Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 9 9 7 4 1
Số người đang truy cập
4 6 1
 Chuyên đề Ký sinh trùng
Bệnh nhân V.V.Đ đang nằm tại nhà vì không còn tiền để ở bệnh viện chữa bệnh. Ảnh: T.T
Bệnh hiếm gặp do đa nhiễm ký sinh trùng

Vào cuối tháng 9/2012, bệnh nhân nam 42 tuổi tên V.V.Đ. ở ấp 6, Minh Lập, Chơn Thành, Bình Phước sau một thời gian điều trị được xuất viện về nhà do không có điều kiện chữa trị tiếp tục. Người bệnh đã được Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh đến tận nhà thực hiện các xét nghiệm và xác định bệnh nhân bị mắc một căn bệnh hiếm gặp do đa nhiễm 4 loại ký sinh trùng kết hợp gồm amíp lỵ, giun đũa chó mèo, giun lươn và ấu trùng sán lợn mặc dù có thời gian điều trị tại một số bệnh viện nhưng chưa tìm ra được nguyên nhân.

 

Quá trình bệnh lý

Theo các thông tin được ghi nhận từ các cơ quan báo chí, người bệnh bỗng nhiên có triệu chứng sưng chân, đau nhức xuất hiện từ tháng 7/2011. Bệnh nhân được chữa trị từ phòng khám bệnh tư nhân ở Bình Phước cho đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy tại Thành phố Hồ Chí Minh với chi phí người nhà phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng nhưng không khỏi đành phải xuất viện về nhà nằm chờ... Người bệnh được điều trị tại một số bệnh viện ở trên, bệnh viện này chẩn đoán bị dị ứng thuốc, bệnh viện khác chẩn đoán bị nhiễm trùng máu, mủ màng phổi, hội chứng Steven Johnson... Tuy vậy, bệnh cảnh lâm sàng không được cải thiện, thậm chí còn nặng hơn lúc đầu, càng bôi thuốc, da trên khắp cơ thể càng bong tróc như rắn lột da, toàn thân loang lổ, đen sạm, hai tai nặng, khó nghe; mắt mờ, giọng nói của ú ớ không rõ, toàn thân khó cử động, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, trọng lượng cơ thể từ 64 kg giảm xuống còn 34 kg...

Do điều kiện kinh tế gia đình hạn chế, quá trình điều trị không đáp ứng, bệnh không thuyên giảm nên người thân đưa về nhà chăm sóc, chờ đợi... Trước tình hình này, Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạch đã cử cán bộ đến tận nhà lấy mẫu bệnh phẩm để thực hiện các xét nghiệm cần thiết và phát hiện người bệnh bị đa nhiễm ký sinh trùng kết hợp cả 4 chủng loại amíp lỵ, giun đũa chó mèo, giun lươn và ấu trùng sán lợn. Phát hiện này sẽ giúp cho việc chẩn đoán bệnh để có hướng xử trí điều trị tích cực. Hy vọng bệnh nhân được chữa trị phục hồi sức khỏe, thoát khỏi tình trạng nguy kịch mặc dù hiện nay ký sinh trùng đã ăn vào phổi, việc điều trị rất khó khăn và cần đến chi phí rất lớn.

 

Bệnh nhân trước và sau thời gian bị mắc bệnh (ảnh do người nhà cung cấp và ảnh của Bùi Liêm)

Bệnh đa nhiễm ký sinh trùng hiếm gặp

Theo chẩn đoán xác định của Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh; bệnh nhân bị đa nhiễm ký sinh trùng gồm 4 chủng loại gây bệnh là amíp lỵ (Entamoeba hystolityca), giun đũa chó mèo (Toxocara canis), giun lươn (Strongyloides stercoralis) và ấu trùng sán lợn (Cysticercosis).

- Bệnh amíp lỵ: do ký sinh trùng đơn bào thuộc lớp chân giả (Rhizopoda), tên khoa học là Entamoeba hystolytica ký sinh gây nên bệnh lỵ amíp ở đại tràng và ngoài đại tràng như ở gan, phổi, não, các phủ tạng khác... Chúng được gọi chung là bệnh amíp nhưng Entamoeba hystolytica gây bệnh lỵ ở đại tràng khá phổ biến nên thường được gọi là amíp lỵ.

Bệnh amíp lỵ ở đại tràng thường gây tổn thương do amíp theo thứ tự manh tràng, đại tràng chậu hông, đại tràng lên, đại tràng xuống, trực tràng, đại tràng ngang, ruột thừa. Amíp lỵ cấp tính thường có hội chứng đau bụng, đi ngoài ra chất nhầy, máu và mót rặn. Nếu bị tổn thương nhẹ và khu trú ở manh tràng thì triệu chứng chính là đau vùng hố chậu phải, đi ngoài phân lỏng. Nếu trực tràng bị loét nhiều thường có triệu chứng mót rặn, đi ngoài có thể nhiều lần không khác gì bệnh lỵ trực trùng. Bệnh lỵ amíp mạn tính có triệu chứng của viêm đại tràng mạn tính như đi ngoài phân lỏng, táo bón xen kẽ, đau bụng ở khung đại tràng, thỉnh thoảng có đợt tái phát cấp tính, phân lại có chất nhầy, máu.
 

Amíp lỵ Entamoeba hystolytica (ảnh internet)

 

Bệnh amíp lỵ ở ngoài đại tràng có thể gây nên áp xe tại nhiều cơ quan, tổ chức ở ngoài ruột như áp xe gan, áp xe phổi, áp xe não, áp xe da. Ngoài ra còn có thể gặp ở các cơ quan khác như màng ngoài tim...Thực tế trên lâm sàng, áp xe gan là bệnh thường gặp hơn các loại áp xe khác.

- Bệnh giun đũa chó mèo: do ấu trùng giun đũa chó mèo (Toxocara canis) di chuyển nội tạng gây nên. Người là vật chủ bất thường, nếu người nuốt phải trứng giun thì trứng sẽ phát triển thành ấu trùng; ấu trùng xuyên qua thành mao mạch ruột theo tuần hoàn lên gan, phổi và các cơ quan khác như não, thận... nhưng không thể phát triển được thành giun trưởng thành. Ấu trùng ở các cơ quan sẽ tạo nên những u hạt (granuloma) tại những nơi chúng đi qua và có thể sống tồn tại một vài năm hay lâu hơn nữa. Trẻ em chỉ cần nhiễm vài chục ấu trùng thì có thể sinh ra rất nhiều u hạt.
 
 

Trứng và ấu trùng giun đũa chó mèo Toxocara canis (ảnh internet)

Khi bị nhiễm ấu trùng, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng như sốt bất thường, biếng ăn, gầy, nổi mẩn, dị ứng, rối loạn tiêu hóa, đau xương khớp; gan sưng to, đau... và có thể xuất hiện hội chứng Loeffler. Ở trẻ em, trên lâm sàng thường có biểu hiện triệu chứng thần kinh, phổ biến là nhức đầu, động kinh; tiếp theo đó là bầm tím da.

- Bệnh giun lươn: do giun lươn (Strongyloides stercoralis) gây nên, chúng có thế hệ tự do sống ở ngoại cảnh và thế hệ ký sinh sống ở người với nhiều giai đoạn hình thể khác nhau như giun lươn sống ký sinh, giun lươn sống tự do, ấu trùng giun lươn và trứng giun lươn. Vòng đời của giun lươn có sự luân phiên sống ký sinh ở người và sống tự do ở ngoại cảnh. Giun lươn khi xâm nhập vào cơ thể người qua da, chúng có thể gây nên bệnh lý ở da, phổi, ruột và thậm chí cả toàn thân.

Khi ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da, triệu chứng đầu tiên có thể gây ngứa, da sẩn đỏ, bạch cầu ái toan trong máu tăng nhưng rất mau khỏi nên bệnh nhân không để ý; các lần sau đó triệu chứng sẽ nặng hơn. Nếu ấu trùng giun lươn của súc vật lạc chủ sang người như giun lươn của chim bồ câu thì có triệu chứng ngứa dữ dội, nổi ban đỏ từng đám và có thể kéo dài gần một tháng.

 

 Giun lươn trưởng thành và ấu trùng giun lươn Strongyloides stercoralis (ảnh internet)

Đối với phổi, ấu trùng giun lươn cũng giống như ấu trùng giun đũa, giun móc có thể gây nên hiện tượng sung huyết, chảy máu do ấu trùng di chuyển làm vỡ mao mạch phổi. Ấu trùng chui vào phế nang gây tăng tiết chất nhầy, gây viêm phổi. Bệnh nhân ho khan dai dẳng, kéo dài khoảng một tuần. Trong một số trường hợp, giun lươn có thể kích thích, làm tái phát những tổn thương lao đã ổn định.

Nếu giun lươn xâm nhập vào ruột, thường gây nên những cơn đau như viêm hành tá tràng. Chúng kích ruột gây đau bụng tiêu chảy từng đợt, phân có chất nhầy, máu kèm theo đau bụng, sốt, bạch cầu ái toan tăng cao. Xen kẽ với tiêu chảy là những đợt táo bón gây nên bệnh cảnh lâm sàng tương đối đặc hiệu, được nhiều nhà khoa học mô tả là bệnh tiêu chảy Nam Bộ. Bệnh nặng có thể có triệu chứng chảy máu ruột, thiếu máu nhược sắc...

Về ảnh hưởng toàn thân, giun lươn có thể gây mất ngủ hoặc các rối loạn thần kinh khác do độc tố của giun tiết ra.

- Bệnh ấu trùng sán lợn: được gọi là bệnh Cysticercosis. Nang ấu trùng sán dây lợn (cysticercus) có thể thấy bất cứ nơi nào trong cơ thể người bị nhiễm. Tuỳ theo số lượng nang, vị trí của nang sẽ có những biểu hiện lâm sàng nặng nhẹ khác nhau và có thể gây tử vong. Thực tế ở bệnh nhân thường thấy nang ấu trùng ký sinh ở mô dưới da, não, mắt, cơ bắp, tim, gan, phổi, các hốc trong bụng...

Nang ấu trùng dưới da tạo thành các nốt có thể sờ thấy được, di dộng, đôi khi có thể gây ngứa. Chẩn đoán xác định bằng sinh thiết và xét nghiệm giải phẫu bệnh học.
 

Nang ấu trùng sán lợn cysticercus gây bệnh ấu trùng sán lợn Cystisercosis (ảnh internet)

 

Nang ấu trùng ở mô cơ ít khi được chú ý chẩn đoán nếu bị nhiễm nhiều nang, có thể có triệu chứng đau cơ. Sau nhiều năm, nang ấu trùng sẽ bị vôi hóa, lúc này có thể phát hiện bằng X quang với những vết mờ dọc theo các sợi cơ.

Nang ấu trùng ở não gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu tùy theo vị trí, số lượng của nang ấu trùng trong não; chúng biểu hiện như một u nang ở trong não. Những triệu chứng lâm sàng thường gặp là tăng áp lực sọ não, có những cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần; bệnh nhân có thể bị liệt tùy vị trí của nang ấu trùng chèn ép, có thể đột tử, bạch cầu ái toan trong dịch não tủy tăng.

Nang ấu trùng ở trong mắt có thể nằm trong hốc mắt, trong mí mắt, kết mạc, thủy tinh thể, tiền phòng... Những rối loạn thị giác cũng rất đa dạng tùy theo vị trí của ấu trùng ở trong mắt, có thể giảm thị lực, mù...

Nang ấu trùng ở cơ tim có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi; bệnh nhân khó thở, ngất xỉu.

Qua kết quả xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạnh, bệnh nhân được xác định bị đa nhiễm 4 chủng loại ký sinh trùng với triệu chứng và diễn biến lâm sàng khá phức tạp, tình trạng bệnh rất nguy kịch với sức khỏe bị giảm sút, da sạm đen và bong tróc toàn cơ thể; tiên lượng xấu và nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được các nhà khoa học, y học xem xét, nghiên cứu để điều trị một cách phù hợp; đúng bệnh, đúng thầy, đúng thuốc.

 
 

 Da của bệnh nhân sau hơn một năm phát bệnh (ảnh Chế Bắc)

Luận bàn về vấn đề bệnh

Theo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được lấy sau thời gian điều trị ở một số bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất viện về nhà, Bệnh viện đa khoa Phạm Ngọc Thạch xác định người bệnh bị đa nhiễm 4 chủng loại ký sinh trùng amíp lỵ, giun đũa chó mèo, giun lươn và ấu trùng sán lợn; hiện nay ký sinh trùng đã “ăn” vào phổi. Tuy vậy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho rằng ký sinh trùng khó có thể là thủ phạm làm cho bệnh nhân bị da đen sạm và lột da; da bệnh nhân bong tróc khó có thể do ký sinh trùng gây nên và có thể người bệnh mắc một chứng bệnh khác. Nếu bệnh thật sự không phải do nguyên nhân đa nhiễm 4 chủng loại ký sinh trùng đã nêu ở trên, vậy người bệnh có thể bị mắc một chứng bệnh khác là bệnh gì? Đây là một thách thức cho các nhà khoa học và y học khi phải đối mặt với một căn bệnh hiếm gặp, cũng có thể nói là “bệnh viêm da lạ” như bệnh “Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân không có sự tương đồng với bất cứ căn bệnh hoặc hội chứng nào được biết đến trên thế giới" theo ý kiến của Tổ chức Y tế Thế giới đã xảy ra tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian trước đây nếu chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh một cách chính xác.

Dù sao đi nữa thì các nhà khoa học và y học cần tập trung trí tuệ, năng lực, kinh nghiệm để xác định được nguyên nhân gây bệnh đối với bệnh nhân này nhằm cung cấp những thông tin có giá trị khoa học, giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như người dân bớt hoang mang, lo lắng. Đồng thời tìm mọi cách và các phương pháp điều trị phù hợp để cứu chữa người bệnh thoát khỏi cơn nguy kịch đang từng ngày đe dọa đến tính mạng trong tình trạng vô vọng, phó mặc cho “phước chủ, may thầy”.

Ngày 01/10/2012
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích