có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ khỏi HPV của condom vẫn chưa được xác định.

·Hầu hết những trường hợp nhiễm HPV là tạm thời, thoáng qua, không triệu chứng và sẽ hồi phục hoàn toàn (80%). Nếu bệnh nhân có sức đề kháng mạnh thì có thể khỏi bệnh. Nhưng nhiễm virus HPV chủng "nguy cơ cao" (16, 18) ít có khả năng tự khỏi. Nữ giới nên khám định kỳ và làm test phát hiện sớm nhiễm HPV .

Có nên tiêm phòng vaccine ngừa ung thư cổ tử cung?

Vaccine ngừa ung thư cổ tử cung giúp bảo vệ và chống các loại các loại virus gây ung thư cổ tử cung. Bạn có nên tiêm ngừa loại vaccin này? Nên, vì…Đây là một loại vaccin được chứng minh ngăn chặn một loại bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ: ung thư cổ tử cung (UTCTC), Thuốc chủng này thực tế đã cứu sống hàng ngàn phụ nữ mỗi năm. Việc tiêm phòng vaccin UTCTC có hiệu quả cao đối với những loại HPV hay gây UTCTC nhất.

Có bao nhiêu loại vaccine ngừa UTCTC?

Loại vaccine tái tổ hợp phòng ung thư cổ tử cung có dạng bào chế dung dịch tiêm bắp, số đăng ký QLVX-H07-09, do Cty Merk & Co.,inC (Wesst Point, PA 19486 USA) sản xuất. Bộ Y tế yêu cầu cơ sở sản xuất, đăng ký và Cty kinh doanh vaccine Gardasil có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất với các cơ quan quản lý có thẩm quyền về quá trình nhập khẩu, lưu thông phân phối, sử dụng vaccine Gardasil, đặc biệt phải báo cáo về tính an toàn, hiệu quả của vaccine này tại Việt Nam. Nhiều khả năng, vaccin HPV phòng ung thư cổ tử cung (UTCTC) sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2007 này. Vaccin này đang được kỳ vọng là tấm lá chắn bảo vệ chị em trước căn bệnh quái ác: UTCTC. Theo ước tính, trên thế giới, 2 phút lại có một phụ nữ chết vì UTCTC.
 

Hiện tại có hai vaccine ung thư cổ tử cung:

-Vaccine Gardasil giúp bảo vệ chống các chủng HPV 16 và 18, đây là chủng gây ra 70% bệnh UTCTC. Nó cũng bảo vệ chống các chủng HPV 6 và 11, gây ra 90% mụn có sinh dục.

-Vaccine Cervarix bảo vệ chống các chủng loại HPV 16 và 18 và một số chủng HPV khác có liên quan chặt chẽ đến các chủng loại HPV 16 và 18. Nó không giúp ngăn ngừa mụn sinh dục.

Tiêm phòng vaccine như thế nào là đủ liều và giá cả?

Để tiêm đủ liều vaccine, phòng bệnh hữu hiệu cho con gái, bạn cần phải đưa con đi thực hiện một loạt 3 mũi/6 tháng liền. Có thể tiêm ở cánh tay hoặc đùi của con gái bạn. Phác đồ tiêm chủng: 0- 2- 6 tháng. Vaccine  HPV được chích liều thứ hai và thứ ba sau liều thứ nhất là 2 và 6 tháng.

Hiện ở nước ta việc tiêm phòng vaccine ngừa UTCTC vẫn chưa phổ biến nên giá cả khá đắt đỏ. Tuy nhiên, tất cả vì sức khỏe của con gái bạn sau này mà các bậc phụ huynh nên đầu tư cho con. Giá tiêm phòng vaccine UTCTC trung bình khoảng 1.8-1.9 triệu (gốm 3 mũi tiêm/liều).
 

Với người không được tiêm vaccine, làm sao có thể phòng nguy cơ nhiễm HPV? 

HPV lây qua đường tình dục, tuy nhiên rất khó xác định một bạn tình hiện tại có nhiễm HPV hay không. Vì vậy, nên giảm... số bạn tình hoặc chỉ quan hệ tình dục với người ít có nguy cơ nhiễm HPV. Việc sử dụng bao cao su thường xuyên trong quan hệ tình dục cũng sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm, từ đó giảm nguy cơ UTCTC. 

Có hay không lợi ích khi tiêm vaccin ung thư cổ tử cung ở người luống tuổi?

Trước hết cần nhận thức chính xác nhiễm virus HPV ở người (HPV) là điều kiện cần để dẫn đến UTCTC. Thời gian gần đây báo chí đã đề cập khá nhiều thông tin về vaccin phòng ung thư cổ tử cung (UTCTC) đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không thống nhất đã làm không ít người không những không thấy được lợi ích của vaccin mang lại cho cộng đồng mà còn cảm thấy hoang mang về cơ sở khoa học của vaccin. Hàng năm trên thế giới có khoảng 500.000 trường hợp mắc mới UTCTC và hơn một nửa số phụ nữ mắc bệnh đã tử vong. Ở Việt Nam có hơn 6.000 trường hợp mắc mới hàng năm và tử vong khoảng 2.700 trường hợp.

Khi nào nên tiêm phòng vaccine HPV?

Vaccine này được khuyến cáo dùng cho trẻ em và vị thành niên từ 8-17 tuổi, phụ nữ 18-26 tuổi. Nhưng để đạt được hiệu quả tốt nhất, nên tiêm cho trẻ gái trước lứa tuổi quan hệ tình dục. Các nghiên cứu từ nước ngoài cho biết, vaccine này có thể ngăn ngừa một số bệnh gây nên bởi HPV: mụn cóc sinh dục, ung thư âm hộ, âm đạo. Theo những nghiên cứu ban đầu, vắc-xin có thể bảo vệ được ít nhất 5 năm sau tiêm.

-Tiêm vaccine ngừa UTCTC có hiệu quả nhất khi con bạn chưa biết thực hành quan hệ tình dục. Các độ tuổi nên đưa đi tiêm vaccine ngừa UTCTC:

+ Khi con gái bạn 11-12 tuổi, nhưng có thể được tiêm sớm hơn khi 9 tuổi.

+ Con gái bạn trong độ tuổi 13-26 mà chưa được tiêm phòng hoặc đã thực hiện tiêm các mũi chích ngừa không đầy đủ.

-Vaccine Gardasil cũng có thể tiêm phòng cho cả nam giới trong độ tuổi từ 9-26 để ngăn ngừa mụn cóc sinh dục.

Vaccine HPV được khuyên là nên tiêm chủng cho những bé gái 11-12 tuổi và cũng có thể sớm hơn ở lứa tuổi lên 9. Vaccine cũng được khuyến cáo cho nữ giới từ 13-26 tuổi chưa được chủng ngừa hoặc chưa hoàn tất chương trình tiêm chủng. Tại sao việc tiêm chủng HPV được khuyến cáo cho những bé gái ở độ tuổi nhỏ như thế ?Bởi vì tốt nhất là phụ nữ nên chích vaccine trước khi họ có quan hệ tình dục, vì việc tiêm chủng có sẽ đạt hiệu quả tốt nhất trên những phụ nữ chưa từng nhiễm bất kỳ type HPV nào trong 4 type HPV có trong thuốc chủng ngừa.

Những phụ nữ đã có quan hệ tình dục sẽ có lợi khi tiêm chủng hay không ?Cũng có lợi. Nhưng sẽ kém hiệu quả hơn nếu họ đã nhiễm một hoặc nhiều type HPV. Hiếm có phụ nữ nào bị nhiễm cả 4 type HPV, vì vậy khi chủng ngừa họ sẽ được bảo vệ chống lại các type HPV mà họ chưa bị nhiễm. Hiện nay chưa có bất kỳ một xét nghiệm nào có thể nói 1 phụ nữ đã bị nhiễm 1 trong 4 type HPV hay chưa.

Tại sao chỉ khuyến cáo tiêm chủng HPV cho giới nữ từ 9-26 tuổi ?Việc tiêm chủng chỉ mới được thử nghiệm rộng rãi trên phụ nữ từ 9-26 tuổi. Nhưng đối với nữ trên 26 tuổi thì hiệu quả và an toàn của vaccine chỉ mới được bắt đầu nghiên cứu. FDA chỉ cấp giấy phép công nhận việc lưu hành vaccine này khi đã có những nghiên cứu chứng tỏ sự hiệu quả và an toàn trên những phụ nữ lớn tuổi. 

Những phụ nữ đã từng nhiễm HPV thì có nên tiêm phòng?

Không giống như nhiễm hầu hết các virut khác, khi nhiễm HPV tự nhiên thì cơ thể con người không thể sinh ra được kháng thể đủ để có thể giúp chống lại những lần tái nhiễm về sau. Điều này là do HPV chỉ gây ra miễn dịch tại chỗ và hàm lượng kháng thể được sinh ra là rất thấp. Kháng thể sinh ra do nhiễm tự nhiên này không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ cho cơ thể chống lại những lần tái nhiễm với cùng một týp HPV hoặc với týp HPV khác có tương đồng hệ gen (Viscidi, 2004). Vì thế việc tiêm vaccin không chỉ có ích đối với những người chưa quan hệ tình dục để bảo vệ ở lần nhiễm đầu tiên, mà còn cần thiết cho những người đã từng nhiễm HPV để ngăn ngừa những lần tái nhiễm HPV sau này có thể gây ung thư cổ tử cung.

Một điểm đáng lưu ý là trong tổng số các phụ nữ tham gia chương trình khám sàng lọc bằng soi tế bào cổ tử cung để phát hiện tế bào ung thư (Pap’s mear) trong nghiên cứu của Bosch (1), tỷ lệ nhiễm cùng một lúc cả 2 týp HPV-16 và HPV-18 là dưới 1%. Do đó, hơn 90% phụ nữ vẫn có thể được bảo vệ khỏi một trong những týp HPV có trong vaccin. Với hầu hết phụ nữ chỉ nhiễm một týp thì vaccin sẽ bảo vệ đối với các týp gây ung thư còn lại.

Vaccin có tác dụng gì đối với phụ nữ trưởng thành?

Kết quả nghiên cứu về tính sinh miễn dịch của vaccin Cervarix – vaccin ngừa ung thư cổ tử cung do HPV-16 và 18 cho thấy 100% phụ nữ đến 55 tuổi có chuyển đổi huyết thanh với cả 2 týp HPV-16 và 18 sau khi tiêm. Mặc dù nồng độ kháng thể tạo ra sau tiêm vaccin tuy không cao bằng phụ nữ trẻ tuổi nhưng vẫn cao ít nhất gấp 8 lần so với kháng thể do nhiễm HPV tự nhiên sinh ra. Hiệu giá kháng thể đạt cao ở nhóm phụ nữ 26 tuổi trở lên, ngang với mức kháng thể mà hiệu quả bảo vệ đã được khẳng định trong các nghiên cứu trước đó ở phụ nữ 10-25 tuổi. Điều này có được chủ yếu nhờ vào thành phần chất bổ trợ đặc biệt có trong vaccin. Chất bổ trợ này được cho là có tác dụng kích thích miễn dịch, giúp tạo được kháng thể ở mức cao và bền vững trong nhiều năm.

Một nghiên cứu dựa trên mô hình toán học của Elbasha EH và cộng sự đăng trên tạp chí Emerging Infectious Diseases tháng 1.2007 về tác động của vaccin phòng HPV-16 và 18 đến tỷ suất mắc mới ung thư cổ tử cung cho thấy, nếu chỉ áp dụng chủng ngừa cho trẻ em gái 12 tuổi thì phải mất hơn 30 năm mới giảm được một nửa số ca mắc hiện nay. Khi áp dụng chủng ngừa cho phụ nữ từ 12 đến 26 tuổi thì có thể đạt được mức này trong vòng 20 năm. Nếu việc chủng ngừa được mở rộng cho lứa tuổi từ 12 đến 55 năm thì tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung sẽ giảm còn 1/3 trong vòng chỉ 10 năm.

Cũng cần phải khẳng định rằng chủng ngừa là một biện pháp dự phòng cấp 1 hữu hiệu trong việc phòng ngừa nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là nhiễm HPV, nhưng không có nghĩa là chủng ngừa thay thế hoàn toàn biện pháp dự phòng cấp 2, đó là sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng Pap smear. Hiện nay đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, sau khi chủng ngừa vẫn cần tiếp tục khám sàng lọc để bảo đảm được bảo vệ tốt nhất khỏi ung thư cổ tử cung. Những phân tích trên cho thấy rõ ràng việc tiêm phòng cho phụ nữ trên 25 tuổi mang lại lợi ích đáng kể và giải quyết phần nào nhu cầu y tế chưa được đáp ứng. Mặc dù việc chủng ngừa HPV có thể được tập trung trước hết vào đối tượng trẻ vị thành niên, nhưng chủng ngừa cũng cần phải được mở rộng cho phụ nữ lớn tuổi hơn, những người có thể chưa phơi nhiễm virut, hoặc đã phơi nhiễm nhưng không tạo được kháng thể bảo vệ.

Cuối cùng, cần nhìn nhận rằng với tình hình thực tế tại Việt Nam, việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung qua các chương trình sàng lọc Pap smear mặc dù đã được triển khai nhiều năm nhưng mức độ bao phủ còn hạn chế, do vậy việc áp dụng chủng ngừa cho phụ nữ ở nhiều lứa tuổi hy vọng sẽ góp phần đáng kể giúp giảm số ca ung thư cổ tử cung và bảo vệ sức khỏe phụ nữ.

Các trường hợp không nên tiêm và tác dụng phụ của vaccine

-Những người đang bị bệnh, dị ứng với nấm men, có thai hoặc đang có mang thai.;

-Sau khi tiêm khoảng 15-20 phút đầu, con bạn sẽ cảm thấy đau buốt. Tuy nhiên, cảm giác đó sẽ nhanh chóng biến mất. Hiện tượng thường gặp nhất là con gái bạn sẽ bị đau buốt nhẹ và sưng tại chỗ chích, kèm theo cơn nhức đầu và âm ấm sốt;

-Ngoài ra, các tác dụng nghiêm trọng khác như co thắt phế quản… nhưng rất hiếm gặp. Để tránh tình trạng té ngã hay ngất sau khi tiêm vaccine, bạn hãy nhắc con gái nên ngồi hay nằm xuống khoảng 15 phút sau tiêm.

Hiện chưa biết vaccine liệu có hiệu quả trên phái nam hay không. Có thể việc tiêm chủng cho nam giới sẽ đem lại lợi ích về sức khoẻ cho họ bằng cách phòng ngừa nguy cơ ung thư và u sùi sinh dục như ung thư hậu môn và dương vật. Cũng có thể việc tiêm chủng cho phái nam sẽ mang lại lợi ích cho phụ nữ một cách gián tiếp. Các nghiên cứu hiện nay đã được thực hiện để chứng minh rằng vaccine này có hiệu quả phòng chống việc nhiễm và phát bệnh HPV ở nam giới hay không. Khi nào có thêm nhiều thông tin hơn vaccine sẽ được khuyến cáo dùng cho nam giới.

Tính an toàn của vaccine phòng ngừa UTCTC

Vaccine không được tiêm chủng cho phụ nữ có thai. Có rất ít nghiên cứu về tính an toàn của vaccine trên phụ nữ mang thai và thai nhi. Cho đến nay, các nghiên cứu cho thấy rằng vaccine đã không gây ra vấn đề về sức khỏe trong thai kỳ và cả đứa bé. Nhưng chúng ta cần vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này. Vì vậy phụ nữ có thai nên tiêm chủng vaccine sau khi họ sinh xong. Nếu một người phụ nữ vừa mới phát hiên mang thai sau khi cô ấy bắt đầu thực hiện tiêm chủng, thì nên tiếp tục hoàn thành 3 mũi tiêm chủng sau khi đã sinh xong.

FDA đã cấp giấy phép vế tính an toàn và hiệu quả của vaccine HPV. Vaccine này đã được thực nghiệm hơn 11.000 phụ nữ (tuổi từ 9-26) trên toàn thế giới. Những nghiên cứu này đã cho thấy không có tác dụng phụ nguy hiểm nào. Tác dụng phụ thường thấy nhất chỉ là sưng đau tại nơi chích.Vaccine có chứa hợp các chất độc hại không?Không có, vaccine được làm từ protein vỏ của virus. Không có khả năng lây nhiễm từ vaccine.

Hạn chế của vaccine HPV ?

Bởi vaccine không bảo vệ chống lại tất cả các type HPV nên nó sẽ không ngăn ngừa được tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung và u sùi sinh dục. Chỉ khoảng 30% ung thư cổ tử cung được ngăn ngừa bởi vaccine nên việc tiếp tục tầm soát UTCTC bằng Pap’s smear vẫn còn rất quan trọng. Củng như có khoảng 10% u sùi sinh dục không được ngăn ngừa bởi vaccine này và cũng không ngăn ngừa được các bệnh lây truyền qua đường tình duc khác. Vì thế việc bảo vệ không tiếp xúc với HPV và bệnh lây qua đường tình dục vẫn là vấn đề quan trọng.

Phụ nữ sau chích ngừa có cần tầm soát ung thư cổ tử cung không?

Cần, vì 3 lý do:

  • Vaccine không giúp cơ thể chống lại tất cả các type HPV
  • Một số phụ nữ không tiêm chủng đủ liếu và đúng phác đồ.
  • Đã nhiễm cả 4 type HPV có trong vaccine trước khi chủng ngừa

Phụ nữ có cần tầm soát tiêm ngừa HPV hay không?

Không cần, phụ nữ không cần thiết làm test HPV hoặc Pap smear trước khi tiêm vaccine. Vì các test này chỉ có thể cho biết phụ nữ nhiễm HPV nhưng không cho biết từng type HPV cụ  thể, ngay cả phụ nữ đã nhiễm với một type HPV thì vẫn có thể ngăn ngừa được với các type HPV khác sau khi tiêm chủng.

Tiêm vaccin: Biện pháp phòng tránh UTCTC hiệu quả cao

-Bất cứ ai có hoạt động tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV.

-Trên 99% UTCTC là do HPV gây ra.

-UTCTC và ung thư vú là hai bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam.

-UTCTC là bệnh có thể phòng tránh được.

-Chẩn đoán bị UTCTC không phải là bản án tử hình, đặc biệt nếu bệnh được phát hiện sớm bằng sàng lọc.

-Hiện nay đã có vaccin phòng bệnh UTCTC trên thị trường thế giới và sẽ phòng được cho hàng triệu trường hợp khỏi UTCTC trong tương lai.

-Các em gái Việt Nam sẽ sớm được tiếp cận với loại vaccin này.

-Bệnh UTCTC có thể phòng tránh được theo hai cách: Phòng tránh viêm nhiễm từ đầu hoặc phát hiện yếu tố tiền UTCTC và được điều trị sớm. Phương pháp đầu tiên là phương pháp dự phòng cấp 1, có thể thực hiện được bằng cách tránh phơi nhiễm với virut nhờ kiêng quan hệ tình dục hoặc chung thủy 1 vợ 1 chồng và trước đó cả hai người đều không bị nhiễm HPV. Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su cũng chỉ bảo vệ được 70% các trường hợp.

-Tháng 6/2006, loại vaccin chống nhiễm HPV đầu tiên – Merck’s gardasil đã được cấp phép và đưa ra thị trường và tính đến tháng 4/2007, loại vaccin này đã được đăng ký tại trên 70 quốc gia. Gardasil phòng chống lây nhiễm hai trong số những loại HPV gây ung thư phổ biến nhất là HPV-16 và HPV-18. Loại vaccin này được tiêm bắp 3 liều 0,5ml trong vòng 6 tháng, trong đó liều thứ hai được tiêm sau liều thứ nhất 2 tháng và liều thứ ba được tiêm cách liều thứ nhất khoảng 6 tháng.

-Loại vaccin thứ hai, Glaxosmthkline’s Cervarix cũng giúp phòng chống nhiễm hai trong số những loại HPV gây ra ung thư phổ biến nhất là loại 16 và 18 và cũng được tiêm thành 3 mũi với liều lượng 0,5ml. Trong trường hợp này, liều thứ hai được tiêm sau liều thứ nhất một tháng và liều thứ ba được tiêm sau liều thứ nhất 6 tháng.

-Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy cả hai loại vaccin này có hiệu quả ít nhất đạt 95% phòng chống các viêm nhiễm tái phát của HPV-16 và 18 và có hiệu quả 100% trong việc phòng chống các tổn thương cổ tử cung đặc thù của từng loại virut khi được dùng cho các em gái trước khi có quan hệ tình dục hoặc cho các phụ nữ không có tiền sử nhiễm các loại HPV này. Việc sử dụng rộng rãi vaccin đơn thuần có khả năng giúp giảm 50% các ca tử vong do UTCTC trong vài thập kỷ và ước tính có thể đạt tỷ lệ phòng chống lên tới 71% tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm vaccin. Ở những quốc gia có điều kiện thực hiện tiêm phòng, việc tiêm phòng cho vị thành niên kết hợp với chương trình khám sàng lọc hướng vào những phụ nữ trên 30 tuổi sẽ cho hiệu quả phòng UTCTC cao nhất.

Đây là loại vaccin phòng UTCTC do virus HPV gây ra. Loại vaccin này ở dạng tiêm, đã được sử dụng ở nhiều nước với hiệu quả khoảng 70%. Dự kiến cuối năm nay, vaccin này cũng sẽ được thử nghiệm và sử dụng ở Việt Nam sẽ là một biện pháp hữu hiệu phòng chống căn bệnh ung thư do virus HPV gây nên. Vaccin này có khả năng chống lại ung thư cổ tử cung tới 98%. Vaccin HPV thường được tiêm cho trẻ em từ 9 - 11 tuổi (một số nước trên thế giới thì tiêm cho nữ giới ở lứa tuổi từ 9 - 26 tuổi). Khi loại vaccin này được sử dụng tại Việt Nam, sẽ chủ yếu triển khai tiêm cho trẻ nữ từ 11 - 13 tuổi. Tiêm vaccin HPV từ lứa tuổi vị thành niên, từ khi các em chưa có quan hệ tình dục sẽ rất có hiệu quả phòng bệnh sau này. Vì không phải cứ đến tuổi trưởng thành là có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, mà việc tiêm vắc xin có giá trị phòng ngừa hàng mấy chục năm sau.Tuy nhiên, loại vaccin này hầu như không có tác dụng phụ nên cũng được dùng khá phổ biến ở phụ nữ ở tất cả các lứa tuổi. Thậm chí khi mang thai vẫn có thể tiêm loại vaccin này mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Tuy nhiên, giá của loại vaccin này hiện tại khá đắt. Theo dự định, loại vaccin này sẽ được đưa vào chương trình TCMR quốc gia nếu được các tổ chức quốc tế tài trợ. Trước mắt, để phát hiện sớm và phòng căn bệnh nguy hiểm này, chị em phụ nữ ngoài việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, sinh hoạt tình dục lành mạnh, thì cần tạo thói quen đi khám phụ khoa định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa bởi ngoài virus HPV vẫn còn rất nhiều tác nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Hiệu quả của vaccine và thời gian tiêm nhắc lại có cần không ?

Những nghiên cứu đã cho thấy vaccine gần như có hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa bệnh gây ra bởi 4 type HPV có trong vaccine, bao gồm tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và u sùi sinh dục (mồng gà). Vaccine này chủ yếu được nghiên cứu ở phụ nữ trẻ chưa tiếp xúc với 4 type HPV này.Vaccine kém hiệu quả hơn ở những phụ nữ trẻ chưa từng tiếp xúc với một trong 4 type HPV này.Vaccine này không điều trị cho những trường hợp đã nhiễm HPV, u sùi sinh dục, tiền ung thư hay ung thư.

Thời gian miễn dịch của vaccine là chưa rõ. Đến nay nhiều nghiên cứu trên các phụ nữ trong suốt 5 năm đã cho thấy rằng vaccine vẫn còn hiệu quả. Cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định thời gian bảo vệ của vaccine là bao lâu và sau bao nhiêu năm ta cần tiêm nhắc lại.

Liệu có hiệu quả khi không chích đủ 3 liều vaccine ?

Không rõ, vì thế tốt nhất là nên chích đủ 3 liều.

NHỮNG CÁCH KHÁC ĐỂ NGĂN NGỪA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG VÀ HPV

Có những cách khác ngăn ngừa ung thư cổ tử cung không?

Xét nghiệm Pap’s test định kỳ  có thể phòng ngừa (nhưng không phải tất cả) các trường hợp ung thư cổ tử cung. Làm Pap test có thể phát hiện những tế bào chuyển sản ở cổ tử cung trước khi chúng chuyễn sang ung thư,  những trường hợp ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm (giai đoạn có thể chữa khỏi). Hầu hết phụ nữ được phát hiện ung thư cổ tử cung ở Mỹ đều chưa bao giờ làm Pap’s test hoăc không làm Pap’s test trong vòng 5 năm cuối. Cũng có thể làm HPV DNA cùng với làm Pap test, để tầm soát ung thư cổ tử cung. Test này đươc thực hiện ở phụ nữ trên 30 tuổi hoặc những phụ nữ có kết quả Pap test nghi ngờ là chuyễn sãn cổ tử cung.

Còn cách nào khác ngăn ngừa nhiễm HPV không?

Có cách chắc chắn để ngăn ngừa HPV là quan hệ tình dục một cách an toàn. Không nên quan hệ tình dục với nhiều người, hoặc với người đã quan hệ tình dục với nhiều người. Tuy nhiên vẫn có khả năng nhiễm HPV ngay cả khi quan hệ tình dục chỉ với một người nếu người đó cũng đã quan hệ tình dục với người khác trước đó. Bao cao su cũng không thể ngăn ngừa hoàn toàn việc lây nhiễm HPV, bởi vì HPV có thể lây qua những vùng sinh dục mà bao cao su không bao phủ hết. Tuy nhiên bao cao su có thể làm giảm khả năng mắc bệnh HPV cũng như HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Bài viết trên đây là tổng hợp một số thông tin và ý kiến chuyên gia bệnh ung thư, chuyên gia về tiêm chủng vaccine, các bác sĩ, dược sĩ liên quan đến bệnh lý ung thư nói chung; các hình ảnh trích đăng từ internet.

 

Ngày 11/09/2010
Ts. Triệu Nguyên Trung và Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang
(tổng hợp)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích