Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 0 3 1 4
Số người đang truy cập
3 2 3
 Chuyên đề Ký sinh trùng
(ảnh sưu tầm)
Chẩn đoán nhanh ký sinh trùng Toxoplasma gondii bằng que thử

Một trong ba giải nhất về giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ lần thứ VI năm 2012 tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã được trao tặng cho đề tại nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii ở người và gia súc của Viện Tài nguyên-Môi trường-Công nghệ sinh học thuộc Đại học Huế. Đây là cơ hội giúp các cơ sở y tế có điều kiện phát hiện bệnh sớm để điều trị, một loại bệnh ký sinh trùng đã bị lãng quên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 

Đặc điểm ký sinh trùng Toxoplasma gondii

Ký sinh trùng Toxoplasma gondii thường được gọi là trùng cong, chúng là một đơn bào thuộc lớp trùng bào tử (Sporozoa). Trùng cong ký sinh ở máu và mô của người và động vật. Vào năm 1908, nhà khoa học Nicole C. và Manceaux L. lần đầu tiên phát hiện loại ký sinh trùng ngành đơn bào trong một loài gặm nhấm Ctenodactylus gondii và đặt tên cho loại đơn bào này là Toxoplasma gondii. Sau đó, một số nhà khoa học cũng đã phát hiện thấy Toxoplasma ở nhiều loài động vật khác nhau và đặt cho mỗi mầm bệnh một tên gọi riêng như mầm bệnh ở thỏ là Toxoplasma cuniculi (1908), ở chó là Toxoplasma canis (1910), ở chim bồ câu là Toxoplasma columbae (1911), ở sóc là Toxoplasma scicuri (1914), ở chuột bạch là Toxoplasma caviae (1916), ở gà là Toxoplasma gallinaceum (1919)... Cũng vào năm 1914, nhà khoa học Castellani A. là người đầu tiên phát hiện được Toxoplasma ở người và đạt tên là Toxoplasma pyrogennes castellani. Những công trình nghiên cứu tiếp theo đó đã giúp các nhà khoa học thống nhất kết luận rằng các loài Toxoplasma ở người và động vật chỉ là một, có tên được xác định là Toxoplasma gondii.

Toxoplasma gondii có 3 loại hình thể là thể hoạt động (trophozoit), thể kén (cyst) và thể nang trứng (oocyst). Chúng phát triển qua 2 giai đoạn là giai đoạn phát triển vô tính ở vật chủ phụ và giai đoạn phát triển hữu tính ở vật chủ chính. Bệnh do Toxoplasma gây ra phân bố khá rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới. Năm 1980, theo kết quả điều tra bằng huyết thanh học phát hiện tình hình nhiễm bệnh tại Nga từ 1,3 đến 11,5%; tại Cộng hòa Séc và Slovakia khoảng 13% ở lứa tuổi 1-15 và khoảng 30% ở lứa tuổi 15-10. Tại Việt Nam năm 1973, Giáo sư Đỗ Dương Thái điều tra huyết thanh học trên những người có biểu hiện lâm sàng của bệnh cho thấy tỷ lệ dương tính đối với Toxoplasma chiếm khoảng từ 0,43 đến 1,2%.

 

 Nguồn ảnh: http://www.khoahoc.com.vn

Mầm bệnh, nguồn bệnh và đường lây truyền

Mầm bệnh là thể hoạt động, thể kén ở trong mô tế bào; thể nang trứng ở trong phân mèo. Nang trứng tồn tại rất lâu ở trong đất ẩm với nhiệt độ 4oC và có thể kéo dài tới hàng năm. Thể hoạt động chết nhanh ở nhiệt độ khô khoảng 55oC và chết trong 5-10 phút khi tiếp xúc với cồn 50o, phenol 1%.

Trên thực tế, có khoảng trên 200 loài động vật nhỏ và hơn 100 loài chim có chứa nguồn bệnh là Toxoplasma. Chính vì vậy, bệnh do Toxoplasma gây ra là bệnh có ổ bệnh thiên nhiên. Ở Việt Nam, các loài khỉ, chó, lợn qua khảo sát đều phát hiện có kết quả dương tính với kháng nguyên của trùng cong Toxoplasma.

Đường lây truyền của loại trùng cong Toxoplasma rất đa dạng, chúng có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Mầm bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai; do động vật mắc bệnh cắn người hoặc bị vết xây xát, tiếp xúc với mầm bệnh qua da, kể cả trong phòng thí nghiệm; do những người cho máu có mầm bệnh Toxoplasma qua đường truyền máu; do nước bọt, nước mũi, đờm dải có mầm bệnh qua đường hô hấp; do ăn thịt một số động vật, chủ yếu là thịt lợn, thịt cừu có thể hoạt động hoặc thể kén của Toxoplasma chưa được nấu chín qua đường tiêu hóa. Qua một nghiên cứu tại Mỹ vào năm 1980, các nhà khoa học phát hiện khoảng 10% cừu non và 25% lợn có hiện diện thể kén của Toxoplasma gondii. Người cũng có thể nhiễm nang trứng của Toxoplasma từ phân mèo qua đường tiêu hóa.

Bệnh do Toxoplasma gondii gây nên

Toxoplasma gondii ký sinh ở tế bào nội mô và các tế bào hệ thống võng của hạch, não, phổi, mắt và các phủ tạng khác. Chúng ký sinh ở đâu thường gây ra tổn thương ở đó nên lâm sàng của bệnh biểu hiện rất đa dạng. Diễn biến của bệnh có thể cấp tính, mạn tính hoặc tiềm tàng. Theo cơ chế gây nhiễm, Toxoplasma có thể gây ra các bệnh mắc phải hoặc bẩm sinh. Người lớn bị nhiễm Toxoplasma do tự nhiễm thường ít có biểu hiện lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ như cảm cúm nhưng cũng có các trường hợp bệnh nặng gây tử vong. Trên thực tế, Toxoplasma thường gây nên bệnh lý do tổn thương được biểu hiện ở ba cơ quan chính là thần kinh trung ương, mắt và hạch.

Bệnh ở thần kinh trung ương hay gặp ở thai nhi và trẻ em. Nếu thai nhi bị nhiễm Toxoplasma gondii gây bệnh ở thần kinh trung ương thường bị chết lưu trong tử cung. Nếu không bị tử vong thì sau khi sinh ra cũng mang những bệnh lý của thần kinh trung ương như đầu to có nước hay ngược lại đầu teo nhỏ. Triệu chứng gây ra ở bên ngoài là những cơn động kinh, co giật, trí tuệ kém phát triển. Nếu trẻ em đang lớn bị nhiễm Toxoplasma gondii gây bệnh ở thần kinh trung ương thường gặp biểu hiện triệu chứng viêm não-màng não, bệnh kéo dài khoảng vài tuần rồi tử vong.

Bệnh ở mắt xảy ra khi bị nhiễm Toxoplasma tự nhiên, chúng thường gây nên các bệnh về mắt, đặc biệt là những người mắc bệnh bẩm sinh. Theo nghiên cứu của nhà khoa học Rima M.L. và Jack vào năm 1980,có khoảng 35% trường hợp viêm hắc võng mạc do loại ký sinh trùng này gây ra. Ở trẻ em, triệu chứng lác mắt là biểu hiện sớm của bệnh lý viêm hắc võng mạc. Ngoài ra, Toxoplasma có thể gây ra các triệu chứng khác như đau nhức mắt, nhìn lóa, sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Nếu bệnh tái phát nhiều lần có thể dẫn đến bệnh thiên đầu thống, còn gọi là bệnh tăng nhãn áp (glaucome) và có thể bị mù.

Bệnh ở hạch khi bị nhiễm Toxoplasma thường gây viêm sưng hạch ở các vị trí hạch cổ, dưới xương chẩm, trên xương đòn gánh, nách, trung thất, bẹn... Triệu chứng viêm sưng hạch có thể biểu hiện ở một hoặc nhiều hạch bị sưng to, đau hoặc không đau, di động hoặc không di động ở dưới da. Hạch có thể thay đổi từ rắn sáng mềm, gây khó chịu và đau đớn cho bệnh nhân.

Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

Chẩn đoán lâm sàng bệnh Toxoplasma gondii không dễ dàng và ít có giá trị. Việc xác định cụ thể được chẩn đoán bằng ký sinh trùng học qua kỹ thuật sinh thiết hạch, lấy dịch tủy sống làm tiêu bản nhuộm giemsa có thể phát hiện thấy thể hoạt động hoặc thể kén nhưng phương pháp này ít khi cho kết quả dương tính. Một phương pháp chẩn đoán khác là phân lập ký sinh trùng bằng cách lấy bạch cầu nghiền nát hoặc dịch ở hạch pha thêm nước muối sinh lý tiêm vào ổ bụng chuột nhắt trắng; sau 6-7 ngày mổ chuột tìm thể hoạt động của ký sinh trùng ở dịch màng bụng. Ngoài ra, phương pháp chẩn đoán huyết thanh miễn dịch cũng được sử dụng bằng các kỹ thuật như phản ứng kháng thể huỳnh quang, ngưng kết hồng cầu, phản ứng men Elisa...; đây là phương pháp thường được sử dụng rộng rãi và có giá trị trong chẩn đoán bệnh do Toxoplasma gây ra.

Điều trị bệnh Toxoplasma gondii phải bảo đảm nguyên tắc là phải điều trị sớm sau khi phát hiện sớm. Ba loại thuốc điều trị đặc hiệu có hiệu lực cao là sulfamid với liều 6g trong một ngày, dùng kéo dài 2 tuần; pyrimethamin với liều 100-200mg dùng cho người lớn trong một ngày, chia làm 3 lần, điều trị một đợt từ 4 đến 6 tuần; rovamycin với liều 150.000 đến 300.000 UI/kg cân nặng/ngày, kéo dài 1 tháng.

Việc phòng bệnh trùng cong Toxopalsma gondii rất khó khăn vì mầm bệnh hiện diện rất nhiều ở các loài động vật trong thiên nhiên và đường lây nhiễm rất đa dạng. Về nguyên tắc, phải bảo đảm việc cắt đứt được các mắt xích về dịch tế học của bệnh như phát hiện người bệnh và người lành mang trùng để điều trị, cần xét nghiệm tìm Toxoplasma ở người cho máu, không ăn thịt động vật ở các dạng chưa nấu chín, phải thận trọng khi tiếp xúc với mèo và bảo đảm đúng chế độ bảo hiểm khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Khuyến nghị

Mặc dù nguy cơ bệnh Toxoplasma gondii gây nên trên thực tế có khả năng lưu hành rộng rãi trong cộng đồng do mầm bệnh, nguồn bệnh phát tán khá phong phú; đường lây truyền bệnh khá đa dạng nhưng thời gian qua ít được các nhà khoa học, y học quan tâm. Vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi một số bệnh ký sinh trùng là bệnh bị lãng quên. Để tăng cường công tác phát hiện, điều trị bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii nhằm góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; phương pháp chẩn đoán huyết thanh miễn dịch cần thiết được sử dụng vì có giá trị xác định kết quả. Que thử chẩn đoán nhanh là một kỹ thuật đơn giản, dễ sử dụng, giá thành không cao đã được Viện Tài nguyên-Môi trường-Công nghệ sinh học thuộc Đại học Huế nghiên cứu sản xuất thành công. Phương pháp này nên trang bị phổ cập cho các cơ sở y tế ứng dụng để phát hiện sớm, điều trị sớm bệnh Toxoplasma gondii ở người nhằm giảm thiểu những hậu quả nguy hại của bệnh. Đối với ngành thú y, que thử chẩn đoán nhanh cũng giúp phát hiện được bệnh ở các loại động vật để chữa trị, chủ động ngăn chặn nguồn bệnh và tránh được mầm bệnh lây lan sang người.

 

 

 

Ngày 28/02/2013
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích