Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 2 1 6 9
Số người đang truy cập
3 2 8
 Chuyên đề Ký sinh trùng
Các bệnh truyền từ động vật sang người-nguy cơ và thách thức

50 triệu người trên thế giới mắc bệnh từ động vật; 3/4 loại bệnh bắt nguồn từ động vật; 14 loại bệnh chính mà con người mắc phải từ động vật; Bảo tồn động vật để tránh lây nhiễm bệnh dịch; Tiềm ẩn lây bệnh từ động vật hoang dã; Bệnh từ động vật ngày càng dễ lây sang người; Cảnh giác với các bệnh từ động vật truyền sang người

50 triệu người trên thế giới mắc bệnh từ động vật

Một nghiên cứu mới đây cho thấy từ năm 2000 đến 2005, có khoảng 50 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh từ gia súc và muỗi, trong đó có 78.000 người thiệt mạng.

Qua theo dõi các nghiên cứu trong quá khứ, nhà virus học Jonathan Heeney tại Trung tâm nghiên cứu động vật linh trưởng tại Hà Lan phát hiện các bệnh lây từ động vật sang người đang có chiều hướng gia tăng, trong đó có Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS), bệnh do virus West-Nile, virus Ebola… Những “sát thủ” trong nhóm bệnh lây từ động vật sang người từ năm 2000-2005 gồm có: bệnh dại (làm khoảng 30.000 người thiệt mạng), virus Dengue (làm 50 triệu người nhiễm bệnh, giết chết khoảng 25.000 người), virus gây viêm não Nhật Bản (giết chết 15.000 người), sốt Lassa (giết chết khoảng 5.000 người và gây ảnh hưởng đến 300.000 người), virus gây SARS (giết chết 774 người).

Theo các chuyên gia, bệnh dại lây từ các động vật như chó, mèo, dơi và ngựa. Virus Dengue và virus gây viêm não Nhật Bản lây qua muỗi. Sốt Lassa lây qua một loài chuột, còn vật chủ của virus gây SARS hiện vẫn chưa được xác định. 

Hiện chưa có loại vaccine hữu hiệu nào cho một số bệnh do virus lây từ động vật sang người. Theo Heeney, các bác sĩ và các chuyên gia thú y nên hợp tác với nhau để giải quyết mối đe dọa toàn cầu đang ngày càng tăng này. Trong số các virus lây từ động vật sang người, virus cúm gia cầm H5N1 hiện là mối quan tâm số 1 do khả năng lây từ gà sang các loài chim khác và sang người, và do virus này có thể biến thể thành một dạng mới có thể dễ dàng lây từ người sang người. Các thống kê cho thấy virus này đã giết chết một nửa trong số 145 người nhiễm bệnh.

 
3/4 loại bệnh bắt nguồn từ động vật

Do sống trong môi trường hoang dã nên các loài động vật hoang dã thường có xu hướng mang trong mình nhiều loại ký sinh trùng gây hại, dễ lây lan cho người. TS Phạm Trọng Ảnh, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, không chỉ động vật hoang dã mà ngay cả các loài động vật nuôi cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cho người. Đối với động vật hoang dã, nguy cơ này cao hơn. Dùng động vật hoang dã làm thức ăn, thuốc cổ truyền và nhân nuôi để tiêu thụ khiến bệnh dịch lây truyền giữa người, động vật hoang dã và vật nuôi.

Theo một nghiên cứu mà các nhà khoa học đã công bố, 3/4 bệnh dịch ở người bắt nguồn từ động vật. Ví dụ như virus bệnh viêm não Nhật Bản được truyền bởi tác nhân là muỗi. Lợn và chim chính là ổ chứa và là nguồn bệnh. Bệnh dại cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người phổ biến ở nước ta. Nước bọt mang virus của các súc vật bị dại lây sang vật chủ qua vết cắn hoặc vết cào. Ngoài ra, còn các bệnh truyền nhiễm khác như dịch hạch, bệnh than, liên cầu lợn ở người...

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật Việt Nam phân tích, về lý thuyết, đúng là động vật hoang dã cũng có mầm bệnh và có chứa các ký sinh trùng gây bệnh. Trên thân các loài khỉ, mèo rừng có chứa các ký sinh trùng như ve, bọ chét. Các loài ký sinh trùng này có thể truyền sang vật nuôi hoặc thậm chí là có thể truyền sang cả người. Gây nuôi động vật hoang dã, nhất là buôn bán quốc tế, là một trong những tác nhân lây lan bệnh dịch từ nguồn gốc hoang dã sang động vật nuôi và người do có sự thay đổi nhanh chóng và đa dạng của vật chủ.

Theo ông Phạm Quang Tùng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động thực vật hoang dã, cũng giống như con người, các động vật nuôi, các động vật hoang dã cũng có "bệnh" và có thể truyền bệnh, ví dụ loài chồn có thể gây bệnh dịch hạch, bệnh về đường hô hấp...

Không quá nguy hiểm

Không chỉ có các loài hoang dã mà động vật nuôi trong nhà cũng tiềm ẩn những nguy cơ mang theo mầm bệnh. GS Võ Quý, chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cảnh báo, chuột, ruồi nhặng, muỗi, chim... có thể mang theo những ký sinh, chấy rận, mầm bệnh dễ lây lan. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, từng mùa, từng loại bệnh mà lây lan hoặc không.

Động vật hoang dã thường khỏe mạnh, sống trong môi trường tự nhiên nên có thể trong cơ thể chúng dễ có những mầm bệnh. Tuy nhiên, cũng không nên quá sợ chúng mà phải có cách bảo vệ hợp lý. Chỉ khi nào có cảnh báo chính thức của các nhà khoa học về từng loài thì mới phải cân nhắc việc lây bệnh từ các loài này.

"Về mặt lý thuyết là có. Nhưng thực tế, chưa có trường hợp cụ thể nào cho thấy động vật hoang dã truyền bệnh gây chết người. Không phải chỉ có động vật hoang dã mới có ký sinh trùng, mà ngay cả động vật nuôi cũng có, như chó, mèo, bò, ngựa cũng có bộ chét, ve... Trong khi đó, con người tiếp xúc với vật nuôi còn thường xuyên và gần gũi hơn so với tiếp xúc với động vật hoang dã, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ vật nuôi còn cao hơn là với động vật hoang dã", ông Phạm Quang Tùng nói.

Do sống trong tự nhiên, nên tỷ lệ các ký sinh trùng bám trên thân động vật hoang dã nhiều hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các loài động vật hoang dã có khả năng chống chọi bệnh tật cao hơn các vật nuôi. Trong quá trình nhân nuôi, các nhà khoa học đã phát hiện khả năng miễn nhiễm bệnh dịch ở lợn rừng cao hơn với lợn thường...

GS.TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng, có những loài động vật lớn như voi, hươu, nai, lợn rừng, bò rừng có ảnh hưởng và "quan hệ" gần gũi với động vật nuôi. Nhiều khi ở một số nơi, bà con dân tộc thả trâu bò vào rừng, nhưng khi quay trở lại, những trâu bò này hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu lây nhiễm bệnh tật từ thú rừng.

14 loại bệnh chính mà con người mắc phải từ động vật:

1. AIDS: Con người mắc phải virút HIV từ những loài vượn dạng người sống ở Trung Phi. Hiện đã có gần 24 triệu người chết vì bệnh này.

2. Bệnh viêm phổi cấp: Con người có thể đã lây bệnh này từ loài cầy hương. Dịch bệnh đã đánh vào hàng nghìn người, hàng trăm người trong số đó đã chết.

3. Bệnh sốt Dengue: Tác nhân gây bệnh này là muỗi. Những đợt dịch đầu tiên đã bùng phát vào những năm 1950 ở Thái Lan và Philippin. Trong những năm 1970 dịch đã lan sang 9 nước. Hiện nay dịch lẻ tẻ nổ ra ở 100 nước.

4. Sốt Ebola: Có giả thuyết cho rằng con người bị nhiễm loại virút này từ vượn dạng người. Tác nhân gây bệnh được truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với máu và bài tiết của người bệnh. Trong những năm 1970, Bệnh Ebola nổ ra ở Xuđăng cướp đi sinh mạng của 90% số người bị nhiễm.

5. Bệnh sốt vàng: Con người lây virút gây bệnh này từ vượn dạng người ở Trung Phi. Muỗi là vật truyền bệnh. Những ca bệnh sốt vàng đầu tiên đã có gần 400 năm trước. Loại vắcxin chống bệnh sốt vàng đã điều chế từ 60 năm nay.

6. Bệnh sốt tây sông Nil: Con người bị nhiễm virút gây bệnh này từ chim và thông qua muỗi. Bệnh sốt này nguy hiểm từ chỗ tỷ lệ tử vong cao. Những trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận không chỉ ở riêng châu Phi mà cả ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ.

7. Bệnh sốt rét: Tác nhân gây bệnh sốt rét truyền cho con người khi bị muỗi anôphen đốt. Mỗi năm có gần 300 triệu người mắc bệnh, một triệu người trong số đó bị chết.

8. Bệnh Laima: Con người nhiễm vi khuẩn gây bệnh qua hươu và chuột. Các triệu chứng của bệnh giống như cúm, nhưng bệnh diễn ra ở thể trầm trọng hơn và gây viêm khớp. Trong những năm 1970, lần đầu tiên bệnh xảy ra ở thành phố cùng tên ở Mỹ vì thế nó được mang đó.

9. Bệnh đậu mùa: Con người lây bệnh từ lạc đà. Căn bệnh này nổi tiếng từ 3.000 năm trước và trong một thời gian dài là nguyên nhân chính làm trẻ tử vong. Nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng cũng là nạn nhân của bệnh đậu mùa, chẳng hạn như Pie Đại đế của Nga và vua Pháp Ludowic 15. Theo đánh giá của các nhà lịch sử học, vào cuối thể kỷ XIX mỗi năm có gần 50 triệu người bị mắc bệnh đậu mùa. Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa vượt quá 30% tổng số người mắc. Trường hợp cuối cùng mắc bệnh đậu mùa diễn ra vào năm 1977.

10. Bệnh đậu mùa khỉ: Con người bị lây bệnh này từ chuột vàng. Những trường hợp mắc bệnh được ghi nhận vào cuối tháng 5 năm ngoái ở Mỹ. Căn bệnh này cũng tiến triển như bệnh đậu mùa thông thường nhưng nhẹ hơn và chưa gây tử vong.

11. Bệnh dịch hạch: Con người bị lây bệnh này từ chuột cống và những loài gặm nhấm khác. Tác nhân gây bệnh được truyền qua vết cắn. Bệnh dịch đầu tiên được nổ ra ở thế kỷ thứ 6 và ở Vizantia: Trong 50 năm gần 100 triệu người bị chết. Vào thế kỷ XIV, bệnh dịch hạch phương Đông đã cướp đi sinh mạng của chừng 1/3 dân số châu Á và châu Âu. Vào cuối thế kỷ XIX đã xảy ra đợt dịch hạch toàn cầu thứ 3 đánh vào trên 100 cảng trên thế giới. Năm 1999 nó lại bùng phát ở 14 nước, chủ yếu ở châu Phi, trên 2,6 nghìn người mắc bệnh, 212 người trong số đó tử vong.

12. Bệnh nhũn não: (thường được biết đến với bệnh bò điên). Con người lây bệnh này từ bò. Trên thế giới lẻ tẻ có vài trường hợp chết người vì ăn phải loại thịt bò có chứa tác nhân gây bệnh đánh vào não. Những trường hợp bị bệnh bò điên xảy ra ở những nước khác nhau. Căn bệnh này gây hại cho nông nghiệp châu Âu chừng 60-120 tỷ đô la.

13. Bệnh viêm não: Con người nhận được tác nhân gây bệnh viêm não từ loài gặm nhấm và chim. Muỗi và bọ cũng là vật trung gian mang virút. Mỗi năm có 100-200 nghìn người mắc các bệnh viêm não khác nhau, 10-15 nghìn người đã chết.

14. Bệnh khuẩn salmonella: Con người bị lây bệnh này từ bò, lơn, dê, vịt và ngỗng khi trứng và thức ăn có khuẩn salmonella sống. Cũng có những trường hợp tử vong vì bệnh khuẩn này.

Bảo tồn động vật để tránh lây nhiễm bệnh dịch

Việc bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) cũng tránh cho con người bị lây nhiễm nhiều bệnh dịch nguy hiểm vì có tới 70% bệnh dịch truyền nhiễm ở người là lây từ ĐVHD – ông Scott Roberton, Giám đốc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, cho biết. Tối 9/5/2011, gần 100 lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai tập hợp tại đêm nhạc Gala “Bảo vệ động vật hoang dã” do ban Tuyên giáo Thành uỷ tỉnh Đồng Nai và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) tổ chức tại thành phố Biên Hoà.

           Tại đây, trưởng ban Tuyên giáo Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một và Giám đốc WCS Scott Roberton đã đại diện cho các bên Đảng, Chính quyền và tổ chức bảo tồn ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) ở tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015.

Sự góp mặt đầy đủ, đông đảo lên tới 100 người của các vị lãnh đạo các sở, ban, ngành của toàn tỉnh để thể hiện quyết tâm bảo vệ ĐVHD là một sự kiện chưa từng có tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ Đồng Nai là một trong các tỉnh đi đầu trong việc coi trọng vấn đề bảo tồn ĐVHD song song với các trọng tâm phát triển khác của tỉnh nhà. Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Một, cũng cho rằng nâng cao nhận thức cho lãnh đạo là một việc lâu dài: “Cần có một quá trình cho các cán bộ quản lý nhận thức sâu về vấn đề bảo tồn ĐVHD.”

             Theo ông Scott, “có tới 70% bệnh dịch truyền nhiễm ở người là lây từ ĐVHD, với các ví dụ tiêu biểu như HIV lây truyền từ việc ăn linh trưởng tại Châu Phi, hay SARS là từ thú ăn cầy, chồn ở Trung Quốc.” Việc thực thi luật pháp một cách nghiêm minh được ông Scott Roberton nhấn mạnh như là giải pháp then chốt cho vấn đề buôn bán trái phép ĐVHD.

- Đồng Nai là tỉnh có mức độ đa dạng sinh học cao tại Việt Nam với một phần vườn Quốc gia Cát Tiên. Nơi đây từng là nhà của các loài ĐVHD quý hiếm như tê giác, hổ, voi, bò tót, vượn, voọc… Tuy nhiên, tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD và tiêu thụ ĐVHD lan tràn tại Việt Nam đã đẩy các loài này đến bên bờ tuyệt chủng, tiêu biểu như cái chết của con tê giác Java được cho là cuối cùng của Việt Nam tại rừng Cát Tiên năm 2010 do bị bắn để lấy sừng.

Theo khảo sát nhanh của WCS tháng 4/2011, vẫn còn tới gần 95% các nhà hàng tại Biên Hoà bán thịt thú rừng bất chấp việc năm 2010 các cơ quan chức năng của tỉnh như cảnh sát môi trường, kiểm lâm đã ra quân truy quét.

Tiềm ẩn lây bệnh từ động vật hoang dã

Việc buôn bán, vận chuyển, gây nuôi động vật hoang dã thực sự là mối tiềm ẩn các loài bệnh dịch đe dọa tới sức khỏe con người cũng như vật nuôi – bác sỹ thú y từ Hiệp hội Bảo tồn Loài Hoang dã - Chương trình Việt Nam cảnh báo.

“Động vật hoang dã trong quá trình vận chuyển thường rất yếu và mẫn cảm với môi trường mới, là mối tiềm ẩn các loài bệnh dịch đe dọa tới sức khỏe con người cũng như vật nuôi”, bác sĩ thú y Leanne Clark, Hiệp hội Bảo tồn Loài Hoang dã (WCS), cảnh báo, “Nhiều số liệu cho thấy khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm tác động đến con người có nguồn gốc từ các loài hoang dã.” 

Trong một vài thập kỷ qua, thế giới đã ghi nhận và chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều bệnh dịch có nguồn gốc từ động vật hoang dã và diễn biến không lường như HIV/AIDS, SARS, cúm gia cầm, H5N1, sán não phổi, …Buôn bán, gây nuôi động vật hoang dã bao gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp, đặc biệt là buôn bán quốc tế, được xác định là một trong những tác nhân lây lan bệnh dịch từ động vật có nguồn gốc hoang dã sang động vật nuôi và người do có sự thay đổi nhanh chóng và đa dạng của vật chủ. Việc này đã ảnh hưởng tới chính những người buôn bán, gây nuôi, sử dụng và những cán bộ quản lý trực tiếp như kiểm lâm, thú y, sau đó có thể gây ra những đại dịch cho cộng đồng.

Tuy nhiên "việc phối hợp tổ chức thực hiện giữa ngành kiểm lâm, với ngành thú y và các ngành khác trong quản lý hoạt động gây nuôi, vận chuyển, giết mổ, cứu hộ và giám sát dịch bệnh động vật hoang dã trong thời gian qua còn nhiều hạn chế”, Tiến sĩ Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y, nói.

Tiến sỹ Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp, nhấn mạnh: “Con người phải có trách nhiệm với việc bảo vệ động vật hoang dã, ngăn chặn buôn bán trái phép các loài hoang dã và kiểm soát các dịch bệnh có thể lây truyền từ các loài hoang dã”.

Tại hội thảo “Quản lý thú y đối với động vật có nguồn gốc hoang dã” diễn ra trong hai ngày 16 và 17/62011 ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, các nhà bảo tồn động vật tìm giải pháp tăng cường công tác quản lý động vật có nguồn gốc hoang dã nhằm giảm thiểu các mối đe dọa tiềm ẩn tới sức khỏe của cong người, vật nuôi và động vật hoang dã, đồng thời tối đa hóa lợi ích bảo tồn đối với quần thể loài hoang dã trong tự nhiên.

Các các chủ đề của hội thảo được tập trung vào vấn đề sức khoẻ và bảo tồn trong quá trình chăm sóc, xử lý động vật hoang dã sau tịch thu, giám sát dịch bệnh, cơ chế phối hợp. Đây là hội thảo đầu tiên về nội dung quản lý thú y với động vật có nguồn gốc hoang dã được tổ chức tại Việt Nam.

- Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 50 cán bộ quản lý về loài hoang dã, bảo tồn thiên nhiên, kiểm lâm, thú y, kiểm dịch ở trung ương và một số tỉnh, thành trọng điểm về buôn bán loài hoang dã như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa, cơ quan kiểm dịch động vật của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội. Hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Vườn Quốc gia Cúc Phương, Chương trình Bảo tồn Thú Ăn thịt&Tê tê, Trung tâm Cứu hộ Rùa Cúc Phương, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp Cúc Phương, Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Sóc Sơn và một số tổ chức quốc tế có liên quan.

- Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã được bảo vệ từ Việt Nam sang Trung Quốc” của WCS do GEF (Quỹ Môi trường Toàn cầu) và CEPF (Quỹ Đối tác về các Hệ Sinh thái Trọng yếu) tài trợ. 

 Bệnh từ động vật ngày càng dễ lây sang người

Các nhà khoa học quốc tế cảnh báo bệnh dịch từ động vật có nguy cơ ngày càng dễ lây hơn sang người, mà ví dụ mới nhất là bệnh cúm H1N1 đang tái hiện ở 30 tỉnh thành của Việt Nam dù độc lực của virus chưa phải là mạnh.
 
“Các bệnh từ động vật có tốc độ lây lan rất nhanh”, ông Francis A.Donovan (Ảnh QD) 

           “75% các bệnh mới nổi (mới xuất hiện), bùng phát hoặc tái phát tác động đến con người trong những thập kỷ gần đây đều có nguồn gốc từ động vật”, ông Francis A.Donovan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho biết  tại hội thảo “Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và động vật hoang dã tại Việt Nam – Hiện trạng và tầm nhìn” hai ngày 15 và 16/3 ở Hà Nội. Đáng chú ý, theo USAID, không nơi nào trên thế giới mà tác động của các bệnh mới có nguồn gốc từ động vật hoang dã lại cao hơn ở các nước đang phát triển do khối lượng công việc và đời sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Yến, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, dịch cúm A/H5N1 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 12/2003. Đến nay Việt Nam ghi nhận tổng số 119 ca mắc, 59 ca tử vong tại 40 tỉnh, thành (ca gần nhất tháng 4/2010). Hầu hết ca nhiễm đều có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm ốm, chết. TS Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) đưa ra dẫn chứng qua lần tập huấn ở miền Trung “Chúng tôi thấy dân thả rông động vật vào rừng, đến ngày thu hoạch mới mang về nhà. Từ động vật hoang dã có thể lây bệnh sang động vật nuôi.” Ông Nguyễn Công Dân, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, cho biết theo số liệu thống kê mới nhất, hơn 60% tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã. “Các bệnh mới nổi ở động vật có thể lây truyền sang người.” ông Nguyễn Công Dân nhấn mạnh. Ông Francis A.Donovan cho biết thêm: “Các bệnh này có tốc độ lây lan rất nhanh ảnh hưởng đến các vấn đề y tế công cộng, kinh tế và phát triển của xã hội.”

Vẫn theo PGS.TS Thu Yến, một trong những thách thức trong phòng chống bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ở Việt Nam là do thiếu kinh phí; Chưa nhận thức đầy đủ về các bệnh truyền từ động vật sang người; Phát hiện bệnh ở động vật muộn hoặc không phát hiện được. Khi có bệnh ở người thì mới biết có bệnh ở động vật; Chưa có cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm giữa thú y và y tế,…
 
Một trong những minh chứng rõ nét chứng tỏ  con người ngày càng dễ mắc các bệnh từ động vật  là các tác động và quy mô của các dịch bệnh  HIV/AIDS, hội chứng hô hấp cấp tính trầm trọng (SARS), cúm gia cầm H5N1, và đại dịch cúm H1N1 năm 2009.

Cảnh giác với các bệnh từ động vật truyền sang người

Trong giai đoạn hiện nay, các bệnh từ động vật truyền sang người trong đó có những bệnh ký sinh trùng đang có khả năng phát triển đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo cho tất cả các quốc gia trên toàn cầu để xây dựng biện pháp phòng chống.

Bắt được giun ký sinh ở chó trong mắt người

Giun tròn Thelazia callipaeda ký sinh ở mắt người để gây bệnh đã được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam là một cơ sở để cộng đồng người dân và các cơ sở y tế cần chú ý cảnh giác.

Mặc dù tình trạng ruồi bâu, bám đậu vào mắt - biểu hiện điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh và cũng là hiện tượng ít gặp - có thể lây nhiễm bệnh giun này nhưng trên thực tế đã xảy ra như trường hợp bệnh nhân sốngtrong điềukiện không quáômấtvệsinh mà vẫn mang bệnh. Vì vậy, không những ở trẻ em mà cả người lớn cũng cần chú ý đến các điều kiện ăn ở hợp vệ sinh trong sinh hoạt đơn giản hàng ngày để phòng tránh bệnh từ động vật truyền sang người.

Đặc điểm loài giun Thelazia callipaeda

Thelazia callipaeda là loài giun tròn thuộc giống Thelazia, họ Thelaziidae, lớp giun tròn Nematoda. Đây là loài giun ký sinh ở mắt, một loại bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người được phát hiện lần đầu tiên trên chó tại Pakistan năm 1910, sau đó thấy phổ biến ở Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Liên Xô cũ.

Giun Thelazia callipaeda phát hiện ký sinh trên người đầu tiên vào năm 1917 tại Trung Quốc, sau đó được phát hiện tiếp tại Ấn Độ, Thái Lan, Triều Tiên, Liên Xô cũ. Năm 1981, Nhật Bản đã thông báo có 30 bệnh nhân bị nhiễm giun này. Vật chủ cuối cùng của loài giun Thelazia callipaeda là chó, mèo, thỏ, khỉ, sóc và người. Giun trưởng thành ký sinh ở kết mạc mắt, nó đẻ ra ấu trùng và những ấu trùng này được ruồi là vật chủ trung gian truyền bệnh đậu bám ăn ấu trùng cùng với các chất dịch ở mắt. Ấu trùng xâm nhập vào ống tiêu hóa của ruồi, tiếp tục phát triển thành ấu trùng có khả năng lây nhiễm, di chuyển lên miệng để lây truyền cho người khi ruồi đậu vào mắt để tìm kiếm thức ăn và ăn. Ruồi nhà là trung gian truyền bệnh chủ yếu của loại giun này.

Ngày 27/07/2011
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung và Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích