Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 9 9 9 0 7
Số người đang truy cập
5 0 0
 Chuyên đề Ký sinh trùng
Nguy cơ nhiễm bệnh giun sán ký sinh ở nước ta và cách phòng tránh

Hàng triệu người Việt bị đe dọa bởi bệnh nhiệt đới

Nằm trong khu vực các nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều loại bệnh như bệnh giun chỉ bạch huyết, mắt hột và các  bệnh giun sán ký sinh.

Đây là những bệnh có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, từ trẻ em, phụ nữ mang thai đến những người già. Điều đặc biệt là những bệnh này hiện vẫn tồn tại và phân bố rộng rãi trong cộng đồng, nhất là những vùng khó khăn.

67 triệu người nguy cơ mắc bệnh về giun

Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đang khởi đầu một hoạt động mới cho các bước tiếp theo nhằm khống chế và loại trừ các bệnh nhiệt đới bị lãng quên bao gồm giun chỉ bạch huyết, đau mắt hột, và giun sán.Ở Việt Nam, bệnh giun truyền qua đất phân bố rộng rãi trong cả nước với tỷ lệ nhiễm khác nhau ở các vùng miền. Tại cuộc họp các nhà tài trợ cho dự án loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, mắt hột và phòng chống giun sán 2011-2015 diễn ra tại Hà Nội ngày 8/9, thạc sỹ Nguyễn Thu Hương – Khoa Ký sinh trùng Viện sốt rét ký sinh trùng Côn trùng Trung ương dẫn chứng bệnh giun truyền qua đất tại Việt Nam có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, tỷ lệ nhiễm ở nhiều nơi vẫn rất cao đến 90%.

Bệnh giun truyền qua đất do ba loại giun tròn gồm: giun đũa, giun móc và run tóc gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội và vệ sinh kém. Uớc tính có khoảng 67 triệu người trong số 86 triệu người dân Việt Nam ở 53 trên tổng số 63 tỉnh thành sống trong vùng dịch tễ của bệnh. Bà Hương phân tích, nhóm nguy cơ mắc bệnh giun truyền qua đất cao có khoảng 4 triệu trẻ em mầm non và mẫu giáo, 6 triệu học sinh và 19 triệu phụ nữ tuổi sinh sản. Bên cạnh đó, các bệnh ký sinh trùng truyền qua thức ăn cũng là một trong những bệnh rất phổ biến. Bệnh với cách lây truyền giữa động vật và người chủ yếu là sán lá gan, sán phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn…Đây là một loại bệnh mà hiện nay Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy lùi do liên quan chặt chẽ với tập quán ăn uống và các phương thức chăn nuôi gia súc gia cầm, các yếu tố về sinh thái và vệ sinh môi trường khó thay đổi của người dân.

Về các bệnh liên quan đến mắt hột, theo ước tính của Bộ Y tế, có khoảng 265.000 người trên toàn quốc trong độ tuổi từ 50 trở lên có nhu cầu phẫu thuật quặm. Mắt hột được xác định là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu tại Việt Nam cần được "thanh toán." Nhằm kiểm soát ngăn ngừa bệnh này, Bộ Y tế Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh mắt hột gây mù ở Việt Nam vào năm 2014.

Các bệnh nhiệt đới vẫn phức tạp

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, mặc dù đã được Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế hỗ trợ, quan tâm công tác phòng chống nhưng bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh mắt hột và bệnh giun sán ký sinh vẫn xuất hiện phức tạp. Vì vậy, tác hại của bệnh đối với sức khỏe và đời sống nhân dân, nhất là trẻ em và phụ nữ rất lớn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do triệu chứng, nguy cơ của bệnh không như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính và các nguy cơ khác nên chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức. Điều đáng lo ngại những bệnh trên vẫn còn phức tạp ở nhiều vùng là do điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, trong nhà trường cũng như ở cộng đồng, nhất là vùng nông thôn và miền núi nhìn chung vẫn còn rất yếu. Điều này đã làm tăng các nguy cơ lây nhiễm và hạn chế hiệu quả của các biện pháp phòng chống. Điển hình như tập quán ăn uống của nhiều người Việt hiện nay vẫn còn chủ quan như việc ăn gỏi, thức ăn nấu chưa chín… khiến cho bệnh sán truyền qua thức ăn vẫn có tỷ lệ nhiễm cao ở nhiều vùng. Theo nghiên cứu của Viện sốt rét ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, bệnh nhân niễm ấu trùng sán lợn vẫn còn phổ biến, được phát hiện tại 50/63 tỉnh thành, trong đó tập trung chủ yếu ở phía Bắc. Cuộc họp các nhà tài trợ cho dự án loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, mắt hột và phòng chống giun sán 2011-2015 là dịp để tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tham gia tích cực vào việc đánh giá thực trạng, thảo luận kế hoạch để loại trừ các bệnh trên vào các năm 2014-2016.

Qua cuộc họp, Bộ Y tế cũng kêu gọi các nguồn đầu tư từ chính phủ, các tổ chức quốc tế hỗ trợ và tài trợ cho công tác phòng chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên trong đó chú trọng vào việc đẩy lùi bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh mắt hột là các bệnh giun sán ký sinh.

Sán dài hơn 6cm sống trong mắt suốt 2 năm

Có cảm giác nhột trong mắt và đau nhức từ đầu năm 2007 đến nay, chị Hà ở Quảng Nam mới được Bệnh viện Mắt TP HCM phát hiện thủ phạm là một con sán còn sống.

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP HCM cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mắt hơi sưng. Kết quả khám cho thấy trong mắt có một con sán dài còn sống. Cuộc phẫu thuật được tiến hành ngay sau đó, tuy nhiên trong khi mổ, con sán bị đứt thành 2 đoạn và bác sĩ chỉ mới gắp ra được phần đuôi dài 6 cm. Phần đầu sán đang được theo dõi để tiếp tục lấy ra khỏi mắt chị Hà. Hiện mẫu sán đã được mang đi xét nghiệm để xác định chính xác tên của loại ký sinh trùng này.

Bệnh nhân cho biết, cảm giác cộm và đau dữ dội từng cơn trong mắt bắt đầu xuất hiện từ hơn một năm nay. Năm trước đó mắt đã thấy hơi nhột. Chị đã đi khám nhiều nơi ở và dù đã được chụp CT scanner, song bác sĩ của nhiều bệnh viện tại địa phương vẫn chỉ chẩn đoán chị bị viêm hoặc u trong mắt và cho uống thuốc nhưng không khỏi. Theo các chuyên gia nghiên cứu ký sinh trùng, giun sán vốn tồn tại ở cơ thể của một số vật nuôi như chó, mèo, khỉ; có thể lây sang người bằng nhiều cách khác nhau như tiếp xúc hoặc từ phân của vật nuôi (do ruồi làm vật trung gian).

Ngoài sống ký sinh trong dạ dày hay ruột người, một số loài giun sán chọn mắt làm môi trường sống. Đối với vật nuôi, trường hợp giun sán sống trong mắt được phát hiện nhiều hơn.

1. Trắc nghiệm nhanh về tình hình giun sán trong cơ thể bạn

Có khi đang có một tập thể giun mở tiệc trong người ấy rồi đấy! Lần cuối cùng ấy tẩy giun là khi nào nhỉ?

Vừa hôm qua xong đấy!!!

Hiện nay các thuốc tẩy giun đều giúp chúng mình tiêu hủy giun rồi bài tiết chúng luôn nên teen không còn phải sợ hãi trước cảnh nguyên một chú giun sẽ chui ra ngoài đâu! Sau khi tẩy giun, các ấy có thể gặp một số phản ứng phụ như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy nhẹ nhưng các hiện tượng này sẽ tự động khỏi sau 1 - 2 ngày. Nếu các ấy thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng lạ như dị ứng, phát ban, nổi mề đay thì teen cần phải nhanh chóng đến thăm khám bác sĩ nhé!

Cách đây 6 tháng rồi!

Vậy thì đã đến lúc teen cần phải thực hiện việc tẩy giun rồi đấy! Trước khi thực hiện, các ấy phải lưu ý không nên nhịn đói, ăn kiêng hoặc uống các loại thuốc xổ.

Chịu thôi, tớ chẳng thể nhớ được lần cuối cùng tẩy giun là khi nào nữa!

 
Ặc ặc...Thế thì ấy phải mau chóng đến bệnh viên để các bác sĩ kiểm tra xem liệu lũ giun, sán đã tấn công những bộ phận nào trong đường tiêu hóa của ấy rồi nghen!

Giun trong cơ thể sẽ tranh giành những chất dinh dưỡng , làm cho teen xanh xao, chậm tăng trưởng thể chất, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến trí thông minh. Một số loại giun có thể gây ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Trong vài tình huống nguy hiểm hơn, giun có thể gây ra những biến chứng như giun chui ống mật, giun chui ống tụy, tắc ruột, viêm nhiễm tiết niệu – sinh dục đó nha!

Vì sao trong cơ thể chúng mình lại có lũ giun xấu xí này?

Giun là loại ký sinh trùng sống ăn bám ở người, chủ yếu là ở ruột. Với tình trạng vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống như ở nước ta, gần như ai cũng chứa giun trong bụng.

Giun sống ký sinh ở người gồm nhiều loại: thường gặp nhất là giun đũa, tiếp đến là giun kim, giun tóc, giun móc, giun lươn... Tỷ lệ nhiễm giun đặc biệt là giun đũa rất cao. Ở các tỉnh miền Bắc nhiều nơi tỷ lệ này lên tới 86 - 98% (trung bình là 70 - 85%) còn ở miền Nam thì vào khoảng 20 - 35%.

Lứa tuổi teen chúng mình là đối tượng dễ bị giun tấn công nhất do thường xuyên măm măm các đồ vệ sinh thiếu an toàn (ăn ngoài vỉa hè, lề đường, các hàng quán không có sự kiểm định an toàn...). Chưa hết, chúng mình còn hay chơi nghịch, tiếp xúc với đất, cát, các đồ vật bẩn và đặc biệt là không chịu rửa tay trước và sau khi ăn đấy!

Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất đối với các bệnh liên quan đến giun là:

- Giữ gìn môi trường sống tốt và có ý thức vệ sinh ăn uống.

- Định kỳ tẩy giun 4 - 6 tháng một lần.

Có nên tẩy giun sán khi mang thai?

Thuốc tẩy giun thế hệ mới có thể giúp thai phụ thoát khỏi những ký sinh trùng này mà không gây hại cho em bé. Việc dùng các thuốc tẩy giun sán ở phụ nữ có thai từng được coi là cấm kỵ. Tuy nhiên, thuốc tẩy giun thế hệ mới có thể giúp thai phụ thoát khỏi những ký sinh trùng này mà không gây hại cho em bé. Nhiễm giun sán kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu máu, các bệnh lý ở gan, phổi...

 
Trước đây, việc dùng các thuốc tẩy giun và sán ở phụ nữ có thai được coi là không thể, do những nghi ngại về tính an toàn cũng như lợi ích của việc điều trị đối với bà mẹ và thai nhi.

Tuy nhiên, thuốc Praziquantel lại được xếp vào nhóm B trong danh mục các thuốc sử dụng cho phụ nữ có thai (an toàn ở động vật thực nghiệm nhưng cần thận trọng ở người). Thuốc này đã được nghiên cứu thử nghiệm trên cả người và động vật để đánh giá tính an toàn đối với thai nghén, nhưng không tìm thấy các bằng chứng gây quái thai.

Với Mebendazol, một loại thuốc tẩy giun đang được dùng rất phổ biến, cũng được thử nghiệm với liều 100 mg/ngày trong 3 ngày liên tiếp cho phụ nữ có thai, kể cả những người có thai 3 tháng đầu. Kết quả là không tìm thấy những bất thường của thai nghén. Như vậy, ở liều điều trị thông thường, Mebendazol được coi là an toàn với thai nghén ở người.
            Albendazol là một dẫn xuất của nhóm Benzimidazol, có khả năng gây quái thai ở động vật khi sử dụng liều cao. Nhưng trong một số nghiên cứu ở người, thuốc tỏ ra an toàn đối với thai nghén khi dùng ở liều thông thường. Với một số thuốc tẩy giun sán khác như: Levamisol, Pyrantel, hiện chưa có đủ thông tin về tính an toàn đối với phụ nữ mang thai.
           Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, phụ nữ có thai nhiễm giun sán nặng nên tẩy bằng thuốc Praziquantel, Mebendazol hoặc Abendazol vì lợi ích thu được lớn hơn nguy cơ, nhưng nên chờ đợi qua 3 tháng đầu của thai kỳ.

Hàu sống – Nguy cơ giun sán

            Hàu sống là món ăn khá đặc biệt, đặc biệt cả về khẩu vị và giá trị dinh dưỡng. Hàu sống ướp đá ăn cùng với mù tạt, chanh được xem là món ăn khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là nam giới. Không chỉ phổ biến ở Việt Nam. "Hàu sống là món ăn khoái khẩu của nhiều nước nổi tiếng về ẩm thực và vệ sinh thực phẩm cao như Pháp, Nhật… và còn là món ăn đặc biệt của nhiều khách sạn nhà hàng tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, với quy trình nuôi hàu đại trà và cách chế biến, bảo quản thủ công thì món 'hàu sống tại các quán hải sản địa phương thì việc vệ sinh an toàn thực phẩm phải được xem lại. Đã có rất nhiều ca cấp cứu do ăn hàu sống hoặc hải sản sống bị nhiểm khuẩn và ký sinh trùng. Đây là con số đáng báo động đối với những thực khách khoái khẩu món hàu sống.

"Hàu sống có thể ắn sống trong môi trường nuôi sạch và quá trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều môi trường nuôi hàu tại Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn sạch và quy trình chế biến cũng chưa an toàn. Vì vậy, nguy cơ nhiễm độc, vi khuẩn, ký sinh trùng khi ăn sống hàu sống là rất cao. Vì vậy những ai muốn ăn hàu sống nên lưu ý:

- Nên thưởng thức "hàu sống cùng với rượu sẽ tốt nhất cho những người hay yếu bụng.

- Những người bị yếu bụng nên ăn hàu đã chế biến chin.

- Để an toàn nên ăn món hàu sống ở những nhà hàng, khách sạn đã được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Người bị đau dạ dày, viêm ruột, tì vị yếu, khó tiêu, nên hạn chế ăn hàu sống.

Uống 2.500 trứng giun ký sinh để trị bệnh

Giới khoa học gia toàn cầu đang nhiệt tình nghiên cứu liệu pháp trị bệnh bằng giun ký sinh (parasite therapy) khi người dân các nước phát triển ngày càng đổ xô ăn giun sán để chữa trị các rối loạn miễn dịch trong cơ thể, thông tin trên Newscientist cho hay.

Giun sán thay đổi đời tôi

            Anh Michael người Mỹ phát hiện mình mắc bệnh Crohn (bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm) năm 1996 khi mới 17 tuổi. Ba cuộc phẫu thuật cùng hàng lô thuốc chỉ giúp giảm các triệu chứng một thời gian, lại khiến anh bị ảnh hưởng bởi những tác dụng phụ khủng khiếp.

Giun móc nay là một món hấp dẫn trên thực đơn của những người bị bệnh Crohn,
viêm loét ruột kết và dị ứng nghiêm trọng. Ảnh: Medgadget.

            Sau khi đọc được các kết quả nghiên cứu khoa học, Michael đã quyết định thử liệu pháp trị bệnh bằng giun sán. Tất nhiên anh không quá thích thú với việc nuốt giun ký sinh, nhưng những nghiên cứu đọc được đã thuyết phục anh chấp nhận mạo hiểm. Khi 25 tuổi, Michael đã đặt hàng một mẻ trứng giun roi heo từ một công ty ở Đức có tên Ovamed (buôn bán hoặc nhân giống giun sán là trái pháp luật ở Mỹ). Michael đã uống 2500 trứng giun 2 tuần một lần trong ba tháng liên tiếp. Sau đó các triệu chứng bệnh của anh biến mất. Tháng 4/2010, anh cho cấy 35 ấu trùng giun móc qua da và cho biết bệnh Crohn của anh đã được chữa khỏi hoàn toàn từ đó. “Bạn sẽ khẳng định ngay rằng nuốt giun sán hẳn là hành động của quái nhân. Tuy nhiên, ngay lúc này da chúng ta vốn cũng có hàng tỉ vi khuẩn đang ngọ nguậy”, Michael nói trên tờ Newscientist.

            Trước khi tự uống giun, ruột của Michael đã bị hư hại nặng và chảy máu. Khi bác sỹ Moshe Rubin thuộc Bệnh viện New York khám ruột Michael đầu năm nay, ông nhận thấy “ruột non của Michael đã hầu như hoàn toàn bình thường”. “Đây không phải là một thí nghiệm có kiểm soát, tuy nhiên kết quả dựa trên quan sát này cho thấy rằng liệu pháp trị liệu bằng giun sán đã cứu anh ấy”, ông Rubin khẳng định. Kết quả đáng ngạc nhiên của anh Micheal đang làm dư luận khắp Mỹ xôn xao về một liệu pháp điều trị ‘quái dị’ này.

           Cô Sally, quốc tịch Hoa Kỳ, đang rất hi vọng chữa trị được các chứng dị ứng trầm trọng của cô nhờ ăn phân của một người bạn hào phóng của cô. Thành phần ‘thuốc’ có vẻ rất đơn giản: nước, đường, muối và một ít ‘phân người’ của bạn cho. Đổ 500 trứng giun sán lên bản kính mang vật của kính hiển vi và liếm sạch, Sally hy vọng những con giun sán sẽ sinh trưởng trong ruột cô và điều chỉnh lại hệ thống miễn dịch, giúp trị các chứng dị ứng trầm trọng của mình.

Khoa học gia vào cuộc

           Cơ sở của liệu pháp điều trị bằng giun sán là giun sán có thể kiềm chế được hệ miễn dịch hoạt động thái quá của vật chủ khi người đó bị mắc chứng rối loạn như bệnh Crohn, chứng viêm loét ruột kết và các chứng dị ứng nghiêm trọng. P’ng Loke thuộc Đại học New York, Mỹ cho biết trước đây ông có biết liệu pháp điều trị bằng giun sán, nhưng “mặc dù tôi coi nó là một giả thuyết hợp lý, tôi đã không bao giờ đủ can đảm để tiến hành thử nghiệm kiểu đó”.

Tuy nhiên, nhà khoa học này thay đổi hoàn toàn khi ông gặp một người đàn ông nuôi giun sán trong bụng. Năm 2004, người đàn ông 29 tuổi bị viêm loét ruột kết đã bay từ Mỹ sang Thái Lan để nuốt 500 trứng giun roi ký sinh trên người (whipworm). Vài năm sau, gần như khỏi bệnh hoàn toàn, người đàn ông này đã yêu cầu ông Loke, khi đó đang công tác tại Đại học California, San Francisco, Mỹ xem xét ruột mình và xem liệu những con giun đã có công hiệu gì. Những kết quả nội soi đường ruột của Loke liên tiếp cho thấy bất kỳ nơi nào giun sinh sống thì các chứng viêm loát và chảy máu đặc trưng của bệnh viêm loét giảm đi đáng kể hoặc đã biến mất hoàn toàn.

Ông Loke đã công bố kết quả như một nghiên cứu tình huống trên tạp chí Science Translational Medicine ở Mỹ. Nhà khoa học này đã ấn tượng với kết quả này tới nỗi chính ông hiện tại đang tìm kiếm các quỹ hỗ trợ cho thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu về quá trình giun sán kiềm chế hệ miễn dịch. Trước ông Loke, nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu liệu pháp điều trị này từ rất sớm. Một trong những nghiên cứu viên nhiệt thành sớm nhất là Joel Weinstock ở Đại học Tufts ở bang Massachusetts, Mỹ người đã nghiên cứu tiềm năng chữa bệnh của giun sán từ đầu những năm 2000. Năm 2005, ông Weinstock công bố một trong số ít các thí nghiệm lâm sàng cho 52 tình nguyện viên mắc bệnh viêm loét ruột kết. 52 người này đã uống 2500 trứng giun roi heo hoặc một thuốc trấn an hai tuần một lần trong vòng ba tháng liên tiếp. 45% những người uống trứng giun roi heo đã cải thiện được bệnh, so với 17% số người dùng thuốc trấn an.

Một trường hợp khác là tiến sỹ John Croese thuộc Viện Townsville ở bang Queensland, Úc, đã công bố kết quả tiêm giun móc cho 9 bệnh nhân bị bệnh Crohn. Sau 11 tháng, 5 người đã hồi phục. Nổi bật nhất hiện nay ở Mỹ và Đan Mạch, các nhà khoa học đang thử nghiệm giun sán để điều trị đa xơ cứng. “Khoa học giờ đây đã có đủ dữ liệu để bảo đảm cho những nghiên cứu sâu hơn về các tiềm năng chữa bệnh”, Thomas Nutman thuộc Viện Dị ứng và các Bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ ở Bethesda, bang Maryland cho biết.

Tuy nhiên, “lý do có ít các nghiên cứu lâm sàng không hẳn là vì hoài nghi về hiệu quả. Mà chính là vì nhà khoa học sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi tiến hành thí nghiệm điều trị bằng giun sán đối với tình nguyện viên”. Giun sán có thể gây hại nghiêm trọng lên cơ thể người. Peter Hotez thuộc Đại học Goerge WashingtonWashington DC nhấn mạnh rằng cấy ghép giun sán là một vấn đề lớn ở các nước đang phát triển và có thể gây ra những bệnh tiêu hóa nghiêm trọng, bệnh thiếu máu và làm trẻ bị suy dinh dưỡng. “Nó chẳng khác gì ngày xưa y học làm cho bệnh nhân bị sốt rét để trị bệnh giang mai”, ông này nói. “Liệu pháp này không thể được cho phép trong y học hiện đại”.

Chưa rõ thực hư ra sao, rất nhiều người Mỹ nhiệt thành tin tưởng vào câu chuyện của anh Michael, đã chọn cách chấp nhận mạo hiểm và nuốt trứng giun tóc hoặc buộc các băng gạc có chứa các trứng giun vào da để cấy giun. Người ta lý giải rằng nếu việc cấy ghép này có vấn đề thì đã có những thuốc trừ giun công hiệu có thể tẩy giun ký sinh như albendazole.

Những món ăn tiềm ẩn giun sán

          Gỏi cá, thịt bò nhúng, tái, cua nướng... là những món ăn được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết chúng có thể chứa ký sinh trùng giun sán và có thể truyền bệnh cho người. Dưới đây là một số thực phẩm dễ là nơi "cư trú" của nhiều loại giun, sán:

1. Cá

 

Ăn cá không nấu kỹ rất dễ bị lây truyền các bệnh từ cá
như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan..

Bệnh sán lá gan nhỏ được phát hiện ở 24 tỉnh, thành trên cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng dân cứ có thói quen ăn gỏi cá. Nhiều nơi tỷ lệ ăn gỏi cá trên 70% như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định và Hà Nội.

Theo một khảo sát trong năm 2009 thì tỷ lệ người nhiễm bệnh ở Ba vì (Hà Nội) là gần 28%, tại Kỳ Sơn (Hòa Bình) là hơn 32%...

Những người có thói quen ăn cá không nấu kỹ (đặc biệt là gỏi cá) rất dễ bị lây truyền các bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan... Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm thấy 95% ấu trùng vẫn còn sống. 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ.

Trong năm 2009, Phó giáo sư Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm khoa Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cùng các cộng sự cũng đã tiến hành lấy 250 mẫu cá gồm: cá chép, mè, trôi, trắm và rôphi. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá gây bệnh cho người trong cá ở Nam Định là 10%, Hòa Bình 3,2% và Hà Nội 2%.

2. Thịt trâu, bò

Ngày nay rất nhiều người ưa chuộng món thịt bò nhúng, tái mà không biết rằng bệnh sán dây bò cũng bắt nguồn từ những món ăn này. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt...

Ngoài ra cũng phải kể đến sán lá gán lớn, ký sinh chủ yếu ở động vặt ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu... và gây bệnh ở người. Tỷ lệ trâu, bò nhiễm sán lá gan lớn từ 31 đến 98%. Bệnh có diễn biến cấp tính, gây đau bụng vùng gan, tổn thương gan, nguy hiểm đến tính mạng, đã có trường hợp vỡ gan (ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định).

Ấu trùng sán lá gan lớn có thể di chuyển ra ngoài gan, sán non có thể cư trú ở khớp, não, đại tràng, dưới da... làm cho bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, khó chẩn đoán.

3. Cua

Tại một số vùng bệnh sán lá phổi như: Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang..., nhóm nguy cơ mắc cao thường do ăn cua nướng. Kết quả điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương cho thấy 100% cua có mang ấu trùng sán lá phổi.

Nhiều người còn ngộ nhận rằng cứ nướng cua là sán chết. Tuy nhiên, thực tế trên cua đã nướng vàng vỏ, 65% ấu trùng sán lá phổi còn sống, còn cua nướng cháy vỏ, tỷ lệ này là 23%.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ấu trùng của giun đầu gai trên lươn, ấu trùng sán trên nhái.

4. Rau sống

 
Ấu trùng của sán lá gan lớn được tìm thấy trên một số loại rau thủy sinh ở Việt Nam như: ngổ, cải xoong... Tuy nhiên, không chỉ các loại rau sống dưới nước mà cả những rau trồng trên cạn cũng nhiễm ký sinh trùng giun sán do được tưới bằng nước thải sinh hoạt.

Trong gần 1.000 mẫu rau lấy tại Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định vào năm 2009, tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun sán như giun đũa, giun móc, giun tóc... cao nhất ở Nam Định (hơn 8%), sau đó là Hà Nội (hơn 3%). Trong đó, rau cải xanh nhiễm nhiều hơn cả. Vì thế, để phòng bệnh giun sán, nếu chỉ kiêng ăn sống các loại rau thuỷ sinh thì chưa đủ, mà các loại rau trồng trên cạn cũng cần được nấu chín.

5. Thịt lợn

           Người nhiễm sán dây, ấu trùng sán lợn có tính chất tản phát tại các vùng miền khác nhau. Tỷ lệ nhiễm thường cao hơn ở miền núi và trung du, bệnh được phát hiện ở 50 tỉnh, thành, có tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%. Con người dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải thịt lợn, gan lợn không được nấu chín, tiết canh. Trong số các loại giun sán thì sán dây lợn là nguy hiểm nhất bởi khi xâm nhập vào cơ thể con người thì vị trí hay gặp nhất là mắt và não người và có thể dẫn đến tử vong.

Hơn nửa kg giun trong bụng bé gần 3 tuổi

            Đau bụng dữ dội, nôn ói liên tục, bé Trần Văn Đạt (34 tháng tuổi) ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nhập viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán tắc ruột, mổ bắt được hơn nửa kg giun trong bụng. Chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ là bé Đạt bị tắc ruột cơ học chưa rõ nguyên nhân. Kêt quả xét nghiệm, siêu âm và chụp phim vùng bụng cho thấy cậu bé chưa đầy 3 tuổi này tắc ruột bởi quá nhiều giun, cần phẫu thuật khẩn cấp để gắp ra.

          
Bác sĩ Nguyễn Tiến Văn, kíp trưởng kíp phẫu thuật gắp giun sán hy hữu này cho biết: "Ca mổ kéo dài suốt 3 giờ liền, bắt hơn 300 con giun sán để bảo vệ tuyệt đối đường ruột cho cháu bé". Hơn nửa kg giun sán được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vừa phẫu thuật gắp ra từ trong bụng bé Trần Văn Đạt.

Hiện tại, bé Đạt được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đặc biệt để sớm hồi phục sức khỏe. Bác sĩ Văn nhận định: đây là lần đầu tiên có cháu bé chưa đầy ba tuổi lại mang trong bụng quá nhiều giun sán nhiều như vậy. Theo các bác sĩ, tình trạng bé Đạt là do sự thiếu ý thức chăm sóc sức khỏe bé của gia đình. Tình trạng này rất phổ biến trong dân, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ trẻ mắc giun sán gây suy dinh dưỡng khá nhiều

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm giun. Theo ước tính của ngành y, tỷ lệ nhiễm giun của trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 44%, trong đó chủ yếu nhiễm các loại: giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc. Nguyên do là các bé rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, thường hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, lại hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất. Tất cả những điều này đã tạo một cơ hội vô cùng thuận lợi cho ký sinh trùng đường ruột phát triển sản sinh ra giun sán với số lượng lớn.

Vỏ quả xoài trị giun sán và băng huyết

a. Vỏ xoài có tác dụng tẩy giun sán đối với trẻ em. Sức mạnh của chất anthelminthic ở vỏ xoài giúp ngăn ngừa bệnh giun cho trẻ em, anthelminthic cũng có tác dụng mạnh trong việc tiêu diệt vi trùng và vi khuẩn trong dạ dày.

Cách làm: Đun sôi vỏ xoài trong 15 phút để chất anthelminthic có tác dụng giết giun sán trong vỏ xoài tan trong nước. Lấy nước cho vào ly cho trẻ uống. Nước vỏ xoài sắc có tác dụng diệt vi khuẩn có hại trong dạ dày.

b. Vỏ xoài là một vị thuốc chữa bệnh ra máu quá nhiều trong thời gian kinh nguyệt. Lấy vỏ xoài vẫn còn xanh chiên trong dầu đã đun nóng. Sau đó ăn vỏ xoài này cho đến khi bệnh thuyên giảm.

Chữa giun sán bằng quả lựu

Ngoài công dụng chữa sán, vỏ rễ và vỏ thân còn dùng làm thuốc ngậm chữa đau răng, chữa đi ngoài, đi lỵ. Nhưng để chữa lỵ đi ngoài, thường dùng vỏ quả. Người ta dùng vỏ thân, vỏ cành, vỏ rễ phơi hay sấy khô, hoặc dùng vỏ quả lựu phơi hay sấy khô làm thuốc. Vỏ thân và rễ lựu có độc, khi dùng phải cẩn thận. Vỏ bóc về phơi khô để dành, dùng càng sớm càng tốt. Có người nói vỏ để lâu quá 1 năm không còn tác dụng. Nhưng có tác giả cho rằng để dành trên 10 năm vẫn còn tác dụng. Không phải chế biến gì khác.

Chữa sán: Phụ nữ có thai và trẻ em không dùng được. Nên dùng vỏ rễ lựu vì trong vỏ, chất peletierin, isopeletierin được kết hợp tự nhiên với tanin thành một chất không tan, tác dụng nhiều đối với sán ở trong ruột, ít làm mệt cơ thể người. Tuy nhiên, uống cả vỏ hơi khó.

Nên chọn vỏ mới đào, vỏ tươi hiệu lực mạnh hơn do có nhiều ancaloit. Khi dùng rễ khô, cần ngâm nước vài giờ trước khi pha chế thì vẫn có hiệu lực chữa sán.

Chữa sán theo dược thư của Pháp: Vỏ lựu khô tán vừa phải 60 g, nước cất 750 g. Cần ngâm bột trong 6 giờ. Sau đó sắc còn 500 g rồi gạn và lọc. Sáng sớm uống thuốc này, chia làm 2 lần hay 3 lần uống, cứ cách nửa giờ uống 1 lần, sau khi uống liều cuối cùng được 2 giờ thì uống 1 liều thuốc tẩy. Khi uống thuốc cần nằm nghỉ, nhắm mắt lại cho đỡ mệt.

Đơn thuốc chữa sán có phối hợp với thuốc tẩy: Vỏ rễ lựu 40 g, đại hoàng 4 g, hạt cau 4 g, nước 750 ml sắc còn 300 ml. Tối hôm trước nhịn đói. Sáng sớm hôm sau uống thuốc này, chia làm 2-3 lần uống. Trong khi uống thuốc cần nằm nghỉ. Đợi khi nào thật buồn đi ngoài hãy đi, mông nhúng hẳn vào một chậu nước ấm ấm để sán ra hết.

Gặp lại 23 người khốn đốn vì... giun móc sau khi ăn thịt trăn

Kết luận của Cục ATVSTP - Bộ Y tế, trường hợp 23 người mắc “bệnh lạ” sau khi ăn thịt trăn thực chất là do nhiễm ký sinh trùng từ trăn. PV về gặp lại 23 bệnh nhân này. Hai tháng nay, bệnh họ cơ bản đã khỏi nhưng tinh thần vẫn rất hoang mang.

Anh Trọng đã khỏe hơn nhiều so với trước đây, song vẫn lo căn bệnh có thể trở lại "bất thình lình".

            Chiều 17/12, chúng tôi tìm về xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, Gia Lai, gặp lại 23 người đã bị căn “bệnh lạ” hành hạ sau khi cùng nhau ăn thịt một con trăn mua được. Đang vào mùa thu hoạch cà phê nên tất cả họ đều đang ở trong rẫy. Phải chờ đến chiều tối, một số người mới đi làm về. Anh Lê Trọng, một người trong số đó, cho biết, gần 2 tháng nay, tất cả 23 người ăn thịt trăn đã “tự dưng” khỏi bệnh và có thể đi làm trở lại bình thường. Riêng anh thì lâu lâu bắp chân có hơi nhức mỏi một chút.

Tuy đã tạm khỏi bệnh nhưng bản thân anh Trọng và những người khác vẫn rất hoang mang, lo lắng bởi cho đến giờ anh vẫn chưa biết chính xác căn bệnh mà mình mắc phải. “Hai tháng nay, sức khỏe của tôi đã bình thường, không còn thấy biểu hiện của bệnh nữa. Nhưng tôi vẫn rất sợ vì đi khám ở bệnh viện họ cũng không tìm ra bệnh nên chúng tôi lo lắm. Nếu lần này bệnh trở lại thì không biết như thế nào nữa”, anh Trọng tâm sự. Kể từ sau hôm ăn thịt trăn, anh và 22 người khác có cùng một triệu chứng: sốt cao, lúc nóng, lúc lạnh, các bắp tay, bắp chân nhức mỏi buốt đến tận xương, toàn thân bải hoải, không thể làm gì. Căn bệnh cứ tái phát theo chu kỳ, đi bệnh viện cũng không có kết luận bệnh chính xác.

Bắt đầu từ đây, có những đồn thổi nhuốm màu mê tín, hoang đường khiến các bệnh nhân càng hoang mang, tìm thầy mong được hóa giải bệnh tật. Hầu hết mọi người đều lo chạy thầy chạy thuốc mất rất nhiều tiền. Như gia đình ông Nguyễn Văn Thông và bà Trần Thị Mai có đến 5 người mắc bệnh (trong đó có con dâu ông Thông đang mang bầu), đã tiêu tốn hết hơn 90 triệu đồng tiền thuốc. Bà Mai cho biết, hiện cả gia đình bà đều đã khỏe lại, không ai còn uống thuốc gì nữa nhưng cả nhà vẫn chưa yên tâm. “Chúng tôi đã đi làm lại bình thường nhưng vẫn rất lo vì chưa ai tìm ra nguyên nhân. Người dùng nhiều thuốc cũng khỏi, mà không dùng thuốc cũng khỏi, lạ lắm. Nhà tôi mỗi đứa con gái đang học Đại học trong TPHCM là không ăn không bị gì, còn lại đều bị hết nên chúng tôi rất sợ”, bà Mai lo lắng.

Cũng như bà Mai, anh Nguyễn Văn Khánh chưa hết hoang mang: “Bị bệnh mà chúng tôi không biết đó là bệnh gì, mọi người trong thôn thì cứ mỗi người mỗi câu chuyện khiến chúng tôi lo sợ, ám ảnh suốt”. 23 người bị bệnh, người thì được chẩn đoán sốt xuất huyết, người thì được bệnh viện kết luận là viêm da cơ, viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết. Cá biệt có ông Thông và bà Mai xét nghiệm máu cho kết quả có kí sinh trùng sán chó. Ngày vừa qua, đại diện Cục ATVSTP - Bộ Y tế đã có kết luận chính thức về căn “bệnh lạ” của 23 người nói trên: Những người này do ăn phải con trăn bị nhiễm kí sinh trùng nên chính cơ thể họ bị nhiễm giun móc. Bệnh của họ tái phát theo chu kỳ là ứng với chu kỳ đẻ trứng của loại giun này.

Vợ chồng nhập viện vì nhiễm giun từ nem tái

            Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đang điều trị cho một cặp vợ chồng cùng nhiễm giun xoắn, đều ở Mường Lát, Thanh Hóa. Nguyên nhân được xác định là do ăn nem thính làm từ thịt lợn tái, nhiễm kén có ấu trùng giun. Trước đó, từ cuối tháng 1, vợ chồng chị Lộc bắt đầu bị tiêu chảy, phù nề, sốt cao, buồn nôn, đau đầu… Điều trị 10 ngày ở Bệnh viện huyện Mường Lát không khỏi, cả hai được chuyển tới bệnh viện khu vực, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đến nay, sau một tuần điều trị, chị Lộc đã hết sốt, bớt phù và không còn tiêu chảy. Trong khi đó, người chồng vẫn còn khá mệt mỏi và vẫn sốt.

Đến lúc này, hai vợ chồng chị Lộc vẫn không nghĩ rằng nguyên nhân mình nằm viện điều trị gần 1 tháng nay là do ăn thịt lợn chưa nấu chín, mà cụ thể là món nem thính, một đặc sản của địa phương. Năm nào, nhà chị cũng tự làm 2- 3 kg nem thính, nhưng chưa bao giờ có ai bị như thế.

“Lúc đầu, mình nghĩ có thể là do nguồn nước không đảm bảo. Cả thị trấn Mường Lát hiện dùng chung một nguồn nước bắt nguồn từ một con suối, nên có thể xác, chất thải của động vật, của con người khiến nguồn nước ô nhiễm... Ai ngờ lại do chính món thịt mình ăn. Nói chung bị một lần là sợ lắm rồi”, chị Lộc buồn bã nói.

Theo chị Lộc, hàng xóm của chị cũng có mấy người có triệu chứng tương tự đang điều trị tại tỉnh. Có nhiều người khác thì bị sưng mắt, đau cơ.

 

Một bệnh nhân nhiễm giun xoắn đang
điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hà, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Phán đoán các bệnh nhân có thể nhiễm ký sinh trùng đường ruột, tức nhiễm giun sán, chúng tôi đã lấy mẫu huyết thanh gửi tới Đại học Y Hà Nội và Viện Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương để làm xét nghiệm chẩn đoán. Đồng thời cũng gửi mẫu sinh thiết cơ, xem trong cơ của bệnh nhân có kén của ấu trùng giun xoắn hay không”.

           Đến ngày 29/2, kết quả xét nghiệm cho thấy 2 mẫu huyết thanh đều dương tính với giun xoắn. Riêng mẫu sinh thiết cơ là không thấy xuất hiện các kén của ấu trùng giun. Tại khoa cũng đang đang điều trị cho một cặp vợ chồng khác cũng nhiễm giun xoắn, trong đó người vợ đang mang thai nhưng rất may đã ở tháng thứ 8. Phụ nữ có thai chống chỉ định dùng thuốc diệt giun xoắn trong 3 tháng đầu, còn những tháng sau vẫn dùng được, bác sĩ Hà cho biết.

“Bên cạnh đó, Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa cũng xác nhận đang điều trị cho 4 bệnh nhân. Bởi vậy, chúng tôi đã báo vụ việc với Viện ký sinh trùng và côn trùng Trung ương. Viện này đã gửi cán bộ về điều tra dịch tễ tại Mường Lát”, bác sĩ Hà cho biết thêm. Theo bác sĩ, giun xoắn là bệnh lây từ động vật sang người khi người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín. Nguyên nhân thường liên quan tới tập quán ăn sống, ăn tái. Khi vào dạ dày người, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén và di chuyển tới ruột non. Tại đây, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành, qua thành ruột đi vào các mạch máu, từ đó tới tim, phổi, các cơ vân tạo thành kén.

Bệnh thường có những biểu hiện như: đau cơ, sốt tăng dần, tiêu chảy, mày đay... Những trường hợp bệnh nặng, có thể xảy ra một số biến chứng vào tuần thứ 3- 4 như: viêm cơ, viêm phổi, viêm não làm bệnh nhân có thể tử vong. Tùy theo mức độ nhiễm, tỷ lệ tử vong khoảng 6-30%. Vì thế, để phòng bệnh này, người dân cần tuyệt đối tránh các món ăn từ động vật mà chưa được chế biến chín, nhất là các món như: nem làm từ thịt lợn sống, thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, tiết canh lợn… Đặc biệt, cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán… là những động vật được nuôi thả rông, dễ nhiễm ấu trùng giun từ môi trường và truyền sang người.

Tiếp xúc nhiều với vật nuôi dễ nhiễm sán và bệnh tim mạch

Xem con vật nuôi thân thiện như người bạn tri kỷ, H. thường xuyên ăn cùng, chơi cùng và ngủ cùng chú cún cưng. Bất ngờ đổ bệnh nhưng không rõ nguyên nhân, đến khi tính mạng thiếu nữ như “ngàn cân treo sợi tóc” bác sĩ mới phát hiện em bị nhiễm sán chó. Vụ việc hi hữu trên đã xảy ra với em N.M.H (15 tuổi, ngụ tại Đồng Nai). Cách nhập viện 10 ngày, H. bất ngờ đổ bệnh dù gia đình đã cho uống đủ các loại thuốc nhưng tình trạng sốt kèm theo ho khan ngày một nặng thêm. Trước tình trạng này, người nhà đã đưa em đến bệnh viện địa phương kiểm tra nhưng không xác định được bệnh nên bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.

Tại đây, bác sĩ ghi nhận H. trong tình trạng sốc tim, khó thở, tím tái, trụy mạch, phù mặt, gan to, phù 2 chân. Em liên tục than đau tức ngực, khó thở, ho khan cơ thể sốt nhẹ… Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bệnh nhân H. đã bị viêm cơ tim cấp dẫn đến sốc tim. Ngay lập tức em được chuyển đến khoa Tim mạch điều trị. Theo thông tin từ phía gia đình, trước khi bị bệnh em H. có thói quen “thường xuyên ăn, chơi và ngủ chung với chó”. Nghi ngờ H. bị nhiễm giun sán của loại động vật này bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm huyết thanh của bệnh nhân. Kết quả cho thấy H. bị nhiễm Toxocara (một loại giun sán ở chó mèo).

           Việc bị nhiễm loại giun sán này đã khiến cho các cơ quan nội tạng của bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng. Sau khi được điều trị tích cực tình trạng của em dần được cải thiện. Qua trường hợp này bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên để con em mình quá thân thiết với chó mèo các bé rất dễ bị nhiễm những loại ký sinh trùng nguy hiểm.

Phòng tránh bệnh da do ấu trùng sán vịt?

Mẹ em làm ruộng, hiện nay sắp đến vụ cấy đông- xuân nhưng cứ vào vụ cấy hay gặt, mẹ em thường bị ngứa da, trên da còn xuất hiện vết xước và mụn mủ nên em rất lo lắng không biết mẹ bị bệnh gì, có biện pháp nào phòng tránh được không? (một câu hỏi của bạn Bùi Hải Linh ở Thanh Hóa).

Trong thư em không cho biết mẹ em có làm ở ruộng nước có thả vịt hay không nhưng những triệu chứng em mô tả có thể phần nào khẳng định mẹ em bị mắc bệnh da rất thường gặp ở người làm nông nghiệp, đó là bệnh da do ấu trùng sán vịt. Đây là loài sán lá hình thoi có đuôi đơn, đuôi kép ở phía sau, loại ấu trùng này sống ở cơ thể ốc. Khi vịt mò ốc để ăn, ấu trùng có một thời gian ký sinh trong ruột vịt rồi theo phân vịt ra ruộng bám vào da người lội. Vài phút sau khi ấu trùng thâm nhập qua da, người bệnh sẽ thấy ngứa, khoảng 2 giờ sau nổi các vết đỏ, 10 giờ sau nổi các sẩn mày đay. Vị trí thường gặp là cẳng chân, mắt cá chân, quanh các móng chân, móng tay, kẽ tay, kẽ chân. Một đến hai ngày sau có các vết xuất huyết dưới da. Sau đó sẩn dần dần lặn. Ở người có cơ địa dị ứng, sẩn ngứa có thể xuất hiện rải rác toàn thân. Sau 5 đến 7 ngày, nếu không bị nhiễm ấu trùng nữa bệnh sẽ giảm và hết. Nếu gãi nhiều trên da xuất hiện các vết xước, mụn mủ do bội nhiễm. Để phòng tránh ấu trùng sán vịt chui qua da gây bệnh cần mang trang bị bảo hộ lao động khi làm việc (đi bốt cao su, quấn xà cạp vải dầy) và xoa dầu lên các phần hở của da khi lao động dưới nước; sau giờ lao động nên tắm sạch, xoa dầu lên da.

Bé sơ sinh sống lại sau hơn 10 giờ nằm nhà xác

Bé gái 1 tuần tuổi Luz Milagros Veron người Argentina đã làm nên điều kỳ diệu khi sống lại sau hơn 10 giờ nằm trong nhà xác. Các bác sĩ tại Bệnh viện Perrando (Argentina) - nơi bé chào đời không thể giải thích nguyên nhân vụ việc hy hữu này. Trong khi đó, những nhân viên bệnh viện có liên quan đều đang bị đình chỉ công tác để điều tra. Hiện giờ, bé Luz Milagros đang trong tình trạng ổn định nhưng vẫn được chăm sóc đặc biệt, một quan chức y tế cho biết.

Hiện giờ, bé Luz Milagros đang trong tình trạng ổn định

            Theo giám đốc bệnh viện - tiến sĩ Jose Luis Meirino, bé Luz Milagros chào đời ngày 3/4 và được sinh sớm 3 tháng. Cũng theo ông Meirino, khi bé mới chào đời, các bác sĩ không thấy bé có bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống. Họ đã theo dõi tình trạng bé một lúc rồi tuyên bố bé đã chết. Sau đó, 2 nhân viên bệnh viện đưa thi thể bé vào quan tài và đặt vào phòng lạnh. "Tính đến thời điểm đó, bé vẫn chưa có dấu hiệu của sự sống”, ông Meirino nói thêm.

Tối đó, mẹ bé, cô Analia Bouter muốn nhìn thấy thi thể con mình lần cuối. Nhân viên bệnh viện cho phép vợ chồng cô đến thăm em bé vào lúc 10 giờ tối. Từ lúc bé được tuyên bố qua đời đến lúc đó đã 12 giờ đồng hồ trôi qua.

 

Mẹ bé Luz Milagros  

           Tuy nhiên, khi Bouter đến gần và chạm tay vào bé, cô bất chợt nghe thấy tiếng khóc dù cơ thể của bé vẫn lạnh ngắt. “Điều này chỉ có thể là một phép màu của Chúa”, bố bé xúc động nói. Bé đã được đặt tên là Luz Milagros - tiếng Tây Ban Nha nghĩa là ánh sáng và phép lạ.

Một vụ việc gần như tương tự đã từng xảy ra tại Israel vào năm 2008. Một em bé được tìm thấy vẫn còn sống trong nhà xác dù các bác sĩ tuyên bố bé đã qua đời. Vào thời điểm đó, một số bác sĩ cho rằng chính nhiệt độ thấp bên trong nhà xác đã làm chậm quá trình trao đổi chất và giúp bé sống sót. Tuy nhiên, sau đó em bé này đã chết.

Cải xanh nhiễm ấu trùng giun sán nhiều nhất

Trong gần 1.000 mẫu rau lấy tại Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun sán như giun đũa, giun móc, giun tóc... cao nhất ở Nam Định (hơn 8%), sau đó là Hà Nội (hơn 3%). Trong đó, rau cải xanh nhiễm nhiều hơn cả. Đây là kết quả nghiên cứu mới của Phó giáo sư Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm khoa Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cùng các cộng sự. Nhóm nghiên cứu đã lấy 330 mẫu rau tại mỗi thành phố, với 6 loại rau: muống, ngổ, cần, cải xanh, diếp, cải xoong (rau trồng trên cạn và dưới nước).

Kết quả cho thấy, rau cải xanh là loại nhiễm ấu trùng giun sán nhiều nhất. Tại Nam Định, tỷ lệ này lên tới gần 13%, trong khi đó tại Hà Nội là hơn 5% và Hòa Bình là gần 4%. Đặc biệt, tỷ lệ rau nhiễm các loại đơn bào gây bệnh đường tiêu hóa như Ecoli... tại khu vực thành thị ở Nam Định cao nhất - hơn 50%, sau đó là Hà Nội - hơn 30% và Hòa Bình là gần 24%. Khu vực nông thôn cao hơn rất nhiều, có nơi lên đến gần 73% như ở Nam Định, tại Hà Nội cũng lên đến gần 50%. Theo phó giáo sư Đề, nhiều người cho rằng chỉ các loại rau trồng dưới nước mới nhiễm ký sinh trùng. Tuy nhiên, thực tế rau trồng trên cạn cũng nhiễm. "Tập quán tưới rau bằng nước thải sinh hoạt vẫn rất phổ biến tại Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến các loại rau được trồng trên cạn nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng", phó giáo sư Đề nói.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng lấy 250 mẫu cá gồm: cá chép, mè, trắm, trôi, rôphi. Kết quả, tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá ở nông thôn cao hơn thành thị. Chẳng hạn, ở Nam Định nơi có tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá cao nhất thì ở nông thôn là hơn 30% trong khi thành thị là 10%. Phó giáo sư Đề cho biết "Những người có thói quen ăn cá không nấu kỹ rất dễ bị lây truyền bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, loại này sống rất lâu trong điều kiện môi trường, ngay cả khi ngâm ướp vài giờ đồng hồ".

Đặc biệt là ăn gỏi cá nguy cơ mắc bệnh giun sán rất cao. Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm thấy 95% ấu trùng còn sống. 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng lấy cả lươn, cua, ếch để xét nghiệm. Kết quả phát hiện ấu trùng của giun đầu gai trên lươn, của sán lá phổi trên cua và ấu trùng sán nhái. Trên cua đã nướng vàng vỏ, 65% ấu trùng sán lá còn sống, còn cua nướng cháy vỏ, tỷ lệ này là 23%. Phó giáo sư Đề cũng cho biết, việc ngâm rau bằng nước muối cũng không diệt được trứng ấu trùng mà chỉ rửa nhiều lần cho trôi bớt. Dùng thuốc sát trùng như thuốc tím cũng chỉ diệt được vi khuẩn còn ký sinh trùng thì không thể. Vì thế, điều quan trọng là người tiêu dùng không nên ăn sống mà ăn chín, uống sôi, dùng nước sạch.

Ngày 14/08/2012
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang,
Cn. Nguyễn Tấn Thoa, Cn. Cao Văn Ảnh
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích