Đặc điểm dịch tễ học lâm sàng bệnh ấu trùng giun đầu gai Gnathostoma spinigerum tại một số tỉnh miền Trung-Tây Nguyên
Bệnh do ấu trùng G. spinigerum là bệnh truyền từ động vật qua đường thức ăn do ấu trùng giai đoạn 3 của Gnathostoma spp., phát hiện nhiều ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh lưu hành ở Đông Nam Á, Nhật Bản và đang gia tăng tại châu Mỹ Latin. Trước đây, bệnh hiếm khi gặp ở ngoài vùng lưu hành; song hơn 10 năm qua số ca tại các quốc gia-nơi bệnh vốn dĩ không lưu hành đã tăng lên do mở rộng phạm vi du lịch quốc tế. Mục tiêu: Để làm rõ về một bệnh ký sinh trùng vẫn còn chưa thấu đáo, chúng tôi mô tả khía cạnh về đặc điểm dịch tễ học lâm sàng trên bệnh nhân nhiễm ấu trùng G. spinigerum. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu ngang mô tả dịch tễ học bằng cách mô tả trên loạt ca bệnh. Kết quả: Tổng số 77 bệnh nhân phân tích cho thấy mô hình yếu tố nguy cơ cao phù hợp trên y văn. Đặc điểm lâm sàng gồm có thể ấu trùng di chuyển da niêm mạc và thể phủ tạng với các triệu chứng không đặc hiệu. Kết luận: Từ lâu bệnh ấu trùng giun đầu gai lưu hành chủ yếu tại Đông Nam Á, kể cả Việt Nam và các nhà nghiên cứu gần đây cho biết tỷ lệ mắc mới của bệnh tăng ở người. Nhiễm ấu trùng này biểu hiện các triệu chứng không đặc hiệu với hội chứng ấu trùng di chuyển da và phủ tạng, dễ nhầm lẫn và bỏ sót trong chẩn đoán. Các thầy thuốc lâm sàng nên lưu ý và đặt ra chẩn đoán phân biệt. ĐẶT VẤN ĐỀ Bệnh do ấu trùng giun đầu gai là một bệnh ký sinh trùng (KST) truyền từ động vật sang người với một số loài đã được chứng minh có liên quan (Gnathostoma doloresi, G. spinigerum, G. nipponicum, G. hispidum và G. binucleatum). Trong số đó, G. spinigerum được xem như một loài chính gây bệnh cho người ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng(1,3). Vì sự phân bố của bệnh và thói quen ăn uống của con người, nhất là đối tượng đi du lịch đến các vùng có lưu hành bệnh, đặc biệt Thái Lan và Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi cho số ca bệnh ngày một tăng báo cáo trên y văn. Do đó, nay bệnh do ấu trùng này đang trở nên là một bệnh quan trọng trong chuyên ngành y học du lịch. Bệnh do giun đầu gai trên động vật có thể rất nghiêm trọng trong diễn tiến bệnh, thậm chí cóthể dẫn đến tử vong do các biến chứng, ngược lại thể bệnh trên người, đặc biệt đối với loài Gnathostoma spinigerum, hình thái lâm sàng biểu hiện nhiều nhất là hội chứng ban trườn, ấu trùng di chuyển dưới da và thể bệnh ở phủ tạng hiếm gặp hơn. Khi biểu hiện không điển hình dễ chẩn đoán nhầm với một số bệnh nội khoa và da liễu khác. Thể thần kinh của giun đầu gai biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng và biến chứng (viêm não màng não, viêm rễ tủy, viêm màng não, xuất huyết nhu mô não hoặc dưới nhện, nhồi máu não,…) khó có thể định phân giữa các bệnh lý nội thần kinh khác nếu thầy thuốc lâm sàng không nghĩ đến, nên dễ bỏ sót bệnh và tử vong là có thể xảy ra. Di chứng có thể lên đến 8-25% nếu chẩn đoán và xử trí bệnh không kịp thời(2,5). | Hình 1. Siêu câu trúc bề mặt Gnathostoma spinigerum (http://www. Stanford.edu) |
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Địa điểm và thời gian nghiên cứu Viện Sốt rét KST - CT Quy Nhơn, thời gian tiến hành 1/2011 đến 12/2011. Đối tượng nghiên cứu Các bệnh nhân mắc ấu trùng giun đầu gai Gnathostoma spp. chưa có biến chứng Phương pháp nghiên cứu Thiết kế và cỡ mẫu nghiên cứu - Nghiên cứu ngang mô tả dịch tễ học lâm sàng Kỹ thuật nghiên cứu - Đánh giá về các thông số dân số học, yếu tố nguy cơ liên quan dịch tễ học ; - Đánh giá về các triệu chứng lâm sàng trên các cơ quan cũng như cho xét nghiệm các thông số sinh hóa, huyết học, chẩn đoán hình ảnh tại thời điểm bắt đầu nhập viện Phân tích và xử lý số liệu - Phân tích theo thật toán thống kê y sinh học thông thường. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Một số đặc điểm về dịch tễ học lâm sàng của nhóm bệnh nhân nghiên cứu Bảng 1. Một số đặc điểm về dân số học của nhóm nghiên cứu TT | Đặc điểm nhóm nghiên cứu (n = 77) | Thời điểm bắt đầu vào nghiên cứu D0 Số lượng (%) | 1 | Giới tính Nam Nữ | 30 (38.96%) 47 (61.04%) | 2 | Nhóm tuổi Tuổi trung bình 2.5 - < 6 6 – < 12 12 - < 15 15 - < 50 ≥ 50 - 60 | 34.25 (2.5 - 66) 2 (2.60%) 2 (2.60%) 11 (14.28%) 52 (67.53%) 10 (12.99%) | 3 | Dân tộc Kinh Jarai Hoa | 74 (96.10%) 1 (1.30%) 2 (2.60%) | 4 | Địa chỉ sinh sống và làm việc - Bình Định - Gia Lai - Quảng Ngãi - Khánh Hòa - Đà Nẵng - Phú Yên - Đăk Lăk - Lâm Đồng | 19 (24.68%) 12 (15.58%) 7 (9.09%) 11 (14.29%) 6 (7.79%) 16 (20.77%) 4 (5.2%) 2 (2.6%) | 5 | Nghề nghiệp - Nhỏ, ở nhà - Đi học - Cán bộ viên chức - Mua bán, kinh doanh | 2 (2.60%) 15 (19.48%) 47 (61.04%) 13 (16.88%) |
Tổng số 77 trường hợp nhiễm ấu trùng G. spinigerum cho thấy nữ chiếm cao hơn nam. Tuổi trung bình là 34 tuổi, nhóm tuổi từ 15 - < 50 chiếm 67.53% cao nhất, phần lớn sinh sống ở miền Trung-Tây Nguyên. 96.10% là dân tộc Kinh, số cán bộ viên chức mắc cao nhất (61.04%), Bảng 2. Một số yếu tố “nguy cơ” góp phần nhiễm bệnh ấu trùng G. spinigerum TT | Đặc điểm nhóm nghiên cứu (n= 77) | Thời điểm trước nghiên cứu | 1 | Thói quen ăn, uống - Ăn cá nước ngọt (nhiều loại cá) - Thịt vịt, gà hấp, gà hấp muối - Thịt rắn làm gỏi, uống huyết rắn - Thịt ếch um, xào chưa chín hoặc gỏi - Vẹm, sò huyết mù tạt - Tôm, cá thái mỏng chấm mù tạt - Thịt heo hun khói - Uống nước sông, giếng chưa đun sôi | 56 (72.72%) 15 (19.48%) 2 (2.59%) 21 (27.27%) 5 (6.49%) 32 (41.56%) 2 (2.59%) 8 (10.39%) | 2 | Mức thường xuyên phơi nhiễm thức ăn - Thỉnh thoảng ăn thức ăn tái, sống - Thường xuyên ăn tái - sống - Xem như món khoái khẩu (tái - sống) - Ít ăn nhưng tiếp xúc thường xuyên | 41 (53.25%) 27 (35.06%) 5 (6.49%) 4 (5.19%) |
Các bệnh nhân nhiễm ấu trùng G. spinigerum có triệu chứng cho thấy họ có thói quen ăn/ hoặc phơi nhiễm nguồn thịt động vật có nguy cơ nhiễm bệnh. Tình trạng bệnh nhân vào viện & triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng Bảng 3. Tình trạng bệnh nhân lúc vào viện trước khi điều trị ấu trùng G. spinigerum TT | Đặc điểm nhóm nghiên cứu (n= 77) | Thời điểm trước khi nhập viện | 1 | Số ngày biểu hiện bệnh trước khi vào viện < 7 ngày 7 - < 30 ngày 30 - < 60 ngày ≥ 60 ngày | 22 (28.57%) 36 (46.75) 14 (18.18%) 5 (6.49%) | 2 | Cân nặng trung bình | 46 (14 - 78) | 3 | Tổng trạng chung bệnh nhân - Suy kiệt - Không suy kiệt | 2 (2.6%) 75 (97.40%) | 4 | Mất ngủ - Có mất ngủ “mạn tính” - Thỉnh thoảng mất ngủ | 26 (33.77%) 12 (15.58%) |
Thời gian biểu hiện triệu chứng ở nhà trước khi đến khám tại Viện chủ yếu là từ 7- dưới 30 ngày (46.75%). Toàn trạng bệnh nhân vào viện không suy kiệt (97.40%). Có 26 (33.77%) ca bệnh biểu hiện mất ngủ mạn tính và 12 (15.58%) thỉnh thoảng mất ngủ. Bảng 4. Tam chứng chẩn đoán trên một ca bệnh ấu trùng G. spinigerum Ca bệnh ấu trùng Gnathostoma spinigerum, số ca đủ tam chứng chẩn đoán 58 ca (75.32%). Bảng 5. Đặc điểm lâm sàng của ấu trùng giun đầu gai ở tạng, cơ quan khác TT | Đặc điểm nhóm nghiên cứu (n= 77) | Thời điểm bắt đầu | 1 | Cơ quan tiêu hóa - Đau bụng không rõ ràng - Đau vùng thượng vị - mũi ức - Đau vùng hạ sườn (P) - Rối loạn tiêu hóa, phân sệt à lỏng (đợt) - Đau dạng co thắt đường mật từng cơn | 16 (20.78%) 4 (5.2%) 2 (2.6%) 2 (2.6%) 3 (3.9%) | 2 | Cơ quan hô hấp - Đau ngực - Khó thở - Khạc đờm có máu | 4 (5.2%) 1 (1.3%) 1 (1.3%) | 3 | Cơ quan thị giác Phù di chuyển ở mi mắt trên Nhìn mờ kiểu song thị | 2 (2.6%) 1 (1.3%) |
Ấu trùng gây thượng tổn tại một số cơ quan như tiêu hóa, hô hấp và thị giác với nhiều phổ lâm sàng khác nhau. BÀN LUẬN Một số đặc điểm về dịch tễ học của nhóm bệnh nhân nghiên cứu Tổng số 77 trường hợp nhiễm đơn thuần ấu trùng giun đầu gai G. spinigerum đủ tiêu chuẩn nghiên cứu, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam giới (61.04% so với 38.09%), điều này chưa có lý do nào giải thích xác đáng, song có thể vì phụ nữ mang vai trò nội trợ, gánh vác việc nhà bếp, thường phơi nhiễm với các thức ăn còn sống, đặc biệt thịt của thủy cầm, thủy sản dễ nhiễm bệnh(1,3, 4). Về địa chỉ nơi cư trú, phần lớn BN làm ăn sinh sống ở các tỉnh, thành miền Trung -Tây Nguyên, trong đó Bình Định chiếm 24.68%, Phú Yên 20.77%, Gia Lai 15.58%, Khánh Hòa 14.29%, Quảng Ngãi 9.09%, Đà Nẵng 7.79%, Đăk Lăk 5.2%, Lâm Đồng. Vì đặc thù của cơ sở điều trị, nên số ca bệnh xuyên suốt 11 tháng của năm 2011 không phải liên tục được ghi nhận từ nhóm nghiên cứu, nên dữ liệu này sẽ không đầy đủ, do đó không thể đưa ra luận bàn về tình hình nhiễm ấu trùng G. spinigerum theo từng vùng dịch tễ cũng như từng tháng trong năm để nhận định chi tiết. Liên quan giữa bệnh nhân nhiễm ấu trùng G. spinigerum đến nghề nghiệp, cho thấy số cán bộ viên chức mắc với tỷ lệ cao nhất (61.04%), nhóm đối tượng còn đi học (cả học sinh và sinh viên) là 19.48%, nhóm người mua bán kinh doanh chiếm tỷ lệ đáng chú ý 16.88%. Đây có thể là vì tính chất công việc ,giao tiếp khách tại các nhà hàng đặc sản và thói quen ăn uống của người lớn. Nhóm tuổi từ 15 - < 50 chiếm 67.53% cao nhất, nghĩa là rơi độ tuổi lớn, người lao động. Một số yếu tố “nguy cơ” nhiễm ấu trùng của giun G. spinigerum Các bệnh nhân nhiễm ấu trùng G. spinigerum, có thói quen ăn các thức ăn từ nguồn thịt động vật có nguy cơ nhiễm ấu trùng giai đoạn 3 như đã ghi nhận trong y văn với các loại cá nước ngọt (đặc biệt là cá lóc, cá quả, cá chạch), thịt vịt, thịt gà hấp hành, gà hấp muối (19.48%), thịt rắn làm gỏi, thậm chí uống cả huyết rắn tươi pha ít rượu nhằm vào mục đích chữa bệnh (2.59%), làm thịt ếch um, xào chua ngọt, chưa đủ chín hoặc gỏi thịt ếch (27.27%), ăn các đông vật có vỏ như vẹm, sò huyết chấm mù tạt với tái chanh, xì dầu (6.49%), hoặc ăn tôm, cá thái lát mỏng chấm mù tạt (41.56%), thịt heo hun khói (2.59%), danh mục các thức ăn có nguy cơ và đóng vai trò vật chủ trung gian của bệnh ấu trùng giun đầu gai G. spinigerum đã cho thấy ít nhiều họ đã có phơi nhiễm với ấu trùng giai đoạn 3 của G. spinigerum có mặt trong các phần thớ thịt do còn sống hoặc xử lý chưa chín (dạng xào qua loa, dang bóp tái chanh hoặc sống ăn với xì dầu mù tạt). Đặc biệt, nghiên cứu này cũng cho thấy có 8 trường hợp thường uống nước chưa đun sôi để nguội từ các sông, giếng chưa nấu sôi với tỷ lệ đáng kể (10.39%), tương tự như trong bệnh sán lá gan lớn thì khả năng của ấu trùng giai đoạn 2 của giun đầu gai G. spinigerum có thể vào cơ thể người qua đường tiêu hóa và gây bệnh(1,3, 4). Về tính chất và mức độ thường xuyên phơi nhiễm với các thức ăn có nguy cơ cao ở trên nhiễm mầm bệnh ấu trùng giun giai đoạn 3, cho thấy có đến 6.49% số người xem đó là món khoái khẩu (thích ăn dạng tái - sống) mỗi khi đi nhà hàng, quán ăn, hoặc thỉnh thoảng họ ăn thức ăn tái, sống (53.25%), thường xuyên ăn hải sản hoặc cá nước ngọt, sông, hồ dạng tái-sống (35/06%), thậm chí còn sống tươi và đặc biệt có nhóm đối tượng rất ít ăn nhưng tiếp xúc thường xuyên với các thực phẩm tươi sống này trước khi đưa vào chế biến (5.19%), đó là các bệnh nhân là đầu bếp của các quán ăn, nhà hàng, vựa thu mua tôm, cá, hải sản các loại bán tại các nhà hàng hoặc quán ăn trong thành phố. Đánh giá về các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng trên bệnh nhân Tổng trạng chung và thời gian khởi phát bệnh đến khi vào viện của bệnh nhân Diễn tiến bệnh có thể thay đổi theo từng bệnh nhân, thời gian biểu hiện triệu chứng trên cơ thể bệnh nhân ở nhà trước khi đến khám tại viện thay đổi từ dưới 1 tuần (28.57%), đến từ < 30 ngày (46.75%) và từ 1 tháng đến 2 tháng là 18.18% và trên 2 tháng là 6.49%, nhiều trường hợp ở đây bệnh nhân mô tả đã xuất hiện triệu chứng trên 3 tháng, thậm chí nhiều năm nhưng họ không đi khám và chịu các cơn ngứa trong một thời gian dài, vì họ đi khám không đúng chuyên khoa, hoặc nhiều bệnh nhân suy nghĩ chúng không nghiêm trọng, mãi đến khi gãi đến lở người mới đi khám bệnh. Có nhiều bệnh nhân khi vào khám đã gầy người và triệu chứng mất ngủ mạn tính (33.77%) và 12 trường hợp (15.58%) thỉnh thoảng mất ngủ do ngứa và nổi mày đay nhiều(1,2,5). Diễn tiến bệnh có thời gian dài hay ngắn còn tùy thuộc vào cơ địa và thể trạng của từng bệnh nhân, khả năng đáp ứng viêm với sự tham gia của các tế bào mast, immunoglobuline miễn dịch IgG, IgE, bạch cầu ái toan, ngay cả thân nhiệt của bệnh nhân cũng là một yếu tố ảnh hưởng. toàn trạng chung bệnh nhân vào viện không suy kiệt (97.40%), khỏe mạnh chỉ có phàn nàn khó chịu về mặt sinh hoạt do phản ứng mày đay, ngứa nổi lên liên tục và hội chứng ban trườn khiến họ không còn tự tin khi giao tiếp(2). Biểu hiện lâm sàng đa hình thái Hội chứng ấu trùng di chuyển hoặc ban trườn Về biểu hiện lâm sàng, trên các bệnh nhân bị bệnh ấu tùng giun đầu gai G. spinigerum biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau, song các tác giả trong và ngoài nước đều quy kết thành hai thể bệnh chính của loại ký sinh trùng này: (i) Thể tổn thương vùng da, niêm mạc thường xuất hiện với nhiều hình thái lâm sàng đa dạng, hoặc ban đỏ đơn thuần dạng vệt, vằn vèo nổi hoặc ẩn dưới da mỏng hoặc hiện lên vùng có hình ảnh như bản đồ với tỷ lệ cao nhất 67.53%, tiếp đến là dấu ban trườn đi cùng với hội chứng ấu trùng di chuyển (49.35%), ban đỏ đi kèm dấu viêm quầng (32.47%), một tỷ lệ thấp hơn với biểu hiện dạng ban đỏ cùng với hội chứng ban trườn / ấu trùng di chuyển đồng thời (11.69%), rất đặc trưng cho bệnh ấu trùng giun đầu gai G. spinigerum đã mô tả rất nhiều qua loạt ca bệnh báo cáo trong y văn (H. H. Quang và cs., 2011). Hình ảnh viêm phù nề mô mỡ dưới da cũng là một triệu chứng đáng chú ý, dù ít khi báo cáo trên các tạp chí chuyên ngành ký sinh trùng (5.19%). Điểm đặc biệt là các dấu hiệu ban trườn hoặc hội chứng ấu trùng di chuyển tạo nên hình ảnh sưng phồng dưới da rất rõ và diễn tiến từng đợt theo ghi nhận bệnh nhân(2,5). Mỗi đợt thường kéo dài khoảng 7-10 ngày và cứ 15-20 ngày lai xuất hiện lần nữa. Tốc độ di chuyển của ấu trùng có thể nhanh trung bình 1-2 cm mỗi giờ. Dọc theo các đường di chuyển tạo hầm là các mụn nước nhỏ đi kèm theo, gây ngứa và nhiệt đợt bội nhiễm làm mủ cho da bệnh nhân. Cũng như các tác giả khác trên thế giới, đặc biệt tại Nhật Bản, trong nghiên cứu này có tới 61.04% số ca này có biểu hiện vệt ban trườn hoặc ấu trùng di chuyển kèm theo dấu chứng mày đay, ngứa dọc theo đường đi của chúng, một số trường hợp có biểu hiện phản ứng viêm tại chỗ hoặc lan tỏa ra hai bên hoặc tạo thành đám, nổi các hạt li ti dọc theo đường đi của vết ban trườn (27.27%), số ca không không có phản ứng viêm là 33.77%. Điều này còn tùy thuộc vào tình trạng vệ sinh của người bệnh và ý thức đi khám bệnh sớm hay muộn. Biểu hiện thương tổn ở cơ quan Là một bệnh truyền từ động vật sang người, nên việc gây thượng tổn tại một số cơ quan của G. spinigerum cũng rất hiếm gặp, nếu có thì có thể do quá trình ấu trùng G. spinigerum di chuyển và gây thương tổn tại chỗ và lan tỏa trên nhiều cơ quan. Cũng như một số bệnh giun tròn tiêu hóa như ấu trùng giun lươn S. stercoralis, ấu trùng giun đũa chó/ mèo Toxocara canis/ cati,…trong nghiên cứu này, ấu trùng G. spinigerum đã ảnh hưởng tại cơ quan tiêu hóa do ấu trùng giun đầu gai G. spinigerum với biểu hiện đau bụng không rõ ràng là 20.78%, đau vùng thượng vị - mũi ức 5.2%, đau co thắt đường mật từng cơn 3.9%, đau vùng hạ sườn (P) là 2.6% và có rối loạn tiêu hóa dạng phân sệt, phân lỏng từng đợt (2.6%). Đối với cơ quan hô hấp, triệu chứng gặp ở bênh nhân không điển hình mà nó na ná như bệnh phổi khác, trong đó dấu đau ngực (5.2%), khó thở và khạc đờm có sợi máu trên cùng một bệnh nhân xẹp phổi thùy rất rõ 1.3%, sau khi điều khoảng 10 ngày, bệnh nhân đã cải thiện đáng kể cả lâm sàng và hình ảnh x quang phổi thẳng. Tại cơ quan thị giác, dấu hiệu phù mi mắt trên rất điển hình và có di chuyển theo thời gian như y văn mô tả với tỷ lệ (2.6%), hoặc nhìn mờ kiểu song thị (1.3%). Tương tự như trên y văn, chúng tôi không phát hiện thêm các triệu chứng khác nào dựa vào sự di chuyển của ấu trùng(1,2,4). KẾT LUẬN Một số đặc điểm về dịch tễ học và yếu tố “nguy cơ” của bệnh nhân nhiễm G. spinigerum - Bệnh nhân nữ chiếm cao hơn nam, nhiều nhất đến từ tỉnh Bình Định, cán bộ viên chức mắc cao nhất (61.04%) và độ tuổi lao động chiếm cao nhất (67.53%); - Bệnh nhân có thói quen ăn hoặc phơi nhiễm thức ăn từ nguồn thịt động vật có nguy cơ như cá nước ngọt, thịt gia cầm, thủy cầm chưa nấu chín Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng trên bệnh nhân ấu trùng giun đầu gai - Biểu hiện vùng da niêm mạc hay gặp nhất với hội chứng ấu trùng di chuyển hoặc ban trườn có đủ tam chứng (75.32%) hoặc chưa đủ tam chứng (7.79%); - Vì là một bệnh vốn dĩ truyền động vật sang người, nên số ca có biểu hiện thương tổn tại các cơ quan tiêu hóa, hô hấp và thị giác có phần ít hơn. ABSTRACTS CLINICAL EPIDEMIOLOGY MANIFESTATIONS IN HUMAN GNATHOSTOMIASIS IN SOME CENTRAL HIGHLAND PROVINCES, VIETNAM Backgrounds: Gnathostomiasis is a food-borne zoonosis caused by the third-stage larvae of the helminths Gnathostoma spp., which are seen mostly in tropical and subtropical regions. It is endemic in Southeast Asia, Japan, and increasingly Latin America. Previously, the disease was rarely seen outside areas of endemicity; however, over the past decade, the number of cases seen in countries where it is not endemic has increased as the scope of international travel expands. Objectives: To highlight this underdiagnosed parasitic disease, we describe a clinical epidemiological aspects by patients with gnathostomiasis who treated in our institute. Study methods: Epidemiological cross-sectional study by describe a series of patients. Results: With total of 77 patients analysis showed a plausible epidemiologic risk model suitable for medical literature. The clinical manifestation included mucocutaneous form (cutaneous larva migrans syndrome/ creeping eruption) and visceral migration form with nonspecific symptoms. Conclusions: So far Gnathostomiasis is endemic in areas of Southeast Asia, including Vietnam, and researchers have noticed recently an increase in incidence of human gnathostomiasis. Human gnathostomiasis infestation showed that initial nonspecific symptoms followed by cutaneous and/or visceral larva migrans, it is easy to misdiagnosis or underdiagnosis with. Clinicians must be benny noted and have critical thinking in different diagnosis. TÀI LIỆU THAM KHẢO1. Huỳnh Hồng Quang, Triệu Nguyên Trung (2011). Giun đầu gai - bệnh giun mới nổi, Cập nhật y văn và tổng hợp thông tin về 12 bệnh nhân giun đầu gai. http://www.impe-qn.org.vn 2. Huỳnh Hồng Quang, Triệu Nguyên Trung (2010). Tổng hợp loạt ca bệnh ban trườn/ hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da do ký sinh trùng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam (2006-2010). Kỷ yếu công trình NCKH, Viện Y học biển Việt Nam, Hội Y học biển Việt Nam. 3. Herman JS, Chiodini PL (2009). Gnathostomiasis, another emerging imported disease. Clin Microbiol Rev. 2009 Jul; 22(3):484-92. 4. Juri Katchanov Sawanyawishuth et al., (2011). Neurognathostomiasis, a negected parasitosis of the Central nervous system. Emerging Infectious Diseases. www.cdc.gov/eid.vol 17. No 7, July 2011. 5. Quang H. H, Trung N.T et al. (2010). Human helminthics diseases: A review and update of an emerging zoonosis now crossing Central and highland of Vietnam. Monography of International seminar of Researchable Issues in Ecosystem Approaches to Health Management of Emerging Infectious Diseases in Southeast Asia in Bali, Indonesia, October, 2010.
|