|
Giun đũa Ascaris lumbricoides |
Đừng xem thường bệnh ấu trùng giun đũa
Giun đũa Ascaris lumbricoides là loại giun phổ biến, chúng phân bố khá rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới. Giun trưởng thành gây nên những hậu quả nặng nề, ấu trùng giun cũng gây nên các tác hại nghiêm trọng mà con người ít khi để ý đến. Vì vậy cần quan tâm tới bệnh do ấu trùng giun đũa. Đặc điểm của ấu trùng giun đũa Khi người nuốt phải trứng giun đũa đã đến giai đoạn lây nhiễm, chất dịch tiêu hóa sẽ tác dụng lên vỏ trứng và giải phóng ra ấu trùng. Ấu trùng giun đũa chui qua thành ruột, vào hệ thống tuần hoàn, theo tĩnh mạch cửa lên gan; ở gan khoảng từ 3 đến 4 ngày rồi theo tĩnh mạch trên gan tới tĩnh mạch chủ vào tim phải. Từ tim phải, ấu trùng theo động mạch phổi vào phổi, chui qua thành mạch máu vào phế nang. Trong thời gian ở phổi, ấu trùng giun phát triển lớn dần, thoát vỏ hai lần; lần đầu sau 5 ngày, lần thứ hai từ ngày thứ 10 trở đi rồi phát triển nhanh tại phế nang, chúng có kích thước dài từ 1 đến 2 mm. Ấu trùng giun theo các phế quản lên khí quản, lên yết hầu rồi theo thực quản xuống ruột non cư trú ở đó, lột xác 4 lần và phát triển thành giun trưởng thành tại đây. Trong thời gian di cư, ấu trùng giun ăn máu. Trong quá trình di cư, ấu trùng giun có thể lạc chỗ qua các mao mạch phổi rồi về tim, qua vòng tuần hoàn lớn và có thể giữ lại ở các bộ phận, các mô của cơ thể như ở hạch bạch huyết, lách, não, tủy... Khi di cư, ấu trùng giun có thể gây nên những phản ứng dị ứng cấp tính hoặc có thể tập trung tại thận rồi vào nước tiểu. Đối với phụ nữ có thai, ấu trùng giun ít khi vượt qua được nhau thai để xâm nhập vào bào thai. Triệu chúng bệnh lý do ấu trùng giun đũa Thời gian ấu trùng giun di cư trong cơ thể, chúng có thể gây nên những tác tại nơi chúng cư trú. Khi tới phổi, chúng chui qua thành mạch máu vào phế nang sẽ làm chảy máu, đồng thời gây viêm các tổ chức nhỏ xuất huyết, gây ho, đau ngực, có thể ho ra đờm có vệt máu... Kèm theo đó là các triệu chứng dị ứng quá mẫn, nổi ban đỏ, sốt nhẹ, bạch cầu ái toan tăng cao. Trong thời kỳ này, ấu trùng giun gây nên hội chứng Loeffler có biểu hiện lâm sàng giống như bệnh lao như ho khan, đau ngực, bạch cầu ái toan tăng cao có thể tới 40% hoặc cao hơn; chụp phim X quang tim-phổi thấy có hình ảnh phổi bị thâm nhiễm giống như bệnh lao nhưng hình ảnh này tự biến mất đi sau từ 1 đến 2 tuần mà không cần can thiệp điều trị gì. Hội chứng Loeffler thường gặp trong cộng đồng người dân bị nhiễm giun đũa tái phát hoặc bị nhiễm bệnh theo mùa nhưng hiếm thấy ở những nơi có sự nhiễm giun đũa quanh năm. Biện pháp phòng, chống bệnh Giun đũa Ascaris lumbricoides chỉ có một vật chủ. Trứng giun đũa sau một thời gian ở ngoại cảnh đến giai đoạn lây nhiễm, chúng xâm nhập vào người qua đường tiêu hóa theo thức ăn, rau, quả, nước uống bị ô nhiễm... Trứng giun đũa thường hay gặp nhất ở các thực phẩm tươi sống, rau, hoa quả sống, các loại thực phẩm muối như dưa muối, hành muối... Ngoài ra, các thức ăn chín dính bụi mang trứng giun đũa, loài ruồi vận chuyển trứng giun đũa bu bám làm ô nhiễm thức ăn cũng có thể lây nhiễm. Phòng chống bệnh bằng nhiều biện pháp phối hợp như quản lý tốt nguồn phân thải với các loại hố xí hợp vệ sinh, không đi ngoài bừa bãi; thức ăn phải chế biến bảo đảm an toàn, che bụi, che ruồi; không nên ăn các loại rau sống, chưa nấu chín; giáo dục ý thức vệ sinh. Vệ sinh cá nhân là một yếu tố quan trọng để phòng bệnh có hiệu quả như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi ngoài, không ăn các loại thức ăn sống không bảo đảm vệ sinh, không uống nước lã... Một vấn đề cũng cần quan tâm kết hợp để giải quyết nguồn bệnh là nên điều trị tẩy giun định kỳ và tẩy giun hàng loạt.
|