Các loại giòi ký sinh gây bệnh ở người
Bệnh giòi ở mũi, ở tai, ở chân... đã được phát hiện ở một số bệnh nhân tại các địa phương trong thời gian qua như tin của cơ quan báo chí đã đưa; làm tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Giòi là ấu trùng của ruồi, chúng thường gây bệnh ở những nơi mà vấn đề vệ sinh không được bảo đảm và không có sự quan tâm đúng mức. Cùng trong một cộng đồng sinh cảnh, người và một số các loại động vật thường sống chung với nhau. Do đó nếu có những loại ruồi gây tác hại cho động vật thì đồng thời cũng ảnh hưởng đến con người. Ruồi trưởng thành đẻ trứng, trứng nở thành giòi và ký sinh ở một số nơi có điều kiện thuận lợi. Ở người, giòi thường ký sinh ở vết thương, ung nhọt, mũi hầu, mắt, tai... Mỗi loại ruồi thường ưa thích đẻ trứng và phát triển thành giòi ở các nơi khác nhau. Giòi ở vết thương: Loại ruồi Lucilia sericata thường gây bệnh giòi ở người và động vật, nhất là khi có những vết thương hở. Vào đầu thế kỷ thứ 20, các nhà khoa học đã sử dụng loại giòi của ruồi này để xử lý vết thương chiến tranh. | Giòi ký sinh được gắp lấy ra từ tai (ảnh internet) |
Giòi ở ung nhọt: Tại châu Âu, loại ruồi Hypoderma thường gây bệnh giòi ở ung nhọt nhưng chỉ là ấu trùng ở giai đoạn 1. Tại châu Phi, các loại ruồi Cordibota, Dermatobia cũng gây bệnh giòi ở ung nhọt nhưng phát triển đủ 3 giai đoạn ở người và động vật; không có giai đoạn nào phải xuyên qua mô của ký chủ bị ký sinh. Giòi của các loại ruồi này thường ký sinh ở chi dưới và lưng. Ung nhọt có giòi ký sinh thương gây nên đau đớn và nổi hạch. Giòi phát triển khá nhanh, có thể sau 1 tuần là giòi có khả năng tăng trưởng tối đa. Giòi ở mũi hầu: Các loại ruồi Oestrus ovis, Rhinoestrus purpureus, Chrysomyia bezziana thường đẻ trứng trong hốc mũi và phát triển thành giòi ký sinh ở đó; hay gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với động vật.. Bệnh nhân có cảm giác ngứa nhiều, có khi nhức đầu, bị hắc hơi, đau họng; có thể gây các triệu chứng màng não, rối loạn thị giác khi giòi xâm nhập lên phía trên hốc mũi. | Bệnh giòi ký sinh ở ung nhọt của chân (ảnh internet) |
Giòi ở mắt: Các loại ruồi Oestrus, Rhinoestrus, Dermatobia, Sarcophaga, Wolfahrtia thường đẻ trứng và gây nên bệnh giòi ở mắt. Bệnh hay xảy ra ở một bên mắt và có thể có nhiều giòi ký sinh từ 6 đến 10 con. Bệnh nhân cảm thấy có vật gì đó bò ở trong mắt, có khả năng gây viêm kết mạc cấp tính và bán cấp tính. Giòi ở trong mắt có thể ký sinh ở tiền phòng hay sâu hơn. Ngoài triệu chứng ngứa, người bệnh cũng bị giảm thị lực. Giòi ở tai: Bệnh giòi ở tai thường kết hợp với một bệnh nào đó sẵn có ở tai người bệnh. | | Bệnh giòi ký sinh ở hốc mũi (ảnh internet) | Bệnh giòi ký sinh ở tai (ảnh internet) |
Tại nước ta, khoa tai mũi họng của một số bệnh viện thỉnh thoảng có tiếp nhận bệnh nhân bị bệnh giòi ở mũi, ở tai, ở chân... Thực tế cho thấy, triệu chứng bệnh lý của người bệnh bị giòi ký sinh ở mũi, ở tai giống như viêm xoang, viêm tai nên bệnh nhân thường tự điều trị bằng kháng sinh chứ không đi khám bệnh chuyên khoa kịp thời. Khi bệnh kéo dài, không thuyên giảm mới đến các cơ sở y tế để khám bệnh. Tại các bệnh viện, khám chuyên khoa tai mũi họng mới phát hiện có giòi ký sinh ở trong mũi, trong tai. Cách điều trị bệnh giòi tùy thuộc vào vị trí giòi ký sinh. Bệnh giòi ở da, có thể rạch da để gắp lấy ấu trùng. Bệnh giòi ở mũi, ở xoang mặt phải can thiệp thủ thuật hoặc phẫu thuật với chuyên khoa phù hợp. Mặc dù bệnh giòi ở vết thương, ung nhọt, mũi hầu, mắt, tai... ít gặp nhưng không phải là không có trên thực tế. Vì vậy người bệnh cần cảnh giác vấn đề này, khi có triệu chứng nghi ngờ nên đi khám bệnh kịp thời, đặc biệt là khám chuyên khoa để phát hiện, điều trị sớm; không tự ý điều trị hoặc để bệnh kéo dài gây nên nhiều biến chứng trầm trọng.
|