Hiệu quả thiết thực phát triển đơn vị qua 10 năm “Hội thao thể thao-văn nghệ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên" (2004-2013)
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đồng thời là “điểm nóng” về dịch bệnh của cả nước nên việc thông qua sân chơi thể thao, văn nghệ với mục đích tăng cường giao lưu hợp tác giữa các đơn vị về nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn kỹ thuật để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là hết sức quan trọng và cần thiết. Với đặc điểm địa bàn phức tạp khu vực miền Trung-Tây Nguyên có nhiều đơn vị trực thuộc Bộ thuộc hệ y tế dự phòng (Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vac xin & sinh phẩm y tế Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Công ty Vac xin-Pasteur Đà Lạt, Công ty Vac xin & sinh phẩm số 2 Nha Trang) và hệ điều trị (Bệnh viện Phong & da liễu Trung ương Quy Hòa). Với ý tưởng tổ chức phong trào thể thao-văn nghệ nhằm rèn luyện, nâng cao sức khỏe và tạo dựng được đội ngũ cán bộ y tế có sức sống tinh thần lành mạnh từ cơ sở, hăng say trong nghiên cứu khoa học và kiểm soát dịch bệnh chuyên ngành ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên theo quan điểm “ vui khỏe để làm việc tốt và phục vụ tốt sức khỏe nhân dân”. Cuối năm 2003, phong trào “Giao lưu văn nghệ-thể thao vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học” đã được khởi xướng và sáng lập bởi Viện trưởng các Viện Sốt rét-ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vác xin Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Bệnh viện phong & da liễu Trung ương Quy Hòa. Sau khi nội dung phong trào được thống nhất giữa các đơn vị tham gia, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn là đơn vị đầu tiên chịu trách nhiệm đăng cai tổ chức, đồng thời là đơn vị đầu mối soạn thảo điều lệ, thể thức các môn thi đấu và hình thức giao lưu phù hợp giữa các đơn vị. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng vì “vạn sự khởi đầu nan”, phong trào giao lưu có tiếp tục duy trì được hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của lần đăng cai đầu tiên này. Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã thành lập Ban Tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị và nhiều tiểu ban phục vụ (Ban soạn thảo điều lệ, Ban chuẩn bị nội dung, Ban hậu cần, Ban lễ tân-khánh tiết…); thống nhất với các đơn vị chủ đề giao lưu lần đầu là“Giao lưu văn nghệ-thể thao vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học” phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển thể chất và hoàn thiện cái đẹp của con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tổ chức khai mạc, nội dung các môn thi đấu, địa điểm thi đấu, công tác trọng tài, phương pháp tính điểm, xếp hạng và khen thưởng cũng hết sức bài bản và không kém phần chuyên nghiệp tạo được ấn tượng tốt đẹp với các đơn vị tham gia. Trong các buổi giao lưu gặp mặt và tổng kết bế mạc được tổ chức hết sức trang trọng, nhưng cũng rất chân tình tạo bầu không khí giao lưu ấm cúng và đoàn kết giữa các vận động viên, đồng thời cũng là những cán bộ y tế dự phòng có nhiều đóng góp trong phòng chống dịch bệnh đến từ các đơn vị tham gia. Đặc biệt còn có buổi gặp mặt, tọa đàm riêng cho các lãnh đạo Viện để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiên cứu khoa học và quản lý đơn vị. Trước khi giao lưu, các viện và bệnh viện ít biết về công việc của nhau, nhưng qua kỳ giao lưu này cùng với những kinh nghiệm chuyên môn và nghiên cứu khoa học trao đổi đã giúp cho các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác thi đua phòng chống dịch bệnh, thi đua cải thiện vật chất và đời sống tinh thần của cán bộ viên chức trong đơn vị. Kết quả kỳ giao lưu đầu tiên không chỉ tạo được dấu ấn tốt đẹp mà còn tạo được cơ sở bước đầu và niềm tin cho các kỳ giao lưu tiếp theo do các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khác ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên đăng cai tổ chức. Các lần Hội thao tiếp theo lần lượt được các đơn vị tham gia đăng cai tổ chức như: Viện Vac xin Nha Trang lần thứ 2 (2005), Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên lần thứ 3 (2006), Bệnh viện phong & da liễu Trung ương Quy Hòa lần thứ 4 (2007), Viện Pasteur Nha Trang lần thứ 5 (2008), Công ty Vac xin-Pasteur Đà Lạt lần thứ 6 (2009), Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn lần thứ 7 (2010), Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên lần thứ 8 (2011), Viện Vac xin & sinh phẩm Nha Trang lần thứ 9 (2012) và Bệnh viện phong & da liễu Trung ương Quy Hòa lần thứ 10 (2013). Trải qua 10 kỳ giao lưu, Hội thao đã trở hành giải đấu chính thức được Bộ Y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam công nhận với chủ đề “Hội thao thể thao-văn nghệ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên” thay cho tên gọi trước đây “Giao lưu văn nghệ-thể thao vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên”. Quy mô Hội thao cũng được nâng lên từ 4 môn thi đấu với hơn 100 vận động viên năm 2004 (bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng) lên 6 môn thi đấu với gần 300 vận động viên năm 2012 (bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, tennis và bi da 3 băng); trong đó 4 môn thi cơ bản không thay đổi (bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông), còn các môn hỗ trợ khác (cờ tướng, tennis, bi da 3 băng…) có thể đăng ký hàng năm tùy theo thế mạnh của đơn vị đăng cai. Giao lưu văn nghệ được tổ chức vào buổi khai mạc (văn nghệ chào mừng của đơn vị đăng cai) và tổng kết (văn nghệ giao lưu từ các đơn vị tham gia) với nhiều tiết mục phong phú, đa dạng, mang nặng tình yêu quê hương đất nước. Mặc dù là Hội thao ở cấp phong trào nhưng chất lượng các môn thi đấu luôn được tuân thủ theo quy định giải, tạo được sự thi đua giữa các đơn vị mà vẫn giữ được tinh thần giao lưu lành mạnh, đoàn kết giữa các đơn vị. Kết quả và hình ảnh Hội thao hàng năm được các đơn vị đăng cai ghi nhận trong cuốn “Sổ vàng truyền thống” cùng với cờ luân lưu bàn giao cho các đơn vị đăng cai kế tiếp. Bộ Y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam đã cho phép các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên lựa chọn các vận động viên tham gia thi đấu giải thể thao toàn ngành dựa vào kết quả Hội thao được tổ chức chính thức ở khu vực (không cần tham gia vòng loại). Hiệu quả thiết thực từ Hội thao thể thao-văn nghệ cấp phong trào là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã tạo được sân chơi lành mạnh cho cán bộ viên chức thông qua Hội thao được duy trì hàng năm, từ không khí giao lưu phấn khởi các vận động viên từng say mê thi đấu trên sân chơi, lại tiếp tục lao vào cuộc chiến quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh tối nguy hiểm (SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tả), các bệnh do véc tơ truyền (sốt rét, sốt xuất huyết), các bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán dây lợn, ấu trùng giun đũa chó/mèo, giun lươn, giun đầu gai…). Nhờ có kết quả Hội thao, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã trở thành thương hiệu với 8 lần đoạt giải Nhất toàn đoàn và 1 lần Nhì toàn đoàn qua 9 kỳ giao lưu (từ năm 2004-2012); đồng thời chứng tỏ được thế mạnh phát triển đơn vị thông qua các dịch vụ khám chữa bệnh chuyên ngành, dịch vụ khoa học kỹ thuật về y tế, nâng cao mức thu nhập và cải thiện được đời sống cán bộ viên chức trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, tạo dựng được lòng tin với quần chúng và các cấp lãnh đạo, làm cơ sở để phát triển Viện lên tầm cao mới. Kết quả Hội thao được các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo Công đoàn Y tế Việt Nam, Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Lãnh đạo các tỉnh trong khu vực đánh giá cao và đề nghị làm mô hình và kinh nghiệm học tập cho các khu vực khác trong nước. Từ những hoạt động thiết thực và hiệu quả, hầu hết các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã trở thành những đơn vị xuất sắc nhất trong ngành y tế được Chính phủ trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Hai, hạng Ba, Cờ Thi đua Chính phủ; hàng chục tập thể và cá nhân được tặng huân chương hoặc bằng khen cùng nhiều danh hiệu cao quý của Chính phủ và Bộ Y tế. Hội thao thể thao-văn nghệ lần thứ 10 (năm 2013) do Bệnh viện Phong & da liễu trung ương Quy Hòa đăng cai tổ chức là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển và trưởng thành vượt bậc của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên, không chỉ đơn thuần từ kết quả Hội thao thể thao-văn nghệ mang tính phong trào mà còn mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững trong chuyên môn kiểm soát dịch bệnh và quản lý đơn vị ở địa bàn trọng điểm.
|