|
Vi rút cúm A/H1N1 dưới kính hiển vi |
Điểm báo về các thông tin liên quan đến y tế ngày 13/2 & 14/2 năm 2014
Nhân dân, Tuổi trẻ Miền bắc xuất hiện ca viêm não mô cầu đầu tiên năm 2014 Ngày 12-2, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, ghi nhận ca bệnh não mô cầu đầu tiên của miền bắc năm 2014. Trước đó, đầu năm 2012, Hà Nội và năm tỉnh phía bắc đã xảy ra vụ dịch não mô cầu và ghi nhận một bệnh nhi tại Hà Nội tử vong. Tháng 5-2013 tại BV Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân não mô cầu. Như vậy sau gần một năm, bệnh não mô cầu xuất hiện trở lại. Bệnh nhân là anh Bùi Hữu D, 21 tuổi ở Phú Xuyên (Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện tối ngày 10-2 trong tình trạng sốt cao, tri giác lơ mơ, xuất hiện các hoại tử rải rác trên da. Theo gia đình, trước đó hai ngày bệnh nhân sốt cao, đau đầu, buồn nôn, một ngày sau thì xuất hiện ban trên da. Trước đó do bệnh nhân ăn lòng lợn, tiết canh nên gia đình nghi ngờ bị mắc liên cầu lợn. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu, sau đó chuyển thẳng lên BV Nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị não mô cầu, lập tức cho làm các xét nghiệm và cách ly. Tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân cũng được uống thuốc dự phòng. Đến nay sau hai ngày điều trị, bệnh nhân đã hết sốt, tinh thần tốt, ban trên da bắt đầu giảm dần nhưng vẫn phải cách ly tuyệt đối. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã chỉ đạo báo cáo ca bệnh với Bộ Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để tiến hành xử lý, khoanh vùng ổ dịch, bởi não mô cầu là một bệnh có tính chất nguy hiểm, có thể lây qua đường hô hấp. Bệnh não mô cầu có thể gây tử vong nhanh Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, bệnh não mô cầu là bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, lưu trú ở hầu, họng trong quá trình tiếp xúc dễ lây bệnh cho những người xung quanh. Bệnh có thể gây nên viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết. Bệnh diễn tiến rất nhanh, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Nếu không được cấp cứu kịp thời tỷ lệ sốc và tử vong rất cao, từ 50 đến 70% tùy từng thể bệnh. Bệnh có thể mắc ở bất kỳ đối tượng nào. Khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng và ở những cơ địa yếu, vi trùng tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não và với những trường hợp diễn tiến cấp tính có thể gây tử vong nhanh chóng. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cũng cho biết, rất khó có dấu hiệu sớm nhận biết bệnh viêm não mô cầu bởi các triệu chứng của bệnh giống các trường hợp nhiễm vi trùng khác với biểu hiện đau họng, đau mỏi người. Còn khi diễn tiến nặng hơn gây biến chứng viêm não mô cầu thể viêm não mủ thì biểu hiện cũng giống như những ca viêm não mủ bình thường khác, gồm các triệu chứng: sốt, đau đầu, nôn, hôn mê. Còn khi vi khuẩn não mô cầu gây biến chứng nhiễm trùng huyết, người bệnh có biểu hiện xuất hiện ban hoại tử dưới da cũng dễ nhầm với bệnh liên cầu lợn, các bệnh phát ban khác. Người bình thường vẫn có thể mang vi khuẩn não mô cầu tại họng mà không có triệu chứng lâm sàng. Các triệu chứng thường gặp như: sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu. Ban xuất huyết hoại tử hình sao, xuất hiện sớm và lan nhanh, thường gặp ở hai chi dưới. Bệnh có dấu hiệu viêm màng não khi đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, táo bón, gáy cứng. Trẻ nhỏ có thể có tiêu chảy, thóp phồng và gáy mềm. Bệnh nhân bị rối loạn ý thức, li bì, vật vã, có thể có co giật, hôn mê. Để phòng bệnh, khi tiếp xúc nơi đông người, gần người bệnh, ở tại ổ dịch cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Nhân dân Methadone, niềm hy vọng cho người nghiện ma túy Sau 5 năm triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Số người tái nghiện và lây nhiễm HIV giảm đáng kể, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp tục và mở rộng chương trình sau năm 2015 đang gặp khó khăn do nguồn tài trợ nước ngoài sẽ kết thúc vào thời điểm đó Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện trên cả nước có 74 cơ sở điều trị Methadone cho 14.785 người. Methadone hiện đang được cấp miễn phí từ các chương trình tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo cam kết, nguồn tài trợ này sẽ chấm dứt sau năm 2015, điều đó đồng nghĩa với kế hoạch loại trừ tệ nạn này ra khỏi xã hội sẽ gặp khó khăn. Trước thực trạng nói trên, để duy trì phương pháp điều trị hiệu quả này, Chính phủ đã giao Bộ Y tế và các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các chính sách, giải pháp để duy trì và mở rộng chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone phục vụ mục tiêu điều trị cho 80 nghìn người nghiện các chất ma túy vào cuối năm 2015. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành khác tuyển chọn năm doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất thuốc. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để chúng ta có thể bảo đảm nguồn thuốc Methadone cho người bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các cơ sở, doanh nghiệp phải có kế hoạch nhập nguyên liệu trước khi viện trợ bị cắt giảm để bảo đảm đủ nguồn thuốc cho nhu cầu trong nước. Như vậy, theo ước tính, nếu các công ty trong nước có thể tự sản xuất thuốc, giá thuốc Methadone sẽ giảm 30% so với giá nhập khẩu thuốc từ nước ngoài (ước tính giá thuốc sản xuất trong nước là khoảng 700 nghìn đồng/lít, so với giá thuốc nhập khẩu là trên dưới một triệu đồng/lít). Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Phạm Đức Mạnh cho biết, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone giải quyết được vấn đề kinh tế. Ước tính, thay vì tốn 300 nghìn đồng/ngày để mua hê-rô-in, người nghiện chỉ cần chi 7.500 đồng/ngày để mua thuốc Methadone. Như vậy, với mức giá này, người dùng Methadone hoàn toàn có khả năng chi trả. Cái được nhất là sẽ tạo được tiền đề cho các địa phương đẩy mạnh triển khai xã hội hóa các cơ sở điều trị Methadone (hiện mới chỉ có hai cơ sở xã hội hóa tại Hải Phòng và Lào Cai, người bệnh chi trả từ 8.000 đến mười nghìn đồng/người/ngày). Trao đổi vấn đề này, bác sĩ Phan Trọng Khánh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng cho biết, hiện nay, cơ sở đang tiếp nhận điều trị cho gần 500 người bệnh. Phần lớn người bệnh là người nghiện ma túy lâu năm, từng cai nghiện ma túy nhiều lần mà không thành công. Sau giai đoạn dò liều, bác sĩ sẽ chuyển người bệnh sang giai đoạn điều trị duy trì. Kết quả, đến nay nhiều người đã từ bỏ được ma túy. Đến tháng 10-2013, qua kiểm tra cho thấy kết quả hơn 90% số người bệnh có phản ứng âm tính với ma túy, nhất là trong số đó có đến 76% số người có việc làm (trước khi điều trị chỉ 30% số người có việc làm). Người bệnh hồi phục sức khỏe và tinh thần ngày càng thoải mái và có nhiều cải thiện trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện các cơ sở điều trị Methadone tại Hải Phòng đều bị quá tải. Nhiều gia đình người bệnh sẵn sàng trả thêm tiền để được ưu tiên vào điều trị. Anh Nguyễn Văn Hải, một người bệnh đang điều trị ở đây chia sẻ: Từ khi dính vào ma túy, cuộc sống tôi mù mịt không tương lai, chưa khi nào tôi thấy niềm vui. Gia sản khánh kiệt bởi một ngày tôi "đốt" cả nửa triệu đồng vào ma túy. Có lúc khi cơn nghiện lên, bí bách tôi lấy từng bơ gạo của gia đình đi bán để lấy tiền mua ma túy. Nhưng bây giờ, nhờ có Methadone, tôi không còn dùng ma túy nữa, công việc đã ổn định, tôi được tuyển vào làm bảo vệ cho một công ty. Kinh tế gia đình bớt khó khăn, mua sắm được một số đồ dùng trong nhà. Tôi biết, thời gian tới, người dùng Methadone sẽ phải chi trả tiền để sử dụng Methadone, cá nhân tôi luôn ủng hộ liệu pháp này, tôi sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn để có thêm kinh phí chi trả cho việc điều trị. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chương trình điều trị Methadone đã điều trị cho 15 nghìn người nghiện ở 74 cơ sở tại 29 tỉnh, thành phố, đây là một thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn khá xa so với mục tiêu 80 nghìn người nghiện được điều trị bằng Methadone vào năm 2015 của Chính phủ. Năm 2015 cũng là thời điểm các nguồn tài trợ sẽ bị cắt, đồng nghĩa với việc chương trình có thể bị ngừng lại. Điều trị nghiện hê-rô-in bằng Methadone là điều trị duy trì, đòi hỏi phải được áp dụng thường xuyên và lâu dài, do đó, hàng nghìn người nghiện sẽ đứng trước nguy cơ tái nghiện khi bị dừng điều trị do thiếu kinh phí. Như vậy, để chương trình này được tiếp tục, mang đến cơ hội được cai nghiện cho hàng nghìn người nghiện, các cấp có thẩm quyền cần đưa ra một kế hoạch tài chính cụ thể để đầu tư kinh phí cho chương trình. Theo đó, trước mắt, nguyên liệu sản xuất thuốc sẽ được nhập từ nước ngoài. Thuốc không được lưu hành trên thị trường mà sẽ được trung tâm phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố phụ trách và kiểm soát. Methadone là chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam từ năm 2008. Methadone được sử dụng hoàn toàn qua đường uống, làm giảm thèm muốn và khóa tác động của hê-rô-in từ từ nên được coi là giải pháp an toàn cho sức khỏe của người nghiện, giúp điều trị hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C. Hiện chương trình đã có mặt ở 29 tỉnh, thành phố với 74 cơ sở. Công an nhân dân Trẻ dị tật môi, hở hàm ếch sẽ được phẫu thuật miễn phí Theo thông báo của Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười Việt Nam (Operation Smile Vietnam), từ ngày 23 đến 26/2, tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho các trẻ em bị dị tật khe hở môi hàm ếch đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tiêu chuẩn để phẫu thuật đối với trẻ bị dị tật khe hở môi là tối thiểu 6 tháng tuổi và đạt cân nặng 8kg trở lên, trẻ bị dị tật khe hở vòm là tối thiểu 18 tháng tuổi và có cân nặng 12kg trở lên và không có bệnh lý tim mạch bẩm sinh hoặc viêm nhiễm đường hô hấp trên trong thời gian tới khám. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật, thuốc, các chi phí về y tế khác và được hỗ trợ một phần chi phí đi lại, ăn uống trong thời gian lưu viện. Bệnh nhân có thể liên hệ tới Văn phòng Operation Smile Vietnam tại TP Hồ Chí Minh (08).2222 1008 và tại Hà Nội (04) 39365426, hoặc đường dây nóng: 0904.885555 để được tư vấn. Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên ở Khánh Hòa đã tử vong Nguồn tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa tối 13/2 cho biết, anh Huỳnh Thanh Tuấn, (30 tuổi) trú ở xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang - bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên ở tỉnh này đã tử vong. Trong một diễn biến có liên quan, khoa truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hňa cũng đang thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ 4 bệnh nhân khác nghi cúm do virus, đang chờ kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng. Trước đó vào trưa ngày 5/2, anh Huỳnh Thanh Tuấn được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, diễn biến tăng đến suy hô hấp nặng, suy đa phủ tạng. Cùng với việc điều trị viêm phổi theo phác đồ của Bộ y tế, bệnh viện đã đề nghị Trung tâm y tế dự phòng Khánh Hòa thu thập mẫu bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 11/2 của Trung tâm nghiên cứu y khoa nhiệt đới thuộc Trường Đại học Oxford - Anh quốc tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn dương tính với virus cúm A/H1N1. Các kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này tại Viện Pasteur Nha Trang ngày 8/2 và tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ngày 10/2 đều cho kết quả dương tính với virus cúm A/H1N1. Dù đã nỗ lực điều trị đặc biệt nhưng bệnh nhân đã tử vong sau hơn một tuần điều trị Thêm 1 ổ dịch cúm A/H5N1 tại Kon Tum Ngày 13/2, thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, mới có thêm ổ dịch cúm A/H5N1 tại xã Mo Rai ( huyện Sa Thầy). Trước đó, ngày 9/2, tại Công ty 78 ở xã Mô Rai huyện Sa Thầy xuất hiện có 341 con gà và 646 con vịt trên tổng đàn hơn 2000 con bị ốm, chết có biểu hiện nghi mắc cúm A/H5N1. Chi cục Thú y tỉnh đã gửi mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính cúm A/H5N1. Như vậy, tính đến nay, tỉnh ta có 4 ổ dịch tại huyện thành phố, gồm thành phố Kon Tum (2 điểm), huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy mỗi huyện một điểm. Sau khi có kết quả, ngày 12/2, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền xã Mo Rai (huyện Sa Thầy) và Công ty 78 tiến hành thiêu hủy toàn bộ số gà, vịt còn lại và thực hiện các biện pháp chống dịch, tiêu trùng, khử độc, tránh lây lan… Hơn 64% phụ huynh quên chích ngừa sởi mũi 2 cho trẻ Trước tình hình nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ gia tăng, nhất là dịch sởi đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, ngày 13/2 tại TP HCM, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở y tế TP HCM đã có cuộc họp cùng lãnh đạo bệnh viện 24 quận huyện, trung tâm y tế dự phòng(TTYTDP) TP HCM về việc chủ động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, hiện mới chỉ là khởi đầu của cao điểm dịch, ngoài bệnh sởi đang bùng phát, thì trong 2 tuần tới khi thời tiết thật sự chuyển mùa, các loại dịch bệnh do siêu virus tấn công như sởi, Rubella, cúm, sốt siêu vi… sẽ vào cao điểm. Trong đó, các bệnh này thường tấn công trẻ em do miễn dịch của trẻ yếu. Người lớn khi bị bệnh xâm nhập thì thường diễn tiến nặng, thậm chí nguy cơ tử vong cao hơn ở trẻ em. Quên chích ngừa sởi mũi 2 cho trẻ Về nguyên nhân bệnh sởi đang bùng phát mạnh mẽ trở lại ở nhiều địa phương, theo ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó GĐ (TTYTDP)TP HCM, dịch Sởi năm nay trở lại một cách bất thường tại nhiều địa phương một phần do phụ huynh quên tiêm phòng Sởi mũi 2 cho trẻ. Thống kê của Khoa Kiểm soát bệnh tật truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm(KSBTN&VXSP) – TTYTDP TP HCM cho thấy, từ ngày 1/1/2013 tới 31/12/2013, toàn thành phố đã có 107.704 trẻ được chích ngừa bệnh Sởi (mũi 1) đạt tỉ lệ: 96,6%. Tuy nhiên số trẻ được chích ngừa Sởi mũi 2 lại quá thấp: 39.964 trẻ, đạt tỉ lệ 35,9%. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, thần kinh BV Nhi Đồng 1, TP HCM nhận định, trong vài năm trở lại đây, độ bao phủ của tiêm chủng không đồng đều và bao quát. Trong đó nguyên nhân được biết là sau khi em bé chích ngừa Sởi lúc 9 tháng tuổi (mũi đầu), nhiều phụ huynh bỏ qua rồi quên luôn. Ở nước ta, sởi được chích là từ lúc trẻ 9 tháng. Mũi này được chương trình quốc gia cung cấp miễn phí. Do đó, để chích ngừa các bệnh còn lại (quai bị, rubella), vừa để củng cố cho mũi ngừa sởi, có mũi thuốc "dịch vụ" Sởi-Quai bị-Rubella được chỉ định lúc trẻ 15 tháng. Ngoài các mũi cơ bản nói trên, cần tiêm nhắc lại sau 3-5 năm. Thế nhưng theo BS Khanh, việc tư vấn của nhiều nhân viên tiêm phòng tại phòng khám dịch vụ với chương trình tiêm chủng mở rộng còn thiếu sự thống nhất. Tại Phòng khám dịch vụ, cán bộ y tế thường tư vấn cho phụ huynh chích ngừa Sởi cho trẻ từ 12-15 tháng. Chính vì vậy gặp khi đúng lúc trẻ mắc bệnh khác, thường phụ huynh quên luôn cho đến khi trẻ 4-5 tuổi. Trong khi với chương trình tiêm chủng mở rộng mũi một (sởi) khi trẻ 9 tháng và mũi hai là lúc 15-18 tháng. Chính vì việc quên này, tạo cho khoảng cách miễn dịch và bảo vệ cho trẻ không thật sự hiệu quả. Theo ghi nhận từ khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 1 TP HCM, từ giữa tháng 12/2013 đến nay, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 4-5 ca trẻ mắc Sởi. Tuy nhiên, tuần qua, số trẻ mắc sởi nhập viện tăng nhanh với trên 30 ca/ngày. Tính từ đầu năm tới nay, BV tiếp nhận và điều trị cho khoảng trên 200 ca. Trong đó có 7 ca nặng (suy hô hấp phải thở máy). Cũng có một số trường hợp phụ huynh lo sợ những tai biến khi cho con đi tiêm chủng, khiến cho nguy cơ trẻ mắc bệnh ngày càng cao. Cần thực hiện tốt tiêm chủng mở rộng Theo Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nhiệm vụ đặt ra để “dập dịch sởi” hiện nay là TTYTDP TP HCM cần phối hợp với Y tế học đường các cấp trong giáo dục sức khỏe phòng bệnh và giám sát phát hiện bệnh sớm. Thực hiện cách ly nghiêm túc từ 7-10 ngày đối với tất cả bệnh nhân, tất cả các bệnh nhân được ghi nhận sốt phát ban phải được lấy mẫu xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sởi cũng như Rubella. Cần thực hiện tốt trong công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tiêm chủng thường xuyên đạt chỉ tiêu trên 90% trẻ tiêm đủ 7 loại vắc xin phòng bệnh và chiến dịch tiêm sởi mũi 2. Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh năm 2014 được giao cho khoa “kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm”-(KSBTN và VXSP) -Trung tâm y tế dự phòng thành phố trực tiếp triển khai kế hoạch, trong đó ngoài bệnh sởi, còn phòng chống nhiều bệnh: rubella, tay chân miệng, thủy đậu, đặc biệt là dịch cúm A/H5N1, AH7N9, bệnh Corona chủng mới… đang có nguy cơ thâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Lực lượng YTDP Q/H có nhiệm vụ phối hợp với BV các tuyến, thu thập danh sách ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh chẩn đoán xác định, đảm bảo nắm thông tin ca bệnh từ BV tới TTYTDP TP, tới các Q/H, P/X; tiến hành các biện pháp can thiệp cộng đồng khống chế, không để dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, đề phòng mùa cao điểm của dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát thì các cơ sở tiêm chủng ngoài chương trình chủ động dự trù vắc xin thủy đậu, sởi, rubella, quai bị và một số vắc xin phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân thành phố. Để đề phòng bệnh cúm gia cầm lây qua người, YTDP TP và Q/H cần tăng cường giám sát sức khỏe của những người trong nhà và các nhà cùng tổ dân phố có chăn nuôi, hoặc hành nghề giết mổ gia cầm, thủy cầm. Phát hiện sớm những điểm có gia cầm bị bệnh /chết do nghi ngờ cúm, thực hiện theo dõi sức khỏe mỗi ngày đối với những người thường xuyên ra vào khu vực có gia cầm bệnh/ chết; phát hiện người có biểu hiện viêm đường hô hấp liên quan dịch tễ với bệnh cúm A/H5N1 phải thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch thường qui cho đến khi có xét nghiệm âm tính… Hà nội mới, Nông thôn ngày nay, Sức khỏe đời sống Hà Nội bảo đảm đủ vắc xin tiêm phòng sởiChiều 12-2, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khoảng 70-100 nghìn trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi. Số trẻ này đang có nguy cơ mắc sởi, nhất là trong thời điểm bệnh sởi có nguy cơ bùng phát như hiện nay. Ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội có đủ vắc xin, vật tư y tế cũng như bố trí đủ nhân lực để tiến hành tiêm phòng vắc xin thường xuyên và tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ. Tại 577 xã, phường, thị trấn đều triển khai tiêm chủng định kỳ và tiêm miễn phí vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ, trong đó có vắc xin phòng sởi. Ngoài ra, tại các điểm tiêm dịch vụ cũng sẵn sàng tiêm vắc xin sởi. Do đó, những gia đình có trẻ chưa tiêm sởi hãy đưa trẻ đi tiêm phòng ngay. Ngày 12-2, theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ tháng 8 tới ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi, rubella miễn phí cho tất cả trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Được biết, dịch sởi hiện nay không có gì bất thường, dịch bệnh diễn ra đúng chu kỳ 3-5 năm. Khi được tiêm mũi 1 thì khoảng 85% trẻ có miễn dịch. Nếu tiêm đủ 2 mũi thì khả năng miễn dịch sẽ tăng lên 90%. Như vậy, mỗi năm có khoảng 5-10% trẻ tiêm rồi nhưng vẫn mắc sởi và đến chu kỳ dồn lại sẽ tập trung thành dịch. An ninh thủ đô, Tuổi trẻ, Lao động Lo ngại trước diễn biến cúm gia cầm Mặc dù không công bố có dịch rộng rãi trên cả nước, nhưng hiện tại, cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện và đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành. Trong khi, báo cáo của Cục Thú y vẫn khẳng định, trên cả nước không có tỉnh nào có dịch cúm A/H5N1. Không để dịch cúm lây lan Ngày 11-2, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, sau khi phát hiện hai ổ dịch cúm gia cầm, cúm A/H5N1 xảy ra tại buôn Com Leo, xã Hoà Thắng (TP Buôn Ma Thuột) và tại nhà anh Lê Quốc Trung, ở xã Ea Ver (huyện Buôn Đôn), lực lượng chức năng đã tiêu hủy 32 con ngan và 394 con vịt. Theo ông Trang Quang Thành, một trong những nguyên nhân chính xảy ra dịch cúm gia cầm là do các hộ gia đình không tiêm phòng dịch. Hiện các lực lượng chức năng đã khoanh vùng tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi tại các khu vực có dịch. Tỉnh này cũng chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, kiên quyết không để dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng. Cùng ngày, ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, thôn Giáo Liêm, xã Triệu Độ, thôn Thượng Trạch, xã Triệu Sơn của huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị cũng đã xuất hiện cúm gia cầm H5N1. Tương tự, tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, Nam Định đã phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 tại một hộ đang nuôi 100 con ngan và 400 con vịt đẻ vào ngày 9-2. Ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho hay, tỉnh đã hỗ trợ xã Giao Hà 300 lít hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng toàn xã, đồng thời tổ chức tiêm vaccine phòng cúm gia cầm trên địa bàn 5 xã lân cận nhằm bao vây, không chế không để dịch lây lan. Trước đó, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cũng tiêu hủy hơn 100 con gia cầm dương tính với cúm A/H5N1 của gia đình ông Nguyễn Văn Co ở xã Tân Phú. Ngày 6-2, Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh đã tiêu hủy 500 con vịt thả đồng của ông Cao Văn Hải ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành bị nhiễm dịch cúm A/H5N1. Tại tỉnh này, dịch đã xuất hiện từ tháng 1-2014, tính đến ngày 11-2, đã có 3 ổ dịch với hơn 2.000 con gia cầm phải tiêu hủy. Vẫn lo ngại chủng virus độc lực cao Dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp tại các địa phương có lượng gia cầm lớn, thêm vào đó, thời tiết từ sau Tết đến nay luôn ẩm thấp, tạo điều kiện cho virus cúm gia cầm lây lan, tuy nhiên, trên trang web chính thức của Cục Thú y, nơi công bố thông tin về dịch bệnh rộng rãi cho cả nước vẫn “lặng như tờ”, thậm chí không cập nhật thông tin về dịch bệnh để cơ quan chức năng, người dân quan tâm nắm bắt, phòng tránh. Báo cáo của Cục Thú y đến tối 12-2 mới có thông báo về dịch bệnh của ngày 10-2. Tuy nhiên, Cục Thú y vẫn khẳng định, đến ngày 10-2, cả nước không có tỉnh nào có dịch cúm gia cầm?! Trong khi đó, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y lại thường xuyên có Công điện, văn bản yêu cầu các địa phương, người dân phải nâng cao ý thức phòng chống dịch, nhất là trong bối cảnh dịch cúm với nhiều chủng virus độc lực cao đang gây lo ngại tại Trung Quốc. Đáng lưu ý, kết quả giám sát sự lưu hành của virus cúm H5N1 tại 147 chợ cho thấy, 6% dương tính với virus này. Nam Định: Có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1 Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định khẳng định, ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1, tỉnh đã có quyết định công bố dịch trên địa bàn xã Giao Hà, đồng thời báo cáo về Cục Thú y. “Quan điểm của địa phương không bao giờ giấu dịch. Chúng tôi công bố rộng rãi tới người dân trên toàn tỉnh. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn xã có dịch. Mà muốn giấu cũng không được vì chúng tôi phải đưa mẫu bệnh phẩm tới Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) để xét nghiệm”.Nam Định là một trong những tỉnh chăn nuôi gia cầm lớn ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Sở NN&PTNT tỉnh này cho hay, hiện toàn tỉnh đang nuôi khoảng 6 triệu gia cầm, trong đó Giao Thủy là huyện nuôi lớn nhất. Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống cúm gia cầm hiện nay theo ông Lê Xuân Thủy là chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, tận dụng sản phẩm dư thừa, do chưa có điều kiện kinh tế để mở trang trại, chăn nuôi tập trung. Nông thôn ngày nay, Tiền phongCứu sống mẹ con sản phụ bị tắc mạch ốiNgày 12.2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết mẹ con một sản phụ bị tắc mạch ối, chết lâm sàng là chị Lê Thị Hòa (37 tuổi, trú phường Cam Lợi, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) và bé gái nặng 3,2 kg vừa được các bác sĩ cứu sống kịp thời.Trước đó, ngày 7.2, sản phụ Lê Thị Hòa được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh để chuẩn bị sinh; các bác sĩ chẩn đoán thai được 41 tuần, ngôi đầu, con to. Đến trưa 11.2, sản phụ Hòa chuyển dạ, ối vỡ tự nhiên, sau đó đột ngột tím tái toàn thân, ngừng thở, mạch quay không bắt được, tim thai khó nghe, dịch hồng từ họng và miệng trào ra nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán sản phụ Hòa bị tắc mạch ối, chết lâm sàng và ngay lập tức đã tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực, tiến hành hội chẩn giúp sản phụ đỡ tím, thở đều, mạch quay bắt được, tim nghe đều, rõ, ngôi thai cao, tim thai 180 lần/phút. Chiều 11.2, sản phụ Hòa được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ngay sau khi tiếp nhận sản phụ Hòa, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành mổ cứu sống được cả mẹ và con. Ngôi sao Cứu sống sản phụ đã ngưng thở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa mổ cấp cứu thành công một sản phụ và bé sơ sinh khi mẹ đã ngưng thở, tim thai khó nghe. Đêm 7/2, sản phụ tên Lê Thị Hòa (37 tuổi, trú phường Cam Lợi, TP Cam Ranh) nhập Khoa sản Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh. Ba ngày sau, các bác sĩ đề nghị với gia đình cho đẻ chủ động nhưng gia đình không đồng ý. Trưa 11/2, chị Hòa chuyển dạ. Đến hơn 14h, sản phụ Hòa đột ngột tím tái toàn thân, ngừng thở, mạch quay không bắt được, tim thai khó nghe, dịch hồng từ họng và miệng trào ra nhiều. Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vực Cam Ranh, cho biết, các bác sĩ chẩn đoán chị Hòa bị tắc mạch ối và tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực. Sau 5 phút, sản phụ đỡ tím, thở đều, mạch quay bắt được, tim nghe đều, rõ, ngôi thai cao, tim thai 180 lần mỗi phút. Chiều ngày 11/2, chị Hòa được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, chị được các bác sĩ tiến hành mổ và sinh hạ một bé gái nặng 3,2 kg. Sản phụ Hòa được phẫu thuật lần hai vào sáng nay để cầm máu. Hiện hai mẹ con chị sức khỏe đều ổn định. Phụ nữ Suýt mất mạng vì mắc não mô cầu Ngày 12/2, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân nam B.H.Đ (21 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) mắc não mô cầu. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất hiện ban đỏ trên da với nghi ngờ ban đầu là nhiễm liên cầu lợn do trước đó bệnh nhân có ăn tiết canh lợn. Tuy nhiên, sau khi nhập viện các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm não mô cầu. Ngay lập tức bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Bệnh nhân Đ. khi vào viện đã có dấu hiệu viêm màng não mủ rất rõ, có nhiễm trùng huyết kèm theo, các rối loạn trên xét nghiệm. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được điều trị. Não mô cầu là bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, vi khuẩn não mô cầu cư trú ở vùng hầu họng, khi tiếp xúc người với người sẽ lây truyền qua đường ho, hắt hơi. Não mô cầu gây hai bệnh lý chính là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu do não mô cầu. Cả hai thể này đều nguy hiểm và có thể gây sốc, tử vong nhanh chóng. Kiềm chế ngay dịch cúm gia cầmMặc dù theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cả nước không có địa phương nào công bố dịch cúm gia cầm, tuy nhiên, dịch vẫn liên tục xảy ra lẻ tẻ tại nhiều nơi khiến công tác phòng, chống bệnh trở nên phức tạp. Phát hiện nhiều ổ dịch mới Ngày 11/2, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng ngăn chặn dịch cúm A/H5N1 sau khi phát hiện một ổ dịch tại xã Anh Sơn, huyện Tĩnh Gia- 186/354 con gia cầm của một hộ chăn nuôi bị chết. Tại Quảng Nam, từ hơn nửa tháng qua, bệnh cúm A/H5N1 đã xảy ra trên các đàn vịt của bốn hộ dân thuộc xã Duy Trinh và Duy Châu của huyện Duy Xuyên. Các xã Bình Chánh, Bình Nguyên huyện Thăng Bình cũng vừa phát hiện các đàn vịt nuôi của ba hộ dân chết nhanh, nhiều, có triệu chứng của cúm A/H5N1. UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện, yêu cầu các địa phương khẩn trương đối phó với dịch. Tại Quảng Ngãi, đến chiều ngày 10/2, nhiều xã tại huyện Đức Phổ đã phát hiện dịch cúm A/H5N1 ở gà, vịt. 1.865 con vịt của hộ ông Trần Ngọc Liền ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường đã chết vì H5N1. Hàng nghìn con gà tại các xã Phổ Hòa, Phổ Châu và Phổ Văn cũng chết với triệu chứng của bệnh cúm A/H5N1. Ngoài lấy mẫu gia cầm chết đưa đi xét nghiệm, điều động cán bộ thú y xuống địa bàn, cơ quan y tế của hai tỉnh trên cũng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh vịt, không tiếp xúc với mầm bệnh, không tiêu thụ sản phẩm gia cầm chết... Chi cục Thú y tỉnh Nam Định cũng đã tiêu hủy 500 con ngan và vịt đẻ nhiễm cúm A/H5N1 của hộ gia đình ông Phùng Văn Nhân tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy; xuất kho 60 ngàn liều vắc-xin H5N1 để tiêm cho các đàn gia cầm trên địa bàn xã Giao Thủy và các xã giáp ranh… Tăng cường kiểm soát gia cầm sống tại chợ Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ tăng cường khâu giám sát dịch bệnh, đặc biệt là lấy mẫu vật phẩm tại các chợ gia cầm sống. Tuy nhiên, tại các chợ, gia cầm sống vẫn được bày bán và giết mổ tràn lan mà gần như không có bất cứ cơ quan kiểm dịch nào “ngó ngàng”. Tại chợ tạm Cầu Diễn (Hà Nội), lúc nào cũng có hơn chục điểm bán gia cầm, kiêm dịch vụ giết mổ tại chỗ bày ngay trên trục quốc lộ 32. Lông gà vịt vứt bừa bãi, nước bẩn chảy lênh láng trên lòng đường. Tương tự, tại các chợ của Hà Nội như Văn La (Hà Đông), chợ Thành Công (Ba Đình)… không khó để có thể tìm những quầy gà sống được chế biến tại chỗ và những con gà giết mổ sẵn không có dấu kiểm dịch. Theo Chi cục thú y TP.HCM, dù trước đây, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép, nhưng hiện nay toàn TP vẫn còn tồn tại đến 36 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn 11 quận, huyện. Thời gian gần đây, tình trạng này tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu gia cầm sống trái phép qua biên giới cũng có chiều hướng tăng cao. Tại cuộc họp với các ban ngành liên quan vào ngày 11/2, ông Lê Thanh Liêm – Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu: “Chủ tịch UBND quận, huyện phải có phương án kiểm tra, xử lý triệt để việc kinh doanh gia cầm sống trái phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu còn để tồn tại tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép, hoặc xảy ra trường hợp có người nhiễm bệnh từ gia cầm trên địa bàn”. Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trước nguy cơ được cảnh báo, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh. Ngay trong tuần này, Bộ NN-PTNT sẽ có cuộc họp với các tổ chức quốc tế và với bốn tỉnh biên giới có nguy cơ cao, giáp với Trung Quốc. Ông Kỳ cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương, không giấu dịch bệnh để tránh lây lan trên diện rộng. Dịch sởi bột phát trở lại: Lỗi do đâu?Sau nhiều năm xuất hiện những ca rải rác thì từ cuối năm 2013 đến nay, bệnh sởi đã bột phát trở lại. Nhiều trẻ bị biến chứng nặng như viêm tai, viêm phổi... và đã có ba trường hợp tử vong. Lỗi do đâu? Nhiều trẻ phải thở oxy 8g sáng 11/2, trước phòng 101 của Khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM có đến ba bác sĩ (BS) đang tái khám cho 32 trẻ nằm điều trị nội trú do bệnh sởi. Bé trai Ng.V.T. (19 tháng tuổi, quê Thái Bình tạm trú tại TP.HCM) bị nổi phát ban khắp người, riêng phần lưng nổi ban chi chít, đỏ rực. Bệnh nhi nhập viện trước đó năm ngày, ban đầu chỉ sốt cao, ho, sổ mũi, họng đỏ và hai ngày sau mới nổi ban. Hiện bé T. tiếp tục được điều trị viêm phổi do di chứng của bệnh sởi gây ra. Chị Lan, người nhà của bé T. sốt ruột nói: “Không phải tôi sợ tác dụng phụ của vắc-xin mà không chích ngừa cho cháu, nhưng đến tháng chích ngừa thì cháu bị bệnh, đến khi hết bệnh tôi lại quên mất”. Khi tái khám bé Tr.Ng.T.V. (ba tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), BS cho biết bé bị sởi nhẹ, nổi ban ít do đã được chích ngừa đầy đủ. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi Đồng 1 khẳng định: Sau nhiều năm chỉ xuất hiện các ca bệnh lẻ tẻ thì bệnh sởi bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 11/2013. Lúc đó, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận một lúc sáu trẻ mắc bệnh. Hiện mỗi ngày, có thêm từ bốn-bảy trẻ nhập viện. Các trẻ mắc bệnh sởi đang nằm ở Khoa Nhiễm đều có triệu chứng sốt cao, biến chứng viêm phổi, viêm tai; đặc biệt có đến sáu trẻ đang phải thở oxy. Tương tự, tại BV Nhi Đồng 2 đang có 21 trẻ bị bệnh sởi đang điều trị. BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho biết, những trẻ chích ngừa đầy đủ vắc-xin sởi sẽ khó mắc bệnh; nếu bị bệnh thì chỉ bị rất nhẹ. Và hiện nay ngành y chưa thể xét nghiệm tìm được nồng độ kháng thể của trẻ sau chích ngừa để biết trẻ đó có đủ khả năng không mắc bệnh sởi. Từ đầu năm đến nay, ở miền Bắc có ba ca mắc sởi tử vong. Theo ghi nhận của chúng tôi tại BV Xanh Pôn (Hà Nội) vào chiều 11/2, số trẻ vào khám sởi tiếp tục tăng từng ngày. Tính đến ngày 11/2, Khoa Nhi tổng hợp, BV Xanh Pôn đã tiếp nhận tổng cộng 124 ca sởi vào điều trị. Qua tiến hành xét nghiệm với 68 mẫu bệnh phẩm, xác định được 33 ca dương tính với sởi. Theo BS Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, trên thực tế số bệnh nhân sởi còn cao hơn nhiều, nhưng qua khám sàng lọc, những trường hợp nhẹ được chỉ định điều trị ngoại trú, trường hợp nặng mới cho nhập viện. Tất cả 124 ca sởi nhập viện tại BV Xanh Pôn đều có biến chứng, trong đó 90% bị biến chứng viêm phổi. 80% là bệnh nhi dưới năm tuổi. Các bệnh nhân này đều chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi trước đó. Tại BV Nhi Trung ương từ tháng 10/2013 đến nay, ghi nhận hơn 200 bệnh nhi mắc sởi đến khám. Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi có gần 50 ca sởi đang phải nằm viện điều trị. Trong đó, nhiều ca có biến chứng viêm phổi, viêm não. Trong số 50 trẻ bị sởi đang nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương có tới 27 trẻ dưới chín tháng tuổi. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 181 ca sốt phát ban nghi sởi. Hà Nội có khoảng 700.000 trẻ em dưới năm tuổi, trong số này có khoảng 35.000-40.000 trẻ có nguy cơ mắc bệnh sởi. Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng mắc sởi. Thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy, nếu tháng 12/2013 chỉ có 39 bệnh nhân đến trị bệnh sởi thì tháng 1/2014 lên đến 72 ca. Ngày 11/2, Khoa Nội A có đến 20 bệnh nhân mắc sởi đang nằm điều trị nội trú. Khoa này cũng đang điều trị cho chị Q.N. (31 tuổi, nhân viên Khoa Xét nghiệm, BV Bệnh Nhiệt đới). Chị N. kể: “Lúc đầu tôi chỉ bị đau họng, ăn không được, tiêu chảy, ói nên nghĩ bị cảm lạnh hoặc do siêu vi. Do đó, người nhà đã cho xông hơi, uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh không hết. Bốn ngày sau thì ban nổi khắp người, mắt đau nhức mới biết mắc bệnh sởi “. BV này cũng đang điều trị cho một bé trai ngụ huyện Cần Giờ mới sáu tháng tuổi (chưa đủ tuổi chích ngừa) đã bị bệnh sởi. Phụ huynh lo ngại tai biến do vắc-xin BS Trương Hữu Khanh thẳng thắn: “Dịch bùng phát trở lại, ngoài nguyên nhân trẻ không được chích ngừa do mắc bệnh hoặc phụ huynh e ngại những vụ tử vong liên quan đến vắc-xin, còn do trẻ được chích không đủ liều (trẻ bỏ chích nhắc lại lúc 18 tháng tuổi, lúc năm-sáu tuổi) và do nhân viên tư vấn sai, khuyên phụ huynh trẻ đến 12 tháng tuổi mới chích ngừa”. BS Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lý giải: Ở các nước phát triển, do nguồn bệnh sởi không nhiều và dựa vào các nghiên cứu, các nhà sản xuất đã tạo ra vắc-xin sởi dành chích cho trẻ lúc 12 tháng tuổi thì sẽ tạo kháng thể tốt. Tuy nhiên, do tình hình bệnh sởi ở Việt Nam nhiều hơn các nước, khả năng bao phủ vắc-xin chưa nhiều, nhiều trẻ bị sởi trước 12 tháng tuổi nên Tổ chức Y tế Thế giới mới triển khai chích vắc-xin cho trẻ ngay từ lúc chín tháng tuổi. Từ đó chương trình tiêm chủng quốc gia đặt hàng sản xuất vắc-xin cho phù hợp với lứa tuổi. Một BS thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia lo âu: “Chúng tôi triển khai tiêm vắc-xin xuống tận trạm y tế phường/xã nhưng họ không đưa con đến chích thì không thể quản lý được. Tôi mong Bộ Y tế có biện pháp quản lý các cơ sở tư nhân tuân thủ hướng dẫn rõ ràng trong tiêm chủng và phải có vắc-xin sởi dạng dịch vụ cho phù hợp với tình trạng bệnh ở Việt Nam”. Theo BS Nguyễn Ngọc Vinh, cách phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là chích vắc-xin ngừa bệnh; còn việc đeo khẩu trang không có tác dụng ngăn phát tán mầm bệnh vì đây là loại siêu vi, lọt qua được các khe của khẩu trang. Ở những gia đình có người mắc bệnh sởi, cần phải cách ly và chích ngừa nhanh chóng. Tuy nhiên, vắc-xin sởi sau hai tuần tiêm chủng mới tạo ra kháng thể. BS Trương Hữu Khanh cảnh báo: một số bệnh nhi trở nặng do người nhà tự ý điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Người nhà thường quan niệm sai lầm khi kiêng gió, kiêng ăn đối với người bị sởi. Bản thân người bệnh sởi rất biếng ăn, dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng nặng, sức đề kháng yếu, khiến bệnh lâu hết. Bệnh sởi khiến nhiệt độ cơ thể tăng, không thoát nhiệt được, nếu bị trùm mền, kín gió khiến trẻ sốt, co giật. Dân trí Sản phụ thoát ải “tử thần” nhờ nhân viên y tế hiến máu hiếm Nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thiếu máu nặng với nhóm máu hiếm AB, sản phụ Phạm Thị Thu được truyền máu khẩn cấp từ ngân hàng máu sống và bác sĩ Khoa sản Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi kịp thời cứu sống mẹ lẫn con trong gang tấc. Ghi nhận theo hồ sơ bệnh án, sản phụ Phạm Thị Thu (SN 1981, ngụ xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) nhập viện lúc 0h15 ngày 9/2 với thai nhi 32 tuần tuổi, trong tình trạng huyết áp cao (tiền sản giật nặng), nhau bong non, băng huyết dẫn đến choáng và thiếu máu nặng. Với tình trạng nguy kịch trên, bác sĩ Khoa sản quyết định mổ khẩn cấp, đồng thời nhanh chóng bố trí máu hiếm thuộc nhóm AB từ ngân hàng máu sống, lượng máu đảm bảo truyền cho sản phụ Thu cần 6 đơn vị máu (1,5 lít), do nhân viên thuộc Phòng Tài chính – Kế toán Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi hiến máu ngay trong đêm. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thanh, Trưởng Khoa sản Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi cho biết: “Sản phụ Thu nhập viện trong tình trạng quá nguy kịch, lại thiếu nhóm máu hiếm AB. May mà chúng tôi kịp thời xử lý, chứ chậm khoảng vài phút thì rất nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Có lẽ, đây là cứu sống sản phụ hy hữu nhất từ trước đến nay”. Trước tình trạng nguy kịch đến tính mạng, đồng thời mang thai non 32 tuần tuổi, bác sĩ Khoa sản mổ lấy thai nhi nặng 1,6kg và truyền máu cứu mẹ thành công. Hiện sức khỏe của hai mẹ con sản phụ Phạm Thị Thu đã an toàn, ổn định và có thể xuất hiện trong vài ngày tới. Trao đổi với PVDân trí, bác sĩ Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: “Với tinh thần, trách nhiệm kịp thời cứu sống sản phụ Thu của Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi, đã tô thêm hình ảnh đẹp về màu áo trắng, góp phần nâng cao y đức trong đội ngũ y, bác sĩ. Đồng thời, ngành y tế Quảng Ngãi khẳng định chất lượng chuyên môn, kỹ thuật ở khoa sản. Hiện Sở đang tiến hành đề xuất, thủ tục để khen thưởng cá nhân hiến máu và kíp mổ thành công”. Được biết, Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi đã tiến hành thưởng nóng cho nhân viên hiến máu AB với 500.000 đồng nhằm ghi nhận, động viên tinh thần người hiến máu. Góp phần trong niềm vui chung nhân kỷ niệm 59 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2014) thêm ý nghĩa.Nhiều thực phẩm tết không đảm bảo chất lượng bị xử lý Dù không ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết Nguyên Đán nhưng nhiều loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng đã bị phát hiện. Nhiều cơ sở kinh doanh bị xử lý vì “âm mưu” đưa thực phẩm “bẩn” ra thị trường. Với nỗ lực ngăn chặn tận gốc nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng trước khi tiếp cận với thị trường, trước trong và sau tết, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan rốt ráo triển khai các kế hoạch thanh kiểm tra từ ngày 20/12/2013 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 19/2/2014. Theo đó, các mặt hàng phục vụ tết sản xuất trong nước và nhập khẩu như giò chả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt, kẹo… đã bị “rờ gáy”. Thống kê sơ bộ đến sau Tết Nguyên Đán, ngành Y tế đã tiến hành thanh tra 1.649 cơ sở, phát hiện 546 cơ sở vi phạm, phạt 145 cơ sở với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Nhiều mặt hàng như giò sống, trứng, thịt gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc đã bị tịch thu tiêu hủy. Cùng với ngành y tế, ngành Nông nghiệp cũng tiến hành kiểm tra 110 cơ sở, phát hiện 29 cơ sở vi phạm; Chi cục Quản lý Thị trường kiểm tra 132 vụ, phát hiện 68 vụ hàng nhập lậu, tạm giữ để xử lý hơn 124 nghìn sản phẩm và 3,4 tấn thực phẩm các loại như rượu, bia, nước giải khát, sữa, bánh, kẹo, đường, bột ngọt,... để xử lý. Trong quá trình kiểm tra, chi cục phát hiện 09 vụ buôn bán các mặt hàng bánh, kẹo, nho khô, mì gói, nước hương trái cây quá hạn sử dụng. Những nỗ lực của các ban ngành liên quan đã góp phần ngăn chặn từ gốc nguồn thực phẩm tết không đảm bảo chất lượng trước khi tiếp cận với người tiêu dùng. Theo báo cáo tổng kết về công tác y tế trên địa bàn thành phố trong dịp Tết Giáp Ngọ các bệnh viện trên địa bàn không ghi nhận ca ngộ độc nào liên quan đến thực phẩm. Phẫu thuật miễn phí cho trẻ sứt môi, hở hàm ếchNỗi đau bẩm sinh dị tật khe hở môi, hàm ếch nếu không được can thiệp các bé sẽ phải mang khiếm khuyết của tạo hóa suốt cuộc đời. Nhằm mang lại nụ cười hồn nhiên cho con trẻ, từ ngày 23 - 26/2 chương trình phẫu thuật miễn phí sẽ thực hiện tại TPHCM. Tại Việt Nam ước tính cứ 500 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị khe hở môi, hàm ếch và dị tật hàm - mặt. Những khiếm khuyết về thể chất không chỉ làm gương mặt trẻ thơ thiếu thẩm mỹ mà còn khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày cùng sự kỳ thị xa lánh của xã hội. Nhiều trẻ bất hạnh trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để can thiệp dị tật trên. Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của con trẻ, nhiều cá nhân tổ chức từ thiện sẽ đồng hành cùngtổ chức Phẫu thuật Nụ cười Việt Nam (Operation Smile Vietnam) phối hợp với bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức phẫu thuật miễn phí cho trẻ.Chỉ với 45 phút phẫu thuật và khoản chi phí khoảng hơn 5 triệu đồng từ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm những trẻ bất hạnh sẽ có một cuộc đời mới. Những gia đình không may có trẻ bị dị tật khe hở môi, hàm ếch tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận đến khám sàng lọc vào lúc 14 giờ đến 16 giờ 30 tại bệnh viện Đại học Y Dược (215 đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5). Thời gian phẫu thuật sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26/2. Để đảm bảo an toàn cho ca mổ, bệnh nhân phẫu thuật khe hở môi phải đủ 6 tháng tuổi và nặng ít nhất 8kg, bệnh nhân phẫu thuật khe hở hàm ếch phải đủ 18 tháng tuổi, nặng ít nhất 12kg. Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch bẩm sinh hoặc viêm nhiễm đường hô hấp trên, suy dinh dưỡng trong thời gian đến khám sẽ không đủ tiêu chuẩn phẫu thuật. Chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ khe hở môi, hàm ếch tại BV Đại học Y Dược sẽ không giới hạn số lượng bệnh nhân. Trẻ đủ tiêu chuẩn sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật và một phần chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian lưu bệnh. Mọi thông tin về chương trình, xin liên hệ với văn phòng Operation Smile Việt Nam: tại TP. Hồ Chí Minh (08) 2222 1008, tại Hà Nội (04) 3936 5426, trong giờ hành chính, hoặc đường dây nóng: 0904 88 5555. Báo động bệnh chó dại và dịch cúm gia cầmTừ cuối năm 2013, đến những tháng đầu năm 2014, tình hình dịch cúm gia cầm, bệnh chó dại bùng phát và diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, bệnh dại đã khiến 2 người tử vong.Hai người tử vong do bệnh dại Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận hai trường hợp tử vong và 8 người khác bị thương do bị chó dại cắn. Hai trường hợp tử vong là 1 nam giới 55 tuổi ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân và 1 cháu nhỏ 4 tuổi ở thôn 4 xã Thiệu Dương. Theo ông Lê Văn Luận, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa, nguyên nhân của tình trạng trên là do tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt thấp (như tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỷ lệ tiêm phòng dại chó đợt 2/2013 chỉ đạt 30/1.670 con; sau khi phát hiện bệnh dại, tỷ lệ tiêm bao vây ổ dịch ở xã này mới đạt 80%); ngoài ra công tác thống kê đàn chó, mèo, một số địa phương làm chưa tốt dẫn đến tình trạng bỏ sót vật nuôi khi tổ chức tiêm phòng...Trước tình hình trên, Chi cục Thú y Thanh Hóa phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm phòng 100% đàn chó, mèo trong vùng dịch. Nếu hộ dân nào chống đối kiên quyết cưỡng chế và xử lý hành chính chủ hộ; trường hợp phát hiện chó, mèo ốm phải tổ chức tiêu hủy ngay lập tức. Đồng thời, tiêu độc khử trùng khu vực dịch; lập chốt kiểm soát, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ chó, mèo ra vào vùng dịch; toàn bộ chó, mèo phải nuôi nhốt, không thả tự do…Ngày 12/2, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đã cấp 1.000 liều vắc xin bệnh dại và 60 lít hóa chất phục vụ tiêm phòng và tiêu độc khử trùng tại xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa.Theo khuyến cáo của ngành chức năng, khi phát hiện người nghi bị súc vật mắc bệnh dại hoặc nghi dại cắn, trước hết phải nhốt chó hoặc mèo để theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 10 ngày; sơ cứu vết thương bị súc vật cắn; đến điểm tiêm phòng dại gần nhất để khám và điều trị dự phòng bệnh dại bằng vắc xin dại, huyết thanh kháng dại; cách ly, điều trị người bệnh tại bệnh viện; tránh tiếp xúc với các chất tiết đường hô hấp của bệnh nhân trong suốt thời gian chữa bệnh. Đồng thời, sát trùng tẩy uế đối với nước bọt và các đồ vật bị nhiễm chất tiết của người bệnh; điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người có vết thương hở hoặc màng niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân... Gia cầm chết do cúm A/H5N1 Bên cạnh đó, tình hình dịch cúm gia cầm cũng đang diễn biến phức tạp. Chỉ tính từ đầu tháng 2/2014 đến nay, dịch cúm gia cầm cũng đã làm 186/354 con gia cầm của hộ ông Lương Tú Hoàng, thôn Kiếu, xã Anh Sơn, huyện Tĩnh Gia bị ốm chết, phải tiêu hủy. Kết quả trả lời xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng III cho thấy, gia cầm của ông Hoàng dương tính với vi rút cúm A/H5N1. Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Tĩnh Gia tập trung chỉ đạo quyết liệt tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm ngay cho đàn gia cầm ở vùng đệm và vùng bị khống chế; thực hiện vệ sinh cơ giới, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đường làng, ngõ xóm nơi mua bán gia cầm sống, điểm giết mổ gia cầm; lập chốt kiểm dịch tại các nơi ra vào vùng có dịch; lập biển báo vùng đang có dịch và nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ gia cầm ra vào vùng dịch; thực hiện tiêu hủy số gia cầm của các hộ chăn nuôi có dịch và các hộ xung quanh; thông báo cho toàn bộ nhân dân biết để tham gia chống dịch. Tiền phongNhiều khó khăn đối phó dịch cúm gia cầmViệt Nam đang đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch cúm gia cầm H7N9, H5N1 trên người. Trao đổi với báo chí ngày 11/2, TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) quan ngại, gia cầm nhiễm virus H7N9 không biểu hiện ra bên ngoài nhưng gây tử vong cao cho người. Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết: Việt Nam sát biên giới với Trung Quốc, nguy cơ lây truyền bệnh cao. Hơn nữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giáp với Quảng Ninh, Lạng Sơn đã có ca bệnh trên người, xét nghiệm trên đàn gia cầm có virus H7N9 nên nguy cơ dịch lây sang Việt Nam rất cao vì hai địa phương trên giao thương, du lịch nhiều với Quảng Tây. Ngoài ra, gà nhập lậu qua biên giới là nguồn lây bệnh rõ ràng nhất nếu không kiểm soát được. Hiện các tỉnh phía Nam cũng là điểm nóng của cúm A/H5N1. Từ đầu năm 2014 ghi nhận 2 ca mắc cúm A/H5N1 tại Bình Phước, Đồng Tháp. Cả hai bệnh nhân đều đã tử vong. Điều lo ngại nhất trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên người hiện nay là gì, thưa ông? Điều đáng lo ngại nhất là những nước láng giềng, thậm chí địa bàn ngay sát biên giới với Việt Nam đang có dịch. Nếu không có biện pháp quyết liệt, dịch sẽ xâm nhập và bùng phát. Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa khuyến cáo hạn chế du lịch, thương mại nhưng đã nâng mức cảnh báo khi khuyến cáo khách du lịch không đến các chợ gia cầm sống. Ngành y tế Việt Nam hiện cũng đang thực hiện khuyến cáo như của WHO. Đặc biệt, nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch bệnh cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm, thủy cầm và lây bệnh sang người với số mắc gia tăng tại Việt Nam nếu không triển khai các biện pháp phòng chống, kiểm soát cúm gia cầm và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh. Dịch cúm lưu hành trên đàn gia cầm lây sang người tồn tại tương đối lâu. Như cúm A/H5N1 xuất hiện từ năm 2003 nhưng đến nay Việt Nam cũng như nhiều nước vẫn chưa khống chế, chỉ giảm đi hoặc duy trì. H7N9 cũng gây dịch trên gia cầm nhưng khó phát hiện hơn cúm H5N1 vì không biểu hiện bệnh cho đàn gia cầm, vì thế bệnh lan truyền dễ hơn. Hiện vẫn không biết lối nào để khống chế dịch trên gia cầm do đó Trung Quốc khống chế bằng cách tiêu hủy gia cầm tại các chợ có dịch. Phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn vì dịch lây từ gia cầm sang người, không gây bệnh trên gia cầm, nếu không quản lý, không giám sát tốt dịch trên gia cầm thì không giải quyết được dịch bệnh trên người. Tại Hà Nội nhiều hộ gia đình nuôi gà trên tầng thượng, hoặc trong nhà, ông nhận định thế nào về thực trạng này? Việc các hộ gia đình nuôi gia cầm tự phát, không qua kiểm dịch thú y nên rất khó kiểm soát và khống chế dịch bệnh. Cúm gia cầm rất dễ lây từ gia cầm sang người vì thế việc không tuân thủ kiểm dịch thú y sẽ dẫn tới nguy cơ gia cầm mắc bệnh và có thể lây sang người. Hai trường hợp tử vong vì cúm gia cầm H5N1 trong 2 tháng đầu năm là do người dân không có ý thức tự giác trong việc sử dụng gia cầm, gia cầm ốm vẫn giết để ăn, người ăn không mắc bệnh mà người tiếp xúc mắc và tử vong. Có hay không việc virus biến đổi hoặc tái tổ hợp để tạo thành chủng virus mới có độc lực cao hơn, thưa ông? Virus cúm bản chất là có độc lực, có tính đột biến và thích nghi cao với 2 kháng nguyên chính là H và N nên có thể tái tổ hợp, tạo ra rất nhiều chủng khác nhau. Virus chứa H5, H7, H9 thuộc nhóm có độc lực cao. Điều lo lắng nhất là tái tổ hợp thành chủng cúm mới. Tuy nhiên, hiện qua theo dõi giám sát cả của thế giới và Việt Nam chưa có chủng cúm mới xuất hiện. Tuy nhiên, chủng virus cúm tồn tại lâu và không thể tiêu diệt. Con người buộc phải chung sống, thích ứng với chúng. Điều đáng nói là những chủng cúm có độc lực cao cần có biện pháp đề phòng. Việc xác định chủng nào nguy hiểm nhất phải dựa vào yếu tố có khả năng lây từ người sang người không và bùng phát với số lượng mắc lớn không. Thời điểm này, chủng cúm H7N9 và H5N1 đang là mối lo với chúng ta. Phục hồi công tác hai cán bộ y tế vụ ba trẻ sơ sinh tử vong ở Quảng TrịSở Y tế Quảng Trị đã hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hai cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Hai cán bộ y tế này đã trực tiếp khám và xử lý cho ba sản phụ cùng ba trẻ sơ sinh. Thông tin từ Sở Y tế Quảng Trị chiều 11/2, Giám đốc Sở Trần Văn Thành đã ký Quyết định số 26 về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với y sĩ Nguyễn Thị Thuận và bác sĩ Lê Thị Kim Phượng, công tác ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Hướng Hóa. Hai cán bộ y tế này đã trực tiếp khám và xử lý cho ba sản phụ cùng ba trẻ sơ sinh. Theo đó, Giám đốc BVĐK huyện Hướng Hóa có trách nhiệm bố trí công tác và hoàn trả các quyền lợi cho hai cán bộ Thuận và Phượng kể từ ngày 27/7/2013, đồng thời thông báo cho cán bộ, nhân viên toàn bệnh viện biết. Trước đó, Sở Y tế Quảng Trị đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với các cá nhân trực tiếp, gián tiếp có sai sót trong việc thực hiện tiêm chủng tại BVĐK Hướng Hóa. Việc tạm đình chỉ hai cán bộ này cũng không khẳng định rằng họ có lỗi trong sự việc mà chỉ là một bước trong quá trình điều tra. Như Tiền Phong đã phản ánh, vụ ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại BVĐK Hướng Hóa, trong biên bản làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế và tỉnh Quảng Trị ngày 22/7/2013 đã chỉ rõ một số sai sót trong quá trình tiêm chủng tại BVĐK Hướng Hóa như để vắc xin cùng sinh phẩm khác, không ghi chép quản lý vắc xin hàng ngày, không lưu vỏ theo quy định, không triển khai tiêm vắc xin tại phòng tiêm, bảo quản vắc xin chưa đúng quy định... Sau hơn 6 tháng điều tra, hiện nguyên nhân chính làm ba trẻ sơ sinh tử vong vẫn chưa được xác định. Pháp luật & xã hội“Bao vây” vùng dịch sởi để tiêm vắc-xinTrước diễn biến của bệnh sởi trên trẻ em, ngày 11-2, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đã yêu cầu các địa phương có ổ dịch sởi căn cứ vào tình hình tổ chức bao vây tiêm vắc-xin phòng sởi ngay.Tiêm phòng là cách phòng bệnh chính Theo ông Phu, việc cách ly ca bệnh sởi là cần thiết nhưng khó, vì thế điều quan trọng là tổ chức tiêm vét như thế nào, có thể cho trẻ dưới 2 hay 5 tuổi. Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP thống kê những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ để triển khai tiêm phòng sởi bổ sung theo lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc vào một ngày riêng khác.Bên cạnh đó, từ tháng 8 tới ngành y tế cũng sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, rubella cho tất cả trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước, đặc biệt là các địa phương xảy ra dịch sởi tăng cường các hoạt động giám sát, hướng dẫn việc cách ly, tổ chức điều trị kịp thời để hạn chế tối đa các trường hợp mắc, biến chứng và tử vong do sởi. Dịch sởi diễn ra trong thời điểm này là theo đúng chu kỳ 3-5 năm của dịch chứ không có gì bất thường. Hiện nay tỉ lệ tiêm phòng sởi của cả nước đạt cao. Nếu tiêm mũi 1 thì khoảng 85% trẻ có miễn dịch, nếu tiêm thêm mũi 2 thì tỉ lệ trẻ được miễn dịch với sởi tăng lên 90%. Như vậy mỗi năm dư ra 5%-10% trẻ tiêm rồi nhưng vẫn mắc, đến chu kỳ dồn lại thì thành dịch-ông Phu lý giải. Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi Theo thống kê từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh sởi được ghi nhận rải rác hoặc thành dịch ở 24 tỉnh, TP trên cả nước. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi và đã ghi nhận 3 ca tử vong tại Hà Nội (1 ca) và Yên Bái (2 ca). Trong số các ca mắc từ năm 2013 đến nay hầu hết là chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc chưa nhận được đủ số mũi tiêm. Các tỉnh, TP có trên 30% số mắc chưa được tiêm vắc-xin, riêng Hà Nội và TP HCM có trên 89% số mắc chưa được tiêm vắc-xin sởi. Cục Y tế dự phòng nhận định, thời gian tới bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số địa phương và chủ yếu ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm vắc-xin chưa đủ mũi. Cùng đó, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc sẽ có nguy cơ cao xuất hiện dịch do giáp với Trung Quốc là quốc gia đang có dịch sốt phát ban nghi sởi lưu hành. Trong khi đó bệnh sởi lây lan rất nhanh vì lây qua đường hô hấp, một khi đã nhiễm virus sởi thì phát bệnh 100% nếu cơ thể chưa có miễn dịch. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị, hướng dẫn cách ly y tế kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Đại đoàn kết Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự cuộc họp An ninh y tế toàn cầu Theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ Kathleen Sebelius, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 11 đến 14-2, để Bộ trưởng Y tế hai nước hội đàm về các vấn đề cùng quan tâm... Ngày mai (13-2), Bộ trưởng Kim Tiến sẽ tham dự cuộc họp cấp Bộ trưởng khởi động chương trình An ninh y tế toàn cầu nhằm ngăn ngừa, phát hiện và nhanh chóng đáp ứng với các nguy cơ bệnh lây nhiễm, đặc biệt là các bệnh mới nổi như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, tăng cường năng lực ứng phó với các nguy cơ bệnh truyền nhiễm ở người và động vật... Sài Gòn giải phóngKhông thay đổi quy định về tiêm vaccine sởiTrước tình hình dịch sởi tái phát và có nguy cơ lan rộng ở nhiều địa phương, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm vaccine đầy đủ đúng quy định là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả nhất. Để ứng phó với dịch sởi, ngành y tế sẽ căn cứ vào tình hình của từng địa phương để tổ chức bao vây tiêm vaccine phòng sởi ngay. Đặc biệt, từ tháng 8 tới, ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi, rubella miễn phí cho tất cả trẻ nhỏ dưới 2 tuổi trong cả nước. Cục trưởng Trần Đắc Phu cũng cho biết, lịch tiêm phòng vaccine sởi vẫn sẽ được duy trì và giữ nguyên như theo quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ 9 tháng tuổi sẽ được tiêm mũi vaccine sởi thứ nhất và tiêm mũi thứ hai khi trẻ được 18 tháng tuổi. “Bởi lẽ đa số trẻ dưới 9 tháng vẫn còn miễn dịch do mẹ truyền sang nên tiêm phòng sởi trước thời điểm trẻ 9 tháng tuổi là không thật cần thiết. Chúng ta phải chấp nhận điều này vì theo cộng đồng lớn chứ không vì số ít trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi mà thay đổi lịch tiêm chủng” - TS Phu nêu rõ.Tuy nhiên nếu chỉ tiêm mũi 1 thì khoảng 85% trẻ có miễn dịch, nếu tiêm nhắc lại mũi 2 thì tỷ lệ trẻ có miễn dịch tăng trên 90%. Do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành trong cả nước thống kê những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine sởi để triển khai tiêm phòng sởi bổ sung theo lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc vào một ngày riêng khác. Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, trong năm 2013 cả nước đã ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Còn trong tháng 1-2014, đã có trên 240 trường hợp mắc sởi được ghi nhận ở 24 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên số ca mắc tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, trong đó đã có 3 trẻ tử vong vì sởi tại Hà Nội (1 ca) và Yên Bái (2 ca). Đáng lo ngại, gần 80% tổng số trường hợp mắc sởi trong thời gian qua là do chưa được tiêm vaccine sởi hoặc tiêm chưa đủ số mũi theo quy định. Quy định mới về đấu thầu thuốc - Cơ hội cho thuốc ViệtCục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa thông báo triển khai Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 11-11-2013 (Thông tư 36) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19-1-2012 (Thông tư 01) hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Liệu Thông tư 36 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) đã khắc phục được những bất cập? Sau 1 năm đưa vào áp dụng, bên cạnh phát huy được hiệu quả thì Thông tư 01 cũng bộc lộ những mặt hạn chế nhất định.Theo Cục Quản lý dược, Thông tư 01 phần nào đảm bảo các nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế của Luật Đấu thầu. Qua đánh giá thực hiện việc mua sắm thuốc năm 2013 của các bệnh viện theo Thông tư 01, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết đã giúp tiết kiệm được khá lớn tiền ngân sách khi mua thuốc.Theo tính toán của Bộ Y tế, kết quả đấu thầu thuốc năm 2013 đã giảm hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn như Sở Y tế Quảng Ngãi giảm khoảng 28 tỷ đồng (24%), Sở Y tế Quảng Ninh giảm được khoảng 40 tỷ đồng (xấp xỉ 20%), Sở Y tế Hà Tĩnh tiết kiệm được khoảng 32 tỷ đồng (25%)...Thế nhưng, thực tế triển khai Thông tư 01 cũng bộc lộ một số khuyết điểm như không điều chỉnh phân nhóm thuốc giúp các cơ sở y tế có thể lựa chọn được các thuốc tốt của các nước phát triển hay thuốc của các công ty sản xuất trong nước có công nghệ tiêu chuẩn tốt với giá thuốc hợp lý; gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu không được phân nhóm riêng; quy định hạn mức được mua vượt kế hoạch không quá 20% so với số lượng kế hoạch trong năm khiến không đảm bảo việc cung ứng thuốc; cơ cấu chấm điểm chưa hợp lý…Để khắc phục những hạn chế trên, Thông tư 36 đã được nghiên cứu và ban hành. Theo đó, tách riêng thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP thuộc nước tham gia ICH (bao gồm các nước thuộc EU, Nhật, Mỹ và các nước là quan sát viên của ICH và thành viên liên kết của các thành viên ICH) với các thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP nhưng không thuộc nước tham gia ICH. “Đây là quy định phân rõ đẳng cấp công nghệ để khẳng định rằng thuốc có chất lượng tốt được đề cao”, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, nhìn nhận.Theo Thông tư 36 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Thông tư 01) thì thuốc chia làm các gói thầu theo tên: generic (thuốc đã hết bản quyền bảo hộ); thuốc biệt dược và thuốc đông y. Trong đó, thuốc generic thường có số lượng chiếm ưu thế nên được phân chia khá rạch ròi, mỗi thuốc theo tên generic được phân chia thành nhóm (5 nhóm) dựa trên tiêu chí kỹ thuật và tiêu chuẩn công nghệ được cấp phép.Theo PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược bệnh viện TPHCM, với Thông tư 36 đã thể hiện cơ hội cho thuốc sản xuất trong nước vì ngoài việc dự thầu vào nhóm riêng có thể tham gia đấu thầu vào các nhóm thuốc nhập khẩu cùng đạt tiêu chuẩn WHO-GMP; thuốc sản xuất trong nước được cấp phép lưu hành tại các nước tham gia ICH được dự thầu vào nhóm thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP thuộc nước tham gia ICH…Xét về giá trúng thầu, theo Thông tư 36 thì đối với gói thầu thuốc theo tên generic, gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu hay gói thầu thuốc theo tên biệt dược thì mỗi thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng thuốc đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng quy định trong hồ sơ mời thầu và có giá đánh giá thấp nhất trong gói thầu.Như vậy, tiêu chuẩn về giá vẫn được khẳng định lại theo Thông tư 01 là chọn giá thấp nhất. Điều này sẽ tiếp tục tạo nên những cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất vì tiết giảm chi phí để giảm giá thành, nhất là chọn nguyên liệu giá rẻ! “Rộng cửa” cho thuốc Việt Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm (theo Bộ Y tế hiện khoảng 50%). Theo tính toán của Bộ Y tế, năm 2013, chi phí tiền thuốc đã tăng lên khoảng 1,7 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu thuốc đã vượt 1,37 tỷ USD so với con số 923 triệu USD trong năm 2008. Tỷ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam và thuốc ngoại nhập của bệnh viện các tuyến vào năm 2013 là gần 20.000 tỷ đồng, tăng rất nhiều lần so với các năm kế trước đó. Chi phí tiền thuốc của người bệnh mà Cục Quản lý dược cho biết đã tăng từ 17 USD/năm vào năm 2007 đã lên tới gần 30 USD/năm trong năm 2013. Quỹ Bảo hiểm y tế cũng “kêu trời” vì thanh toán tới 60% chi phí tiền thuốc trên tổng chi phí khám chữa bệnh của người dân. Như vậy, theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đòi hỏi phải “tăng tốc” sản xuất và tiêu thụ thuốc sản xuất trong nước mới có thể đạt được mục tiêu đề ra như trên. Theo TS Trương Quốc Cường, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước đang được cải thiện dần bởi khả năng sản xuất, ứng dụng công nghệ của các công ty dược trong nước. Hiện ngành dược trong nước có 178 doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc, bao gồm 98 DN sản xuất thuốc tân dược, 80 DN sản xuất thuốc từ dược liệu và trên 300 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền. “Các thuốc sản xuất trong nước đã bao phủ tất cả các nhóm tác dụng dược theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới và được chuẩn hóa quốc tế các nguyên tắc từ sản xuất, kiểm nghiệm, bảo quản, phân phối sỉ và lẻ”, ông Trương Quốc Cường cho biết. Thế nhưng, thực tế chi phí sử dụng thuốc vẫn còn cao. Theo ông Lê Văn Truyền, chuyên gia dược học thì thật sự giá thuốc cả sản xuất trong nước vẫn còn cao do tới 90% nguyên liệu phải nhập khẩu. Chính phủ cũng đã nhìn nhận vấn đề này và trong chiến lược phát triển ngành dược sắp tới cũng đã đặt vấn đề hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thuốc cũng như hạn chế nhập khẩu thuốc generic mà Việt Nam đã sản xuất được. “Ban hành chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, cung ứng và sử dụng thuốc generic, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc có dạng bào chế đặc biệt, vaccine, sinh phẩm; hạn chế nhập khẩu các loại nguyên liệu thuốc, thuốc generic mà Việt Nam đã sản xuất…”, trong chiến lược nêu rõ. Hai mặt của du lịch y tế Du lịch y tế ở châu Á đang ở thời kỳ bùng nổ. Không chỉ người dân từ những nước châu Á mà còn từ những nước phương Tây đang bị hút vào các thành phố và trung tâm y tế nổi tiếng ở Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc… Hình thức du lịch này nói chung là để chữa bệnh rẻ tiền hơn, bao gồm cả nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.Dịch vụ, tiêu chuẩn giống nhau, nhưng giá cả ở đây chỉ bằng một nửa ở Sydney của Australia. Giá cả rẻ hơn rất nhiều so với châu Âu, Mỹ nên người ta đổ đến đây cũng không phải là chuyện lạ. Tại các trung tâm y tế này, kỹ thuật phẫu thuật và kiến thức chữa bệnh an toàn, hiện đại đã lan rộng cùng với lượng bác sĩ với nhiều kinh nghiệm đến từ nước ngoài. Các trung tâm y tế ở châu Á hiện nay gần như đã quốc tế hóa các kỹ thuật chữa bệnh trước đây và chỉ giới hạn ở các nước phương Tây. Du lịch y tế phát triển khắp châu Á với các chiến lược chăm sóc khách hàng bằng chuyên môn y khoa cao cấp và các cơ sở y tế giống như khách sạn 5 sao. Nhiều nước châu Á còn tìm cách phát triển ngành du lịch y tế đã chọn liên minh đối tác với các cơ sở đa quốc gia lớn hơn. Sự phát triển này, với chiến lược quốc tế hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân nhắm đến các bệnh nhân đi du lịch, đã được nhiều nước đẩy mạnh. Chính phủ nhiều nước đã thấy được nhiều lợi ích do ngành du lịch y tế mang lại. Trước tiên là lợi ích tài chính đến từ các dịch vụ y tế và chi tiêu của du khách. Kế đến, du lịch y tế phát triển cũng giúp thu hút nguồn nhân viên y tế đã di cư, đảo ngược nạn chảy máu chất xám. Tác động lan tỏa tích cực từ ngành này còn bao gồm việc mở rộng cơ sở hạ tầng ngành y tế, cũng như đường xá và viễn thông… Tuy nhiên, trong khi một số bằng chứng cho thấy du lịch y tế đã có những đóng góp khích lệ cho GDP quốc gia, thì rủi ro từ sự bùng nổ loại hình du lịch này cũng được cảnh báo. Sự tham gia của các tập đoàn y tế xuyên quốc gia có thể dẫn đến kết quả là lợi nhuận từ ngành công nghiệp du lịch và các hoạt động phụ thuộc bị chuyển ra nước ngoài. Theo EastAsiaForum, nguồn nhân lực nhà nước bị di chuyển sang khu vực tư nhân. Các chuyên gia trong các bệnh viện nhà nước bị thu hút ra lĩnh vực tư nhân bởi lương cao và cơ hội làm việc tiện nghi hơn. Bên cạnh đó, sự đầu tư vào các trung tâm y tế được tập trung theo hướng chăm sóc người nước ngoài hơn là đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa tại các trung tâm y tế chính ở nông thôn. Tại nhiều nước, các bệnh nhân quốc tế bị cáo buộc đang sử dụng công suất dự phòng hoặc cạnh tranh với các bệnh nhân trong nước để được chăm sóc sức khỏe. Du lịch y tế chắc chắn có khả năng ảnh hưởng đến việc phân phối nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho dân nghèo địa phương. Hiện nay, trong lĩnh vực nghiên cứu và phân tích chính sách, thiếu sự đánh giá mức độ của chính sách ngành du lịch y tế và tác động của nó. Các sáng kiến cho ngành du lịch y tế được đưa ra như nền tảng chính sách quốc gia với nhiều ồn ào nhưng hầu như thiếu hẳn các khâu kiểm tra độc lập các ưu và khuyết điểm của ngành du lịch y tế do chính phủ tài trợ và tiến hành. Thanh niênPhát hiện 1 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1Ngày 12.2, bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa xác nhận vừa phát hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Khánh Hòa. Bệnh nhân là Huỳnh Thanh Tuấn, 30 tuổi, trú P.Vĩnh Thạnh, TP.Nha Trang. Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, anh Tuấn nhập viện vào trưa 5.2 với các triệu chứng ho, khó thở, diễn biến tăng lên suy hô hấp nặng, suy đa phủ tạng... Kết quả xét nghiệm của Trung tâm nghiên cứu y khoa nhiệt đới của Đại học Oxford tại TP.HCM và Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, các bệnh phẩm của bệnh nhân Tuấn đều cho kết quả dương tính với vi rút cúm A/H1N1. Hiện anh Tuấn tiếp tục được điều trị đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa. Chó dại cắn chết 2 người Ngày 13.2, ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Thanh Hóa, cho biết từ trong Tết Nguyên đán đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 2 người chết do bịchó dại cắn.Đó là ông Vi Văn Phúc (55 tuổi, ngụ xã Xuân Bình, H.Như Xuân) và cháu Dương Đình Sơn (4 tuổi, ngụ xã Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa). Cả hai trường hợp trên khi bị chó dại cắn đã không được đưa đi tiêm phòng, mãi khi bị phát dại mới đến các cơ sở y tế để điều trị, nên đã không qua khỏi. Được biết, cũng trong khoảng thời gian trên tại Thanh Hóa còn có 8 người khác bị chó dại cắn; những người này đã kịp thời đến các cơ sở y tế tiêm phòng nên không có người nào bị phát dại. Ngày 12.2, Chi cục Thú y Thanh Hóa đã cấp 1.000 liều vắc xin bệnh dại và 60 lít hóa chất phục vụ tiêm phòng và tiêu độc khử trùng tại xã Xuân Bình, H.Như Xuân và xã Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa. Hiện Chi cục Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP tổ chức tiêm phòng cho 100% đàn chó, mèo trong vùng có chó bị mắc dại. Đã có 4 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, 1 trường hợp tử vongTối 13.2, bác sĩ Phạm Đình Chi, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, xác nhận bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn (30 tuổi, ở Nha Trang) bị nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị tại khoa đã tử vong lúc 17 giờ 10 cùng ngày. Bác sĩ Nguyễn Đông, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết 4 bệnh nhân khác nghi nhiễm cúm A/H1N1, đang điều trị tại khoa vừa có 3 trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H1N1, kết quả do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện. Tuy nhiên còn phải đợi thêm kết quả xét nghiệm từ Trung tâm nghiên cứu y khoa nhiệt đới của Đại học Oxford tại TP.HCM. 4 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm gồm: Bo Bo Thị Xuất (18 tuổi, ở H.Khánh Sơn); Lê Ngọc Trà My (17 tháng tuổi, trú tại P.Phước Long, TP.Nha Trang); Đỗ Phương (74 tuổi, trú tại P.Vĩnh Thọ, TP.Nha Trang); Nguyễn Thị Điệp (45 tuổi, trú tại P.Phước Hải, TP.Nha Trang). Các bệnh nhân này đều nhập viện ngày 11.2, khi vào viện đều có các triệu chứng sốt, ho. Tuổi trẻ, An ninh thủ đô, Nông thôn ngày nay, Hà Nội mới, Lao động 16 trẻ em Thanh Hóa nhiễm cúm A Từ ngày 6-2 đến nay, tại khoa Truyền nhiễm và Da liễu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có 12 trẻ em từ bảy tháng tuổi đến ba tuổi mắc bệnh sởi phải nhập viện. Hầu hết các bệnh nhân nhi trong tình trạng cấp cứu, sốt phát ban đỏ khắp người. Sau từ năm đến bảy ngày điều trị, các bệnh nhi đã có chuyển biến tốt. Đáng chú ý trong số các trẻ em bị sởi, một số cháu đã tiêm vắc-xin phòng sởi nhưng vẫn mắc bệnh dạng sởi. Ngoài ra, từ đầu tháng hai đến nay, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa ghi nhận 16 ca bị nhiễm cúm A phải nhập viện. Các trường hợp này đang được điều trị cách ly tại khoa Truyền nhiễm. Hiện nay, cơ sở vật chất ở khoa Truyền nhiễm chưa đạt yêu cầu phòng, chống bệnh. Các máy, phương tiện, thuốc phòng, chống dịch cúm còn thiếu và tại thời điểm này bệnh viện không có thuốc tamiòu điều trị đặc hiệu vi-rút mà chủ yếu điều trị theo triệu chứng và biến chứng của người bệnh.Đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh viện phải gửi mẫu xét nghiệm lên các bệnh viện tuyến Trung ương. Khẩn cấp phòng chống cúm A/H7N9 Chiều 13/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã có cuộc họp khẩn để bàn các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là phòng chống chủng cúm vi rút H7N9 có khả năng lây sang người. Tại cuộc họp, các chuyên gia đã đưa ra 4 kịch bản ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây lan sang người An ninh Thủ đôCông khai thông tin dịch bệnhLiên quan đến cơ chế thông tin tình hình dịch bệnh của Cục Thú y cũng như những lưu ý về diễn biến dịch trong thời gian tới, ông Cao Đức Phát Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm cho biết Hiện virus cúm gia cầm đã xuất hiện nhiều loại, trong đó đáng lưu ý là chủng virus H7N9 đang gây dịch bệnh trên người ở Trung Quốc và một số nơi khác. Đặc biệt, ở Trung Quốc dịch đã lây lan đến Quảng Tây, giáp biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam, vì vậy, có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới. Nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện tại là ngăn ngừa sự xâm nhập của virus này với những nỗ lực cao nhất. Virus cúm H7N9 có gì khác với H5N1? Mặc dù chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch cúm gia cầm H5N1 trên người và trên gia cầm, song virus H7N9 có sự khác biệt. Virus này có thể có ở trên gia cầm nhưng lại không làm cho gia cầm có triệu chứng nhiễm bệnh và chết, bằng cảm quan không thể biết được, gây khó khăn cho việc phát hiện sự lưu hành của virus. Hơn nữa, thế giới chưa có vaccine đối phó với loại virus này. Hiện, cả nước đã có những địa phương nào xuất hiện cúm A/H5N1? Miền Bắc hiện có 3 tỉnh cùng với 3 tỉnh tại khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Tuy nhiên, đến ngày 12-2, website của Cục Thú y vẫn chỉ thông báo có Nam Định và Quảng Ngãi? Các cơ quan thú y vẫn thường xuyên báo cáo với Bộ NN&PTNT về diễn biến tình hình dịch bệnh. Nếu phát hiện Cục Thú y thông tin không đầy đủ hay chậm trễ, tôi sẽ yêu cầu đơn vị này phải cung cấp ngay thông tin đến người dân. Chúng ta thực hiện chủ trương công khai, không giấu dịch để người dân hiểu, nắm bắt được diễn biến và chủ động phòng tránh. Dịch đang rất “sốt”, nhưng liên hệ với Cục Thú y luôn nhận được lời hẹn “gửi công văn sang văn phòng”, như vậy không kịp thông tin đến người dân, Bộ trưởng có ý kiến gì không? Về vấn đề này, các đơn vị cũng cần thông cảm cho Cục Thú y vì dịch bệnh đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Ngoài công tác chuyên môn lại thêm nhiều cơ quan, đơn vị liên lạc đến để nắm bắt thông tin dịch bệnh cũng khiến họ khó xử lý hết. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn, tôi sẽ yêu cầu Cục Thú y thông tin đầy đủ, cập nhật lên trang web của Cục. Không tự ý uống thuốc dự phòng cúm gia cầmTrong bối cảnh dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh. Lưu ý, với những người phải tiếp xúc với gia cầm không vì quá lo lắng mà tự ý uống thuốc dự phòng.TS Nguyễn Nhật Cảm: Để phòng lây nhiễm virus cúm từ gia cầm sang người, mọi người dân không được vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch thú y. Trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm thì phải có phương tiện bảo hộ gồm găng tay, khẩu trang, ủng và quần áo bảo hộ. Tốt nhất nên sử dụng loại khẩu trang y tế 2-3 lớp. Với người chăn nuôi gia cầm, cần phải chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng thuốc sát khuẩn, khi tiếp xúc với gia cầm cũng phải sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ nói trên. Tuyệt đối không làm thịt gia cầm ốm, bệnh để ăn. Với người dân khi mua gia cầm về làm thịt chỉ nên mua gia cầm có đóng dấu kiểm dịch thú y. Nếu mua gia cầm sống thì phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ và trong quá trình giết thịt cũng phải đeo găng tay, khẩu trang để phòng bệnh. Những người chăn nuôi, giết mổ gia cầm thường xuyên, khó tránh khỏi việc phải tiếp xúc với gia cầm ốm, bệnh, hay ăn phải thịt gia cầm bệnh. Trường hợp này, có cách nào để phòng bệnh? Với người chăn nuôi khi phát hiện có gia cầm ốm, bệnh chết thì phải lập tức khai báo với cơ quan y tế và chính quyền địa phương để được phân loại, xử lý và khoanh vùng ổ dịch kịp thời. Những người có tiền sử tiếp xúc hoặc ăn phải thịt gia cầm ốm, bệnh chết, nếu có triệu chứng sốt cao, ho, khó thở cũng phải lập tức khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan y tế, rồi đến ngay bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị. Người dân không được tự ý uống thuốc dự phòng cúm gia cầm (thuốc tamiflu) bởi đây là loại thuốc điều trị phải có chỉ định của bác sĩ, nếu tự ý điều trị sẽ không hiệu quả mà còn dẫn đến kháng thuốc. Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang rất nóng bỏng và nguy cấp, ngành y tế Hà Nội có động thái gì để chủ động phòng chống bệnh lây từ gia cầm sang người, hạn chế số người mắc, tử vong? Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã họp khẩn để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân nói riêng, dịch cúm gia cầm lây sang người nói chung. Ngay sau cuộc họp này, TTYTDP thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập 5 đội cơ động ứng phó với dịch cúm gia cầm trên người, mỗi đội có 10 thành viên. Đồng thời, mỗi quận/ huyện cũng sẽ thành lập 2 đội phản ứng cơ động với dịch bệnh, mỗi đội 5-7 người. Khi nhận được tin báo về các ổ dịch cúm gia cầm có người bị lây bệnh, trong vòng 30 phút đến 1 giờ, các đội cơ động này sẽ lập tức lên đường đến ổ dịch để xử lý triệt để. Cảm ơn ông! Hà Nội mới, Lao động Các tuyến bệnh viện đều quá tải vì rét đậm, rét hạiNgày 13-2, theo tin từ Bệnh viện (BV) Lão khoa trung ương, nếu như thời điểm sau Tết, số lượng bệnh nhân đến khám chỉ vào khoảng 250-300 bệnh nhân/ngày thì trong những ngày rét đậm, rét hại hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám và tư vấn đã tăng lên 400 người/ngày.Riêng số bệnh nhân phải vào nằm điều trị tại BV mỗi ngày ghi nhận trên 30 trường hợp. Bệnh nhân vào điều trị chủ yếu với các bệnh mạn tính, như: Tăng huyết áp, tim mạch, bệnh phổi mạn tính, Parkinson và mắc các bệnh hô hấp liên quan đến tuổi già. Còn tại khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, số người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, đái tháo đường nhập viện liên tục tăng. Trung bình mỗi ngày có 100 trường hợp cấp cứu, tăng khoảng 20-30% so với thời điểm trước Tết, trong đó nhiều nhất là các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, hô hấp. BV Nhi Trung ương cũng ghi nhận lượng bệnh nhi gia tăng trong những ngày rét đậm. Trung bình mỗi ngày có khoảng gần 3.000 trẻ đến khám các bệnh chủ yếu viêm đường hô hấp cấp, viêm phế quản, viêm phổi nặng, một số bé sốt cao, sốt virus…Không chỉ tuyến trung ương, các BV của một số địa phương miền Bắc đang chịu rét đậm, rét hại cũng rơi vào cảnh quá tải. Riêng tại Khoa Nhi (BV Đa khoa tỉnh Lào Cai), số trẻ nhập viện do các bệnh về hô hấp: Viêm họng, viêm phế quản, ho, sốt, trong 3 ngày nay tăng khoảng 50% so với ngày thường. Khoa Nhi của BV hiện có 20 giường bệnh nhưng cao điểm có ngày lên đến 45 bệnh nhân nằm viện. * Ngày 13-2, theo tin từ Khoa Khám bệnh (BV Da liễu Hà Nội), số bệnh nhân mắc thủy đậu bắt đầu gia tăng dù chưa có dấu hiệu bất thường. Khoa Khám bệnh của BV có 10 phòng khám, trung bình mỗi phòng tiếp nhận từ 1 đến 3 bệnh nhân thủy đậu/ngày. Như vậy, ước tính cả Khoa Khám bệnh mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân thủy đậu vào khám và điều trị. Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Hoài Thu cho biết, điều đáng chú ý là trong số những bệnh nhân thủy đậu đến khám tại BV Da liễu Hà Nội không chỉ có trẻ em mà còn cả người lớn, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đa số người mắc chưa được tiêm vắc xin phòng thủy đậu, hoặc đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh. * Cuối giờ chiều 13-2, bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn (30 tuổi, ở xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Bệnh nhân Tuấn nhập viện trưa ngày 5-2 với các triệu chứng ho, khó thở, diễn biến tăng lên suy hô hấp nặng, suy đa phủ tạng. Ngoài các dấu hiệu bệnh cúm với các biến chứng nặng, bệnh nhân còn bị suy tuyến giáp, nguy kịch, được điều trị đặc biệt tại phòng cách ly của BV. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A/H1N1. Theo TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, giám sát cúm trong các tuần gần đây cho thấy, nhiều trường hợp viêm phổi do virus cúm, trong đó cúm A/H1N1 đang xuất hiện mạnh. Đây là virus lưu hành như virus cúm mùa thông thường, độc lực không mạnh như cúm A/H5N1 và H7N9. Tuy nhiên, các ca nhiễm virus này cần được theo dõi diễn biến bệnh để được can thiệp kịp thời tránh trường hợp bội nhiễm gây viêm phổi, khó thở, thậm chí gây tử vong. Virus cúm A/H1N1 nguy hiểm cho người có bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già. * Ngày 13-2, theo tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã quyết định thành lập 5 đội cơ động ứng phó với dịch cúm gia cầm trên người, mỗi đội có 10 thành viên. Ngoài ra, mỗi quận, huyện cũng sẽ thành lập 2 đội phản ứng cơ động với dịch bệnh, mỗi đội 5-7 người. Khi nhận được tin báo về các ổ dịch cúm gia cầm có người bị lây bệnh, trong vòng 30 phút đến 1 giờ, các đội cơ động này sẽ đến ổ dịch để xử lý triệt để. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, mùa đông xuân là thời điểm mà tất cả các dịch cúm đều gia tăng, trong đó có các virus cúm gia cầm. Hiện nước ta cũng đang đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch cúm gia cầm A/H7N9, H5N1… trên người. Tuy nhiên, người dân không được tự ý uống thuốc dự phòng cúm gia cầm (thuốc tamiflu) bởi đây là loại thuốc điều trị phải có chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý điều trị sẽ không mang lại hiệu quả mà còn dẫn đến kháng thuốc. Tiền phong, An ninh thủ đô Cứu sống trẻ mắc bệnh phổi hiếm gặp Khởi đầu là sốt, ho, khó thở như viêm phổi thông thường, nhưng phải sau 2 tháng bé Duy Minh (1 tháng tuổi, Hà Nội) mới được xuất viện. Lý do bé bị phổi kẽ, một bệnh ít gặp nhưng nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trẻ vào viện ngày 11/12/2013 với chẩn đoán ban đầu là viêm phổi thông thường. Tuy nhiên, bệnh trẻ ngày một nặng hơn, đến ngày thứ 10 phải thở máy dù bé vẫn tỉnh, tự thở, ôxy cho vào tốt nhưng không hấp thu được. “Kết quả chụp cắt lớp độ phân giải cao cho thấy hai bên phổi xơ hóa rất nhiều, xơ các phế nang. Ôxy vào nhưng không ngấm vào máu, rất nguy hiểm. Chúng tôi xác định trẻ bị bệnh phổi kẽ nên thay đổi chiến lược điều trị cũng như làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác”, tiến sĩ Dũng nói. Theo bác sĩ, ngoài các cách điều trị cũ, biện pháp mới áp dụng là dùng kháng sinh có hoạt chất là Klacide, dùng liều thấp kéo dài để tăng cường miễn dịch của trẻ, từ đó giải quyết vấn đề phổi. Dự kiến phải hàng tháng thuốc mới có tác dụng, vì thế điều quan trọng là phải giữ trẻ sống. Bên cạnh đó, việc thở máy cho trẻ cũng rất khó khăn vì thường trẻ chỉ được cho thở máy khi yếu, không tự thở, trường hợp bé này lại ngược lại. Trẻ ăn hoàn toàn qua xông. “Bệnh tình của trẻ rất nặng, chúng tôi thậm chí phải nói trước với gia đình để chuẩn bị tâm lý. Rất may là sau hơn 1 tháng, trẻ đã qua cơn nguy kịch, rút được máy thở. Đây là trường hợp cứu sống rất khó khăn”, tiến sĩ Dũng nói. Trường hợp bé Duy Minh có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh như: đẻ non 33 tuần; suy giảm yếu tố miễn dịch trong máu, kháng thể dịch thể trong máu giảm nhiều so với trẻ khác; bị nhiễm virus CMV - nhiễm từ trong bụng mẹ. Hiện bé đã được xuất viện và sẽ được theo dõi tiếp cho đến khi 9 tháng hoặc 1 tuổi. Cũng theo ông, phổi kẽ là bệnh hiếm gặp. Thống kê tại Anh trên quần thể trẻ dưới 16 tuổi cho thấy tỷ lệ mắc chỉ là 3 trên 1 triệu. Trong 30 năm làm nghề bác sĩ đây là lần thứ 2 ông gặp bệnh nhi mắc phải bệnh này, chưa kể còn rất nhỏ (ca trước đó là trẻ trên 6 tuổi, chỉ bị khó thở, chậm lớn). Hải quan Bệnh viêm não mô cầu lại tái xuất hiện Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp- Phó trưởng khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau một năm vắng bóng, bệnh nhân đầu tiên nhiễm viêm não mô cầu lại tái xuất hiện ở miền Bắc. Theo bác sỹ Cấp, bệnh nhân tên là B.H.D- 21 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội, nhập viện tối ngày 10-2 trong tình trạng sốt cao, tri giác lơ mơ, xuất hiện các hoại tử rải rác trên da, các bác sỹ đánh giá ban đầu bệnh nhân không phải mắc liên cầu lợn. Theo gia đình, cách đây ba ngày, ngày 10-2, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, buồn nôn, một ngày sau, xuất hiện ban trên da. Gia đình đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu sau đó chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Được biết, trước đó bệnh nhân ăn lòng lợn, tiết canh. Các bác sỹ xác định bệnh nhân bị não mô cầu và lập tức cho làm các xét nghiệm và cách ly ngay. Bệnh có thể gây nên viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết. Bệnh diễn tiến rất nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời tỷ lệ sốc và tử vong rất cao. Theo bác sỹ Cấp, sau hai ngày điều trị, bệnh nhân đã hết sốt, tinh thần tốt, ban trên da bắt đầu giảm dần. Bác sỹ Cấp cho biết, bệnh nhiễm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong. Đặc biệt, bệnh có thể mắc ở bất kỳ đối tượng nào. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các vi rút đường hô hấp. "Xác định bệnh nhân mắc não mô cầu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã chỉ đạo báo cáo ca bệnh lên Bộ Y tế, báo cáo đến Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để xử lý, khoanh vùng ổ dịch, bởi não mô cầu là một bệnh có tính chất nguy hiểm, có thể lây qua đường hô hấp", bác sỹ Cấp nói. Vaccin sởi chỉ bảo vệ được khoảng 95% trẻ Một thực tế đáng lo ngại xuất hiện thời gian qua tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành trên cả nước là nhiều trẻ lẽ ra miễn dịch với sởi (trẻ dưới 9 tháng tuổi) lại đang mắc sởi với tỷ lệ cao. Cùng với đó dịch sởi 3 năm gần đây hầu như không xuất hiện nay lại có dấu hiệu bùng phát trở lại. Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. Thưa ông vì sao sau 3 năm gần như vắng bóng, sởi lại bùng phát với tốc độ mạnh như hiện nay? Sở dĩ dịch bùng phát mạnh thời gian gần đây nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm chủng sởi nói riêng và tiêm vắc xin nói chung giảm đi đáng kể vì nhiều bà mẹ lo lắng không cho trẻ đi tiêm phòng trước những thông tin về các trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B, Quinvaxem...Tôi lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài dẫn tới tình trạng tỷ lệ tiêm chủng thấp, trẻ em không được bảo vệ các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin và nguy cơ các dịch bệnh quay trở lại là rất lớn.Tuy nhiên, trong những ngày cuối năm 2013 và đầu năm 2014, không chỉ ở Việt Nam mà dịch sởi diễn biến phức tạp trên quy mô toàn thế giới, kể cả ở những khu vực dịch đã khống chế, loại trừ được bệnh sởi thì hiện nay số ca mắc sởi đang tiếp tục gia tăng. Ví dụ khu vực châu Âu, châu Mỹ và đặc biệt Đông Nam châu Á (Trung Quốc, Lào cũng xuất hiện dịch sởi). Việc giao lưu tiếp xúc đông người là yếu tố làm dịch bệnh gia tăng. Vậy tại sao số trẻ dưới 9 tháng (đối tượng được cho là miễn dịch với sởi) lại nhiễm bệnh với tỷ lệ cao và nhiều trẻ sau khi được tiêm phòng đủ 2 mũi vẫn mắc sởi, thưa ông? Với trẻ đã được tiêm phòng sởi nhưng vẫn nhiễm bệnh có hai khả năng xảy ra: Một là, trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ (trẻ chỉ tiêm 1 mũi, nguy cơ mắc vẫn rất cao); hai là, số trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vẫn có thể bị sởi (tỷ lệ này rất thấp), do tỷ lệ phòng bệnh sau tiêm phòng không thể đạt được ở mức 100%, vì hiệu lực của vắc xin chỉ đạt tỷ lệ 95- 98%. Như vậy vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ những trẻ được tiêm chủng đủ số mũi nhưng vẫn có thể bị mắc bệnh sởi. Nhưng số đó là rất ít, nếu được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo chất lượng thì có khoảng 95% trẻ được bảo vệ.Còn về tình trạng nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị sởi, đây là một điều bất thường, bởi thông thường, trẻ sinh ra trong 9 tháng tuổi sau khi sinh đã có kháng thể của người mẹ truyền sang và giúp bảo vệ trẻ không mắc sởi. Do vậy, trẻ từ 9 tháng tuổi trở đi mới bắt đầu cần tiêm vắc xin sởi khi mà kháng thể của người mẹ giảm đi.Trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh này có thể do ba nguyên nhân. Thứ nhất, do bản thân người mẹ chưa mắc bệnh sởi bao giờ vì vậy không có kháng thể sởi truyền sang cho trẻ cho trẻ qua nhau thai và trẻ không có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang. Do vậy, trẻ dễ bị mắc bệnh sởi.Thứ hai, do bà mẹ được tiêm vắc xin từ trước đó rồi, nhưng nồng độ kháng thể không đủ cao để bảo vệ cho trẻ không mắc bệnh sởi. Ngoài ra có thể vì một lý do nào đó hệ thống miễn dịch của trẻ không có khả năng duy trì nồng độ kháng thể từ mẹ truyền sang trong một thời gian dài, mà giảm nhanh sau vài tháng sau sinh.Thứ ba, do hiện nay có xu hướng các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ nhằm giữ vẻ đẹp cơ thể. Đương nhiên khi đó trẻ không được hưởng tính miễn dịch với sởi từ sữa mẹ truyền sang, nguy cơ nhiễm sởi ở mức cao. Hiện nay nhiều bà mẹ đã bỏ tiêm phòng sởi cho trẻ muốn quay lại tiêm phòng nhưng đã quá thời hạn tiêm, bên cạnh đó nhiều bà mẹ có trẻ chưa đến 9 tháng tuổi muốn đưa trẻ đi tiêm để phòng bệnh. Ông có lời khuyên nào với đối tượng này? Thời điểm tiêm phòng tốt nhất là khi trẻ được 9 tháng tiêm mũi 1, 18 tháng tiêm mũi 2. Tất cả những trường hợp đến lịch tiêm chủng nói chung và tiêm sởi nói riêng (và chưa mắc sởi) thì đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm chủng càng sớm càng tốt.Với trẻ dưới 9 tháng chưa đến lịch tiêm chủng, tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng sốt phát ban nghi sởi để tránh lây lan. Tăng cường dinh dưỡng để tăng miễn dịch, sức đề kháng cho trẻ.Với người trong độ tuổi trưởng thành, chưa bị sởi thì cũng nên tiêm phòng để phòng bệnh. Trong thời gian tới, Hà Nội có kế hoạch nào để kiểm soát dịch sởi nói chung và dịch bệnh nói chung? Việc phòng chống sởi có 2 nội dung: Thứ nhất là phát hiện sớm, điều tra bao vây khoanh vùng xử lý dập dịch sớm theo quy định của Bộ Y tế; thứ hai là tổ chức tốt công tác tiêm chủng để bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (đến lịch tiêm mà chưa tiêm), đó là cách hiệu quả nhất.Bên cạnh đó, tôi cũng khuyến cáo bà mẹ nên đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch vì nếu ngại đưa trẻ đi tiêm phòng, không chỉ có sởi mà còn nhiều dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới. Cúm A/H7N9 áp sát biên giới Việt Nam Chiều 13-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp khẩn bàn kế hoạch đối phó với nguy cơ virus cúm A/H7N9 và các virus khác lây lan vào Việt Nam. Ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Trong nhiều tháng qua, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã theo dõi sát sao dịch cúm gia cầm tại các nước trên thế giới và có biện pháp đối phó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần xây dựng kế hoạch đồng bộ và kiểm soát cụ thể hơn, đặc biệt là tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành để đối phó với loại virus nguy hiểm cúm A/H7N9, trước khả năng virus này có thể xâm nhập vào Việt Nam. Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Virus cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng lại lây truyền sang người và gây ra tỷ lệ tử vong cao nếu mắc phải. Phương thức tồn tại, lây truyền chủng cúm này giống với virus cúm A/H5N1, thường được phát hiện ở những nơi tập trung gia cầm, chợ gia cầm có điều kiện quản lý yếu kém về vệ sinh, khử trùng… Tại Trung Quốc, virus này xuất hiện từ tháng 3-2013. Cho đến nay, đã có tới 330 ca nhiễm bệnh trên người và có trên 70 ca tử vong tại nhiều tỉnh, thành phố. Hiện, bệnh đã lây lan tới tỉnh Quảng Tây, vùng sát với 4 tỉnh biên giới Việt Nam. Vì vậy, nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào VN trong thời gian tới rất cao, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) nhận định: Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ lây nhiễm virus cúm A/H7N9 cao, cần thiết xây dựng kế hoạch chủ động để đối phó với chủng virus này. Đặc biệt là giảm thiểu lây nhiễm cúm A/H7N9 vào Việt Nam thông qua hoạt động buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm bất hợp pháp. Ông Đông cũng khẳng định, Bộ NN&PTNT đã xây dựng hế hoạch hành động chống virus cúm A/H7N9 với 4 tình huống cụ thể. Tình huống thứ nhất, chưa phát hiện virus cúm trên gia cầm, môi trường cũng như trên người. Trường hợp 2, chưa phát hiện virus cúm trên gia cầm, trong môi trường nhưng có người mắc. Trường hợp 3, phát hiện virus cúm trên gia cầm, trong môi trường nhưng không có trên người. Trường hợp cuối cùng xấu nhất là virus cúm xuất hiện cả trên gia cầm, môi trường cũng như người. Các giải pháp cụ thể được Bộ NN&PTNT đưa ra là nghiêm cấm buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực biên giới phía Bắc; không cho buôn bán, thu gom, giết mổ gia cầm ở vùng biên và khu kinh tế mở để hợp thức hóa gia cầm nhập lậu… Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, kế hoạch của Bộ đưa ra 4 kịch bản, nhưng chú trọng nhất vào kịch bản đầu tiên, nhằm tăng cường tổng hợp mọi biện pháp không cho virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam. Trong năm 2013, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn virus này vào nội địa nhưng cần phải nỗ lực hơn nữa. Phát biểu tại cuộc họp, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đề nghị, cần coi phòng chống cúm là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng để từ Trung ương đến địa phương đều nhận thức tốt. Liên quan đến kiểm soát dịch bệnh tại các chợ, Bộ Công Thương sẽ chủ động khảo sát, kiểm tra. Đối với cả 4 phương án Bộ NN&PTNT đưa ra đều phải tăng cường giám sát tại chợ. Thậm chí sẽ tạm dừng NK gia cầm sống và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam. Việt Nam net Họp khẩn bàn cách chống cúm gia cầm Chiều 13/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp khẩn bàn về các biện pháp phòng chống cúm gia cầm đang có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo ngành chăn nuôi, thú y, khuyến nông và đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an....Theo thông tin từ cuộc họp, tính tới thời điểm này, nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có trên 65 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân mắc cúm từ đầu năm 2014 tới nay có xu hướng gia tăng. Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, có nhiều loại gà loại thoải của Trung Quốc được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, trong đó đáng lưu ý là số gà này có đi qua các nơi đã phát hiện vi rút cúm A/H7N9. Theo lãnh đạo Cục Thú y, vi rút cúm A/H7N9 cũng đã được phát hiện trên ở Quảng Tây (tỉnh giáp với 4 tỉnh biên giới của Việt Nam), vì thế nguy cơ vi rút này xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Tại cuộc họp, các cơ quan liên quan đã đánh giá về tình hình dịch bệnh và đưa ra những biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh trong nước và ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào thông qua buôn bán, vận chuyển gia cầm tại các tỉnh biên giới. Chủ trì, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, với dịch cúm A/H5N1 thì gia cầm mắc bệnh rồi chết nên dễ phát hiện, còn dịch cúm A/H7N9 không có biểu hiện bị nhiễm bệnh, biểu hiện lâm sàng và có nguy cơ cao lây sang người. “Công tác ứng phó, phòng chống dịch cúm gia cầm phải đặt nỗ lực lớn nhất là ngăn chặn. Không để cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam…” – ông Phát nói. Đại diện các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, hải quan, công an cũng khẳng định sẽ có phương án phối hợp, ngăn chặn tại các cửa khẩu. Theo đó, Cục Thú y đã đề xuất chương trình hành động phòng chống cúm A/H7N9 với các tình huống: Một, chưa phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người. Hai, phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường nhưng có người mắc bệnh. Ba, phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh. Bốn, phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh. Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, việc Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 nào “là một sự cố gắng lớn”, nhưng cũng chưa thể biết là có thể giữ được đến mức độ nào. Cũng như ông Phát, ông Phu nhận định: “Điều khó khăn hiện nay là dịch cúm A/H7N9 xảy ra trên đàn gia cầm song lại không có biểu hiện trên đàn gia cầm như với cúm A/H5N1. Nếu dịch vào Việt Nam, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát như hiện nay thì công tác phòng, chống sẽ gặp khó. Tin tức Không có bằng chứng bác sỹ từ chối bệnh nhân ở Hải Phòng Không có bằng chứng cáo buộc bác sỹ Trần Thanh Cảng - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực nội và Chống độc (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng) từ chối tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Thị Xuân (92 tuổi) vào khoa này như một số thông tin đã đưa. Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - bác sỹ Phan Trọng Khánh với phóng viên TTXVN vào cuối giờ chiều ngày 13/2. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Y tế (theo công văn số 447/BYT- VPB1 Bộ Y tế chuyển đến ngày 7/2/2014, yêu cầu Sở Y tế Hải Phòng kiểm tra thông tin và đề xuất giải pháp giải quyết ý kiến phản ánh của người dân về việc bác sỹ Trần Thanh Cảng từ chối tiếp nhận bệnh nhân), Sở Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Việt Tiệp tổ chức đối thoại trực tiếp với nguyên đơn, có sự tham dự của Ban Giám đốc Bệnh viện, bác sỹ Trần Thanh Cảng, bác sỹ Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Cấp cứu (nơi tiếp nhận bệnh nhân ban đầu) và Chánh thanh tra Sở Y tế. Qua giải trình của các bên liên quan, Sở Y tế Hải Phòng đã xác minh, làm rõ và đã gửi báo cáo toàn bộ vụ việc cho Bộ Y tế, Thường trực Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Cụ thể: Bệnh nhân Đỗ Thị Xuân vào khoa Cấp cứu lúc 15h45 phút ngày 5/2/2014; Bác sỹ trực tiếp đón ghi: 2 ngày nay bệnh nhân đau bụng, không tiểu được, khám bụng chướng, nắn đau khắp bụng. Sau khi thăm khám, Bác sỹ chẩn đoán: TD Suy thận/viêm bàng quang. Bệnh nhân nằm tại khoa Cấp cứu được theo dõi, cho làm các xét nghiệm, đặt Sonde bàng quang và dùng thuốc... Quá trình tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Đỗ Thị Xuân tại khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức ngoại cũng như các khoa, phòng liên quan đã rất quan tâm tới việc chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân. Bệnh viện Việt Tiệp cũng đã mời hội chẩn liên viện gồm: Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Quốc Kính, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực nội và Chống độc Bệnh viện Việt Đức và Tiến sỹ Lê Diễm Tuyết, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đã kết luận: "Bệnh nhân Xuân sốc nhiễm khuẩn, khả năng đường vào hệ tiêu hóa (viêm túi mật), có rối loạn chức năng tuần hoàn, hô hấp, thận". Đến ngày 12/2/2014, bệnh nhân đau bụng tăng, siêu âm có viêm túi mật cấp. Bệnh viện Việt Tiệp đã tổ chức hội chẩn toàn viện, chẩn đoán: Viêm túi mật cấp/sốc nhiễm trùng, suy thận cấp, viêm phổi, đái tháo đường týp 2. Bệnh viện Việt Tiệp đang phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tập trung điều trị cho bệnh nhân Xuân. Về bác sỹ Trần Thanh Cảng: Xem lại camera ghi hình tại khoa Cấp cứu, khoảng 16 giờ ngày 6/2/2014, bác sỹ Cảng và Điều dưỡng Hạnh (khoa Hồi sức Tích cực nội và Chống độc) có xuống khoa Cấp cứu và mở cửa phòng yêu cầu 3 nhưng không bước vào phòng, không thăm khám bệnh nhân nào mà chỉ nhìn qua một lượt và quay ra ngay. Trong thời gian ở khoa Cấp cứu, bác sỹ Cảng không xem bệnh án của bệnh nhân nào. Trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Đỗ Thị Xuân không thể hiện có phần khám và ý kiến của bác sỹ Cảng trong thời gian bệnh nhân nằm tại khoa Cấp cứu. Tại buổi đối thoại chiều ngày 12/2/2014, bà Phạm Thị Liên con gái bệnh nhân Đỗ Thị Xuân đã thừa nhận trong thời gian bệnh nhân Xuân nằm điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực nội và Chống độc mấy năm trước đây, bác sỹ Trần Thanh Cảng và tập thể khoa này không nhận tiền, quà của gia đình... Trong bản báo cáo, Sở Y tế Hải Phòng đã nhận xét: Việc cân nhắc để chuyển bệnh nhân sang khoa Hồi sức ngoại của bác sỹ Trần Thị Thanh Thủy là đúng đắn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với người bệnh. Không có bằng chứng cho rằng bác sỹ Trần Thanh Cảng từ chối tiếp nhận bệnh nhân vào khoa Hồi sức Tích cực nội và Chống độc. Không có hiện tượng tiêu cực của bác sỹ Trần Thanh Cảng và tập thể khoa Hồi sức Tích cực nội và chống độc khi điều trị cho bệnh nhân Đỗ Thị Xuân trước đây. Các thông tin mà nguyên đơn phản ánh là không đúng do có sự hiểu lầm về bác sỹ Trần Thanh Cảng và các y, bác sỹ khoa Cấp cứu. Hiện, Sở Y tế Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo tập thể Y, Bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tập trung cao nhất để cứu chữa bệnh nhân. Lãnh đạo Bệnh viện Việt Tiệp cử cán bộ gặp gỡ gia đình để trao đổi, giải thích để gia đình hiểu và thông cảm. Theo báo cáo của lãnh đạo Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, đến thời điểm này, tình hình bệnh của bệnh nhân Đỗ Thị Xuân vẫn rất nặng và chưa loại trừ khả năng phải mổ vì viêm túi mật hoại tử. Bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H5N1 xuất viện Chiều 13/2, Bác sĩ Phạm Bá Đà, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, bệnh nhân Lường Thị Hiên, 37 tuổi, cán bộ phụ trách công tác thú y phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) nghi nhiễm cúm A/H5N1 đã được xuất viện. Trước đó khoảng 21 giờ ngày 9/2, chị Hiên phải nhập viện trong tình trạng sốt cao 38,5 độ và có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn… Điều lo lắng của bệnh nhân và gia đình là chị Hiên đang mang thai 8 tuần tuổi. Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, chị có đến gia đình anh Phan Thanh Long ở tổ 4, phường Ngô Mây để kiểm tra ổ dịch cúm gia cầm mới bùng phát và kết quả xét nghiệm đàn gà của anh Long nhiễm cúm A/H5N1. Trong quá trình cách ly điều trị triệu chứng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, sức khỏe của chị Hiên dần hồi phục. Kết quả xét nghiệm sau đó của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khẳng định chị Lường Thị Hiên chỉ bị nhiễm cúm mùa (H3N2) thông thường và đã được xuất viện vào sáng 13/2. Các bác sĩ cũng khuyến cáo chị Hiên trong những ngày tới cần chú ý đến các biểu hiện của cơ thể và tái khám ngay khi có triệu chứng của bệnh cúm. Cùng ngày, kết quả mẫu xét nghiệm đối với gia cầm bị chết ở công ty TNHH MTV 78 (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) đã cho kết quả dương tính với cúm A H5N1. Như vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm tại 3 địa phương gồm: 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, cùng thành phố Kon Tum. Trước diễn biến phức tạp trên, chiều nay tỉnh Kon Tum đã bắt đầu tiêm phòng dịch cúm A H5N1 cho đàn gia cầm tại các ổ dịch và địa bàn trọng điểm.Việc tiêm phòng dịch cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm bắt đầu từ phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum. Đây là địa phương có ổ dịch phát sinh đầu tiên vào ngày 26/1 với gần 1.000 con gia cầm phải tiêu hủy. Trong các ngày tiếp theo, việc tiêm phòng dịch sẽ được Trạm Thú y thành phố Kon Tum triển khai ở phường Ngô Mây và các xã phường xung quanh. Tại hai huyện có ổ dịch khác là Ngọc Hồi và Sa Thầy, việc tiêm phòng cho đàn gia cầm cũng đang được khẩn trương thực hiện.Tính đến chiều 13/2, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã xuất cấp 80.000 liều vắc xin cho 5 huyện, thành phố là: Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum để tiêm bao vây ổ dịch và tiêm những vùng trọng điểm. Ngoài ra, Chi cục cũng đã xuất cấp 10.000 lít hóa chất Ben-cô-xít để các địa phương thực hiện việc tiêu độc khử trùng.Ông Phạm Ngọc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum cho biết: “Địa phương đã triển khai rất quyết liệt xử lý các điểm dịch vừa qua. Tiêu hủy triệt để và xử lý môi trường của các điểm dịch. Cùng với đó, Chi cục cũng tập trung vào việc tiêm phòng cho những đàn nguy cơ cũng như xung quanh khu vực ổ dịch để khống chế. Đồng thời, Chi cục triển khai quyết liệt tháng khử trùng tiêu độc theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ngoài ra, Chi cục chỉ đạo cho tất cả các trạm thú ý tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh cũng như tình hình chăn nuôi gia cầm trên toàn địa bàn tỉnh để rà soát lại tình hình dịch bệnh nói chung”. Dân Việt Vụ 17 công nhân ngộ độc ở Hải Phòng: Thực phẩm không gây ngộ độc Theo kết quả thử nghiệm hóa học, cá thu không phải là thủ phạm khiến 17 công nhân ngộ độc. Ông Nguyễn Văn Toản - Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.Hải Phòng cho biết, kết quả thử nghiệm hóa học đối với cá thu (thực phẩm được cho là thủ phạm khiến 17 công nhân Công ty giày Aurora nhập viện ngày 7.2) cho thấy chất Histamine là 2,4mg/kg (trong giới hạn cho phép). Như vậy cá thu không phải là thủ phạm khiến 17 công nhân ngộ độc. Tuy nhiên, ông Toản cũng thừa nhận mẫu cá thu xét nghiệm không được 100% là cá thu công nhân ăn ngày 7.2, vì theo ông Toản dù công ty đã niêm phong và lưu mẫu, nhưng trong mẫu lưu đó là thế nào thì chưa ai khẳng định. Gia đình & xã hội Cứu sống bé sơ sinh bị bệnh phổi kẽ cực kì hiếm gặp Ngày 13/2, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết vừa cứu sống một bé sơ sinh bị bệnh phổi kẽ rất hiếm gặp. Bệnh nhân là bé Duy Minh, 1 tháng tuổi, ở Hà Nội, nhập viện từ ngày 11/12/2013 với chẩn đoán ban đầu là bệnh viêm phổi thông thường. Tuy nhiên, điều trị đến ngày thứ 10, tình trạng bệnh của bé không đỡ mà còn tiến triển nặng hơn. Bé phải thở máy vì ôxy hít vào tốt nhưng không hấp thu được. Tiến hành chụp cắt lớp độ phân giải cao, các bác sĩ phát hiện thấy hai bên phổi của bé bị xơ hóa rất nhiều, xơ các phế nang, ôxy vào nhưng không ngấm vào máu. Các bác sĩ chẩn đoán lại là cháu bé bị bệnh phổi kẽ và quyết định thay đổi phương pháp điều trị bằng cách dùng kháng sinh có hoạt chất Klacide, dùng liều thấp kéo dài để tăng cường miễn dịch của trẻ, giải quyết vấn đề phổi. Loại thuốc này khi dùng phải hàng tháng thuốc mới có tác dụng, việc giữ cho trẻ sống được trong bối cảnh bệnh vẫn tiến triển nặng hết sức khó khăn. Rất may là sau hơn 1 tháng, bé Duy Minh đã qua cơn nguy kịch, rút được máy thở và điều trị có hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, phổi kẽ là bệnh hiếm gặp. Đây là bệnh nhi thứ 2 mà ông gặp trong suốt 30 năm làm nghề y. Nối thành công bàn tay bị đứt lìa sau 15h Bàn tay bị đứt gần lìa khỏi cơ thể bệnh nhân đã 15 tiếng vẫn được các bác sĩ TP HCM nối thành công. Ngày 12/2, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM cho biết, sau hơn một tuần điều trị, phần tay bị đứt của nạn nhân đã hồng hào. Trước đó, nam bệnh nhân 28 tuổi ở Cà Mau được chuyển từ bệnh viện địa phương về TP HCM trong tình trạng tay trái bị đứt gần lìa từ trên cổ tay. Nạn nhân bị sốc nặng do mất máu. Anh này cho biết đã bị chém trong lúc ẩu đả. Để cứu bệnh nhân thoát sốc và bảo tồn phần tay bị đứt, các bác sĩ đã bù máu, hồi sức tích cực và nối tay cho người bệnh. Sau gần 8 giờ làm việc, các bác sĩ đã nối thành công các mạch máu và dây thần kinh điều khiển bàn tay. Theo các bác sĩ khoa Vi Phẫu - Tạo hình, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, bệnh nhân cần tiếp tục được theo dõi và cho dùng thuốc, tuy nhiên đây là trường hợp khá hiếm được nối thành công. "Thông thường khi bị đứt lìa cánh tay, thời gian tốt nhất để nối là 4 giờ đồng hồ", một bác sĩ nói. Pháp luật Vinh danh 20 Y, bác sỹ tiêu biểu về y đức Chiều 13-2, Hội đồng xét tặng giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” của UBND TP Đà Nẵng đã họp và bầu chọn những y, bác sĩ tiêu biểu về y đức đối với người bệnh tại các cơ sở điều trị, bệnh viện công lập để tôn vinh trong năm 2014. Theo đó, Hội đồng xét tặng UBND TP Đà Nẵng đã nhất trí chọn ra được 20 người đại diện cho 5.000 cán bộ, y, bác sĩ đang công tác tại các đơn vị công lập để tôn vinh đợt này. Được biết, 20 y, bác sĩ này ngoài việc được tặng bằng khen, kỷ niệm chương của UBND TP Đà Nẵng thì còn nhận thưởng 5 tháng lương tối thiểu. Đây là lần thứ hai TP Đà Nẵng tổ chức giải thưởng và tôn vinh những y bác sĩ tiêu biểu về y đức, được nhiều bệnh nhân và đồng nghiệp khen ngợi. Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: “20 người này hết sức xứng đáng được tôn vinh với giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng”. Đây là những tấm gương tiêu biểu về y đức, tiêu biểu về sự vượt khó trong công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh trong đội ngũ y bác sĩ đang công tác tại TP”. Dịch sởi có thể bùng phát ở phía Bắc Ngày 13-2, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ cao xuất hiện dịch do giáp với Trung Quốc là quốc gia đang có dịch sốt phát ban nghi sởi lưu hành. Ngoài ra còn do nguyên nhân là vấn đề tiêm phòng ở một số tỉnh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và giao thông không thuận lợi. Theo ông Phu, bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số địa phương trong một vài tháng tới chủ yếu sẽ ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vaccine sởi hoặc tiêm vaccine chưa đủ mũi. Đặc biệt tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi đạt thấp trong những năm trước đây, những vùng có biến động dân cư cao. Cùng ngày Phó Giám đốc BV Nhi trung ương (Hà Nội) Phạm Nhật An, cho biết số bệnh nhân nhập viện vì phát ban dạng sởi tiếp tục tăng lên. Đến nay tại BV Nhi TƯ đã có hơn 160 trường hợp nhập viện, trong đó nhiều trẻ có biến chứng viêm phổi suy hô hấp phải thở máy, có năm trẻ đã tử vong. Như vậy đã có sáu trẻ tử vong vì bệnh sởi đến thời điểm này. Theo các bác sĩ, tuy sởi là bệnh lành tính, nhưng người dân không nên chủ quan, bởi biến chứng sau sởi rất nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt; thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Giao thông vận tải Phẫu thuật miễn phí cho trẻ dị tật môi, hở hàm ếch Theo thông báo của Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười Việt Nam (Operation Smile Vietnam), từ ngày 23-26/2, tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM sẽ tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị dị tật khe hở môi, hàm ếch đang sinh sống tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Tiêu chuẩn để phẫu thuật đối với trẻ bị dị tật khe hở môi là tối thiểu 6 tháng tuổi và đạt cân nặng 8kg trở lên, trẻ bị dị tật khe hở vòm miệng là tối thiểu 18 tháng tuổi và có cân nặng 12kg trở lên; Không có bệnh lý tim mạch bẩm sinh hoặc viêm nhiễm đường hô hấp trong thời gian tới khám. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật, thuốc, các chi phí về y tế khác và được hỗ trợ một phần chi phí đi lại, ăn uống trong thời gian lưu viện. Bệnh nhân có thể liên hệ tới Văn phòng Operation Smile Vietnam tại TP HCM (08).2222 1008 và tại Hà Nội (04) 39365426, hoặc đường dây nóng: 0904.885555 để được tư vấn. Tuổi trẻ Hơn 50 triệu đồng trang bị phòng chơi cho bệnh nhi ung thư Trường British International vừa gửi về chương trình “Ước mơ của Thúy” - báoTuổi Trẻhơn 50 triệu đồng do học sinh trường tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ, đóng góp trong hơn một tháng. Toàn bộ số tiền này được dùng để thực hiện tủ sách, trang thiết bị phòng sinh hoạt chung chăm sóc tinh thần cho khu nhi khoa nội ung bướu vệ tinh Bệnh viện Ung bướu tại Q.2, TP.HCM. Học sinh Trường British International còn đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện chăm sóc tinh thần cho bệnh nhi ung thư một tuần/buổi tại Q.2 trong sáu tháng của năm 2014. Chương trình “Ước mơ của Thúy” mời bạn đọc cùng ủng hộ sách, truyện thiếu nhi cho tủ sách khoa nội ung bướu vệ tinh Bệnh viện Ung bướu. Thời gian tiếp nhận từ 8g-11g30 ngày 23-2-2014 tại báoTuổi Trẻ(60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Tiếp nhận sách, truyện tại nhà: liên hệ tình nguyện viên Tiến, ĐT: 01264166329.
|