|
PGS.TS. Nguyễn Văn Chương tận tâm, nhiệt tình với công việc để góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân |
TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chương: người thầy thuốc nhân dân phải phục vụ nhân dân, vì nhân dân
Người thầy thuốc nhân dân, nhà giáo, nhà khoa học, người cán bộ y tế, một người thầy thuốc tận tụy, hết lòng vì công việc. Đó là những dòng tóm tắt ngắn gọn về TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển và các thành tựu của ngành ký sinh trùng ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà ai cũng quý mến, kính trọng.
Có lẽ, ông sinh ra là để làm công tác y học. Gắn bó cả cuộc đời cho ngành sốt rét, ký sinh trùng nói chung và với Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (IMPE-Quy Nhon) nói riêng. Ông đi lên từ cán bộ cơ sở, với tâm niệm “người thầy thuốc nhân dân phải phục vụ nhân dân, vì nhân dân” nên trong lĩnh vực nào cũng vậy, ở cương vị nào cũng vậy, từ công tác quản lý, giảng dạy, điều trị, nghiên cứu khoa học đến công tác đoàn thể… ông vẫn luôn luôn tận tâm, tận lực, tận trí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chương với danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân PGS.TS. Nguyễn Văn Chương xuất thân từ một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng; quê hương ông là một vùng đồng bằng chiêm trũng (xã Yên Phong, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Người cha, người chú, bản thân ông và em traiđều tham gia quân đội. Sau khi rời quân ngũ về học tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Ông đã được học tập và rèn luyện và trở thành Bác sĩ chuyên ngành Đa khoa Nội-Nhi vào năm 1989. Ông tâm sự: “Mình bao nhiêu năm sống ở trong môi trường quân đội tại Quân khu 5, sau về Hà Nội theo học ngành Y, rồi ra trường lại được nhận về công tác tại Phân viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phụ trách công tác phòng chống sốt rét và các bệnh ký sinh trùng-Côn trùng của 15 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. “Phải chăng mảnh đất miền Trung là cái duyên đối với mình?” Ông nhớ lại hồi mới đến làm việc tại đơn vị, ông được phân công nghiên cứu về các bệnh giun sán, một bệnh nhiều người mắc mà chưa được quan tâm. Rồi sau đó tiếp tục ông được chuyển về Phòng Dịch tễ chỉ đạo với đặc thù công việc giám sát, quản lý và chỉ đạo phòng chống sốt rét, ký sinh trùng ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Trong những năm 1989-1992 điều kiện công tác và cơ sở vật chất cũng như môi trường sinh hoạt, chỗ ăn ở... còn gặp rất nhiều khó khăn, dịch bệnh sốt rét xảy ra với hàng trăm người bị tử vong; bản thân ông cùng với các Bác sĩ một thời được nhận về như: BS Đồng, BS San, BS Hoàng…vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ tới những vùng sâu, vùng xa để nghiên cứu và chỉ đạo chống dịch.Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông cùng các anh em trong đơn vị động viên nhau cố gắng bám trụ để khởi nghiệp cho sự nghiệp thầy thuốc của mình. Nhớ lại thời ấy được TTND.BS.Bùi Đình Bái, Phân Viện trưởng, các cán bộ bậc đàn anh giúp đỡ hỗ trợ, động viên, Ông và các đồng nghiệp luôn thể hiện với lòng say mê khoa học, không tính toán vụ lợi, vẫn vô tư học tập rèn luyện, lăn lộn ở thực địa với những chuyến công tác dài ngày, với phụ cấp đồng lương ít ỏi. Mỗi chuyến xe đò chen chúc với ba lô quần áo, dụng cụ, thuốc men cứ lên đường ngược xuôi các tỉnh để nghiên cứu, giám sát, chỉ đạo, khám bệnh phát thuốc cho người dân. Ông nói càng nghĩ, càng nhớ lại những kỷ niệm một thời mới thấy được giá trị nhân văn của nó. PGS.TS. Nguyễn Văn Chương khám chữa bệnh cho người dân tại thực địa
PGS.TS. Nguyễn Văn Chương khám chữa bệnh cho người dân tại Phòng khám Viện
Vào năm 2000, ông chuyển về làm Trưởng khoa Ký sinh trùng, đảm nhận một công việc rất khó khăn là nghiên cứu phòng chống các bệnh ký sinh trùng- một bệnh rất nhiều đối tượng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng chưa được quan tâm, và không được đầu tư về kinh phí. Như chúng ta đã biết khu vực miền Trung-Tây Nguyên không những chỉ là cái nôi của bệnh sốt rét mà còn là nơi có bệnh giun sán lưu hành với các chủng loại hết sức đa dạng, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Những nghiên cứu đầu tiên của ông là phát hiện ra một ổ bệnh sán lá gan nhỏ ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên với một loài mới Opisthorchis viverrini, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam; rồi những điều tra sự phân bố các bệnh giun sán ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên; trên cở sở này xây dựng các biện pháp can thiệp như Dự án phòng chống các bệnh giun truyền qua đất cho học sinh tiểu học; dự án phòng chống các bệnh sán lá truyền qua thức ăn.Một mốc quan trọng tiếp theo là vào những năm 2003-2004, tình hình diễn biến bệnh sán lá gan lớn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên diễn biến khá phức tạp; nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh phải vào thành phố Hồ Chí Minh để chẩn đoán và điều trị tốn kém. Ông đã xây dựng đề tài cấp Bộ: “ Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh sán lá gan lớn ở 2 tỉnh miền Trung”; rồi tiếp ngay đề tài cấp Bộ: “ Kỹ thuật chẩn đoán và thử nghiệm biện pháp can thiệp bệnh lá gan lớn ở 2 điểm khu vực miền Trung”. Kết quả nghiên cứu của 2 đề tài đã xác định loài sán lá gan lớn ký sinh ở người và động vật là loài Fasciola gigantica; các yếu tố nguy cơ gây bệnh là do ăn rau sống thuỷ sinh có ấu trùng chưa nấu chín như rau ngổ, rau cải xoong... Đồng thời đưa ra tiêu chí chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn và hiệu quả điều trị của thuốc Triclabendazole (Egaten 250mg) trong điều trị bệnh sán lá gan lớn ở người. Những nghiên cứu này làm cơ sở để Bộ Y tế đưa ra tiêu chí chẩn đoán và phác đồ điều trị sán lá gan lớn ở người và là cơ sở khoa học để nhập thuốc điều trị Egaten vào thị trường Việt Nam. Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ông đã chủ nhiệm 4 đề tài cấp Bộ và 6 đề tài cấp cơ sở và tham gia nhiều đề tài khác cùng các đồng nghiệp. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng khoa học –công nghệ của Viện, hàng năm chủ trì duyệt và nghiệm thu hàng chục đề tài cơ sở có giá trị thực tiễn, đặc biệt tổ chức sinh hoạt khoa học bằng tiếng Anh mỗi quý một lần. Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được ứng dụng trong công tác khám và điều trị một cách thiết thực. Một trong những Viện làm công tác dự phòng có phòng Khám hoạt động hiệu quả, được Bộ Y tế đánh giá rất cao: khám và điều trị các bệnh ký sinh trùng được nhiều người tìm đến là Phòng khám chuyên khoa của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn hôm nay. Có được những thành quả này phải nói là công lao của PGS.TS Triệu Nguyên Trung, Nguyên Viện trưởng và PGS.TS Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng. Nhớ lại vào những năm 2004-2006, bệnh sán lá gan lớn được coi là vấn đề thời sự, nhiều báo chí đã đưa tin về sự nguy hiểm của bệnh cũng như báo động về tình trạng nhiễm bệnh của người dân. Một lần nữa, Ông lại được phân công ngoài chức Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng khám chuyên khoa của Viện để thu dung bệnh nhân điều trị nghiên cứu. Những nghiên cứu về thuốc điều trị của ông được áp dụng thử nghiệm hiệu quả đã mang lại sự vui mừng cho nhiều bệnh nhân và ngày nay Phòng khám bệnh chuyên khoa của Viện ngày càng phát triển và có thương hiệu trong lòng người dân. Hiện nay, Phòng khám bệnh chuyên khoa luôn được ông quan tâm, chỉ đạo và thực hiện tốt y đức của người Thầy thuốc, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ Y tế với người bệnh mà Bộ Y tế đã ban hành. Trong công việc, PGS.TS. Nguyễn Văn Chương tận tâm, nhiệt tình với công việc để góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và đã được các cấp chính quyền, y tế cơ sở cũng như người dân quý mến, thương yêu. Sự chịu khó, chịu khổ; tính bình dị, gần gũi cộng đồng đã giúp PGS.TS. Nguyễn Văn Chương vượt qua những gian lao, vất vả với nhiều điều kiện khó khăn trong công tác, trong sinh hoạt tại địa phương để hoàn thành mọi nhiệm vụ. PGS.TS. Nguyễn Văn Chương tận tâm, nhiệt tình với công việc để góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân Không dừng lại ở đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Chương đã không ngừng thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ có giá trị, khiêm tốn học tập ứng dụng những thành tựu y học trong hợp tác quốc tế để phục vụ công tác, tham gia đào tạo cán bộ Đại học và Sau đại học tại Viện và các trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Hà Nội, Học Viện Quân Y, Đại học Tây Nguyên, Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương. Ông đã hướng dẫn 5 Thạc sỹ và 1 Tiến sỹ và đang tiếp tục hướng dẫn 3 học viên cao học về chuyên ngành ký sinh trùng. Khi nói về ông các học sinh Trung cấp, Đại học và Sau Đại học đều chung một nhận xét: người Thầy tận tụy với công việc, cởi mở và luôn giúp đỡ học sinh với một tấm lòng chân thực, đáng quý. Năm 2012, ông được Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng, với đức tính khiêm tốn, cần cù và vì tập thể, ông tiếp bước các đồng chí lãnh đạo xây dựng đơn vị đoàn kết, phát triển, kết nối các khoa/phòng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, công đoàn, phụ nữ, Đoàn thanh niên thành một khối đoàn kết thực sự, cùng có trách nhiệm xây dựng một Viện trực thuộc Bộ Y tế, đoàn kết gắn bó, thủy chung, nhân hậu và phát triển
PGS.TS. Nguyễn Văn Chương tham gia đào tạo cán bộ Đại học và Sau đại học tại Viện và các trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Hà Nội, Học Viện Quân Y, Đại học Tây Nguyên, Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương Không những thế, PGS.TS. Nguyễn Văn Chương còn kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Công đoàn 17 năm (qua 6 nhiệm kỳ từ 1993 đến 2010). Có thể nói không một người cán bộ nào được đoàn viên công đoàn tín nhiệm, rồi 3 đời Viện trưởng giao trọng trách kiêm nhiệm lãnh đạo tổ chức Công đoàn. Chừng ấy thôi chúng ta cũng thấy được cái tâm, cái thiện và cái tình người vì tập thể của con người ông. Dù làm lãnh đạo nhưng dù ở cương vị nào,PGS.TS. Nguyễn Văn Chương vẫn mang tính bình dị, đơn giản, gần gũi anh em, quan tâm đến mọi người là cộng sự trong công tác của mình. Ông cùng cán bộ của Viện “cháy” hết mình với công tác: chức năng, nhiệm vụ chính của Viện là nghiên cứu khoa học, chỉ đạo chuyên khoa về bệnh ký sinh trùng truyền bệnh và các biện pháp phòng chống tại 11 tỉnh ven biển miền Trung và 4 tỉnh Tây Nguyên. Những đóng góp của ông đã góp phần tích cực tạo nên danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới của Viện, và đã cùng Viện nhận rất nhiều danh hiệu cao quý do nhà nước trao tặng như: Cờ Thi đua Chính phủ; Huân chương Độc lập; Huân chương lao động…Nhưng khi nói về những thành tựu mà Viện đạt được, ông luôn nói đó là công sức của tập thể cán bộ viên chức Viện và của các đời lãnh đạo tiền nhiệm; còn ông chỉ làm công tác quản lý, cố gắng tạo dựng mô hình quản lý phù hợp, phân công đúng người đúng việc. Đặc biệt là việc dám nghĩ dám làm trong phát triển các hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh, phòng chống mối mọt và côn trùng truyền bệnh, phát triển các labo đạt tiêu chuẩn ISO… nhờ đó đã góp phần tích cực làm cho nguồn thu của cơ quan ngày càng ổn định, đời sống cán bộ viên chức ngày càng được nâng cao, mang lại hướng đi cho sự phát triển Viện trong quá trình đổi mới. Không những thế, PGS.TS.Nguyễn Văn Chương là người luôn hết mình vì công tác công đoàn. Biết bao phong trào thi đua yêu nước, phong trào văn nghệ thể dục thể thao đều có ghi dấu ấn của ông trước là Chủ tịch công đoàn và nay là Viện trưởng. Ông luôn quan tâm đến đoàn viên công đoàn, đến sức khỏe, điều kiện làm việc, đến môi trường xanh sạch đẹp, đến học tập nâng cao, đến đời sống cán bộ và người lao động, đến việc làm từ thiện cho xã hội. Đội ngũ cán bộ viên chức chúng tôi thấy được ởông là một người lãnh đạo nhân hậu, quần chúng, tác phong lại mang tính quân đội: nghiêm túc, đúng giờ và hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huy hiệu: “ Thầy thuốc Nhân dân” cho PGS.TS Nguyễn Văn Chương
Thứ trưởng Nguyễn Thành Long trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởngcho PGS. TS. Nguyễn Văn Chương năm 2012
PGS.TS. Nguyễn Văn Chương đã trưởng thành và vươn lên từ sự khốn khó bằng quyết tâm và nghị lực bền vững của mình trong bản chất của một người thầy thuốc tận tụy, say mê vì công việc khoa học và y học; vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ông xứng đáng được Nhà nước vinh danh: Thầy thuốc Nhân dân và tặng thưởng danh hiệu: Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2012; Huân Chương Lao động hạng III năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2013; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2003 và 2007; Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, năm 2010; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn, năm 2009;Danh hiệu lao động sáng tạo ngành y tế năm 2012. Đặc biệt vinh dự hơn hết, ông được được Nhà nước trao tặng chức danh Phó giáo sư trong năm 2014. PGS.TS Nguyễn Văn Chương-Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn vinh dự nhận chức danh phó giáo sư năm 2014
Trong suốt chặng đường gần 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mà còn được biết đến là Viện dẫn đầu trong cả nước về công tác phòng chữa bệnh sốt rét và các bệnh về ký sinh trùng, nổi tiếng trong khu vực và quốc tế về điều trị bệnh sán lá gan lớn; các bệnh ký sinh trùng.
Năm 2014, tuy sự khó khăn của nền kinh tế thị trường và của ngành Y tế, nhưng Ông đã cùng Ban giám đốc, cán bộ viên chức của Viện đồng lòng, đồng sức cùng với Bộ Y tế hoàn thành sơ sở Viện mới khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho cán bọ viên chức. Bên cạnh đó cơ sở cũ của Viện được chỉnh trang tiếp tục phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và đào tạo mở rộng đa ngành để cung ứng nhân lực cho ngành y tế Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng. Với các La bô xét nghiệm hiện đại đạt chuẩn ISO, đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã được Bộ Y tế đánh giá cao trong công tác dự phòng và điều trị bệnh, người dân được hưởng lợi về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trong nhiều năm qua. Trong tương lai Viện tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển xứng tầm với Viện Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế sẵn sàng đảm nhận nghiên cứu, chỉ đạo và ứng cứu dịch bệnh tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên
|