|
Giun móc đang hút máu trong ruột non (ảnh internet) |
Rối loạn về máu và tuần hoàn do nhiễm giun móc
Ở nước ta bệnh giun móc rất nặng nề kể cả về tỷ lệ nhiễm lẫn cường độ nhiễm. Dân gian thường gọi chung là giun móc nhưng thực ra chúng có hai loại là giun mỏ Necator americanus và giun móc Ancylostoma duodenale. Tại Việt Nam, loại giun mỏ phổ biến và chiếm tỷ lệ khoảng 90%; còn loại giun móc chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Ở hầu hết các cơ sở y tế chưa có điều kiện để phân biệt hai loại giun này nên được gọi chung là giun móc. Biểu hiện lâm sàng của bệnh giun móc có nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ nhiễm nhiều hay ít, người sống trong vùng hay ngoài vùng lưu hành bệnh hoặc chế độ ăn uống... Nói chung nếu cường độ nhiễm thấp thì biểu hiện triệu chứng lâm sàng không rõ rệt, nếu nhiễm nhiều giun có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng đáng kể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của bệnh nhân. Đối với giun trưởng thành, giun móc dùng răng ngoạm vào thành ruột của người bị nhiễm để hút máu, gây nên những biểu hiện lâm sàng toàn thân, rối loạn tiêu hóa, rối loạn về máu và tuần hoàn, rối loạn thần kinh. Sự rối loạn về máu và tuần hoàn là vấn đề cần quan tâm khi người bệnh bị nhiễm giun móc trưởng thành. Trên lâm sàng, bệnh nhân bị nhiễm giun móc có triệu chứng da và niêm mạc nhợt nhạt, thường thấy phù nhẹ ở mặt và chân tay, tim có tiếng thổi tâm thu cơ năng... Xét nghiệm máu thấy huyết cầu tố giảm 40 đến 20% hoặc thấp hơn, hồng cầu có thể dưới 1 triệu/ml máu, có hồng cầu biến dạng; bạch cầu ái toan tăng cao, có thể trên 60% nhất là khi mới nhiễm. Những bệnh nhân ở vùng lưu hành bệnh giun móc thường xuyên bị tái nhiễm, triệu chứng tăng bạch cầu ái toan không biểu hiện rõ. Những người bị nhiễm giun móc nhiều lần trong thời gian 5 năm thấy có sự gia tăng immunoglobin IgE huyết thanh từ 0,12 đến 0,735 g/l. Sự rối loạn về máu và tuần hoàn do nhiễm giun móc có thể gây ra một số bệnh lý như thiếu máu, tình trạng thiểu năng albumin máu... Thiếu máu do giun móc Thiếu máu do giun móc với bệnh sinh phụ thuộc vào các yếu tố như lượng sắt trong khẩu phần thức ăn hàng ngày, tình trạng dự trữ chất sắt, cường độ nhiễm bệnh và thời gian mắc bệnh. Những yếu tố này thay đổi tùy theo từng nước, từng khu vực nhưng cần phải được đánh giá đúng mức trong từng trường hợp cụ thể như ở Nigeria lượng chất sắt trong khẩu phần thức ăn của người dân cao từ 21 đến 30 mg mỗi ngày nên tại đây khi người bị nhiễm nặng với số lượng trên 800 giun móc mới có biểu hiện triệu chứng thiếu máu nhược sắc; trái lại ở Maritius lượng chất sắt trong khẩu phần thức ăn của mỗi người hàng ngày chỉ thấp từ 5 đến 10 mg thì khi bị nhiễm giun móc nhẹ hoặc trung bình cũng có thể gây nên sự thiếu máu nặng. Quan niệm trước đây về vị trí bị giun móc hút máu vẫn tiếp tục chảy máu sau khi giun đã di chuyển không được các nhà khoa học ủng hộ vì cho rằng máu sẽ ngừng chảy sau khi giun di chuyển khỏi vị trí hút máu. Hiện nay vẫn chưa có đủ cơ sở khoa học để chứng minh độc tố của giun móc gây ức chế cơ quan tạo máu dẫn đến thiếu máu. Qua nghiên cứu bằng chất phóng xạ kép, các nhà khoa học đã nhận thấy một phần lượng chất sắt của cơ thể bị giun móc ăn rồi bài tiết ra ở tá tràng và phần trên ruột non lại được tái hấp thu trong ống tiêu hóa, tỷ lệ tái hấp thu tăng lên khi bệnh nhân bị thiếu chất sắt. Ở một số vùng nhiệt đới có tình trạng thiếu máu do giun móc kèm theo thiếu acid folic. Tình trạng thiếu acid folic thường bị che khuất do tình trạng thiếu máu nhược sắc nặng. Bệnh sinh của vấn đề thiếu acid folic ở bệnh nhân bị nhiễm giun móc có thể do nhiều yếu tố khác nhau như do kém hấp thu acid folic hoặc do thiếu acid folic trong khẩu phần ăn do nhu cầu acid folic tăng ở bệnh giun móc... Tình trạng thiểu năng albumin máu Tình trạng thiểu năng albumin máu ở bệnh nhân bị nhiễm giun móc là giảm protein máu, đây là một biểu hiện bệnh lý quan trọng vì sự mất protein do giun móc lớn hơn mất hồng cầu. Ở những bệnh nhân nhiễm giun móc thì khả năng tổng hợp protein cũng bị hạn chế. Chất albumin giảm thường kèm theo biểu hiện phù nề. Việc điều trị chứng phù nề không có kết quả bằng các loại thuốc lợi tiểu có thủy ngân ngay cả sau khi đã hết thiếu máu. Tuy vậy chứng phù nề sẽ hết nhanh sau khi điều trị giun móc có kết quả. Chính vì tình trạng rối loạn về máu và tuần hoàn do nhiễm giun móc nên nguyên tắc điều trị bệnh cần hết hợp điều trị bằng thuốc đặc hiệu với việc điều trị thiếu máu, thiếu chất sắt; thiếu acid folic và protein máu. Ngoài ra cũng cần kết hợp điều trị với điều chỉnh chế độ ăn và dinh dưỡng để bảo đảm việc cung cấp đủ chất sắt, vitamin... Thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh giun móc có nhiều loại khác nhau như tetrachloethylen, alcopar, mebendazole, tinh dầu giun... nhưng albendazole hiện nay được xem là một trong những thuốc có hiệu lực nhất để điều trị bệnh.
|