Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 0 1 3 7
Số người đang truy cập
5 0 6
 Chuyên đề Ký sinh trùng
Đặc tính dược lý học và chỉ định điều trị bệnh ký sinh trùng của thuốc Albendazole phổ rộng

Tổng quan chung về thuốc Albendazole

           Thuốc albendazole thuộc nhóm dược lý của thuốc trị ký sinh trùng và chống nhiễm khuẩn, có nhiều tên biệt dược khác nhau như Albenza, Adazol, ABZ, Albenza, Eskazole, Zeben, Zentel, Hyaron, Azole, Vidoca,…Dạng bào chế theo dạng đường uống với viên nhai, viên nén, viên nén bao phim, dạng nhữ dịch, ….

Dược lý học về thuốc Albendazole

Dược lực học:

-Albendazol là một dẫn xuất benzimidazol carbamat, cấu trúc hóa học có nhiều khía cạnh liên quan với thuốc mebendazol.

-Albendazole có tác dụng diệt đa giai đoạn của giun trứng, ấu trùng và giun trưởng thành;

-Ức chế quá trình trùng hợp vi quản tubulin, dẫn đến mất các microtubulesbào tương của giun sán;

-Albendazole ức chế hấp thụ glucose, do đó làm giun mất năng lượng không đủ để sống, gây bất động rồi chết, xác giun bị nhu động ruột đẩy ra ngoài.

Dược động học:

-Sau khi uống, albendazol được hấp thu rất kém (5%) theo đường tiêu hóa, tuy nhiên chúng lại chuyển hóa nhanh sang dạng chất chuyển hóa có hoạt tính đầu tiên là albendazole sulfoxide trước khi chúng đi vào hệ tuần hoàn. Vì chuyển hóa lần đầu tại gan rất nhanh nên không thấy albendazol hoặc chỉ thấy ở dạng vết trong huyết tương;

-Albendazol sulfoxid (chất chuyển hóa vẫn còn hoạt tính của albendazol) gắn 70% với protein huyết tương và phân bố rộng khắp cơ thể, qua được hàng rào máu não và có nồng độ trong dịch não tuỷ bằng 1/3 nồng độ trong huyết tương;

-Thuốc dùng cùng với bữa ăn có nhiều chất béo sẽ làm tăng sinh khả dụng của thuốc và có thể tăng đến 5 lần nồng độ trong huyết tương của albendazole sulfoxide;

-Nồng độ albendazole sulfoxide huyết tương là lệ thuộc liều. Cmax đạt được trong vòng 2-5 giờ và nồng độ khoảng 0.46 - 1.58 mcg/mL khi dùng với bữa ăn có nhiều chất béo;

-Sau khi chuyển hóa trong gan, thành phần albendazole sulfoxide sulfone và các chất chuyển hóa oxidase khác, thải trừ phần lớn qua thận, một lượng nhỏ qua mật.

-Thời gian bán thải của albendazole sulfoxide khoảng 8 – 12 giờ (trung bình 9 giờ), albendazole sulfoxide đào thải qua mật dẫn đến nồng độ trong mật tương tự như nồng độ trong huyết tương. Sự bài tiết qua đường tiểu là rất nhỏ (< 1%).

Tương tác thuốc

Khi dùng albendazole có thể thuốc tương tác với một số loạn thuốc khác như dexamethason, cimetidine, praziquantel, theophyline,… làm tăng nồng độ albendazol sulfoxid trong máu khi dùng phối hợp. do vậy, cần điều chỉnh liều khi cần thiết. Tổng số có 71 thuốc (262 thuốc brand và tên generic được biết có tương tác với thuốc albendazole, trong đó 1 loại tượng tác thuốc nghiêm trọng, 57 thuốc tương tác mức độ trung bình và 13 thuốc tương tác mức độ nhẹ. Chẳng hạn:

Cimetidine: trên các bệnh nhân bị nang sán (hydatid cyst), nồng độ albendazole sulfoxide trong mật và dịch nang có thể tăng gấp 2 lần; tuy nhiên, nồng độ thuốc trong huyết tương là không đổi sau 4 giờ cho thuốc.

Dexamethasone:nồng độ thuốc dưới đường cong của albendazole diễn tiến tăng chậm và từ từ khaongr 56% khi cho đồng thời với thuốc dexamethasone 8 mg. Theo dõi bệnh nhân để giám sát các tác dụng ngoại ý. Nếu nghi ngờ tương tác thuốc xảy ra, nên điều chỉnh liều thuốc albendazole là cần thiết.
 

Praziquantel:Nồng độ tối đa albendazole sulfoxide (Cmax) có thể tăng khoảng 50% gia tăng nguy cơ phản ứng ngoại ý. Giám sáttác dụng ngoại ý của albendazole là việc quan trọng. Nếu tương tác thuốc là nghi ngờ thì nên điều chỉnh liều albendazole.

Theophylline:dù dược động học của theophylline không thay đổi do albendazole, song cũng nên giam sát nồng độ theophylline trong huyết tương trong suốt quá trình điều trị và sau khi điều trị albendazole. Điều chỉnh liều theophylline khi cần thiết.

              Ngoài ra còn vấn đề tương tác với một số thực phẩm, do đó chúng ta cần điều chỉnh khoảng cách liều dùng. Thức ăn có thể làm tăng sinh khả dụng của thuốc đường uống albendazole, điều này sau đó chuyển hóa nhanh nhờ vào các tế bào niêm mạc ruột và tế bào gan thành các chất có hoạt tính như albendazole sulfoxide (ABZSX) sau khi hấp thu. Cơ chế được cho rằng là sự kích thích tiết của acide dịch vị cũng như hấp thụ của albendazole qua quá trình lệ thuộc pH. Theo ghi nhận của các sản phẩm, nồng độ trong huyết tương của ABZSX cao hơn 5 lần mức trung bình sau khi chỉ định uống thuốc với bữa ăn có nhiều chất béo (thành phần chất béo khoảng 40 g).Trong một nghiên cứu trên 6 người nam giới tình nguyện, chỉ định liều duy nhất 10mg/kg đường uống albendazole khi dùng với bữa ăn có chất béo cao (57g chất béo, 1399 kcal) đã làm tăng trị số trung bình ABZSX trong huyết tương (Cmax) và nồng độ dưới đường cong (AUC) lần lượt gấp 6.5- 9.4 lần và làm chậm thời gian đạt đến Cmax (Tmax) từ 2.5 - 5.3 giờ so với chỉ định dùng thuốc chỉ có nước mà không có chất béo.
 

Cần phải có giám sát khi dùng chung thuốc albendazole với thức ăn, chẳng hạn nước bưởi: nồng độ albendazole trong huyết tương có thể tăng lên và thời gian bán hủy có thể ngắn lại, tăng nguy cơ tác dụng ngoại ý của thuốc. Các bệnh nhân nên tránh các sản phẩm của bưởi trong khi dùng thuốc albendazole. Nước bưởi có thể làm tăng sinh khả dụng đường uống đối với thuốc albendazole, nhanh chóng chuyển nhờ qua các tế bào gan và tế bào niêm mạc ruột thành chất chuyển hóa albendazole sulfoxide (ABZSX).
 

Cơ chế tác dụng

-Albendazole là một dẫn chất benzimidazol carbamat, có phổ hoạt tính rộng trên các loại giun đường ruột như gian đũa, gium kim, giun lươn, giun móc, giun mỏ, giun tóc, giun xoắn, và thể ấu trùng ở cơ và da, các loại sán dây và ấu trùng sán ở mô.

-Albendazole có hoạt tính trên giai đoạn trưởng thành và giai đoạn ấu trùng của các giun đường ruột, diệt được trứng của giun đũa và giun tóc.

-Dạng chuyển hóa có hoạt tính chủ yếu của albendazole là albendazole sulfoxid vẫn còn tác dụng và giữ vị trí quan trọng về tác dụng dược lý của thuốc.

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

-Nhiễm giun kim, giun đũa, giun móc, giun tóc.

-Nhiễm giun lươn và sán dây: có thuốc đặc trị, việc điều trị chỉ được xét đến nếu có phối hợp với bệnh do ký sinh trùng khác nhạy cảm với albendazole;

-Điều trị các bệnh lý ấu trùng sán dây lợn thể thần kinh ở nhu mô do các thương tổn hoạt động gây ra bởi thể ấu trùng của sán dây lợn, sán dây bò;

-Điều trị nang sán (cystic hydatid disease) ở gan và khoang phúc mạc do ấu trùng của sán dây chó Echinococcus granulosus.
 

Một số sử dụng không theo chỉ định ghi trên nhãn (Unlabeled use)

-Để điều trị nhiễm đơn hay nhiễm phối hợp các loại giun tròn đường ruột, gồm có giun đũa, giun kim, giun lươn, giun tóc, giun xoắn, giun đầu gai, nhiễm trùng giun ở mô, hội chứng ấu trùng di chuyển, giun móc, mỏ, giun đũa chó mèo, giun móc chó, …

-Trong phối hợp với các giun khác như trong nhiễm giun chỉ bạch huyết hoặc nhiễm trùng các microsporidia đường ruột trên các bệnh nhân AIDS.

Chống chỉ định:
 

-Bệnh nhân quá mẫn với hợp chất benzimidazole hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc;

-Phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi.

-Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai

-Suy gan như bệnh xơ gan

-Có tiền sử nhiễm độc tủy xương.

Chỉ định dùng thuốc trong một số trường hợp đặc biệt

Suy chức năng thận

Dược động học chưa được nghiên cứu trên các bệnh nhân suy giảm chức năng thận, nhưng độ thanh thải của thận sẽ không bình thường khi dùng các hoạt chất albendazole và albendazole sulfoxide, vì sự đào thải qua thận phải xem xét đến.

Suy chức năng gan

Thành phần thuốc albendazole sulfoxide tăng lên trên các bệnh nhân tắc nghẽn đường mật ngoài gan.

Người cao tuổi

Các dữ liệu cho thấy dược động học tương tự trên các đối tượng là người trẻ và khỏe mạnh.

Trẻ em

Albendazole sulfoxide có đặc tính dược động học tượng tự như trên các đối tượng người trưởng thành qua các nghiên cứu.

Thận trọng lúc dùng

-Phụ nữ có thai: không nên dùng albendazole cho người mang thai trừ trường hợp bắt buộc phải dùng mà không có cách nào khác.

-Người bệnh không được mang thai trong thời gian ít nhất 1 tháng sau khi dùng albendazole.

-Nếu người bệnh đang dùng thuốc mà lỡ mang thai thì phải ngừng thuốc ngay và phải hiểu rõ là thuốc có thể gây nguy hại rất nặng cho thai.

-Phụ nữ cho con bú không nên dùng albendazole.

Tác dụng ngoại ý

-Khi điều trị trong thời gian ngắn (1 - 3 ngày) khoảng 6% bệnh nhân gặp một vài tác dụng không mong muốn nhẹ, thoáng qua như: đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, mệt, mất ngủ.

-Dùng liều cao, kéo dài để điều trị bệnh nang sán hoặc bệnh ấu trùng sán lợn có tổn thương não, phản ứng có hại hoặc tác dụng ngoại ý thường gặp nhiều và nặng hơn; đau đầu, rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, đau bụng), rụng tóc, ban đỏ, ngứa, giảm bạch cầu...;

-Sốt, hoặc suy thận cấp (hậu thị trường);

-Một số tác dụng ngoại ý có thể gặp và ghi nhận trên y văn và được Drugs.com tổng hợp:

+Trên hệ thần kinh trung ương: nhức đầu (11%), tăng áp lực sọ não (2%), chóng mặt hoặc dấu màng não (1%);

+Dấu hiệu trên da: rụng tóc có thể hồi phục (2%), hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson (hậu thị trường);

+Trên hệ tiêu hóa: khó chịu dạ dày ruột, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn (6%);

+Trên hệ gan mật: thay đổi chức năng gan bất thường (16%), suy gan cấp, viêm gan (hậu thị trường);

+Hệ bạch huyết – huyết học: giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm huyết cầu toàn thể, giảm tiểu cầu (< 1%), thiếu máu bất sản, ức chế tủy xương, giảm bạch cầu trung tính (hậu thị trường);
 

Liều lượng và lời khuyên khi dùng thuốc albendazole

Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi dùng liều như nhau khi sổ giun/ tẩy giun. Không cần phải nhịn đói hoặc dùng thuốc tẩy.

-Nhiễm giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc: uống liều duy nhất 400 mg;

-Giun kim thường hay bị tái nhiễm, có thể dùng nhắc lại sau 2 - 4 tuần;

-Nhiễm giun lươn, sán dây; mỗi ngày uống 400 mg, trong 3 ngày;

-Nhiễm giun đũa chó: mỗi ngày 800 mg trong 2-3 tuần;

-Bệnh nang sán: dùng 4 đợt, mỗi đợt 28 ngày, mỗi ngày 10 - 15 mg/ kg chia làm 3 lần. Các đợt cách nhau 14 ngày. Tuy nhiên thời gian điều trị còn tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh và sự dung nạp của người bệnh.

-Nhiễm ấu trùng sán lợn có tổn thương não:

+Đối với các bệnh nhân cân nặng từ 60 kg trở lên, dùng liều 400mg hai lẫn mỗi ngày cùng với thức ăn (hay sau bữa ăn) trong 8-30 ngày (trung bình 28 ngày);

+Đối với các bệnh nhân < 60 kg, liều dùng là 15mg/kg chia 2 lần mỗi ngày trong 8-30 ngày (trung bình 28 ngày), liều tối đa 800mg.

-Đối với bệnh nang sán (hydatid disease):

+Đối với các bệnh nhân cân nặng từ 60kg hoặc hơn, dùng liều 400mg hai lần mỗi ngày sau bữa ăn trong một liệu trình 28 ngày, sau đó ngưng thuốc 14 ngày, dùng lại liều trình 28 ngày mới và nghỉ 14 ngày rồi dùng lại liệu trình 28 ngày (tổng cộng 3 liệu trình);

+Đối với các bệnh nhân < 60kg, liều dùng 15mg/kg/ngày chia hai lần mỗi ngày cùng với bữa ăn (tối đa 800mg/ngày) trong liệu trình 28 ngày, sau đó nghỉ 14 ngày rồi lại dùng tiếp 28 ngày (tổng cộng 3 liệu trình);

+Trong giai đoạn trước hoặc sau phẩu thuật, để đảm bảo điều trị tiệt căn các nang sán một cách tối ưu, nên dùng 3 liệu trình như thế.

Khuyến cáo chung khi dùng thuốc albendazole

-Albendazole nên uống với thức ăn;

-Nếu khó nuốt viên thuốc, các viên albendazole có thể nghiền nhỏ hoặc nhai nát với một ít nước;

-Các bệnh nhân được điều trị bệnh ấu trùng sán lợn thể thần kinh (neurocysticercosis) nên uống thêm liều steroid và thuốc chống co giật thích hợp. Corticosteroids dùng đường uống hay tĩnh mạch nên chỉ định để ngăn quá trình tăn áp sọ não trong tuần đầu tiên điều trị.

Bảo quản

-Albendazole dạng nhũ dịch nên giữ ở nhiệt độ phòng (15-30°C);

-Tránh để đông lạnh và nên lắc trước khi sử dụng nếu là dạng nhũ dịch;

-Tất cả chế phẩm albendazole nên bảo quản ở 15-300C là tốt nhất.

Nghiên cứu điều trị ấu trùng giun đũa chó/ mèo (Toxocara canis/ cati) bằng albendazole

Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là một bệnh ký sinh trùng do hai loài giun tròn Toxocara canis (từ chó) và loài hiếm gặp hơn là Toxocara cati (từ mèo). Bệnh này được xem là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng bị lãng quên (Neglected Parasitic Infections), một trong 5 nhóm bệnh ký sinh trùng thuộc chương trình hành động y tế công cộng được điểm mặt và quan tâm của Trung tâm phòng chống bệnh tật Mỹ (CDC) quan tâm hiện nay.

Điều trị albendazole hoặc mebendazole được chỉ định đối với một số trường hợp bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo thể phủ tạng, dù thời gian điều trị tối ưu chưa xác định. Song, thời gian dùng thuốc albendazole có thể kéo dài từ vài tuần đến tháng mới có thể giải quyết được các trường hợp nhiễm trong mô kéo dài, nhằm bảo vệ khỏi tổn thương mắt và các cơ quan não, gan và các nghiên cứu đã có thấy albendazole được sử dụng để điều trị cho hàng triệu bệnh nhân trên khắp thế giới và sử dụng hiệu quả trong các chiến dịch sổ giun hàng loạt (CDC, 2012).

Thuốc Albendazole cũng như một số thuốc trong nhóm benzimidazole từ lâu được xem là một trong những thuốc có hoạt tính chống lại đa loại giun sán ở người và động vật (Talin Barisani-Asenbauervà cs., 2004; Darı´o Leonardi và cs., 2009; Jong-Yil Chai và cs., 2011), liều trình ngắn hoặc dài tùy thuộc vào cơ quan tổn thương và mục đích điều trị, có thể chỉ 1 tuần hoặc có thể kéo dài đến 4 tuần, có dùng kèm với thuốc corticosteroides hay không kèm tùy thuộc vào phân định lâm sàng trên từng thể bệnh (thể không triệu chứng, thể mắt và thần kinh, thể phủ tạng hoặc thể ẩn da niêm mạc).

Các nghiên cứu sử dụng liệu pháp albendazole liệu trình ngắn ngày chỉ cho hiệu quả dao động 47.7% (Sturchler và cs., 2001) đến 78.2% (Inoue và cs., 2002). Trong một nghiên cứu với số mẫu lớn (n = 369) bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, được sử dụng thuốc albendazole liệu trình 15mg/kg/ ngày chia 2 lần mỗi ngày trong 21 ngày cho kết quả giảm các triệu chứng lâm sàng sau 6 tháng đến 82.84 – 86.45% tùy thuộc vào các triệu chứng (Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn., 2011). Nhiều trường hợp nhiễm ấu trùng giun đũa chó lạc chủ được phát hiện và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh với phác đồ albendazole liệu trình 21 ngày cũng cho kết quả khả quan, song một số trường hợp chưa cải thiện lâm sàng hoàn toàn.

Tài liệu tham khảo

1.Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh (2009). Bệnh ấu trùng giun đũa chó lạc chủ. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng thường gặp. Tài liệu lưu hành nội bộ, trang 116-126

2.Trần Thị Kim Dung, Trần Phủ Mạnh Siêu (2009). Bệnh do giun đũa chó, mèo. Bệnh do giun lươn và giun đũa chó mèo. Nhà xuất bản y học, trang 82-139.

3.Jong-Yil Chai (2011). Recent Advances in the Use of Anthelmintics for Treating Nematode Infections. Korean Society of Infectious Diseases and Korean Society for Chemotherapy Infect Chemother. 2011 Feb;43(1):26-35.

 4.Darı´o Leonardi1 (2009). High efficacy of albendazole–PEG 6000 in the treatment of Toxocara canis larva migrans infection. Journal of Antimicrobial Chemotherapy.

5.S. D. Fernando1, V. P. Wickramasinghe et al., (2011). Comparative effect of albendazole and diethylcarbamazine in the treatment of toxocariasis in children from Sri Lanka: A preliminary study. Full Length

6.Talin Barisani-Asenbauer, Saskia M. Maca (2004). Treatment of Ocular Toxocariasis with Albendazole. Journal of Ocular Pharmacology and Therapeutics, June 2001, 17(3): 287-294.

7.Z. Pawlowski et al., 2001. Toxocariasis in humans: clinical expression and treatment dilemma

8.CDC (2012). Parasites – Toxocariasis. http://www.cdc.gov/parasites/toxocariasis/

 

 

Ngày 05/09/2012
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích