|
Giun chỉ Loa Loa được phát hiện ở mắt người phụ nữ sau kiểm tra tại bệnh viện |
Giun chỉ Loa Loa sống ký sinh trong mắt người
Vừa qua, từ địa chỉ MyGenericCleverName trên trang mạng xã hội Reddit đã đăng tải thông tin người phụ nữ vào bệnh viện ở châu Á do sau một thời gian dài cảm thấy khó chịu ở mắt, đồng thời nghi ngờ một sinh lạ xuất hiện ở trong mắt có thể là một con giun để kiểm tra. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã khám phát hiện và xác định đây là loại giun chỉ Loa Loa nên tiến hành phẫu thuật gắp bỏ. Cần quan tâm đến loại ký sinh trùng bị lãng quên này. Đặc điểm của giun chỉ Loa Loa Loa Loa là một loại giun chỉ gây bệnh phân bố chủ yếu ở vùng nông thôn Trung Phi, đặc biệt là các nước vùng vịnh Guinea. Tỷ lệ nhiễm giun chỉ Loa Loa ở vùng này chiếm tỷ lệ khá cao từ 35 đến 90% dân số và các nhà khoa học ước tính tổng số bị nhiễm giun chỉ Loa Loa trên thế giới có thể chiếm khoảng 13 triệu người. Kích thước của giun trưởng thành khác nhau, giun đực có chiều dài từ 25 đến 35mm, bề ngang 0,3mm; giun cái có chiều dài từ 50 đến 70mm, bề ngang 0,5mm. Ấu trùng giun có chiều dài từ 250 đến 300µm, bề ngang từ 6 đến 8µm. Loại giun chỉ này sống ký sinh trong mô dưới da của người và một số động vật . Vật chủ chính là người, khỉ, đười ươi; vật chủ trung gian truyền bệnh là loại ruồi hút máu Chrysops, có địa phương gọi là mòng gồm Chrysops dimidiata, Chrysops silacea. Những loài ruồi hay mòng này chỉ hoạt động hút máu vào ban ngày với giờ hoạt động cao điểm từ 10 giờ đến 13 giờ. Giun chỉ Loa Loa trưởng thành di chuyển rất nhanh trong mô tế bào dưới da và rất ưa thích đến mắt; đồng thời có thể sống ký sinh trong cơ thể người từ 15 đến 20 năm. | Ruồi hay mòng Chrysops hút máu người truyền bệnh giun chỉ Loa Loa (ảnh internet) |
Chu kỳ phát triển của loại giun chỉ Loa Loa này đòi hỏi phải trải qua hai vật chủ. Người hay khỉ, đười ươi là vật chủ vĩnh viễn; trung gian truyền bệnh là muỗi hay mòng hút máu Chrysops cái, chúng hút máu người vào lúc trời nóng. Giun cái đẻ ra ấu trùng trong mô tế bào dưới da. Ấu trùng chui qua mạch bạch huyết rồi xâm nhập vào máu và xuất hiện trong máu ngoại vi ở thời điểm ban ngày, nhiều nhất là lúc giữa trưa. Ấu trùng giun phát triển trở thành dạng gây nhiễm khi được ruồi hay mòng Chrysops hút vào xoang bụng rồi sau đó tập trung ở màng vòi. Khi ruồi hay mòng chích đốt máu người, ấu trùng giun thoát khỏi màng vòi để xâm nhập chui vào da người. Ấu trùng giun vào đến vị trí dưới da sẽ phát triển thành giun trưởng thành trong vòng 3 tháng. | Chu kỳ phát triển của giun chỉ Loa Loa (ảnh internet) |
Triệu chứng bệnh lý, chẩn đoán và điều trị Khi giun chỉ Loa Loa xâm nhập vào người sẽ gây nên những triệu chứng bệnh lý lâm sàng khác nhau như gây phù nề Calabar hay gây rối loạn ở mắt. Phù nề Calabar là một biểu hiện phù nề ở một vài mảng da rộng chừng vài centimét, không đau, chóng biến mất đi, di động; hay gặp ở trên mặt, mu bàn tay, ngón tay. Hiện tượng phù nề này thường kèm theo ngứa ngáy, khó chịu. Xét nghiệm máu có thể thấy bạch cầu ái toan tăng cao, một số trường hợp có thể chiếm đến 80%. Rối loạn ở mắt gây nên khi giun trưởng thành di chuyển dưới kết mạc mắt, tạo ra hiện tượng dị ứng và viêm kết mạc mắt, phù nề kết mạc mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng... Đôi khi giun chỉ di chuyển dưới niêm mạc miệng, gây viêm màng não, vêm màng trong tim, rối loạn thần kinh và có thể đe dọa đến tính mạng. Chẩn đoán xác định bệnh bằng xét nghiệm tìm ấu trùng giun chỉ trong máu ngoại vi vào buổi trưa với kỹ thuật làm lam máu giọt mỏng và giọt dày, nhuộm lam máu với phương pháp May-Grunwald-Giemsa và soi dưới kính hiển vi. Một số trường hợp soi máu tươi có thể phát hiện được ấu trùng giun di chuyển. Nếu gặp bệnh nhân có ít ấu trùng giun hoặc chưa phát hiện thấy, có thể dùng phương pháp phong phú như ly giải khoảng 3ml máu rồi ly tâm, tìm ấu trùng giun trong phần cặn lắng. Ngoài ra, cũng có thể dùng các phản ứng miễn dịch học để chẩn đoán. Theo các nhà khoa học, việc điều trị bệnh giun chỉ Loa Loa cũng giống như điều trị giun chỉ bạch huyết; sử dụng thuốc DEC (diethylcarbamazine) kết hợp với các thuốc chống dị ứng và corticoides. Khi điều trị, cần đề phòng sốc phản vệ do phản ứng của cơ thể trước một khối lượng lớn ấu trùng giun bị ly giải trong quá trình chữa trị. Nếu phát hiện thấy giun chỉ ký sinh như đối với trường hợp người phụ nữ nêu trên phải dùng phẫu thuật gắp bỏ đi.
|