Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Finance & Retail Thư viện điện tử
Công trình nghiên cứu về Ký sinh trùng
Công trình nghiên cứu về Sốt rét & SXH
Công trình nghiên cứu về Côn trùng & véc tơ truyền
Đề tài NCKH đã nghiệm thu
Thông tin-Tư liệu NCKH
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 9 9 9 9 9
Số người đang truy cập
5 2 4
 Thư viện điện tử Thông tin-Tư liệu NCKH
Thông tin cập nhật về những tiến bộ y học trên thế giới và Việt Nam

1. “Máy quét rác” cho động mạch; 2. Máu nhân tạo: từ ý tưởng đến hiện thực; 3. Máu Rh - tại sao lại cực hiếm?; 4. Gần 80% virus cúm lưu hành tại VN là chủng A(H1N1); 5. Đã có Kit chẩn đoán mắc sốt xuất huyết; 6. NewLife Clinic triển khai chương trình đặc biệt vì cộng đồng; 7. Trợ giá tầm soát 5 bệnh có nguy cơ tử vong cao; 8. Hiểm họa Trans fat đối với bệnh tim mạch; 9. Phấn đấu loại trừ bệnh sốt rét vào 2030; 10. Cúm gia cầm ở Ai Cập;11. Quảng Ngãi: Hàng trăm người tự dưng ngứa;12. Y tế dự phòng: Bao giờ hết kém “dự”, ít “phòng”?

1. “Máy quét rác” cho động mạch

Những công dân tuổi 40 ở thành phố Limone sul Garda (Italia) có thói quen hút thuốc lá cùng chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, mặc dù vậy không ai trong số họ phát hiện thấy dấu hiệu xơ vữa động mạch, bất chấp lý thuyết khẳng định rằng, đối tượng như họ nhất định phải nếm mùi “trái tim nổi giận” lần đầu ở tuổi 30-40.

Khó tin hơn, tất cả họ đều có nồng độ của cái gọi là cholesterol “tốt bụng” (HDL) rất thấp – GS. Cesare Sirtori (Đại học Mediolan, Italia) khẳng định. Những nghiên cứu cụ thể hơn chứng tỏ rằng, sở dĩ có chuyện kỳ lạ như vậy, bởi dân chúng Limone sul Garda là những người may mắn đặc biệt. Nhà khoa học Italia này đã phát hiện thấy trong máu của họ hiện diện một loại cholesterol “tốt bụng” quý hiếm có tên là Apolipoprotein A1 (ApoA1 Milano). Chính ApoA1 Milano đóng vai trò bảo vệ con người trước nguy cơ nhồi máu cơ tim hiệu nghiệm hơn hẳn HDL vốn là sở hữu của đa số nhân loại.
 

Ngay sau khi phát hiện của GS. Cesare Sirtori được công bố, hãng công nghệ sinh học Mỹ Esperion Therapeutics Inc ở Anh Arbor (bang Michigan) đã quyết định mua bản quyền để nghiên cứu tạo ra biệt dược chống xơ vữa động mạch. Kết quả nghiên cứu loại thuốc mới được công bố gần đây cho thấy, biệt dược được đặt tên là ETC-216 không chỉ có tác dụng kìm hãm quá trình phát triển xơ vữa, mà còn “dọn sạch” những mảng “rác rưởi” có trong động mạch chỉ sau vài ba tuần uống thuốc! Càng thấy tác dụng kỳ diệu đến khó tin của ETC-216, khi biết rằng, những biệt dược đến nay vẫn được sử dụng phổ biến như Satyn có tác dụng hạ thấp nồng độ cholesterol “xấu” có thể triệt tiêu tới 30% nguy cơ nhồi máu cơ tim, song không hề thay đổi được trạng thái xơ vữa của động mạch.

Sự “hoen gỉ” trong lòng động mạch

Chỉ riêng nước Mỹ, mỗi năm đã có ngót triệu người chết vì nhồi máu cơ tim và hơn chục triệu người khác – khổ sở vì bệnh tim thiếu máu. Cho đến nay, “phao cứu hộ” độc nhất hữu hiệu đối với tính mạng người tim thiếu máu chỉ có thể là nong động mạch chủ hoặc cấy động mạch nhân tạo. Vì vậy, theo GS. Steven Nissen (Đại học bang Ohio), chuyên gia tim mạch hàng đầu thế giới – Nếu như những thế mạnh của ETC-216 được khẳng định qua các nghiên cứu với nhiều đối tượng hơn, chúng ta có thể nói đến cuộc cách mạng trong điều trị bệnh tim thiếu máu.

Cách đây không lâu người ta vẫn tin rằng, nhân tố chính làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim là nồng độ cholesterol trong máu cao (hơn 200mg/dl). Thế nhưng thực tế cho thấy, chỉ cholesterol “xấu” (viết tắt là LDL-low-density lipoproteins, tức lipoprotein loãng). Những nguyên tố LDL vận chuyển cholerterol và phụ gia của nó từ gan và ruột đến những mô còn lại và các cơ quan nội tạng, nơi tận dụng chúng để sửa chữa màng tế bào và tổng hợp các steroid. Một khi các nguyên tố LDL trong máu quá nhiều (cao bơn 130-160mg/dl), chúng sẽ oxi hóa và tập hợp bên trong thành mạch (với khía cạnh nào đó tương tự như hiện tượng hoen gỉ ống kim loại). Trong lòng thành mạch khi ấy sẽ xuất hiện những mảng xơ vữa, ngày càng cản trở dòng chảy đưa máu đến cơ tim.

Những nguyên tố cholesterol có độ đậm đặc cao HDL (high-density liporoteins) làm nhiệm vụ chuyển cholesterol đến gan, nơi gan tái chế hoặc đào thải khỏi cơ thể ngăn cản những biến đổi bất lợi có thể xảy ra trong động mạch vành. Kết quả những nghiên cứu mới nhất cho thấy, quá trình phát triển xơ vữa được quyết định trước hết bởi nồng độ thấp cholesterol “tốt bụng”, theo những nghiên cứu của GS. Annelies W. E. Weverling-Rinsburgar (Đại học Leiden, Hà Lan) những đấng mày râu trong máu có nồng độ HDL thấp hơn 40 mg/dl bị nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến não hơn gấp hai lần cao hơn đối tượng có nồng độ HDL cao hơn 40 mg/dl.

Thế mạnh của “máy quét rác” động mạch ETC - 216

Theo GS. Nessen, tất cả những ai biết bản thân có nồng độ LDL quá cao, cần phải cố gắng hạ thấp, song nhìn chung chưa đủ để tránh được nguy cơ nhồi máu cơ tim. Những nghiên cứu sử dụng thuốc hạ cholesterol trong máu do nhà khoa học này tiến hành đối với 500 bệnh nhân trong thời gian 18 tháng đã xác định như vậy. Cụ thể, với liều 80 mg/ngày, biệt dược có tên Lipitor, sẽ kìm hãm sự tiến triển của xơ vữa, trái lại với Pravachol – chỉ có thể làm chậm lại quá trình phát bệnh. Chính vì lý do như vậy, theo GS. Henrietta Reicher-Reiss (thuộc Sheba Medical Centre, Israel), chắc chắn các bác sĩ tim mạch sẽ cứu được nhiều người hơn vì chứng nhồi máu cơ tim, nếu như họ cũng được phép cho bệnh nhân sử dụng biệt dược tăng nồng độ cholesterol “tốt bụng”.

Biệt dược ETC-216 bao gồm sự phối hợp lipoprotein nồng độ cao ApoA-1 Milano với Fosfolipid chứng tỏ tác dụng tương tự cholesterol “tốt bụng” HDL. Lần đầu tiên, người ta quan tâm đến điều đó nhờ những thí nghiệm do GS. P. K. Shaha (Cedars-Sinai Medical Ciner ở Los Angeles) tiến hành trên đàn chuột và thỏ từ hơn 10 năm trước. Việc chích HDL tổng hợp đã làm biến mất các mảng xơ vữa trong động mạch con vật. Khi ấy người ta đã đề nghị GS. Steven Nissen (Cleveland Clinic Foundation) tiến hành các thí nghiệm lâm sàng trên cơ thể người. Và công trình đã được triển khai tại 10 trung tâm nghiên cứu độc lập tại Mỹ.

Liệu trình điều trị trong thời gian 5 tuần (tiêm vào tĩnh mạch) biệt dược bao gồm hợp chất ApoA-1 Milano và Fosfolipid, được triển khai với bệnh nhân xơ vữa nặng. Các nhà nghiên cứu xét nghiệm cẩn trọng mức độ “mỡ xấu” trong động mạch vành đối tượng trước và sau điều trị (áp dụng phương pháp chẩn đoán siêu âm IVUS, cho phép lấy được bức tranh chính xác trạng thái bên trong thành mạch). Công trình được tiến hành với 57 bệnh nhân (tất cả đều có triệu chứng đau nhức, nồng độ cholesterol LDL cao và tình trạng mạch vành bị co thắt). Thế nhưng không ai phải áp dụng biện pháp nong động mạch hoặc cấy động mạch vành. Sau 5 tuần lễ, ở đối tượng được chích thuốc, “mỡ xấu” giảm trung bình 4,2%, trong khi ở đối tượng chỉ nhận thuốc vờ - tình trạng xơ vữa càng trầm trọng. GS. Nisen nhận xét về công trình trên: Chưa từng có biệt dược nào mang lại kết quả hài lòng như vậy. Nó thực sự mở ra triển vọng đầy hứa hẹn.
 

Kết quả những nghiên cứu trên gây bất ngờ thậm chí với cả những ai bi quan nhất. Theo GS. Daniel Rader (Viện nghiên cứu Y học Philadelphia, Mỹ) nhà khoa học với vai trò chuyên gia độc lập đánh giá kết quả thí nghiệm, biệt dược mới có thể trở thành một trong những thành quả lớn nhất của nền dược phẩm học hiện đại. Những tập đoàn dược phẩm lớn cũng đã bắt đầu cuộc chạy đua tích cực nghiên cứu biệt dược có tính năng tương tự.

2. Máu nhân tạo: từ ý tưởng đến hiện thực

Mỗi năm, thế giới cần khoảng 50 triệu lít máu để truyền cho người bệnh. Hiện nguồn máu này được lấy từ người tình nguyện, người làm nghề bán máu... Tuy nhiên, nguồn máu không chỉ đáp ứng nhu cầu điều trị, bị động và rất tốn kém trong khâu sàng lọc, bảo quản. Việc chế ra máu nhân tạo (MNT) để khắc phục các nhược điểm này là công trình hết sức có ý nghĩa mang lại hiệu quả cao trong cấp cứu và điều trị.

Từ thất bại của MNT chế từ hemoglobin động vật…

Thoạt đầu, các nhà khoa học nghĩ đến việc tạo ra các loại dịch truyền giống như máu về pH, độ nhớt, áp suất thẩm thấu. Tuy nhiên, các dịch truyền này chỉ có thể cấp cứu nhất thời những trường hợp trụy tim mạch, nhưng không thể thay được máu theo đúng nghĩa, bởi lẽ, chúng không  thể nào đảm nhận được vai trò của hemoglobin  chuyển  ôxy đến các mô. Hơn nữa, việc truyền một lượng lớn cũng có thể gây hại. Chẳng hạn, truyền nhiều dung dịch natrichlorid sẽ gây co mạch. Ngoài ra, không thể dùng điều trị các bệnh về máu. 

Sau gần 20 năm nghiên cứu MNT cho đến cuối năm 2004, dù còn tranh cãi về nguyên nhân thất bại,  nhưng  qua sự tranh cãi này, các nhà khoa học nhận ra rằng chỉ có cách sinh tổng hợp ra tế bào hồng cầu giống với tế bào hồng cầu tự nhiên (tế bào có chứa nhân hemoglobin) thì mới có thể khắc phục được nhược điểm của MNT. 

 

  GS. Chris Cooper và thí nghiệm tạo ra một loại hemoglobin mới.

Đến chế tạo MNT bằng sinh - tổng hợp tế bào  hồng cầu  giống với tự nhiên

Theo New Scientist, dự án được tài trợ 3 triệu bảng Anh của một công ty tài trợ nghiên cứu tư nhân Wellcome Trust, do các nhà khoa học Anh thực hiện. Theo đó, họ đã lấy 100 mẫu phôi từ các bệnh viện phụ sản chia thành nhiều dòng khác nhau để tổng hợp tế bào hồng cầu. Một trong dòng này là RC-7 đã cho kết quả biến phôi thành tế bào máu gốc và  từ tế bào máu gốc  tiếp tục nhân thành nhiều tế bào hồng cầu (tế bào chứa hemoglobin) có chức năng chuyên chở ôxy. Từ các tế bào hồng cầu, chuyển chúng thành nhóm  máu O. MNT nhóm O có thể truyền cho mọi người có các nhóm máu khác mà không gây phản ứng bất lợi. Nếu dựa vào người cho thì nhóm máu O rất khó kiếm vì chỉ chiếm 7% trong dân số. Theo dự án, có thể sản xuất đầu tiên khoảng 1 triệu lít/năm và sẽ hoàn thành dự án sau 5 năm.

Chế tạo MNT từ tế bào gốc của da:

Dự án thực hiện tại Viện nghiên cứu Ung thư và Tế bào gốc, Trường đại học McMaster (Canada). Trước đó, các nhà khoa học lấy tế bào gốc của phôi, biệt hóa thành tế bào máu nhưng tế bào gốc phôi quá non, khi biệt hóa thành tế bào  máu cũng non, không thích hợp, hơn nữa, lấy tế bào gốc từ phôi sẽ phát sinh nhiều sự tranh cãi về đạo đức. Do đó về  sau, các nhà khoa học lấy tế bào gốc từ da người ở nhiều lứa tuổi khác nhau kể cả tuổi sơ sinh. Kế đó đưa DNA vào tế bào gốc (như một chất mồi) thì các tế bào gốc sẽ biệt hóa thành các tế bào máu. Tế bào máu được tạo ra từ tế bào gốc của da có ưu điểm là giống với  tế bào máu trưởng thành, thích hợp với người bệnh... Theo TS. Mick Bhatia  thuộc dự án trên, vào khoảng năm 2012 sẽ thử nghiệm MNT này trên người, đầu tiên sẽ dùng cho người bị máu trắng.

Chế tạo MNT từ tế bào gốc cuống rốn:

Công ty Arteriocyte bang Ohio nhận 1,95 triệu USD (năm 2008) từ Bộ Quốc phòng Mỹ để thực hiện dự án chế tạo MNT. Theo đó, họ lấy tế bào gốc từ dây rốn, sau đó biến tế bào gốc thành tế bào máu với lượng lớn bằng kỹ thuật mô phỏng theo cơ chế hoạt động của tủy xương. Nhờ kỹ thuật đó mà từ một dây rốn có thể sản xuất ra 20 đơn vị máu đủ dùng cho 3 binh sĩ bị thương (trung bình 1 binh sĩ bị thương cần 6 đơn vị máu). Tháng 7/2010, công ty này đã chế tạo thành công mẫu MNT đầu tiên,  hoàn toàn giống với máu tự nhiên,  thuộc nhóm máu O và đã  đệ trình trình lên  FDA để đánh giá và kiểm tra độ an toàn.

Theo Don Brown, giá thành MNT là 5.000USD cho một pint (0,57 lít). Tuy nhiên công ty đang cải tiến công nghệ, để mỗi dây cuống rốn sẽ sản xuất ra một  lượng máu nhiều hơn. Một trong các cách đó là tạo ra khoang nuôi dưỡng tế bào gốc để chúng có chức năng sinh ra tế bào máu như cơ chế hoạt động của tủy xương. Khi cải tiến kỹ thuật và mở rộng quy mô sản xuất thì giá thành còn khoảng 1.000USD cho một pint (0,57 lít). Theo Công ty Arteriocyte và Bộ Quốc phòng Mỹ, năm 2013, máu sẽ được thử nghiệm trên người và đưa vào sử dụng 5 năm sau.

Máu nhân tạo không giống với máu tự nhiên

Chế tạo ra hemoglobin khác với hemoglobin tự nhiên

Theo  GS. Chris Cooper (Trường Đại học Essex - Anh Quốc), hemoglobin tự nhiên có những nhược điểm sau: Khi ra khỏi sự bảo vệ của tế bào hồng cầu có thể bị nhiễm độc, bị phá hủy sinh ra ion sắt; ion sắt sẽ bị ôxy hóa sinh ra các sản phẩm màu nâu hay đen bất thường. Chính việc hemoglobin sinh ra các gốc ôxy tự do sẽ có hại cho tim và thận. Do đó, theo GS. Chris Cooper,  thách thức lớn nhất trong chế tạo MNT là cải biến hemoglobin tự nhiên, nghĩa là phải tạo ra một loại hemoglobin mới có chức năng vận chuyển ôxy và thải khí CO2 nhưng không độc, vững bền (có thể không cần trữ lạnh) và không bị phá hủy (tồn tại lâu dài trong hệ tuần hoàn). Dưới sự chỉ đạo của GS. Chris Coope, các chuyên gia  Trường đại học  Essex (Anh) đã nỗ lực tạo ra một loại hemoglobin mới từ một hóa chất đặc biêt và máu bò nuôi dưỡng trong môi trường vi sinh, hiện đang đề nghị cấp bằng sáng chế.

Chế tạo ra albumin-heme không giống với hồng cầu tự nhiên

Các nhà khoa học Nhật Bản Waseda, Keio, Kumamoto phối hợp một phân tử bao gồm sắt và albumin gọi là albumin-heme. Tuy albumin-heme không giống với hồng cầu tự nhiên nhưng vẫn được coi là MNT vì albumin-heme có thể hấp thu ôxy trong phổi và chuyển đến các mô như chức năng của hồng cầu tự nhiên. Ưu điểm của albumin-heme là nhỏ hơn tế bào hồng cầu nên có thể len lỏi vào các nơi tắc nghẽn để cung cấp ôxy, vì vậy có thể dùng cho những người bị đột quỵ. Một công ty Nhật đã tìm các thay đổi gen để chế tạo ra nhiều albumin đem thử nghiệm lâm sàng nhằm nâng cao năng suất chế tạo albumin-heme.  

Sau ngót 30 năm nghiên cứu, nay MNT không còn ở phạm vi thí nghiệm nữa mà đã chuyển sang sản xuất bằng quy mô công nghiệp. MNT không những sẽ  đáp ứng nhu cầu máu mà còn đảm bảo về chất lượng và có thêm một số tính năng ưu việt khác.   

3. Máu Rh - tại sao lại cực hiếm?

                    Để giải thích vấn đề này, trước hết phải làm rõ hai khái niệm có liên quan đến việc xác định nhóm máu, đó là “kháng nguyên” và “kháng thể”. Kháng nguyên thường là những protein khi xuất hiện trong cơ thể sẽ gây nên phản ứng để chống lại một yếu tố nào đó (như vi-rút, vi khuẩn gây bệnh, chất độc, hoặc những chất lạ khác…) - những phản ứng đó được gọi là sự đáp ứng miễn dịch để tự bảo vệ. Kháng thể là một yếu tố dịch thể được hình thành trong máu người sau khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên.
 

Đối với máu người, người ta dựa vào sự hiện diện của 2 loại kháng nguyên A và B để phân máu thành 4 nhóm chính là A, B, AB và O (còn gọi là hệ thống nhóm máu ABO). Người có nhóm máu A có kháng nguyên A và có kháng thể b (chống B) trong máu. Người có nhóm máu B có kháng nguyên B và có kháng thể a (chống A) trong máu. Người có nhóm máu AB có kháng nguyên A và B và không có kháng thể  a và b trong  máu. Người có nhóm máu O không có kháng nguyên A và B nhưng trong máu có kháng thể a và b.

Ngoài hai loại kháng nguyên A và B, người ta còn phát hiện trong máu có những kháng nguyên khác, trong đó đáng chú ý là kháng nguyên Rhesus (ký hiệu Rh). Kháng nguyên hệ Rh phân bố thưa thớt trên bề mặt hồng cầu. Khi cơ thể có kháng nguyên Rh thì được gọi là Rh+ (dương tính). Còn nếu cơ thể không có kháng nguyên Rh thì được xem là Rh- (âm tính). Theo thống kê, tỷ lệ Rh+ của người da trắng là 85%, người Mỹ da đen là 95%, người Phi da đen là 100%, người Việt là 99,92%. Nói cách khác, tỷ lệ Rh- của người Việt là 0,08% (rất hiếm).

          Kháng nguyên hệ thống nhóm máu Rh là di truyền. Khi người có Rh- trong máu được truyền bằng máu có kháng nguyên Rh+ thì sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh, gây ngưng kết hồng cầu, sinh ra tai biến. Nếu người cần được truyền máu là Rh+ thì truyền máu Rh+ hoặc Rh- đều được, nhưng nếu người cần được truyền máu là máu Rh- thì nhất thiết phải được truyền máu Rh-. Vì vậy, trường hợp cháu bé mà bạn đọc vừa nêu có máu Rh-, là loại máu cực hiếm.
 

4. Gần 80% virus cúm lưu hành tại VN là chủng A(H1N1)

Chiều 11/3, Cục Y tế dự phòng Việt Nam cho biết: Hiện phân týp virus cúm A(H1N1) chiếm tỷ lệ 78% số mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm tại nước ta. Đến nay, virus cúm A(H1N1) đã được ghi nhận tại 30 tỉnh, thành phố, đa số các trường hợp mắc đều ở thể nhẹ; tuy nhiên, đã có 7 trường hợp tử vong tại 6 địa phương, chủ yếu có bệnh mạn tính kèm theo, với: 1 trường hợp có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp; 1 trường hợp bị khối u trung thất; 1 trường hợp bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 1 trường hợp viêm ruột hoại tử.

Theo Cục Y tế dự phòng: Nhìn chung, cúm A(H1N1) đã lưu hành ở mức độ hạn chế trong cộng đồng, hiện đang trong tầm kiểm soát của y tế địa phương. Tại một số địa phương đã ghi nhận một số ổ dịch cúm A(H1N1) ở trường học, khu dân cư; cụ thể: Tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (từ ngày 15/2 đến 6/3/2011), huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (từ ngày 14 – 20/2/2011), thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (từ ngày 22/2 đến 4/3/2011). Các ổ dịch đã được xử lý kịp thời, không có trường hợp tử vong.

5. Đã có Kit chẩn đoán mắc sốt xuất huyết

Chương trình nghiên cứu thử nghiệm Kit chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết mới ICA đang được Hiệp hội Khoa học Sinh Y - Nhật Bản thống nhất phối hợp thực hiện với Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học và trường đại học Y Dược Huế (Đại học Huế).

Đây là một trong những chương trình hợp tác nghiên cứu thử nghiệm Kit chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam, do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ với tổng kinh phí là 80.000 yen.
 

Bộ chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết mới ICA do nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học Sinh Y (Nhật Bản) chế tạo nhằm chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết một cách nhanh chóng, dễ sử dụng, chi phí thấp và đạt hiệu quả cao. Chương trình được thực hiện với các nội dung như hỗ trợ nhóm nghiên cứu trong quá trình phỏng vấn và lấy mẫu bệnh; liên lạc, sắp xếp lịch trình làm việc với các đối tác, viết báo cáo, cũng như bố trí thông dịch viên và trợ lý trong quá trình thực hiện nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học Sinh Y Nhật Bản sẽ tiến hành nghiên cứu thử nghiệm tại Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học và trường đại học Y Dược Huế (Đại học Huế). Sau khi Kit chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết ICA được nghiên cứu thử nghiệm thành công sẽ được đưa vào áp dụng rộng rãi.

PGS.TS Lê Văn Thăng, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học, Đại học Huế cho biết, chương trình nghiên cứu thử nghiệm Kit chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết mới đã và đang được thực hiện hiệu quả, kết quả của chương trình sẽ được công bố trong một thời gian gần đây.

6. NewLife Clinic triển khai chương trình đặc biệt vì cộng đồng

NewLife Clinic - Trung tâm y tế đầu tiên của Công ty cổ phần Y tế Cuộc sống mới Việt Nam (NewLife Medical) được đặt giữa khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội đã bắt đầu đi vào hoạt động. Với hạ tầng và trang thiết bị hiện đại, hệ thống quản lý tiên tiến được phát triển trên nền công nghệ thông tin, NewLife Clinic là một mô hình mới hưởng ứng chủ trương xã hội hóa, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao vốn còn đang rất thiếu trong hầu hết các khu đô thị ở Hà Nội và TP. HCM.

 
Từ tháng 3/2011, NewLife Clinic bắt đầu triển khai chương trình khám ưu đãi phục vụ cộng đồng dân cư khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính với mức phí đặc biệt gồm: Khám nội khoa tổng quát (bao gồm sơ cứu cấp cứu kỳ đầu) bằng 60% giá niêm yết, siêu âm chẩn đoán và xét nghiệm, sinh hóa bằng 80% giá niêm yết.  Đây là các dịch vụ y tế thiết yếu để giải quyết những vấn đề thường gặp về sức khỏe của người dân.  Chương trình này được áp dụng cho mọi người dân cư trú tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và có giá trị trong suốt thời gian người dân cư trú tại đây với điều kiện phải đến đăng ký trực tiếp tại Phòng khám đa khoa NewLife, số 6 Nguyễn Thị Thập, Hà Nội trong trong tháng 3/2011, để được nhận thẻ “khách hàng đặc biệt”.

Trao đổi về chương trình này, ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc điều hành phòng khám cho biết:  “Chủ trương của NewLife Medical là luôn ưu tiên phục vụ cộng đồng nơi triển khai dự án, bởi vậy NewLife Clinic áp dụng chính sách đặc biệt cho cư dân khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính trong suốt thời gian họ cư trú tại khu vực này chứ không phải một chương trình khuyến mãi nhất thời”. Ông Dũng cũng cho biết thêm “Lý do giới hạn thời gian người dân đăng ký trong tháng 3/2011 là để đảm bảo khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ của phòng khám. Trong tương lai NewLife Clinic sẽ cân nhắc việc mở rộng danh mục dịch vụ kèm theo chính sách ưu đãi cho người dân".

Ngoài Phòng khám NewLife Clinic tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, NewLife Medical đang triển khai đầu tư xây dựng một bệnh theo viện tiêu chuẩn quốc tế tại Từ Sơn, Bắc Ninh và dự kiến sẽ mở rộng mạng lưới phòng khám tại các khu đô thị lớn trên cả nước.

Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, sau khi NewLife Clinic thông báo chính thức về chương trình ưu đãi phục vụ cộng đồng, phòng khám đã nhận được khoảng 70 đơn đăng ký, trong đó có rất nhiều người có tuổi và trẻ em, cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế cộng đồng chất lượng cao là rất lớn.

7. Trợ giá tầm soát 5 bệnh có nguy cơ tử vong cao

Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng – CHAC, thuộc viện Nghiên cứu và phát triển sức khoẻ cộng đồng, TP.HCM sẽ thực hiện chương trình trợ giá tầm soát 5 bệnh có nguy cơ tử vong cao, theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới: tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, thiếu máu cơ tim, ung thư phổi.

Theo đó, chi phí trọn gói là 111.000 đồng, chương trình kéo dài đến hết ngày 31/3/2011. Cùng với hoạt động này, trung tâm cũng đã chính thức đưa vào hoạt động phòng khám tư vấn, điều trị ngáy và các rối loạn giấc ngủ tại số 10, Lý Thường Kiệt, quận 10, TP.HCM. Phòng khám được trang bị máy đa ký giấc ngủ 24 kênh, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

8. Hiểm họa Trans fat đối với bệnh tim mạch

Mới đây, tại Khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Hiểm họa Trans fat - người tiêu dùng Việt Nam cần được bảo vệ” với sự tham gia của các phóng viên, các chuyên gia và người tiêu dùng.

Hội thảo được tổ chức nhằm thông tin về chất béo Trans (Trans fat), và những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe tim mạch thông qua phần báo cáo của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, sức khỏe. Đồng thời, tại hội thảo này, Hội mong muốn các cơ quan nhà nước như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y rế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa… sớm đưa ra các biện pháp quản lý chất béo độc hại Trans fat và yêu cầu các doanh nghiệp không sử dụng các loại nguyên liệu sản sinh ra chất béo độc hại này trong quá trình sản xuất thực phẩm và thông tin minh bạch về hàm lượng chất béo  trên nhãn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

 
Thị trường phong phú các thực phẩm hiện nay đã phần nào mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất một thực phẩm như các loại bánh, mì ăn liền, khoai tây chiên, các nhà sản xuất đã sử dụng loại dầu chiên bị Hydro hóa ở nhiệt độ cao làm sản sinh ra loại chất béo Trans fat. Mục đích nhằm giúp thực phẩm bảo quản được lâu hơn, hấp dẫn hơn với người tiêu dùng. Theo nghiên cứu của bang British Columbia - Canada, Trans fat là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Nhiều tổ chức y tế trên thế giới công nhận, Trans fat gây tăng mức cholesterol xấu (LDL-C), và giảm mức cholesterol tốt (HDL-C) trong máu dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng trans fat còn là tác nhân gây cản trở lưu thông máu, gây ra các bệnh tim mạch nghiêm trọng như bệnh vữa xơ động mạch.

Theo nghiên cứu của Ngành Y tế Công cộng trường Đại học Harvard, ước tính ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng dầu chứa Trans fat đã gây ra từ 72.000 đến 228.000 ca bệnh nhồi máu cơ tim và khoảng từ 30.000 đến 100.000 người chết vì nhồi máu cơ tim mỗi năm.

Tại Việt Nam, vấn đề Trans fat trong thực phẩm vẫn còn là điều khá mới mẻ đối với rất nhiều người. Đã có một vài hội thảo và một số báo đài đưa tin về chất béo độc hại này. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc quản lý Trans fat và cũng mới chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ghi rõ thông tin Trans fat trên bao bì.

Do đó, với chức năng là một đơn vị bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam và sự đe dọa của Trans fat, hội thảo “Hiểm họa Trans fat - người tiêu dùng Việt Nam cần được bảo vệ” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam  tổ chức đã tập trung phân tích sâu tình hình các bệnh tim mạch, cơ chế sự hình thành Trans fat và những tác động của chất béo độc hại này đến sức khỏe tim mạch.

Hội thảo nhằm thông tin về chất béo độc hại Trans fat và những hiểm họa của nó đến sức khỏe tim mạch đến mọi người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, tại hội thảo này, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng đã kêu gọi cơ quan Nhà nước sớm đưa ra các quy chuẩn, quy định bắt buộc, các biện pháp quản lý chất béo độc hại Trans fat và yêu cầu các doanh nghiệp không sử dụng các loại nguyên liệu sản sinh ra chất béo độc hại này để bảo vệ người tiêu dùng. Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Gia Phan - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Với những tác hại do Trans fat gây ra hiện nay, từ hội thảo này, chúng tôi kêu gọi các cơ quan Nhà nước cần sớm có các biện pháp quản lý Trans fat để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, chúng tôi yêu cầu phải ghi rõ thông tin về hàm lượng Trans fat trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng tự bảo vệ mình bằng cách đọc kỹ thông tin trên bao bì khi lựa chọn thực phẩm. Tốt nhất chỉ nên chọn những sản phẩm ghi rõ thông tin “Không có Trans fat” để đảm bảo sức khỏe tim mạch cho cả gia đình.”

9. Phấn đấu loại trừ bệnh sốt rét vào 2030

Sau 20 năm thực hiện phòng chống sốt rét, đến năm 2010 cả nước đã không có dịch xảy ra, tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân hiện là 0,61. Song để loại trừ được sốt rét đến năm 2030, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống sốt rét giai đoạn 2011-2020, có định hướng đến năm 2030. Đến nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện việc Dự thảo Chiến lược quốc gia trên. Dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý của nhân dân trước khi tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

Chiến lược Quốc gia phòng chống, loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 dự kiến sẽ đặt mục tiêu đến 2015, 95% bệnh nhân sốt rét được điều trị đúng phác đồ, đủ liều, đủ ngày theo quy định và tỷ lệ này năm 2020 sẽ là trên 98%.

Dự thảo Chiến lược cũng nêu chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ mắc sốt rét đạt dưới 0,15/1.000 dân, tỷ lệ chết do sốt rét dưới 0,02/100.000 dân, loại trừ bệnh sốt rét tại ít nhất 40 tỉnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Việt Nam đã thực hiện Chương trình tiêu diệt sốt rét ở miền Bắc từ năm 1958 và sau đó mở rộng ra cả nước vào năm 1976. Trong những năm đầu thực hiện, tỷ lệ dân mắc sốt rét đã giảm 20 lần ở khu vực miền Bắc và giảm 4 lần ở khu vực miền Nam.

`Bởi vậy, Việt Nam đã áp dụng chiến lược từ tiêu diệt sốt rét sang phòng chống sốt rét. Những năm gần đây, Chương trình phòng chống sốt rét đã giúp giảm đáng kể số người tử vong do sốt rét, giảm trường hợp mắc và giảm dịch sốt rét. Chương trình này cũng đã trở thành 1 trong các dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS.

Bộ Y tế cho biết, trong dự thảo Chiến lược quốc gia phòng chống, loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 cũng đã xác định tiêu chí trong vòng 5 năm nữa (2015) phải đạt hơn 85% và đến năm 2020 đạt trên 95% người có nguy cơ mắc sốt rét cao (đi rừng, ngủ rẫy...) sử dụng biện pháp phòng chống sốt rét, như nằm màn tẩm hóa chất và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác.

Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm có từ 10 đến 12 triệu người trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi miễn phí, thuốc sốt rét cũng được cấp miễn phí từ 1-2 triệu liều/năm.

10. Cúm gia cầm ở Ai Cập

Bộ Y tế Ai Cập thông báo 2 trường hợp mới nhiễm cúm gia cầm H5N1. Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ 32 tuổi ở Khu tự trị Sharkia, xuất hiện triệu chứng ngày 10/2 và nhập viện ngày 14/2. Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định. Trường hợp thứ hai là một bé trai 2 tuổi ở Khu tự trị Kafr Elsheikh, xuất hiện triệu chứng ngày 18/2 và nhập viện ngày 20/2. Bệnh nhân đang điều trị và trong tình trạng sức khỏe tốt.

Điều tra nguồn nhiễm cho thấy cả hai trường hợp đều tiếp xúc với gia cầm nghi ngờ nhiễm cúm. Hai trường hợp này đã được xác nhận bởi Phòng Xét nghiệm Y tế Công cộng Trung ương Ai Cập, Trung tâm Cúm Quốc gia của Mạng lưới Giám sát Cúm Toàn cầu (GISN) thuộc WHO. Trong số 127 trường hợp được xác nhận ở Ai Cập, 41 trường hợp đã tử vong.

11. Quảng Ngãi: Hàng trăm người tự dưng ngứa

Thời gian gần đây, hàng trăm người dân ở huyện miền núi Tây Trà tự dưng bị ngứa mà không biết nguyên nhân. Già Hồ Văn Ba (xã Trà Khê) cho biết, tình trạng này trước đây chưa hề xảy ra.

Theo già Ba, bệnh ngứa như dịch, không trừ một ai, từ người lớn đến trẻ con đều bị, đặc biệt đối với số người thường tắm ở suối thì ngứa càng dữ dội hơn. Ông Hồ Văn Tính (xã Trà Phong) cho biết: "Nhiều người bị ngứa đến trạm y tế xin thuốc về bôi nhưng vẫn không bớt". Điều đáng lo là dịch ngứa ngày một lan rộng, "phủ" gần kín huyện Tây Trà.

12. Y tế dự phòng: Bao giờ hết kém “dự”, ít “phòng”?

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng thực tế, hệ YTDP vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện, chế độ đãi ngộ cho cán bộ YTDP chưa tương xứng, việc đầu tư cho đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ YTDP đến nay vẫn chưa được tiến hành bài bản.

Nhân lực thiếu và yếu

"Nhân lực cho YTDP đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Hiện nay, nguồn lực cán bộ mới đáp ứng được 76% nhu cầu tuyến trung ương, 55% nhu cầu tuyến tỉnh, 43% nhu cầu tuyến huyện. Năm 2009, hệ thống mới có 19.315 cán bộ, trong khi nhu cầu tới năm 2020 là 57.980 cán bộ”, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết.

Phần lớn các cán bộ làm công tác YTDP tuyến tỉnh, huyện không được đào tạo chuyên sâu, đặc biệt là dịch tễ học nên thiếu khả năng phân tích, đánh giá các vấn đề: Tác nhân gây bệnh, thói quen hành vi, tại sao có nơi chống dịch được, có nơi lại không...

Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao một số vụ dịch (như sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp nguy hiểm…) cứ “đến hẹn lại lên”, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hao tốn không ít ngân sách của Nhà nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cũng từng thừa nhận: "Cán bộ của ta nhiều khi không phân tích được, làm báo cáo nhiều khi không thuyết phục. Tôi rất buồn vì tại các hội nghị quốc tế không có được những báo cáo một cách bài bản, khoa học”.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm YTDP tỉnh Đồng Nai cho hay: Chỉ có khoảng 50% trong tổng số 64 cán bộ của trung tâm là có năng lực, làm việc có trách nhiệm và hiệu quả. Đặc biệt trong 10 năm qua, Trung tâm YTDP tỉnh không tuyển được bác sĩ.

Chỉ ra những vấn đề bức xúc của hệ YTDP, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: "Hiện nay, công tác đào tạo nhân lực cho YTDP còn nhiều bất cập. Không hấp dẫn và thu hút được sinh viên đăng ký dự thi và nhập học chuyên ngành YTDP. Đa số các trường còn ít kinh nghiệm trong việc đào tạo chuyên ngành này. Các chương trình khung, nội dung đào tạo đều mới được xây dựng, cần có thêm thời gian để đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp hơn. Đầu tư cho đào tạo YTDP chưa đủ, thấp hơn nhiều so với đào tạo cho hệ điều trị...”.

Thuê trường học làm... trụ sở

Theo điều tra của Bộ Y tế, phần lớn cán bộ YTDP đang phải làm việc trong những điều kiện khó khăn. 80% số TT YTDP tuyến tỉnh đang cần được nâng cấp sửa chữa và xây mới. Hệ thống phòng xét nghiệm lạc hậu, thiếu đồng bộ. Tại tuyến huyện, theo điều tra tại 293 trung tâm y tế tuyến huyện, có 12,5% đơn vị chưa được cấp đất để xây dựng trụ sở làm việc, khoảng 40% đơn vị cần nâng cấp trụ sở làm việc. 100% trung tâm không có đủ trang thiết bị tối thiểu theo quy định, phần lớn xét nghiệm dựa vào các bệnh viện.

"Cơ sở vật chất của các trung tâm y tế huyện đang rất khó khăn, nhiều nơi phải thuê cả trường học làm trụ sở. Đến chỗ ngồi còn không có thì làm sao người ta muốn về công tác tại đơn vị đó”, PGS.TS Trịnh Quân Huấn cho biết. Phải làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn trang thiết bị hiện đại, thu nhập thấp, cán bộ YTDP còn phải "gánh” rất nhiều việc: Phòng chống dịch bệnh, dinh dưỡng cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch y tế, sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn... Vậy nên, số cán bộ tâm huyết với hệ YTDP đang ngày một ít đi, nhiều người chuyển công tác khác. Đối tượng sinh viên thì đương nhiên càng không muốn theo học ngành mà lúc nào cũng phải tiếp cận với bệnh dịch, không có thu nhập thêm ngoài lương.

Một cán bộ tại Trung tâm Y tế tỉnh Đồng Tháp tâm sự: Đang có tình trạng chỉ những cán bộ y tế bị kỷ luật ở đơn vị khác mới chịu về hệ YTDP làm. Số cán bộ này chỉ thích ứng dần với công việc khi thấy hết cơ hội chuyển đi đơn vị khác. Việc đi công tác cơ sở cũng ít được cán bộ chủ động triển khai do nhiều cơ sở ở xa trung tâm (tới 60-70 km) nhưng mỗi ngày đi công tác, anh em YTDP được hỗ trợ kinh phí rất ít.

"Chế độ đãi ngộ thấp, không có thu nhập thêm ngoài lương nên các cán bộ YTDP chưa yên tâm công tác, việc thu hút nhân lực về công tác tại các đơn vị thuộc hệ YTDP vì vậy gặp rất nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Rõ ràng, nhiệm vụ chính của YTDP là phòng chống dịch bệnh nhưng sự thiếu quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hạn chế về ngân sách đang "bó tay, bó chân” cán bộ YTDP, khiến họ không thể triển khai hiệu quả hoạt động phòng chống dịch bệnh. Do đó, nếu các địa phương vẫn tiếp tục "tiết kiệm” chưa “dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng” (như Nghị quyết 18/2008 của Quốc hội đã nêu) thì e rằng dịch bệnh sẽ ngày một bùng phát mạnh hơn chứ không chỉ đơn thuần là “đến hẹn dịch lại lên” như hiện nay.

 

Ngày 23/03/2011
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung và Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích