|
Bộ phận kiểm tra kỹ thuật lam máu xét nghiệm sốt rét ở tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh NVH) |
Câu chuyện kiểm tra kỹ thuật phát hiện nhân bản xét nghiệm
Từ việc nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã được ngành y tế và dư luận xã hội quan tâm. Nhìn lại quá trình công tác thanh toán sốt rét thực hiện vào thập kỷ những năm 70, 80 tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên; chính nhờ công tác kiểm tra kỹ thuật lam máu xét nghiệm ở tuyến dưới theo quy định nên tuyến trên đã phát hiện những sai sót, trong đó có cả vấn đề nhân bản xét nghiệm để báo cáo chuyên môn. Xin chia sẻ để rút ra kinh nghiệm từ bài học này. Mặc dù câu chuyện xảy ra khá lâu vào thập kỹ những năm 70, 80 khi tôi còn công tác tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn nhưng trong ký ức không thể nào quên và được xem là bài học kinh nghiệm để thực kiện nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát công việc khi đảm nhận vai trò, vị trí lãnh đạo, quản lý đơn vị của mình. Từ thời điểm đó cho đến tận cả bây giờ, quy trình công tác chuyên môn quy định hệ thống chuyên khoa phải thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật xét nghiệm lam máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét ở các tuyến. Bộ phận kỹ thuật chuyên khoa sốt rét tuyến trên phải có trách nhiệm kiểm tra lam máu xét nghiệm ở tuyến dưới như y tế xã, phường, thị trấn phải gửi lam máu kiểm tra lên tuyến huyện, thị xã, thành phố; y tế huyện, thị xã, thành phố phải gửi lam máu kiểm tra lên tuyến tỉnh và y tế tỉnh phải gửi lam máu kiểm tra lên tuyến trung ương ở viện. Chế độ gửi lam máu xét nghiệm kiểm tra kỹ thuật ở tuyến dưới lên tuyến trên theo quy định là 100% lam máu dương tính và 5% lam máu âm tính trên tổng số lam máu xét nghiệm định kỳ được thực hiện tại cơ sở. Việc kiểm tra kỹ thuật xét nghiệm lam máu có mục đích phát hiện những sai sót ở tuyến dưới nhằm kịp thời giúp đỡ, uốn nắn; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại cho các xét nghiệm viên trung bình và yếu kém nhằm nâng cao chất lượng công tác ở các tuyến. Cũng chính nhờ công tác kiểm tra kỹ thuật trong thời gian này mà tuyến trên đã phát hiện việc nhân bản sai trái lam máu xét nghiệm của tuyến dưới trong báo cáo kết quả chuyên môn. Với cơ chế bao cấp trong giai đoạn đời sống cán bộ, nhân viên y tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng hiện tượng tiêu cực về mặt kinh tế trong trường hợp này hầu như không ai nghĩ đến mà chủ yếu chỉ là để đối phó với công tác chuyên môn. | Xét nghiệm viên được đào tạo tại Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn trong buổi thi tốt nghiệp (ảnh tư liệu impe-qn) |
Câu chuyện thứ nhất xảy ra ở Tây Nguyên Một bệnh viện thuộc tỉnh Gia Lai Kon Tum cũ trước khi chia tách tỉnh mới chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt rét với nguồn thuốc được cung cấp hoàn toàn miễn phí từ hệ thống chuyên khoa trạm sốt rét tỉnh (nay là trung tâm phòng chống sốt rét). Để thanh quyết toán cụ thể số lượng thuốc sốt rét được cấp cho bệnh viện điều trị bệnh nhân, trạm sốt rét tỉnh quy định chế độ quản lý liều thuốc sử dụng được thực hiện bằng cách phải báo cáo kèm theo lam máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét dương tính. Nhằm đối phó với yêu cầu bắt buộc thanh toán liều thuốc đã sử dụng, đồng thời vận dụng để bệnh viện chủ động có nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân; các khoa có liên quan chỉ đạo cho xét nghiệm viên lấy máu tĩnh mạch của một người bệnh có kết quả ký sinh trùng sốt rét dương tính để nhân bản ra nhiều lam máu gửi báo cáo trạm sốt rét tỉnh nhằm quyết toán và tiếp nhận thêm nguồn thuốc sốt rét. Do chủ quan nên trạm sốt rét tỉnh chỉ sơ bộ kiểm tra kỹ thuật lam máu xét nghiệm của bệnh viện như quy trình thông thường, ghi nhận kết quả kiểm tra, đồng thời chuyển toàn bộ số lam máu dương tính lên tuyến trung ương là Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn với nhận xét là số bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét có dấu hiệu gia tăng. Khi tiếp nhận số lam máu xét nghiệm kèm theo nhận xét của tỉnh Gia Lai Kon Tum, bộ phận kiểm tra kỹ thuật của viện tiến hành nhiệm vụ theo quy định. Các xét nghiệm viên phát hiện một số dấu hiệu bất thường như trong loạt lam máu dương tính ghi nhận lam kính lấy máu là loại lam còn mới sử dụng lần đầu tiên, giọt máu nhuộm giemsa có độ bắt màu giống nhau, hầu hết lam máu đều có kết quả nhiễm chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falcipam, hiện diện cùng thể loại tư dưỡng trẻ và giao bào, mật độ ký sinh cũng đều ++... Tình hình này được báo cáo cho lãnh đạo khoa và viện xem xét, đồng thời cử đoàn công tác đến làm việc tại bệnh viện địa phương kiểm tra. Sự thật về việc nhân bản xét nghiệm lam máu xét nghiệm được xác định và lãnh đạo bệnh viện đã thi hành kỷ luật tập thể, cá nhân có liên quan trong việc làm sai trái này. Mặc dù trường hợp xảy ra không tiêu cực về mặt kinh tế nhưng gây hậu quả không trung thực về mặt chuyên môn do đơn giản chỉ nghĩ đến việc thanh quyết toán số lượng thuốc sử dụng và chủ động có nguồn thuốc dự trữ cho bệnh viện để điều trị khi tiếp nhận số bệnh nhân quá nhiều. Việc nhân bản lam máu xét nghiệm sốt rét ở đây đã vi phạm quy trình công tác được phát hiện nhờ hệ thống kiểm tra kỹ thuật và hành chính, đây là một bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương. Câu chuyện thứ hai xảy ra ở miền Trung Một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cũ trước khi chia tách tỉnh mới đã có nhiều thành tích trong công tác thanh toán sốt rét lúc bấy giờ được đề nghị Bộ Y tế tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Khi thủ tục đang tiến hành thì trạm sốt rét tỉnh phát hiện địa phương huyện không trung thực trong việc báo cáo kết quả lam máu phát hiện sốt rét tại cơ sở. Thời điểm này, để đánh giá hoạt động trong việc phát hiện bệnh, chỉ tiêu thực hiện lam máu xét nghiệm hàng tháng được giao cho các cơ sở tuyến đầu với thuật ngữ gọi là lam xã tháng, có nghĩa là mỗi tháng trạm y tế xã phải lấy đủ số lam máu phát hiện bệnh được giao chỉ tiêu. Số lam máu phát hiện bệnh phải lấy từ những đối tượng có nghi ngờ mắc bệnh sốt rét ở xã gửi lên tuyến trên có kính hiển vi để xét nghiệm và trả lời kết quả. Do chạy theo chỉ tiêu công tác và kết quả thành tích, một xã miền núi khó khăn của huyện đã có sáng kiến lấy máu gà thay cho máu người để thực hiện và nhân bản lam máu gà bảo đảm đủ số lượng chỉ tiêu bắt buộc gửi lên tuyến trên. Số lam máu lấy từ máu gà đã qua mắt tuyến huyện do sơ hở trong việc quản lý chuyên môn; chúng chỉ được phát hiện khi loạt lam máu này chuyển lên tuyến tỉnh. Các xét nghiệm viên kiểm tra kỹ thuật ở trạm sốt rét tỉnh dễ dàng phát hiện lam máu tuyến dưới gửi lên có số lam máu được lấy từ máu gà, không phải máu người vì tế bào hồng cầu gà và hồng cầu người có những nét khác biệt rất cơ bản. Trong quá trình đào tạo, xét nghiệm viên đều được học môn huyết học, học và thực hành soi tiêu bản máu của một số loại động vật để phân biệt với máu người nên việc làm sai trái ở tuyến dưới khi lấy máu động vật thay cho máu người được phát hiện khá dễ dàng qua quan sát hình thể của hồng cầu máu. Công việc bại lộ vì cơ sở không trung thực do chạy theo chỉ tiêu và thành tích công tác, một xã bị khuyết điểm đã làm cho huyện bị ảnh hưởng; vì vậy nhân viên y tế xã bị thi hành kỷ luật, cờ đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ Y tế không còn đến với đơn vị mặc dù y tế huyện đã có nhiều nổ lực, cố gắng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tại địa phương. Việc nhân bản xét nghiệm không trung thực trong trường hợp này cũng không vì mục đích tiêu cực về mặt kinh tế mà chỉ vì chạy theo chỉ tiêu công tác, thành tích thi đua nên bị mắc phải. Dù sao đây cũng là một bài học kinh nghiệm về chế độ kiểm tra kỹ thuật phát hiện nhân bản xét nghiệm mà bệnh phẩm được lấy từ động vật. Ngày nay công tác xét nghiệm cận lâm sàng tại các cơ sở y tế được thực hiện bằng những kỹ thuật, trang thiết bị, máy móc, hóa chất... khá hiện đại và phổ biến do sự phát triển của nền khoa học tiên tiến. Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra thời gian qua tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội gây xôn xao dư luận, tạo nên tiếng chuông cảnh báo về hiện tượng tiêu cực, sai trái này trong xã hội đã được xử lý theo pháp luật. Câu chuyện nhân bản lam máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét ở cơ sở nêu ở trên mặc dù đã qua đi khá lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ ràng, mong được chia sẻ trên diễn đàn y khoa như một bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát, kiểm tra của tuyến trên đối với tuyến dưới.
|