Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Finance & Retail Thư viện điện tử
Công trình nghiên cứu về Ký sinh trùng
Công trình nghiên cứu về Sốt rét & SXH
Công trình nghiên cứu về Côn trùng & véc tơ truyền
Đề tài NCKH đã nghiệm thu
Thông tin-Tư liệu NCKH
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 0 1 9 5
Số người đang truy cập
4 6 2
 Thư viện điện tử Thông tin-Tư liệu NCKH
Một số dấu hiệu liên quan đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em

1. Các dấu hiệu nguy hiểm trên trẻ sơ sinh

Mỗi năm, có khoảng 4 triệu trẻ em trên thế giới tử vong trước khi được một tháng tuổi và 3/4 số đó tử vong trong tuần đầu tiên. Dưới đây là những dấu hiệu không thể bỏ qua và cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện Martin Weber, một người đến từ tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Jakarta, Indonesia nói: "Bất kỳ ai chăm sóc trẻ em và các bà mẹ, nên biết rằng nếu trẻ không “ham ăn” như bình thường là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cơ thể có vấn đề nghiêm trọng. Có vẻ như rất đơn giản, nhưng đây là những thông điệp chúng ta cần thông báo rộng rãi. Nếu đứa bé không cử động một cách tự nhiên và chỉ cử động khi bạn chạm vào thì rất có thể nó đang có vấn đề".

7 dấu hiệu cần chú ý ở trẻ là:

§Có tiền sử khó cho ăn;

§Có tiền sử bị co giật;

§Chỉ cử động khi được kích thích;

§Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên;

§Ngực co thắt mạnh;

§Nhiệt độ cơ thể cao hơn 37.5oC;

§Nhiệt độ cơ thể thấp hơn 35.5oC.

Weber và các đồng sự đã bắt đầu với danh sách gồm 31 dấu hiệu mà những nhân viên chăm sóc y tế sử dụng để xác bệnh những bệnh nặng ở 8.889 trẻ sơ sinh được mang tới phòng khám tại Bangladesh, Bolivia, Ghana, Ấn Độ, Pakistan và Nam Phi. Những đánh giá này được so sánh với những quyết định của các bác sĩ nhi khoa. Sau này, nhóm của Weber đã thấy những đánh giá trên đáng tin cậy dù thu gọn lại chỉ còn 7 dấu hiệu. Weber nhấn mạnh rằng những con số tử vong chỉ có thể giảm đi nếu những trẻ em mắc bệnh được chăm sóc y tế hợp lý.

2. Những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ em cần lưu ý

Nhiều bác sĩ cho biết, không ít bậc cha mẹ có thói quen chủ quan, lơ là với những biểu hiện sức khỏe bất thường của bé. Kết quả, họ thường đưa các bé đi khám khi tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng. Dưới đây là bản tổng hợp từ Sức khỏe và Đời sống.

Sốt ở bé sơ sinh

Nếu bé dưới 2 tháng tuổi có dấu hiệu bị sốt cao thì nhiều khả năng bé bị ốm nặng hơn cha mẹ nghĩ. Cho dù bé bị sốt mà không kèm theo những triệu chứng nào khác thì bạn vẫn nên lưu ý. Giai đoạn này, do hệ miễn dịch của bé còn yếu nên bé có thể dễ dàng mắc một chứng bệnh truyền nhiễm trầm trọng. Nhiều bậc phụ huynh nhầm tưởng bé bị sốt là do cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu mắc cảm lạnh, bé thường không có dấu hiệu bị sốt quá cao.

Bé bị phát ban kèm theo sốt

Nếu bé xuất hiện những đám phát ban nhỏ li ti, màu đỏ (kèm sốt) thì có thể bé mắc chứng bệnh viêm màng não. Những nốt ban trông giống như đốm xuất huyết sẽ giữ nguyên màu sắc nếu bạn dùng tay ấn vào chúng; hoặc nốt ban có xu hướng chuyển sang màu tái trong giây lát khi bạn ấn ngón tay vào chúng. Sau đó, chúng sẽ trở lại màu sắc như bình thường. Bé có thể xuất hiện những đốm xuất huyết trên da (không kèm sốt) sau khi bé bị ho hoặc nôn (trớ). Cũng có thể bé bị xuất huyết da sau khi tắm. Trường hợp này, đốm xuất huyết có thể được gây ra bởi sự phá vỡ các mao mạch, bạn nên đưa bé đi khám sớm.

Mí mắt của bé bị sưng đau kèm theo sốt

Sưng mí mắt có thể do bé bị côn trùng cắn. Tuy nhiên, nếu kèm theo sốt, có thể bé bị nhiễm trùng xoang. Dấu hiệu khác là mí mắt bé bị đỏ và sưng phù. Vài giờ đồng hồ sau, mí mắt của bé tiếp tục phồng lên khiến bé khó khăn khi cử động. Bạn nên đưa bé đi khám ngay lập tức.

Bé bị ho liên tục

Nếu bé bị ho nặng kèm dấu hiệu thở khò khè thì nhiều khả năng bé bị chứng hen suyễn tấn công. Trường hợp này, bé cần được khám và dùng thuốc trị hen theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bé tỉnh giấc giữa đêm cùng những tràng ho không ngớt thì có thể bé mắc chứng bệnh về thanh quản. Lúc này, bạn có thể bế bé đến khu vực không khí thoáng hơn như đứng cạnh một khung cửa sổ mở. Bạn nên đưa bé đi khám khẩn cấp nếu bé có dấu hiệu khó thở: xương sườn của bé cử động lên – xuống theo từng nhịp thở, cánh mũi của bé phập phồng…
 

Bé nôn (trớ) liên tục

Nếu tình trạng nôn (trớ) ở bé lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc bé có dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, bạn nên đưa bé đi khám. Trường hợp khẩn cấp khác là khi bé bị nôn (trớ) ra máu hoặc đờm xanh, đờm vàng. Dấu hiệu này có thể là triệu chứng hẹp môn vị ở bé. Bé cần được chỉ định dùng thuốc và phẫu thuật bởi bác sĩ.

Bé đi khập khiễng hoặc mất khả năng leo trèo

Nếu bé khó khăn trong đi lại (không thể đứng bằng một chân); bé đột nhiên bị sốt thì có thể bé bị nhiễm trùng xương đầu gối hoặc xương hông. Trường hợp này, bé cần được bác sĩ khám nhanh chóng, bởi vì sự nhiễm khuẩn có khả năng phá hủy các khớp xương ở bé. Đôi khi, dấu hiệu bệnh ở bé sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng nếu bé không được điều trị bằng kháng sinh (theo chỉ định của bác sĩ) trong vòng 48 giờ sau đó. Dấu hiệu điển hình là bé bị ốm trong ngày đầu tiên. Ngày tiếp theo, bé có khả năng bị sốt cao và đau nghiêm trọng ở một phần xương trên cơ thể. Nếu bé không thể cử động khuỷu tay, chân, vai thì bạn càng nên đưa bé đi khám sớm (đặc biệt là những bé dưới 2 tuổi).

Bé bị đau khuỷu tay

Nếu bạn chạm vào tay bé, bé phản ứng bằng cách khóc thét, kéo tay ra xa thì có thể bé đang bị đau khuỷu tay. Chứng bệnh này có thể gặp ở bé dưới 6 tuổi. Nguyên nhân có khả năng do bé bị trật khớp khuỷu tay. Trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành các thao tác nắn, chỉnh để khớp khuỷu của bé trở về đúng vị trí. Bạn nên đưa bé đi khám trước khi khuỷu tay bé có dấu hiệu bị sưng phù.

3. Trẻ ngủ ngáy cần lưu ý:

Nếu bé ngủ ngáy không thường xuyên, có thể do bé bị cảm lạnh hoặc dị ứng thời tiết, gây cản trở xoang. Cha mẹ không cần quá lo vì đây là dấu hiệu trục trặc sức khỏe tạm thời ở bé. Nhóm bé đùa nghịch quá sức hoặc quá mệt vào ban ngày cũng có xu hướng phát ra âm thanh nhiều hơn vào ban đêm. Dưới đây, một số nguyên nhân gây ngủ ngáy ở trẻ

Đường thở bị cản trở

Ngủ ngáy xuất hiện khi đường thở của bé bị tắc bởi dịch (nước mũi) hoặc tiết nước bọt không ngừng. Khi đó, bé phải cố sức để thở và ngủ ngáy là kết quả sau cùng. Điều này thường xảy đến khi bé bị cảm lạnh hay dị ứng thời tiết.

 
Viêm
VA

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, VA vốn là tổ chức tế bào bạch cầu có nhiệm vụ chống lại vi khuẩn đi vào đường hô hấp. Do tiếp xúc thường xuyên với vi khuẩn nên nó rất dễ bị viêm nhiễm. Nếu viêm kéo dài, VA sẽ phát triển lớn, nó có thể là triệu chứng nguy hiểm, gây khó khăn cho sự thở của trẻ, tạo nên chứng ngủ ngáy.

Viêm ami-đan

Việc amiđan (một trong hai bộ phận nhỏ ở hai bên họng, gần cuống lưỡi) to lên và bổ sung thêm những hạch hạnh nhân ở họng. Khi mà cơ ở vòm họng không phải hoạt động nhiều trong quá trình ngủ, các amiđan và những hạch hạnh nhân là nguyên nhân làm hẹp (cản trở, gây tắc) luồng không khí trong cổ họng. Sự hỗn loạn bên trong của luồng không khí gây nên vấn đề này, đó cũng là lý do tại sao trẻ phát ra âm thanh ngáy khi trẻ ngủ.

Ngưng thở tạm thời khi ngủ

Ngủ ngáy có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở tạm thời khi ngủ, khi giấc ngủ bị quấy rầy sẽ gây ra những xáo trộn trong suốt cả ngày như mệt mỏi, rối loạn hành vi hay thiếu tập trung. Khi ấy, bé xuất hiện những tiếng ngáy to theo nhịp đều đều.

Tư thế ngủ kỳ lạ

Một lý do khác là do tư thế ngủ kỳ lạ. Ví như, một vài trẻ em trong giấc ngủ ban đêm thì thường bị hẹp luồng không khí sẽ ngủ với tư thế lưng nằm trên gối làm cho đầu của chúng lộn ngược xuống dưới, hay cổ của chúng sẽ bị kéo căng ra giống như là người làm xiếc diễn trò nuốt một cây kiếm vậy. Có lẽ những tư thế ngủ này làm cho lưỡi dốc xuống ra đằng sau cổ họng, khi đó sẽ xuất hiện những tiếng ngáy khi trẻ ngủ.

Dấu hiệu nên đưa bé đi khám

- Bé thường xuyên phải thở bằng miệng.

- Khoảng ngưng giữa hai nhịp thở kéo dài vài giây.

- Bị gián đoạn giấc ngủ vì ngáy, ngủ không ngon giấc.

- Bé phải gồng mình để thở, giống như chuẩn bị hắt hơi.

Lưu ý: Những dấu hiệu trên gây cản trở giấc ngủ nên khiến bé mệt mỏi, cáu kỉnh suốt cả ngày, ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe của bé. Nên đưa bé đi khám để bác sĩ xác định nguyên nhân và cách điều trị ngủ ngáy ở bé. Nếu bé có phần amidan rộng và mắc chứng sùi vòm họng, bé sẽ được chỉ định phẫu thuật. “Tin vui là khoảng 95% bé được phẫu thuật cắt bỏ amidan hoặc sùi vòm họng ở bé thành công” – chuyên gia Mindell tiết lộ. Nếu bé cần được chỉ định phẫu thuật, cha mẹ nên thảo luận mối nguy hiểm và những ảnh hưởng đến sức khỏe bé cùng bác sĩ. Tùy vào tình trạng bệnh, bé có thể được chỉ định cắt amidan khi bé dưới 3 tuổi.

 
4. Đau bìu - Không nên xem thường vì là triệu chứng nguy hiểm ở trẻ

Buổi sáng, thấy cậu con trai hơn tháng tuổi quấy khóc, chị Hòa kiểm tra thì thấy một bên bìu của cháu hơi sưng. Chiều tối, thấy con càng lăn lộn vì đau, chị đưa cháu đi khám và chết ngất khi biết, một bên tinh hoàn của bé đã hoại tử do bị xoắn lâu và phải cắt bỏ. Chị Hòa (Sóc Sơn, Hà Nội) bây giờ kể lại chuyện của con vẫn ngậm ngùi. Chị cho biết, khi thấy con đau và sưng bìu, chị cứ nghĩ con bị hăm do đeo bỉm nhiều, nên đã mua thuốc mỡ bôi cho cháu. Đến khi thấy con ngày càng đau, phần bìu càng sưng to và cứng hơn, chị mới lo lắng và đưa cháu đến gặp một phòng mạch tư. Tại đây, bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị xoắn tinh hoàn và cho chuyển ngay đến bệnh viện, nhưng vẫn muộn. Nghe các bác sĩ thông báo buộc phải cắt một bên tinh hoàn cho cháu, chị thấy hai đầu gối mình khuỵu xuống.

"Giá mình đừng chủ quan và đưa con đi khám sớm hơn thì mọi sự đã không nên nỗi. Giờ tương lai của con sẽ sao đây?", chị Hòa sụt sùi. Cũng bắt đầu bằng cảm giác đau ở vùng bẹn, cháu Biên,12 tuổi ở Bắc Ninh vì xấu hổ đã không nói với bố mẹ, để đến ngày hôm sau, khi cơn đau dồn dập, không chịu được nữa em mới dám thổ lộ thì cũng đã muộn. Khi được bố mẹ đưa vào viện, em cũng được bác sĩ xác định là xoắn tinh hoàn, phải mổ gấp. Nhưng khi mổ ra, một bên tinh hoàn của em cũng đã chết, đành phải cắt đi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Thủy, khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết, xoắn tinh hoàn là một bệnh cấp cứu, nếu đi khám muộn (sau 6 giờ đau) thì khả năng tinh hoàn bị hoại tử, phải cắt bỏ rất cao. Theo bác sĩ giải thích, trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm trong ở bụng. Sau đó, trong suốt quá trình phát triển của các bé trai, tinh hoàn di chuyển vào trong bìu, treo lơ lửng trong đó bằng cuống bìu và được nuôi dưỡng bằng các mạch máu. Hiện tượng xoắn là khi tinh hoàn tự xoay quanh trục của nó làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu đến nuôi tinh hoàn. Nếu để lâu, tinh hoàn không có máu nuôi dưỡng sẽ bị hoại tử.

Theo bác sĩ Thủy, đây không phải là một bệnh hiếm gặp. Triệu chứng dễ thấy và đầu tiên của bệnh này là trẻ đau đột ngột vùng bìu, bẹn. Trẻ lớn có thể nói với bố mẹ, trẻ nhỏ sẽ quấy khóc và không cho người lớn chạm vào vùng đó. Sau đó, bìu có thể căng mọng, sưng to, thậm chí hơi đỏ. Điều nguy hiểm là các triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn... và ít phụ huynh có hiểu biết về bệnh nên không ít người đưa con đi khám, chữa muộn.

Còn trong giới y khoa, các bác sĩ vẫn truyền nhau một nguyên tắc bất di bất dịch là phải nghĩ đến xoắn tinh hoàn ngay khi trẻ có triệu chứng đau vùng bìu và thà mổ nhầm xoắn tinh hoàn còn hơn để sót bệnh dẫn đến bệnh nhân bị chữa trị muộn dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Bác sĩ Thủy cho biết, hiện nay, ngoài khám lâm sàng, các kỹ thuật siêu âm, chụp cắt lớp đã có thể chẩn đoán chính xác được bệnh này. Theo bác sĩ, khi phát hiện sớm, việc xử lý xoắn tinh hoàn rất đơn giản. Bác sĩ có thể dễ dàng tháo xoắn, cố định tinh hoàn vào bìu. Còn khi đã bị xoắn thời gian dài (thường sau 6 tiếng) thì tinh hoàn không nhận được máu nuôi sẽ chết và buộc phải cắt đi. Về mặt lý thuyết, một người có một tinh hoàn vẫn có thể có đời sống tinh dục và sinh sản bình thường, nhưng thực tế, rõ ràng mất một bên tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đáng kể các chức năng này. Ngoài ra, điều này còn tác động nhiều đến tâm lý của trẻ khi trưởng thành.

Hiện nay, trên thế giới lẫn Việt Nam đều chưa có khả năng tái tạo tinh hoàn, chỉ có thể lắp tinh hoàn giả - có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ chứ không thực hiện được các chức năng của tinh hoàn thật. Theo bác sĩ Thủy, bệnh này có thể xảy đến với bất kỳ trẻ nào, ở mọi lứa tuổi, nhất là những trường hợp trục trặc ở vùng bìu bẹn như tinh hoàn ít cố định vào bìu, tinh hoàn lạc chỗ, tinh hoàn lò xo... Bệnh cũng hay gặp hơn ở các bé nam ở tuổi dậy thì, khi chuyển đổi nồng độ nội tiết tố đột ngột và tinh hoàn bắt đầu phát triển mạnh. Bởi đây là một bệnh cấp cứu, có thể để lại hậu quả đáng tiếc, nên bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh ngay khi nghe con kêu đau hay tỏ ra đau vùng bẹn bìu thì lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

5. Sốt xuất huyết ở trẻ em: Cảnh giác với những triệu chứng trở nặng của bệnh

Theo số liệu thống kê của Ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có hàng ngàn ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) nặng phải nhập viện điều trị. Trong năm 2008, riêng BV. Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận và điều trị khoảng 700 ca SXH độ III, IV. Thời điểm hiện tại, nơi đây cũng thường xuyên có khoảng 6-10 ca bệnh nặng. BV. Nhi Đồng 2 và BV. Bệnh Nhiệt đới cũng phát hiện hàng chục ca có dấu hiệu trở nặng mỗi ngày.

Nhập viện khi bệnh trở nặng

Với những biểu hiện ho kèm sốt nhẹ, em N.T.T, 7 tuổi, tại thành phố Hồ Chí Minh đã được chẩn đoán bị viêm họng. Theo người nhà của bệnh nhân, trước khi chuyển tới BV. Nhi Đồng 1, bé T. có biểu hiện ho, sốt và đã được chẩn đoán là viêm họng khi gia đình đưa em đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, theo đơn thuốc viêm họng được cho, em uống 3 ngày vẫn không đỡ bệnh. Bước sang ngày thứ 4, do T. sốt cao nên người nhà vội vã đưa em nhập viện BV. Nhi Đồng 1. Tại đây, T. được thử máu và kết luận bị mắc SXH ngày thứ 4. BS. Lê Bích Liên, Trưởng khoa SXH BV. Nhi Đồng 1 cho biết, rất may cho bệnh nhi này vì nhập viện kịp thời khi em chuẩn bị “vào sốc”. Ngay lập tức, T. đã được điều trị tích cực tại phòng cấp cứu, bệnh nhân hồi phục nhưng thời gian khá dài. Hiện T. đã ra khỏi phòng cấp cứu và chờ được xuất viện.
 
 

Tuần qua, BV. Nhi Đồng 2 cũng vừa cấp cứu thành công một trường hợp bé trai 5 tuổi tên N.V.A (ở Bình Dương) bị SXH độ IV. Bé A. nhập viện trong tình trạng rất nặng, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Tại Khoa cấp cứu nhiễm, bé được làm thủ thuật chống sốc, bù dịch và hỗ trợ dinh dưỡng, hô hấp. Sau gần một tuần điều trị bé A. mới đỡ bệnh và được cho xuất viện để theo dõi và chăm sóc tại nhà.

BS. Vũ Quang Vinh, Phó Phòng tổng hợp BV. Nhi Đồng 2 cho biết, hiện có 4 ca bệnh nặng đang được điều trị tại BV. Bệnh nhân nhập viện ở ngày thứ 4, thứ 5 gây khó khăn cho công tác điều trị. Báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, trong 5 ca tử vong do biến chứng SXH từ đầu năm đến nay có 2 ca là trẻ em có độ tuổi 8 tháng và 3 năm tuổi.

Cần cảnh giác và sớm nhận biết dấu hiệu bệnh

Theo BS. Lê Bích Liên, bệnh SXH có nhiều trường hợp bị sốt cao, trở nặng tại nhà mới được đưa tới BV. Tuy nhiên, một số nhập viện sớm cũng vẫn có thể trở nặng theo diễn tiến của bệnh. Vấn đề quan trọng là làm sao phát hiện sớm bệnh và nhận biết được dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ nhập viện kịp thời. SXH rất dễ bị chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh lý siêu vi khác và rất khó phát hiện ngay từ những ngày đầu, vì không có những dấu hiệu đặc hiệu. 90% trẻ dưới 15 tuổi mắc và tỉ lệ nhập viện trong tổng số bệnh nhân SXH chiếm khoảng 20%. Điều khó khăn là không thể biết những trường hợp nào trong số đó sẽ trở nặng nên các BS thường nhấn mạnh việc người nhà phải theo dõi trẻ tại nhà theo hướng dẫn và tuân thủ việc tái khám. Nếu trẻ sốt từ 2 ngày trở lên, uống thuốc không bớt thì phải nghĩ ngay đến nguy cơ đã mắc SXH. Ở ngày thứ 4, thứ 5, gần như 85% dấu hiệu cho thấy bệnh nặng. BS. Liên cho biết, một triệu chứng mà phụ huynh rất dễ chủ quan là việc trẻ ngưng sốt. Thời điểm bệnh trở nặng, trẻ sẽ ngưng sốt nhưng lại lừ đừ, quấy khóc, than đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, tiểu ít… Đặc biệt, khi trẻ xuất huyết chân răng, ói ra máu và đi tiêu phân đen thì phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

Việc nhập viện đôi khi không căn cứ vào độ III, hay độ IV. BS. Nguyễn Ngô Thị Bạch Tuyết, Khoa Nhiễm, BV. Nhi Đồng 2 cho biết, chỉ định nhập viện là cần thiết với trẻ nhũ nhi mắc SXH ở độ 2 và có những dấu hiệu sốt ly bì, da nổi bông, ói máu hay đau bụng vùng hông phải. Nhất là khi nhà bệnh nhân ở xa đơn vị y tế, sợ tiến triển bệnh không tốt thì chỉ định nhập viện điều trị sớm. Đối với trẻ mắc SXH, những biến chứng do sốt kéo dài, bệnh nhân nhập viện muộn dễ dẫn tới tình trạng sốc kéo dài, gây co giật, suy hô hấp. Khi xuất huyết tiêu hóa nhiều kèm xuất huyết não và tổn thương đa cơ quan (do sốc) rất dễ dẫn đến việc bệnh nhân tử vong. Ngay cả trên đường vận chuyển, với những bệnh nhân nhà ở xa BV., việc bị sốc cũng là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra khi mà các nhân viên y tế tại tuyến dưới chưa được tập huấn tốt về kỹ thuật chuyển viện an toàn, BS. Vũ Quang Vinh nhấn mạnh.

6. 7 dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo cho thai phụ

Đối với nhiều phụ nữ đang mang thai, chỉ cần một cơn đau nhẹ họ sẽ lập tức đi khám ngay. Nhưng một số thai phụ khác lại phớt lờ những biểu hiện đó và cho rằng đó chỉ là những biểu hiện thường xảy ra trong quá trình mang thai. Hoặc chỉ đơn giản là họ ngại để bác sĩ thăm khám vùng nhạy cảm của mình.

Vậy, làm sao để phân biệt được những triệu chứng nào là nguy hiểm, cần phải gặp bác sĩ ngay, và những biểu hiện nào là không đáng lo ngại, có thể chờ đến đợt khám thai định kỳ tiếp theo? Các chuyên gia đều cho rằng “cẩn tắc vô ưu”. Bất cứ khi nào thấy cơ thể có biểu hiện khác lạ, thai phụ phải gọi điện thông báo cho bác sĩ ngay. Và các chuyên gia khuyên rằng có một số triệu chứng mà trong suốt quá trình mang thai, thai phụ đừng bao giờ xem thường. Dưới đây là 7 triệu chứng báo hiệu những vấn đề nguy hiểm mà phụ nữ mang thai thường gặp nhất.

1. Xuất huyết ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ

Ra máu là biểu hiện bất thường ở mọi giai đoạn của thai kỳ. “Nếu thai phụ bị ra quá nhiều máu, kèm theo đau bụng hoặc đau bụng dưới giống thời gian hành kinh hay cảm thấy choáng, chóng mặt như ở giai đoạn đầu của thai kỳ, thì đó có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung”, bác sĩ Peter Bernstein cho biết. Hiện tượng có thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ ở một nơi khác ngoài tử cung, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ.

Xuất huyết kèm theo co bóp mạnh ở vùng bụng dưới còn là dấu hiệu sẩy thai khi thai phụ đang trong giai đoạn đầu hoặc đầu giai đoạn thứ hai của thai kỳ. Xuất huyết ở giai đoạn thứ ba của thai kỳ kèm theo đau bụng có thể là triệu chứng của hiện tượng bong nhau non, xảy ra khi nhau thai bong ra khỏi thành tử cung. “Xuất huyết luôn là dấu hiệu nguy hiểm”, bác sĩ Donnica Moore nói. Theo bà, mọi hiện tượng xuất huyết trong quá trình mang thai đều không được phép xem nhẹ. Nếu thai phụ bắt đầu bị chảy máu, đừng bao giờ chần chừ mà phải lập tức gọi bác sĩ hoặc phải được cấp cứu.

2. Nôn, ói nhiều hơn bình thường

Nếu thai phụ nôn nhiều đến mức không còn giữ được gì trong dạ dày thì tình hình đã trở nên nguy hiểm. Bác sĩ Bernstein cho biết: “Nếu thai phụ không thể ăn hoặc uống được thứ gì, thì cơ thể thai phụ đang trong tình trạng mất nước”. Họ cũng đang có nguy cơ thiếu dinh dưỡng, và tình trạng thiếu dinh dưỡng hay mất nước có thể gây ra những biến chứng như sinh non hay dị tật thai nhi. Bác sĩ Bernstein cũng nói thêm rằng, bạn phải được khám khi bị ói mửa nghiêm trọng. Sẽ có những phương pháp điều trị an toàn mà bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn để khống chế tình trạng nôn ói. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn để bạn thay đổi chế độ dinh dưỡng nhằm giúp bạn tìm ra loại thức ăn giảm nôn. Trị dứt điểm nôn ói sẽ giúp cả thai phụ và thai nhi có đủ dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và bé.

3. Mức độ cử động của thai nhi giảm sút rõ rệt

Chuyện gì đang xảy ra với em bé vốn đang rất “hiếu động” trong bụng mẹ bỗng trở nên ít cử động hơn hẳn, giống như hết năng lượng vậy. “Nếu thai nhi không cử động nhiều như trước, lý do có thể là bé không được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng từ nhau thai”, bác sĩ Bernstein cảnh báo. Nhưng làm sao bạn có thể phát hiện ra điều đó? Có một số cách giúp bạn xác định được em bé đang gặp một số vấn đề trong bụng mẹ. Đầu tiên, bạn uống một chút nước lạnh, hay ăn gì đó. Và nằm nghiêng để kiểm tra xem em bé có đang cử động không. Đếm số lần bé đạp vào bụng mẹ cũng là một cách, theo bác sĩ Nicole Ruddock. “Hiện chưa xác định được bao nhiêu lần cử động là tốt cho bé, nhưng nhìn chung, thai phụ nên lập sẵn một ranh giới và để ý xem em bé đang cử động nhiều hơn hay ít hơn bình thường. Thông thường, 10 cú đạp bụng mẹ trong vòng 2 giờ là bình thường. Nếu ít hơn, bạn nên hỏi bác sĩ để được kiểm tra rõ.

Bác sĩ Bernstein cũng khuyên thai phụ nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt trong trườnghợp này. Các bác sĩ có các thiết bị kiểm tra chuyên biệt để xác định xem em bé có đang cử động và phát triển bình thường hay không.

4. Các cơn co bóp diễn ra ở đầu giai đoạn 3

Các cơn co bóp có thể là dấu hiệu của sinh non. Nhưng đối với các sản phụ có con đầu lòng thường hay nhầm lẫn giữa co bóp thật và giả. Các cơn co bóp giả được gọi là cơn gò Braxton – Hicks. Chúng không diễn ra đều đặn, nhưng bất ngờ và không gia tăng cường độ. Các cơn co bóp giả sẽ giảm bớt trong vòng 1 giờ. Nhưng các cơn co bóp thật thường lặp lại trong vòng 10 phút hoặc ít hơn và sẽ tăng dần cường độ.

Tuy nhiên, vì sự an toàn của cả mẹ và bé là quan trọng hơn cả nên thai phụ đừng bao giờ chủ quan với các cơn co thắt. Ở giai đoạn 3 của thai kỳ, bất kỳ khi nào thấy xuất hiện các cơn có bóp hoặc chỉ có cảm giác như đang bị co bóp, thai phụ phải lập tức gọi cho bác sĩ. Nếu có biến chứng thì các bác sĩ cũng sẽ có hướng xử trí kịp thời cho thai phụ.

5. Ra nước ối khi mang thai

Thai phụ cảm giác có dòng chất lỏng chảy xuống hai chân như không có cảm giác buồn tiểu. “Điều này có thể là bạn đang bị ra nước ối khi mang thai”. Tuy nhiên, nước đó cũng có thể do tử cung quá lớn đè lên bàng quang của thai phụ, đây là hiện tượng tiết nước tiểu”. Bác sĩ Ruddock cho biết, đôi khi nước trào ra thành dòng, nhưng đôi khi, lượng nước tiết ra ít hơn. “Nếu thai phụ không xác định được chất lỏng đó là nước tiểu do bàng quang bị đè nén hay là do mình bị rò rỉ nước ối thì nên đi tiểu cho đến khi sạch bàng quang. Nếu nước vẫn chảy ra, thì thai phụ đang bị hiện tượng rò rỉ nước ối. Lúc này, thai phụ cần được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa sản.

6. Nhức đầu dai dẳng, đau bụng, rối loạn thị giác, phù nề trong suốt giai đoạn 3 của thai kỳ

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật. Đây là một biểu hiện nguy hiểm phát triển tìm tàng trong suốt quá trình mang thai và có thể dẫn đến hậu quả khó lường trước được. Hiện tượng này sinh ra bởi thai phụ bị cao huyết áp và dư thừa protein trong tử cung, thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ.

Bác sĩ Bernstein khuyên các thai phụ nên gọi cho bác sĩ ngay lập tức và phải kiểm tra huyết áp ngay khi có các biểu hiện trên. Khi thai phụ được chăm sóc sức khỏe tiền sản tốt sẽ giúp phát hiện và kiểm soát được chứng tiền sản giật sớm.

 
7. Các triệu chứng cúm

Phụ nữ mang thai thường dễ bị bệnh hơn phụ nữ không mang thai trong mùa dịch cúm. Lý do là hệ miễn dịch của cơ thể chịu nhiều áp lực hơn trong thời kỳ thai nghén. Đồng thời, phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm do bị cúm. Bác sĩ Bernstein cho rằng nhận biết các triệu chứng cúm là một điều cũng rất quan trọng, bao gồm: sốt, ho, viêm họng, sổ mũi, hắt hơi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Thai phụ không nên vội tới bệnh viện vì họ có thể lây bệnh cho các thai phụ khác. Theo bác sĩ, việc đầu tiên nên làm là gọi hỏi ý kiến bác sĩ trước. Ông cũng nói rằng, thai phụ nên nói chuyện với các bác sĩ chuyên khoa sản về loại vắcxin phòng chống cúm có thể dùng cho phụ nữ mang thai. Nếu trong trường hợp vắcxin bị thiếu khi đang có dịch cúm, thì thai phụ phải là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên tiêm vắcxin khi bị sốt trên 38.5oC. Vì vậy, khi bị sốt, thai phụ nên hỏi bác sĩ để được phân tích tình trạng sức khỏe và chữa trị kịp thời.

Ngày 24/03/2011
Ths.Bs.Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích