Cần quan tâm bệnh ký sinh trùng động vật truyền sang người
Trong cùng một môi trường sống chung, con người và các loại động vật đã có nhiều cơ hội, khả năng truyền cho nhau những mầm bệnh ít nhiều đã thích nghi trên cơ thể của mình. Vào thế kỷ 19, nhà khoa học Virchow đã ghi nhận hiện tượng này trên thực tế và đưa ra khái niệm về bệnh động vật với tên khoa học là zoonosis được ghép từ chữ “zoo” có nghĩa là động vật và chữ “nosis” có nghĩa là bệnh. Bệnh ký sinh trùng ở động vật có khả năng lây truyền sang người có những đặc điểm quan trọng trong các bệnh động vật được ghi nhận. Xác định bệnh động vật có khả năng truyền sang người Vào năm 1967, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa bệnh động vật là những bệnh nhiễm trùng được truyền từ động vật có xương sống sang người trong điều kiện thiên nhiên và ngược lại. Tác nhân gây nên bệnh động vật bao gồm nhiều loại mầm bệnh khác nhau gây nhiễm từ các virus, vi khuẩn, vi nấm, cho đến cả ký sinh trùng. Tất cả các tác nhân này đều có thể gây bệnh cho con người và những loại động vật. Đối với các loại virus và vi khuẩn, việc gây nhiễm bệnh cho con người và các loại động vật khá đơn giản. Mầm gây bệnh xâm nhập vào cơ thể con người hay các loại động vật có thể trực tiếp hay gián tiếp qua những trung gian truyền bệnh. Đối với các loại vi nấm, tác nhân gây bệnh cho con người và các loại gia súc đều là những mầm bệnh có khả năng sống hoại sinh ở trong đất, trong các chất hữu cơ; có loại ưa thích chất sừng (keratin) thường ký sinh ở trên da, tóc, móng; có loại lại thích nghi ở vùng nội tạng như phổi, tế bào hệ võng mô, não... Đối với các loại ký sinh trùng, vấn đề gây nhiễm bệnh có phần phức tạp hơn vì chúng phải trải qua một chu trình phát triển như qua một ký chủ trung gian rồi mới có khả năng lây nhiễm. Với một số ký sinh trùng khác, từ giai đoạn trưởng thành ở ký chủ này chuyển sang giai đoạn trưởng thành ở ký chủ khác đòi hỏi phải qua một hoặc nhiều giai đoạn ấu trùng mà các giai đoạn ấu trùng đó không nhất thiết phải xảy ra trên một ký chủ. Hơn nữa, tùy theo loại ký sinh trùng mà giai đoạn trưởng thành hay giai đoạn ấu trùng hoặc cả hai giai đoạn đều có khả năng gây nên những tổn thương và bệnh tật. Giới hạn của bệnh động vật truyền sang người Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh động vật là những bệnh nhiễm trùng được truyền từ động vật có xương sống sang người trong điều kiện thiên nhiên và ngược lại. Cũng cần xác định thêm trong bệnh động vật các mầm bệnh phải có khả năng sống, sinh sản, phát triển trên cơ thể người hoặc trên các loại động vật có xương sống. Như vậy bệnh động vật không phải là những bệnh do nọc độc, do độc tố hay do dị ứng. Khái niệm truyền bệnh từ động vật sang người có ý nghĩa đặc biệt để phân biệt những bệnh thật sự của người hay của động vật truyền lẫn cho nhau; khác với những bệnh chung của cả hai mà mầm bệnh sống hoại sinh ở môi trường bên ngoài như một số vi nấm; đó là những bệnh động vật giả. Một vấn đề được xác định rõ bệnh động vật là bệnh có khả năng truyền theo hai chiều, từ động vật truyền sang người và từ người truyền sang động vật. Trên thực tế, bệnh động vật từ các động vật truyền sang người khá phổ biến và được quan tâm nhiều hơn. Số lượng các bệnh động vật được ghi nhận rất lớn, ở thời điểm năm 1967 các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng có trên 150 loại bệnh động vật đã được nhận dạng nhưng cho đến nay danh sách các loại bệnh động vật càng ngày càng dài ra. Trên động vật, bệnh thường xảy ra âm thầm nhưng ở người bệnh có thể có những biểu hiện ồ ạt và rầm rộ hơn. Bệnh động vật ngoài khả năng lây truyền bệnh cho người, chúng còn gây bệnh trên chính loại động vật bị nhiễm mầm bệnh, tạo nên những hậu quả thiệt hại về mặt kinh tế do số lượng gia súc, gia cầm bị bệnh, bị chết nhiều; làm giảm thu hoạch sản phẩm chăn nuôi, giảm chất lượng thực phẩm. Bệnh ký sinh trùng ở động vật truyền sang người Đối với bệnh ký sinh trùng của động vật, vào năm 1991 nhà khoa học Coombs và Crompton đã ghi nhận có hơn 300 loài giun sán được tìm thấy trên cơ thể người. Số bệnh thì nhiều nhưng tần suất xuất hiện của các bệnh lại không đồng đều. Một số bệnh thường hay gặp như bệnh do trùng cong Toxoplasma gondii, sán dây bò Taenia saginata... Một số bệnh khác thì chỉ gặp ở một số vùng, ở một số quốc gia nhất định như bệnh do sán kim Echinococcus granulosus, sán máng Schistosoma sp., trùng roi Trypanosoma sp... Bệnh ký sinh trùng ở động vật truyền sang người có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người mặc dù có một số loại bệnh có thể điều trị dễ dàng. Một số bệnh khác thì rất nguy hiểm như bệnh do ấu trùng sán dây lợn Cysticercus cellulosae ở não, bệnh bướu sán Echinococcus alveolaris. Ngoài ra, có một số loại bệnh xảy ra trên những cơ địa bệnh nhân suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng thì lại gây ra những biến chứng trầm trọng như các vi nấm Cryptococcus neoformans, Penicillium marneffei... Căn cứ theo phương thức truyền bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị bệnh ký sinh trùng ở động vật truyền sang người được chia thành 4 loại như sau: - Bệnh động vật nhiễm trực tiếp (orthozoonose): bệnh truyền trực tiếp từ một động vật có xương sống sang người hay sang một động vật có xương sống khác hoặc nhiễm qua trung gian của một vật truyền cơ học. Sự sinh sản cũng như sự phát triển của ký sinh trùng không có gì thay đổi như bệnh do giun xoắn Trichinella spiralis. Chú ý trường hợp này bệnh khó có điều kiện để truyền từ người sang động vật tức là bệnh đến người đi vào ngõ cùng ký sinh. - Bệnh động vật nhiễm theo vòng đời (cyclozoonose): trong trường hợp này mầm bệnh phải trải qua ít nhất hai loại động vật ký chủ có xương sống trong vòng đời của mình, không qua một ký chủ trung gian không có xương sống. Đây là trường hợp thường gặp ở sán dây lợn Taenia solium, sán dây bò Taenia saginata, trùng cong Toxoplasma gondii... - Bệnh động vật nhiễm bằng thể tiềm ẩn của vật ký sinh (metazoonose): tác nhân gây bệnh được truyền từ một ký chủ trung gian là một động vật không có xương sống như côn trùng, nhuyễn thể; nơi đó mầm bệnh được tăng sinh và trở thành dạng nhiễm như Leishmania từ dạng leptomonas ở muỗi cát Phlebotomus, sán máng Schistosoma từ dạng cercaria sinh sản trong ốc và phóng thích trong nước, từ đó chúng sẽ gây nhiễm. Vai trò của ký chủ trung gian, vật truyền bệnh không có xương sống cho thấy các bệnh này có một kiểu phân bố theo vùng địa lý, có những yếu tố sinh thái riêng biệt, có những giới hạn về nơi sinh sản của vật truyền bệnh. Tất nhiên những biến động có liên quan đến môi trường tự nhiên như những công trình thủy lợi, thủy điện sẽ sinh ra những ổ muỗi mới, những ổ nhuyễn thể mới; từ đó dẫn đến sự xuất hiện những bệnh động vật do các ký chủ trung gian đó đem đến. - Bệnh động vật có nguồn gốc hoại sinh (saprozoonose): các mầm bệnh có khả năng sống hoại sinh ở trong đất, trong các chất hữu cơ ở trong môi trường thiên nhiên và sống ký sinh trên động vật cũng như trên người như giun lươn Strongyloides, một số vi nấm... Bệnh động vật nói chung do nhiễm virus, vi khuẩn, vi nấm và bệnh ký sinh trùng động vật nói riêng do nhiễm ký sinh trùng là các loại bệnh nhiễm trùng từ các loại động vật có xương sống lây sang người có thể xảy ra trong điều kiện thiên nhiên và ngược lại. Hiện nay các nhà khoa học, ngành y tế, ngành thú y và cả cộng đồng người dân đang quan tâm đến các bệnh động vật, đặc biệt là bệnh ký sinh trùng ở động vật có khả năng lây truyền sang người để xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống nhằm bảo vệ sức khỏe cho người và các loại động vật, góp phần giảm thiểu những nguy cơ thiệt hại do bệnh động vật nói chung và bệnh ký sinh trùng của động vật nói riêng có thể gây nên cho cộng đồng.
|