|
Phương pháp tạo dựng tình huống trên lớp sẽ tạo cơ hội cho nhiều học viên được thực hành kỹ năng ngay trên lớp học ở trong một bối cảnh cụ thể. (Ảnh st) |
Đào tạo, tập huấn hiệu quả theo phương pháp tạo dựng tình huống trên lớp
Trong công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho học viên; người giảng viên có thể sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Phương pháp tạo dựng tình huống trên lớp còn gọi là phương pháp mô phỏng tình huống; đây là một phương pháp rất mạnh mẽ để rèn luyện kỹ năng hoặc hành vi của học viên, đặc biệt là những kỹ năng hoặc hành vi tương tác giữa con người với con người. Phương pháp tạo dựng tình huống trên lớp còn có thể rèn luyện cho học viên kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề và phát huy tính sáng tạo. Phương pháp này hoàn toàn khác hẳn với những phương pháp khác như thảo luận nhóm, nghiên cứu tình huống, động não, sử dụng thẻ giấy... Đây là các phương pháp chủ yếu để học viên học về kiến thức hoặc cách làm nhưng chưa được thể hiện kỹ năng. Phương pháp tạo dựng tình huống trên lớp sẽ tạo cơ hội cho nhiều học viên được thực hành kỹ năng ngay trên lớp học ở trong một bối cảnh cụ thể. Phương pháp tạo dựng tình huống trên lớp được tiến hành qua 5 bước: chọn tình huống, tạo dựng tình huống, phân tích tình huống, khái quát hóa và áp dụng. Bước 1: Chọn tình huống Để thực hiện được phương pháp giảng dạy tạo dựng tình huống trên lớp, giảng viên cần khai thác những tình huống có thật mà học viên gặp phải trong thực tế ở trong lĩnh vực của bài học. Sau đó lựa chọn tình huống được nhiều người quan tâm nhất để tạo dựng lại tình huống đó trên lớp học. Giảng viên cũng cần chuẩn bị một vài tình huống khó trong thực tế để cho học viên tạo dựng trên lớp học trong trường hợp học viên không đưa ra được tình huống khó nào. Bước 2: Tạo dựng tình huống trên lớp Tạo dựng tình huống trên lớp còn gọi là trải nghiệm. Giảng viên yêu cầu học viên biết rõ tình huống và mô tả thật kỹ tình huống. Giảng viên vừa nghe học viên mô tả, vừa yêu cầu học viên đó cùng mình tạo dựng lại tình huống ngay trên lớp. Việc tạo dựng càng giống thật càng tốt như về lời nói, việc làm, bối cảnh xảy ra tình huống... để giúp cả lớp học trải nghiệm rõ nhất tình huống. Ví dụ một tình huống: “Hôm đó có 1 nữ khách hàng mang đơn thuốc kháng sinh của một bệnh nhân khác đến nhà thuốc của tôi. Chị ấy nói rằng một người bạn của chị ấy đã uống và thấy tốt nên chị ấy muốn mua để sử dụng. Tôi khuyên chị ấy đi khám bệnh để có đơn thuốc phù hợp nhưng chị ấy không chịu nghe và còn nói rằng nếu tôi không bán thì chị ấy sẽ tới nhà thuốc khác để mua thuốc chứ không đi khám bệnh.”. Giảng viên đề nghị học viên chọn 1 người trong lớp vào vai nữ khách hàng và cả hai người cùng thể hiện tình huống như học viên đã mô tả. Bước 3: Phân tích tình huống Giảng viên sử dụng các câu hỏi như: Cái gì? Là gì? Nói gì? Làm gì? Tại sao? ... để thu thập những nội dung được khai thác từ học viên qua câu hỏi trước tình huống được tạo dựng trên lớp học. Trong tình huống ví dụ ở trên, giảng viên có thể hỏi tất cả học viên các câu hỏi như: - Nhân viên nhà thuốc đã làm gì hoặc nói gì để thuyết phục người nữ khách hàng đi khám bệnh? - Tại sao nhân viên nhà thuốc không thuyết phục được người nữ khách hàng đi khám bệnh? Bước 4: Khái quát hóa Khái quát hóa còn gọi là rút ra bài học. Giảng viên cũng sử dụng các câu hỏi như: Cái gì? Nói gì? Làm gì? Như thế nào? ... để có thể hỏi tất cả học viên nhằm thu thập những nội dung được khai thác qua câu hỏi trước tình huống trên. Trong tình huống ví dụ ở trên, giảng viên có thể hỏi tất cả học viên câu hỏi như: - Trong trường hợp này, nhân viên nhà thuốc nên làm gì hoặc nói như thế nào để thuyết phục khách hàng đi khám bệnh? Bước 5: Áp dụng Trong tình huống được ví dụ ở trên, giảng viên mời một vài học viên lên lớp áp dụng bài học bằng cách vào vai nhân viên nhà thuốc. Cần khuyến khích nhiều học viên lên lớp thể hiện để các học viên khác tham khảo và lựa chọn cách xử lý tình huống phù hợp nhất cho mình. Với tình huống ví dụ được tạo dựng này, giảng viên cùng học viên có thể thống nhất, đưa ra một vài cách xử lý. Nhân viên nhà thuốc giải thích cho nữ khách hàng: - Chị không nên tự ý mua thuốc theo đơn thuốc của người khác vì bệnh lý mỗi người một khác nhau, cơ thể mỗi người đáp ứng với các loại thuốc kháng sinh khác nhau và chỉ có bác sĩ mới có thể quyết định loại thuốc kháng sinh phù hợp đối với từng bệnh nhân. Vì vậy chị nên đi khám bệnh để có đơn thuốc phù hợp. - Đơn thuốc này có thể không phù hợp với chị. Chị nên đi khám bệnh để có đơn thuốc phủ hợp... Nếu tôi bán thuốc kháng sinh theo đơn này cho chị, tôi sẽ có lợi nhuận nhưng tôi không bán vì tôi không muốn chị mất tiền mua thuốc mà không mang lại hiệu quả trong điều trị. Tôi biết rằng nếu tôi không bán thuốc kháng sinh cho chị thì chị cũng có thể mua thuốc kháng sinh ở các nhà thuốc khác nhưng tôi vẫn không bán đó là vì sức khỏe của chị. Mong chị hiểu cho và tôi hy vọng rằng với sự tư vấn nhiệt tình, có trách nhiệm của tôi hôm nay thì chị sẽ trở lại nhà thuốc của tôi khi cần mua thuốc trong tương lai. Sau đó hỏi học viên trong vai nữ khách hàng thích cách xử lý nào? Tại sao? Cuối cùng, mời học viên nêu ra tình huống ban đầu lựa chọn và giải thích cách xử lý mà người học viên đó thấy phù hợp nhất. Khuyến nghị Phương pháp tạo dựng tình huống trên lớp hoặc phương pháp mô phỏng tình huống là một phương pháp giảng dạy có nhiều ưu điểm để giúp cho học viên rèn luyện kỹ năng thực hành mang tính thực tiễn. Mặc dù phương pháp này khó thực hiện nhưng nếu giảng viên có sự chuẩn bị bài giảng tốt và vận động được học viên cùng tham gia tích cực học tập sẽ mang lại hiệu quả cao. Trên đây là một tình huống ví dụ để liên hệ theo 5 bước tiến hành khi thực hiện phương pháp giảng dạy tạo dựng tình huống trên lớp, trong thực tế có biết bao nhiêu tình huống khác cũng mang tính thực tiễn của nhiều lĩnh vực khác nhau mà giảng viên cần phải xem xét, vận dụng để tạo dựng tình huống trên lớp khi tham gia giảng dạy.
|