|
Học anh ngữ trực tuyến giúp bạn nói chuyện với người nước ngoài ngay tại nhà. |
Biết kiểu học của học viên để đào tạo, tập huấn hiệu quả
Để nâng cao chất lượng công tác ở cơ sở, hiện nay các lớp đào tạo, tập huấn cho học viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được tổ chức khá phổ biến và rộng rãi. Muốn các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn đạt được kết quả và mục tiêu mong muốn; người giảng viên cần phải biết các kiểu học của học viên nhằm thực hiện việc giảng dạy hiệu quả. Thế nào gọi là kiểu học? Kiểu học là cách thức của người học viên tiếp thu, lĩnh hội, có sự tương tác và đáp lại môi trường học tập. Các yếu tố chính để tạo nên kiểu học là sự nhận thức, tâm tư, tình cảm, sinh lý học... Tất cả những điều này có thể bị ảnh hưởng bởi nền tảng văn hóa, học lực của người học viên. Kiểu học là cách thức khác nhau của mỗi người có thể học. Thông thường, nhiều người tin rằng họ có thể thích học theo một cách nào đó để có thể học được tốt theo cách như vậy. Có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về các kiểu học khác nhau. Một số các kiểu học của học viên được phân loại tùy theo nhận thức và theo tri giác của mỗi người. Phân loại kiểu học theo nhận thức Tiến sĩ Kolb của Mỹ đã đưa ra lý thuyết về việc học qua trải nghiệm đã cho rằng bản chất việc học của học viên bao gồm 4 yếu tố được sắp xếp theo trình tự như sau: - Sự kiện chúng ta đã trải qua: đó là cái cụ thể, là trải nghiệm. - Việc trải nghiệm sẽ dẫn đến việc phản ánh lại và thu thập thông tin: đó là sự phản ánh, sự phân tích. - Việc phân tích thông tin giúp phát triển ý tưởng: đó là sự trừu tượng, rút ra được các bài học hoặc những khái quát. - Từ việc khái quát hóa sẽ giúp cho việc hành động, tạo ra được những sự kiện mới: đó là các hoạt động, các ứng dụng. Dựa vào lý thuyết của Kolb’s về học trải nghiệm, nhà khoa học Honey và Mumford đã đưa ra 4 kiểu học sau đây và đã được áp dụng rộng rãi trong việc đào tạo, tập huấn cũng như quản lý giáo dục: - Kiểu học hoạt động: là kiểu học của người thích trải nghiệm. - Kiểu học phản ánh: là kiểu học của người thích nghiên cứu dữ liệu và xem xét, kiểm chứng lại thông tin. - Kiểu học lý thuyết: là kiểu học của người thích đưa ra câu trả lời, sự kết luận. - Kiểu học thực tiễn: là kiểu học của người thích những nội dung mang tính thực tiễn, thích lập kế hoạch. | Ảnh minh hoạ | Cách học hiệu quả đối với từng kiểu học theo nhận thức
- Kiểu học hoạt động: Học viên sẽ học tốt nhất khi họ được làm việc hoặc thực hành, khi được tiếp cận với những trải nghiệm mới hoặc những vấn đề mới; khi được làm việc với những người khác để giải quyết một vấn đề, một công việc... Học viên sẽ học kém nhất khi họ phải nghe giải thích dài dòng, phải tiếp thu nhiều dữ liệu, nhiều thông tin; phải tuân thủ những chỉ dẫn hoặc quá trình học tập; phải tự đọc và tự viết nhiều... Giảng dạy cho những học viên có kiểu học này, giảng viên nên sử dụng các phương pháp bao gồm những hoạt động như động não, giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm, sắm vai; cuộc thi giữa các nhóm học hoặc cá nhân người học... - Kiểu học phản ánh: Học viên sẽ học tốt nhất khi họ được quan sát, xem xét và suy nghĩ về những điều hoặc vấn đề vừa xảy ra. Học viên sẽ học kém nhất khi họ bị thúc dục, phải làm người lãnh đạo... Giảng dạy cho những đối tượng học viên có kiểu học này, giảng viên nên sử dụng các phương pháp bao gồm những hoạt động như quan sát, thảo luận theo dõi, phiếu hỏi, phỏng vấn, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật khác... - Kiểu học lý thuyết: Học viên sẽ học tốt nhất khi họ được nghiên cứu lý thuyết, mô hình, ý tưởng, câu chuyện; được hỏi nhiều, được tham gia vào việc phân tích và tổng hợp... Học viên sẽ học kém nhất khi họ có các hoạt động không được hướng dẫn rõ ràng, không có nguyên tắc rõ ràng trong học tập... Giảng dạy cho những đối tượng học viên có kiểu học này, giảng viên nên đưa ra các thông tin về mô hình, kiến thức nền cơ bản, đưa ra bài tập đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp... - Kiểu học thực tiễn: Học viên sẽ học tốt nhất khi họ được áp dụng những thông tin mới hoặc những điều đã học vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn... Học viên sẽ học kém nhất khi họ phải học lý thuyết nhiều, không thấy lợi ích trước mắt của việc học tập... Giảng dạy cho những đối tượng học viên có kiểu học này, giảng viên nên đưa ra nhiều tình huống nghiên cứu mang tính thực tiễn, tổ chức thảo luận, giải quyết các vấn đề, đi thực tế thực địa... Phân loại kiểu học theo tri giác và cách học hiệu quả Theo nhà khoa học Neil Fleming ở đại học Lincoln University, New Zealand, phân loại kiểu học theo tri giác bao gồm: - Kiểu học hình ảnh: học viên sẽ học tốt nhất thông qua tranh ảnh, đồ thị, tài liệu minh họa, video, sử dụng các loại màu sắc khác nhau... - Kiểu học lời nói: học viên sẽ học tốt nhất thông qua việc lắng nghe như nghe băng đĩa, đài phát thanh, truyền thanh; bài thuyết trình... - Kiểu học qua đọc hoặc viết: học viên sẽ học tốt nhất thông qua việc đọc và viết, làm việc với các tài liệu... - Kiểu học vận động và xúc giác: học viên sẽ học tốt nhất thông qua trải nghiệm, các hoạt động, khám phá... | Ảnh minh hoạ | Phân loại kiểu học của nhà khoa học Gardner
Tiến sĩ Howard Gardner của Mỹ đã đưa ra 7 loại hình thông minh. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu hàng loạt các lĩnh vực có liên quan như nhân loại học, tâm lý học nhận thức, tâm lý học phát triển, phân tích tâm lý, sinh lý học về động vật, giải phẫu về thần kinh học... Theo nhà khoa học này, mỗi người đều có những điểm mạnh, những điểm yếu trong 7 loại hình thông minh. Trong mỗi cá nhân thường đều có kết hợp một số các loại hình thông minh, đây cũng là một cách để nhìn nhận kiểu học của từng cá nhân. Quan điểm này sẽ giúp người giảng viên nhận thấy một sự thật là mọi học viên đều có tài năng trong ít nhất một lĩnh vực nào đó. Điều quan trọng nhất là người giảng viên phải biết cách khám phá và phát huy tối đa tài năng đó. Bảy loại hình thông minh bao gồm các loại hình như hình ảnh và không gian, âm thanh, ngôn ngữ, vận động cơ thể, lôgic, tương tác cá nhân và khám phá nội tâm. Mỗi loại hình thông minh có một kiểu học khác nhau. 1. Kiểu học bằng hình ảnh và không gian Học viên có kiểu học này thường được học qua phương pháp nhìn tranh ảnh, xem video, hình minh họa. Học viên học bằng hình ảnh thường thích ngồi ở phía trên lớp học để nhìn và quan sát mọi vấn đề cho rõ. 2. Kiểu học bằng âm thanh Học viên có xu hướng học bằng âm thanh thường học thông qua việc lắng nghe người khác và được nói ra các ý tưởng của mình. Người có kiểu học này thường thích lắng nghe đĩa CD, đài và thường đọc to nội dung cần học. Học viên thích kiểu học bằng âm thanh thường có năng khiếu về âm nhạc. 3. Kiểu học thông qua ngôn ngữ Học viên có kiểu học này thường thích sử dụng từ ngữ trong nói và viết. Họ có thể là người nói nhiều và sẽ học rất tốt nếu như có cơ hội được làm những bài tập dạng viết hoặc những bài tập đòi hỏi việc thảo luận. 4. Kiểu học thông qua vận động Học viên có kiểu học vận động thường học thông qua việc làm. Họ thường thích những hoạt động chân tay, rất khó ngồi yên một chỗ; cần vận động, khám phá trong quá trình học tập. Học viên cũng được học thông qua việc liên hệ với môi trường ở chung quanh. Các hoạt động dã ngoại, đi thực địa hoặc những bài tập mang tính chất khám phá, phương pháp làm mẫu... rất phù hợp với học viên có kiểu học này. 5. Kiểu học lôgic Học viên có kiểu học lôgic thích các thông tin được đưa ra có hệ thống và theo từng bước thứ tự. Họ thích phân tích, phân loại thông tin, xếp nhóm thông tin và thường rất giỏi trong việc giải quyết các vấn đề, cách tính toán. 6. Kiểu học tương tác giữa các cá nhân Học viên có kiểu học tương tác giữa các cá nhân là những người có khả năng ngoại giao. Họ thường dễ dàng xây dựng mối quan hệ với những người khác, có khả năng hiểu được cảm xúc và động lực của người khác. Học viên này là người giữ được mối hòa khí rất tốt trong nhóm học viên và cũng là người có khả năng giao tiếp rất tốt và sẽ học tập tốt khi sinh hoạt trong môi trường làm việc theo đội, theo nhóm, theo tổ... 7. Kiểu học khám phá nội tâm Học viên có kiểu học khám phá nội tâm là những người thích học tập độc lập. Họ có khả năng rất giỏi trong việc đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; có khả năng phân tích năng lực của bản thân và vai trò của họ ở trong nhóm học viên hoặc ở trong những tình huống... Khuyến nghị Hiện nay, để bảo đảm các hoạt động chuyên môn ở các cơ sở; công tác tập huấn, đào tạo, đào tạo lại kỹ năng, nghiệp vụ cho những đối tượng học viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được tổ chức thường xuyên, liên tục tại các địa phương. Muốn tất cả các lớp học đều đạt được kết quả theo mục tiêu đề ra, ngoài việc bảo đảm công tác hậu cần, giảng viên cũng cần am hiểu về tình hình của từng lớp học, kiểu học của từng học viên để xây dựng, thiết kế bài giảng và sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng kiểu học. Hàng năm, kinh phí được đầu tư cho việc tổ chức các lớp học, các khóa đào tạo, tập huấn ở cơ sở là khá nhiều; vì vậy cần quan tâm đến chất lượng học tập của học viên và năng lực giảng dạy của giảng viên thông qua những vấn đề cần thiết, trong đó có các kiểu học.
|