Điều kiện ký sinh trùng động vật truyền sang người để gây bệnh
Các bệnh ký sinh trùng từ động vật truyền sang người trong thời gian qua đã đánh thức các nhà khoa học và cộng đồng người dân quan tâm vì có nhiều trường hợp bệnh mới nổi làm ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng con người. Các điều kiện để ký sinh trùng từ động vật truyền sang người có liên quan đến tính đặc hiệu ký sinh, vị trí ký sinh, cộng đồng sinh cảnh và khả năng cảm thụ. Đồng thời từ điều kiện có được, chúng có khả năng gây bệnh cho con người. Tính đặc hiệu ký sinh Tính đặc hiệu ký sinh là đặc tính riêng của ký sinh trùng, chúng có khả năng thích nghi được với một số loài ký chủ thích hợp nào đó để phát triển. Ký sinh trùng khi ký sinh được ở loài ký chủ thích hợp thì chúng mới có khả năng sống, tồn tại và sinh sản ra thế hệ sau đó. Điều kiện đầu tiên để cho một loại ký sinh trùng từ động vật truyền được sang người phụ thuộc vào tính đặc hiệu ký sinh của loại ký sinh trùng đó. Tính đặc hiệu ký sinh có tầm quan trọng rất lớn về mặt sinh học nói chung cũng như về mặt dịch tễ học, về nguyên nhân gây bệnh của bệnh ký sinh trùng trên người và trên các động vật nói riêng. Tuy vậy, tính đặc hiệu ký sinh này có thể rõ nét ít hay nhiều tùy thuộc vào các loại ký sinh trùng khác nhau. Ở một số loại ký sinh trùng có tính đặc hiệu ký sinh rất hẹp, chúng chỉ sống ký sinh được trên một loài động vật ký chủ nhất định hay trên một nhóm nhỏ ký chủ rất gần nhau về mặt động vật học. Một số loại ký sinh trùng khác lại có tính đặc hiệu ký sinh rộng hơn, phù hợp với một họ, một bộ, thậm chí đến cả một lớp động vật. Trên thực tế thường có thể gặp các loại ký sinh trùng ở giai đoạn ấu trùng ký sinh trên nhiều loài động vật ký chủ khác nhau; còn đối với loại ký sinh trùng ở giai đoạn trưởng thành có tính đặc hiệu ký sinh lại bị thu hẹp hơn. Vì vậy trên lâm sàng thường gặp những trường hợp bệnh nhân nhiễm bệnh dưới dạng ấu trùng của ký sinh trùng từ các loại động vật xâm nhập vào người, chúng tồn tại mãi mãi trong cơ thể người dưới dạng ấu trùng, nhiều khi gây cho người bị nhiễm những trường hợp bệnh lý trầm trọng. Vị trí ký sinh Một điều kiện không kém phần quan trọng để ký sinh trùng của động vật dễ dàng lây lan sang người là vị trí của chúng ký sinh trên ký chủ. Những ngoại ký sinh thường có nhiều khả năng hơn các nội ký sinh. Đối với các nội ký sinh với nhau thì các ký sinh trùng đường ruột hay các ký sinh trùng gây tổn thương ở da, niêm mạc sẽ dễ dàng truyền sang người hơn những ký sinh trùng sống trong mô hay trong máu. Cộng đồng sinh cảnh Khi đã có hai điều kiện về tính đặc hiệu ký sinh và vị trí ký sinh đã nêu ở trên, để ký sinh trùng của động vật có thể truyền sang được người còn cần có thêm điều kiện là người và động vật phải có cùng cộng đồng sinh cảnh, có nghĩa là phải sống chung trong một môi trường sinh cảnh có thể là thường xuyên hoặc ngẫu nhiên. Vấn đề này đứng về lĩnh vực dịch tễ học đã dẫn đến khái niệm về tác động ảnh hưởng của môi trường vật lý, môi trường sinh học, môi trường văn hóa xã hội... đối với các bệnh ký sinh trùng từ động vật có khả năng truyền sang người. Khả năng cảm thụ Khả năng cảm thụ là một điều kiện hay yếu tố nội tại của bản thân từng con người. Mỗi con người có khả năng cảm thụ riêng đối với sự xâm nhập của ký sinh trùng từ động vật. Khả năng cảm thụ này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của cá nhân khi tiếp xúc với ký sinh trùng ở các loại động vật như tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu chất protein, thiếu vitamin A; trong những trường hợp này người dễ bị cái ghẻ từ gia súc xâm nhập và ký sinh gây bệnh. Ngoài ra, tình trạng suy giảm hệ thực bào cũng là điều kiện hay yếu tố cảm thụ bệnh ký sinh trùng như nhiễm Babesia từ chuột hay từ bò trong những trường hợp bệnh nhân bị cắt lách hay sau một thời gian dùng thuốc ức chế miễn dịch. Khả năng gây bệnh Với các điều kiện hay yếu tố đã nêu ở trên, ký sinh trùng từ động vật truyền sang người sẽ dẫn đến hai khả năng gây bệnh là bệnh ký sinh ở giai đoạn trưởng thành và bệnh ký sinh ở giai đoạn ấu trùng. Bệnh ký sinh ở giai đoạn trưởng thành đa số là do các loài sán ký sinh. Trong những trường hợp này, ký sinh trùng sẽ ở trong những vị trí tương tự như khi chúng ở trên động vật ký chủ thông thường của nó. Từ những vị trí đó, ký sinh trùng gây ra những triệu chứng lâm sàng và những tổn thương giống như trong bệnh của động vật. Khi phát triển tới dạng trưởng thành, ký sinh trùng cũng có khả năng sinh đẻ nhưng không nhất thiết các giai đoạn đó có khả năng tiếp tục hoàn thành được sứ mạng sinh học. Loài sán lá Fasciola sp. ở người phát triển đến được dạng trưởng thành, đẻ được trứng, ấu trung tuy có nở nhưng khả năng nhiễm vào ký chủ trung gian thông thường của chúng là loài ốc Lymnaea không cao. Bệnh ký sinh ở giai đoạn ấu trùng đa số là do các loài giun ký sinh được biểu hiện theo hai kiểu khác nhau: Kiểu thứ nhất là sự xâm nhập của ấu trùng vào người như là vào một ký chủ bất thường. Do không gặp được đúng ký chủ thông thường nên ấu trùng không thể trưởng thành được ở người, chúng sẽ di chuyển tới nơi bất thường, gây ra những phản ứng của mô và dịch thể đôi khi khá mạnh giống như là một phản ứng quá mẫn. Những tác nhân gây ra các biểu hiện lâm sàng được gọi là những ấu trùng di chuyển (larva migrans). Kiểu thư hai là ấu trùng xâm nhập vào người như là vào một ký chủ trung gian, ở đó chúng chiếm một vị trí thông thường như khi ở trên ký chủ thường lệ là động vật. Sự xâm nhập này là một xâm nhập có tính bình thường về mặt ký sinh học nhưng không bình thường về loại ký chủ cho nên những rối loạn gây ra do sự phát triển của ấu trùng này không hoàn toàn giống như các rối loạn do sự có mặt của các ấu trùng di chuyển. Mặc dù vậy nhưng sự hiện diện của ấu trùng loại này cũng không kém phần quan trọng như ấu trùng sán dây lợn Taenia solium... Cả hai dạng ấu trùng lạc chủ trên không thể phát triển và trưởng thành ở cơ thể người được, chu kỳ phát triển của chúng bị bế tắc và con người được xem như là ngõ cụt đối với sự phát triển của chúng. Các bệnh ký sinh trùng ở động vật có thể có nguồn gốc từ động vật nuôi ở trong nhà và cũng có thể là các động vật hoang dã. Các loài gia súc có điều kiện sống gần người nên thường được quan tâm và hay được nhắc đến. Tuy vậy các động vật hoang dã đôi khi cũng có vai trò quan trọng trực tiếp hoặc gián tiếp. Tầm quan trọng về mặt dịch tễ học của các bệnh ký sinh trùng động vật ký sinh ở người không nhất thiết phải gắn liền với tính trầm trọng của bệnh ở chính động vật đó. Sự biểu hiện của các triệu chứng bệnh có thể rõ ở nhóm động vật này nhưng không rõ ở nhóm động vật khác; điều này không hẳn là nhóm động vật này nguy hiểm hơn nhóm động vật kia. Do trạng thái bệnh lý âm thầm ở các động vật và do nhiễm ít ký sinh trùng nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm với biểu hiện triệu chứng lâm sàng không đầy đủ nên các bệnh ký sinh trùng từ động vật truyền sang người không được chú ý, cơ sở y tế thiếu cảnh giác đối với tình trạng bị nhiễm bệnh và khả năng gây bệnh có thể xảy ra đối với người bệnh. Vì vậy cần quan tâm đến các loại bệnh ký sinh trùng của động vật truyền sang người, không để bị lãng quên như một số bệnh giun sán khác.
|