Trường Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn tổ chức đợt Thực tế Tốt nghiệp cho học sinh Kỹ thuật viên trung cấp khóa 32 (2009 – 2011)
Được sự cho phép của lãnh đạo Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn; sự đồng ý phối kết hợp của lãnh đạo Trung tâm phòng chống Sốt rét-Bướu cổ tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Phú Yên; Trung tâm Y tế các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (Quảng Nam), Sơn Hòa và Sông Hinh (Phú Yên); trạm Y tế các xã và chính quyền các cấp; Khoa Đào tạo Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn đã tổ chức đợt thực tế tốt nghiệp cho học sinh khóa 32 của Trường Viện tại tỉnh Quảng Nam từ ngày 14 đến ngày 24 tháng 04 năm 2011 và Phú Yên từ ngày 04 đến ngày 19 tháng 05 năm năm 2011. Thực tế tốt nghiệp là một công việc hết sức quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo chuyên nghiệp. Thông qua thực tế, giúp học sinh, sinh viên (HSSV) có điều kiện thể hiện những kiến thức chuyên môn đã học được từ nhà trường vào môi trường thực tế và từ kết quả thu nhận được, giúp nhà trường có những đánh giá chính xác về khả năng tiếp thu những kiến thức chuyên môn đã lĩnh hội được của HSSV trong quá trình học tập tại nhà trường; từ đó Trường có biện pháp khắc phục những thiếu sót của HSSV nếu có cũng như giúp nhà trường hoàn thành chương trình học tập theo quy định của Nhà nước. Địa điểm được chọn thực tế lần này là tỉnh Quảng Nam và tỉnh Phú Yên -Tại tỉnh Quảng Nam, các xã được chọn là Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka thuộc huyện Bắc Trà My và Trà Dơn, Trà Tập của huyện Nam Trà My. Đây là các xã miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, nơi có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của người dân thấp, phần lớn là người đồng bào dân tộc ít người, trong đó dân tộc Cadong và Cor chiếm đa số. Các xã này thuộc vùng SRLH nặng, có sinh cảnh, thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt rét phát triển, có tỉ lệ KSTSR lưu hành cao, là vùng trọng điểm sốt rét của khu vực miền Trung – Tây nguyên và của cả nước, nhất là các xã thuộc huyện Nam Trà My. -Tại tỉnh Phú Yên, các xã được chọn là Ea Chà rang, Sơn Phước, Suối Trai, Krong Pa của huyện Sơn Hòa; Ea Ly, Ea Bar, Ea Bá, Ea Lâm của huyện Sông Hinh. Đây là các xã vùng cao của tỉnh Phú Yên thuộc vùng SRLH; giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, người dân đa số là dân tộc ít người, trong đó dân tộc Ê đê chiếm đa số; trình độ dân trí thấp; sinh cảnh, thời tiết tương đối thuận lợi cho vector truyền bệnh sốt rét phát triển. Tổ chức đoàn thực tế lần này, về phía nhà trường có ThS Nguyễn Văn Trung, trưởng Khoa Đào tạo cùng các thầy cô trong khoa; Trung tâm PCSR-Bướu cổ tỉnh Quảng Nam có 05 cán bộ, Trung tâm Y tế Dự phòng Phú Yên có 02 cán bộ; cùng cán bộ Y tế các xã, thôn được chọn điều tra và đoàn học sinh có 80 em (23 nam và 57 nữ), được chia làm 08 nhóm khác nhau. Nhiệm vụ được giao cho các đoàn gồm: - Điều tra dịch tễ sốt rét: Khám bệnh, cấp thuốc và điều trị cho những người dân có KSTSR; khám phát hiện lách sưng, lấy lam máu xét nghiệm tìm KSTSR cho người dân; làm tiêu bản KSTSR; xác định các chỉ số: cơ cấu, phân bố, mật độ KSTSR, lách sưng. - Điều tra Côn trùng Sốt rét: Theo các phương pháp cuả WHO và của Viện sốt rét Hà Nội gồm: Mồi người trong và ngoài nhà đêm, soi muỗi trong nhà đêm và ngày, soi muỗi chuồng gia súc; ngoài ra còn có treo bẫy đèn (CDC light trap) để thu thập muỗi truyền bệnh sốt rét. Nhằm: xác định thành phần loài Anopheles tại khu vực điều tra; xác định các chỉ số về côn trùng; làm tiêu bản muỗi. Bên cạnh đó, ở mỗi khu vực điều tra, tiến hành bắt bọ gậy ở tất cả các loại thủy vực, mỗi loại thuỷ vực múc 100 bát, nếu ổ bọ gậy nhỏ bắt tất cả các bọ gậy trong ổ; tính các chỉ số và làm tiêu bản. - Công tác Truyền thông Giáo dục sức khỏe về phòng chống sốt rét: truyền thông trực tiếp; thăm hộ gia đình; tính các chỉ số: số lần, số lượng người được truyền thông. - Tẩm màn, phun hóa chất diệt muỗi thực tế: Chọn một số màn, một số nhà để tẩm và phun hóa chất diệt muỗi sốt rét. | Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh hướng dẫn phun tồn lưu nhà ở và tẩm màn hóa chất diệt muỗi cho học sinh |
Kết quả công việc đã làm được: Tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam: Về dịch tễ, đoàn đã tiến hành khám, phát thuốc và lấy lam màu cho 935 người. Qua khám, đoàn chưa phát hiện BNSR và lách sưng; qua soi toàn bộ số lam trên, chưa phát hiện KSTSR nào. Về côn trùng, đoàn đã điều tra được 14 loài Anopheles (có 9 loài muỗi trưởng thành và 9 loài bọ gậy), trong đó có vector truyền bệnh sốt rét chính là An.minimus nhưng số lượng và tỉ lệ rất thấp (tỉ lệ 0,71%) và một số vector phụ: An.aconitus, An.maculatus, An.jeyporiensis. Về truyền thông PCSR, đoàn đã truyền thông trực tiếp 4.100 lượt người, phát 600 tờ rơi về phòng chống bệnh sốt rét cho người dân ở các thôn điều tra. Ngoài ra, đoàn còn tiến hành tẩm hóa chất diệt muỗi trên 200 màn cho người dân và làm tiêu bản muỗi, bọ gậy đã thu thập được trong quá trình điều tra. Tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam:Về dịch tễ, đoàn đã tiến hành khám, phát thuốc và lấy 582 lam máu. Qua khám, đoàn phát hiện có 25 BNSR, chiếm tỉ lệ 4,30%; 02 lách sưng, chiếm tỉ lệ 0,34%; 06 KSTSR, chiếm tỉ lệ 1,03%, trong đó có 01 P.falciparum (tỉ lệ 16,67%) và 05 P.vivax (tỉ lệ 83,33%). Về côn trùng, đoàn đã điều tra được 13 loài Anopheles (có 12 loài muỗi và 5 loài bọ gậy), ở đây đã thu thập được vector truyền bệnh sốt rét chính là An.minimus ở cả muỗi trưởng thành và bọ gậy nhưng tỉ lệ thấp (2,07 và 3,63) và một số vector phụ: An.aconitus, An. maculatus, An.jeyporiensis, đã tiến hành làm tiêu bản muỗi và bọ gậy thu thập được. Đoàn đã truyền thông PCSR trực tiếp cho 515 lượt người, thăm 82 hộ gia đình; số người trên mànthực tế tại các xã điều tra từ 1,7 - 3,0 người/màn, tỉ lệ ngủ màn thực tế từ 60% - 83%. Tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên: Về dịch tễ, đoàn đã tiến hành khám, phát thuốc và lấy lam máu cho 747 người dân. Qua khám và soi toàn bộ số lam máu trên, đoàn chưa phát hiện BNSR, lách sưng và KSTSR dương tính nào. Về Côn trùng, đoàn đã điều tra được 10 loài Anopheles (có 9 loài muỗi trưởng thành và 4 loài bọ gậy), ở đây chưa thu thập được vector truyền bệnh sốt rét chính của khu vực, chỉ thu thập được một số vector phụ: An.aconitus, An.jeyporiensis. Về truyền thông PCSR, đoàn đã tiến hành truyền thông trực tiếp cho 1.460 lượt người, thăm 159 hộ gia đình; tỉ lên người dân ngủ màn tại các xã điều tra từ 76,85% đến 91,55%; tỉ lệ người/màn từ 1,54 đến 2,02 người/màn. Tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên: Về dịch tễ, đoàn đã tiến hành khám, phát thuốc và lấy lam máu cho 892 người dân. Qua khám và soi toàn bộ số lam máu trên, đoàn phát hiện 03 BNSR, chiếm tỉ lệ 0,34%; 02 KSTSR dương tính, chiếm tỉ lệ 0,22% (01 P.falciparum và 01 P.vivax). Về côn trùng, đoàn đã điều tra được 09 loài Anopheles (có 08 loài muỗi và 06 loài bọ gậy), ở đây đã thu thập được vector truyền bệnh sốt rét chính là An.minimus ở muỗi trưởng thành nhưng tỉ lệ thấp và một số vector phụ: An.aconitus, An. maculatus, đã tiến hành làm tiêu bản muỗi và bọ gậy thu thập được. Đoàn đã truyền thông PCSR trực tiếp cho 1.265 lượt người, thăm 209 hộ gia đình; số người trên mànthực tế tại các xã điều tra từ 1,79 - 2,85 người/màn, tỉ lệ ngủ màn thực tế từ 70%-80%. | Triển khai khám bệnh, phát thuốc cho bà con. |
Kết luận và kiến nghị Từ những công việc đã thu thập được, đoàn đã có một số kết luận và kiến nghị với địa phương như sau: - Các yếu tố địa hình, thời tiết, dân tộc, trình độ dân trí, cấu trúc nhà cửa, …tạo điều kiện thuận lợi cho vector truyền bệnh sốt rét phát triển, bệnh sốt rét có điều kiện lưu hành và gây khó khăn cho việc triển khai phòng chống bệnh SR cho người dân, nhất là tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Sơn Hòa (Phú Yên). - Tỉ lệ KSTSR dương tính qua điều tra thấp, chỉ phát hiện ở các xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Sơn Hòa (Phú Yên), nơi có điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt rét và KSTSR phát triển. -Cơ cấu KSTSR: tại Trà My (Quảng Nam) có tỉ lệ P.falciparum thấp hơn P.vivax (16,67/83,33); tại Sơn Hòa (Phú Yên) có tỉ lệ P.falciparum ngang bằng P.vivax (50/50). - Đã thu thập được 16 loài Anopheles tại Quảng Nam (Bắc Trà My có 14 loài, Nam Trà My có 13 loài); 13 loài Anopheles tại Phú Yên (Sơn Hòa có 09 loài, Sông Hinh có 10 loài). Đã thu thập được vector truyền bệnh sốt rét chính là An.minimus nhưng mật độ thấp và các vector phụ: An.aconitus, An.jeyporiensis, An. maculatus. - Tỉ lệ người/màn thực tế qua điều tra là 1,54 – 3 người/màn; tỉ lệ người dân ngủ màn từ 60 – 91,55%. | Điều tra bọ gậy tại Sông Hinh | Đề nghị:
- Tăng cường công tác giám sát dịch tễ và côn trùng sốt rét nhằm có biện pháp thích hợp và kịp thời cho việc phòng chống bệnh sốt rét, nhất là tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Sơn Hòa (Phú Yên). - Tăng cường công tác truyền thông về phòng chống bệnh sốt rét cho người dân. - Tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là cán bộ thôn bản có thể đáp ứng nhiệm vụ được giao. - Có phương thức phối kết hợp hữu hiệu giữa ngành y tế với các ban ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền trong công tác phòng chống bệnh tật cho nhân dân.
|