Sử dụng phương pháp “soi gương” trong tập huấn, đào tạo
Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có hiệu quả, công tác tập huấn, đào tạo cho những người trực tiếp thực hành kỹ năng rất cần thiết. Phương pháp “soi gương” cần được các giảng viên nghiên cứu ứng dụng trong thiết kế bài học nhằm giúp cho học viên tiếp thu nội dung được tốt hơn, mang tính thực tiễn. Phương pháp “soi gương” còn gọi là “cái gương”, đây là một phương pháp giúp học viên rèn luyện kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng hay hành vi tương tác giữa con người với con người vì phương pháp này giúp học viên thấy được mình rõ hơn trong bối cảnh. Theo lý thuyết ô cửa sổ của Johari, mỗi người có 4 ô cửa: - Ô thứ nhất: phần công khai, nghĩa là mình biết, người khác biết; - Ô thứ hai: phần che dấu, nghĩa là mình biết nhưng người khác không biết; - Ô thứ ba: phần mù, nghĩa là người khác biết nhưng mình không biết; - Ô thứ tư: phần không biết, nghĩa là chưa ai biết. Phương pháp “cái gương” sẽ giúp học viên tự thấy được “phần mù” của mình thông qua phần thể hiện của người khác về chính học viên đó trong một bối cảnh cụ thể. Các bước thực hiện phương pháp như sau: Giả sử giảng viên muốn giúp học viên A rèn luyện một kỹ năng hoặc một hành vi cụ thể cần tiến hành 4 bước sau đây: Bước 1: trải nghiệm Thông thường, giảng viên chọn một thời điểm quan trọng nhất khi học viên A thực hiện công việc hoặc kỹ năng trong bước tiến hành để làm trọng tâm rèn luyện cụ thể một kỹ năng cho họ. Giảng viên có thể yêu cầu học viên A làm lại trước lớp nếu như phần thực hành đó cả lớp chưa được nhìn hoặc được nghe. Giảng viên đề nghị học viên A về chỗ. Giảng viên mời một học viên khác lên thực hiện lại kỹ năng hoặc hành vi đúng theo cách như học viên A đã làm. Giảng viên có thể mời 2 hoặc 3 học viên khác lên làm lại như học viên A. Bước 2: phân tích trải nghiệm Hỏi học viên A và những học viên khác nhận xét gì sau khi được nhìn người khác thể hiện lại về kỹ năng hoạc hành vi đó. Bước 3: khái quát hoá Hỏi học viên rút kinh nghiệm được điều gì? Điều nên thay đổi là gì? ... (dựa vào mục tiêu bài học để đưa ra câu hỏi phù hợp) Bước 4: áp dụng Giảng viên đề nghị một vài học viên khác lên thể hiện lại kỹ năng hoặc hành vi đó sau khi được rút kinh nghiệm. Học viên A tiếp tục quan sát. Đề nghị học viên A lên thể hiện lại kỹ năng hoặc hành vi sau khi được quan sát những người khác. Sau khi học viên A thể hiện xong, chúc mừng học viên đã hoàn thành và mời học viên khác góp ý.
|