Những tiến bộ mới trong nghiên cứu vaccine trên thế giới
Trên thế giới ngày càng có nhiều căn bệnh truyền nhiễm xuất hiện với mức độ lây lan cao và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, động vật và làm suy giảm kinh tế và công nghiệp du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số đó, nhiều bệnh đã được nghiên cứu bào chế vaccine phòng bệnh với mức độ bảo vệ chống lại bệnh rất tốt. Song, vẫn còn nhiều bệnh chưa có vaccine đặc hiệu chống lại bệnh - Còn đó những nỗi lo vì nhiều bệnh vẫn mang tính tái nổi và đang nổi (Reemergency and Emerging Infectious Diseases), sẽ rất nguy hiểm nếu chưa thể khống chế được chúng. Nhân đây, chúng tôi xin tổng hợp một số thông tin liên quan đến các tiến bộ khoa học trên thế giới trong phát triển vaccine chống lại bệnh tật (một số hình ảnh chỉ mang tính minh họa trích từ nguồn Internet).
1. Thời của vaccin thực vật bắt đầu? Tiêm vaccin lâu nay vẫn được coi là phương cách tốt nhất để bảo vệ con người trước nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Giờ đây, vaccin không chỉ được điều chế trong các phòng thí nghiệm của các nhà dược học mà cả trên những... cánh đồng do các nhà sinh vật học và di truyền học "canh tác". Thay bằng phải tiêm chích những liều vaccin, bạn chỉ cần ăn vài ba thứ rau củ thích hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ. "Vaccin khoai tây" phòng viêm gan B Ý tưởng về loại "vaccin khoai tây" phòng viêm gan B đã xuất hiện từ hơn chục năm nay khi các kỹ sư sinh học của hãng Mogen International thành công với công trình tạo albumin trong khoai tây. Chỉ cần ăn vài khoanh loại khoai tây đã qua biến đổi gen này, con người có thể miễn dịch với căn bệnh viêm gan B mà không cần phải tiêm. Các nhà khoa học thuộc Viện ung thư Roswell Park, New York, Mỹ đã thử nghiệm "vaccin khoai tây" trên 42 tình nguyện viên. Tất cả đều ngẫu nhiên ăn những miếng khoai tây sống bình thường hoặc đã qua biến đổi gen. Kết quả là kháng thể chống virut viêm gan B xuất hiện ở 60% số người ăn 3 miếng khoai tây đặc biệt và khoảng 50% số người ăn 2 miếng. Hiện nay, trên cánh đồng của một số trung tâm nghiên cứu đã xuất hiện những liều "vaccin khoai tây" đầu tiên bất cần điều kiện nuôi dưỡng gì đặc biệt. Chúng phát triển trong môi trường giống như mọi cây khoai tây khác: đất, nước và ánh sáng tự nhiên. Chỉ có điều, những cây khoai tây này đều đã được biến đổi gen. Người ta "đính" vào chúng một loại protein đơn của virut gây viêm gan B. Khi vào cơ thể, protein này sẽ kích hoạt hệ miễn dịch, giúp nó nhận dạng và chống lại virut gây bệnh trong tương lai. Còn có nhiều thí nghiệm tương tự về "vaccin khoai tây" cũng đã được công bố. TS. Charles Amtzen, nhà sinh vật học phân tử thuộc Trường đại học tổng hợp Houston đã đưa ra những bức ảnh về một loại chuột miễn dịch đối với bệnh tả. Ông không hề tiêm vào cơ thể chúng vaccin tả truyền thống mà chỉ nuôi chúng bằng một loại khoai tây đặc biệt. Hay các nhà khoa học Mỹ ở Trường đại học tổng hợp A and M tại Teksas, đứng đầu là giáo sư Hugh Mason cũng cho biết, với loại khoai tây của họ, cơ thể chuột còn sản xuất ra kháng thể chống lại bệnh tiêu chảy. "Vaccin lúa" ngừa bệnh sốt mùa hè Cuối năm 2005, các nhà khoa học Nhật Bản thông báo họ đã tạo ra được một loại lúa chuyển gen chứa vaccin phòng bệnh sốt mùa hè - một bệnh dị ứng do phấn hoa hoặc bụi. Các cuộc thử nghiệm trên chuột cho thấy loại vaccin dưới dạng lúa ăn này đã ngăn được phản ứng miễn dịch gây dị ứng. Theo TS. Fumio Takaiwa, một thành viên của nhóm nghiên cứu, loại vaccin này được tạo ra bằng cách bổ sung vật liệu di truyền từ những mẩu protein vào bộ gen lúa. Những mẩu protein này có liên quan tới dị ứng và được tìm thấy trong phấn hoa của cây thông liễu Nhật Bản - nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sốt mùa hè tại nước này. Sau đó họ cho một nhóm chuột ăn lúa hàng ngày trong khoảng vài tuần rồi cho chúng phơi nhiễm với phấn hoa của cây thông liễu. Kết quả là chúng tạo ra ít histamin hơn - một tác nguyên gây các triệu chứng sốt mùa hè - và ít hắt hơi hơn so với nhóm chuột đối chứng. Hiện nay, nhóm nghiên cứu này đang cấy một cánh đồng lúa tương tự dành cho người và sẽ thử nghiệm độ an toàn trong vài năm tới. "Vaccin rau bina" chống bệnh than Đó là kết quả nghiên cứu được công bố tại hội nghị của Hiệp hội nghiên cứu bảo đảm sinh học - sinh học phân tử Mỹ tháng 12/2005. TS. Alexander Karasev - trưởng nhóm nghiên cứu và các cộng sự đã dùng kỹ thuật gen để đưa một virut gây bệnh khảm thuốc lá vào cây rau bina, chỉ dẫn cho rau bina sản xuất ra các đoạn kháng nguyên bảo vệ của vi khuẩn Bacillus anthracis là một trong ba thành phần chính của độc tố bệnh than. Rau bina khi có những kháng nguyên bảo vệ này có thể được sử dụng như là một loại vaccin phòng chống bệnh than. Đặc biệt, loại vaccin này sẽ có ít tác dụng phụ hơn và giá thành lại rất rẻ. "Vaccin cây thuốc lá" phòng bệnh sốt rét Trên cánh đồng thí nghiệm của hãng Biosource Técnologie ở California, các nhà sinh học đã trồng rất nhiều cây thuốc lá. Nhìn mắt thường, chúng không khác gì những cây thuốc lá cùng họ. Có điều, chúng không những không có hại cho sức khỏe mà còn có thể tạo ra các kháng nguyên giúp con người chiến thắng sốt rét - loại dịch bệnh mà đến nay khoa học vẫn phải bó tay trong nỗ lực tiêm phòng. Cha đẻ của loại "vaccin thuốc lá" này là nhà sinh vật học Tom Turfen. Thật khó tin, song ông cho biết, cứ 1ha cây thuốc lá có thể cho 250kg vaccin mỗi tháng. GS. Henry Daniell - nhà sinh học phân tử của Trường đại học Florida, Mỹ cũng đang nghiên cứu cách sản xuất "vaccin cây thuốc lá" để chữa các bệnh tiểu đường týp 1, bệnh viêm gan C, bệnh tả. Vaccin thực vật sẽ lên ngôi? Các nhà sinh vật học Mỹ đã chứng minh được rằng việc ăn trực tiếp những loại rau quả đặc biệt trên có thể giúp cơ thể người nâng cao khả năng miễn dịch giống như tiêm vaccin vào máu. Và mọi dấu hiệu đều cho thấy rằng, chậm nhất là vài ba năm nữa, chúng ta sẽ không mua vaccin tại các hiệu tân dược mà tại các cửa hàng rau quả của các nhà sinh vật học. Từ những kết quả đã thu được, nhiều nhà khoa học khẳng định chuyển gen cây trồng là cách làm hiệu quả và rẻ tiền để sản xuất vaccin và thuốc hàng loạt. Các loại vaccin truyền thống được tạo ra từ những tế bào động vật hoặc vi khuẩn, do vậy cần chiết xuất và tinh lọc. Vaccin thực vật giúp loại bỏ những tiến trình đó. Chúng cũng không đe dọa khả năng nhiễm bệnh ngoài ý muốn như trong chu trình tiêm chích truyền thống. Thực vật trái với động vật, không lưu giữ nguồn lây bệnh có thể nguy hiểm đối với con người. Một ưu điểm nữa của loại vaccin ăn được là các nhà di truyền học không chỉ làm cho chúng tạo ra kháng thể thích hợp mà "đội quân" kháng thể này còn được "đóng gói" hệt như những viên thuốc tân dược truyền thống - yếu tố bảo đảm đưa đội quân kháng nguyên đông đảo nhất thâm nhập vào các mạch máu. Lớp vỏ "đóng gói" này sẽ giữ cho kháng nguyên không bị phân hủy bởi enzym tiêu hóa. Điểm yếu của các vaccin truyền thống là rất đắt và phải được bảo quản trong tủ lạnh. Chúng gây trở ngại cho các nước nghèo và đông dân trong việc thực hiện tiêm chủng trên diện rộng. Vì vậy, thật khó đánh giá hết lợi ích vượt trội của loại vaccin rau củ quả đối với các quốc gia này, nơi vì thiếu khả năng tiêm chủng đại trà mà mỗi năm dịch bệnh cướp đi hàng triệu trẻ em. Và một khi chương trình vaccin rau củ quả được triển khai rộng rãi, khả năng loại trừ mọi dịch bệnh sẽ nằm trong tầm tay tất cả các gia đình, dù nghèo nhất. 2. Bào chế thành công vaccin chống ung thư Các nhà khoa học Nhật Bản, trong đó có các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Di truyền học của Đại học Hokkaido, vừa bào chế thành công vaccin chống ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccin này không những kích hoạt các "tế bào T sát thủ" có khả năng tấn công ung thư mà còn kích hoạt cả các "tế bào T hỗ trợ" có khả năng định hướng các cuộc tấn công của "tế bào T sát thủ". Vaccin cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các nhà khoa học đã thử nghiệm vaccin trên đối với một bệnh nhân ung thư vú ác tính đã được điều trị bằng các phương pháp hóa học trị liệu và xạ trị nhưng không có hiệu quả. Sau 2 tháng điều trị, các bản chụp cắt lớp vi tính CT cho thấy tất cả các tế bào ung thư của bệnh nhân trên đã biến mất. Theo nhóm nghiên cứu, vaccin này là sự kết hợp nhiều chuỗi axít amin trên bề mặt các tế bào ung thư, giúp các "tế bào T sát thủ" phân biệt các tế bào ung thư. Mặc dù hiện đã có phương thức điều trị bằng cách kích hoạt "tế bào T sát thủ", song trong loại vaccin mới, nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một chuỗi axít amin có tên gọi H/K-HELP bằng cách kết hợp 40 axít amin, những loại cũng kích hoạt các "tế bào T hỗ trợ".Cho đến nay, vaccin mới đã được sử dụng để chữa trị cho 6 bệnh nhân ung thư, với kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống miễn dịch của 4 bệnh nhân đều được tăng cường. 3. Vaccin điều trị ung thư đầu tiên trên thế giới Các nhà khoa học Mỹ và Italy vừa công bố công trình nghiên cứu khoa học về liệu pháp mới chống ung thư, trong đó nhấn mạnh về triển vọng có thể phát triển vaccin chống căn bệnh chưa có thuốc chữa trị hiệu quả này. Nghiên cứu trên các tế bào ung thư của người và chuột trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã phát hiện vi khuẩn salmonella, loại vi khuẩn gây độc ở thức ăn, có thể kích thích hệ miễn dịch của con người tiêu diệt tế bào ung thư. Phát hiện này có thể giúp giới nghiên cứu tạo ra các tế bào miễn dịch tiêu diệt khối u ác tính để tiêm vào người bệnh. Các tế bào miễn dịch đặc biệt này được coi là một loại vaccin kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư. Tiến sĩ Maria Rescigno thuộc Viện Ung thư châu Âu cho biết nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm đầu tiên trên chuột, sau đó trên tế bào ung thư và tế bào miễn dịch ở người. Liệu pháp điều trị ung thư mới này hiện đã sẵn sàng thử nghiệm trực tiếp trên người mắc bệnh ung thư. Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã phê chuẩn loại vaccin Provenge được hãng dược phẩm công nghệ sinh học Dendreon của Mỹ bào chế để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Đây là loại vaccin điều trị ung thư đầu tiên trên thế giới. 4. Vaccin Ebola - bước tiến mới trong điều trị bệnh Các nhà khoa học Mỹ cho biết, sau quá trình thử nghiệm loại vaccin Ebola, họ đã phát hiện ra loại vaccin này không chỉ giúp những con khỉ chống lại hai loại virut Ebola chết người mà còn có thể ngăn chặn một loại virut Ebola mới. Một nhóm các nhà điều tra y tế trong đó có các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu y khoa Bệnh truyền nhiễm Quân đội Mỹ và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh do TS. Nancy Sullivan thuộc Trung tâm nghiên cứu vaccin tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu này. "Kết quả nghiên cứu của TS. Sullivan và đồng nghiệp của bà cho thấy rằng có thể tạo ra nhân tố miễn dịch đối với các biến thể mới được xác định của virut Ebola bằng cách sử dụng loại vaccin được nghiên cứu phát triển để bảo vệ và chống lại một loại virut khác". TS. Anthony Fauci, Giám đốc NIAID nói: "Phát hiện sẽ định hướng cho việc nghiên cứu chế tạo vaccin trong tương lai và có thể mở ra một hướng mới để phát triển một loại vaccin có thể ngăn chặn cả loại virut nguyên thể và các virut biến thể của virut Ebola”.
|