Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 2 2 7 1
Số người đang truy cập
2 9 1
 Chuyên đề Ký sinh trùng
Mối nguy cơ của nhân loại trước tình trạng vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng kháng thuốc ngày càng lan rộng

Vi khuẩn đa kháng thuốc ngày càng lan rộng và phức tạp

Vi khuẩn kháng kháng sinh đã thực sự là một vấn đề đáng lo ngại. Hiện sự kháng thuốc không chỉ khu trú ở một loài vi khuẩn là tụ cầu vàng mà còn lan tràn ở nhiều loại vi khuẩn khác như vi khuẩn gram âm, gram dương, phế cầu khuẩn, vi khuẩn viêm màng não… Chính vì thế, chống kháng thuốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy làm chủ đề cho Ngày sức khỏe thế giới năm nay và“Chống kháng thuốc- phải hành động ngay từ hôm nay” - Đây là chủ đề chính của cuộc mit tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4) do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/4 tại Hà Nội.

Các vi sinh vật là nguyên nhân của nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác nhau. Chúng là thủ phạm gây ra các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, viêm gan, viêm ruột, viêm thận, viêm đường tiết niệu, viêm loét ngoài da; là nguyên nhân gây ra những vụ đại dịch như ho gà, bạch hầu, dịch hạch, đậu mùa… Một trong các phương thức hữu hiệu để chống lại các vi khuẩn gây bệnh là thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp cho loài người trong phòng và điều trị bệnh do nhiễm khuẩn. Nhờ có thuốc kháng sinh mà chúng ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh. Có nhiều loại kháng sinh, nhưng dù là loại nào thì chúng đều có một tác dụng chung là ức chế và tiêu diệt vi khuẩn. Cơ chế thực hiện của mỗi thuốc là khác nhau và các vi khuẩn nhạy cảm đối với mỗi thuốc cũng khác nhau. Vì thế chúng ta cần có nhiều loại thuốc kháng sinh để đẩy lùi tất cả những mầm bệnh này. Nhưng hiện nay, vi khuẩn đang có xu hướng kháng lại thuốc kháng sinh, làm cho thuốc đó không còn tác dụng trên lâm sàng, không còn tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Khi thuốc vào, vi khuẩn vẫn sống tốt, ngay cả khi chúng ta sử dụng kháng sinh nồng độ cao. Việc kháng thuốc kháng sinh là một mối hiểm họa lớn bởi lẽ vi khuẩn không còn gì ngăn trở. Những vi khuẩn kháng thuốc sẽ nhân lên nhanh chóng, di truyền tính kháng thuốc cho các thế hệ vi khuẩn con cháu và lây lan sang những người xung quanh và con người khi mắc bệnh do vi khuẩn gây ra sẽ không còn có cơ hội để điều trị.

 
Vi khuẩn phân hủy thải loại kháng sinh để kháng lại.

Để lý giải tình trạng này, người ta cho rằng sự đột biến đã dẫn tới hiện tượng kháng thuốc kháng sinh ở vi khuẩn. Khi sử dụng kháng sinh thì đa phần các vi khuẩn đều chết. Nhưng ở một số trường hợp hy hữu thì vi khuẩn còn sót lại, có những đột biến có lợi cho sự sinh tồn của chúng. Những vi khuẩn này nhanh chóng nhân lên và trở thành quần thể vi khuẩn kháng thuốc. Tìm hiểu dưới góc độ phân tử, người ta thấy các vi khuẩn kháng thuốc theo một hoặc nhiều trong ba cơ chế sau: tổng hợp các enzym bất hoạt hoặc phân hủy kháng sinh, thay đổi cấu trúc mà kháng sinh tác động và thải loại kháng sinh khỏi tế bào. Trong đó có nguyên nhân chủ quan rất quan trọng do sử dụng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định, sai nguyên tắc, lạm dụng thuốc, không có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Hiện tượng tổng hợp nên các enzym phân hủy kháng sinh là một hiện tượng rõ nét ở nhóm vi khuẩn tụ cầu vàng. Các vi khuẩn này tổng hợp nên men ß-lactamase phân hủy kháng sinh nhóm ß-lactam, là một nhóm kháng sinh phổ rộng, mạnh và hữu dụng. Khi bị phân hủy, các kháng sinh này không còn tác dụng và không còn đủ sức mạnh tiêu diệt vi khuẩn. Các enzym trên được tổng hợp cả ở trong và bên ngoài vi khuẩn để không có phân tử kháng sinh nào có thể tiếp cận được với tế bào của nó. Sự đột biến trong trường hợp này là sự đột biến trên nhiễm sắc thể của vi khuẩn theo hướng tạo ra các men ß-lactamase. Với sự có mặt của ß-lactamase, tụ cầu vàng không chỉ kháng lại kháng sinh penicillin mà còn kháng lại các kháng sinh khác cùng dòng như piperacillin và cefotaxim. Không những thế, nó còn kháng lại dòng kháng sinh được coi là siêu mạnh: glycopeptid - vancomycin. Người ta còn quan sát thấy các men phân hủy kháng sinh khác như men chuyển acetyl chống lại chloramphenicol và men làm biến đổi cấu trúc chống lại các kháng sinh dòng aminoglycosid. Người ta cũng thấy rằng sự kháng thuốc không chỉ khu trú ở một loài vi khuẩn tụ cầu vàng mà còn lan tràn ở nhiều loại vi khuẩn khác.

Làm gì để chống vi khuẩn kháng thuốc?

Sự kháng thuốc kháng sinh, xét về bản chất là do việc sử dụng kháng sinh không đúng gây ra. Theo những quan điểm tiến hóa thì sự kháng thuốc sẽ xảy ra dần dần vì vi khuẩn phải có thời gian để đột biến. Thời gian này có thể là 10 năm, có thể là 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chính sự sử dụng kháng sinh không đúng đã làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn và thời gian kháng thuốc sẽ ngắn dần. Để phòng ngừa sự kháng thuốc kháng sinh, ngoài sự quy chuẩn của y tế, ngay bản thân những người bệnh là những người quyết định đến vận mệnh chống nhiễm trùng của mình nhất. Những biện pháp sau được xem là có tác dụng:

·Không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường. Chúng ta không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn. Nên nhớ, kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mầm bệnh là vi khuẩn gây bệnh.

·Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng nên nhớ chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu.

·Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến mạnh hơn. Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và do đó có “kinh nghiệm” chinh chiến nhiều hơn để thay đổi. Cả hai biểu hiện này cần tuyệt đối tránh khi có sử dụng kháng sinh trong điều trị.

·Cần sử dụng đúng kháng sinh với đúng loại mầm bệnh. Tránh sử dụng kháng sinh tùy tiện, sử dụng mà không cần thăm khám. Việc sử dụng đúng kháng sinh sẽ hạ thấp được liều điều trị, thành công hóa mục tiêu kiểm soát và sẽ hạn chế tối đa sự kháng thuốc.

·Nếu có điều kiện, nên lựa chọn kháng sinh sau khi có kết quả làm kháng sinh đồ.

 
WHO ủng hộ kế hoạch của ngành y tế Việt Nam

Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, tại nước ta đã phát hiện một số loại vi khuẩn đa kháng thuốc, tập trung ở các bệnh: tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ, tiểu đường, lao, các bệnh nhiễm khuẩn nặng và bệnh AIDS. Đáng lưu ý là cả nước có khoảng 5.900 ca nhiễm lao đa kháng thuốc, gây tử vong cho 1.800 trường hợp/năm. Trong số các yếu tố làm tăng vi khuẩn kháng thuốc thì nhiễm trùng bệnh viện là chủ yếu.

Việc người dân có thói quen tự mua thuốc kháng sinh về uống khi bị các bệnh nhiễm trùng dẫn đến nhiều vi khuẩn đã kháng lại hầu hết những kháng sinh thông thường. Bộ Y tế đã thành lập Khoa Chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, từng bước chuẩn hóa các quy định về chuyên môn kỹ thuật, ban hành quy định liên quan đến chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện, sử dụng kháng sinh theo đơn, quản lý việc bán kháng sinh tại các hiệu thuốc…. Tuy nhiên hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn vẫn ngày một gia tăng là thách thức lớn đối với việc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh nhiễm khuẩn.

Với trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân, chủ động kiểm soát các vi khuẩn đa kháng sinh, hạn chế sự kháng thuốc của vi khuẩn trong điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đề nghị các bệnh viện, các viện nghiên cứu các cơ quan chức năng thành lập mạng lưới quốc gia về theo dõi vi khuẩn đa kháng sinh tại Việt Nam, tăng cường hoạt động của khoa chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện trong cả nước; xây dựng đề tài nghiên cứu để đánh giá thực trạng; tăng cường kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng  và các cơ sở điều trị, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc theo đơn.

Kể từ năm 1928 phát hiện ra kháng sinh Peniciline, đến nay, hàng trăm loại kháng sinh được phát triển đưa vào sử dụng giúp cứu chữa hàng tỷ người mắc các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên việc lạm dụng kháng sinh trong trong điều trị đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc. Do vậy nhiều loại kháng sinh bị kém hiệu quả, thậm chí không còn tác dụng. Gần đây, nhiều nhà khoa học trên thế giới liên tiếp thông báo ghi nhận sự xuất hiện gen kháng thuốc của vi khuẩn đối với một số nhóm kháng sinh carbapenem- một nhóm kháng sinh thuộc thế hệ mới đã dấy lên lo ngại về sự biến đổi mạnh mẽ của các loại vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.

Ngày 7/4, Bộ Y tế phối hợp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát động lễ mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới, nhằm chống lại nguy cơ kháng thuốc kháng sinh với thông điệp: “Không hành động hôm nay, ngày mai hết thuốc chữa”.

Thuốc kháng sinh có thể phản tác dụng

Đó chính là cảnh báo của WHO trong ngày sức khỏe thế giới. Tổng giám đốc WHO Margaret Chan nhận định: “Một trong những mối quan ngại hàng đầu trong việc chăm sóc sức khỏe y tế hiện nay chính là tình trạng bệnh kháng thuốc kháng sinh (AMR). Đây chính là nguy cơ hàng đầu gây thách thức trong công tác chăm sóc y tế và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, đồng thời làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Một trong những nguyên nhân có thể gây tử vong cho người bệnh”.

AMR là một loại vi sinh vật có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của thuốc kháng sinh được sử dụng để chống lại nó. Chúng có thể là virus, vi khuẩn hoặc một số loại ký sinh trùng. Trong điều kiện các loại thuốc không còn khả năng điều trị, nhiễm khuẩn vẫn tồn tại phát triển thì bệnh có thể lây lan nhanh ra cộng đồng thành những dịch bệnh rất khó kiểm soát.

Theo thống kê năm 2006 của WHO, 5 vi khuẩn có tỷ lệ AMR cao nhất hiện nay là Klebsiella (15,1%), E.coli (13,3%) P.aeruginosa (13,3%), Acinetobacter spp (9,9%) S.aureus (9,3%). Hiện, tình trạng bệnh kháng thuốc ngày càng phức tạp, rất khó kiểm soát. Cũng theo đó, WHO cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân làm gia tăng tình trạng AMR chính là yếu kém trong công tác quản lý nguồn nhân lực, đặc biệt là chưa kêu gọi được ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn. Không chỉ ở người mà việc sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật một cách bừa bãi hiện nay cũng đã gây nên tình trạng kháng thuốc, gây nên những bệnh dịch toàn cầu, có thể làm lây lan sang người.

 
Không nên tự ý dùng thuốc

Hiện nay, tình hình kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam cũng đang diễn biến phức tạp. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế trong năm 2008: nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ tử vong cao thứ hai (16,7%) chỉ sau bệnh về tim mạch (18,4%). Báo cáo năm 2009-2010 của 19 bệnh viện tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về chủng vi khuẩn AMR cũng cho kết quả đồng nhất với báo cáo trên WHO.

Thống kê của một số bệnh viện trong cả nước cho thấy, số bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị ngày càng gia tăng. Theo bác sĩ Nguyền Hồng Hà - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nguyên nhân hàng đầu chính là do việc người dân tự ý mua thuốc, hoặc quá lạm dụng thuốc kháng sinh, xem nó như “thần dược”. “Sử dụng thuốc không theo toa của bác sĩ, không đúng bệnh đã làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Các vi khuẩn có lợi sẽ bị tiêu diệt, thay vào đó là những vi khuẩn kháng thuốc sẽ tồn tại và tấn công, làm cơ thể mất sức đề kháng”, bác sĩ Hà nói.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có hơn 20% bệnh nhân nhập nhập viện trong tình trạng bệnh nặng do sử dụng nhầm thuốc. Nhiều bệnh nhân đến điều trị cho kết quả kháng thuốc với hơn 30% thuốc điều trị. Hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới năm nay, Bộ Y tế cũng đã đề ra một chương trình quốc gia nhằm chặn đứng AMR. Ông Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Bộ Y tế đã thiết lập các khoa nhiễm khuẩn tại hầu hết các bệnh viện, đồng thời chuẩn hóa các quy định về chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là chăm sóc các bệnh nhân trong bệnh viện tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đặc biệt, Bộ cũng có một kế hoạch tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của AMR, từ đó không tự ý mua thuốc điều trị”.
 

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các nhà thuốc thực hiện nghiêm chỉnh quy định về bán thuốc kháng sinh theo đơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động của nhà thuốc; đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho người dân thấy được tác hại của việc mua kháng sinh sử dụng không theo hướng dẫn của bác sĩ, từ đó ngăn chặn việc kháng thuốc kháng sinh.

Virus kháng thuốc với các các thuốc chống virus

Nhiều báo cáo và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trên thế giới và trong nước đã chứng minh cho thấy nhiều số liệu cho biết virus HIV kháng thuốc, virus viêm gan B hoặc C đã có dấu hiệu giảm nhạy và kháng thuốc chống virus và ngay cả một số bệnh virus khác. Do vậy, tình trạng virus kháng thuốc đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không có thuốc chống kháng, diễn tiến bệnh ngày càng nặng hơn, nằm viện dài ngày, chi phí chăm sóc,…lẽ đương nhiên sẽ cao hơn. Hơn nữa, các thuốc chống virus thế hệ sau thường có giá thành đắt hơn các thuốc kinh điển, lại thêm một gánh nặng cho bệnh nhân khi điều trị nếu không có bảo hiểm chi trả cho các loại thuốc này.

Ngày 17/08/2011
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung và Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích